Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới -Tr. XIX
Khoa chú giải các biểu tượng (Symbolic, Symbolique) – một khoa học thực chứng trên cơ sở sự tồn tại các biểu tượng, lịch sử và các quy luật thực tế của chúng, và Biểu tượng học (Symbolism, symbolime) – một khoa học tư biện đặt nền tảng trên bản chất của biểu tượng và các hệ quả chuẩn tắc của nó, là những bằng chứng đầu tiên về giá trị và sự ảnh hưởng của một nhân tố vô cùng đơn giản, một kiểu kí hiệu đặc thù kiến tạo nên thế giới mà con người đã nhận thức và đang dày công nghiên cứu, khám phá.
Nghiên cứu biểu tượng là một lĩnh vực cực kì rộng lớn, trải rộng từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội, từ nghệ thuật, tôn giáo đến các quy trình công nghệ, thậm chí cả quảng cáo và kinh doanh. Khi Lotman nói rằng, chúng ta đang sống trong một thế giới được bao bọc bởi một lớp màng đầy ắp các hệ thống kí hiệu, văn bản trong sự tương tác, phiên dịch lẫn nhau… thì điều này cũng đồng nghĩa với việc chúng ta không chỉ nhận thức mà phải thừa nhận con đường duy nhất chính là tìm hiểu và “chung sống” với chúng. Đó là con đường khám phá hệ thống kí hiệu, giải mã từng lớp ý nghĩa trong mỗi “tế bào” tạo nên “lớp màng sinh quyển” thế giới mà con người đang sống. Và trong quá trình bóc tách từng thực thể ấy, biểu tượng với nhiều nguồn năng lượng hội tụ, dồn nén, trở thành một đối tượng tiềm năng, bộc lộ bản chất và khả năng của chính đời sống.
Những nỗ lực nghiên cứu và việc tiến hành giải mã biểu tượng trong các ngành khoa học xã hội từ kí hiệu học, cấu trúc luận, giải cấu trúc, phân tâm học đến nhân học, khảo cổ học, dân tộc học, tu từ học… dường như vẫn đang đi trên một con đường dài dằng dặc, đầy hấp dẫn và bí ẩn. Biểu tượng trở thành đối tượng khám phá hữu hình song ẩn chứa sức mạnh vô tận đầy huyền bí. Bài viết này chỉ tập trung xem xét biểu tượng trong khoa học nghệ thuật từ quan niệm của các nhà kí hiệu học và những dịch chuyển trong quan niệm về biểu tượng ở phương pháp tiếp tu từ học tiểu thuyết.
Biểu tượng và kí hiệu học
Trong các khoa học về kí hiệu – Kí hiệu học (semiotics, semiology[1]), “biểu tượng”(symbol)[2] là một trong những từ có nhiều nghĩa nhất, một vấn đề phức tạp nhất, một loại kí hiệu (sign) đặc biệt không chỉ chứa đựng những đặc tính cơ bản của một kí hiệu mà còn là một khái niệm mà việc xác định nó một cách rõ ràng đã trở nên rất khó khăn. Ngày càng có nhiều định nghĩa về biểu tượng, tuy nhiên, những định nghĩa này không hướng đến sự mẫu thuẫn, đối nghịch mà có quan hệ và bổ sung cho nhau[3]. Biểu tượng trở thành một đối tượng nghiên cứu vô cùng rộng lớn và hấp dẫn do chính tính đa nghĩa, bản chất khó xác định và sự sống động của nó.
Có thể nói ngay rằng, kí hiệu học chính là khoa học nền tảng và quan trọng nhất khi tiếp cận và nghiên cứu biểu tượng. Là một ngành nghiên cứu bản chất, chức năng và các cơ chế hoạt động của các hệ thống kí hiệu, kí hiệu học đã đưa ra những mô hình nghiên cứu đầu tiên về biểu tượng với tư cách một kí hiệu. Ferdinand de Saussure và Chales Sander Pierce được coi là hai ông tổ của ngành khoa học này. Từ những nghiên cứu đầu tiên về tính hai mặt của kí hiệu với mô hình: kí hiệu (sign) = cái biểu đạt (signifier)+ cái được biểu đạt (signified) của F. Saussure đến việc sử dụng kí hiệu học theo quan điểm logic học và sắp xếp theo cấu trúc tam vị (triadic structure), trong đó các thành tố luôn có sự ảnh hưởng tương tác lẫn nhau của C. S. Peirce, việc nghiên cứu biểu tượng có cả sự kế thừa tuần tự và đột phá, song hành cùng với những nghiên cứu, khám phá về kí hiệu của kí hiệu học. Quá trình phát triển này có thể tóm lược bằng hai phạm trù đơn giản: nội tại và ngoại tại. Ở đây, từ việc phân loại, đánh giá, lí giải và tìm ra các mối quan hệ nội tại, quy trình giải mã kí hiệu ngày càng trở nên phức tạp và đa dạng từ chính chiều kích của các quan hệ ngoại tại. Tính đa chiều và “mơ hồ”[4] đã khiến cho quá trình khám phá bản chất, chức năng và cơ chế hoạt động của biểu tượng ngày càng hấp dẫn và bí ẩn. Biểu tượng trở thành đối tượng nghiên cứu chứa đựng đầy đủ phẩm chất không chỉ của một kí hiệu (sign) thông thường, mà nó còn dung chứa những năng lực đặc biệt mà một định nghĩa không thể lấp đầy. Nội lực và sức dung chứa của biểu tượng vẫn luôn là thách thức, vừa sáng rõ lại vừa huyền bí bởi chính tính quy ước và đặc thù của sự diễn giải trong môi trường sinh ra nó.
