Category Archives: Nổi bật

Dẫn nhập vào lịch sử xã hội và mỹ học tác động

Sự quan tâm mới đây đối với người đọc (người tiếp nhận, người nhận và người tiêu dùng), sự chú ý ngày càng tăng đối với các tiến trình giao tiếp văn học và sự chuyển hướng từ mỹ học thể hiện sang mỹ học tiếp nhận (những tiến trình diễn ra ở Tây Đức và Đông Đức gần như cùng đồng thời) dựa trên một phức hợp các nguyên nhân – mang tính chất khoa học luận cũng như tư tưởng và lịch sử xã hội. Trên cơ sở những động cơ khác nhau nên cũng khó nói là những định hướng mục tiêu nghiên cứu tiếp nhận là thống nhất với nhau. Tuy vậy, đối với những trào lưu khác nhau này cái chung là sự xóa bỏ khái niệm tác phẩm cổ truyền như nó từng được lấy làm cơ sở cho giải thích học truyền thống, kể cả lý thuyết văn học mácxit và lý thuyết phê phán. Dù cho những mô hình và nguyên lý được phát họa cho đến nay vẫn tồn tại bên nhau một cách rời rạc hoặc thậm chí mâu thuẫn nhau: chúng cần được xem là những lối tiếp cận và những kiến nghị giải pháp tìm cách vượt lên trên khái niệm văn học quen thuộc.

Quan sát nghiên cứu tiền thẩm mỹ về tác phẩm nghệ thuật văn học

Thông thường trong việc thực hiện một sự cụ thể hóa một tác phẩm văn học có một số chỗ không xác định sẽ được xóa bỏ bằng việc lấp đầy một cách cụ thể hoặc chí ít sẽ được giới hạn ranh giới sự biến đổi của những cách lấp đầy có thể có. Mỗi một sự lấp dầy như vậy là sự bổ sung những cái xác định rõ ràng, xác thực cho tác phẩm, chủ yếu là ở lớp những đối tượng được mô tả 1. Sự bổ sung này có thể không có ý nghĩa gì về mặt nghệ thuật, nghĩa là không có ý nghĩa đối với việc tạo nên những chất lượng quan trọng về mặt thẩm mỹ. Như thế thì tất nhiên nó chẳng có hại gì, song từ quan điểm này thì nó không cần thiết.

Lịch sử tiếp nhận các tác phẩm văn học

Chúng ta đã đặt tác phẩm văn học vào trung tâm của việc nghiên cứu lịch sử văn học và đã theo dõi những khả năng nghiên cứu nó từ điểm nhìn của sự phát triển cấu trúc văn học và từ điểm nhìn của sự hình thành của nó. Giờ đây chúng ta đi vào nhiệm vụ chính thứ ba của việc nghiên cứu lịch sử văn học. Mỹ học cấu trúc quan niệm tác phẩm văn học là ký hiệu thẩm mỹ được xác định dành cho công chúng. Như vậy chúng ta phải thường xuyên không được rời mắt khỏi chẳng những sự tồn tại của nó mà còn cả sự tiếp nhận nó nữa; chúng ta phải lưu ý là nó được cộng đồng người đọc lĩnh hội, lý giải và đánh giá. Chỉ khi tác phẩm được đọc thì nó mới được hiện thực hoá về mặt thẩm mỹ, chỉ với điều đó nó mới trở thành đối tượng thẩm mỹ trong ý thức của người đọc. Tuy nhiên gắn chặt với sự lĩnh hội thẩm mỹ là sự đánh giá. Tiền đề của sự đánh giá là các chuẩn mực đánh giá, nhưng những chuẩn mực này lại không ổn định, cho nên giá trị của một tác phẩm từ quan điểm của những nguồn gốc lịch sử không phải là những đại lượng cố định và không biến đổi. Chính vì các quy chuẩn và các giá trị văn học luôn luôn biến đổi trong sự phát triển lịch sử nên nhiệm vụ đương nhiên của khoa học lịch sử là phải nắm bắt những sự biến đổi này.

