Lịch sử tiếp nhận các tác phẩm văn học

Share Button
Felix V. Vodicka (*)

Felix V. Vodicka

Chúng ta đã đặt tác phẩm văn học vào trung tâm của việc nghiên cứu lịch sử văn học và đã theo dõi những khả năng nghiên cứu nó từ điểm nhìn của sự phát triển cấu trúc văn học và từ điểm nhìn của sự hình thành của nó. Giờ đây chúng ta đi vào nhiệm vụ chính thứ ba của việc nghiên cứu lịch sử văn học. Mỹ học cấu trúc quan niệm tác phẩm văn học là ký hiệu thẩm mỹ được xác định dành cho công chúng. Như vậy chúng ta phải thường xuyên không được rời mắt khỏi chẳng những sự tồn tại của nó mà còn cả sự tiếp nhận nó nữa; chúng ta phải lưu ý là nó được cộng đồng người đọc lĩnh hội, lý giải và đánh giá. Chỉ khi tác phẩm được đọc thì nó mới được hiện thực hoá về mặt thẩm mỹ, chỉ với điều đó nó mới trở thành đối tượng thẩm mỹ trong ý thức của người đọc. Tuy nhiên gắn chặt với sự lĩnh hội thẩm mỹ là sự đánh giá. Tiền đề của sự đánh giá là các chuẩn mực đánh giá, nhưng những chuẩn mực này lại không ổn định, cho nên giá trị của một tác phẩm từ quan điểm của những nguồn gốc lịch sử không phải là những đại lượng cố định và không biến đổi. Chính vì các quy chuẩn và các giá trị văn học luôn luôn biến đổi trong sự phát triển lịch sử nên nhiệm vụ đương nhiên của khoa học lịch sử là phải nắm bắt những sự biến đổi này.

     Ngay khi một tác phẩm văn học được công bố hay được phổ biến thì nó trở thành tài sản của công chúng, nó được họ tiếp nhận từ quan niệm của sự cảm thụ nghệ thuật hiện tại của họ. Nhận thức sự cảm thụ này trong lĩnh vực văn học là một trong những nhiệm vụ cao quý nhất của nhà sử học, như thế ông ta có thể hiểu được sự tiếp nhận của các tác phẩm và sự đánh giá hiện tại về chúng. Trong việc nghiên cứu sự phát triển văn học, chúng ta xử lý tác phẩm văn học – không quan tâm đến việc nó thực sự tác động thẩm mỹ như thế nào và nó được đánh giá ra sao – như là một khâu trong một dãy phát triển với mục đích nắm bắt giá trị tiến triển của nó. Bây giờ chúng ta dịch chuyển sự chú ý của chúng ta đến các tác phẩm với tính cách là đối tượng thẩm mỹ và giá trị thẩm mỹ. Nhằm mục đích này chúng ta phải nghiên cứu sự phát triển của ý thức thẩm mỹ trong chừng mức nó có những tính chất siêu cá nhân và bao hàm một mối liên hệ gắn kết với thời đại, với nghệ thuật ngôn từ. Những yếu tố đánh giá chủ quan, kết quả của thiên hướng tâm lý nhất thời của người đọc hay thiện cảm và ác cảm cá nhân của người ấy, phải được sự phê bình theo nguồn gốc lịch sử phân biệt với chuẩn mực văn học của thời đại, bởi vì mục đích của sự nhận thức của chúng ta chính là những đường nét mang tính chất chung về lịch sử. Đối với chúng ta cái chính là phục nguyên chuẩn mực văn học trong sự phát triển lịch sử để có thể theo dõi được các mối liên hệ giữa dãy phát triển này với sự phát triển thực sự của cấu trúc văn học. Đương nhiên một số yếu tố của chuẩn mực này đã đi vào tác phẩm trong sự hình thành của nó. Theo quan điểm ấy, Mukarovský đã biểu thị tác phẩm văn học là “sự cân bằng năng động của những chuẩn mực khác nhau được vận dụng một phần có tính chất tích cực, một phần có tính chất tiêu cực” (La norme esthétique” Travaux du IXe congrès international de philosophie XII, 3, S.75 [tschesch in: J.Mukarovský, Studie  z  estetiky, Prag 11996, S.74-77, 21971, S.94-100]).