Tồn tại với tư cách là “mật mã” của một bí ẩn, không phải phúng dụ, ẩn dụ, hay ngụ ngôn luân lí, biểu tượng với đặc tính “gợi cảm đến bất tận”, đầy tính “dự cảm” và “ứ đầy ý nghĩa” đã trở thành đối tượng của nhiều lĩnh vực nghiên cứu. Trong kí hiệu học, từ xuất phát điểm với hai tên tuổi Ferdinand de Saussure và Charles Sander Pierce, có thể thấy, ngành kí hiệu học đã phát triển với những tên tuổi quan trọng sau: Louis hjelmslev, Charles Morris, Roland Barthes, Algirdas J. Greimas, Thomas A. Sebeok, Raymond Firth, Juri Lotman, Umberto Eco… Khoa học về kí hiệu đã có những khảo sát nghiên cứu đa chiều hơn, mối quan hệ giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt không dừng lại ở sự biểu hiện (expression) và nội dung (content), giữa việc định danh và vật. Các khái niệm về sự diễn giải, thay thế hay trì hoãn đã biến khoảng cách giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt ngày càng gia tăng. Biểu tượng đã trở thành nhân tố quan trọng trong nghiên cứu kí hiệu học, một đối tượng đặc biệt với bản chất, chức năng và cơ chế hoạt động đặc thù.
Như vậy, việc nghiên cứu biểu tượng từ khởi điểm với quan niệm cấu trúc nội tại đến khi lộ ra những vết rạn nứt, và đòi hỏi phá bỏ tính chất khép kín, thoát ra khỏi cái cấu trúc nội tại chật hẹp, việc nghiên cứu biểu tượng luôn song hành và dịch chuyển cùng với quá trình phát triển kí hiệu học (từ kí hiệu học ngôn ngữ – cấu trúc, kí hiệu học văn hóa, kí hiệu học tâm lí đến kí hiệu học diễn giải…). Với mỗi xu hướng, các lí thuyết gia đều cố gắng khơi mở một con đường, dù rất nhỏ để đến gần hơn bản chất của đối tượng đặc thù này. Dưới đây chúng tôi xin được tóm lược những nét cơ bản nhất từ quan niệm của một số kí hiệu học gia tiêu biểu:
Trước hết, ở xu hướng kí hiệu học gắn với nghiên cứu ngôn ngữ và cấu trúc, bản chất của nghiên cứu kí hiệu là nghiên cứu ngôn ngữ. Quan điểm này sở dĩ xuất hiện đầu tiên bởi F. Saussure, một trong hai ông tổ của ngành kí hiệu học cũng chính là người sáng lập ra ngành ngôn ngữ học hiện đại thế kỉ XX. Quan điểm của F. Saussure về tính hai mặt cái biểu đạt và cái được biểu đạt cùng với một số cặp đôi lưỡng phân như ngôn ngữ/lời nói, mặt nội tại/ngoại tại của kí hiệu đã trở thành dấu mốc quan trọng không chỉ đối với ngành ngôn ngữ học hiện đại mà với cả kí hiệu học. Dù chưa đề cập đến biểu tượng như một đối tượng khảo sát, song với mô hình này, nhân tố cơ bản nhất của biểu tượng cũng đã được xác lập và trở thành nền tảng cho rất nhiều những nghiên cứu về biểu tượng sau này.
Khác với mô hình cặp đôi về kí hiệu của F. Saussure, mô hình tam vị của C.S. Peirce[5] gồm: kí hiệu (sign), đối tượng (object) và diễn giải (interpretant) có thể coi là vết rạn nứt đầu tiên của cấu trúc nội tại. Trong ba yếu tố này, nếu như kí hiệu (sign) như là cái biểu đạt (signifier); đối tượng (object) là suy nghĩ tốt nhất về bất cứ cái gì được biểu đạt, là cái mà từ được viết hoặc nói ra gắn liền vào nó, thì diễn giải (interpretant) trở thành một phần quan trọng trong mô hình kí hiệu học của Peirce. Đây là điểm mới và khác biệt mà Peirce đưa ra để hiểu và xác định kí hiệu, là ý tưởng tốt nhất về sự hiểu (understanding) mà chúng ta có về mối quan hệ kí hiệu/đối tượng.
Đối với Peirce, một kí hiệu luôn là “sự đại diện” (representation) cho ai đó “bằng một cái gì đó trong các quan hệ hoặc khả năng nào đó”, và nó “là mọi thứ để xác định một thứ gì khác” để ám chỉ đến một đối tượng mà bản thân nó được quy vào[6]. Mô hình cấu trúc trong lí thuyết của Peirce là một tương tác giao tiếp của các quá trình liên tưởng. Ông sử dụng thuật ngữ kí hiệu học theo quan điểm của logic học, từ đó các kí hiệu được sắp xếp bởi cấu trúc tam vị, các yếu tố luôn có sự ảnh hưởng, tương tác lẫn nhau. Từ kí hiệu này sẽ sản sinh ra kí hiệu khác thông qua việc diễn giải kí hiệu trước đó.
