Trong nhận thức lý luận văn học hiện nay của chúng ta, nói đến mối quan hệ văn học – hiện thực được người ta hiểu là nói đến mối quan hệ phản ánh. Đây là một nhận thức lý luận mà cho đến nay là rất cơ bản và quan trọng về văn học. Đương nhiên người ta không thể cho rằng quan niệm về tính chất phản ánh của văn học chỉ có ở lý luận văn học Mác – Lê-nin, rằng đó là đặc quyền của nó. Trên thực tế thì không hiếm những quan niệm văn học khác đã và vẫn đang coi văn học là sự phản ánh hiện thực khách quan. Chúng ta chỉ cần nhớ đến ý kiến của Xtenđan về tấm gương phản chiếu, hay nói chung nhớ đến lý luận về chủ nghĩa hiện thực. Nhưng cũng rất thực tế là tư tưởng phản ánh là một tư tưởng rất trọng yếu của lý luận văn học mácxít – lêninnít và từ trước đến nay vẫn được coi là vấn đề trung tâm của lý luận văn học này. Chính vì thế mà không ít khi việc quan tâm hay không quan tâm, nhìn nhận hay không nhìn nhận, nhắc đến hay không nhắc đến mối quan hệ phản ánh trong văn học được coi là có hay không có lập trường văn học duy vật biện chứng, là đứng ở bên này hay ở bên kia giới tuyến chính trị. Có tình hình như vậy không phải là vô cớ, và cái nguyên cớ ấy là ở chỗ lý luận văn học này được xây dựng trước tiên dựa trên một nguyên lý cơ bản chủ nghĩa duy vật biện chứng, trên vấn đề rất cơ bản của triết học duy vật là tồn tại có trước ý thức và không phụ thuộc vào ý thức con người, là “ý thức không bao giờ có thể là cái gì khác hơn là tồn tại được ý thức” (1), là “những khái niệm nào đó của đầu óc chúng ta đều là những hình ảnh của sự vật hiện thực” (2), và “ngay cả những ảo tưởng trong đầu óc người ta cũng là những vật thăng hoa tất nhiên sinh ra từ quá trình sinh hoạt vật chất của họ, quá trình có thể thấy được bằng kinh nghiệm dựa trên những cơ sở vật chất” (3). Ở đây ý thức xã hội là sự phản ánh của tồn tại xã hội. Cho nên, theo đó, thì những gì có tinh chất tinh thần, tư tưởng xuất hiện trong văn học, nghệ thuật không phải là cái gì khác hơn là “cái vật chất đã được chuyển dịch và cải tạo trong đầu óc con người” (4). Tư duy, nhận thức bị qui định bởi khách thể. “Cái được phản ánh tồn tại độc lập với cái phản ánh”. Từ cái nguyên lý căn bản ấy của triết học được vận dụng vào lý luận văn học, thì những quan niệm về mối quan hệ văn học – hiện thực, những định nghĩa về phản ánh văn học ở những nhà lý luận các thời kỳ khác nhau góp phần xây dựng nên lý luận văn học mácxít, khi đi vào cụ thể vẫn có nhiều chỗ không giống nhau mà là khác xa nhau.
Plêkhanốp quan niệm không giống với Lucát, Lucát hiểu khác với Nêđôsivin chẳng hạn. . . Và trong quá trình phát triển của lý luận phản ánh trong văn học, nó cũng trải qua những chặng đường khác nhau, cũng đã đi qua một giai đoạn được gọi xã hội học dung tục (mà ý đồ tốt lành là nhằm khắc phục chủ nghĩa hình thức thịnh hành vào thời của nó), một giai đoạn của việc quá nhấn mạnh đến chức năng nhận thức (cũng trong cái ý đồ tốt lành là khắc phục cái phiến diện xuất hiện trước nó), rồi mọi thời kỳ
(1) C. Mác và F. Ăngghen: Hệ tư tưởng Đức. NXB Sự thật, 1962, tr. 18.
(2) C. Mác và F. Ăngghen: Tác phẩm, tập 23. Béclin 1956, tr. 27
(3) Mác và Ănggben: Hệ tư tưởng Dic. Phần thứ nhất, Sự thật, 1962, tr. 18.
(4) Sđd, tập 21, tr. 292
mà ở đó người ta thấy rằng việc áp dụng cứng nhắc mô hình nhận thức khoa học vào nhận thức của văn học nghệ thuật là không thích hợp, việc phân biệt ra khoa học là nhận thức bằng khái niệm và nghệ thuật là tư duy bằng hình ảnh và cho rằng cái kia là ưu việt hơn cái này là không chính xác, việc cố đi tìm một đối tượng đặc trưng của phản ánh văn học là nhầm lẫn và không có triển vọng, việc lược qui văn học vào nhận thức mà không nhìn thấy vai trò đánh giá của nhà văn, của mối quan hệ đánh giá là không hoàn chỉnh v.v… và v.v…
Để khắc phục những sự cực đoan, máy móc, những sự lệch lạc, lý luận văn học của chúng ta cũng đã từng lúc quay về nắm lấy những ý kiến nào đó của các nhà kinh điển mà một thời nó không nhận ra được, đã đi tìm đến những thành tựu khoa học mới mà loài người vừa thu hái được. Khi mà vai trò chủ động của nhà văn bị lãng quên, chủ nghĩa khách quan sai lạc được đề cao, nó đã kịp thời tìm thấy ở Lênin lời mách bảo: Ý thức con người không chỉ phản ánh thế giới khách quan mà còn sáng tạo ra thế giới khách quan. Và một khi quan niệm sao chụp thực tại, quan niệm phản ánh trực tiếp, nguyên xi lấn lướt, thì nó cũng dễ dàng nhận ra ở đâu đó những ý kiến uốn nắn của một quan niệm chính xác: “Hình ảnh có thể phản ánh vật thể một cách trung thực hoặc nhiều hoặc ít, nhưng ở đây mà nói giống hệt thì là ngu xuẩn (…) ý thức chỉ là phản ánh của tồn tại, nhiều lắm thì cũng chỉ là một sự phản ánh gần đúng…”
Có thể nói lý luận văn học của chúng ta vẫn không ngừng nhận thức và khắc phục những cái bất cập, hạn chế để từng bước vận động tiếp cận đến chân lý. Nó không bao giờ là một thứ lý luận tự thỏa mãn với mình. Nó không chỉ cố gắng để không rơi vào chủ nghĩa duy tâm trong quan niệm văn học mà còn thường xuyên nhận ra và gạt bỏ những nhận thức của chủ nghĩa duy vật máy móc. Và ngày nay nó đã đi vào một giai đoạn mà ở đó những vấn đề của nó được quan niệm vừa có tính chất toàn diện hơn vừa có tính chất phân biệt hơn, sâu sắc hơn, quay về nắm bắt lại những gì thuộc nguồn cội của nó một cách đầy đủ hơn và đồng thời thu hút vào và nâng cao có tính chất phê phán những gì có thể xem là của trí tuệ loài người với một tinh thần cầu thị. Mọi thứ phiến diện mới cũng sẽ không có đất để định cư ở đó.