     Trên phương diện này, chúng ta đã nghiên cứu mối liên hệ đó ở phần nói về sự hình thành của tác phẩm. Nhưng ngoài điều ấy thì sự tồn tại của toàn bộ các chuẩn mực thời đại cũng xác định là một tác phẩm tham dự vào văn học theo phương thức nào. Trong bài viết vừa dẫn, Mukarovský đã mô tả những đặc điểm của chuẩn mực thẩm mỹ: mối quan hệ của nó với những tác phẩm mới được xác định bằng sự khác biệt năng động mà qua đó tác phẩm thường có khả năng đưa lại cho chuẩn mực một khuynh hướng mới, lệch khỏi chuẩn mực ban đầu; do vậy nên một tác phẩm nào đó không phải luôn luôn được đánh giá tích cực nếu nó phù hợp với chuẩn mực, bởi vì sự đón đợi thẩm mỹ có thể hướng đến một cái gì mới, một cái gì lệch chuẩn. Nếu giờ đây chúng ta quan sát những chuẩn mực được hiểu như vậy trong sự tiến hóa liên tục của nó, chúng ta sẽ có khả năng theo dõi được cả mối quan hệ qua lại giữa dãy lịch sử của các chuẩn mực này và dãy lịch sử của các tác phẩm văn học hiện tại, tức là sự phát triển của cấu trúc văn học. Giữa chúng luôn tồn tại một mối quan hệ tương hỗ song song nào đó, bởi vì sự hình thành một chuẩn mực và sự hình thành một hiện thực văn học mới luôn bắt nguồn từ một cơ sở chung, đó là truyền thống văn học, mà cả hai cùng tìm cách vượt qua. Tuy nhiên người ta không thể đồng nhất chúng với nhau, bởi vì toàn bộ sự đa dạng của đời sống của các tác phẩm văn học đều bắt nguồn từ sự khác biệt năng động giữa tác phẩm và chuẩn mực. Trường hợp phổ biến nhất là sự phát triển của văn học diễn ra trước thị hiếu văn học làm cho chuẩn mực văn học tập tễnh đi sau sự phát triển văn học (thí dụ trường hợp Machás hay Nerudas). Tuy vậy vẫn có thể xảy ra trường hợp ngược lại, đặc biệt nếu các nhà phê bình – những người đảm nhiệm chức năng là những người nắm giữ sự phát triển của chuẩn mực văn học – đưa ra các đòi hỏi mà mãi sau đó mới được thực hiện trong sáng tạo văn học (ở ta là trường hợp Saldas). Rõ ràng chúng ta phải chú ý đến vấn đề là sự thụ cảm thẩm mỹ không chỉ được xác định bởi những quy ước truyền thống mà còn bởi sự đòi hỏi những tác phẩm cụ thể mới, những tác phẩm không được xác định, trước khi những ý niệm được cảm nhận bên trong hơn là có thể diễn đạt ra, có thể phù hợp với một cái đẹp văn học mà cho đến lúc bấy giờ vẫn còn chưa được thực hiện. Cơ sở của chuẩn tắc về giá trị một thời kỳ tất nhiên là một trạng thái nhất định của cấu trúc văn học, tuy vậy phải với điều kiện nó là đối tượng của những tìm tòi khắc phục thường xuyên để cho chuẩn tắc văn học chỉ trong trường hợp ngoại lệ mới khô cứng lại thành sự ổn định nghiêm ngặt. Thế nhưng cũng vẫn xảy ra là một lý thuyết văn học tồn tại như một chuẩn mực mà không cơ sở trên một thực tế văn học nào và thực ra hoặc là một điều bất thường của lịch sử, hoặc là cương lĩnh không tưởng chẳng hạn, hoặc là một định đề chuẩn mực nhưng không được thực hiện đầy đủ.

     Các chuẩn mực và các định đề văn học là điểm xuất phát của việc đánh giá. Chúng ta không được nghĩ rằng văn học của một thời kỳ nào đó chỉ là toàn bộ các tác phẩm văn học hiện có mà chúng cũng còn rất cần phải được giới thiệu ra cho chúng ta như là toàn bộ những giá trị văn học. Tầm quan tâm và tầm hiểu biết của công chúng văn học của một dân tộc nào đó hay của một từng lớp xã hội nhất định là bao gồm một khối lượng nào đó những tác phẩm được tổ chức trong một thứ bậc giá trị nhất định. Mỗi một tác phẩm mới bằng cách thức nào đó gia nhập vào nền văn học này và được những người đọc của nó thực hiện một sự đánh giá nhất định. Sự đánh giá này tất nhiên chỉ có ý nghĩa đối với sự ổn định của trình tự thứ hạng các giá trị văn học nếu nó được công bố công khai – do vậy nó là chức năng quan trọng của nhà phê bình.

     Cũng giống như nhiệm vụ của lịch sử văn học là nắm bắt toàn bộ sự phong phú của các mối quan hệ nảy sinh từ tính chất đối cực của tác phẩm và hiện thực thì sự năng động được xác định bằng sự đối cực giữa tác phẩm và công chúng độc giả phải trở thành đối tượng của việc viết lịch sử văn học. Như vậy chúng ta nắm bắt được đời sống văn học trong ý nghĩa chân chính của từ này mà trong đó các tác phẩm trở thành đối tượng của sự cảm thụ thẩm mỹ và nhận được một giá trị có một ý nghĩa to lớn chẳng những trong lĩnh vực thẩm mỹ mà còn cả trong toàn bộ đời sống xã hội của một tập thể độc giả nào đó.

     Nếu giờ đây chúng ta tổng hợp lại nhiệm vụ chính của lịch sử văn học trong khu vực của sự phân cực, lĩnh vực mà tác phẩm và tính chất của sự cảm thụ nó phải kinh qua thì có thể kể những nhiệm vụ đó như sau:

  1. Phục dựng lại chuẩn mực văn học và toàn bộ những định đề văn học của một thời đại.
  2. Phục dựng lại văn học của một thời kỳ, tức là khối lượng tác phẩm, đối tượng của sự đánh giá sinh động, và mô tả thứ bậc của các giá trị văn học của một thời kỳ.
  3. Nghiên cứu sự cụ thể hóa các tác phẩm văn học (các tác phẩm đương đại và các tác phẩm quá khứ), tức là nghiên cứu hình thức của tác phẩm mà chúng ta gặp phải trong việc tìm hiểu thời kỳ đó (nói rõ ra là sự cụ thể hóa có phê phán).
  4. Nghiên cứu phạm vi tác động của một tác phẩm trong lĩnh vực văn học và  ngoài văn học.

