Huỳnh Vân (*) |
Bài viết này đặt vấn đề tìm hiểu về ba thành tố cơ bản của văn học được nêu ở đầu đề và về các mối quan hệ qua lại giữa chúng trong cơ chế kinh tế thị trường thông qua những nhận xét chung và những thí dụ từ thực tiễn văn học Việt Nam. Ba thành tố này luôn hiện diện ở mỗi nền văn học. Không có tác giả, không có người sáng tác văn học thì không thể có tác phẩm văn học, do vậy cũng không có người đọc văn học. Các thành tố của mối quan hệ này gắn bó chặt chẽ với nhau, tác động vào nhau; bỏ đi một thành tố nào sẽ không thể có một nền văn học thực sự hoàn chỉnh. Đó là một thực tế dễ nhận thấy. Và một thực tế nữa cũng dễ nhận thấy. Thực tế đó là tính chất của các thời kỳ văn học luôn có một số đặc điểm khác nhau và không phải chỉ do bản thân văn học mà là do một cái gì đó ở ngoài văn học, bao trùm lên nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực văn học. Nó thuộc về xã hội, về tính chất của xã hội, thuộc về lịch sử của sự phát triển của xã hội. Nó có mối quan hệ nhất định với văn học, ảnh hưởng đến văn học, quy định một số tính chất và đặc điểm của mỗi thời kỳ văn học: đó là các hình thái kinh tế. Chúng ta tổ chức hội nghị khoa học bàn về thị trường văn học tức là bàn về văn học trong hình thái, trong cơ chế kinh tế thị trường, bàn về sự tác động của kinh tế thị trường đến văn học, tạo nên một số tính chất và đặc điểm của văn học, và một lúc nào đó cũng sẽ có thể có các hội nghị tương tự về các lĩnh vực khác như thị trường nghệ thuật, thị trường văn hóa (trong đó có thị trường sách, thị trường văn học) vì rõ ràng ngày nay chúng ta cũng đang có những thị trường này.
Về lĩnh vực văn học, cũng như bất kỳ một nền văn học nào khác trên thế giới, văn học Việt Nam cũng có những khu vực văn học lớn như văn học dân gian, văn học cổ điển và văn học hiện đại. Đó là những khu vực văn học của các thời kỳ phát triển xã hội khác nhau, và do đó tính chất của các thành tố cũng như các mối quan hệ của văn học: quan hệ giữa tác giả và tác phẩm, quan hệ giữa tác phẩm và độc (thính) giả và quan hệ giữa tác giả và độc (thính) giả hay ngược lại cũng khác nhau. Để có thể chỉ ra các đặc điểm, các tính chất của văn học trong nền kinh tế thị trường trước hết cần nêu lên những đặc điểm và tính chất của văn học dân gian và văn học cổ điển để từ đó nhận thấy rõ hơn đặc điểm của thời kỳ văn học hiện nay – thời kỳ văn học trong cơ chế kinh tế thị trường – của chúng ta.
Ở văn học dân gian chúng ta thường nói đến một mối quan hệ giao tiếp truyền khẩu giữa người sáng tác và người tiếp nhận, giữa tác giả và thính giả. Tác giả văn học dân gian chủ yếu là vô danh, mang tính tập thể. Người sáng tác và người tiếp nhận có thể thay đổi vị trí cho nhau: người tiếp nhận không ít khi lại trở thành người đồng sáng tác, đồng tác giả khi tham gia sửa chữa, bổ sung văn bản, tạo nên văn bản mới, được gọi là dị bản. Tác phẩm dân gian không ổn định, không đồng thời được cố định thành văn bản chữ viết trong thời kỳ đó, không mang tên tác giả. Nó thuộc về xã hội, thuộc của chung, không ai tranh giành, chiếm làm sở hữu riêng của mình. Do tính chất truyền miệng và do sự hạn chế của giao thông thời xưa và đặc điểm của từng vùng miền nên văn học dân gian chỉ phổ biến ở từng địa phương, vùng miền, có tính chất hạn hẹp: chẳng hạn người ta nói đến văn học dân gian Nghệ Tỉnh, văn học dân gian Nam Bộ… và cũng có thể chỉ phổ biến ở những khu vực còn nhỏ hẹp hơn nữa. Với tính chất và đặc điểm như vậy nên nếu đem đối chiếu thời kỳ văn học hiện đại với nó ta có thể rút ra được những đặc điểm, những tính chất khác biệt của văn học thời kỳ kinh tế thị trường. Điều này càng rõ hơn nếu tiếp tục nêu ra những đặc điểm của văn học cổ điển.
Đến thời kỳ văn học cổ điển, văn học trung đại, ngôn ngữ viết đã có, các sáng tác đã được cố định thành văn bản chữ viết và quyền sở hữu của tác giả đã được nhìn nhận, tên người sáng tác được ghi vào tác phẩm, dù chưa phải là tác quyền như ngày nay. Tác phẩm là thuộc về một tác giả, một cá nhân nhất định, là tài sản tinh thần của mỗi cá nhân, gắn với giá trị tinh thần của người tạo nên chúng, một giá trị có ý nghĩa cao quý đối với tác giả cũng như xã hội, và về nguyên tắc không một ai ngoài tác giả được thay đổi văn bản đã được sáng tác xong, mặc dù không ít khi có những sai khác so với bản gốc do sao chép. Như vậy nhờ có chữ viết nên văn bản văn học đã được cố định và trở thành sở hữu tinh thần cá nhân của một tác giả.