Trong chiều hướng chung ấy, quan niệm phản ánh của văn học, mối quan hệ văn học – hiện thực cũng cần được và đang được tìm hiểu thêm một cách toàn diện và đầy đủ hơn, bằng cách vừa trở về khai thác nguồn cội vừa mở ra thu nhận những kiến giải khoa học mới. Rõ ràng là phải làm như vậy. Ở đây, đối với chúng tôi, mối quan hệ văn học – hiện thực cũng cần được nhìn một cách bao quát hơn, nhiều chiều hơn. Và hiện thực theo đó nên được hiểu là gì? Có nên xem xét nó theo cái nhìn tỉnh quan, theo cái cách là giữa người quan sát và nó chỉ có một mối quan hệ chiêm ngưỡng mà không phải là một mối quan hệ năng động, sinh động, tác động qua lại trong hoạt động thực tiễn. Liên quan đến vấn đề này, ý kiến nhận xét của Mác về chủ nghĩa duy vật trước ông là hết sức đáng chú ý: “Khuyết điểm chủ yếu của toàn bộ chủ nghĩa duy vật trước kia, kể cả chủ nghĩa duy vật Phơbách là ở chỗ sự vật, hiện thực, cảm giác chỉ được xem xét dưới hình thức khách thể, hay dưới hình thức trực quan, chứ không được xét đến một cách chủ quan về mặt nó là sự hoạt động cụ thể của con người, là thực tiễn” (1). Nếu chúng ta hiểu văn học là sự chiếm hữu, như ngày nay người ta hiểu, thì chúng ta cũng tất biết rằng không cố sự sản xuất nào, sự chiếm hữu nào là “tự nó”, “tự thân” cả: “Tất cả mọi sản xuất đều là sự chiếm hữu giới tự nhiên về phía cá nhân và thông qua một hình thức xã hội nhất định”.
Đặt vấn đề tìm hiểu mối quan hệ văn học – hiện thực trong tầm nhìn của các vấn đề về tiếp nhận, tác động, giao tiếp thẩm mỹ là nhằm cố gắng nắm bắt mối quan hệ này không phải chỉ ở chỗ lưu ý đến sự trùng khớp hay không trùng khớp giữa tác phẩm văn học với cái hiện thực mà nó phản ánh mà như là một mối quan hệ qua lại mà ở đó nhu cầu và lợi ích của nhà văn và người đọc cùng tham dự. Như vậy lý luận văn học cần ý thức rằng văn học không chỉ có mối quan hệ phát sinh và thể hiện mà còn có mối quan hệ tiếp nhận và tác động thẩm mỹ, tức là ý thức được rằng trong quá trình sáng tác nhà văn cũng còn quan tâm, còn liên hệ với một mảng hiện thực khác nữa, nằm ở phía sau tác phẩm, ở phía sau quá trình sáng tác ra tác phẩm, nơi mà tác phẩm tất yếu phải đi vào, tác động và tồn tại. Đó là một thực tế mà lý luận không nên bỏ quên hoặc trừu tượng đi. Việc bỏ quên đi như vậy chẳng những làm cho lý luận trở nên không đầy đủ, không hoàn chỉnh mà còn làm cho những kết luận nào đó của nó có nguy cơ rơi vào chỗ thiếu chính xác.
Ý đồ giao tiếp với người đọc, “đối thoại” với người đọc, tác động vào họ, coi tác phẩm của mình là một “thông điệp” gửi đến họ, chờ đợi ở họ sự đón nhận tích cực thông điệp ấy ở rất nhiều nhà văn, là một thực tế hoàn toàn xác thực trong văn học, nghệ thuật.
Béctôn Brêcht, một trong những nhà viết kịch nổi tiếng của thế giới ở thế kỷ 20 này, người đặc biệt quan tâm đến việc đổi mới phương thức thể hiện và phương thức biểu diễn của nghệ thuật viết kịch và nghệ thuật diễn kịch, người đã xây dựng một thi pháp kịch phi Arixtốt, đã đề cao phương pháp lạ hóa, cũng là người hết sức chú ý đến người xem, người tiếp nhận nghệ thuật. Chính vì thế mà bên cạnh việc đổi mới nghệ thuật viết kịch, nghệ thuật diễn kịch, ông cũng đổi mới luôn nghệ thuật xem kịch và trở thành nhà cách tân sân khấu lỗi lạc. Với ông viết văn là một hành động trao đổi, giao tiếp. Ông viết: “Tôi chỉ có thể viết cho những người mà tôi quan tâm: cho nên thơ ca cũng giống như thư từ vậy. Lắp ghép những từ ngữ đẹp đẽ lại với nhau, đó không phải là nghệ thuật”. (1) Ở một chỗ khác Brêcht nhấn mạnh: “Nhà văn hiện thực ứng xử một cách hiện thực trong mọi mối quan hệ: đối với người đọc của mình, đối với cách viết của mình (đối với chính bản thân mình), đối với chất liệu của mình. Anh ta chú ý tới hoàn cảnh xã hội của người đọc của mình, sự phụ thuộc của họ vào các giai cấp, thái độ của họ đối với nghệ thuật, những mục tiêu thời sự của họ … ” (2). Đối với những ai đã hiểu biết chiến lược sáng tác của Brêcht, thì sự nhấn mạnh trước tiên đến mối quan hệ của nhà văn với người đọc và việc nhắc đi, nhắc lại mối quan hệ này, không có gì là đáng ngạc nhiên cả. Bởi vì với Brêcht viết kịch, làm thơ, viết văn không phải chỉ là để bộc lộ tâm trạng của mình, chỉ là để phản ánh hiện thực mà chủ yếu còn có một mục đích rất thực tiễn là để tác động vào người đọc, “nói chân lý” cho họ: “Người ta không thể chỉ viết chân lý; người ta nhất thiết phải viết chân lý cho một ai đó có thể bắt đầu làm được một cái gì với chân lý đó. Sự nhận thức chân lý là một quá trình chung của người viết và người đọc. Để nói lên điều tốt, người ta phải có khả năng nghe tốt và nghe được điều tốt. Chân lý phải được nói ra có cân nhắc và phải được nghe có cân nhắc. Và đối với những người viết chúng ta, điều quan trọng là chúng ta nói chân lý cho ai và ai nói chân lý cho ta” (3).
(1) Brêcht (Bertolt Brecht): Các bài viết về văn học và nghệ thuật Tập 1 -2, Beclin và Vaima, 1966, Tập 1, tr. 307.
(2) Brêcht: Sđd, Tập 2, tr. 128.
(3) Brêcht: Sđđ, Tập 1,tr. 276.
Nguyễn Du, nhà thơ kiệt xuất của Việt Nam, ít ra, như chúng ta được biết, cũng đã hai lần lưu tâm đến những người đọc ông. Một lần trong hai câu thơ kết thúc tập truyện thơ lớn của ông – Truyện Kiều, mà có lẽ là tác phẩm nghệ thuật duy nhất ở Việt Nam có được một khối lượng người đọc đông nhất và lâu bền nhất từ ngày nó xuất hiện đến nay. Thật không phải ngẫu nhiên và vô ý ở một người như Nguyễn Du, khi ông đóng tác phẩm của mình bằng hai câu:
Lời quê chắp nhặt dông dài,
Mua vui cũng được một vài trống canh.
Nguyễn Du nói rõ, ông viết tác phẩm với ước vọng nó đem nguồn vui đến cho những người đọc ông, có nghĩa là nó tác động đến họ, thỏa mãn nhu cầu của họ, đi vào cuộc sống của họ, được họ đón nhận. Đó ắt hẳn cũng là phương thức sáng tác, ý đồ kể chuyện của những nhà thơ đã góp phần tạo nên hàng loạt tác phẩm của thể loại hoàn toàn mới đang nở rộ do những nhu cầu thẩm mỹ, nhu cầu văn học mới của một lớp người đọc mới của thời kỳ văn học truyện Nôm. Và lần thứ hai, đó là tâm trạng day dứt, nỗi khát vọng đau đáu về những người đọc trong tương lai, vô danh, chưa biết được, sẽ đến với tác phẩm của ông:
Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như
(Ba trăm năm nữa, ta không biết,
Thiên hạ ai người khóc Tố Như)
Nhà thơ lớn Trung Quốc – Bạch Cư Dị cũng nhiều lần nói lên mối quan tâm đến sự giao tiếp giữa nhà thơ và người đọc của mình trong những bức thư ông gửi cho Nguyên Chẩn, nhà thơ và đồng thời là người đọc tri kỷ một thời của ông. Có lần tâm sự với Nguyên Chẩn – và ở đó bộc lộ một sự mong đợi về người đọc tương lai gần giống như ở Nguyễn Du – ông nói: “Biết đâu nghìn năm sau chẳng có người như anh, biết thưởng thức thơ tôi”. (1)
Với văn học hiện đại Việt Nam, mối quan hệ người viết – người đọc này được đặc biệt quan tâm ở một loạt các nhà văn, nhà thơ quen biết. Và người cần phải được kể đến đầu tiên ở đây là nhà văn, nhà thơ Hồ Chí Minh, người hết sức lưu ý đến mối quan hệ tác động và tiếp nhận trong văn học, nghệ thuật. Sự quan tâm này xuất phát từ một mối quan hệ đặc biệt giữa người viết và người đọc ở một giai đoạn mà ở đó trên phạm vi toàn xã hội, sự thống nhất và cộng đồng về tư tưởng là nét nổi bật. Chính vì thế mà nhà thơ Tố Hữu đã có thể hoàn toàn khẳng định sự đồng nhất giữa người gửi và người nhận thơ ca: “Nhưng có nên phân biệt mình và người. Khi mình là người và người cũng là mình, thì vấn đề ấy đặt ra làm gì nữa (…) Thơ cho người phải là thơ hết mình mới đúng”. (2) Cũng trên cơ sở thống nhất tư tưởng ấy mà ở một chỗ khác, Tố Hữu cũng đã dễ dàng nhận định “Thơ là tiếng nói đồng ý, đồng tình, tiếng nói đồng chí” (3) Sự cộng hưởng ở đây là môt sự cộng hưởng đặc biệt và nhà thơ đã có thể dự đoán trước khả năng tiếp nhận thơ của mình ở độc giả.
