Dẫn nhập vào lịch sử xã hội và mỹ học tác động

Share Button
Peter Uwe Hohendahl (*) – Huỳnh Vân (**) dịch 

Peter Uwe Hohendahl (1936, Hamburg - Đức)

II. Sự quan tâm mới đây đối với người đọc (người tiếp nhận, người nhận và người tiêu dùng), sự chú ý ngày càng tăng đối với các tiến trình giao tiếp văn học và sự chuyển hướng từ mỹ học thể hiện sang mỹ học tiếp nhận (những tiến trình diễn ra ở Tây Đức và Đông Đức gần như cùng đồng thời) dựa trên một phức hợp các nguyên nhân – mang tính chất khoa học luận cũng như tư tưởng và lịch sử xã hội. Trên cơ sở những động cơ khác nhau nên cũng khó nói là những định hướng mục tiêu nghiên cứu tiếp nhận là thống nhất với nhau. Tuy vậy, đối với những trào lưu khác nhau này cái chung là sự xóa bỏ khái niệm tác phẩm cổ truyền như nó từng được lấy làm cơ sở cho giải thích học truyền thống, kể cả lý thuyết văn học mácxit và lý thuyết phê phán. Dù cho những mô hình và nguyên lý được phát họa cho đến nay vẫn tồn tại bên nhau một cách rời rạc hoặc thậm chí mâu thuẫn nhau: chúng cần được xem là những lối tiếp cận và những kiến nghị giải pháp tìm cách vượt lên trên khái niệm văn học quen thuộc. Nói rằng ở đây đôi khi người ta cũng quay về với những cách trả lời trước đây (Schücking, Sartre, Escarpit, chủ nghĩa hình thức Nga) thì điều đó chỉ nói lên rằng vấn đề này không phải là mới và đã tích tụ lại. Nghiên cứu tác động đối với phê bình văn học khoa học đã trở thành trọng tâm của hoạt động riêng, bởi vì nó hình như cung cấp được một cách trình bày mới về vấn đề giá trị và vấn đề lịch sử. Nếu như K.R. Mandelkow lưu ý rằng những công trình trước đây về lịch sử tác động còn thiếu những suy nghĩ về phương pháp luận(1) thì cần nhận xét phát biểu này như sau: Các công trình nghiên cứu đó về nguyên tắc đã che dấu sự quan tâm nhận thức của chúng hơn là nêu bật nó ra. Song có thể rút ra được những động cơ. Với Julian Hirsch(2) cũng như với bài viết trước đây của Levin L. Schücking (1913)(3) vấn đề về khả năng của một sự đánh giá khách quan lùi về phía sau. Sự phân biệt nghiêm ngặt giữa những nhận xét có tính chất miêu tả và những nhận xét có tính chất đánh giá đã đưa khoa nghiên cứu văn học theo thực chứng luận vào thế nan giải của tương đối luận. Nếu như theo những tiền đề của sự khách quan hóa nghiêm ngặt, sự nhận xét theo giá trị về nguyên tắc bị tách ra khỏi sự nhận xét theo thực tế sự việc, thì sự nhận xét kia chỉ còn là một thứ nhận xét thuần túy theo thị hiếu mà giờ đây đã trở thành có phẩm giá khi nó được nghiên cứu như là một đối tượng vật chất. Văn học phân vỡ ra thành hai dãy sự kiện liên hệ với nhau nhưng không tất yếu gắn bó với nhau: Lịch sử tác phẩm (với tính cách là danh mục các văn bản được sắp xếp theo thời gian) một mặt và lịch sử thị hiếu mặt khác. Cái quy tắc văn học từng được mài dũa, được phê bình thời trước hầu như huyền bí hóa, đã hiện ra trước mắt nhà thực chứng đầy lòng hoài nghi như là kết quả của những thay đổi về thị hiếu vốn hoàn toàn do lịch sử xã hội quy định, cái quy tắc mà cả các kiệt tác đã được công nhận và cả thiên tài nữa cũng không tránh thoát  được. Một khi cái ảo tưởng về một thứ giá trị văn học cố định, mà ngay sau những giao động ban đầu trong thời kỳ sau cũng thành ổn định, đã được nhận rõ, thì trong những điều kiện của chủ nghĩa thực chứng chỉ còn là sự nghiên cứu sự hình thành thị hiếu, khiến cho một lịch sử người đọc được dựng lên bên cạnh lịch sử tác phẩm, nếu không phải – như ở Schücking – việc nghiên cứu sự hình thành dư luận được coi là mục đích thực sự của lịch sử văn học. Rất nhiều điều mà sau này đã được đưa vào chương trình điều tra xã hội học kinh nghiệm về công chúng đã thấy có ở Schücking từ năm 1913, dù cho mới đầu nó còn thiếu các phương thức bảo đảm về mặt kỹ thuật và phương pháp để có thể thực sự thực hiện được chương trình. Với thái độ gay gắt rõ rệt chống lại trường phái lịch sử tinh thần vừa xuất hiện cùng thời gian này Schücking yêu cầu từ bỏ mô hình trừu tượng duy tâm chủ nghĩa và thay vào đó là làm sáng tỏ các tiến trình giao tiếp văn học (dù ông chưa sẵn có một mô hình lý thuyết giao tiếp nào). Mặc dù không hề mù quáng đối với các phương diện tâm lý của việc đọc, Schücking vẫn nhấn mạnh vào việc xây dựng cơ sở xã hội cho một lịch sử thị hiếu cần tiến hành viết. Điều đó có nghĩa là ông yêu cầu xác định vị trí các từng lớp và nhóm xã hội mà với tư cách là những đại diện của thị hiếu đang giữ và điều khiển tiến trình văn học vận động. Đương nhiên đối với chương trình của Schücking thì lịch sử xã hội của người đọc chỉ là một lĩnh vực cần được bổ sung bằng các điểm nhìn lịch sử văn hóa, địa lý và nhân chủng học. Sự không chuẩn xác do điều đó gây ra của các vấn đề trọng tâm đã ảnh hưởng không tốt đến phương pháp và có thể đã góp phần làm cho đề xuất của Schücking bị tẩy chay. Cả trong những công trình sau này của ông thì việc thực hành theo kinh nghiệm vẫn bị giới hạn ở các bước đi ban đầu. Chỉ đến Robert Escarpit và trường phái của ông mới đưa việc nghiên cứu kinh nghiệm vượt qua khỏi những tìm tòi của Schücking.

