Roman Ingarden (*) – Huỳnh Vân dịch (**) |
Roman Ingarden
Thông thường trong việc thực hiện một sự cụ thể hóa một tác phẩm văn học có một số chỗ không xác định sẽ được xóa bỏ bằng việc lấp đầy một cách cụ thể hoặc chí ít sẽ được giới hạn ranh giới sự biến đổi của những cách lấp đầy có thể có. Mỗi một sự lấp dầy như vậy là sự bổ sung những cái xác định rõ ràng, xác thực cho tác phẩm, chủ yếu là ở lớp những đối tượng được mô tả 1. Sự bổ sung này có thể không có ý nghĩa gì về mặt nghệ thuật, nghĩa là không có ý nghĩa đối với việc tạo nên những chất lượng quan trọng về mặt thẩm mỹ. Như thế thì tất nhiên nó chẳng có hại gì, song từ quan điểm này thì nó không cần thiết. Nhưng nó cũng có thể có ý nghĩa về mặt nghệ thuật, và thật ra ở hai hướng: hoặc là tích cực bằng cách nó góp phần vào việc tạo nên những chất lượng quan trọng nào đó về mặt thẩm mỹ, những chất lượng phù hợp một cách tích cực với những chất lượng khác tương tự, hoặc là tiêu cực bằng cách hoặc cản trở việc tạo nên những chất lượng như thế hoặc dẫn đến việc tạo nên những chất lượng không hài hòa với những chất lượng quan trọng về mặt thẩm mỹ khác. Nhưng xét ở cả hai ý nghĩa nó cũng còn có hại đối với sự cấu tạo của tác phẩm nghệ thuật. Thứ nhất vì nó xóa bỏ một chỗ không xác định mà trong sự cụ thể hóa tác phẩm cần phải được giữ nguyên không được khỏa lấp đi, hoặc vì nó thực ra không ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại của những chất lượng thẩm mỹ có giá trị, và bản thân nó cũng trung tính về mặt giá trị, nhưng không hài hòa với những điều xác định khác của những đối tượng được mô tả, thí dụ như trong phong cách của thế giới được mô tả.
Trước sự xem xét theo cách phân tích tác phẩm nghệ thuật văn học thì, liên quan đến điều đó, còn nhiều việc phải làm – những việc mà như tôi biết cho đến nay vẫn còn bị khoa nghiên cứu văn học hoàn toàn bỏ qua không chú ý đến và vốn gắn bó chặt chẽ với chức năng nghệ thuật của tác phẩm nghệ thuật văn học. Cụ thể là:
- Trước hết cần phải xác định là trong tác phẩm được đề cập có những chỗ không xác định nào. Đương nhiên người ta không nên nghĩ rằng một lúc nào đó công việc này có thể được giải quyết hết. Nhưng điều ấy không hoàn toàn cần thiết, vì có rất nhiều chỗ không xác định chẳng có vai trò gì trong cấu trúc của tác phẩm nghệ thuật. Việc phân tích nghĩa của các câu và của các liên kết câu phải được tiến hành theo cách là làm cho có thể cảm nhận được cái không được nói ra hoặc im lặng và thêm nữa chỉ ra là những chỗ không xác định nào có ý nghĩa quan trọng đối với cấu trúc của tác phẩm và phải được giải thích trong cái cách của nó. Việc đánh giá xem những chỗ không xác định nào có được ý nghĩa quan trọng này chắc chắn không dễ dàng và điều kiện đặt ra là cần phải có sự hiểu biết tốt để nhận ra trong lớp ngôn ngữ của tác phẩm những gì thực sự được nói ra một cách rõ ràng. Như vậy thì sẽ nổi rõ lên những gì không được nói ra, những gì mà người đọc chỉ dựa trên cơ sở của văn bản tác phẩm không thôi vẫn chưa thể biết được.
- Bước tiếp theo là định hướng xem những chỗ không xác định nào cần được xóa bỏ, ngược lại những chỗ không xác định nào được xem là những cái không xác định của tác phẩm cần được giữ lại. Điều đó có thể đạt được chẳng những trên phương diện là chúng ta trong việc phân tích văn bản nhận thấy được sự thiếu sót của những thông tin nào đó về những đối tượng được mô tả và số phận của chúng ở chỗ chúng ta không hiểu được tất cả một cách thực sự hoàn toàn. Mặt khác văn bản tác phẩm có những sự khơi gợi nhất định đối với người đọc cho nên người đọc có thể xóa bỏ được những chỗ không xác định, trong khi đó ở những chỗ không xác định khác mà khi đọc đã bỏ qua không lưu ý tới thì không có sự khơi gợi đó. Sự quan sát phân tích cần ý thức rõ ràng điều này.
- Cần định hướng xem lĩnh vực biến đổi nào của việc lấp đầy có thể có của những chỗ không xác định riêng lẻ được ấn định thông qua văn cảnh quy định chúng. Bên cạnh đó giới hạn biến đổi này cần được xem xét ở hai cách: a/ Bằng việc chỉ lưu ý đến những cái xác định của những chỗ không xác định đó mà không chú ý tới văn cảnh khác và những chỗ không xác định còn lại, và b/ Với việc quan tâm xem giới hạn biến đổi của những chỗ không xác định đã được thu hẹp như thế nào thông qua việc lấp đầy những chỗ không xác định khác và thông qua yêu cầu về sự nhất trí của văn bản.2 Sự thu hẹp này trước tiên có thể được xem xét chỉ thuần bằng việc chú ý tránh những cái không thống nhất và mâu thuẩn trong bộ khung có tính chất trung tính về giá trị thẩm mỹ của tác phẩm nghệ thuật văn học. Sự chú ý tới các khả năng cấu thành những chất lượng có giá trị về thẩm mỹ đưa đến việc tất yếu phải thu hẹp những giới hạn của sự biến đổi của những sự lấp đầy được cho phép về mặt thẩm mỹ của những chỗ không xác định riêng lẻ.