Tuy nhiên, ở một cấp độ khác, ngưòi ta cũng có thể nhận ra được và do đó cố gắng đạt tới sự giao tiếp giữa người gửi và người nhận văn học, nghệ thuật: ở cấp độ mối quan hệ phổ quát giữa con người với con người, trong đó có mối quan hệ giao tiếp nghệ thuật. Nguyễn Đình Thi đã hoàn toàn có lý, khi ông nhìn nhận “nghệ thuật là một công cụ loài người tạo ra để giao hòa với nhau, để có nhau mà sống. “Giao hòa” không phải chỉ là “thông tin”, “thông tin” chỉ là một mặt trong đó. Thí dụ như người ta nhảy múa là để giao hòa với nhau. Đã là người thì phải có nhau mới sống được. Kể từ đứa bé nằm trong lòng người mẹ là có sự giao hòa với nhau rồi (. . . ) Con người ta không thể sống một mình được. Trong sự “giao hòa” với nhau ấy, con người làm nhiều việc: Thông tin, truyền kinh nghiệm sống, v.v…” (1).
Ý kiến của Nguyễn Đình Thi nói lên một điều cơ bản: Văn học, nghệ thuật còn có chức năng giao tiếp. Nó là một nhu cầu sống. Nó chứa đựng những xung động thôi thúc thông báo, thông tin, truyền đến, tác động vào những người khác một cái gì đó mà chủ quan của nhà văn cảm thấy là cần thiết phải nói lên, phải viết ra và cái được viết ra đó là có ý nghĩa xã hội và nhân sinh. Sự thôi thúc bên trong này cũng như sự mong đợi rằng những điều đòi hỏi phải được thông báo ấy cũng có một ý nghĩa tương tự ở những người nhận, nói lên tính chất tất yếu về mặt tâm lý và xã hội của sự sáng tạo nghệ thuật. Nhà văn luôn luôn nhắm đến một công chúng và luôn luôn chờ đợi ở họ sự đáp ứng, sự nhìn nhận thành tựu nghệ thuật của mình. Ở đây có thể nhận thấy hai mối quan tâm, hai điều lo lắng ở người sáng tác: sự lo lắng đạt đến một sự diễn đạt thích hợp những gì cần thông tin và tác động, những gì cần gửi tới độc giả, tức là nỗi lo vươn tới được sự thống nhất mỹ mãn giữa nội dung cần diễn đạt và hình thức diễn đạt, và thứ hai là sự chờ đợi căng thẳng một sự tiếp nhận phù hợp ở công chúng.
(1) Dẫn theo Phương Lựu: Tinh hoa lý luận văn học cổ điển Trung Quốc, Nxb Giáo dục, 1989, tr. 103.
(2) (3) Tố Hữu: Xây dựng một nền văn nghệ lớn xứng đáng với nhân dân ta, thời đại ta. Nxb Văn học, 1973, tr. 441 và 444.
Ý đồ sáng tác, ý đồ tác động, ý đồ gởi “thông điệp” ở nhà văn luôn luôn phải dựa vào một công chúng giả định. Nhà văn, nhà nghệ sĩ, để viết, thường giả định trước, dự kiến trước một công chúng của mình, những người sẽ nhận “thông điệp” của mình, và dự kiến trước một sự cộng hưởng nhất định nào đó ở họ. Dù có ý thức hoặc không, viết vẫn là một hành động nhầm gửi đi, gởi đến một người nhận và có thể đạt đến một người đọc hiện thực nào đó. Có thể người nhận đó, người được gửi tới đó chỉ là một người, như trường hợp thơ thù tạc trong văn học cổ điển nhiều nước phương Đông hoặc thậm chí người được gởi tới đó lại chính là tác giả, như trường hợp Xtenđan với nhật ký của ông. Cho dù vậy, viết vẫn có nghĩa là gửi đi, là giao tiếp, là mong ước được đón nhận và tiếp nhận, là để tác động đến một ai đó, viết luôn luôn trong triển vọng là để được đọc. Ý định công bố tác phẩm của mình ở các nhà văn là ý định nhằm chuyển nó đến tay những người đọc của mình. Viết văn là tất yếu bao hàm một mối quan hệ với một người nhận. Hành động tiếp nhận sẽ không có nếu không có hành động sáng tác và ngược lại hành động sáng tác cũng sẽ không có nếu như không có hành động tiếp nhận. Viết văn và đọc văn có quan hệ mật thiết với nhau, tạo tiền đề cho nhau. Văn học, như vậy, là một tiến trình có định hướng, có mục tiêu, “hướng vào một công chúng nhất định mà tác giả có ý biến thành thành viên, một người tham dự hoặc một người cộng tác của sự sáng tạo văn học của mình. Không có một tác phẩm văn học nào hình thành lên một cách tự thân, mà luôn luôn là một thông điệp cho một nhóm người nhất định, được dự liệu như là người nghe hoặc người đọc, dù cho tác giả có định nói với cả một từng lớp, cả một giai cấp, toàn thể dân tộc hoặc là một công chúng chưa có, được tưởng tượng là sẽ có trong tương lai. Văn học không phải là một tập hợp những chế phẩm ngôn ngữ, cũng không phải là một sưu tập những bài tập mẫu của sự thể hiện tâm hồn mà là một mối quan hệ có ý nghĩa của sự diễn đạt những vấn đề của đời sống, những diễn đạt có tính chất biểu lộ muốn được xem là một thông điệp được ai đó tiếp nhận” (1). Exeapit cho rằng sáng tác văn học, nếu nó được coi là một hành động có ý nghĩa, thì ngay từ bản chất của nó, nó đã bao hàm một mối liên hệ với một người nhận. Còn Misen Buyto thì nhìn nhận: “Người ta viết luôn luôn trong ý định để được (người khác) đọc (…) Ngay trong hành động viết cũng đã chứa đựng một công chúng”. Cho nên “tác phẩm văn chương không chỉ chứng nhận cho ý muốn của người tạo nên nó, mà còn làm chứng cho chính kiến của những người mà vì họ tác phẩm được viết ra” (2). Những người này có thể là cả một dân tộc mà cũng có thể là một nhóm người hạn hẹp, có thể là tầng lớp trí thức mà cũng có thể là quần chúng bình thường rộng rãi v.v…
Với sự xuất hiện của lý thuyết thông tin thì ngày nay trục người gửi – người nhận đã được chứng minh về mặt lý thuyết. Về mặt thực tiễn, thì điều này cũng đã được chứng minh trong các công trình nghiên cứu của nhiều nhà nghiên cứu văn học trên thế giớỉ. Quan niệm như trên về mối quan hệ giữa nhà văn và người đọc cũng chỉ là một nhận thức phần nào có tính chất bề ngoài và hạn hẹp trong văn bản nếu chúng ta không tiếp tục nhấn mạnh đến tính chất xã hội và thực tiễn của nó một mặt, và mặt khác nếu chúng ta không ý thức được rằng sự định hướng tác động thẩm mỹ của nhà văn cũng là một yếu tố có tính chất quyết định trong quá trình sáng tác. Không thể nói rằng ý đồ tác động và giao tiếp thẩm mỹ là không có ảnh hưởng gì đến việc xây dựng ý niệm về đề tài, chủ đề, không ảnh hưởng gì đến việc chọn lựa và tổ chức các chi tiết và kết cấu của tác phẩm. Ý đồ tác động không chỉ dừng lại ở sự gởi đến, mà nó chi phối cách tổ chức và thể hiện cái dự định gởi đi sao cho nó đưa lại một ý nghĩa mà tác giả mong muốn người đọc nhận được, nó xâm nhập sâu vào trong sự tự ý thức về nghệ thuật của nhà văn, cả ngay khi nghệ thuật được coi là sự biểu lộ chủ quan. Ý niệm về sự tác động cũng như ý niệm về người nhận không nằm ngoài quá trình sáng tác mà tham dự vào việc xây dựng thế giới nghệ thuật của tác phẩm và tham dự vào việc xây dựng độ chờ đợi thẩm mỹ ở người đọc.