     Hiển nhiên tất cả các nhiệm vụ này có mối quan hệ qua lại với nhau và thâm nhập vào nhau. Song vấn đề không chỉ là ghi chép tất cả các sự kiện liên quan đến những nhiệm vụ đã nêu mà còn tìm ra những khuynh hướng cơ bản của tiến trình phát triển. Bản chất của tiến trình hướng vào sự biến đổi thường xuyên này tất nhiên hạn chế chúng ta đạt đến được các quy luật theo ý nghĩa của khoa học tự nhiên, bởi vì cần phải đặc biệt lưu ý là trong cái cơ cấu xã hội mà những người tiếp nhận các sản phẩm văn học thuộc vào, vốn có rất nhiều tầng lớp tồn tại bên cạnh nhau, những tầng lớp vẫn luôn hướng theo một chuẩn mực khác – dù cho ở đây là sự khác biệt nhất định thuộc về thế hệ (chuẩn mực của con cái, cha mẹ, ông bà) hay sự phân chia theo hướng thẳng đứng của công chúng văn học (lớp độc giả có trình độ thẩm mỹ văn chương, cộng đồng độc giả rộng lớn, lớp độc giả của những sản phẩm văn học ngoại vi). Chính vì vậy nên một sự phân tích lịch sử văn học một cách cẩn thận cần tránh các khái quát hóa không chú ý đến sự chia tách phong phú của chuẩn mực văn học. Việc ý thức về sự tồn tại của sự phân bổ theo địa phương, theo thế hệ và theo chiều dọc của công chúng độc giả đòi hỏi phải nghiên cứu mối quan hệ qua lại của thị hiếu văn học của các lớp độc giả xã hội này.

     Tuy nhiên với việc nghiên cứu những nhiệm vụ mà chúng tôi đã kể ra bên trên cũng nổi lên những vấn đề phương pháp luận tiếp theo. Ở đây chúng tôi chỉ có thể nói sơ qua những vấn đề quan trọng nhất.

1.Sự phục dựng lại chuẩn mực văn học

     Chúng ta có những nguồn tài liệu nào cho việc nghiên cứu chuẩn mực văn học?

  1. Các chuẩn mực tồn tại ngay trong văn học, tức là trong các tác phẩm có tính chất phổ cập được đọc và qua đó các tác phẩm văn học mới hay các tác phẩm khác được so sánh, đối chiếu và đánh giá.
  2. Các thi pháp có tính chất chuẩn mực hay các lý thuyết văn học một thời đại cho phép chúng ta nhận ra các “quy tắc” mà theo đó văn học của một thời kỳ nào đó “nên” noi theo.
  3. Những ý kiến của việc phê bình đánh giá văn học, những quan điểm và những phương pháp của sự đánh giá này và những đòi hỏi đối với sự sáng tạo văn học là những nguồn tài liệu phong phú nhất. Sự tập trung chú ý của nhà sử học chính là nhằm vào hoạt động phê bình này, bởi có thể nói nó là tàn tích duy nhất của mối quan hệ tích cực và có tính chất đánh giá này của người đọc đói với tác phẩm. Trong xã hội, nhà phê bình là người tham gia vào đời sống văn học và hướng sự chú ý vào tác phẩm, vốn có chức năng đã được xác định của mình. Trách nhiệm của ông ta là phát biểu về tác phẩm với tính cách là đối tượng thẩm mỹ, xác định sự cụ thể hóa tác phẩm, tức là cái hình dáng của nó từ quan điểm của sự cảm thụ thẩm mỹ và cảm thụ văn học của thời đại của ông và phát biểu về giá trị của nó trong hệ thống những giá trị văn học có hiệu lực, trong đó ông ta xác định sự đánh giá của ông ta là tác phẩm đáp ứng được những đòi hỏi của sự phát triển văn học đến mức độ nào. Công việc của nhà văn học sử là quan sát xem các nhà phê bình đã lĩnh hội chức năng này như thế nào, và đồng thời nhận xét xem các nhà văn đã thực hiện chức năng của mình trên phương diện các nhiệm vụ văn học đó như thế nào. Có những thời kỳ mà trong đó phê bình là một yếu tố gần như gây trở ngại cho sự phát triển, còn trong những thời kỳ khác nó lại là lực đẩy của sự phát triển; có những thời kỳ mà ở đó nó hỗ trợ cho công chúng trong việc thay đổi thị hiếu văn học của họ, trong khi đó ở những thời kỳ khác nó lại canh giữ cho việc bảo toàn những giá trị truyền thống của quá khứ. Tuy nhiên cũng có những thời kỳ mà ở đó nó xao nhãng những chức năng nào đó của mình, thí dụ như việc đánh giá hay việc mô tả sự cụ thể hóa các tác phẩm. Điều đó đương nhiên dẫn tới những hệ quả của nó đối với hệ thống giá trị một thời kỳ: thứ bậc giá trị bị chao đảo và thị hiếu văn học rơi vào thời điểm mơ hồ không có đường nét rõ rệt.