Điều quan trọng của diễn giải đối với Peirce chính là ý nghĩa, không phải là mối quan hệ cặp đôi đơn giản giữa kí hiệu và đối tượng: một kí hiệu biểu thị chỉ được tồn tại trong sự diễn giải. Peirce không tin rằng ý nghĩa có được nhờ mối quan hệ hai mặt trực tiếp giữa kí hiệu và đối tượng. Vì thế, ông đã đưa ra quan điểm mới này về mô hình tam vị như là việc chúng ta nhận thức hoặc hiểu thế nào về một kí hiệu và mối quan hệ của nó với đối tượng. Điều này khiến diễn giải trở thành nội dung trung tâm của kí hiệu. Ý nghĩa của kí hiệu lộ ra trong diễn giải và điều này chỉ xảy ra khi xuất hiện người sử dụng kí hiệu[7]. Ở đây, diễn giải là ý nghĩa, là cách chúng ta giải thích về kí hiệu, tương tự như “cái được biểu đạt” của F. Saussure, chỉ khác đó là một kí hiệu trong ý thức người diễn giải. Yếu tố diễn giải trong lí thuyết của Peirce cũng nhấn mạnh rằng quy trình kí hiệu (semiosis) là một quá trình (trong khi đó, lí thuyết của Saussure nhấn mạnh đến cấu trúc).
Tiếp nối xu hướng nghiên cứu kí hiệu học gắn với ngôn ngữ – cấu trúc, mô hình kí hiệu của Louis Hjelmslev[8] là sự phát triển xa hơn mô hình kí hiệu hai mặt cũng như sự phân biệt của Saussure về nghĩa (substance) và hình thức (form). Nếu như cái biểu đạt (hình ảnh – âm thanh) và cái được biểu đạt (khái niệm) là hai mặt trong mô hình kí hiệu của Saussure, thì đối với Louis Hjelmslev, ông đã định danh lại thành biểu hiện (expression) và nội dung (content), coi đây là hai mặt của kí hiệu. Cả mặt biểu hiện (expression plane) và mặt nội dung (content plane) đều được phân tầng cụ thể hơn trong hình thức và nghĩa kí hiệu học. Theo ông, một kí hiệu có bốn tầng bậc: nội dung – hình thức (content – form), biểu hiện – hình thức (expression), nội dung – nghĩa (content – substance), và biểu hiện – nghĩa (expression). Hjelmslev đã mô hình hóa lí thuyết như sau:
(Mô hình kí hiệu học phân tầng của Hjemslev[9])
Trong sự phân tích của Hjelmslev, mỗi kí hiệu có một chức năng giữa hai hình thức, hình thức nội dung và hình thức biểu hiện, và đây chính là điểm bắt đầu của việc phân tích ngôn ngữ. Tuy nhiên, mỗi chức năng kí hiệu cũng biểu hiện hai nghĩa: nghĩa của nội dung và nghĩa của biểu hiện. Nghĩa của nội dung (content substance) là sự biểu hiện tâm lí và khái niệm của kí hiệu. Nghĩa của biểu hiện (expression substance) là nội dung vật chất, nơi mà một kí hiệu được biểu hiện. Nghĩa này có thể là một âm thanh, nhưng cũng có thể là bất cứ cái gì hỗ trợ hữu hình, hoặc cũng có thể như sự chuyển động của hai bàn tay, trong trường hợp ngôn ngữ kí hiệu… Nói tóm lại, Hjelmslev đã đề xuất một phương pháp phân tích phân tầng với kết thúc mở như là một kí hiệu học mới.
Theo luận thuyết của Saussure thì kí hiệu học là lí thuyết về hình thức (hoặc cấu trúc), chứ không phải về nghĩa, vì thế Hjelmslev đã giới hạn việc sử dụng thuật ngữ kí hiệu ở hai bậc biểu hiện – hình thức và nội dung – hình thức. Tuy nhiên, không giống như Saussure, ông coi hai bậc về nghĩa tồn tại không định hình, được cấu trúc bởi hệ thống hình thức của kí hiệu. Và khi thảo luận về phạm vi tiền kí hiệu của một thế giới phi cấu trúc, Hjelmslev đã đưa ra khái niệm mục đích (purport). Ở đây mục đích sẽ phù hợp với “nghĩa không định hình”, và các mặt nội dung và biểu hiện trong mô hình của Hjelmslev là tương ứng và xuất phát từ nguyên tắc tùy ý. Quan niệm về nghĩa và hình thức xuất hiện khá đa dạng trong kí hiệu học và ngôn ngữ học, song trong định nghĩa của Hjelmslev, chính nội dung (mục đích) xuất hiện như một thuật ngữ thứ ba lại có ảnh hưởng và tạo ra một chiều hướng mới cho việc nghiên cứu kí hiệu.