Tuy nhiên, nói rằng ý đồ tác động thẩm mỹ không phải là có tính chất không quan trọng mà là một trong những yếu tố chủ yếu trong quá trình sáng tác, lại hoàn toàn không có nghĩa là như thế thì mới quan hệ của văn học với hiện thực được phản ánh là có tính chất thứ yếu. Ngược lại chúng ta phải khẳng định rằng mối quan hệ với hiện thực, mối quan hệ phản ánh là mối quan hệ cơ bản và hết sức quan trọng trong văn học, nghệ thuật. Với tư cách là một hình thái ý thức xã hội, văn học, nghệ thuật có chức năng phản ánh và chức năng tác động thẩm mỹ. Với tư cách là một phương thức sản xuất tinh thần đặc biệt nó đi vào trong quá trình, sản xuất, phân phối, lưu thông và tiêu dùng (tiếp nhận) của xă hội. Văn học dùng ngôn ngữ làm phương tiện diễn đạt cho nên cũng như ngôn ngữ nó vừa có chức năng miêu tả hiện thực, vừa có chức năng biểu hiện và chức năng giao tiếp. Văn học không phải chỉ là miêu tả, chỉ là biểu hiện hay chỉ là giao tiếp, văn học là miêu tả, biểu hiện và giao tiếp trong một chỉnh thể. Văn học không phảỉ chỉ là phản ánh hay chỉ là tác động, thông báo. Nội dung của tác phẩm văn học bao gồm cái được phản ánh và cái được thông báo, cần được thông báo và tác động vào người đọc. Hiện thực được phản ánh trong tác phẩm văn học được tổ chức theo hướng tác động thẩm mỹ, giao tiếp thẩm mỹ. Hiện thực này cũng chịu sự rác động của cái hiện thực mà ở đó tác phẩm tác động vào, được tiếp nhận.
Từ thực tế là mỗi hành động phản ánh nghệ thuật đều hàm chứa một hành động tác động thẩm mỹ, không cho phép ta quan nỉệm rằng ý đồ tác động này chỉ là một thứ phụ gia nhân tạo, một cái gì được lắp ghép thêm vào có tính chất tùy tiện, chủ quan tách khỏi tác phẩm nghệ thuật. Mặt khác cũng không được quan niệm rằng tác phẩm nghệ thuật chỉ là sự minh họa cho một ý đồ tư tưởng nào đó. Không, ý đồ tác động thẩm mỹ – nghệ thuật với tác phẩm nghệ thuật, là một. Nếu không như thế thì tác phẩm văn học, tác phẩm nghệ thuật không có triển vọng đạt tới thành công. Và một thành công nghệ thuật lớn không phải chỉ là việc đạt được một âm vang, một sự cộng hưởng xã hội rộng lớn, mà còn phải đạt tới chất lượng nghệ thuật cao. Và như vậy, cũng không được quan niệm sự định hướng tác động ở đây là một sự định hướng chật hẹp, nhất thời, ngắn hạn. Trường hợp Truyện Kiều của Nguyễn Du có thể kể ra như một trường hợp điển hình cho những điều được nói đến ở trên: một trình độ nghệ thuật có một không hai trong văn học dân tộc, một sự tác động xã hội sâu rộng, được nhằm vào một tầng lớp công chúng mới của thời nó, nhưng cũng đồng thời ít nhiều được dự liệu cho “ba trăm năm” sau.
Những trường hợp như thế không nhiều trong lịch sử văn học thế giới, nhưng nó là ước vọng của mỗi một nhà văn, là mục đích tối cao của sự sáng tạo nghệ thuật.
Nói tác phẩm được viết ra là nằm trong định hướng phản ánh hiện thực đồng thời trong định hướng tác động thẩm mỹ, nhằm đến sự tiếp nhận nghệ thuật ở người đọc, là chỉ mới nói về mặt ý hướng, về phương diện tiềm năng của nó. Nhưng tác phẩm tự nó lại không thực hiện được, lại không tự biến thành hiện thực, lại không “cụ thể hóa” được những tiềm năng ý nghĩa, tiềm năng tác động thẩm mỹ trong tác phẩm mà phải cần đến người đọc, thông qua người đọc. Quả thật cũng không lấy gì làm lạ khi người ta bắt buộc phải lưu ý lại rằng văn học được viết ra là để được đọc và tác phẩm văn học chủ yếu là nhằm “được một người đọc đón nhận”, nếu ta nghĩ đến chiều hướng chung của nghiên cứu lý luận xưa nay. Nhưng, thực tế này – dù rất quan trọng – vẫn chỉ là một phần của sự thực. Bởi vì, dù vậy, tác phẩm vẫn không thể tự nó một mình quyết định được ai sẽ là người đọc nó. Hành động đọc, do đó, chủ yếu là một hành động tự nguyện. Người đọc tự nguyện dành một phần thời gian rỗi của mình cho việc đọc sách. Không có hành động này, sự giao tiếp văn học không thành được. Theo Đavưđốp thì nghệ thuật cấp cho ta cái “mô hình của sự giao tiếp dựa trên sự tự do trong dạng thuần khiết nhất”, và tiếp nhận nghệ thuật là một “hành động của thiện ý” (1).
Ngay ở hành động tự nguyện ấy cũng đã có thể thấy được một khía cạnh của vai trò chủ động, tích cực của người đọc trong sự giao tiếp nghệ thuật. Đương nhiên, hành động ấy là gắn với một nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, và nhu cầu này hình thành không tách rời với các hoạt động sống, hoạt động xã hội của con người, mặt khác cũng không tách rời với những kinh nghiệm nghệ thuật đã thu được trong quá trình giao tiếp nghệ thuật. Trong quá trình tiếp nhận nghệ thuật cụ thể, thì hoạt động xã hội, kinh nghiệm xã hội và sự liên hệ với xã hội này cũng rất quan trọng. Có thể nói là sẽ không có được sự tiếp nhận nghệ thuật nếu như không có kinh nghiệm xã hội, nếu trong ý thức của chủ thể tiếp nhận không có sự liên hệ kết nối với hiện thực, với đời sống xã hội. Từ điểm này nhìn ngược lại, ta sẽ thấy tất cả những quan điểm phủ nhận sự phản ánh trong văn học, phủ nhận chức năng nhận thức của nghệ thuật, dù xuất phát từ sự đề cao phiến diện chủ thể tính, tính chất duy nhất của sự biểu lộ, bộc lộ của nhà văn, dù xuất phát từ sự tuyệt đối hóa cấu trúc văn bản của tác phẩm hay “lao động” ngôn ngữ của nhà văn, hay xuất phát từ sự nhấn mạnh đến mối quan hệ tác giả – người đọc nội tại trong tác phẩm, đều là sai lầm. Nói đến mối liên hệ với đời sống xã hội trên đây là nói đến một điểm quy chiếu của văn học nghệ thuật trong hiện thực. Nhà văn và bạn đọc cuối cùng gặp nhau ở điểm qui chiếu này.