Việc có thể sao chép lại và cả khắc in nữa, như vừa đề cập, đã góp phần làm cho tác phẩm có thể được truyền bá, được phổ biến rộng hơn, song thực chất vẫn còn rất hạn hẹp. Thường người viết và người đọc (người nghe), người xướng và người họa thơ – để lấy một thí dụ về sáng tác văn chương phổ biến hơn cả của thời kỳ này – luôn hiện diện trực tiếp hoặc qua thư từ trên cơ sở quen biết hay có mối liên hệ với nhau. Bởi thế nên trong Thượng kinh ký sự Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác mới “giật mình” lấy làm lạ hỏi Hàm xuyên hầu: “ông thấy bài thơ của tôi ở đâu?” khi ông này có trong tay bài thơ của Hải Thượng Lãn Ông mặc dù, như Lê Hữu Trác xác nhận, hai ông “chưa bao giờ gặp nhau”1. Không thật sự quen biết, chưa bao giờ gặp nhau mà vào thời đó có được tác phẩm của nhau thì thật là một điều đáng ngạc nhiên, và khó hiểu. Hải Thượng Lãn Ông, cũng theo Thượng kinh ký sự, còn một lần nữa “giật mình” không hiểu làm sao một người ở tận Hải Dương mà lại có thể có trong tay cuốn Y tôn tâm lĩnh của ông, được biên soạn tận miền núi Hương Sơn, Nghệ An, bởi ông và người kia, như chính ông khẳng định: “thực chưa quen biết nhau bao giờ!”, nên ông kinh ngạc tự hỏi: “cách xa nhau hàng ngàn dặm, thế thì sách của mình soạn ra đi lối nào mà đến tay ông ta được?”2 Đó là một câu hỏi, một nỗi thắc mắc khá tiêu biểu cho thời kỳ này. Tôi đã viết nghiêng ba từ “đi lối nào” trong đoạn văn của Hải Thượng Lãn Ông trong Thượng kinh ký sự để nhận thấy rằng đấy chính là một trong những đặc điểm cơ bản của sự lưu thông và giao lưu văn học thời kỳ này, nó tạo nên sự khác biệt giữa văn học trung đại và phần nào cả văn hôc dân gian đối với văn học hiện đại ngày nay. Quả là với thời của Lê Hữu Trác đây là điều hơi kỳ lạ, hơi khác thường, điều mà ngày nay không làm một ai phải “giật mình” hết. Điều không làm một ai phải giật mình khi nhận thấy một tác phẩm được lưu hành ở một nơi cách xa nơi nó được sản xuất ra hàng ngàn dặm hoặc hơn thế nữa chính là một đặc điểm nổi bật của văn học thời kinh tế thị trường.
Mặt khác để có được một mối giao tiếp văn chương, chẳng hạn như sự giao tiếp thơ ca, trong thời kỳ văn học trung đại thì người viết và người đọc, người xướng và người họa không chỉ phải có sự tiếp xúc trực tiếp hay qua thư từ, mà họ còn phải là những người trong giới có học thức, giới nho sĩ, giới văn chương, một giới khá nhỏ hẹp của dân tộc; những người khác không thể hiểu hoặc tham gia gì được, nghĩa là người sáng tác và người tiếp nhận là đồng đẳng, là ngang tầm, có học vấn, có kinh nghiệm thẩm mỹ của văn chương cổ điển. Trong Thượng kinh ký sự, Lê Hữu Trác dọc đường “thượng kinh” luôn làm thơ vịnh cảnh, làm thơ nói lên tâm trạng của ông, nhưng ngoài một vài ông quan địa phương đi theo thỉnh thoảng có lời bình khen ngợi hay tham gia họa lại, còn bao nhiêu lính, bao nhiêu người đi theo phục dịch đều lặng thinh. Họ là những kẻ “ngoại đạo”, khác tầm, những người chỉ quen thuộc với môi trường văn học dân gian. Trên đường đi họ với Hải thượng Lãn Ông có thể hát hò với nhau, sống chung trong không gian văn hóa dân tộc truyền thống, nhưng thơ văn cao cấp chỉ thuộc giới nho sĩ, quan lại. Cho nên chỉ khi Lê Hữu Trác lên đến kinh thành thì mới diễn ra hầu như không ngớt những cuộc xướng họa thơ, những ngày “hội thơ” với giới quan lại nho học trong triều. Tóm lại đây là một sự giao tiếp hạn hẹp, trong giới văn chương hàn lâm là chính và cái làm trung gian cơ bản cho sự giao tiếp này là cái thuộc lĩnh vực tinh thần, tư tưởng, học vấn, văn chương, thẩm mỹ, về nguyên tắc không có bất kỳ yếu tố xa lạ bên ngoài nào thâm nhập vào.
Tất nhiên văn học dân gian và văn học cổ điển còn nhiều đặc điểm, tính chất khác, nhưng bài viết này chỉ nêu những đặc điểm và tính chất có thể so sánh để tìm hiểu văn học trong cơ chế kinh tế thị trường hiện nay. Và kinh tế thị trường đã tạo nên một số thay đổi to lớn, tạo nên một số đặc điểm mới. khác với những tính chất và đặc diểm của hai thời kỳ văn học trước. Kinh tế thị trường xuất hiện ở phương Tây vào thế kỷ XVIII, và từ đó tồn tại cho đến ngày nay và phổ biến ở hầu hết các nước trên thế giới. Trong kinh tế thị trường người ta phân biệt ra kinh tế thị trường tự do, kinh tế thị trường xã hội và kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Nền kinh tế thị trường của chúng ta hiện nay là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và đương nhiên nó sẽ có những tác động đặc biệt đến nền văn học Việt Nam hiện nay. (Nền kinh tế của chúng ta trong hai cuộc kháng chiến là kinh tế thời chiến, tất cả đều nhằm mục đích phục vụ cho công cuộc chiến đấu giành độc lập cho dân tộc [dù đã có một số yếu tố của kinh tế thị trường] và nền văn học của chúng ta khi đó là văn học kháng chiến.) Nền kinh tế Việt Nam ngày nay thực sự bắt đầu bước vào kinh tế thị trường khi chúng ta tiến hành công cuộc đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế với trọng tâm là đổi mới tư duy kinh tế, và nền văn học Việt Nam cũng từ đó trở thành nền văn học chủ yếu có tính chất và đặc điểm của thị trường3, tức là tác giả, tác phẩm và độc giả căn bản hoạt động trong một thị trường được gọi là thị trường văn học, tuân theo những quy luật và yêu cầu của thị trường, mà trong thị trường thì có cung, có cầu, có mua, có bán, có thỏa thuận tự do về giá cả, có tính toán lời lãi, lợi nhuận, có cạnh tranh tự do…, tất nhiên phải trong khuôn khổ của pháp luật. Toàn bộ những yếu tố trên, như vừa nói, là thuộc trong kinh tế, không phải là của văn học. Chúng tác động đến văn học, thâm nhập vào văn học, làm thay đổi khuôn mặt truyền thống của văn học, làm biến đổi những mối quan hệ giữa tác giả và tác phẩm, giữa tác giả và độc giả, giữa độc giả với tác giả và tác phẩm.