Cùng từ mô hình phân tầng kí hiệu này, đóng góp quan trọng của Hjelmslev là sự phân biệt giữa kí hiệu học biểu thị và kí hiệu học hàm nghĩa. Hệ thống kí hiệu thông thường là hệ thống kí hiệu học biểu thị và kí hiệu học hàm nghĩa là một hệ thống kí hiệu mà bình diện biểu đạt (hình thức) của nó cũng là một hệ thống kí hiệu biểu thị. Hjelmslev cũng đưa ra khái niệm siêu ngôn ngữ và siêu kí hiệu. Trong sự khác nhau giữa hàm nghĩa và siêu kí hiệu, Hjelmslev đã chỉ ra cấu trúc song hành: kí hiệu học hàm nghĩa là kí hiệu học mà “mặt biểu hiện của nó là một kí hiệu, và kí hiệu học biểu thị là một kí hiệu mà mặt nội dung của nó là một kí hiệu”[10]. Nói cách khác, kí hiệu học biểu thị và kí hiệu học hàm nghĩa là những kí hiệu chứa đựng kí hiệu nguyên thủy hoặc là ở mặt biểu hiện, hoặc là ở mặt nội dung. Với việc xem xét kí hiệu học hàm nghĩa với siêu ngôn ngữ hoặc siêu kí hiệu, Hjelmslev đã đặt nền tảng cho những nghiên cứu về biểu tượng với mô hình siêu kí hiệu của R. Barthes sau này.
Như đã nói, Roland Barthes[11] đã tiếp thu khái niệm kí hiệu học biểu thị và kí hiệu học hàm nghĩa của Hjelmslev vào hệ thống kí hiệu học của mình. Ông cho rằng: mối quan hệ giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt là một cái gì đó mà thuộc về “tính tương đương”[12]. Những gì chúng ta nắm giữ được trong mối quan hệ này không phải là sự sắp xếp thứ tự liên tiếp mà là một mối tương quan thống nhất. R. Barthes đề xuất thuật ngữ thứ ba dựa trên trường hợp nghiên cứu về huyền thoại đó là ý nghĩa (signification). Ở đây, mối quan hệ giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt sẽ sản sinh ra kí hiệu, và ở cấp độ thứ hai (hệ thống thứ hai), mối quan hệ của hình mẫu (vị trí thứ nhất của kí hiệu) với khái niệm sẽ sinh ra ý nghĩa (signification). Kí hiệu được hình thành từ cái biểu đạt và cái được biểu đạt ban đầu lại kết hợp với nhau bằng mô thức CÁI BIỂU ĐẠT và CÁI ĐƯỢC BIỂU ĐẠT cao hơn tạo nên những kí hiệu mới[13].
Đối với R. Barthes, huyền thoại chứa những nét riêng biệt mà ở đó luôn có chức năng giống như một hệ thống kí hiệu thứ hai được xây dựng trên nền tảng của một loạt kí hiệu vốn là “tổng thể liên kết” của cái biểu đạt và cái được biểu đạt của hệ thống đầu tiên. Và với khái niệm ý nghĩa (signification), R. Barthes cho chúng ta thấy một sức mạnh vô biên lẫn sự che giấu tồn tại ở mỗi kí hiệu. Ở đây những phân tích của R. Barthes về tiến trình kí hiệu (semiosis) tiếp nối qua quan điểm của Saussure ở cấp độ này cho chúng ta nhận thức cấu trúc của thế giới mà chúng ta đang sống. Quá trình biểu đạt ý nghĩa được bộc lộ trong mối quan hệ giữa biểu hiện (denotation) và hàm nghĩa (connotation). Bởi biểu hiện thường được đưa ra với ý nghĩa sử dụng trong ngôn ngữ về những gì mà nó muốn nói tới; hàm nghĩa có ý nghĩa sử dụng trong ngôn ngữ với tư cách là nghĩa của một cái gì đó hơn là những gì nó được nói ra. Hàm nghĩa xuất hiện khi kí hiệu là kết quả của mối quan hệ giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt trước đó đã trở thành “cái biểu đạt” xa hơn. Như thế, hệ thống đầu tiên tiếp tục là biểu hiện của hệ thống thứ hai, tức là biểu hiện của hàm nghĩa.
Văn học ở bề rộng, là một trong những “hệ thống biểu đạt thứ hai” mà chúng được đặt trong toàn bộ “hệ thống thứ nhất” của ngôn ngữ. Khi kí hiệu của mối quan hệ cái biểu đạt và cái được biểu đạt trở thành cái được biểu đạt của một cái gì đó xa hơn thì khi đó hệ thống thứ hai đã trở thành một siêu ngôn ngữ (metalanguage). Đây chính là bối cảnh của bản thân kí hiệu học và sự phức tạp của các loại kí hiệu (trong đó có biểu tượng) sẽ phụ thuộc vào hệ thống thứ hai này.
Những rạn nứt tạo ra nhiều phụ lưu trong dòng chảy của quan niệm mới về nghiên cứu biểu tượng của kí hiệu học.
Khái niệm các cấp độ và sự vượt cấp của cặp phạm trù cái biểu đạt/cái được biểu đạt và ý nghĩa trở thành “điểm nóng” cho những nghiên cứu kí hiệu học. Nếu như R. Barthes mô tả về sự hàm nghĩa (ở huyền thoại) giống như một hệ thống ý nghĩa “thứ hai”, thì U. Eco cũng cho rằng thông điệp mĩ học hoạt động như một hệ thống đa cấp tiếp diễn của ý nghĩa mà ở đó nó di chuyển từ cấp độ này sang cấp độ khác, sự biểu đạt của nó trở thành hàm nghĩa trong một loại tiến trình không xác định. Kết quả là chúng ta không bao giờ đến được một sự giải mã cuối cùng, hoặc “đọc hết” thông điệp mĩ học.