Trong qúa trình tiếp nhận văn học, người đọc đương nhiên phải tái tạo lại trong ý thức của mình bằng hình ảnh, cuộc sống đã được thể hiện trong tác phẩm, phải dùng khả năng tưởng tượng, khả năng liên tưởng để xây dựng lại thế giới nghệ thuật đã được nhà văn xây dựng trong tác phẩm. Việc xây dựng lại này luôn luôn bao hàm quá trình hiểu, nhận thức và đánh giá tác phẩm. Như thế người đọc đi vào trong thế giới của tác giả, một thế giới mà về phía nó lại được thể hiện thông qua sự nhận thức và đánh giá bằng tình cảm và tư tưởng của nhà văn, thông qua chủ thể tính của nhà văn. Sự nhận thức và đánh giá của nhà văn thể hiện trong tác phẩm được người đọc nhận thức và đánh giá thông qua tiếp nhận, theo lập trường xã hội và thẩm mỹ của mình. Ở đây, chủ thể tính của người đọc gặp chủ thể tính của nhà văn, tính tích cực sáng tạo của nhà văn gặp tính tích cực tiếp nhận của người đọc.
Chính vì thế mà sự tiếp nhận tác phẩm không phải là sự tiếp nhận một lần là xong và cũng không ổn định. Nó thay đổi, có khi thay đổi ở ngay trong một chủ thể tiếp nhận với những lần đọc tác phẩm khác nhau. Như vậy, tác phẩm có thể được đọc và hiểu mỗi lần không giống nhau và nội dung của nó cũng không bị qui định một cách cứng nhắc, mà luôn được khám phá thêm, khám phá mới qua mỗi lần đọc. Tuy nhiên, một sự tiếp nhận hợp lý không chấp nhận sự tạo nghĩa tùy tiện cho tác phẩm, vượt ra khỏi ranh giới và sự định hướng nào đó của tác giả để trở thành hoàn toàn phụ thuộc vào chủ quan của người đọc. (Ở đây chúng ta không nói đến sự hiểu sai hoặc không hiểu được tác phẩm do trình độ tiếp nhận thấp của một số người đọc) (1).
Nhìn một cách tổng quát thì “thông điệp” nghệ thuật, ý đồ tác động thẩm mỹ của tác giả có thể được mà cũng có thể không được người đọc đón nhận, hoặc được nhóm người này đón nhận, nhưng lại không được nhóm người khác đón nhận. Điều đó nói lên rằng người đọc đến với tác phẩm không phải với thái độ thụ động mà là với thái độ chủ động. Sự chủ động này biểu hiện ở hai mặt. Thứ nhất, người đọc bằng tiềm năng đọc của mình và những kinh nghiệm xã hội và nghệ thuật của mình xây dựng lại thế giới nghệ thuật mà nhà văn đã xây dựng nên bằng hình tượng, tư tưởng và cấu trúc ngôn ngữ, giải mã những điều mà nhà văn đã mã hóa trong tác phẩm, tạo lại cái nghĩa mà tác giả đã đưa vào trong cấu trúc nghệ thuật cùa mình, biến một văn bản “tự nó” thành một tác phẩm ‘cho mình”, biến tác phẩm ở dạng khả năng thành ra hiện thực, và như thế, nói theo ngôn ngữ của Mác, đem lại cho tác phẩm sự finish cuối cùng (Đương nhiên sự finish này ở một sản phẩm tinh thần không giống với sự finish ở một sản phẩm vật chất). Mặt khác, trong khi xây dựng lại tác phẩm, người đọc thường xuyên đối chiếu nó với những kinh nghiệm xã hội, với lập trường xã hội, tư tưởng, với cả quan điểm chính trị của mình cũng như với những kinh nghiệm, những hiểu biết về nghệ thuật mà mình đã thu lượm được, đồng thời cũng lại đối chiếu tất cả những cái đó với hiện thực xã hội trước mắt, với tiến trình văn học nghệ thuật hiện tại và từ đó đi đến những đánh giá và kết luận, đi đến những cảm nhận nghệ thuật về tác phẩm. Quá trình tiếp nhận tác phẩm còn chịu sự tác động của nhiều yếu tố chủ quan khác của người đọc cũng như của những yếu tố khách quan bên ngoài (như hiện tượng được Lốtman lưu ý) (1). Qua đây có thể thấy rằng nhà văn có thể dắt dẫn người đọc đi theo mình đến đâu và sự tiếp nhận ở người đọc tương ứng hay không tương ứng, tương ứng đến mức nào với ý đồ tác động, với ý tưởng sáng tác của nhà văn, hoàn toàn không chỉ phụ thuộc vào tài năng, trí tuệ, thái độ đối với cuộc sống của nhà văn mà còn phụ thuộc vào nhu cầu thưởng thức nghệ thuật cũng như vào trình độ thưởng thức, vào độ chờ đợi thẩm mỹ và tiềm năng đọc của người tiếp nhận. Cho nên, hoạt động tiếp nhận chịu ảnh hưởng vừa từ phía tác giả, vừa từ phía người đọc.
Vì như vậy nên chúng ta sẽ sai lầm nếu không phân biệt ý đồ tác động với sự tác động thực sự xảy ra, không nhìn thấy được khả năng có sự không trùng khớp giữa ý hướng tác động nghệ thuật của nhà văn và sự tác động có thực. Điều này là do ý đồ tác động là xuất phát từ tác giả, từ khâu sáng tác còn sự tác động thực sự là xuất phát từ sự tương tác giữa nhà văn và người đọc, giữa tác phẩm nghệ thuật và người tiếp nhận. Ở đây, các thành phần tham gia vào sự tương tác này vừa có phần không đóng kín mà là mở, vừa có phần không ổn định, biến đổi. Tác phẩm nghệ thuật, nhất là những tác phẩm lớn, thường có một nội dung nghệ thuật phong phú, đa dạng, có nhiều chức năng, được xây dựng bằng những ký hiệu hình ảnh, bằng một ngôn ngữ gián tiếp, có một hàm nghĩa rộng hơn cái nó biểu thị. Phần khác, người đọc đến với tác phẩm là người đọc chịu những qui định của xã hội, của lịch sử và của những điều kiện chủ quan của mình. Do vậy, có thể nói được rằng đọc có phần “không vô tư” (1), ít nhiều có tính chất chủ quan.
Sự tương tác giữa tác phẩm và người đọc cuối cùng dẫn đến kết quả là những âm vang, những sự cộng hưởng, những tác động thành công hay không thành công ở công chúng, và bằng những kênh dẫn khác nhau nó phản hồi trở lại, tác động trở lại tác giả. Những thông tin trở lại có nhiều dạng, nhiều vẻ và gây nên những hiệu quả khác nhau đối với sáng tác văn học, nghệ thuật. Nó đến với nhà văn bằng những con đường khác nhau: bằng thư từ của bạn đọc, bằng dư luận phê bình, bằng số lượng sách bán được bằng các giải thưởng văn học v.v… và đưa đến những cách xử lý, những phản ứng sáng tạo khác nhau. Thực tế này có thể được chứng minh bằng tư liệu lịch sử văn học. Ở đây một thông tin trở lại xác nhận sự thành công sẽ được xử lý khác với một thông tin cho biết sự tác động nghệ thuật thực sự xảy ra không khớp với ý định nghệ thuật của tác giả. Sự thông báo trở lại cũng không ít khi tạo ra những nguy cơ trong văn học: nguy cơ dẫn đến những nẻo đường mòn của sự thành công nhất thời, nguy cơ của sự cố bám vào con đường riêng của mình, nguy cơ của sự chạy theo cái thời thượng, của sự thích ứng cơ hội, nguy cơ của sự xa rời, sự chối bỏ người đọc đông đảo để đi vào những sáng tạo bí hiểm khép kín trước những đón đợi “nghệ thuật của họ v.v… song về cơ bản nó luôn luôn tạo nên những xung động quan trọng cho sự sáng tạo văn học nghệ thuật, tác động có lợi cho sự phát triển của văn học, nghệ thuật và đưa đến những gợi mở cách tân, những tìm tòi sáng tạo mới, những đáp ứng một cách thích đáng những nhu cầu văn học, nghệ thuật mới, mà đọng lại là những thành tựu sáng tác mới.