     Nhà phê bình xuất phát từ các định đề và sử dụng những phương pháp nhất định mà nhà nghiên cứu lịch sử tìm cách nhận ra. Chúng ta không được đánh đồng các phương pháp phê bình với các phương pháp khoa học về phân tích tác phẩm hay với sự thực hành lịch sử văn học. Thí dụ như quan điểm quá nhấn mạnh vào mỹ học tâm lý trong phê bình hồi cuối thế kỷ (ví như mỹ học tâm lý học của Hennequin) không chỉ là hệ quả của sự nhận thức khoa học về tầm quan trong của các yếu tố tâm lý trong tác phẩm văn học mà còn trong mối quan hệ với chuẩn mực văn học vốn nhấn mạnh đến các yếu tố tâm lý như là luận đề trong sáng tạo văn học. Các phương pháp phê bình giúp cho việc cụ thể hóa và đánh giá một tác phẩm theo quan điểm của những tiên đề đang tồn tại, các phương pháp lịch sử văn học tạo điều kiện để hiểu và giải thích một tác phẩm trong mối quan hệ với những hiện tượng lịch sử khác. Tất nhiên trên thực tế trong quá khứ thường xảy ra sự việc là ranh giới giữa hai lĩnh vực chồng lấn lên nhau, là nhà phê bình vô tình trở thành nhà sử học (F.X.Salda) và nhà sử học trở thành nhà phê bình (A.Novák). Do vậy đến một mức độ nào đó các tác phẩm lịch sử văn học trở thành nguồn tư liệu cho việc nhận thức chuẩn mực, và đặc biệt là những tác phẩm từ các giai đoạn lịch sử văn học mà ở đó nó nhấn mạnh sự nhận xét có tính chất đánh giá được phát biểu độc lập với thực tế lịch sử nhưng lại từ quan điểm những định đề đó. Rõ ràng ở đây người ta phải thận trọng và phải xử lý riêng rẽ từng trường hợp một.

     Khi chúng ta nói đến một chuẩn mực và các định đề thì phải nhấn mạnh rằng các định đề chẳng những phải có quan hệ với cách thức tổ chức, bố trí tài liệu từ quan điểm kỹ thuật (quy tắc). Trong bài viết đã dẫn Mukarovaký đã đưa cả những định đề về luân lý xã hội, về tôn giáo, về triết học v.v. vào các chuẩn mực, tức là những định đề phù hợp với những vấn đề thuộc chủ đề tư tưởng của văn học. Theo quan điểm này thì những luận đề ấy xuất hiện như là những nhiệm vụ sẽ được giải quyết thông qua sự trung giới của một tác phẩm văn học với chức năng thẩm mỹ. Ngược lại chúng ta cũng có thể theo dõi bằng cách là sự cảm thụ một tác phẩm trong lĩnh vực của các định đề về tư tưởng hay các định đề về đời sống của một thời kỳ vận động như thế nào, sự cảm thụ này cũng ảnh hưởng đến sự đánh giá nó về mặt thẩm mỹ. Trong sự cảm thụ một tác phẩm nghệ thuật nào đó với những yếu tố chủ đề thì mối liên hệ giữa hiện thực đời sống với những giá trị của nó một mặt và mặt khác với hiện thực được trung giới thông qua phương tiện nghệ thuật luôn được thực hiện. làm cho cả việc đánh giá cũng là kết quả của một tiến trình phức tạp, vốn bị quy định bởi cấu trúc đời sống của thời kỳ đó và của những giá trị của nó như đã được Mukarovský trình bày trong công trình nghiên cứu của ông “Estetická funce, norma a hodnota jako sociální fakty” [Chức năng thẩm mỹ, chuẩn mực thẩm mỹ và giá trị thẩm mỹ với tính cách là những thực tế xã hội; bản tiếng Đức trong J. Mukarovský, Kapitel aus der Aesthetik, Frankfurt 1970, tr. 7-112]. Mỗi một tác phẩm là đối tượng của một sự đánh giá trong những mối quan hệ này cũng va chạm với những tập quán và những quan niệm thuộc quy ước của tập thể cảm thụ làm cho trên cái nền của nó sự cụ thể hóa đương thời của tác phẩm diễn ra, dù cho sự đánh giá là tích cực hay tiêu cực. Một tác phẩm với một chủ đề khác thường và không dựa trên truyền thống văn học và xã hội được xem là phá vỡ chuẩn mực cũng như là sự khắc phục nghệ thuật mới của một hệ đề tài phù hợp với chuẩn mực.