Trong sự quan sát giới hạn biến đổi của việc lấp đầy những chỗ không xác định riêng lẻ có hai trạng thái có thể có ích: Thứ nhất, là những chỗ không xác định phần nhiều được xác định bằng những tên chung nào đó và các cách dùng danh từ. Với sự lưu ý đến văn cảnh, phạm vi của những cách diễn đạt danh từ này quy định ranh giới thay đổi của sự lấp đầy có thể có đó. Ranh giới V(***) này luôn luôn bằng hoặc lớn hơn 2, vì nếu V=1 thì đó hoàn toàn không phải là một chỗ không xác định, bởi lẽ khi đó tất cả, dù cho không nêu ra, sẽ được xác định rõ ràng. Nhưng không phải tất cả mọi trường hợp nằm trong ranh giới này đều hoàn toàn cùng loại. Như đã lưu ý, văn bản khơi gợi lên nơi người đọc, đến một mức độ nhất định, những trường hợp ấy từ lĩnh vực của những việc lấp đầy có thể có đối với một chỗ không xác định rõ ràng và do đó sự hiện tại hóa chúng trong khi đọc có thể có khả năng nhiều hơn. Các trường hợp này phải được lưu ý trong việc quan sát phân tích tác phẩm và kết quả của sự hiện tại hóa chúng phải được cân nhắc kỹ cho việc thể hiện sự cụ thể hóa. Tất nhiên vai trò của người đọc, đặc biệt nếu người ấy đang xác lập thái độ thẩm mỹ, không thể bị bỏ quên trong việc thể hiện sự cụ thể hóa và sự ảnh hưởng biến đổi của nó. Trong sự đa dạng cực kỳ của người đọc và của hoàn cảnh của họ thì sự ảnh hưởng này rất khó đánh giá. Song người ta cũng phải chú ý là người đọc trong khi chọn lựa sự cụ thể hóa vốn đang trong trạng thái thẩm mỹ bị ảnh hưởng của những phần đã đọc của tác phẩm và như vậy phụ thuộc ở mức độ cao vào tinh thần của tác phẩm.
- Nhiệm vụ quan trọng nhất trong việc quan sát phân tích tác phẩm văn học chính là ở phương diện là người ta phải cân nhắc xem những chất lượng có giá trị thẩm mỹ cao nào có thể được tạo lập vào trong sự cụ thể hóa, do phải thực hiện một sự lấp đầy nào đó một chỗ không xác định. Ở đấy có những khả năng khác nhau mà nhà nghiên cứu có thể nhìn thấy trước. Điều đó có nghĩa là ông ta cần thử tạo ra những cụ thể hóa thẩm mỹ khác nhau vào tác phẩm được ông nghiên cứu, dò xét chúng về các chất lượng có giá trị thẩm mỹ và đồng thời định hướng là sự hiện tại hóa chúng phụ thuộc vào những sự lấp đầy nào những chỗ không xác định đang tồn tại. Nói cách khác, ông ta không được đọc tác phẩm đó một cách phiến diện và dành ưu thế cho sự cụ thể hóa do ông ta cập nhật. Không nghi ngờ gì là nhiệm vụ này thường được giải quyết từng phần, vì sự đa dạng của những cụ thể hóa có tính chất gợi ý khác nhau là rất lớn. Cũng tương tự như vậy, một cách giải quyết thuần túy từng phần nhiệm vụ này đối với việc nhận thức tài năng nghệ thuật của một tác phẩm nghệ thuật văn học là cực kỳ quan trọng. Ở đây sự hợp tác của nhiều nhà nghiên cứu đối với tác phẩm nghệ thuật ấy đương nhiên rất có giá trị.