Từ khi ý nghĩa làm “rạn nứt” “cái hộp” cấu trúc nội tại của cái biểu đạt và cái được biểu đạt, việc phân biệt biểu tượng và kí hiệu càng trở nên rõ ràng và cần thiết. Tuy nhiên, sự nhập nhằng giữa việc gọi biểu tượng này là kí hiệu hay không thể gọi kí hiệu khác là biểu tượng vẫn đang tồn tại. Công việc phân biệt cặp biểu tượng/kí hiệu gắn liền với sự phong phú và tính phức tạp trong quá trình đưa ra một định nghĩa thống nhất về biểu tượng.
Raymond Firth (1901-2002) trong cuốn Biểu tượng: Chung và riêng (Symbols: Public and Private) (1973)[14] cho rằng, thuật ngữ biểu tượng được sử dụng trong mảnh đất của kí hiệu và đó là một mạng lưới của những mối quan hệ từ chi tiết cụ thể đến đối lập, một mạng lưới những ẩn dụ mơ hồ; và biểu tượng có thể trở thành những quy ước. Trong quá trình khảo sát về tất cả những khả năng sử dụng của biểu tượng, ông đã phân biệt một cách chung nhất và thực dụng nhất về sự khác biệt giữa biểu tượng và kí hiệu. Đối với Firth, ở “những biểu tượng, phần thể hiện của chúng thiếu sự hòa hợp rất lớn – thậm chí có lẽ là chủ ý – trong thẩm quyền của người tạo ra và người diễn giải”[15]. Cách hiểu này nhấn mạnh đến tính mơ hồ về ý nghĩa và khoảng cách giữa chủ ý của người gửi và kết luận của người nhận. Trong công trình này, Firth cũng chỉ ra rằng, biểu tượng thần bí là một biểu tượng riêng tư, và sự thần bí chính là “ngòi nổ” hoặc “chất gây nổ” của biểu tượng. Tuy nhiên, việc thiết lập những ý nghĩa chung có thể hiểu được là điều cần thiết.
Hiển nhiên, biểu tượng cơ bản khác với kí hiệu và phong phú hơn một kí hiệu (dấu hiệu) đơn thuần. Nếu như kí hiệu là một quy ước tùy tiện giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt, thì biểu tượng được giả định là có sự “đồng chất”[16]. Theo Jean Chevalier, “hiệu lực của nó vượt ra ngoài ý nghĩa, nó phụ thuộc vào cách giải thích và cách giải thích thì phụ thuộc vào một thiên hướng nào đó, đầy năng động và gợi cảm”. “Nó được so sánh với những dạng thức gây xúc cảm, có tính chức năng, có tính động lực…”[17]. Trong khi đó, từ thế giới “siêu kí hiệu” – thế giới biểu tượng (đa nghĩa) với hai mặt “cái tượng trưng” và “cái được tượng trưng” kết hợp theo tư duy liên tưởng và mối quan hệ mang tính ước lệ theo quan niệm của R. Barthes, biểu tượng và tính biểu tượng được hiểu là một hoạt động không chỉ diễn ra bởi kinh nghiệm dựa trên sự phối hợp mà còn là giao tiếp.
Có thể nhận thấy, hầu hết những định nghĩa về biểu tượng đều gắn với khả năng biểu trưng, tưởng tượng và tính tượng trưng trong mối quan hệ kí hiệu học. Trong cấu trúc luận của Lévi-Strausss, kí hiệu học và các hành vi biểu tượng giống hệt nhau[18]. Ở đây khả năng chuyển đổi lẫn nhau giữa các cấu trúc được cho phép bởi sự tồn tại tính biểu trưng sâu sắc trong ý thức con người, nơi tổ chức toàn bộ những kinh nghiệm của chúng ta theo những thể thức giống nhau. Jean Chevalier cho rằng, “con đường tích hợp các giá trị biểu tượng được biểu hiện qua các cấu trúc của cái tưởng tượng; thúc đẩy sự cá thể hóa hay sự hài hòa của cá nhân”[19]. Quan niệm của Lévi-Strausss về biểu tượng lại liên quan đến việc tổ chức kí hiệu – chức năng. Trong khi đó, ở tư tưởng của Lacan, tưởng tượng được thể hiện ở mối quan hệ giữa hình ảnh và một đối tượng tương đương. Tuy nhiên sự tương đương ở đây không phải là sự tương đương của cái gọi là những kí hiệu có tính chất tưởng tượng mà xảy ra trong chính cơ chế nhận thức. Tính tượng trưng sinh ra đối tượng thông qua ngôn ngữ (la parole) và nhận thức được trật tự chặt chẽ của nó bởi phép tắc (law). Lacan đã san phẳng mối quan hệ giữa biểu hiện và diễn tả bằng việc chỉ xem xét logic nội tại của cái biểu hiện, ông quan tâm đến việc sắp đặt cấu trúc của cái biểu đạt[20].
Việc đồng nhất tính tượng trưng và kí hiệu học còn được tìm thấy trong quan điểm của Cassier (The philosophy of Symbolic Forum, 1923). Đối với ông, “hành vi biểu tượng không “định danh” về một thế giới đã được biết đến, mà thiết lập chính những điều kiện để nhận thức về nó. Biểu tượng không phải là sự chuyển đổi tư tưởng của chúng ta, mà chúng là những bộ phận của tư tưởng”[21]. Do tính tượng trưng là chủ thể kết nối với thực tại nên nó trở thành mối quan hệ trung tâm. Và theo quan điểm của Freud, tính tượng trưng là cái kho của những biểu tượng giấc mơ, cung cấp ý nghĩa liên tục, và ông nỗ lực thiết lập một mã (code) của các biểu tượng.