Trong mối quan hệ giữa tác giả và độc giả cũng như ngược lại các yếu tố của thị trường đã xen vào giữa, những yếu tố được thể hiện qua quan hệ cung cầu thông qua các thiết chế và tổ chức xã hội như nhà xuất bản, nhà in, nhà phát hành, nhà sách, báo chí, quảng cáo, phê bình, điểm sách v.v. Những thiết chế và tổ chức sẽ làm cầu nối cho cả tác giả và độc giả, cho sự cung ứng của tác giả gửi đến độc giả và cho nhu cầu của độc giả gửi đến tác giả. Khác với hai thời kỳ trước, thời kỳ văn học dân gian và văn học trung đại, trong thị trường văn học tác giả và độc giả đã bị tách xa nhau và chỉ còn có thể với tới nhau thông qua thị trường, thông qua các thiết chế của thị trường. Chúng làm môi giới cho tác giả và độc giả, những chủ thể mà giờ đây hiếm khi còn cơ hội tiếp xúc trực tiếp với nhau được nữa như ở hai thời kỳ văn học trước. Tất nhiên đôi khi cũng tổ chức được những buổi giới thiệu sách, giới thiệu tác giả. Nhưng việc ấy cũng chẳng thay đổi được gì vì số lượng tác giả rất đông và số lượng người đọc còn đông hơn nữa, nên cơ bản đối với tác giả thì người đọc bây giờ chỉ còn là những người mua sách vô danh, và đối với người đọc thì tác giả bây giờ, dù có tên ghi trên bìa sách, nhưng trong một nghĩa nào đó cũng vô danh tương tự. Người đọc bây giờ thường không biết gì nhiều hoặc hầu như hoàn toàn không biết gì về tác giả cuốn sách mình đọc, cũng không hiếm khi họ không quan tâm đến tác giả cuốn sách là ai, vì họ chỉ muốn biết nội dung cuốn sách, chỉ muốn giải trí hay giết thời gian. Và người viết cũng chỉ có thể biết được phản ứng của người đọc đối với cuốn sách của mình thông qua số lượng sách bán được hay thông qua ý kiến của giới phê bình, điểm sách thường vẫn cố gắng tìm hiểu nhu cầu và thị hiếu của người đọc. Nhận định cuối cùng có liên quan đến vấn đề nhu cầu và thị hiếu của người đọc này tất nhiên chỉ có thể khẳng định một cách cụ thể, xác thực bằng sự minh chứng thông qua những cuộc điều tra xã hội học về người đọc, điều tra về năng lực đọc, nhu cầu đọc, thị hiếu thẩm mỹ của người đọc v.v., một lĩnh vực mà ở ta hiện nay chưa được quan tâm nhiều.
Thị trường văn học mặc dù làm cho tác giả và độc giả tách xa nhau, trở thành những đối tượng gần như vô danh đối với nhau, nhưng mặt khác lại làm cho vị trí và những giá trị nào đó của họ được nâng lên: nhà văn giờ đây đã được luật pháp bảo vệ bản quyền sản phẩm của mình, không ai được quyền in ấn xuất bản và phát hành tác phẩm của nhà văn nếu chưa được nhà văn đồng ý. Tác phẩm văn học trong thời kỳ kinh tế thị trường ngoài giá trị tinh thần -nghệ thuật rõ ràng còn có thêm một giá trị nữa, đó là giá trị kinh tế, khi nó được bán và được mua trên thị trường, khi mà nhu cầu từ phía người đọc luôn luôn được các nhà xuất bản và các thiết chế văn hóa khác tìm hiểu và kết nối với người sáng tác để đáp ứng. Thị trường văn học cũng còn có một lợi ích khác nữa, một lợi ích mà hai thời kỳ văn học trước nó không thể có được. Đó là nhờ có cơ chế thị trường, nhờ lợi ích kinh tế nó mang lại cho nhà xuất bản và nhà phát hành, nhờ khả năng lưu thông hàng hóa rộng lớn của nó mà tác phẩm văn học giờ đây được phổ biến vô cùng rộng, không chỉ trong một vùng miền, một nước mà còn có thể vượt ra khỏi ranh giới quốc gia để vươn ra thế giới. Bởi có thể phát hành được càng rộng có nghĩa là tác phẩm đã có thể được nhân lên nhiều bản, bán ra được nhiều, do đó lợi nhuận cũng sẽ nhiều lên. Những hiện tượng như thế ngày nay đã trở nên quá bình thường chẳng hề làm một ai phải giật mình như Hải Thượng Lãn Ông trước đây nữa. Lợi ích kinh tế cùng với các kỹ thuật in ấn hiện đại đã là cái góp phần to lớn làm cho văn học phổ biến nhanh chóng, rộng rãi và phát triển. Thêm vào đó ngày nay công nghệ mạng còn góp phần cùng kinh tế làm cho văn học lan tỏa hết sức nhanh và rộng hơn nữa.4 Ngoài ra có thể nói thêm là do lợi ích kinh tế mà các thiết chế của thị trường văn học như nhà xuất bản, nhà phát hành, quảng cáo, giới thiệu sách…, khâu làm trung gian môi giới cho người sáng tác và người tiếp nhận, không chỉ là khâu trung gian không thể thiếu được trong thị trường văn học mà còn là nơi luôn tìm nhiều biện pháp để thúc đẩy, phát triển mạnh mẽ cảc nhu cầu của người đọc lẫn sự cung ứng của người viết. Và ở đây không chỉ có mặt tốt mà mặt xấu cũng rất phổ biến. Như vậy nhà văn trong nền văn học vận động theo cơ chế thị trường có điều kiện phổ biến tác phẩm của mình đến với công chúng rộng lớn một cách rất thuận lợi, họ cũng được trả công cho sự lao động của mình, dù cho họ phải chấp nhận số nhuận bút ít khi tương xứng với lao động mà họ phải bỏ ra, vì họ phải để phần lớn số tiền thu được cho các khâu trung gian giúp cho sản phẩm của lao động tinh thần của họ được ra mắt công chúng, bởi thị trường, thương trường không nhằm mục đích từ thiện mà bao giờ cũng nhằm đến lợi nhuận. Và thị trường, lợi nhuận, tiền bạc có sức mạnh chi phối rất lớn đến người viết, nó có đủ sức mạnh làm cho ngòi bút của người viết đi lạc lối nếu thiếu bản lĩnh, thiếu tinh thần và hoài bảo sáng tạo nghệ thuật đích thực.