     Việc nhận xét các tác phẩm văn học từ quan điểm của các tư tưởng tôn giáo, xã hội, luân lý v.v. có thể được nhấn mạnh trong chuẩn mực văn học đến mức làm cho chức năng thẩm mỹ của tác phẩm chỉ còn có thể được cảm nhận một cách sinh động ở chỗ mà nó được ủng hộ bởi một sự định hướng tư tưởng thống nhất (chúng ta nhớ lại quan điểm tôn giáo trong văn học trung cổ). Tuy vậy cũng có những ranh giới nào đó giữa sự cảm thụ thẩm mỹ một tác phẩm và sự nhận xét nó về mặt tư tưởng; chừng nào mà sự đánh giá một tác phẩm chỉ nhằm đến hiện thực, mà thông qua đó tác phẩm thông báo một việc gì, và dừng lại, không quan tâm gì nữa đến bản thân tác phẩm và cấu trúc của tác phẩm, chừng nào mà tác phẩm được xem xét từ quan điểm về tính chân thực của sự thông báo của nó mà không phải là từ quan điểm về tính chất của sự biểu hiện thi ca của nó trong chính văn bản ấy, thì chừng đó ở đây ngay cả những yếu tố chủ yếu nào đó đã bị đẩy ra khỏi lĩnh vực quan sát, lĩnh vực mà ký hiệu thẩm mỹ phân biệt một cách nổi bật với tổng thể các ký hiệu khác vốn chỉ có chức năng thông báo. Một mối quan tâm chỉ thuần nhằm vào sự thông báo không thôi thì không còn thuộc vào lĩnh vực nghiên cứu lịch sử văn học nữa, song nó có thể là đối tượng của những công trình nghiên cứu lịch sử văn hóa, vốn dựa vào tác phẩm văn học như là nguồn tài liệu. Tuy vậy từ quan điểm phương pháp luận chúng ta phải luôn luôn chú ý là một tác phẩm văn học xét về phương diện chức năng thẩm mỹ của nó chỉ có thể được xem xét với một sự thận trọng nhất định và phải với sự tôn trọng chức năng của nó với tính cách là nguồn tài liệu lịch sử, bởi vì cả sự thông báo của tác phẩm đó cũng bị lệ thuộc vào chức năng này, đặc biệt thường khi một tác phẩm lại nhằm vào sự đa nghĩa và cho phép nhiều cách giải thích nghĩa.

  1. Sự phục dựng lại thứ bậc của tác phẩm văn học một thời kỳ nhất định

     Ngay trong bản chất của mối quan hệ của con người đối với những sự việc và hiện tượng xung quanh chúng ta cũng đã được dự định là chúng sẽ được đánh giá, và từ điểm nhìn giá trị của chúng, chúng sẽ được sắp xếp vào trong toàn bộ các hệ thống giá trị có hiệu lực. Trong sự đánh giá này sự đòi hỏi phải khắc phục sự không chắc chắn và không xác định trong mối quan hệ của cá nhân và toàn bộ xã hội loài người đối với các hiện tượng phải được bảo đảm, và sự đánh giá này phải di kèm với sự cảm thụ thẩm mỹ. Xét từ góc nhìn văn học thì vấn đề ở đây là sự cân bằng thường xuyên của sự khác biệt phát sinh từ sự tồn tại của tác phẩm văn học một mặt và mặt khác từ toàn bộ cơ chế của sự cảm thụ chúng bởi người đọc, nói cách khác: trong hành động đámh giá thì cấu trúc của tác phẩm phù hợp với cấu trúc của chuẩn mực văn học.