Từ quan điểm chú giải học, Ricoeur (1962) cho rằng, biểu tượng không rõ ràng bởi chúng dùng phép loại suy, chúng được chấp nhận trong sự đa dạng của ngôn ngữ và văn hóa; và sự diễn giải của chúng là luôn có vấn đề.
Như vậy, dù được diễn giải theo cách nào thì vẫn tồn tại một sự thật rõ ràng rằng: “Biểu tượng chính là những giọng nói (voices) của Tồn tại” và “không ai có thể gán cho biểu tượng một sự thật cuối cùng hoặc ý nghĩa được mã hóa”[22] .
Trong cuốn Kí hiệu học và triết học về ngôn ngữ, vấn đề biểu tượng đã được U. Eco phân tích và lí giải một cách thấu đáo trên cơ sở khảo sát những yếu tố tương quan khác của khoa học về kí hiệu như: Kí hiệu (sign), Từ điển và Bách khoa thư (dictionary and Encyclopedia); Ẩn dụ (metaphor); Mã (code), Tính đồng vị (Isotopy); và Sự phản ánh (mirror). Ngay ở phần mở đầu của chương viết về biểu tượng, khi truy nguyên về nguồn gốc biểu tượng, U.Eco đã xác định ngay bản chất của loại kí hiệu này. “Cái thường thích hợp được gọi là biểu tượng chính xác là sự mơ hồ của chúng, độ mở, tính vô hiệu quả hoàn hảo của chúng nhằm biểu đạt ý nghĩa “cuối cùng”. Kết quả là với những biểu tượng và bằng các biểu tượng người ta miêu tả cái luôn ở bên ngoài sự tìm kiếm của ai đó”[23]. Có thể thấy, toàn bộ những khảo sát phân tích của Eco về biểu tượng đều xoay quanh vấn đề tính tượng trưng của loại kí hiệu này. Tính tượng trưng trong quan hệ với chủ thể, với người diễn giải tạo nên giá trị đặc thù và bản chất của biểu tượng từ cái nhìn kí hiệu học.
Được coi là người đặt nền móng và phát triển một trong những phương pháp tiếp cận quan trọng nhất của kí hiệu học đương đại – kí hiệu học diễn giải, Eco đã nghiên cứu biểu tượng xuất phát từ hai mô hình sản sinh kí hiệu là ratio facilis (mô hình sản sinh kí hiệu mà ở đó “loại biểu hiện” (expression) được tái tạo bằng một “biểu hiện tượng trưng”) và ratio difficilis (mô hình sản sinh kí hiệu mà ở đó “loại nội dung” tương quan với sự biểu hiện – tượng trưng). Xuất phát từ hai mô hình kí hiệu này, Eco đã khảo sát và đề xuất cách thức diễn giải dựa trên hai tiêu chí cơ bản: ý nghĩa (Significance) và giao tiếp (Communication). Và đây cũng chính là hai vấn đề trọng tâm trong lí thuyết của Eco. Trong mối quan hệ giữa biểu hiện (cái biểu đạt) và ý nghĩa, việc diễn giải ý nghĩa biểu tượng được xem xét trong quan hệ giao tiếp.
Đối với Eco, ở các biểu tượng, sự tương quan giữa cái biểu đạt (biểu hiện) và cái được biểu đạt (ý nghĩa) không phải là sự tương quan mang tính quy ước. Và ông tán thành mô hình của Hegel: “Biểu tượng luôn miêu tả sự không cân xứng, tình trạng căng thẳng, sự mơ hồ và tính mong manh nhất định”. Trong “chủ nghĩa biểu trưng xác thực”, hình thức không biểu thị bản thân chúng, mà đúng hơn là ám chỉ đến, gợi đến một ý nghĩa rộng hơn: Bất cứ biểu tượng nào cũng là điều bí ẩn và “bức tượng nhân sư đúng là một biểu tượng cho chính chủ nghĩa biểu trưng”[24]. Và tính mơ hồ, “vô tâm” về ý nghĩa trong quá trình diễn giải biểu tượng còn được Eco xem xét ở cả nguyên mẫu và thần thánh, những Kinh thánh thiêng liêng – nơi mà các khả năng của giao tiếp chứa đựng tính quy ước rất lớn.
Tính mơ hồ, đa nghĩa và bí ẩn của biểu tượng còn được tiếp tục với một loạt quan điểm cùng với sự lí giải của các lí thuyết gia khác. Trong lí thuyết về biểu tượng của Jung (1934), khái niệm về mô hình biểu tượng được mô tả bởi sự giống nhau giữa biểu hiện và nội dung, và bởi tính mơ hồ cơ bản của nội dung biểu hiện. Jung đã đưa tiềm thức cá nhân để đối chọi với vô thức tập thể, cái mà một mặt biểu hiện sâu sắc hơn tinh thần của con người ở vỉa tầng bẩm sinh và cái mà (mặt khác) có nội dung với những mô hình ứng xử ít nhiều thấy ở mọi nơi và trong tất cả mọi cá nhân. Đối với Jung, những nội dung về vô thức tập thể với nguyên mẫu, các mẫu hình cổ xưa, những hình tượng chung, những đại diện chung… không phải là những kí hiệu, cũng không phải là những phúng dụ, mà chúng chính xác là những biểu tượng chân thực “bởi chúng mang ý nghĩa mơ hồ, đầy tính thoảng qua và vô tận như là phương sách cuối cùng”[25].