Tác giả, tác phẩm, độc giả trong thị trường văn học

Bài viết này đặt vấn đề tìm hiểu về ba thành tố cơ bản của văn học được nêu ở đầu đề và về các mối quan hệ qua lại giữa chúng trong cơ chế kinh tế thị trường thông qua những nhận xét chung và những thí dụ từ thực tiễn văn học Việt Nam. Ba thành tố này luôn hiện diện ở mỗi nền văn học. Không có tác giả, không có người sáng tác văn học thì không thể có tác phẩm văn học, do vậy cũng không có người đọc văn học. Các thành tố của mối quan hệ này gắn bó chặt chẽ với nhau, tác động vào nhau; bỏ đi một thành tố nào sẽ không thể có một nền văn học thực sự hoàn chỉnh. Đó là một thực tế dễ nhận thấy. Và một thực tế nữa cũng dễ nhận thấy. Thực tế đó là tính chất của các thời kỳ văn học luôn có một số đặc điểm khác nhau và không phải chỉ do bản thân văn học mà là do một cái gì đó ở ngoài văn học, bao trùm lên nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực văn học. Nó thuộc về xã hội, về tính chất của xã hội, thuộc về lịch sử của sự phát triển của xã hội.

Quan hệ văn học – hiện thực và vấn đề tác động, tiếp nhận và giao tiếp thẩm mỹ

Trong nhận thức lý luận văn học hiện nay của chúng ta, nói đến mối quan hệ văn học – hiện thực được người ta hiểu là nói đến mối quan hệ phản ánh. Đây là một nhận thức lý luận mà cho đến nay là rất cơ bản và quan trọng về văn học. Đương nhiên người ta không thể cho rằng quan niệm về tính chất phản ánh của văn học chỉ có ở lý luận văn học Mác – Lê-nin, rằng đó là đặc quyền của nó. Trên thực tế thì không hiếm những quan niệm văn học khác đã và vẫn đang coi văn học là sự phản ánh hiện thực khách quan. Chúng ta chỉ cần nhớ đến ý kiến của Xtenđan về tấm gương phản chiếu, hay nói chung nhớ đến lý luận về chủ nghĩa hiện thực. Nhưng cũng rất thực tế là tư tưởng phản ánh là một tư tưởng rất trọng yếu của lý luận văn học mácxít – lêninnít và từ trước đến nay vẫn được coi là vấn đề trung tâm của lý luận văn học này.

Nhà văn, bạn đọc và hàng hóa sách hay văn học và sự dị trị

Trong công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước ta hiện nay, một loạt các vấn đề có liên quan đến văn học đang được đặt ra và tranh luận gay gắt. Một lĩnh vực ít người quan tâm hơn nhưng trên thực tế đang là vấn đề gây không ít phức tạp cho sáng tác văn học, đó là vấn đề nhu cầu văn học, nghệ thuật của công chúng ngày nay. Nhu cầu này đang tăng lên không ngừng, rất đa dạng và phức tạp. Đáp ứng hay không và đáp ứng như thế nào những nhu cầu này; chạy theo nó một cách cơ hội hay chống lại nó? Đến một lúc nào đó, theo tôi, đây sẽ là một vấn đề lý luận văn học cần bàn. Chúng ta không thể lẩn tránh được nó. Văn học sẽ không có tác dụng gì nếu nó được viết ra mà không được người đọc tiếp nhận. Mặt khác cố gắng chạy theo những nhu cầu nhất thời và phổ biến nào đó do thị trường môi giới có phải là hướng đi hoàn toàn đúng đắn? Có nhà văn đã ca ngợi cơ chế thị trường. Nhưng không ít kinh nghiệm của những nhà văn đã kinh qua nó cho ta thấy thái độ ngược lại cũng rất đáng quan tâm.

Hans Robert Jauss: Lịch sử văn học là lịch sử tiếp nhận

Lịch sử văn học là lịch sử tiếp nhận hay rõ hơn, trực tiếp hơn có thể nói theo cách của Haral Weinrich mà Jauss rất tán thành: “Lịch sử văn học của người đọc”(1). Đó là mục đích của những cố gắng lý luận của Jauss được đề ra trong công trình Lịch sử văn học như là sự thách thức khoa học văn học của ông mà chúng tôi trong một bài viết trước đây đã bắt đầu lưu ý đến(2). “Lịch sử văn học của người đọc” là phương thức để Jauss “đổi mới lịch sử văn học” (171)(3) nhằm đối đầu với những thách thức đang hiện diện của khoa học văn học, đối đầu với các lối viết “lịch sử văn học của tác giả”. Những luận điểm đầu của ông với nội dung xác lập những cơ sở chung cho việc xây dựng một mỹ học tiếp nhận hướng vào lịch sử văn học, hay một lịch sử văn học căn cứ trên mỹ học tiếp nhận đã được chúng tôi đề cập trong bài viết vừa được nhắc đến. Trong bài này, chúng tôi tiếp tục trình bày những luận điểm tiếp theo của Jauss, trong đó ông đề xuất những vấn đề, những phương thức cụ thể hơn cho lịch sử văn học “đổi mới” của ông.