Việc nghiên cứu ban đầu về người đọc theo chủ nghĩa thực chứng được thúc đẩy bởi cuộc khủng hoảng về việc đánh giá văn học. Đó là một tìm tòi nhằm có thể trình bày được và bằng cách đó có thể khách quan hóa được sự hình thành của việc thẩm định thẩm mỹ, chí ít cũng là trong tiến trình của nó, sau khi quy tắc văn học trong một xã hội đa nguyên đã trở nên không còn chắc chắn nữa. Nguyên nhân phía sau không nhận thấy rõ trên bình diện của những cuộc thảo luận về nghiên cứu là sự thay đổi của người đọc: sự hình thành một công chúng người đọc đông đảo, phân liệt nhau, sự bùng nổ của công luận văn học tư sản và sự dịch chuyển các thiết chế văn hóa truyền thống thành các công cụ của công nghiệp văn hóa. Tranh luận khoa học phản ánh tính nan giải của công luận văn học tư sản – và cũng không hiếm khi dưới hình thức méo mó. Schücking đã nhận biết và cũng đã miêu tả sự phân liệt của công chúng người đọc tư sản, sự tan rã của các hội đoàn và câu lạc bộ văn học đã từng hoạt động như những nơi điều khiển giao tiếp thẩm mỹ trong thế kỷ 19, nhưng cả những nguyên nhân xã hội và kinh tế bên trong lại bị rút bỏ khỏi sự phân tích. Tương tự như vậy, sau này Robert Escarpit(4) cũng ghi nhận sự khác biệt giữa công chúng có văn hóa, có trình độ và công chúng bình dân và đưa ra những đề nghị để khắc phục rào cản cách bức mà không liên hệ với những cơ chế xã hội làm cơ sở mà do đó sự chia tách này mới hình thành và tồn tại lâu dài. Vấn đề mà Sartre(5) đặt ra phân biệt với sự nghiên cứu kinh nghiệm này ở chỗ là lịch sử xã hội của tác giả và người đọc cung cấp tài liệu cho vấn đề thời sự về mối quan hệ giữa nhà văn và công chúng. Mối quan hệ này nếu được định nghĩa là một liên minh của sự rộng lượng và tự do mà trong đó người đọc được phó cho việc hoàn thiện bức phác họa thì lịch sử xã hội của người đọc phải tái tạo lại cái thời điểm mà ở đó sự giải phóng của nhà văn và của người đọc biểu hiện ra. Như vậy với Sartre xã hội học công chúng không chỉ là cơ sở cho lịch sử thị hiếu mà còn là công cụ cho việc nhận thức hoàn cảnh văn học và xã hội hiện thời. Trọng tâm là vấn đề: đâu là nhiệm vụ của người sản xuất văn học trong một thời đại mà ở đó nhu cầu của quần chúng được đưa vào chương trình nghị sự nhưng chỉ có công chúng tư sản với tư cách là người tiếp nhận đang hiện diện mà thôi?

Nếu Sartre (và sau ông là Escarpit) xuất phát từ chỗ cho rằng một tác phẩm luôn luôn hướng tới một người đọc, nhưng người đọc dự định đó lại không trùng khớp được với công chúng có thực, thì cần phải có những sự phân biệt rõ ràng về khái niệm đối với việc nghiên cứu trần thuật. Lý thuyết cũ (Lubbock, Stanzel, Laemmert) không hề chú ý đến người đọc, bởi vì nhiệm vụ của người đọc quá rõ ràng và do đó không có vấn đề gì. Sự quan tâm trước hết dành cho người sản xuất mà với tư cách là người kể chuyện có thể phát triển các chiến lược khác nhau. Sự phát hiện ra vai trò người đọc ở Weinrich, Iser, Harth, Poulet và những người khác rõ ràng được khơi gợi, phải, bị ép buộc bởi những thay đổi cấu trúc trong tiểu thuyết hiện đại. Nếu tiểu thuyết bị tước mất cái thông điệp được tác giả bảo đảm và nhiệm vụ của người đọc sẽ là trước tiên tạo dựng cái nghĩa của nội dung, thì mối quan hệ tác giả – người đọc, cũng như mối quan hệ giữa vai trò người kể và vai trò người đọc trong văn bản, trở thành vấn đề. Vấn đề về người đọc mà ở Schücking và xã hội học công chúng chủ yếu là những sự kiện xã hội, thì giờ đây được đưa vào trong việc phân tích tác phẩm bởi vì người ta nhận ra rằng phương tiện giao tiếp là nội tại trong tác phẩm văn học. Các công trình nghiên cứu theo hiện tượng học của Iser(6) và Netzer(7) là nhằm tới hướng này, bằng cách họ đi theo cấu trúc kêu gọi của văn bản. Đương nhiên trong các công trình theo hiện tượng học này không xem xét kỹ mối quan hệ gắn bó của sự biến đổi của công chúng và sự thay đổi của mức độ không xác định. Như nói chung chỉ khi nhìn trở lại mới có thể nhận biết được sự không xác định do có các khoảng trống trong các văn bản xưa, thì lẽ ra đồng thời phải làm sáng tỏ vị trí, năng lực và sự quan tâm của các nhóm người nhận, nếu người ta không mặc định một sự biến đổi văn học trừu tượng. Götz Wienold đã lưu ý một cách đúng đắn về những điểm yếu của một mỹ học tiếp nhận8 vốn vẫn gắn chặt với một khái niệm văn học truyền thống, và do đó vẫn giới hạn ở việc phân tích tác phẩm. Tiếp nhận không được giản lược vào một quá trình một chiều kích (đương nhiên với sự nối kết trở lại) hơn thế nó cần được đặt trong một văn cảnh rộng lớn hơn của các quan điểm văn học cũng như đạo đức và chính trị – xã hội mà từ đó trước tiên có thể giải mã được những phản ứng và xử lý (theo nghĩa của Wienold) được truyền lại. Nhìn chung, trong việc mở rộng này có thể nhận thấy là phê bình khoa học mà trong nghiên cứu tiếp nhận chủ yếu tự xem là chủ thể, là một bộ phận của lĩnh vực nghiên cứu. Các kết quả của hoạt động hệ thống cũng như lịch sử của nó, dù nó có muốn hay không, vẫn đi vào trong tiến trình của sự tác động.