Lí thuyết về vô thức cá nhân này của Jung được Eco xếp cùng loại với những tư tưởng thần bí của Chủ nghĩa thần bí Do Thái của Scholem (1960)[26]. Những tư tưởng thần bí tồn tại ở ngưỡng cửa giữa truyền thống và cách mạng. Một mặt thần bí và huyền thoại được truyền thống nuôi dưỡng, nhưng mặt khác những ảo ảnh, tưởng tượng mà người diễn giải có được có thể làm xáo trộn sự thật truyền thống. “Huyền thoại sử dụng những biểu tượng cũ nhưng làm đầy chúng với ý nghĩa mới, và trong việc làm này, nó luôn thách thức uy quyền”[27], nó là “thứ thuốc giả độc” (Jung) cho tình trạng hỗn loạn của ý thức. Trong kinh nghiệm thần bí, biểu tượng hẳn phải được thuần hóa/chế ngự một cách chính xác bởi chúng “mở ra” khả năng vô tận về sự “phóng đại”, và sức mạnh này phải được kiểm soát. Điều đó phụ thuộc vào tín ngưỡng tôn giáo hay tư tưởng triết học của ai đó để có thể đi đến quyết định, hoặc sức mạnh này xuất phát từ cội nguồn thần thánh, hoặc sức mạnh đó chính là cách thức mà người diễn giải thực hiện theo một phong cách riêng, “lấp đầy những thùng chứa trống rỗng của sự biểu hiện tương trưng”[28] .
Việc thừa nhận tính đa nghĩa và bí ẩn của cái biểu hiện cùng với sự phong phú, không thống nhất của diễn giải đã tạo nên một quy trình vô tận của kí hiệu học. Nếu trong văn bản, mọi điều có thể được đọc ngoài ý nghĩa quy ước của nó, thì mỗi văn bản thực sự sẽ là một kho lưu trữ các biểu tượng. Mô hình biểu tượng được coi như ngang bằng với mô hình kí hiệu học khi mỗi diễn ngôn của con người luôn nói một cách gián tiếp. Ở đây, biểu tượng được nhìn thấy đầy huyền bí, chúng hứa hẹn như một cách thức bí mật của tri thức. Việc giới hạn những hình thức đặc thù của giao tiếp trong diễn giải ý nghĩa biểu tượng không giới hạn được tính vô tận của quy trình kí hiệu này. Diễn giải vẫn tiếp tục quay trở lại với khuynh hướng thần bí. Tuy nhiên, ý nghĩa đầy đủ của một biểu tượng chỉ đạt được khi nằm trong ngữ cảnh của chúng. Chẳng hạn đối với các Kinh thánh thiêng liêng, phương thức trần tục hóa được coi là một trong những cách thức diễn giải sự bí ẩn và mơ hồ của biểu tượng, tạo ra những lớp “tinh vân” vô tận cho quy trình kí hiệu học.
Eco tiếp tục quan điểm của mình khi khẳng định: “không phải tất cả mọi thứ đều có thể trở thành biểu tượng. Biểu tượng phải được sản sinh trong văn bản; nó đòi hỏi một chiến lược kí hiệu học đặc thù. Một chiến lược chính xác đến mức mà ngày nay nên được phác thảo ra theo một vài cách thức-ít nhất dưới hình thức của một mô hình trừu tượng. Một chiến lược biểu tượng có thể đem đến sự thích thú thẩm mỹ, tuy nhiên trước hết nó vẫn là một cỗ máy kí hiệu”[29]. Không phải mọi sự can thiệp cách ngôn (ẩn dụ, châm biếm, phép ngoa dụ…) đều dẫn đến kết quả sản sinh ra mô hình biểu tượng, song mô hình biểu tượng có xuất phát điểm từ những can thiệp nhất định này và nó biểu hiện về sự ám chỉ văn bản (textual implication). Chính những ám chỉ văn bản luôn khuyến khích người diễn giải bổ sung những suy luận thích hợp và anh ta sẽ luôn cảm thấy dư thừa về ý nghĩa đối với những chuẩn mực trong việc giải trình về mô hình biểu tượng. Ở đây chìa khóa của sự diễn giải nằm ngoài khung cơ cấu tồn tại từ trước của văn bản. Nội dung của biểu tượng là một lớp “tinh vân”, là sự xếp chồng của những diễn giải có thể, và biểu tượng luôn buộc người diễn giải phải đối mặt với việc giải mã.
Như vậy từ mô hình kí hiệu hai mặt của nhà ngôn ngữ học, kí hiệu học Pháp F. Saussure và mô hình tam vị của nhà kí hiệu học người Mỹ C. Peirce[30], nghiên cứu kí hiệu nói chung và biểu tượng nói riêng đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ. Biểu tượng không chỉ được xem xét, khảo sát với tư cách là một kí hiệu mà phẩm chất đặc biệt của nó cũng đã được các nhà kí hiệu học nhận thức, khám phá và lí giải từ nhiều quan điểm khác nhau. Khi mối quan hệ giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt, giữa người gửi, thông điệp và sự giải mã của người nhận càng trở nên tinh vi, phức tạp thì biểu tượng càng lộ rõ đặc tính đặc biệt của nó. Trong các văn bản nghệ thuật, một mặt biểu tượng tồn tại như một kí hiệu ngôn ngữ với các phương thức sử dụng cách ngôn (như ẩn dụ, phúng dụ, các phép tu từ) tạo ra tính đa nghĩa, phong phú cho sự diễn giải; Mặt khác, chính khả năng tổng hợp và tích tụ, tính mơ hồ, đa nghĩa của “cái biểu hiện”/ biểu tượng nảy sinh từ những bối cảnh giao tiếp, môi trường văn hóa nhất định, những trầm tích văn hóa đã tạo nên tính bí ẩn đầy hấp dẫn và tính vô tận cho những khả năng diễn giải.