     Sự chú ý của nhà văn học sử hướng vào vấn đề là cái gì tạo nên kích thước và nội dung của văn học trong thời điểm phát triển đó. Ở đây chúng tôi nói đến nền văn học sống động trong ý nghĩa nó là thành phần của ý thức của người đọc mà không phải là những giá trị văn học thuộc về lịch sử vốn không phải là đối tượng của sự quan tâm mạnh mẽ của người đọc và vì vậy thường xuyên hay đôi khi không còn có tác động thẩm mỹ tích cực. Một sự phục dựng lại như vậy khối lượng văn học sinh động có ý nghĩa riêng của nó đối với việc nhận thức chuẩn mực văn học một thời kỳ và đối với việc nghiên cứu sự biến đổi của sức mạnh tác động của văn học của từng tác phẩm và tác giả. Chúng ta nghiên cứu xem tác phẩm nào của các tác giả đương thời và quá khứ có tính đại chúng và có những mối quan hệ nào đối với các khuynh hướng văn học đương thời và quá khứ. Chúng tôi ý thức được rằng không phải mỗi một tác phẩm được công bố đều được sắp xếp vào các chuẩn mực, mặc dù sau đó nó có thể là một giá trị không thể nghi ngờ (Máchas Máj[Tháng Năm]); Tất nhiên có những tác phẩm mà ngay vào thời điểm nó xuất hiện đã trở nên chỉ có giá trị lịch sử. Ngược lại cũng đã xảy ra là có những tác phẩm được xếp vào văn học đang sống động mà từ lâu đã bị loại ra khỏi văn học “cao cấp” hay những tác phẩm thuộc thị hiếu văn học cấp thấp đã hầu như không được thu nạp vào văn học này (sự sùng bái thơ ca dân gian, sự sùng bái hát rong). Trong việc nghiên cứu ý thức văn học thì yêu cầu về phương pháp luận là phải chú ý một cách cẩn thận cơ sở xã hội của sự phân biệt của thị hiếu văn học. Chúng ta có thể nghiên cứu xem khối các tầng lớp độc giả rộng lớn có mối tương quan như thế nào đối với khối độc giả của văn học “cao cấp”. tầm vươn của sự quan tâm của độc giả xa đến đâu, liệu khu vực độc giả trong sự ưu tiên văn học của họ có liên kết và đồng chất không hay liệu nó có chia ra thành nhiều nhóm khép kín không v.v.. Ở đây chúng ta đã đi đến các nhiệm vụ mang tính xã hội học. Tuy thế nhà nghiên cứu sẽ vấp phải sự nhầm lẫn nếu ông ta giải thích sự hình thành của chuẩn mực văn học của các nhóm xã hội riêng rẻ chỉ từ các điều kiện sống của những nhóm này và không chú ý đến sức mạnh của quy ước văn học và các thủ pháp văn học truyền thống hình thành từ đặc điểm của tài liệu. Bảo rằng ở đây có những mối quan hệ nào đó giữa thị hiếu văn học với  những điều kiện sống của một từng lớp xã hội nhất định thì không có gì phải nghi ngờ, song nó không có những điều kiện khách quan đầy đủ cho việc giải thích trong ý nghĩa của mối quan hệ lệ thuộc có tính chất nhân quả. Tương tự như trong sự phát triển của cấu trúc văn học luôn có những thời điểm phát triển nhân quả chính nội tại trong giai đoạn sớm của văn học, thì sự phát triển của chuẩn mực văn học cũng chủ yếu được xác định bởi những nguyên nhân mà nguồn cội của nó là trong sự tổ chức của các yếu tố cấu trúc của tiêu chí văn học, bởi vì một giai đoạn phát triển mới vốn đưa lên hàng đầu những thành tố mà trong chuẩn mực trước đó đã bị xem thường. Chúng ta cũng có thể giải thích sự phát triển của chuẩn mực văn học theo cấu trúc luận. Tuy thế cả ở đây trong việc hình thành một tiêu chí và một giá trị lịch sử ở một mức độ nào đó cũng có thể có sự can thiệp của những yếu tố khác chất. Nhà xuất bản, thị trường văn học, quảng cáo – đó là những nhân tố có thể tác động vào sự đánh giá, song tương tự như vậy cả những biến chuyển bất ngờ trong sự cố chính trị cũng dẫn tới sự thay đổi chuẩn mực. Nhà sử học theo dõi mối liên hệ của những yếu tố khác chất này đối với những điều kiện bên trong của sự tổ chức mới của chuẩn mực văn học và quan sát xem liệu những sự can thiệp bên ngoài này sẽ đẩy nhanh hay làm chậm lại sự phát triển tự thân, hay là bằng cách thức nào những chuẩn mức mới và đánh giá mới vẫn tìm được những người cắt nghĩa và giải thích của chúng mặc cho những sự can thiệp phá rối từ bên ngoài, hay là người ta cố gắng né tránh áp lực làm cho nó thành vô hiệu. Không phải lúc nào chuẩn mực thực sự là cái tự sinh ra cho nó. Những sự can thiệp từ bên ngoài cũng có thể đóng góp làm cho những ngã đường của sự sản xuất văn học và của chuẩn mực văn học tách xa nhau. Tuy vậy sự xung đột này không thể đi xa đến mức làm cho tất cả những điểm tiếp xúc biến mất, bởi vì chuẩn mực văn học, dù cho nó có ảnh hưởng đến tác phẩm đang hình thành, cũng vẫn ít hay nhiều phụ thuộc vào sự sáng tạo văn học đang hiện hữu. Các định đề văn học tất nhiên đôi khi cũng lại có thể sai lệch một cách rất cơ bản khỏi những khả năng của những hoàn cảnh văn học hiện tại, song nếu quan niệm là văn học cần phải được nhận thấy như thế nào, cần phải không liên tục vận động trong lĩnh vực hư cấu thì nó phải xuất phát từ hiện thực văn học như là cơ sở của những cố gắng tiếp theo.