Như vậy là chúng ta đụng chạm đến một góc nhìn khác nữa: mỹ học tiếp nhận với tính cách là câu trả lời cho sự khủng hoảng của lịch sử văn học. Vấn đề này được nêu lên một cách rõ ràng ở Tây Đức bởi Jauss và ở Cộng hòa dân chủ Đức, ít nổi bật hơn, bởi Robert Weimann và Manfred  Naumann. Trong một tương quan rộng hơn có thể kể đến các công trình của Sartre, Nisin và Picon. Thông qua các nhà nghiên cứu ngữ văn rôman Đức (Jauss và Weinrich) các cách tiếp cận ở Pháp được truyền sang Đức. Nếu như ở Pháp, trường phái thực chứng của Lanson là kẻ thù muộn màng, thì ở Đức giữ vai trò của phe đối lập phản biện là trường phái lịch sử và giải thích học truyền thống. Ở Cộng hòa dân chủ Đức cộng thêm vào đó là việc đánh giá mới quan điểm lịch sử mácxit. Việc quay trở về với cách xem xét lịch sử sau một thời kỳ chủ yếu theo lối xem xét nội tại trọng tác phẩm vào những năm 50, làm cho người ta ý thức được cuộc khủng hoảng chung mà không giải quyết nó. Sự gắn liền với mô hình lịch sử của chủ nghĩa lịch sử hướng theo sự kiện thực tế hay là của trường phái giải thích học (trong chừng mực mà nói chung các trường phái này có thể tách ra) đã không thích hợp để thuyết phục các nhà phê bình theo chủ nghĩa hình thức cũng như các nhà phê bình mácxit. Như thế nên Jauss nhận thức công trình của ông Lịch sử văn học như là sự thách thức đối với khoa học văn học (1967) là một đề nghị giải pháp muốn cứu vớt tính lịch sử của văn học bằng cách ông xóa bỏ triệt để cách biên soạn lịch sử hướng vào sự kiện thực tế. Mục tiêu là “đặt lối xem xét theo lịch sử và lối xem xét theo thẩm mỹ vào trong một mối quan hệ mới”(9). Như vậy, luận điểm đầu tiên của Jauss là:

Việc đổi mới lịch sử văn học đòi hỏi phải phá bỏ những định kiến của chủ nghĩa khách quan lịch sử và đặt cơ sở cho mỹ học sản xuất và mỹ học miêu tả truyền thống trong mỹ học tiếp nhận và mỹ học tác động. Tính lịch sử của văn học không phải căn cứ trên một mối quan hệ được tái lập về sau của các ‘thực tế văn học’ mà là trên kinh nghiệm có sẵn của người đọc về tác phẩm văn học(10).

Dè dặt hơn, năm 1971, Robert Weimann nói đến “những nhiệm vụ khác hẳn của lịch sử văn học xét về một số phương diện so với những giai đoạn trước đây của sự phát triển của xã hội chúng ta”(11). Đương nhiên sự kết nối các mối quan tâm hướng dẫn nhận thức đã dẫn đến việc định hướng lại ý thức về phương pháp luận – ở phương Tây được thể hiện rõ rệt hơn ở phương Đông, nơi đã từng gắn với truyền thống Lukas. Một mô hình được đề xuất, trong đó tính lịch sử (với tư cách là sự đối lập với lịch sử sự kiện) được hiểu là sự thống nhất giữa hiện tại và quá khứ mà theo đó việc trung giới quá khứ với hiện tại thời sự là nhiệm vụ chủ yếu của việc viết lịch sử. Sự chuyển dịch góc nhìn đã đưa việc nghiên cứu tác động mà trước đây nằm bên lề vào trung tâm của cuộc tranh luận về nghiên cứu.