Việc nghiên cứu toàn bộ mối quan hệ của vấn đề này còn quan trọng bởi hai lý do: thứ nhất không chỉ là nhằm hiểu biết cấu trúc nghệ thuật của một tác phẩm nghệ thuật riêng lẻ mà cũng còn cho cả khi cần làm sáng tỏ những vấn đề chung về hiệu quả nghệ thuật của tác phẩm văn học thuộc một thể loại văn học nhất định (thí dụ tiểu thuyết, thơ, kịch) hay của những khuynh hướng hoặc phong cách văn học khác nhau (thí dụ văn học lãng mạn, chủ nghĩa tự nhiên, văn học biểu hiện hiện đại v.v.). Cụ thể sẽ xuất hiện vấn đề là phải chăng sự đa dạng của những chỗ không xác định cũng như sự lựa chọn kiểu loại của nó hiện diện trong một tác phẩm văn học không tiêu biểu cho thể loại văn học đó hay khuynh hướng đó, và phải chăng việc nghiên cứu vấn đề này không cung cấp cho chúng ta một sự bổ sung chủ yếu để nắm bắt bản chất của những thể loại này hoặc của các phong cách văn học, bên cạnh sự thông tin mà người ta có được trên cơ sở của phương diện xác định đầy đủ của tác phẩm nghệ thuật văn học. Ở đây ngay từ đầu chưa thể nói được là người ta có thể đạt được kết quả nào. Song ắt là sẽ lý thú nếu tiến hành thực hiện các nghiên cứu phù hợp, thí dụ như về văn chương tiểu thuyết hiện đại và trên phương diện này so sánh chẳng hạn các tiểu thuyết của một Zola với các tiểu thuyết của Poust, so sánh Ulysse của Joyce với bộ tiểu thuyết nhiều tập của Galsworthy hay với các tác phẩm của Meredith. Và sẽ thế nào nếu trên phương diện này ta so sánh thí dụ các tác phẩm của Thomas Mann chẳng hạn với các tác phẩm của Faulkner? Có thể chỉ ra được chăng là trong những trường hợp này ta có thể phát hiện ra tính quy luật tiêu biểu trong việc sử dụng những chỗ không xác định trong tác phẩm nghệ thuật văn học, như vậy thì cũng có thể nhìn bao quát được những sự đa dạng điển hình của những cụ thể hóa thẩm mỹ có thể có của các tác phẩm của thể loại văn học được chọn hay của một khuynh hướng văn học.
Vấn đề quan trọng thứ hai đang đặt ra có liên quan đến những chỗ không xác định nào đó của từng tác phẩm nghệ thuật văn học riêng lẻ mà trong những cụ thể hóa thẩm mỹ chúng ta không được xóa bỏ. Trong mỗi một tác phẩm văn học và đặc biệt trong thơ trữ tình có tính chất suy tư đích thực có những chỗ không được nói ra, những chỗ câm lặng, những chỗ không xác định, những chỗ bỏ trống, những chỗ mà mặc sự hiện diện kỳ lạ của chúng và sự không nhận thấy được và sự không chú ý cũng kỳ lạ như thế của chúng vẫn đóng một vai trò chủ yếu trong cấu trúc nghệ thuật của tác phẩm nghệ thuật. Trong sự quan sát phân tích tác phẩm chúng phải được nêu bật lên từ sự không được chú ý của chúng, từ sự nằm trong bóng tối của trạng thái ngoài lề của chúng và phải làm cho ý thức được rằng chức năng nghệ thuật của chúng có thể đã bị phá vỡ nếu người ta muốn xóa bỏ chúng và thay thế vào đó bằng việc lấp đầy này nọ. Với việc thay thế bởi những dữ kiện xác định dương tính dường như người ta đạt được trong các trường hợp này không có gì khác hơn là một chuyện phiếm vô ích và thêm nữa còn gây nên một sự nhiễu loạn căn bản sự cân bằng của cái vốn đã sáng tỏ, đã quen thuộc và hoàn toàn xác định trong tác phẩm nghệ thuật. Người đọc tinh nhạy, có đủ trình độ hiểu biết nghệ thuật sẽ lặng lẽ vượt qua những chỗ không xác định như vậy và chính cái đó tạo điều kiện cho người đọc ấy, chí ít cũng ở mức độ tiếp cận nhất định, tạo lập nên đối tượng thẩm mỹ đã được nghệ sĩ chủ định. Người đọc có trình độ thấp hơn, người nghiệp dư về nghệ thuật, từng được Moritz Geiger đề cập đến, người chỉ quan tâm đến số phận của những con người được mô tả, không chú ý tới việc cấm xóa bỏ những chỗ không xác định như vậy và bằng việc bổ sung tán rỗng những gì không cần phải bổ sung đã biến những tác phẩm nghệ thuật được thể hiện tốt thành thứ văn chương rẻ tiền, gây khó chịu về thẩm mỹ. Nhưng ở đây cũng có cả những nhà nghiên cứu văn học, những người đã bịa thêm vào thơ trữ tình tư duy tinh tế, sâu sắc, nhưng đồng thời cũng chỉ có tính chất khơi gợi của một Hoelderlin hay Rilke hoặc – để nêu một trường hợp có phần hoàn toàn khác – luận văn siêu hình của Trakl, và tán rỗng thêm ra cái điều được quyền chỉ là một tiên cảm, chỉ là một khơi gợi, một linh cảm trong tác phẩm nghệ thuật và cần phải giữ nguyên như vậy. Như thế nhà nghiên cứu văn học đang tiến hành quan sát phân tích tác phẩm nghệ thuật văn học phải tự kìm chế bằng cách chú ý một cách chính xác là chỗ nào trong tác phẩm có những chỗ không xác định phải được để như vậy trong sự cụ thể hóa.