Tất cả những điều được trình bày ở trên nhằm nói lên rằng sáng tác văn học là bao hàm cả sự miêu tả hiện thực, sự biểu hiện và sự giao tiếp, trong nó chứa đựng một nhân tố tác động thẩm mỹ, một nhu cầu gởi đến người đọc, cần đến người đọc và phải được người đọc tiếp nhận, hiện thực hóa sáng tác văn học và tiếp nhận văn học có quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động qua lại với nhau và qui định lẫn nhau. Từ nhận thức như vậy sẽ không khó khăn gì mà không nhận thấy rằng nếu văn học chỉ được hiểu như là tiến trình chiếm lĩnh bằng tinh thần hiện thực khách quan, như là tiến trình tạo ra tác phẩm, thì rõ ràng lý luận văn học đã tự thu hẹp đối tượng nghiên cứu của mình, đã tự giới hạn sự quan tâm của mình vào chỉ một phương diện – dù là phương diện quan trọng và cơ bản – của chỉnh thể văn học: vào mối quan hệ phát sinh, vào những điều kiện sinh thành và lịch sử hình thành của tác phẩm văn học. Đương nhiên, một khi đã định hướng sự quan tâm của lý luận vào khâu sản xuất tác phẩm, thì việc nghiên cứu và phê bình văn học cũng được nhằm vào việc phân tích tác phẩm đã hoàn tất, coi như là sản phẩm đã hoàn chỉnh, kết thúc, đã đóng lại mà quá trình hình thành của nó gần như không chịu một ảnh hưởng quan trọng nào của chủ thể tính của người sáng tạo ra nó và sự tồn tại của nó không có liên quan gì, quan hệ gì với sự tác động và tiếp nhận nó, với những điều kiện của sự tiếp nhận và giao tiếp, với sự tương tác giữa hai quá trình sáng tác và tiếp nhận nó.
Ở đây phải chú ý đến vai trò của chủ thể tính, vai trò của cái chủ quan của nhà văn. Vấn đề cần chú ý là không nên cô lập hóa và tuyệt đối hóa nó. Nó không chỉ phải được gắn với quá trình phản ánh hiện thực, với quá trình đánh giá, chiếm lĩnh hiện thực và thể hiện hiện thực trong tác phẩm văn học, mà còn phải được xem xét trong mối quan hệ với chủ thể tính, với vai trò của cái chủ quan của người tiếp nhận tác phẩm; phải gắn ý đồ tác động của tác giả, định hướng giao tiếp với cách xử lý đối tượng phản ánh, với phương thức thể hiện hiện thực trong tác phẩm và với phương thức giao tiếp với người đọc của nhà văn. Cách xem xét ở đây đã nối hoạt động chiếm hữu thế giới với hoạt động tác động xã hội của văn học, và vai trò, vị trí của chủ thể tính của người sáng tác được đề cao, nhưng không bị cô lập, không dẫn tới chỗ chủ quan cực đoan, coi chỉ như là sự bộc lộ nội tâm, sự nói lên nỗi lòng của mình mà không được gắn kết một cách có hiệu quả với những gì có liên quan đến hiện thực bên ngoài, đến xã hội. Nghĩa là nội tâm ở đấy không được hiểu như là mang tính chất xã hội, là sự nội tâm hóa những vấn đề xã hội, như là sự khúc xạ của những vấn đề của con người thông qua một “môi trường tư tưởng” (Mêtvêdép) vào trong tình cảm và tư tưởng của nhà văn. Nhưng nếu hiểu nội tâm là một sự phản ánh, một sự khúc xạ thì một sự bộc lộ nội tâm như vậy là cần thiết và quan trọng đối với văn học và nghệ thuật. Không ít nhà văn lưu ý chúng ta đến cái giây phút mà chỉ có một mình họ đối diện với trang giấy trắng và cái nhu cầu được bộc lộ và biểu lộ của họ. Chính điều này, và không bỏ quên điều này, mới giúp cho lý luận văn học trong quá trình tự nhận thức và phát triển của nó dần dần tránh được quan điểm đề cao chủ nghĩa khách quan trong khi xem xét mối quan hệ văn học và hiện thực, mối quan hệ chủ quan – khách quan trong nghệ thuật, tránh được một quan điểm mà ở đó “chủ nghĩa duy vật thông tục, khoác thêm cái áo chủ nghĩa khách quan, đã biến cái nguyên lý đứng đắn “vật chất có trước tinh thần” và “tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội” thành một công thức cứng đờ, một chiều: “thực tại ra lệnh”, “hiện thực quyết định’’, gạt bỏ tính năng động của ý thức và sự tác động trở lại của tinh thần đối với vật chất”. Chính do một quan điểm sai lầm và phiến diện như vậy về mối quan hệ giữa tồn tại và ý thức, giữa khách quan và chủ quan cho nên “về mặt đối tượng phản ánh của văn học (…) chỉ chú trọng đến sự kiện và “đồ vật”, đến hoàn cảnh, ngoại hình, đến đề tài, không quan tâm đầy đủ đến chủ đề tư tưởng, đến tính cách, nội tâm nhân vật, đem yếu tố kể lể, liệt kê lấn át yếu tố sáng tác”, và “về mặt thưởng thức, nảy ra tệ đem tác phẩm đối chiếu một cách thô bạo với đời sống, bắt bẻ cái này thừa, cái kia thiếu, hạch sách chỗ này không giống, chỗ kia bịa đặt, muốn hạ thấp hình tượng nghệ thuật xuống ngang hàng với một bức ảnh truyền thần. Kết quả là làm cho đối tượng phản ánh của văn học bị thu hẹp lại, nội dung của văn học bị khô khan và nghèo nàn đi, người sáng tác bị bó chân, bó tay, mất tính năng động sáng tạo” (1) (H.V. nhấn mạnh).
Tôi trích dẫn một ý kiến phát biểu có tính chất chính thống cách đây hơn mười năm, trong một công trình có tính chất chính qui để thấy rằng lý luận văn học của chúng ta cũng đã từ sớm tiến hành cuộc đấu tranh phê phán quan điểm sai lầm rất phổ biến này. Song mặt khác cũng lại để thấy rằng từ đó đến nay, chẳng những vấn đề về vai trò chủ động, sáng tạo, tích cực của nhà văn trong quá trình sáng tác, quá trình xây dựng tác phẩm chưa được tiếp tục triển khai nghiên cứu sâu thêm bao nhiêu mà còn vấn đề về mối quan hệ của nhà văn với tiến trình diễn ra sau đó, sau khi tác phẩm đã được hoàn thành, đã được viết xong và bắt đầu đi vào quá trình giao tiếp nghệ thuật trong xã hội, tức là quá trình tác động và tiếp nhận văn học cũng chưa được quan tâm nghiên cứu một cách tích cực, xét trên cả hai mặt nghiên cứu lý luận và cả nghiên cứu lịch sử văn học.