III. Việc nghiên cứu tiếp nhận theo kinh nghiệm bắt nguồn từ khoa nghiên cứu văn học tư sản cuối thế kỷ 19. Một trong những nguyên nhân cắt nghĩa tại sao việc nghiên cứu người đọc giữa những năm 1930 và 1960 bị đẩy về phía sau, dù không bị từ chối rõ rệt, chính là ở sự gắn bó chặt chẽ của nó với chủ nghĩa thực chứng cũ. Đối với những nhà nghiên cứu theo chủ nghĩa thực chứng tiếp nối Taine thì lịch sử văn học là tiến trình sản xuất và tiêu dùng, chịu sự quy định bởi một loạt các yếu tố cơ bản. Những yếu tố do Taine đưa ra: chủng tộc, môi trườngthời đại vẫn không rõ ràng và đòi hỏi phải có sự giải thích rõ ràng bằng kinh nghiệm. Nhiệm vụ này được thế hệ kế tiếp nhận lãnh, và do Wilhelm Scherer ở Đức và Gustave Lanson ở Pháp dẫn đầu. Trong việc tìm cách hiểu văn học như là một hệ thống và mô tả nó dựa theo cơ chế của nó, họ chạm phải vấn đề vai trò của người đọc và công chúng văn học. Đối với Lanson thì bên cạnh truyền thống Taine, sự tác động của Durkheim cũng quan trọng. Nó tạo điều kiện cho ông khắc phục mối ác cảm của các nhà nghiên cứu lịch sử văn học chống lại những sự khái quát. Tương tự như vậy, Scherer trong các bài giảng về thi pháp sau này (Công bố muộn năm 1888) đã tách mình ra khỏi lối xem xét cá biệt hóa của trường phái lịch sử và vận động theo hướng phân tích theo hệ thống các mối quan hệ văn học. Cái chết sớm đã ngăn cản ông nghiên cứu thêm những bước tiếp cận này, làm cho chủ nghĩa thực chứng Đức trong khoa nghiên cứu văn học bị xô đẩy đến chỗ nghiên cứu nguồn gốc và ngay cả Schücking cũng không thấy được những công trình tiên phong của Scherer. Ngược lại dưới ảnh hưởng của Durkheim 1904 Lanson đã trình bày một mô hình xã hội học văn học mà trong đó mối quan hệ giữa tác giả, văn bản và người đọc đã được chú ý một cách rõ rệt(12). Trong sáu luận điểm của ông thì ba đã đề cập một cách rõ ràng những tiến trình tác động văn học. Với những hằng số phong cách của chúng, các thể loại đã được quan niệm như là những cái tích tụ của thị hiếu công chúng của thế hệ trước mà người sản xuất phải xem xét kỹ. Theo đó Lanson cũng hiểu kiệt tác như là một thành tựu tập thể mà tác giả, hoàn cảnh văn học, tức là truyền thống văn học và công chúng cùng tham gia xây dựng nên. Và ngược lại cũng đúng là tác phẩm nghệ thuật chịu sự quy định như vậy cũng tác động tích cực vào trong quan hệ xã hội và tạo ra những phản ứng có thể thay đổi hệ thống xã hội. Cùng với điều đó Lanson quan niệm văn học như là một sự đan cài của những mối liên hệ bên trong và bên ngoài tác phẩm. Cần phải phân biệt hai khuynh hướng: tác phẩm văn học, được quy định bởi truyền thống như quan niệm phong cách, thể loại, những chuẩn mực thẩm mỹ khác nhau v.v…, tác động đến xã hội, thông điệp văn học biến thành những hành động xã hội (dưới hình thức những cuộc thảo luận, những bài phê bình). Ngược lại, hệ thống xã hội cũng quy định hệ thống văn học bằng cách nó định ra các mục đích của hoạt động văn học. Nhưng phác họa mô hình này vẫn còn xa mới là một phương pháp có thể thao tác theo kinh nghiệm, tuy vậy đã có một đề xuất được thể hiện bằng lý luận. Khoa nghiên cứu văn học Pháp đã gặt hái được lợi ích từ đó. Và Robert Escarpit, được Henry Pyre khơi gợi đã tiếp nối chương trình của Lanson, đương nhiên với sự khước từ rõ rệt chủ nghĩa thực chứng cũ, bị trách cứ là đã đưa các phương pháp khoa học tự nhiên vào trong các khoa học văn hóa. Nghiên cứu người đọc được Escarpit quan niệm trong mối quan hệ với một xã hội học văn học được tiến hành theo kinh nghiệm. Nó được đặt cơ sở trong các thực tế văn học như sách, sự đọc, tác giả, văn bản. Như vậy văn học đối với Escarpit là một lĩnh vực quan hệ nhiều chiều mà ở đó những tương tác có tính chất thẩm mỹ, xã hội và kinh tế diễn ra. Với những tương tác này xã hội học văn học (kể cả nghiên cứu người đọc), theo Escarpit, phải quan tâm tới, chứ không phải ngược lại chỉ với các cấu trúc văn bản. Tương tự như vậy xã hội học hướng vào văn bản hay lịch sử hình thức (Lukas, Adorno) cũng bị cự tuyệt. Theo sự xác định trước có tính chất nguyên tắc này thì sự quan tâm đối với nghiên cứu tiếp nhận tự xác định là: Người đọc xuất hiện như một phần của một công chúng phân tầng về mặt xã hội với tư cách là người mua và người tiêu dùng sách và với tư cách là người tiếp nhận để cho tác phẩm văn học tác động vào mình. Tác phẩm xuất hiện với tính cách là thông điệp được hướng tới một công chúng quen thuộc với tác giả, và với tính cách là hàng hóa được sản xuất cho một thị trường đặc thù. Do vậy nghiên cứu tiếp nhận là một lĩnh vực hoạt động bao trùm mà Escarpit không thể làm được gì hơn là phác họa những nét chính. Ở đây chỉ có thể nêu ra một số nhiệm vụ:

(1) Thái độ đọc của các nhóm khác nhau thuộc một xã hội. Thái độ này có thể trình bày được thông qua việc mua hoặc mượn sách (đọc ở thư viện) thông qua sự ưa thích văn học và trình độ văn hóa;

(2) Những phân tích có cơ sở thống kê về thị trường văn học (cơ sở kinh tế, tính toán cân đối, mô hình bán sách, cơ chế phân phối);

(3) Động cơ và điều kiện đọc;

(4) Sự quy định về tác giả thông qua công chúng hay những nhóm công chúng khác nhau của tác giả.

Một số phạm trù do Escarpit đề nghị có lẽ cần phải phân biệt thêm nữa trên cơ sở của những nghiên cứu mới. Như vậy, việc phân chia công chúng theo tình hình ở Pháp ra thành khu vực có trình độ học vấn và khu vực bình dân không chỉ quá đại khái mà còn quá đơn lẻ. Cụ thể Escarpit xuất phát từ chỗ là khu vực có trình độ học vấn tạo thành một sự thống nhất tương đối đồng chất. Ở đây với điều kiện là sự ảnh hưởng liên tục của giới tư sản có học vấn, một điều mà ở các nước tư bản chủ nghĩa khác (Mỹ, Đức, Anh) hầu như không còn tồn tại nữa dưới hình thức này. Việc cần phải tìm hiểu là phải chăng quá trình chuẩn hóa được Escarpit tiến hành đối với nhóm công chúng bình dân thông qua nền công nghiệp sách tư bản chủ nghĩa không lâu đã được chuyển sang thị trường chung.

Phương pháp của Escarpit có tính chất miêu tả, nó được thao tác bằng mô hình (đương nhiên chưa được diễn đạt đầy đủ) của các mối quan hệ xã hội – văn học mà từ đó có thể rút ra được những vấn đề và những đối tượng nghiên cứu đặc thù. Lý tưởng của nó là trình bày đầy đủ tất cả những yếu tố quy định đời sống văn học. Trong đó các yếu tố bên trong văn học giữ vai trò thứ yếu. Mối quan hệ giữa các phương diện bên ngoài và bên trong cần được giải thích thêm, thí dụ như sự phân biệt mà Sartre tiến hành giữa người nhận và công chúng hiện thực. Götz Wienold(13) có lý khi phê phán việc nghiên cứu giao tiếp văn học vì các tiến trình giao tiếp cơ bản cho đến giờ chưa được định nghĩa đầy đủ chẳng những về phương diện ngôn ngữ – hình thức mà còn về phương diện kinh nghiệm. Lời trách cứ của ông là việc nghiên cứu người đọc đã quá giới hạn vào mối quan hệ tác phẩm – người đọc và gần như xuất phát từ một khái niệm văn học hẹp. Lời trách cứ đó rõ ràng hầu như không đúng với Escarpit và Schücking. Nhiều vấn đề Wienold đề cập cũng đã từng được Escarpit và Schücking bàn đến rồi dù chưa được suy nghĩ đầy đủ về mặt lý thuyết. Sự thiếu hụt các giả thiết có thể thao tác được thể hiện rõ ở công trình của Schücking, (xuất bản lần thứ nhất năm 1923) dường như là nguyên do khiến Wienold không chú ý đến các nghiên cứu có tính chất lịch sử – kinh nghiệm trước đó với tư cách là người mở đường cho các tìm tòi của riêng ông.