  1. Sự tiếp nhận các tác phẩm văn học và sự cụ thể hóa chúng

     Nếu lịch sử văn học muốn xây dựng những nét cơ bản của đời sống văn học, thì vấn đề đối với nó không chỉ là ở chỗ xác định sự đánh giá tích cực hay tiêu cực một tác phẩm văn học hoặc là rút ra những kết luận về thị hiếu của giới độc giả, mà nhiều hơn thế vấn đề đối với nó còn là theo dõi cái hình thức cụ thể của tác phẩm văn học được hình thành lên trong việc đọc được định hướng vào thẩm mỹ trong tiến trình các thời kỳ lịch sử. Trong thời kỳ trước đây lịch sử văn học tiến hành với các tác phẩm riêng lẻ với tính cách là những giá trị hiện tại và nghiên cứu xem một giá trị như vậy được phê bình và giới độc giả hiểu và phát hiện như thế nào. Sự khác biệt và không thống nhất trong việc đánh giá được giải thích là nhầm lẫn và thiếu sót của thị hiếu văn học trên cơ sở của tiền đề là chỉ tồn tại có một chuẩn mực thẩm mỹ duy nhất “đúng”. Tuy nhiên các nhà văn học sử, các nhà mỹ học và các nhà phê bình văn học chưa bao giờ nhất trí về một chuẩn mực thống nhất và “đúng” như vậy. Bởi vì không có một chuẩn mực thẩm mỹ đúng và thống nhất, nên cũng không có sự đánh giá thống nhất nào cả, và một tác phẩm có thể trở thành đối tượng của sự đánh giá nhiều lần mà ở đó hình thức của nó trong ý thức của người lĩnh hội (sự cụ thể hóa nó) thay đổi không ngừng. Thuật ngữ “cụ thể hóa” lần đầu tiên được Roman Ingarden sử dụng trong cuốn sách Tác phẩm nghệ thuật văn học của ông. Ông cũng phát biểu về yêu cầu phải nghiên cứu đời sống của tác phẩm văn học. Ingarden nhìn cấu trúc của tác phẩm một cách tách biệt và cứng nhắc mà không chú ý đến tính năng động của sự phát triển của cấu trúc văn học bên trên. Do vậy nên ông nghĩ rằng một tác phẩm có thể được cụ thể hóa như thể tất cả các chất lượng thẩm mỹ của nó đều được biểu hiện ra; Những khác biệt trong sự cụ thể hóa dường như chỉ liên quan đến các thành tố của tác phẩm mà theo bản chất của nó đã không hoàn chỉnh và đòi hỏi phải có sự bổ sung của sức tưởng tượng của người đọc (thí dụ lược đồ mô tả). Tuy nhiên nếu chúng ta quan sát trạng thái cấu trúc lịch sử bao hàm trong tác phẩm một mặt và mặt khác dãy phát triển của chuẩn mực văn học luôn biến đổi, thì chúng ta sẽ thấy rõ rằng không chỉ những chỗ cần được bổ sung mà ngay cả hiệu lực thẩm mỹ của toàn bộ tác phẩm và như vậy cả sự cụ thể hóa cũng thường xuyên thay đổi. Ngay khi một tác phẩm trong sự cảm nhận được đặt vào trong các mối quan hệ mới (trạng thái thay đổi của ngôn ngữ, định đề văn học mới, cấu trúc xã hội thay đổi, một hệ thống mới của những giá trị tinh thần và thực tiễn v.v ), thì trong tác phẩm chính những đặc điểm đó được cảm nhận là có giá trị thẩm mỹ, những đặc điểm mà trước đó đã không được cảm nhận như thế nên một sự đánh giá tích cực chỉ có thể dựa vào những lý do hoàn toàn đối lập. Chính vì thế nên nhiệm vụ của lịch sử văn học là phải nghiên cứu những thay đổi đó của sự cụ thể hóa trong sự tiếp nhận tác phẩm và các mối quan hệ giữa cấu trúc của tác phẩm và của chuẩn mực văn học đang phát triển, bởi vì như thế chúng ta luôn luôn dành sự chú ý của chúng ta cho tác phẩm với tính cách là đối tượng thẩm mỹ và theo dõi ý nghĩa xã hội của chức năng thẩm mỹ của nó. Nếu trong việc nghiên cứu sự phát triển của văn học chúng ta đã đặt trọng tâm vào việc xem tác phẩm là gì trong dãy của các tác phẩm đang tồn tại thì trong nghiên cứu đời sống văn học chúng ta đặt trong tâm vào việc là tác phẩm thực sự đã trở thành điều gì trong sự cảm thụ thẩm mỹ trong ý thức của những người đang tạo nên công luận văn học. Sức sống của một tác phẩm phụ thuộc vào chỗ là về tiềm năng nó chứa đựng những đặc điểm nào xét ở phương diện của sự phát triển chuẩn mực văn học. Nếu một tác phẩm văn học cũng được đánh giá tích cực ngay cả khi có sự thay đổi chuẩn mực văn học thì điều đó có nghĩa là nó có một sức sống lớn hơn là một tác phẩm mà hiệu lực thẩm mỹ của tác phẩm ấy sẽ cạn kiệt cùng với sự suy tàn của một chuẩn tắc thời đại. Sự tiếp nhận một tác phẩm cũng đi kèm với sự cụ thể hóa nó và một sự thay đổi chuẩn mực cũng đòi hỏi một sự cụ thể hóa mới đối với tác phẩm. Từ góc nhìn phương pháp luận cần nhấn mạnh rằng đối với chúng ta chủ yếu sử dụng những cụ thể hóa có tính phê bình làm nguồn tài liệu, bởi vì nguồn tài liệu này đối thoại với tác phẩm xuất phát từ toàn bộ hệ thống giá trị và góp phần để sắp xếp một tác phẩm vào trong văn học; trong những nhận xét có tính chất phê bình thì sự thích thú hay không thích thú sẽ được nêu các luận chứng.  Một bất lợi là chúng ta chỉ có những ghi chép cho các cụ thể hóa và các nguồn tài liệu không phải lúc nào cũng có giá trị như nhau làm cho bức tranh lịch sử của cuộc sống của một tác phẩm văn học tất yếu phụ thuộc vào sự phong phú và chất lượng của nguồn tài liệu. (Xin xem SaS7, 1941 Struktura vývoje, Prag 1969, S.193f.).

     Những vấn đề phương pháp đặc biệt xuất hiện nếu chúng ta theo dõi sự tiếp nhận một tác phẩm trong một môi trường văn học xa lạ. Ngay cả việc dịch, xét trong một ý nghĩa nào đó, cũng là một sự cụ thể hóa mà dịch giả thực hiện. Tiếng vang ở giới độc giả và phê bình mà một tác phẩm tạo ra ở môi trường xa lạ thường hoàn toàn khác với tiếng vang trong môi trường quê hương của nó, bởi chuẩn mực là một chuẩn mực khác.