Việc xử lý toàn bộ vấn đề này cho phép nhà nghiên cứu nhìn thấy trước là có thể dẫn dắt tác phẩm đó đến những cụ thể hóa nào và có giá trị thẩm mỹ ở mức độ nào (với điều kiện của một người đọc nhạy cảm và tích cực về mặt thẩm mỹ). Nhưng điều đó ta vẫn luôn luôn đạt được mà không cần quyết định là những cụ thể hóa nào trong các cụ thể hóa có thể có là sự “giải thích” “đúng” về tác phẩm ấy, và cũng không cần tìm cách “đánh giá” ngay (tức là xác định giá trị của nó). Nhưng ngay khi ta nhận thấy được rằng một tác phẩm nào đó cho phép hấp thu được những cụ thể hóa có giá trị thẩm mỹ khác nhau và một số nào đó trong các cụ thể hóa ấy khêu gợi người đọc, thì ta đã ở vào giai đoạn của sự giao tiếp với tác phẩm thơ ca mà ở đó vấn đề đánh giá xuất hiện. Nhưng ở đây chúng ta vẫn còn chưa được chuẩn bị đầy đủ để mở ra và giải quyết vấn đề này. Trước mắt điều quan trọng chỉ là ý thức một cách rõ ràng rằng sự đánh giá này có thể được tiến hành theo hai hướng hoàn toàn khác nhau xét trong mối liên quan với bản thân tác phẩm nghệ thuật văn học và xét về mối liên hệ với những sự cụ thể hóa riêng biệt, đạt được trong quan niệm thẩm mỹ. Và đồng thời ta cũng cần nhận thấy rõ rằng trong mỗi một trường hợp của những trường hợp này thì vấn đề là các giá trị của một loại hoàn toàn khác, ở tác phẩm thì đó là giá trị nghệ thuật và ở các cụ thể hóa thẩm mỹ đó là giá trị thẩm mỹ. Song ở đây bản thân tác phẩm chứa đựng trong cái cơ thể cụ thể của sự cụ thể hóa với tính cách là bộ khung, như vậy ta có thể nói rằng trong bản thân sự cụ thể hóa thì chẳng những giá trị nghệ thuật của bộ khung này mà còn cả giá trị thẩm mỹ tổng thể của cái tổng thể được cụ thể hóa có thể trở thành hiện trạng thực tế3. Sẽ có ích nếu chí ít chỉ bằng một vài từ ta phác họa được sự khác biệt căn bản giữa các giá trị này. Giá trị nghệ thuật là thuộc về tác phẩm nghệ thuật nếu nó chứa đựng trong bản thân nó cái điều kiện không thể thiếu được nhưng không hoàn chỉnh của sự hiện tại hóa một giá trị khác thuộc bản chất của nó, tức là giá trị thẩm mỹ. Nó xuất hiện trong một sự cụ thể hóa tác phẩm nghệ thuật đó. Giá trị nghệ thuật là giá trị của một phương tiện, của một – nếu ta có thể nói như thế – công cụ, một công cụ có khả năng trong những hoàn cảnh thuận lợi làm xuất hiện một giá trị thẩm mỹ. Người quan sát tác phẩm nghệ thuật tạo ra điều kiện bổ sung này của sự hiện tại hóa giá trị thẩm mỹ đó – cái hoàn cảnh “thuận lợi” ấy – của sự hiện tại hóa nó, đó là người biết tận dụng những khả năng của tác phẩm nghệ thuật để hiện tại hóa sự cụ thể hóa phù hợp của nó mà ở đó cái giá trị thẩm mỹ kia đạt đến được cái hiện tại hiển hiện của nó. Trong cái hiện tại hiển hiện của nó nó được xác lập theo phương thức kép: ở tác phẩm nghệ thuật tương ứng, được trang bị với những giá trị nghệ thuật tương ứng, và ở người quan sát, kẻ qua sự cụ thể hóa với sự hỗ trợ của tác phẩm nghệ thuật và đặc biệt của giá trị nghệ thuật của nó, đưa nó đạt đến cái hiện tại tự thân có tính chất hiện tượng. Trong khi giá trị nghệ thuật là một giá trị hiển nhiên có tính chất tương quan, mà chính giá trị của nó nằm ở chỗ là cái kia, cái mà để hiện tại hóa nó thì giá trị đó là một phương tiện không thể thiếu được, sẽ có giá trị, xét trong bản thân nó và cho chính nó – tức trong ý nghĩa này là tuyệt đối – và đem lại cho cái cùng quy định nó một giá trị. Cái giá trị xét trong bản thân nó là tuyệt đối này chính là giá trị thẩm mỹ mà chất thể của nó (chất lượng giá trị) theo bản chất của nó chỉ có thể “trực giác”, tức sẽ cạn kiệt trong một hiện tại tự thân có tính chất hiện tượng.