Cuộc thi luận văn nghiên cứu văn học Nhật Bản – Giải thưởng Inoue Yasushi: Nguyễn Anh Tuấn giành Giải Nhất

(HNMO) – Sáng 5/4, tại Hà Nội, đã diễn ra Lễ trao giải Cuộc thi luận văn nghiên cứu văn học Nhật Bản – Giải thưởng Inoue Yasushi. Chương trình do Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam (The Japan Foundation) và Quỹ tưởng nhớ Inoue Yasushi (Inoue Yasushi Memorial Foundation) phối hợp tổ chức. Cuộc thi đã được phát động từ đầu tháng 11/2015 và đến 31/12/2015, BTC đã nhận được 31 bài luận văn đăng ký tham gia. Các tác giả tham gia cuộc thi không chỉ đang sống tại Việt Nam mà còn có sự tham gia của một số nhà nghiên cứu đang sống tại Nhật Bản đã cho thấy sự quan tâm của đông đảo các nhà nghiên cứu đối với văn học Nhật Bản. Các tác phẩm tham gia cuộc thi là những luận văn, bài nghiên cứu đã được công bố trong vòng 5 năm trở lại đây và cả những luận văn mới chưa được công bố.

Vấn đề tầm đón đợi và xác nhận tính nghệ thuật trong mỹ học tiếp nhận của Hans Robert Jauss

Từ hơn 20 năm nay, mỹ học tiếp nhận không còn là tên gọi xa lạ đối với các nhà lý luận và nghiên cứu văn học Việt Nam. Đã có hàng chục bài báo và tiểu luận khoa học trong đó có cả những công trình nghiên cứu được in thành sách đề cập đến nó mà chủ yếu mới chỉ có tính chất giới thiệu khái quát. Có thể thấy ở đây trong nhiều trường hợp mỹ học tiếp nhận hay lý thuyết tiếp nhận vẫn thường được đồng nhất với mỹ học tiếp nhận của Hans Robert Jauss(1), nhà lý luận văn học và nghiên cứu ngữ văn latinh ở trường đại học Konstanz.

Tác phẩm và công chúng – các loại công chúng

Mỗi một nhà văn khi viết đều có một công chúng trước mắt, và dù cho công chúng ấy là chính bản thân nhà văn. Một việc sẽ không được nói ra đầy đủ nếu nó không được nói cho một ai đó. Như chúng ta thấy, đó là cái ý nghĩa của sự thông tin. Nhưng người ta cũng có thể quả quyết rằng có những cái gì đó không thể nói với ai đó nếu trước tiên nó chưa được nói ra vì ai đó. Hai cái “ai đó” này không nhất thiết phải trùng nhau. Trường hợp cuối thậm chí còn hiếm nữa. Nói cách khác: một công chúng với tính cách là người đối thoại đã có ngay từ nguồn cội của sự sáng tạo văn học. Giữa sự sáng tạo và công chúng – mà sự công bố tác phẩm là nhằm đến đó – có thể xảy ra những sự trục trặc, những bất quan hệ to lớn.

Kỹ thuật mới của nghệ thuật sân khấu

Những người trẻ tuổi đến với sân khấu phần nhiều duy chỉ có nguyện vọng là được tận hưởng cuộc sống theo một cách thức đặc biệt, được bộc lộ sức mạnh cảm xúc của họ hay sự thanh lịch trang nhã của sự xuất hiện của họ trước mắt công chúng, nói tóm lại họ là một kiểu công chúng đã trở nên năng động, không còn thỏa mãn với việc từ hàng ghế khán giả nhập thân một cách đơn giản vào những số phận xa lạ và không còn muốn có được điều đó một cách gợi cảm. Để hiểu được tâm tính của những người trẻ tuổi thì ta hãy quan sát phim ảnh của thời đại chúng ta.