Ở đây Schücking hoàn toàn thống nhất với sự phê phán của Wienold chống lại việc tách biệt một cách giáo điều các phương diện bên trong và bên ngoài văn học và sự giới hạn, do hậu quả trên, việc nghiên cứu tiếp nhận vào văn bản và vai trò người đọc. Thị hiếu văn học được Schücking hiểu là một hiện tượng xã hội. Những phản ứng chủ quan của người đọc cuối cùng đều có cơ sở trong thực tế xã hội cũng như thuộc vào một tầng lớp xã hội v.v… Văn học do vậy được hiểu như là một hệ thống mở, không tự trị, gắn bó một cách nhân quả với cơ sở xã hội. Trong ý nghĩa đó, sự biến đổi của văn học không nên miêu tả như là một tiến trình nội tại, mà chỉ có thể trình bày được như là mối quan hệ giữa sản xuất và sự biến đổi thị hiếu mà sự biến đổi này về phần nó được tạo ra bởi những thay đổi của cơ cấu xã hội. Từ sự nhìn nhận cơ bản này xuất lộ phương pháp và chương trình nghiên cứu: Về mặt phương pháp cần phải giải thích mối tương quan giữa nhóm xã hội và thị hiếu cũng như giữa thị hiếu và sản xuất. Nói cách khác là cần trả lời câu hỏi là những lý tưởng xã hội và lý tưởng sống quyết định thị hiếu văn học tự thiết lập trong hình thức nào ở một nhóm người và cái thị hiếu được quyết định như vậy tác động vào văn học bằng phương thức nào và tác động như thế nào vào những thay đổi về hình thức cũng như nội dung. Khái niệm thị hiếu đương nhiên không còn được xác định có tính chất chuẩn mực nữa mà là có tính chất mô tả: Chuẩn mực thị hiếu là những đại lượng biến đổi, chỉ phù hợp trong phạm vi những tầng lớp và nhóm xã hội cụ thể, nhất định. Như vậy vấn đề về thị hiếu hàm chứa một vấn đề khác về loại người đại diện cho thị hiếu. Hình tượng điển hình của nó (kiểu loại người đại diện cho thị hiếu) ở Schücking trở thành chìa khóa cho một lịch sử văn học của người đọc. Nó tạo nên mắc xích gắn kết giữa các tiến trình xã hội và các tiến trình văn học. Liệu một tác phẩm hoặc một khuynh hướng phong cách có khẳng định được mình không, điều đó phụ thuộc vào sức mạnh và ảnh hưởng của kiểu loại người đại diện cho thị hiếu. Phạm vi độc giả quyết định sự công nhận của văn học và do đó là cái khuynh hướng của động thái văn học. Xuất hiện những nhóm người đọc mới hoặc nếu chúng hình thành lên bên cạnh những nhóm cũ, thì với những nhu cầu đặc thù riêng của những nhóm này sẽ xuất hiện những chuẩn mực mới, chúng tác động vào người sản xuất bằng cách khơi gợi và kiểm tra. Do đó mà có sự diễn đạt khiêu khích này: “Một thị hiếu, theo nguyên tắc, không phải trở thành một thị hiếu khác và mới, mà là có những người khác trở thành đại diện cho một thị hiếu mới”(14). Theo cách thức ấy, ở Schücking sản xuất văn học xuất hiện hầu như bị quy định bởi tiêu dùng – đảo ngược lại giả thiết truyền thống. Thị hiếu là cái chỉ số cho biết công chúng (được hiểu là một nhóm người xã hội) sẽ chờ đón và đòi hỏi cái gì. Sự khu biệt xã hội học này cho phép Schücking đưa ra một sự giải thích về sự đa nguyên văn học mà lý thuyết giải phóng của lịch sử tư tưởng không nhận thấy được. Sự tồn tại bên nhau và chống đối nhau của những nhóm và tầng lớp độc giả khác nhau cắt nghĩa sự hiện diện các khuynh hướng văn học khác biệt nhau trong một thời đại cũng như những biến đổi văn học sâu sắc. Ở đây đương nhiên nhận thấy rõ là khái niệm kiểu đại biểu thị hiếu thích hợp với công việc miêu tả hơn với việc cắt nghĩa những thay đổi này. Nếu kiểu đại diện thị hiếu được định nghĩa là cái tiêu biểu của các nhóm xã hội, thì sự cấu tạo của nó chỉ có giá trị phát hiện. Chủ yếu cần phải biết là những nhu cầu văn hóa đặc trưng, riêng biệt hình thành từ những điều kiện xã hội nào. Những nhu cầu này sẽ ngưng đọng lại thành thị hiếu. Ở đây Schücking tiếp cận với phái lịch sử tinh thần, khi ông phỏng đoán thấy trong chừng mức mà đôi khi ông xuất phát từ nhũng lý tưởng và ưu thế văn học (tức là những giá trị văn hóa). Mặt khác mô hình của ông quy định các nhóm và giai cấp xã hội như là những lực lượng vận động mà sản xuất văn học phải hướng theo. Sự giải thích này không chú ý tới mối quan hệ biện chứng giữa sản xuất và tiêu dùng. Mô hình lý thuyết của Schücking bám chắc vào mối quan hệ nhân quả cứng nhắc mà tài liệu được đưa ra không thể khớp vào được. Trong khi các phác họa về lịch sử văn học của ông lưu ý đến những lĩnh vực khác nhau của đời sống văn học và do đó đi theo những tương quan phù hợp (tác giả – công chúng – nhà phê bình – nhà xuất bản – phát hành sách) thì lý thuyết của ông lại đưa ra một lịch sử văn học tuyệt đối hóa phương diện tiếp nhận nhóm. Các tiến trình toàn xã hội không được chú ý đầy đủ. Tầm nhìn của Schücking giới hạn ở các nhóm và các tầng lớp xã hội, nó được xử lý như là hạ tầng cơ sở. Qua đó ông nhận thấy phải quy những thay đổi thị hiếu cũng như những biến đổi văn học vào một đơn vị riêng lẻ (tư sản, phụ nữ v.v…). Do văn học từ thế kỷ XVIII rõ ràng không để cho người ta ép vào sơ đồ này, Schücking đôi khi cũng phải dùng đến những cấu trúc hỗ trợ thứ phát mâu thuẫn với mô hình của ông. Hiện tượng hình thành các trường phái văn học chẳng hạn được giải thích bằng việc lưu ý rằng nghệ thuật bắt lửa từ nghệ thuật – một sự giải thích mang tính chất hình thức chủ nghĩa không thể nào gắn kết với lý thuyết của Schücking được.