Tuy nhiên vấn đề được chú ý ở đây không phải là để chỉ ra các quá trình riêng lẻ đó và để lưu ý đến việc cần thiết phải nghiên cứu trên cả hai mặt lý luận và lịch sử văn học vấn đề tác động và tiếp nhận văn học và nghệ thuật. Vấn đề được đề ra là một cái nhìn bao quát, một quan điểm xem xét mà ở đó các quá trình này không được để bị tuyệt đối hóa một cách phiến diện mà phải được nhìn nhận có quan hệ với nhau và tác động qua lại với nhau. Mối quan hệ hiện thực – nhà văn – tác phẩm – bạn đọc – hiện thực ở đây không phải chỉ được nhìn nhận trên lập trường là quá trình văn học là bao gồm tất cả các khâu đó có các khâu đó một cái nhìn thuần túy mới chỉ có tính chất bên ngoài, mặc dù nhìn nhận được như vậy cũng đã là một sự tiến bộ cũng không phải chỉ được nhìn nhận trên lập trường là có sự tác động một chiều từ hiện thực đến nhà văn, nhà văn đến tác phẩm, tác phẩm đến bạn đọc, bạn đọc đến hiện thực, một cái nhìn mà ta thấy là còn đơn giản và máy móc với ý nghĩa là có tính chất tự động, mặc dù không phải người ta ai cũng nhận thức được và nhìn nhận đó lại là một bước tiến bộ nữa, mà hơn thế, chủ yếu phải được nhìn nhận trên lập trường là tất cả các khâu đó có mối liên hệ – có thể nói là mối liên hệ bên trong với nhau, tác động qua lại với nhau, ảnh hưởng đến nhau – một mối quan hệ tương tác rộng và nhiều chiều. Như vậy mối quan hệ văn học – hiện thực (hay chung hơn nghệ thuật – hiện thực) phải được quan niệm rộng lớn, bao quát hơn. Và văn học sẽ không phải chỉ là lao động miêu tả mà là một hoạt động tinh thần thực tiễn, là sự giao tiếp xã hội, trong đó chủ thể tính của nhà văn có một vai trò quan trọng. Bởi vì khi nhìn nhận sâu hơn vào chủ thể tính này trong lao động nghệ thuật, chúng ta sẽ nhận ra một mối quan hệ khác nữa, mối quan hệ giữa hoạt động chiếm hữu hiện thực khách quan của văn học nghệ thuật và tác động xã hội của nó. Lý luận văn học không thể không ý thức được một khu vực mà trong đó hoạt động văn học diễn ra với tư cách là hoạt động thẩm mỹ – xã hội, một khu vực mà đặc trưng của nó được tạo nên còn bởi thái độ của những người tiếp nhận văn học, bởi nhu cầu, lợi ích và sự đánh giá của họ.
Đương nhiên, quá trình này, nếu xét ở từng tác phẩm riêng rẽ và về mặt trình tự thời gian, là quá trình xảy ra sau quá trình sáng tác – với tư cách là sự chiếm hữu mang tính chất chủ thể thế giới hiện thực – tức là quá trình mà ở đó tác phẩm đã được viết ra bắt đầu đi vào trong sự giao lưu của xã hội. Nhưng nếu xét trên tổng thể, trên toàn bộ quá trình văn học như một chỉnh thế bao gồm sáng tác, lưu thông và tiếp nhận, nếu xét trong sự vận động của nó, thì các quá trình này – sáng tác và tiếp nhận – là đan xen vào nhau, tác động lẫn nhau và nối tiếp nhau. Tiếp nhận do đó vừa đi sau sáng tác, lại vừa đi trước sáng tác. Nó chỉ diễn ra sau khi đã có một quá trình sáng tác ra các tác phẩm, nhưng với tư cách là kết quả của sự tác động và tiếp nhận những sáng tác trước đó, nó tác động vào trong tiến trình sáng tác những tác phẩm mới và như thế nó đi trước, nó như là một trong những điều kiện của những sáng tác văn học mới. Các tiến trình này xảy ra liên tục, nhưng không phải ngay liền, trực tiếp mà có thể có sự cách quãng, khi lịch sử văn học đã có một bề dày của những quá trình sáng tác, đã có một khối lượng khổng lồ của những di sản và truyền thống văn học quá khứ – Như vậy, lao động vốn học được xem xét trong mối tương quan tác động và sự vận động của chức năng văn học hoạt động như là những điều kiện sinh thành của những sáng tác văn học mới.
Người ta đã có lý và đã thành công khi vận dụng vào việc xem xét mối quan hệ giữa sáng tác và tiếp nhận, sự phân tích của Mác về sự tác động qua lại giữa sản xuất và tiêu dùng vật chất, được phát triển trong lời mở đầu phê phán chính trị kinh tế học (1857) mà ở đây cũng rất cần thiết phải được chú ý đến. Theo đó, sản xuất tạo ra tiêu dùng bằng cách nó tạo ra một vật liệu, một đối tượng cần thiết cho tiêu dùng; thông qua đặc tính của đối tượng tạo ra một phương thức tiêu dùng, một cách ứng xử nhất định của người tiêu dùng đối với đối tượng và qua việc tạo ra đối tượng cũng đồng thời tạo ra một nhu cầu về đối tượng, về sự tiêu dùng nó, một sự kích thích tiêu dùng, mất khả năng tiêu dùng, tức là tạo ra một chủ thể cho đối tượng. Ngược lại, tiêu dùng cũng không phải là sự tiếp thu thụ động sản phẩm, mà tiêu dùng cũng lại tạo ra sản xuất bằng cách nó tạo ra một sản phẩm thực sự, bởi vì “chỉ có trong tiêu dùng sản phẩm mới thực sự trở thành sản phẩm”, bởi vì “khác với vật đơn thuần của tự nhiên, sản phẩm chỉ qua tiêu dùng mới thể hiện ra là sản phẩm”, “bởi vì sản phẩm sở dĩ là sản phẩm không phải với tư cách là hoạt động đã vật thế hóa mà chỉ với tư cách là một vật thể đối với chủ thể đang hoạt động”. Đồng thời tiêu dùng cũng tạo ra nhu cầu về sự sản xuất mới, “nó là động cơ tư tưởng, động cơ thúc đẩy bên trong của sản xuất, là cái tiền đề của nó”. Do đó, “nếu như rõ ràng là sản xuất cung cấp đối tượng cho tiêu dùng, dưới hình thái bên ngoài của nó, thì cũng rõ ràng là tiêu dùng giả định đối tượng của sản xuất trên ý niệm, như là hình ảnh bên trong, nhu cầu động cơ và cứu cánh” (1)
Với sự phân tích như vậy, người ta nhận thấy rất rõ mối quan hệ biện chứng giữa sản xuất và tiêu dùng, trong đó tiêu dùng cũng có tính chất sản xuất và sản xuất cũng có tính chất tiêu dùng, song so với tiêu dùng thì sản xuất vẫn là yếu tố chủ yếu, “yếu tố chi phối” (2)
Phép biện chứng được Mác miêu tả ở đây về sự sản xuất và tiêu dùng vật chất mở ra một con đường hoàn toàn mới để hiểu mối quan hệ giữa sản xuất và tiếp nhận văn học, giữa viết văn và đọc văn. Đương nhiên, giữa hai bộ phận này có sự tương đồng như Mác đã chỉ ra và Mác cũng đã nói đến sự sản xuất tinh thần như vẫn thấy thể hiện trong ngôn ngữ của chính trị, luật pháp, đạo đức, tôn giáo, siêu hình học … (3). Song khi vận dụng sự tương đồng này giữa sản xuất và tiêu dùng vật chất với sản xuất và tiêu dùng tinh thần cũng như sản xuất và tiêu dùng vật chất, tránh sự đánh động cơ cấu chức năng của sản xuất vật chất và sản xuất tinh thần hoặc áp dụng một cách trực tiếp và đơn giản những khái niệm chính trị kinh tế học vào trong văn học.