Như thế thị trường thường không mấy thuận chiều với những gì thuộc về những nỗ lực sáng tạo nghệ thuật của nhà văn, nhà thơ, nếu họ không chiều theo mà cưỡng lại sự thúc ép của thị trường, mà thực ra là sự thúc ép của công chúng, của người đọc, của một giới người đọc nào đó có thể bỏ tiền ra để mua món hàng theo yêu cầu và sở thích của họ. Ở đây có thể nhận ra một đặc điểm nữa của văn học trong cơ chế kinh tế thị trường. Nhà văn, nhà thơ của văn học cổ điển sáng tác là từ sự thôi thúc sáng tạo bên trong của cá nhân họ. Sáng tác văn chương của họ luôn theo nguyên tắc tải đạo và ngôn chí nhằm bày tỏ chí hướng ở đời của họ với mục đích cuối cùng là giáo huấn và giao tiếp nghệ thuật. Nhà thơ, nhà văn hầu như không chịu áp lực nào khác từ bên ngoài hay từ các giới công chúng xa lạ ngoài việc viết cho đạt, cho hay, cho đúng với tư tưởng của mình. Ngược lại sự sáng tạo nghệ thuật của nhà văn, nhà thơ trong kinh tế thị trường luôn bị áp lực từ thị trường, từ công chúng, từ yêu cầu đọc của công chúng. Họ buộc phải lựa chọn giữa yêu cầu của bản thân và yêu cầu của người đọc, cũng tức là yêu cầu của thị trường. Điều này có thể quan sát thấy ở thời kỳ văm học hiện đại ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước trên thế giới. Những ý kiến lên án sự tác động của thị trường vào văn học, phê phán việc xem văn học chỉ thuần túy là một thứ hàng hóa hoặc muốn biến văn học thành hàng hóa như các thứ hàng hóa khác trên thị trường, là những phản ứng tất yếu trước những tác động của thị trường, nhất là những tác động làm xói mòn cái hay, cái thiện, cái đẹp và chức năng xã hội của văn học bằng cách đề cao hay chạy theo phục vụ cho những nhu cầu của những thị hiếu tầm thường, đôi khi xấu xa, đồi bại… ngược với mong muốn sáng tạo thẩm mỹ tốt đẹp và chân chính của nhà thơ, nhà văn nhưng lại có thể mang đến cho nhà xuất bản, nhà phát hành… những món lợi kinh tế to lớn. Hai người đứng đầu Trường phái Frankfurt (Frankfurte Schule) Max Horkheimer và Theodor Adorno khi đề cập đến sự tác động của kinh tế thị trường đến văn hóa có lần cho rằng: “(…) kẻ thù thật sự không phải là chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa quốc xã. Không, kẻ thù của văn hóa là thị trường, bởi vì nó biến tất cả thành hàng hóa, ngay đến cả văn hóa.”5 Câu nói có vẽ kỳ lạ và mâu thuẩn vì hai ông này hiểu rõ mối quan hệ giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa phát xít cũng như sự tàn bạo của bọn quốc xã, sự tàn bạo đã đe dọa họ và buộc họ phải chạy trốn, phải lưu vong suốt 12 năm trời, nhưng nó cũng nói lên tất cả sự căm ghét của họ đối với sự thống trị của cơ chế thị trường, của sự thao túng văn hóa và văn học của thị trường.