Vào năm 1923 công trình nghiên cứu của Schücking nhận được rất ít sự chú ý và cả lần xuất bản thứ hai năm 1931 cũng không thành công về mặt khoa học vì nó chống lại các khuynh hướng khoa học tinh thần và dân tộc. Có những lời phản bác chống lại mô hình có phần đơn giản và sự trình bày lịch sử thuần túy có tính chất phác họa. Những lời phản bác ấy chê trách chi tiết và có ý nói đến cách tiếp cận. Không phải ngẫu nhiên mà mãi đến năm 1961 (cùng một năm với việc dịch cuốn sách của Escarpit sang tiếng Đức), lần xuất bản thứ ba mới được tiến hành. Bởi vì chỉ tới khi cuộc khủng hoảng của phương pháp nội tại trong tác phẩm mới lại làm cho cách đặt vấn đề của lịch sử xã hội và theo đó cả việc nghiên cứu người đọc trở nên hợp thời. Sự đa nguyên về phương pháp đầu những năm sáu mươi, mà về cơ bản chính là một phần của cuộc khủng hoảng đã nêu, đã làm nhẹ bớt việc xúc tiến nghiên cứu tiếp nhận kinh nghiệm. Người ta hiểu đó là sự bổ sung cho các phương pháp đã được xác lập. Công trình dẫn luận vào xã hội học văn học (1964)(15) của Hans Norbert Fuegen đã đem lại cho sự đa nguyên này một sự hợp thức hóa về mặt lý luận. Cuộc tràn lấn của xã hội học vào tác phẩm văn học bị gạt đi và xã hội học văn học được thu hẹp vào các mối quan hệ giữa những thành viên giao tiếp tham gia vào đời sống văn học(16). Trong một thứ xã hội học văn học kinh nghiệm được hiểu như vậy thì mối quan hệ giữa phương diện xã hội và phương diện văn học của vai trò người đọc sẽ đan chéo vào nhau. Xã hội học công chúng, theo Fuegen cần hạn chế ở các sự việc xã hội thực tế, trong khi hiện tượng học lại chú tâm vào việc làm sáng tỏ các phương diện bên trong văn học chỉ được nhìn nhận là quan trọng trong mối quan hệ xã hội cơ bản khi mà sự ứng xử văn học đặc biệt giữa tác giả và người đọc được giả định là có để làm cho không thể có sự lẫn lộn giữa những lời trần thuật hư cấu và không hư cấu. Sự nhận thức đúng đắn rằng cái xã hội của văn học không dừng lại ở sự phản ánh các quan hệ xã hội(17) rõ ràng trở thành rào chắn giáo điều đẩy sự nghiên cứu tiếp nhận vào lĩnh vực của sự có thể chứng thực được bằng thống kê. Vì Fuegen xem sự ứng xử theo cách thức văn học như là một mô hình văn hóa khách quan xuất hiện trước xã hội học văn học, nên ông lẩn tránh vấn đề có ý nghĩa, đó là sự ứng xử theo cách thức văn học sẽ xác lập trong điều kiện xã hội cụ thể như thế nào, nó thay đổi ra sao? v.v… Nhận định rằng văn học vẫn luôn luôn được nhìn nhận là văn học và như vậy thái độ được chọn lựa đối với nó sẽ là một hằng số, đó chính là sự đối lập xã hội học đối với hình thức giải thích nội tại trong tác phẩm, xuất phát từ tính chất vĩnh cửu của tác phẩm nghệ thuật.

Sự suy nghĩ được nâng cao về mặt phương pháp luận đã thúc đẩy việc nghiên cứu tiếp nhận theo kinh nghiệm, nhưng cũng bị đặt trước những vấn đề lý luận lớn. Mặc số lượng ngày càng nhiều những công trình nghiên cứu chuyên biệt, cần phải thấy rằng những vấn đề căn bản đến nay vẫn còn chưa được lý giải. Và mới đây trong một báo cáo kết quả, Wienold đã lưu ý: “hình ảnh mà ở đây có được về kinh nghiệm trong nghiên cứu giao tiếp văn học vẫn còn ít ỏi và mờ nhạt”(18). Những chờ đợi căng thẳng để nắm bắt được các tiến trình tiếp nhận và tác động với sự trợ giúp của những cách tiếp cận ngôn ngữ học, đã không được đáp ứng đầy đủ. Việc xử lý các câu hỏi điều tra của các nhóm có chọn lọc đã đưa đến những kết quả cụ thể, có thể thảo luận được một cách tốt nhất, chẳng hạn như đã được Eberhard Frey thực hiện(19). Để nắm bắt thông tin về những phản ứng và quá trình đánh giá của người đọc, Frey đưa ra cho những người được phỏng vấn những văn bản của những tác giả khác nhau để đánh giá. Kết quả cho thấy là sự thành thạo về ngôn ngữ và những kiến thức văn học có sẵn ảnh hưởng một cách có ý nghĩa đối với sự phản ứng và đánh giá. Sự nhất trí về chất lượng thẩm mỹ của một văn bản tăng lên, nếu những người được điều tra xuất thân từ cùng một môi trường văn học. Lý thuyết giao tiếp ngôn ngữ và phong cách đương nhiên chủ yếu đặt vấn đề về thi tính của văn học và cùng với điều đó đưa vào một yếu tố có tính chất tiêu chí và có tính chất chọn lựa. Nó tất phải rút ngắn sự nghiên cứu kinh nghiệm. Wienold phê phán điều ấy một cách có lý và tiếp thu trở lại vấn đề đã được Adorno trình bày, đó là bằng cách thức nào có thể gắn chặt giao tiếp văn học, mà khoa nghiên cứu văn học cho là đương nhiên phải có, với các phương thức kinh nghiệm. Tất nhiên ông ta né tránh chủ nghĩa bất khả tri của Adorno và đề nghị định nghĩa các tiến trình giao tiếp văn học theo ký hiệu học. Định nghĩa đó cho phép đưa vào một khái niệm văn bản mở rộng và phá vỡ quan niệm truyền thống về văn học(20). Wienold đề nghị một mô hình tổng quát – Nó cho phép đồng thời giữ lại những gợi ý của thực chứng luận cũng như hiện tượng học. Một cách có cơ sở ông lưu ý rằng nghiên cứu tiếp nhận hoàn toàn không thể chỉ giản lược vào các nghiên cứu mối quan hệ tác giả – người đọc, đáng lo ngại hơn nữa là sự quả quyết rằng một sự giới hạn như vậy chính là cơ sở của những công trình nghiên cứu hiện nay. Điều đó không hề phù hợp với mỹ học tiếp nhận hiện tượng luận, chưa nói đến là chưa thích ứng với xã hội học công chúng (Altick, Ford, Haferkorn, Engelsing). Sự hiểu lầm này đương nhiên có nguyên nhân gần là sự không chuẩn xác về khái niệm – chẳng hạn ở Jauss, người từng đề cập đến người đọc, nhưng với cấu trúc điển hình – lý tưởng này lại có ý nói đến một hoàn cảnh văn học và xã hội có một phạm vi giao tiếp rộng hơn. Tầm đón đợi mà Jauss mặc nhận hàm ẩn sự hiểu biết giữa những người tham gia vào đời sống văn học. Trong ý nghĩa này thì sự đón đợi về thể loại mang dấu ấn xã hội.