Nhưng sự hữu dụng ở đây là việc vận dụng mô hình, sản xuất và tiêu dùng vật chất vào trong sản xuất và tiêu dùng tinh thần giúp ta thấy rõ trở lại mối quan hệ khắng khít hữu cơ, sự tác động qua lại có thực giữa sản xuất và tiêu dùng văn học, giữa sáng tác và tiếp nhận, giữa viết và đọc. Mối quan hệ có thực này lâu nay vẫn bị bỏ quên trong lý luận văn học của ta, mặc dù những quan niệm nền tảng đã manh nha từ rất sớm. Những tiền đề tốt đẹp này đã không được phát triển. Lâu nay nói đến văn học chúng ta chỉ chú ý đến tác phẩm hoặc tác giả, và ở tác giả không ít khi cũng chỉ chú ý đến một mối quan hệ, hoặc giữa tác giả với hiện thực xã hội được phản ánh hoặc giữa tác giả và tác phẩm v.v…, mà chưa chú ý đến bao nhiêu những khâu nằm ở phía sau đó.
Rõ ràng, với việc chú ý đến khâu người đọc, khâu tiếp nhận, người ta nhận ra được tính biện chứng của các mối quan hệ tác động qua lại giữa tác giả – tác phẩm và người đọc. Các khâu này là những bộ phận của một mối liên hệ không tách rời nhau ra được, chúng xâm nhập vào nhau và đều là thiết yếu đối với tiến trình văn học. Chỉ trong những quan điểm lý luận cực đoan hay phiến diện, người ta mới nhận thấy có sự tách rời, sự cô lập các khâu này thành những bộ phận riêng lẻ, được tuyệt đối hóa thành các thứ mỹ học như “mỹ học biểu hiện”, “mỹ học sáng tạo”, “mỹ học tiếp nhận” v.v… mà sự tồn tại của chúng ít nhiều được luận giải nhằm vào việc loại trừ sự tồn tại của những mỹ học khác, của những mối liên hệ khác, nhưng tập trung vẫn là nhằm chống lại quan niệm về mối quan hệ phản ánh trong văn học. Đối với nhóm Tel Quel thì quan niệm coi nhà văn như là người chất chứa trong mình những “hiểu biết”, như là người gửi một “thông điệp”, là một (quan niệm không đúng. Nó cho đó là một biến dạng của tư tưởng tư hữu quen thuộc của giai cấp tư sản: “Phải chăng tài sản của các vị là đáng xem (Phải chăng các bạn có cái gì để mà nói)? “Theo nó chỉ có lao động, lao động cật lực với ngôn ngữ mà nhà văn thực hiện mới tạo nên giá trị cho nhà văn, chứ không phải tài năng, cảm hứng, hay kinh nghiệm và hiểu biết. Lập trường ấy cũng tương tự như lập trường của Bactơ khi đòi hỏi phải cất bỏ cái cá nhân ra khỏi văn học và phá bỏ nguyên tắc “quyền uy” (của tác giả) trong văn học, để đề cao ngôn ngữ và cấu trúc của văn bản. Trong khi đó, thì những người khác lại cường điệu mặt biểu hiện, bộc lộ cái cá nhân chủ quan, cái tài năng và sự sáng tạo của nhà văn, như chẳng hạn trong mỹ học của Crôzê (Beneđetto Croce). Song chung qui lại điểm nhấn chính vẫn là không nhìn nhận mối quan hệ giữa văn học và hiện thực, không nhìn nhận tính chất bị qui định về mặt xã hội và khách quan, cũng như mối quan hệ với những chủ thể khác của văn học, nghệ thuật. Octêga y Gaxet (Ortega y Gasset) khẳng định rằng đối tượng của nghệ thuật chỉ có thể có tính chất nghệ thuật khi nào nó không phải là hiện thực: “Người họa sĩ không còn hướng về hoặc ít khi hướng về hiện thực, anh ta chống lại nó. Anh ta dự liệu một cách tự do để đập tan cái phương diện người của nó, để phi nhân hóa nó” Hay:, “Nhà thơ bắt đầu ở nơi mà con người kết thúc. Sự xác định của người này (tức con người – H. V.) là đi hết đường hướng sống của mình; cái nghề nghiệp của người kia (nhà thơ – H. V) là tìm ra những gì không tồn tại” (1) Bactơ cũng không thừa nhận có sự phản ánh hiện thực trong văn học: “Văn học chỉ là ngôn ngữ, thực thể của nó là ở trong ngôn ngữ; mà ngôn ngữ là một hệ thống mang nghĩa tồn tại trước mọi công việc văn học (…) Nói một cách khác, so với bản thân những đối tượng (phản ánh) thì văn học và về cấu tạo mà nói là phi hiện thực; văn học chính là cái phi hiện thực…” (2).
Sự phủ nhận mối quan hệ giữa văn học và hiện thực, hiện thực mà nó phản ánh, sự không nhìn nhận tính bị qui định khách quan này của văn học, nghệ thuật là không đúng. Nhưng cũng sẽ không chính xác và đầy đủ nếu quan niệm phản ánh văn học đồng nghĩa với sự miêu tả hiện thực trong “những hình thức của cuộc sống” cũng như lược qui nó vào chỉ một mối quan hệ nhận thức. Hiểu phản ánh như vậy sẽ không thể giải thích được mối quan hệ văn học với chủ thể phản ánh, với sự biểu hiện của nhà văn một mặt và mặt khác với tính chất bị quy định về mặt xã hội của nó tức là sự quy định của đời sống văn học, của môi trường văn học trong đời sống xã hội và “môi trường tư tưởng” nơi mà văn học đi vào, hoạt động và tác động và đón nhận ở đó những tác động trở lại thông qua các kênh khác nhau (1). Nói về sự tác động qua lại giữa cái khách quan và cái chủ quan, Brêcht đã có một nhận xét đúng khi ông viết: “Chúng ta không phải chỉ là tấm gương phản ánh chân lý ở ngoài chúng ta. Khi chúng ta tiếp nhận đối tượng vào trong chúng ta, thì ắt phải có cái gì đó của chúng ta thêm vào, trước khi đối tượng ấy lại đi ra khỏi ta, đó là sự phê phán, sự phê phán tốt hay sự phê phán tồi mà đối tượng phải kinh qua xuất phát từ lập trường xã hội. Cho nên những gì xuất ra khỏi chúng ta hoàn toàn chứa đựng những gì mang tính chất cá nhân, đương nhiên là có mâu thuẫn do chỗ chúng ta tiếp nhận lập trường xã hội” (2). Ý kiến của Brêcht là phù hợp với quan điểm của tâm lý học duy vật cho rằng: “Tư duy bị khách quan qui định, nhưng khách quan qui định tư duy không phải trực tiếp mà là gián tiếp thông qua những quy luật của hoạt động tư duy” (1). Từ đây, chúng ta có thể hiểu rằng hình ảnh được phản ánh chẳng những có tính chất khách quan xét về mặt nội dung cũng như về mặt hình thức, tức bị quy định bởi đối tượng được phản ánh, những “nhưng nguyên nhân bên ngoài tác động thông qua những điều kiện bên trong” (2). Những điều kiện bên trong này, không nghi ngờ gì, lại bị quy định bởi một cái bên ngoài, đó là thực tiễn xã hội và những lợi ích xã hội của con người. Cho nên mối quan hệ văn học và hiện thực cần được quan niệm không phải chỉ có một chiều mà là hai chiều, một mặt là mối quan hệ với hiện thực khách quan mà nó phản ánh và mặt khác là thực tiễn xã hội, nơi nhà văn sống, hoạt động, và chịu sự tác động. Và trong thực tiễn xã hội này có thực tiễn văn học, có đời sống văn học với các quá trình phân phối, lưu thông (mà ở đây chúng tôi không đi sâu vào) và tiếp nhận văn học, những quá trình luôn luôn tác động và ảnh hưởng đến quá trình sáng tác.
———————————————————————
(*) Huỳnh Vân: Phó Giáo sư. Tiến sĩ
Nguồn: Văn học và hiện thực, Phong Lê (Chủ biên), Nxb. KHXH 1990