Trong văn học hiện đại Việt Nam Tản Đà là trường hợp khá tiêu biểu cho sự chán ngán và nỗi khốn khổ trước sự thao túng của kinh tế thị trường đối với văn học và cho việc kiên quyết bảo vệ phẩm giá của nhà thơ, nhà văn, bản chất của văn học, của sự sáng tạo nghệ thuật cao quý chống lại những hoạt động văn học chỉ nhằm hướng vào lợi ích kinh tế. Tản Đà tỏ ra rất nhạy cảm với sự thay đổi to lớn của văn học thời đại ông khi ông mấy lần hỏng thi và buộc phải nhận ra điều phải làm: “văn chương phá nghiệp kiếm ăn xoàng”. Ông hiểu việc gì đang xảy ra với xã hội, với văn học nước nhà và sự nghiệp sáng tác của ông. Ông không lẫn tránh sự chuyển đổi mới lạ này, sự chuyển đổi từ mô hình văn học trung đại quen thuộc của ông sang mô hình văn học hiện đại với bao nhiêu yếu tố chưa từng có trước đây: chữ quốc ngữ latinh, xưởng in, nhà xuất bản, báo chí, phát hành, quảng cáo… và bao trùm lên trên đó là kinh doanh, là tiền, là lợi nhuận. Ông đã đi thẳng vào mô hình ấy, chấp nhận môi trường hoạt động văn học không thể khác được ấy, nhưng ông không dễ dàng để bị khuất phục bởi sức ép của kinh tế. Mặc dầu luôn trong sự câu thúc của đời sống vật chất nhưng ông vẫn giữ lòng say mê sáng tạo nghệ thuật, gìn giữ phẩm chất và tư tưởng của mình và đề cao trách nhiệm, đạo đức, tư cách của người cầm bút dù phải sống trong “túng thiếu, đói rét”6. Ông từ chối lời mời cộng tác với Trung Bắc tân văn của Nguyễn Văn Vĩnh, vì nó không cùng đường hướng tư tưởng với ông, dù được hứa trả nhuận bút khá cao. Ông tâm sự với Nguyễn Văn Phúc: “nếu mình viết giúp cho một cơ quan khác, thời mình chỉ là phụ thuộc vào cơ quan đó, lẽ tất nhiên những tư tưởng quan niệm riêng về xã hội, văn chương sẽ không thể làm theo như ý muốn của mình được”7 Ông còn khuyên những người làm văn trong báo giới “phải tế tâm về sự viết văn… nên trì thủ về bên hạnh kiểm”8. Ông mơ ước một môi trường sinh hoạt văn học khác, như môi trường văn chương trên thượng giới, nơi mà văn chương không là hàng hóa: “Chợ trời không phải là chỗ để buôn bán (…), sách, ai muốn coi thì coi”9, một mơ ước có tính chất không tưởng như không ít mơ ước mang tính không tưởng khác của ông. Sự cưỡng chống này không hẳn là để giữ sự tự trị của văn chương khi ông nói: “văn chương chỉ cứ là văn chương. Nhất là có ích cho xã hội thì càng hay.”10 Nghĩa là vừa “văn chơi” vừa “văn vị đời”, hai trong một, mà văn gì cũng phải là văn, là nghệ thuật đích thực. “Chơi” là chơi nghệ thuật, không có chơi phi nghệ thuật, phi văn hóa, phi đạo lý. Vì thế nên người đời mới xếp ông vào vị trí danh dự trên văn đàn Việt Nam.
Trường hợp của Tản Đà chỉ là một trong rất nhiều trường hợp tương tự của thời kỳ văn học này, nó bao giờ cũng là định hướng chủ đạo của mỗi một thời kỳ văn học. Những trường hợp như vậy cho thấy rằng dù trong môi trường hoạt động văn học nào ý thức, ý đồ sáng tác của tác giả là cái quyết định. Nó xuất phát từ định hướng tác động thẩm mỹ của tác giả là chính, chứ không phải chỉ vì tiền mà chạy theo những nhu cầu đọc không chính đáng của những lớp người đọc nào đó không thôi. Ở những trường hợp như thế tác giả thường phải có một nghề sinh sống tốt hoặc có kinh tế bảo đảm, hay được tài trợ từ một quỹ văn hóa, quỹ văn học, nghệ thuật. Không ít nhà văn trên thế giới cũng phải làm như thế. Ngược lại tác giả phải có ý chí mạnh mẽ và phải chịu sự phản ứng khắc nghiệt của thị trường: tác phẩm của tác giả có thể không được nhà xuất bản chấp nhận vì không hứa hẹn đem lại lợi nhuận, hoặc sách được in ra nhưng không bán được, khâu phát hành bị tắc, “văn” bị “ế”, thu không đủ bù chi, một trong những thực tế chủ yếu làm cho Tản Đà, người chỉ sống bằng ngòi bút, phải khốn đốn, lo âu đến “bạc đầu”. Mà không chỉ có Tản Đà, không ít nhà văn, nhà thơ thời kỳ này đều hiểu và cảm nhận từ bản thân được rằng cơm áo không là chuyện đùa đối với họ, dù văn, thơ của họ có giá trị nghệ thuật cao, được một vài giới độc giả nhất định yêu thích và ca ngợi, nhưng chưa phải là công chúng rộng rãi. Họ nhận chịu cuộc sống vất vả để phục vụ nghệ thuật và xã hội. Thị trường quả có một sức mạnh to lớn, và ở đây mối quan hệ cung cầu là điều quyết định, cuốn sách trở thành một thứ hàng hóa trên thị trường, trên chợ sách. Rõ ràng đáp ứng được nhu cầu thị hiếu trung bình hay còn thấp của số đông công chúng nào đó thì càng thành công. Ngược lại sẽ gặp khó khăn hoặc thất bại. Tuy nhiên phải nói thêm rằng đó chủ yếu chỉ là sự thành công hay thất bại về mặt kinh tế mà không nhất thiết đi kèm với sự thành công hay thất bại về mặt nghệ thuật, về mặt văn chương, vì có khi điều đó lại đưa lại những sáng tạo nghệ thuật có giá trị cao, song cũng có khi nó có thể lại làm thui chột một tài năng mới chớm nở.