Đề nghị của Wienold được đưa ra năm 1971 nhằm vào một mô hình giao tiếp văn học tổng quát có thể vận dụng được vào mọi hoàn cảnh có thể có. Do vậy mà nó có tính chất trừu tượng. Nó đánh dấu điểm xuất phát, phương hướng và cách thức xử lý (thí dụ các tiến trình kết nối trở lại một cách đơn giản hay phức hợp, các tiến trình thông tin đa phương tiện, các bước quá độ từ phương tiện này sang phương tiện khác). Với phương thức này có thể bảo đảm là các  tiến trình tiếp nhận sẽ được nắm bắt trong toàn bộ tầm rộng lớn của nó. Mô hình sẽ được lấp đầy trong một hoàn cảnh cụ thể, tức là thông qua một văn bản nhất định hay một số lượng nhất định các văn bản trong một thời điểm lịch sử. Qua đó Wienold đòi hỏi phương pháp thực nghiệm là nó phải phát triển các phương thức để có thể trình bày một cách khách quan các phương diện chất lượng và số lượng của việc xử lý. Về phương diện này năm 1972 ông đã lưu ý một cách ngờ vực: “Chẳng những thiếu vắng sự phát triển các mô tả thích hợp dùng cho các thao tác mà còn thiếu vắng cả hệ phương pháp thích hợp dùng cho việc nghiên cứu các phản ứng”(21). Trong khi đó có lẽ trước tiên cần nêu vấn đề là phải chăng mô hình cũng cần có những mở rộng nhất định để có thể bao quát toàn bộ đời sống văn học. Wienold thu hẹp quan niệm của ông vào các hành động giao tiếp được xác định bằng một điểm xuất phát, một mục tiêu và một nguồn mang thông tin. Như thế đời sống văn học là một tổng thể của các hành động giao tiếp như vậy. Tất nhiên chưa nói đến các điều kiện cơ sở thiết chế của những tiến trình giao tiếp như vậy, tức là báo chí, các viện nghiên cứu, nhà hát. Chúng cùng tham gia quyết định về mặt nội dung cũng như hình thức cấu trúc của sự giao tiếp. Không chú ý đến nền tảng thiết chế này thì việc nghiên cứu sẽ không đầy đủ, bởi vì theo nguyên tắc sự đương nhiên cũng như hoàn cảnh khách quan của những thành viên giao tiếp được quy định sẵn bởi những khung thiết chế. Thêm nữa ở những nghiên cứu lịch đại thì sự phát triển rõ ràng về cơ sở thiết chế là không thể thiếu được. Một cuộc thảo luận văn học ở thế ký XVIII, để chỉ nên một thí dụ, tuân theo những “quy luật” khác hơn là một cuộc tranh luận ở thế kỷ XX. Dịch thuật vào thế kỷ XVII gắn với những tiền đề khác hơn là ở thế kỷ XIX. Lý thuyết giao tiếp cần đưa vào các công trình nghiên cứu về các thiết chế và những cơ sở nguyên do xã hội và kinh tế của chúng.