  1. Hiệu quả văn học và ngoài văn học của tác phẩm văn học

     Cho đến giờ chúng ta chỉ nói đến hiệu quả của một tác phẩm văn học là nó thể hiện ra ở người đọc và đặc biệt ở người môi giới điển hình giữa tác phẩm và người đọc, ở nhà phê bình, và rõ ràng là khi tác phẩm là đối tượng của sự lĩnh hội thẩm mỹ. Nhưng một tác phẩm, trong một hình thức nhất định tác động vào người đọc, cũng có thể ảnh hưởng đến hành động, tư tưởng và tình cảm, vì nó trở thành một bộ phận của cuộc sống tâm lý của người đọc. Chủ yếu nó ảnh hưởng đến thị hiếu văn học của các nhà sáng tác trong giới độc giả và do vậy có thể tác động đến sáng tác của họ, cả khi họ không ý thức được điều đó. Đến đây chúng ta đi vào vấn đề về ảnh hưởng mà chúng ta đã theo dõi xuất phát từ góc nhìn phát sinh. Ở đó chúng ta xuất phát từ tác phẩm đã hoàn tất và đã nghiên cứu các hoàn cảnh đã ảnh hưởng đến sự hình thành và hình thức của nó làm cho một tác phẩm văn học khác có thể bộc lộ ra như là nguồn tài liệu hay như là nhân tố đã góp phần vào việc làm cho tác phẩm có được hình dạng thật sự của nó. Bây giờ chúng ta sẽ vận dụng phương pháp ngược lại: Ở trung tâm của sự chú ý không còn là tác phẩm bị tác động mà là tác phẩm tác động, và nhiệm vụ của chúng ta là nắm bắt tất cả các hiện tượng văn học nào đó mà sự xuất hiện của nó phụ thuộc vào sự tồn tại của tác phẩm được nghiên cứu. Nếu chúng ta nói đến hiệu quả của một tác phẩm thì ngoài những trường hợp của một sự ảnh hưởng trực tiếp có ý thức hoặc không có ý thức cũng không được quên các trường hợp mà trong đó các tác phẩm văn học mới chỉ có thể hoàn toàn vượt qua về mặt thẩm mỹ trên cái nền của những tác phẩm xưa mà nó vượt lên với tính cách là cái đối lập với nó. Điều đó thường xảy ra khi chất liệu chẳng hạn vẫn như thế nhưng quan niệm lại khác biệt, hoặc cốt truyện được giữ nguyên nhưng phương tiện biểu hiện lại thay đổi (Zeyers “erneuterte Bilder”) hoặc là khi vấn đề là sự chinh phục mới về mặt nghệ thuật đối với nghệ thuật xưa (Thí dụ như Horas Máchovské variace [Variationen ueber Mácha]).

     Bên cạnh sự tác động văn học của một tác phẩm chúng ta cũng có thể theo dõi sự tác động của nó ở lĩnh vực ngoài văn học, đặc biệt khi việc đề cập đến vấn đề với những phương tiện văn học nhằm góp phần để giải quyết nó trong thực tiễn cuộc sống. Mọi người đều biết là chính những chất lượng thẩm mỹ của sáng tạo văn học có thể gây xúc động mạnh mẽ ở người đọc đến mức làm cho cái cách thức mà trong đó các mối liên hệ với hiện thực được nắm bắt hay được phác họa, cũng có thể ảnh hưởng đến cách ứng xử của anh ta. Chúng ta chỉ cần nhớ đến những trường hợp quen thuộc như chẳng hạn những kiểu nhân vật văn học đã tác động như thế nào đối với việc thể cách hóa các kiểu loại mốt của xã hội, như đạo đức của một tác phẩm đã ảnh hưởng đến đạo đức của xã hội như thế nào, như xã hội khuyến khích tác phẩm có những chức năng trong cuộc đấu tranh nhằm hiện thực hóa những đòi hỏi về xã hội, về kinh tế và về dân tộc v.v. Ở phương diện này chiếm một vị trí đặc biệt là văn học có tính khuynh hướng hay cái gọi là văn chương giáo huấn, mà ở đó việc chú ý đến sự tác động ngoài văn học là một phần của ý đồ tác giả. Tuy nhiên trong việc nghiên cứu như vậy chúng ta đã thường đi vào lĩnh vực mà khoa văn học sử đụng chạm với những mối quan tâm của các ngành khoa học khác, mà từ quan điểm của chúng, mức độ của sự tác động ngoài văn học này thường có thể được đánh giá tốt hơn là nhà văn học sử vốn chỉ tập trung vào lĩnh vực của các hiện tượng văn học.

Huỳnh Vân dịch

từ sách ”Rezeptionsaesthetik – Theorie und Praxis”

                  Rainer Warning chủ biên. NXB. Wilhelm Fink, Muenchen 1975.

                Nguồn: Tạp chí khoa học Đại học Sài Gòn số 21(46) tháng 10/2016

    (*) Felix V. Vodicka (1909 – 1974): Giáo sư. Tiến sĩ, Cộng hòa Czech

 

Share Button