Trong mỗi giá trị nghệ thuật đều có một trạng thái hoàn toàn đặc biệt: Một mặt nó dường như sáng rõ ở chỗ là nó phải có cơ sở trong những chi tiết có hiệu lực của tác phẩm, nếu nó thích hợp với một tác phẩm nghệ thuật văn học, do vậy làm cho ta không phải thâm nhập vào vai trò của người đọc đánh giá (đặc biệt của “nhà phê bình”). Nhưng mặt khác giá trị ấy cùng còn phụ thuộc vào giá trị thẩm mỹ của những cụ thể hóa có thể có của tác phẩm đó. Khả năng này đương nhiên bị quy định bởi tác phẩm ấy theo một cách thức không thể thiếu được, nhưng lại không đầy đủ. Việc hiện thực hóa những sự cụ thể hóa này phụ thuộc phần lớn vào người đọc, mà nói chung không bị bắt buộc phải tạo ra một sự cụ thể hóa của tác phẩm (chẳng hạn anh ta có thể từ chối đọc nó), và trong trường hợp riêng biệt thể hiện nó trong những sự xác định làm xuất hiện giá trị thẩm mỹ được sơ phác bởi giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Liệu giá trị nghệ thuật có tương ứng một cách thực sự với tác phẩm, điều đó phụ thuộc vào cách ứng xử của người đọc. Mặt khác – vấn đế này sẽ được đề cập ngay – phải chăng người đọc cũng không hoàn toàn không phụ thuộc vào những cái xác định của tác phẩm nghệ thuật, mà do đó mức độ của việc xác lập nền tảng cho giá trị nghệ thuật trong tác phẩm được mở rộng. Giá trị nghệ thuật căn cứ vào chỗ là tác phẩm nghệ thuật đó vốn sẵn có một dấu hiệu nào đó về các đặc điểm, mà trong một sự cụ thể hóa nhất định tác phẩm nghệ thuật là cơ sở bản thể không thể thiếu được đối với việc hình thành một sự lựa chọn những chất lượng có giá trị thẩm mỹ (hay những yếu tố hình thức). Những chất lượng này về phần chúng là cơ sở của giá trị thẩm mỹ được xác định về chất lượng bên trong nó. Yếu tố còn thiếu đối với một cơ sở đầy đủ của giá trị thẩm mỹ cần tạo dựng thì người đọc về phía mình phải cung cấp. Anh ta có thể thỉnh thoảng làm việc đó hoàn toàn không phụ thuộc vào tác phẩm nghệ thuật, nhưng về phương diện này anh ta cũng được gợi ý từ những đặc điểm nào đó của tác phẩm nghệ thuật. Như vậy giá trị nghệ thuật của tác phẩm nghệ thuật là ở trong những đặc điểm của nó mà nhờ vào đó nó tác động vào người quan sát thẩm mỹ và khơi gợi người ấy trong sự cụ thể hóa nhằm tạo lập những dữ liệu còn thiếu thuộc cơ sở bản thể của giá trị thẩm mỹ. Nếu trong tác phẩm nghệ thuật thiếu các dữ liệu về các đặc điểm, cái dữ liệu tạo điều kiện cho tác phẩm trong hoạt động hướng những đặc điểm này vào người quan sát, thì việc tạo lập giá trị thẩm mỹ trong một sự cụ thể hóa nào đó – trong chừng mực mà nói chung thuộc về sự cụ thể hóa đó – duy nhất chỉ còn trông cậy vào năng lực của người quan sát, mặc dù cái cơ sở bản thể thuần túy không thể thiếu được của giá trị thẩm mỹ cần được tạo lập trong tác phẩm nghệ thuật vẫn có sẵn. Nhưng nếu thiếu cả cái cơ sở này và vẫn phải tạo lập một giá trị thẩm mỹ thì giá trị đó thuần túy là sự sáng tạo của người quan sát mặc dù nó cũng có thể xuất hiện dựa vào đối tượng thẩm mỹ. Song nó hoàn toàn không có cơ sở trong tác phẩm nghệ thuật và trong ý nghĩa đó nó không có tính “khách quan.”4
Cũng có thể có trường hợp là trong tác phẩm nghệ thuật đã có sẵn điều kiện nhất thiết không thể thiếu được và với cái nghĩa là đã đầy đủ cho sự tạo lập một giá trị thẩm mỹ để cho những đặc điểm của tác phẩm nghệ thuật xác định được một cách rõ ràng cái dữ liệu hoàn chỉnh của những chất lượng quan trọng về thẩm mỹ, những chất lượng vốn tạo lập nên một giá trị thẩm mỹ, và cũng tác động một cách đầy đủ vào người quan sát làm cho người ấy trong khi tiếp xúc với tác phẩm nghệ thuật đó bị buộc phải cụ thể hóa giá trị thẩm mỹ được xác định sẵn trong tác phẩm và qua đó cũng làm cho giá trị này xuất hiện. Như vậy thì giá trị đó, dẫu cho việc hiện tại hóa nó phụ thuộc vào hoạt động của người quan sát, là có cơ sở trong tác phẩm nghệ thuật và trong ý nghĩa này là “khách quan”.
Như vậy bước thứ nhất để đánh giá một tác phẩm nghệ thuật về phương diện giá trị nghệ thuật của nó là ở chỗ trong việc quan sát nghiên cứu bằng cách quan tâm đến một loạt những sự cụ thể hóa của nó để tìm ra dữ liệu về những đặc điểm mà trong đó có thể chứa đựng cái cơ sở cho một giá trị thẩm mỹ có thể có. Và nếu ta đã tìm ra được dữ liệu ấy thì vẫn còn phải đặt câu hỏi là dữ liệu này, với tính cách là cơ sở của giá trị, có tính chất như thế nào, tức là có khả năng nào trong các khả năng vừa được phân biệt. Không nghi ngờ gì là trước mắt nhà nghiên cứu mở ra những trạng thái hết sức đa dạng nhưng rất khó xử lý, đặc biệt do bởi có rất nhiều tình huống rất khác nhau liên quan đến tính chất của việc xác lập cơ sở của giá trị cần phải được đánh giá. Cần hết sức thận trọng và cũng cần hết sức kiên nhẫn để kiềm chế những quyết định vội vàng. Bởi nếu ta nêu lên vấn đề về giá trị và đưa ra căn cứ của nó thì như thường lệ sẽ nổi lên một tiếng la lớn về những cái được gọi là “tiêu chí” của giá trị, hay là của cái có giá trị. Người ta đòi hỏi ta đưa ra những “tiêu chí” hoàn toàn chung như thế về “tính khách quan” của giá trị. Và đồng thời người ta quả quyết ngay từ trước rằng không hề có những tiêu chí không sai lạc như vậy, rằng chúng biến đổi từ phạm vi văn hóa này sang phạm vi văn hóa khác, thậm chí từ người này sang người khác và rằng như thế sẽ không có được những tiêu chí hợp lý và cũng không có những giá trị “khách quan” v.v. Ở đây tôi không muốn mất thời gian về việc tranh luận chống lại những quan niệm phổ biến rộng rãi này. Tôi tin rằng về thực chất chúng ta chưa được chuẩn bị bao nhiêu, và thực ra chẳng những trong các thể loại nghệ thuật khác nhau mà còn trong sự hiểu biết về từng tác phẩm nghệ thuật riêng rẽ cũng như cuối cùng về những giá trị xuất hiện ở chúng để nói chung đề cập đến vấn đề về những “tiêu chí” vật chất. Tôi tin rằng chúng ta phải đạt được một sự nhận thức phân tích càng ngày càng chính xác hơn và sâu sắc hơn về các tác phẩm nghệ thuật và đặc biệt về các tác phẩm nghệ thuật văn học để có thể tiến lên trong vấn đề khó khăn này.