Đây là điểm mà sự nghiên cứu giao tiếp hướng theo xã hội học và tâm lý học tiếp cận với nghiên cứu tiếp nhận văn học. Người ta đồng ý với Wienold rằng sự phân biệt của Roland Barthes giữa phương diện thể chế và phương diện tâm lý của văn học trong hình thức này là không đủ thỏa mãn, tuy nhiên cũng không đầy đủ khi lưu ý rằng việc định chuẩn mực của phê bình văn học đương nhiên cũng là một bộ phận của hệ thống văn học cần mô tả. Sự hình thành và sự biện minh về hệ tư tưởng cho những chuẩn mực như vậy chỉ có thể được thảo luận trên cơ sở của những thể chế tạo điều kiện cho chúng. Những điều quy tắc hóa và những sự thay đổi giá trị, mà Wienold khẳng định một cách đúng đắn, cần phải được xem như là những bộ phận của văn học và với tư cách đó cần làm cho nó thâm nhập vào những phân tích hệ thống và những phân tích lịch sử, tuy nhiên người ta không thỏa mãn với việc ghi chép mà phải làm rõ văn cảnh thiết chế. Chỉ khi nào có sự mở rộng như vậy mới cho phép “cấu trúc được những cách trình bày đánh giá [và] các chuẩn mực sao cho có thể mô tả được sự biến đổi”(22). Những phác họa về cách xem xét theo thiết chế đó được Wienold cung cấp với đề nghị nên hiểu sự đánh giá của văn học như một trò chơi mà những đối tác văn học cùng tham dự theo những quy tắc đã ấn định (nhưng có thể thay đổi). Liệu lý thuyết trò chơi có thể có một đóng góp quan trọng nào không, điều đó chưa bàn. Song điều chắc chắn là phải xem xét những nhu cầu đặc thù của những người tham gia. Đây không phải là quá trình đánh giá thẩm mỹ trừu tượng, mà do những lợi ích sống thực tế thì theo nguyên tắc đây là những quyết định tổng hợp (kể cả tư tưởng). Trong một hệ thống giao tiếp ai có quyền  đánh giá và ai phải chấp nhận những đánh giá ấy: đó mới là những vấn đề cần phải được nghiên cứu ngay, song những phức tạp về thực tiễn của nó hầu như khó giải quyết được bằng một mô hình mô tả trong chừng mức mà nó bỏ không suy nghĩ đến lợi ích của những người điều tra. Không nên quên là chủ thể phỏng vấn là một phần của đời sống văn học và những hiểu biết và quyết định sẵn của chủ thể ấy lại chảy trở lại đời sống văn học này và tác động ảnh hưởng đến nó. Siêu ngữ của khoa học không được đặt ra ngoài xem như là một thứ trung lập. Thí dụ có thể nắm bắt được. Với một mô hình mô tả nếu nó đủ hoàn hảo, các cơ chế từng đóng một vai trò trong sự hình thành quy tắc văn học (sự nổi trội của một nhóm người đọc, sự hình thành các ưu thế, sự áp chế, sự kiểm tra của phê bình), chứ không phải ngược lại là liệu những mối liên hệ được mô tả như vậy có đúng là tồn tại hay không. Có căn cứ là sự phê phán cho rằng những thiên hướng không nhìn thấu được (chẳng hạn trong việc nghiên cứu “văn học thông tục” đã làm rối vấn đề ngay từ bước khởi đầu việc nghiên cứu làm cho vấn đề bị sai lạc) lĩnh vực thông tục được định nghĩa có vẻ như khách quan theo sự phân tầng có sẵn trong đời sống văn học, trong khi vấn đề là ở chỗ phải giải mã sự hình thành các chuẩn mực chứa đựng đằng sau sự phân chia này và do đó văn học thông tục được xem như trường hợp đặc thù của sự hình thành quy tắc này). Song làm rõ nội dung vấn đề và biểu lộ quan niệm là không tách rời nhau. Nếu Wienold đề ra yêu cầu đối với nghiên cứu tiếp nhận:

Quy tắc các loại, các bộ sưu tập, các danh mục, các cách tuyển chọn văn bản trong các chương trình của các thiết chế phổ biến văn bản như báo chí, phát thanh, truyền hình, băng video cần được phân tích có mục đích trên các quan điểm vốn nắm bắt được sự tham gia vào các khả năng cơ cấu trong các hệ thống giao tiếp bị phân tầng, không đồng chất(23) thì tương tự như vậy có lẽ cũng phải đặt câu hỏi là phải đánh giá sự tham gia đó như thế nào

—————————————–

(*)  GS.TS. Peter Uwe Hohendahl  – Trường Đại học Cornell, Mỹ.

(**)  PGS.TS. Huỳnh Vân

Trích dịch 2 phần II và III trong bài Dẫn nhập gồm 5 phần do GS.TS. Peter Uwe Hohendahl viết cho tập sách Lịch sử xã hội và mỹ học tác động do ông chủ biên, NXB. Athenaeum, Frankfurt/M 1974. Tên bài do người dịch đặt.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 4/2017

___________________

(1)  Những vấn đề, đăng trong sách này, tr.83.

(2) Julian Hirsch: Nguồn gốc của danh tiếng. Một đóng góp vào phương pháp luận lịch sử, Leipzig 1914.

(3) Schücking: Lịch sử văn học và lịch sử thị hiếu, GRM 5 (1913), tr.561-577.

(4) Escarpit: Sách và người đọc. Phác thảo một xã hội học văn học, bản tiếng Đức lần thứ nhất, Koeln 1961, in trong tập sách này tr.66-81

(5) Jean Paul Sartre: Văn học là gì? trong tập sách này, tr.166-185.

(6) Wolfgang Iser: Cấu trúc mời gọi của văn bản, Konstanz 1970.

(7) Klaus Netzer: Người đọc của tiểu thuyết mới, Frankfart 1970.

(8) Wienold: Xử lý văn bản…,  trong tập sách này tr.108.                                                  

(9) Jauss: Lịch sử văn học như là sự thách thức, tr.155.

(10) Sđd, tr.171.

(11) Weimann: Hiện tại và quá khứ trong lịch sử văn học, bản thứ 2 được chỉnh sửa, trong: Các phương pháp của khoa học văn học Đức, Chủ biên V. Zmegac, Frankfurt 1971, tr.340.

(12) Gustave Lanson: Lịch sử văn học và xã hội học, Revue de metaphysique et de Morale, 12 (1904), tr.621-642.

(13), (18), (21) Wienold: Kinh nghiệm trong nghiên cứu giao tiếp văn học, trong: Nghiên cứu văn học và ngôn ngữ học, J. Ihwe chủ biên, Frankfurt 1972, tr.311-322, 320, 321.

(14) Schücking: Xã hội học về sự hình thành thị hiếu văn học, trong tập sách này, tr.58

(15) Hans Norbert Fuegen: Những khuynh hướng chính của xã hội học văn học và các phương pháp của chúng, ở đây trích dẫn theo lần xuất bản lần thứ 3, Bonn 1968.

(16) Đối tượng của xã hội học văn học theo Fuegen là “một hoạt động giữa con người với nhau được thực hiện cùng với văn học và cho văn học mà nếu xem xét kỹ hơn nó thể hiện như là một phức hợp những hình thức ứng xử giữa con người với con người” (tr.106).

(17) Fuegen tr.115.

(19) Frey: Phong cách hay là gì? Các phản ứng của độc giả nước ngoài và trong nước đối với các văn bản điều tra về văn học, trong tập sách này, tr.135-161.

(20), (22), (23) Wienold: Xử lý văn bản, trong tập này, tr.97, 115, 132.

Share Button