Mặt khác có thể nhận thấy rõ là ở văn học thời kỳ kinh tế thị trường, khác với văn học thời kỳ trước đó là ở chỗ khối lượng độc giả đông hơn rất nhiều, và đặc biệt thị hiếu thẩm mỹ, nhu cầu đọc của công chúng độc giả cũng đa dạng và phong phú hơn. Thị hiếu ấy một phần xuất phát từ chính cảm quan thẩm mỹ của các nhà thơ, nhà văn, mà bản thân họ cũng là những người đọc, những người đọc tiếp nhận để sáng tác, và phần khác xuất phát từ nhu cầu của một công chúng độc giả rộng lớn, hình thành trong một môi trường xã hội thay đổi, được môi giới cho người viết thông qua các thiết chế, các tổ chức văn hóa, nghệ thuật của xã hội. Sự đa dạng của thị hiếu thẩm mỹ của thời kỳ này một phần là kết quả của sự phát triển của kinh tế thị trường. Kinh tế phát triển thì nhiều nhu cầu, thị hiếu của con người cũng phát triển theo, trong đó có sự phát triển của các nhu cầu thẩm mỹ, nhu cầu nghệ thuật. Nó làm cho văn học trở nên đa dạng và phong phú hơn. Có lẽ sự đa dạng lại gắn với sự tản mạn, do chạy theo nhiều nhu cầu thẩm mỹ mới và khác nhau, nhằm nhanh chóng có một chỗ đứng trên thương trường và trên văn đàn, hai điều hiếm khi trùng hợp. Vì tác phẩm văn học có giá trị nghệ thuật cao lại không hề gắn với sự phát triển của kinh tế, dù là kinh tế thị trường cũng thế, mà luôn là kết quả của những tài năng nghệ thuật xuất sắc vốn hàm chứa một sự khai mở một khuynh hướng thẩm mỹ mới gắn với những tư tưởng sâu sắc về các vấn đề của xã hội, của thời đại, của con người.
Cũng xin được nói thêm là trong kinh tế thị trường không phải tất cả các tác phẩm văn học đều mang bản chất hàng hóa, tức là chỉ có những loại tác phẩm nào đó là có bản chất hàng hóa thôi. Nói rõ hơn: tất cả các tác phẩm văn học chỉ trở thành hàng hóa khi nó, dưới hình thức của cuốn sách, lưu thông trên thị trường, khi nó được bán và được mua, trong đó có loại sách về cơ bản mang bản chất hàng hóa và có loại về cơ bản không mang bản chất hàng hóa. Cũng có thể gọi là văn học thương mại hóa và văn học không thương mãi hóa. Theo tôi nên phân biệt rõ như vậy. Loại sách cuối là loại mà ngay từ giai đoạn đang còn là ý đồ sáng tác cho đến khi được hoàn thành, được in thành sách và đưa ra thị trường vốn có mục đích và có nội dung chủ yếu là chỉ nhằm tới sự giao tiếp tinh thần, giao tiếp tư tưởng, giao tiếp nghệ thuật, thẩm mỹ giữa người viết và người đọc. Việc mua bán và đem lại lợi ích kinh tế, đem lại lời lãi cũng quan trọng nhưng không phải là mục đích chính của nó. Nó chỉ có tính chất hàng hóa khi ở trên thị trường, còn ở khởi điển, ở khâu sáng tạo và ở điểm đến, ở khâu thưởng thức, khâu tiếp thụ chúng là tài sản tinh thần, tài sản văn hóa, mang giá trị thẩm mỹ, giá trị tư tưởng. Những tác phẩm như thế có thể được hoặc không được, được đông đảo hoặc chỉ được số ít người đọc cùng thời với chúng quan tâm và thích thú tiếp nhận hoặc không, do đáp ứng được hoặc không đáp ứng được sự chờ đợi thẩm mỹ, tư tưởng của đa số công chúng khi nó xuất hiện. Đó là điều bình thường. Sách bán chạy, nhuận bút cao là điều mà người viết nào cũng quan tâm vì nó phần nào nói lên giá trị của tác phẩm và đem lại lợi ích kinh tế cho nhà văn, cái mà ít ai từ chối vì nó trong sạch, tuy nhiên đó ắt hẳn không phải là mục đích chính của những tác phẩm này. Loại còn lại mới là loại có bản chất hàng hóa vì ngay từ ý đồ sáng tác chúng được nhằm vào chính mục đích kinh tế, vào lợi nhuận cao, vào sự nổi tiếng nhất thời. Chúng được sản xuất theo những nhu cầu nào đó của một giới độc giả nhất định mà tác gỉả nắm bắt được hoặc theo đơn đặt hàng của các nhà xuất bản hay các khâu trung gian môi giới khác cung cấp. Như vậy từ ý đồ sáng tác và ngay trong nội dung tác phẩm chúng đã được định hướng kinh doanh, đã nhằm mục đích “làm sách”, “làm hàng”, phục vụ cho khách hàng của mình, phục vụ cho nhu cầu đọc của họ mà hầu như không phải căn bản là nhu cầu tư tưởng, nhu cầu thẩm mỹ gì cao siêu mà là những nhu cầu giải trí giản đơn hay cũng có cả những nhu cầu khác phi nghệ thuật, phi văn hóa… Những độc giả như thế thường khá đông và sẵn sàng bỏ tiền ra để có được món hàng của họ, cuốn sách của họ; nhà xuất bản và tác giả thu được lợi ích kinh tế mong muốn.