Một vấn đề khác, mà ở đây tôi muốn lưu ý đến, có liên quan đến cơ sở của việc xác định mức độ cao của giá trị nghệ thuật của một tác phẩm nghệ thuật văn học. Nó phụ thuộc vào cái gì? Đương nhiên vấn đề ở đây không phải là ở sự quyết định độc đoán là giá trị nào ta muốn cho là cao hay thấp, hoặc phải cho là cao hay thấp. Vấn đề là ở chỗ sự hiện diện khách quan nào ở ngay trong bản thân tác phẩm hay gắn với những cụ thể hóa có thể có do nó xác định sẽ quyết định về mức độ cao của giá trị nghệ thuật. Thế thì sẽ có những câu trả lời có thể có khác nhau về vấn đề này. Phải chăng ta không nên nghĩ rằng giá trị nghệ thuật của một tác phẩm nghệ thuật văn học nào đó càng cao hơn nếu những cụ thể hóa thẩm mỹ “đúng đắn” có thể có của tác phẩm ấy càng phong phú hơn và có giá trị hơn? Tác phẩm che đậy trong phôi mầm sự đa dạng phong phú của những giá trị thẩm mỹ cao, và cả khả năng xác định sẵn tất cả những giá trị này và trợ giúp cho chúng thành sự hiện tại hóa phù hợp với sự xuất hiện của chúng, dường như càng lớn lên cùng với sự phong phú đa dạng của chúng. Và cái năng lực này không phải là cái gì khác hơn là bản thân giá trị nghệ thuật. Người ta cũng thường nói: những tác phẩm văn học thực sự “lớn” chính là những tác phẩm mà trong các thời kỳ văn hóa khác nhau luôn sống lại một lần nữa và trải nghiệm những kết quả mới. Các nhà sáng tác bi kịch vĩ đại của Hy Lạp, tập thơ Ilias, những tác phẩm của Shakespeare, thơ trữ tình của Goethe v.v. – đó là những tác phẩm đã luôn kinh qua những sự cụ thể hóa khác trong những thời kỳ văn hóa mới mà ở đó những giá trị thẩm mỹ mới cũng xuất hiện, song cái mới này không đe dọa căn tính của tác phẩm. Trong khi đó chính điều ấy lại gây nên những lo ngại nhất định chống lại quan niệm này đối với giá trị nghệ thuật khi cho rằng sự phong phú đa dạng của các cụ thể hóa khác loại có thể có như vậy về một tác phẩm nghệ thuật mà càng nhiều thì bản thân nó lại dường như càng ít được xác định một cách rõ ràng và lại dường như chứa đựng trong nó vô số những chỗ không xác định và những yếu tố tiềm năng. Sự tham dự của nó vào sự tạo lập nên các cụ thể hóa và những giá trị thẩm mỹ được cấu tạo trong chúng sẽ trở thành không có ý nghĩa và bị sụt giảm càng ngày càng nhiều. Nhưng trách nhiệm đối với sự hiện tại hóa những giá trị này lại đặt rất nặng lên vai người đọc, hay người quan sát tác phẩm.5 Như vậy dường như cả tầm mức cao của các giá trị nghệ thuật xuất hiện trong các tác phẩm loại đó lại không đặc biệt lớn. Nhưng ở đây ta phải chú ý tới vai trò kép của giá trị nghệ thuật. Một mặt trong việc xác lập cơ sở bản thể của những chất lượng có giá trị thẩm mỹ và của những giá trị thẩm mỹ được xây dựng trong chúng, mặt khác trong việc thực hiện sự tác động vào người đọc để khơi gợi người ấy tiến hành sự cụ thể hóa. Như thế, trong chừng mức đó, trên phương diện của mặt thứ nhất có thể thừa nhận rằng những tác phẩm nghệ thuật “lớn” lại có một sự tham dự tương đối nhỏ vào việc tạo lập nên giá trị thẩm mỹ vốn xuất hiện trong các cụ thể hóa đa dạng của chúng, vì vậy phải đánh giá cao tầm quan trọng nghệ thuật của chúng trong việc đánh thức sự quan tâm và tính tích cực của người đọc trong việc xây dựng các cụ thể hóa luôn luôn mới.