Khu vực văn học này đang được nhiều nhà phê bình và nghiên cứu văn học hiện nay bàn luận sôi nổi. “Văn học thị trường” là khái niệm được dùng để gọi nó. Tên gọi này có lẽ chưa được chính xác vì văn học thị trường vốn có thể hiểu là văn học trong thị trường hay của thời kỳ kinh tế thị trường, nó được bán và được mua, và như chúng tôi vừa đề cập đến ở trên, không phải cái gì được bán và được mua cũng tồi, cũng xấu cả, bởi trong kinh tế thị trường thì tác phẩm được nhà văn sáng tác ra muốn đến được với bạn đọc rộng rãi phải được in, được bán và được mua, trừ một số ít trường hợp người ta viết và in chỉ để biếu người thân hoặc bạn bè xa gần. Hơn nữa trong loại “văn học thị trường” này – hiểu theo nghĩa là văn học có tính chất kinh doanh, có tính chất thương mại, nghĩa là mang bản chất hàng hóa và có nội dung tầm thường hay giải trí – cũng không phải tất cả đều đáng phê phán, đáng lên án cả. Trừ một số sách có nội dung xấu và độc hại thì nhiều cuốn sách loại này chỉ có tính chất giải trí, giá trị nghệ thuật thấp, không giúp nâng cao thị hiếu thẩm mỹ của người đọc, nhưng cũng chẳng gây hại về luân lý, đạo đức xã hội. Loại “văn học thị trường” này đã từng xuất hiện trong văn học hiện đại Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, chẳng hạn như trong văn học chữ quốc ngữ Nam Bộ. Văn học chữ quốc ngữ Nam Bộ đã góp phần to lớn vào sự hình thành và phát triển của văn học Việt Nam hiện đại. Nhiều tác phẩm văn học chữ quốc ngữ Nam Bộ là những thành tựu văn học rất đáng ghi nhận. Song trong văn học chữ quốc ngữ Nam Bộ cũng như sau đó có thể nhận thấy có những tác phẩm có tính chất giải trí này. Loại văn học ấy xuất hiện trong quá trình tiếp nhận ảnh hưởng văn học Pháp và phương Tây khi đó. Loại văn học này xuất hiện chủ yếu vào thế kỷ 19 ở phương Tây và tồn tại cho đến ngày nay. Nó là một bộ phận trong mô hình phân ba cấp văn học của khoa học văn học gồm văn học cao cấp, hay văn học tinh hoa (Hochliteratur hay Hohenkammliteratur/high literature hay ridge literature), văn học giải trí (Unterhaltungsliteratur/light fiction) và văn học tầm thường, văn chương thấp cấp (Trivialliteratur). Phân ra thành văn hoặc giải trí và văn học tầm thường như vậy nhưng thật ra chúng chẳng phân biệt với nhau bao nhiêu, và văn học tầm thường, văn học giải trí với loại sau này được gọi là văn học đại chúng (Massenliteratue / mass literature, pulp fiction) cũng na ná như nhau về tính chất. Chúng phát triển mạnh vào thời kỳ công nghiệp hóa, khi mà nhà máy, xí nghiệp, công ty, công sở… được lập ra rất nhiều, nhất là ở các đô thị và lượng người đổ về những nơi đó để làm việc tăng cao. Họ là công nhân, viên chức, học sinh, người buôn bán, người phục vụ… Họ có nhu cầu giải trí, nhu cầu đọc sách. Nhưng trình độ học vấn của họ còn thấp hoặc trung bình, thời gian rỗi của họ ít, thị hiếu văn chương, nghệ thuật của họ là những gì đơn giản, nhẹ nhàng và phải là những gì gần với cuộc sống của họ. Họ không có thời gian để đọc văn học cấp cao thường quá dài, đôi khi khó hiểu, phải mất quá nhiều thời gian đọc và suy ngẫm để có thể hiểu được mà giá cả đôi khi cũng lại cao. Như vậy nhu cầu đọc sách của giới người đọc này là mảnh đất tốt của loại văn học cấp thấp, văn học giải trí, thường được in với số lượng lớn, khổ vừa hoặc nhỏ, giá rẻ. Chủ đề thường gặp của loại văn học này ở phương Tây là chuyện tình yêu, chuyện gia đình, chuyện cuộc đời sống chết hay những cuộc phiêu lưu mạo hiểm v.v. Chúng được thể hiện theo một kết cấu sáo mòn và đơn giản, dễ hiểu, mang nặng yếu tố tình cảm, phân biệt rõ thiện ác trong một thế giới ổn định. Đặc điểm của chúng là rập khuôn, làng nhàng, đơn điệu. Những tác phẩm như thế được in ra hàng loạt vì số lượng người đọc rất đông. Chúng được viết nhằm đáp ứng sự đón đợi của người đọc bình dân, đáp ứng thị hiếu của họ. Ở đây khoa học văn học phương Tây luôn chia đôi ý kiến phê phán và chấp nhận. Một số không nhỏ các tác phẩm văn học quốc ngữ latinh Nan Bộ đầu thế kỷ 20, như vừa đề cập ở trên, cũng có một số đặc điểm của loại văn học này. Chúng có mục đích giải trí, “giải buồn”. “Văn học thị trường” ngày nay đã có thêm một số tính chất và đặc điểm khác mà gần đây các nhà phê bình, nghiên cứu đã chỉ ra. Xin không nhắc lại. Bên cạnh những đề tài nêu trên ở một số tác phẩm văn học cấp thấp, văn học đại chúng, văn học giải trí phương Tây, còn có thể nhận thấy có các đề tài về tình dục, về bạo lực và về các hành vi tội phạm. “văn học thị trường” ở ta trước đây và ngày nay cũng có một số tác phẩm có mang những yếu tố tương tự như vậy. Và trong số đó cũng lại có những tác phẩm thuộc loại có hại, bị công kích, bị phê phán, chẳng hạn như cuốn tiểu thuyết “Hà Hương phong nguyệt” của Lê Hoằng Mưu hồi đầu thế kỷ 20 đã bị lên án là loại “tiểu thuyết ngôn tình”, “sách phong tình rất dơ dáy” làm cho “phong tồi, tục bại”, “làm cho đờn bà con gái phải hư”, khiến tòa án thời đó đã phải ra lệnh tiêu hủy.11 Vì thế có lẽ không nên phê phán theo cách cả mớ mà nên có sự phân biệt, sự xem xét, đánh giá cụ thể từng tác phẩm. Ở một số nước phương Tây, chẳng hạn như ở Cộng hòa liên bang Đức vào năm 1953 quốc hội nước này đã ban hành một bản luật chống lại sự phổ biến các sáng tác có hại đối với thanh thiếu niên được gọi là văn học dơ bẩn, rác rưởi, văn học nhớp nhúa (Schund- und Schmutzliteratur/Trashy and dirt literature) theo mô hình của bản luật chống lại các sáng tác nhảm nhí, rác rưởi, độc hại được ban hành năm 1926 gọi là Schundgesetz (Luật chống văn học rác rưỡi, đồi bại) của quốc hội Đức thời đó. Loại tác phẩm bị cấm là loại văn chương có nội dung khiêu dâm, kích dục, vô đạo, vô luân, ca ngợi bạo lực, khuyến khích sử dụng ma túy. Không chỉ nhà cầm quyền phải làm luật để chống lại loại văn học đồi bại, dơ bẩn ấy, mà các nhà văn, nhà thơ cũng như các nhà phê bình, nhà nghiên cứu ở Đức nhiều thời kỳ rất lo ngại và lên tiếng phê phán loại văn học giải trí, văn học tầm thường độc hại này. Dẫn ra thí dụ trên chỉ để thấy rằng ở phương Tây người ta cũng lo ngại sự tác hại của loại văn học rất có hại đối với thế hệ trẻ này.