Nghệ thuật bậc thầy của những tác phẩm nghệ thuật văn học nào đó có thể chính là ở chỗ chúng chỉ dành cho rất ít các cụ thể hóa có giá trị cao về mặt thẩm mỹ. Tác phẩm nghệ thuật trong cấu trúc của nó được đóng kín bên trong nó đến mức nó chỉ có tương đối ít những chỗ không xác định và những yếu tố tiềm năng mà ở đó có thể được bổ sung và cập nhật hóa. Nó cũng còn được cấu tạo rất nghiêm ngặt ở bên trong đến mức ranh giới của sự biến đổi của việc lấp đầy những chỗ không xác định riêng lẻ quy định và thu hẹp lẫn nhau, làm cho số lượng các cụ thể hóa có giá trị cho phép bị giảm mạnh. Chỉ có thể có rất ít các biến đổi trong các cụ thể hóa được thực hiện, nếu giá trị thẩm mỹ cao của chỉnh thể không bị tổn hại. Giá trị nghệ thuật cao của tác phẩm nghệ thuật cũng như cả giá trị thẩm mỹ của một số ít các cụ thể hóa của nó cũng đồng thời nằm trong sự đóng kín một cách chặc chẽ của cấu trúc. Và giá trị này cũng không thấp hơn giá trị của những tác phẩm cho phép nhiều cụ thể hóa có giá trị khác nhau.
Trong mối liên hệ với các điều đã nói cũng mở ra cái khả năng về một quan niệm khác về mức độ cao của giá trị nghệ thuật. Và thực ra ta không nên tìm kiếm nó trong sự tương đối hóa những giá trị thẩm mỹ bị quy định bởi tác phẩm nghệ thuật ấy mà là ở phương diện sự điêu luyện riêng của tác phẩm, ở sự hoàn hảo của kỹ thuật nghệ thuật mà từ đó sẽ nhận được hiệu quả có thể có của nó đối với người đọc hoặc khả năng tạo cơ sở cho những chất lượng có giá trị thẩm mỹ của nó. Sự điêu luyện này, với tính cách là dấu hiệu đặc biệt của cấu trúc của tác phẩm nghệ thuật, đáng được ca ngợi.
Như thế chúng ta nhận thấy rằng mức độ cao của giá trị nghệ thuật của một tác phẩm nghệ thuật văn học có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau và rằng mức độ này ở những tác phẩm khác nhau cũng được xác định khác nhau. Vấn đề là ở chỗ ta nên luôn luôn biết rõ rằng đó là loại giá trị nào trong trường hợp ấy và nó đặt cơ sở ở đâu. Cả điều này cũng khiến chúng ta không nên nêu ra trước những “tiêu chí” chung mà nên quan sát từng tác phẩm nghệ thuật riêng rẻ một cách hoàn toàn không có định kiến và để cho chúng chỉ bảo cho chúng ta. Như thế mối liên hệ giữa các giá trị nghệ thuật và cơ sở bản thể của chúng, mà trong những trường hợp khác nhau có thể khác nhau, dần dần sẽ sẽ trở nên sáng rõ.
Đó là một trạng thái mà nhà nghiên cứu đang quan sát phân tích tác phẩm nghệ thuật văn học phải tính đến. Ông ta có quyền một mặt tìm trong tác phẩm đang được nghiên cứu những yếu tố và phương diện xác định theo chủ kiến sự phong phú đa dạng của những cụ thể hóa có giá trị thẩm mỹ “đúng đắn”, nhưng mặt khác cũng có quyền phát hiện cả những nét độc đáo nào đó của tác phẩm mà trong đó cách thức và sức mạnh của sự tác động vào người đọc có cơ sở của chúng, nhằm hiện tại hóa trong tinh thần những cụ thể hóa thuộc loại nào đó. Cũng như việc lưu ý đến những cụ thể hóa có thể có đã dẫn nhà nghiên cứu thông qua chính tác phẩm nghệ thuật văn học đi đến một tầm nhìn mở rộng đối với những cụ thể hóa này, thì mặt khác việc lưu ý đến những khả năng tác động của tác phẩm nghệ thuật vào người đọc có thể có và các cách ứng xử khác nhau của người ấy đối với tác phẩm nghệ thuật văn học, dẫu cho nhà nghiên cứu trong cả hai trường hợp có thể tập trung vào những phương diện và những cách thể hiện nào đó của tác phẩm nghệ thuật. Và sự tập trung này sẽ lớn nhất ở nơi mà chúng ta muốn phát hiện ra được “sự điêu luyện” của tác phẩm nghệ thuật và muốn nắm bắt nó ở sự độc đáo của nó. Đó là một trạng thái phức tạp mà sự quan sát phân tích tiền thẩm mỹ về tác phẩm nghệ thuật văn học đối diện, nếu như vấn đề khám phá giá trị nghệ thuật của tác phẩm nghệ thuật bắt đầu xuất hiện với nó. Trong nhiều công trình nghiên cứu về việc gọi là “đánh giá văn học” đã xuất hiện trong những năm gần đây thì – theo như tôi nhận thấy – không một ai đã nhìn thấy được một cách rõ ràng tình hình này. Nó trước hết phải được phân tích không chỉ một cách hoàn toàn tổng quát mà còn trong từng trường hợp riêng lẻ, trước khi ta tiến gần đến việc thực hiện sự “đánh giá văn học” một tác phẩm. Tương tự như qua những cân nhắc vừa được nêu thì thấy chúng ta chưa được chuẩn bị đầy đủ để ngay từ bây giờ tiếp cận vấn đề đánh giá “văn học” và đánh giá “thẩm mỹ” tác phẩm nghệ thuật văn học. Hiện thời thậm chí chúng ta còn phải để ngõ vấn đề là liệu sự “đánh giá văn học” kia là một thao tác nhận thức đặc biệt hay một phương thức ứng xử vượt ra ngoài phạm vi nhận thức và dẫn vào lĩnh vực của một cảm xúc đặc biệt. Theo đó – hình như thế – có thể còn có một vấn đề (bewandtnis) khác. Có khả năng có những kiểu loại hay phương thức khác nhau của sự “đánh giá”. Một loại thuộc về lĩnh vực phương thức đặc biệt của việc nhận thức trong khi loại kia lại thuộc những phương thức ứng xử hoàn toàn khác của người tiếp nhận thẩm mỹ. Nhưng ngay khi chúng ta tiếp cận vấn đề đánh giá hay nắm bắt giá trị của một tác phẩm nghệ thuật văn học chúng ta cũng không bằng lòng với sự quan sát thuần túy mang tính chất phân tích, tiền thẩm mỹ (cũng có thể mang tính chất tổng hợp) về tác phẩm và phải bắt tay vào vấn đề phương thức nắm bắt các cụ thể hóa thẩm mỹ của tác phẩm nghệ thuật văn học.
(*) GS.TS. Nhà Triết học và Mỹ học Ba Lan.
(*) Huỳnh Vân trích dịch từ sách Mỹ học tiếp nhận – Lý thuyết và thực tiễn
Rainer Warning chủ biên, NXB. Wilhelm Fink, Muenchen 1975
(***) Ký hiệu V ở trên được Ingarden lấy từ chữ cái đầu của từ Variabilitaet (ND).
Chú thích
1. Thông thường nó được tiến hành một cách ngầm ẩn, nghĩa là không có sự mở rộng hay thay đổi rõ rệt lớp kép của ngôn ngữ, mặc dù yếu tố bổ sung cũng phải được người đọc cùng nghĩ đến bằng cách nào đó.
2. Cấu trúc của văn bản của tác phẩm đó chính là cái đề ra yêu cầu này và cả giới hạn của nó. Không phải tất cả các văn bản văn học đều phải nhất trí một cách nghiêm ngặt, nhưng như thế thì sẽ có – trong tác phẩm được cấu tạo tốt về mặt văn học – một “logic” (sự ổn định) nào đó của sự không nhất trí này.
3. Cần phải thừa nhận rằng tác phẩm nghệ thuật văn học được cụ thể hóa còn có thể thể hiện, hay tốt hơn, còn có thể làm xuất hiện những giá trị khác, thí dụ những giá trị đạo đức và giáo dục, những giá trị thuộc về loại xã hội hay văn hóa chung và, trên phương diện này, thực hiện những chức năng khác trong đời sống con người và đời sống xã hội. Song tất cả những giá trị có thể có này có tính chất thứ yếu và ở đây nói chung không xem xét đến. Nhưng kỳ lạ là thông thường những giá trị ngoài nghệ thuật và ngoài thẩm mỹ này lại được người đọc và cả các nhà phê bình tính đến trước tiên. Điều đó có những nguyên nhân rất khác nhau mà ở đây không thể bàn đến. Đóng vai trò quan trọng ở đây không phải chỉ cái tình trạng là chẳng những người đọc mà còn cả những người được gọi là nhà phê bình không được đào tạo đầy đủ trong việc giao tiếp với nghệ thuật và với các đối tượng thẩm mỹ. Họ không ý thức được một cách rõ ràng về tính chất đặc thù của những giá trị nghệ thuật và về tính độc đáo của nghệ thuật và, trước những khó khăn cần khắc phục, lại tự cứu vớt mình bằng cách chạy trốn trước nghệ thuật vào những lĩnh vực khác có vẽ không khó để nhận ra và công nhận các giá trị. Nhưng đó chỉ có vẻ như là một sự cứu vớt mà thôi.
4. Xin xem thêm bài viết “Những quan sát về vấn đề tính khách quan” của tôi , Tạp chí Nghiên cứu triết học,1967, số I và II.
5. Nếu ta đọc thơ trữ tình hôm nay ta sẽ có ấn tượng là các nhà thơ nghĩ rằng phải để cho tác phẩm của họ không xác định như có thể được nhằm dành cho người đọc một phạm vi càng rộng càng tốt cho những cụ thể hóa được phép mà người đọc có thể thể hiện như thế này hay thế kia theo ý muốn của mình. Sự việc này đã bắt đầu ở Đức với Stephan George khi ông vứt bỏ hết trong các bài thơ của mình tất cả những dấu chấm câu để không hạn chế sự tự do giải thích bài thơ của họ. Thơ trữ tình hiện nay đi tiếp một cách có một không hai theo hướng này, bằng cách chẳng hạn từ chối việc lập các mệnh đề đầy đủ, đúng cách nhằm để mặc cho người đọc tự do bổ sung bài thơ như anh ta thích. Tính chất lược đồ của tác phẩm văn học ở đó đôi khi bị đẩy đến mức phi lý.