Bên cạnh việc phê phán mạnh mẽ những tác phẩm có nội dung trụy lạc, không lành mạnh, không có giá trị nghệ thuật cũng cần nhận thấy rằng nhu cầu giải trí, nhu cầu đọc những tác phẩm giản dị, ngắn gọn, có nội dung lành mạnh, hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của giới công chúng độc giả đông đảo luôn bận rộn, ít thời gian rỗi, chưa được nâng cao về trình độ văn hóa hiện nay cũng cần được tính đến. Việc nâng cao trình độ đọc và năng lực cảm thụ thẩm mỹ của giới công chúng đông đảo này một phần là công việc của công tác phê bình điểm sách giới thiệu những tác phẩm hay, tác phẩm tốt phần khác là của việc tuyên truyền phổ biến văn học thông qua các cuộc nói chuyện văn chương được tổ chức thường xuyên và rộng khắp như có thể được. Việc nâng cao trình độ văn hóa, trình độ thẩm mỹ này là công việc lâu dài. Cho nên trước mắt những tác phẩm giải trí lành mạnh, hấp dẫn cũng có những đóng góp nào đó của nó và do đó vẫn còn có thể tồn tại, khi mà văn học tinh hoa, văn học cao cấp, văn học có giá trị nghệ thuật và tư tưởng cao vẫn chưa đáp ứng được sự mong đợi.
Như thế cuối cùng lại vẫn là vai trò của những nhà thơ, nhà văn có tài năng và có tâm huyết với sự phát triển và lớn mạnh của văn học. Họ là những người sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị lớn về nghệ thuật và tư tưởng làm thành những cột mốc cho từng giai đoạn phát triển của văn học. Từ đó họ sẽ góp phần vào việc đem đến cho người đọc những kinh nghiệm thẩm mỹ mới, xây dựng năng lực đọc, khả năng cảm nhận thẩm mỹ của người đọc, thúc đẩy sự phát triển của văn học. Cho nên một phần là phê bình, phản bác, nhưng phần lớn hơn, có tác dụng mạnh mẽ hơn trong việc đẩy lùi các loại văn học cấp thấp và có hại chính là khâu sáng tác, khâu sản xuất những tác phẩm mới có nội dung tốt, hấp dẫn, có nghệ thuật đặc sắc. Tôi rất ấn tượng với những suy nghĩ và chia sẻ của nhiều nhà văn, nhà phê bình, nhà nghiên cứu tại cuộc hội thảo khoa học toàn quốc về “Sáng tác văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới. Thực trạng và triển vọng” năm 2015, ở đó bên cạnh những lo ngại, những trăn trở trước những hiện tượng văn học thị trường cũng lại có những chia sẻ gợi mở cho sự sáng tạo mới trong thời kỳ kinh tế thị trường ngày càng mở rộng hiện nay. Và đó là hướng nhìn tích cực hơn.
(*) Huỳnh Vân: Phó Giáo sư, Tiến sĩ
Nguồn: Bài viết gửi tham dự Hội thảo khoa học Quốc gia Văn học thị trường và thị trường văn học – Lý luận và thực tiễn do Viện Văn học tổ chức ngày 29/8/2016; đã đăng trên Tạp chí khoa học Đại học Sài Gòn, số 19(44), tháng 8/2016
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác: Thượng kinh Ký sự (1989), NXB. Thông Tin Bộ Thông Tin, tr.52
Sđd.,tr.78
Về vấn đề văn học trong cơ chế kinh tế thị trường thời kỳ này xin xem Huỳnh Vân: Nhà văn, bạn đọc và hàng hóa sách hay văn học và sự dị trị, Tạp chí Văn học, số 6/1990, tr.10-15. Xin nói thêm là ở đây chúng tôi chỉ nói đến giai đoạn đương đại thôi. Trên thực tế từ cuối thế kỷ 19 đến trước hai cuộc kháng chiến Việt Nam đã có kinh tế thị trường và thị trường văn học.
Ngày nay công nghệ thông tin còn tạo ra hiện tượng sáng tác tập thể trên các trang mạng
Dẫn theo Bernd Wegner trong bài viết: Von allem zuviel und ueberall das Gleiche? Zu einigen Thesen und Argumenten des Buches “Der Kulturinfakt”, đăng trong tạp chí Kulturpolitische Mitteilung. Beiheft 5/2012
Nguyễn Văn Phúc: Tôi và Tản Đà, in trong Tản Đà về tác giả và tác phẩm (2000), NXB. Giáo Dục, tr.75
Sđd.. tr.75 .
Tuyển tập Tản Đà (1986) Xuân Diệu giới thiệu, Nguyễn Khác Xương sưu tầm, chú thích và viết lời bạt. tr.432
Sđd., tr.361
Sđd., tr. 435
Phan Mạnh Hùng: Cuộc bút chiến năm 1923 xung quanh tiểu thuyết của Lê Hoằng Mưu. Tạp chí Xưu & Nay, số 470, tháng 4/2016, tr. 55-59. Ở trường hợp này người ta có thể nghĩ đến một sự cạnh tranh giữa các cơ quan ngôn luận. Tuy nhiên bản thân cuốn tiểu thuyết cũng không thể biện minh gì được.