Biểu tượng theo quan niệm của tu từ học tiểu thuyết
- Lí thuyết biểu tượng nhìn từ tu từ học
Lịch sử tu từ học trải qua cả thời kì huy hoàng và khốn cùng. Dù ở giai đoạn khủng hoảng hay trên đỉnh cao của uy quyền thì vấn đề cơ bản nhất của tu từ học vẫn là nghệ thuật thuyết phục. Đối tượng của tu từ học là nghệ thuật hùng biện và được xác định như những lời (speech) có hiệu lực khiến nó có khả năng tác động đến người khác. Vì thế, tu từ học nắm lấy ngôn ngữ không chỉ với tư cách hình thức. Hình thức ngôn ngữ trở thành một phần của hành vi giao tiếp toàn cầu và tu từ học hướng đến việc giải quyết các chức năng, hiệu lực của lời nói chứ không phải cấu trúc.
Với nhiệm vụ nghiên cứu những cách thức cho phép đạt được mục đích nào đó, tu từ học khám phá ra rằng, ẩn dụ là một cách thức hiệu quả, một phương thức hữu hiệu hướng tới một kết quả đã được lựa chọn. Chính vì vậy, trong Tu từ học (Rhetoric), Aristotle đã nói rõ rằng: “chức năng của tu từ học không đơn giản là nhằm đạt đến sự thuyết phục, mà đúng hơn là khám phá phương thức để đến gần với thành công ở mỗi tình huống cụ thể cho phép…”[31].
Tinh thần của tu từ học rõ ràng mang tính thực dụng, và trong bất cứ tình huống cho phép nào, người ta luôn nhằm đến việc đạt mục đích. Có thể nói, những tuyên bố đủ loại, những nguyên tắc, nguyên lí sẽ rất khó ngăn chặn nhà hùng biện sử dụng tài năng nghệ thuật của anh ta cho những mục đích nhất định. Mọi lí lẽ sẽ mang dấu tích của chính người sử dụng. Tu từ học không điều chỉnh một kiểu lời nói vượt qua lời nói khác. Ở đây, bất cứ biện pháp nào mà đối tượng sử dụng cũng đều tốt, bất cứ lời nói nào gây hiệu quả đều sẽ được sử dụng một cách đơn giản, phù hợp với mục tiêu đã đặt ra. Tu từ học dạy những người thực hành cách sử dụng các loại diễn ngôn phù hợp với từng môi trường cụ thể. Vì vậy, khái niệm quan trọng của tu từ học chính là sự phù hợp, thích đáng. Sự phù hợp là cái gốc của hiệu quả, là nền tảng của nghệ thuật diễn thuyết.
Tuy nhiên, điều kiện tối cần thiết cho sự phát triển của nghệ thuật thuyết phục chính là một nền dân chủ. Từ thời cổ đại và trong từng bước thăng trầm của tu từ học, người ta đã ý thức được sự tỏa sáng thực sự của nó trong môi trường dân chủ. Sự dân chủ và tính thuyết phục của ngôn từ luôn gắn chặt với nhau, là điều kiện cần để tu từ học tồn tại và phát triển. Vì vậy, thể chế chính trị, môi trường xã hội và chính việc lựa chọn đối tượng nghiên cứu tu từ học sẽ là một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển của nó.
Trong lịch sử lâu dài và nhiều thăng trầm của tu từ học, đối tượng của nó có những chuyển dịch nhất định, song vấn đề cốt lõi là việc tạo ra và sử dụng lời nói một cách có hiệu quả, hiệu lực thì vẫn không thay đổi. Ở đây, việc lựa chọn từ vựng và cung cấp một cách sắp đặt hợp lí còn được các nhà tu từ học khai thác sâu hơn khi họ khẳng định ngôn ngữ thuyết phục mang phẩm chất giá trị ở bên trong hơn là phục vụ cho mục đích ở bên ngoài[32]. Việc trang trí và tô điểm cho lời nói, việc sắp đặt theo một hình thức nhất định nhằm tạo ra một “hình dáng” cụ thể của diễn ngôn, có thể được hiểu một cách trực diện là “mọi diễn ngôn sẽ là ẩn dụ”.
Ngày nay, diễn ngôn đã được đánh giá đúng với bản chất tự thân, với hình thức và vẻ đẹp của nó. Và nơi trú ngụ xác đáng nhất của tất cả những phẩm chất đó của ngôn từ chính là văn học. Với quan điểm về tính thuần khiết, “vô dụng” của thơ ca/văn học, bản thân tu từ học đã trở thành một lí thuyết về ngôn ngữ đáng ngưỡng mộ và tin cậy (dù với giọng điệu nào thì cuối cùng văn học cũng quay lại với tính hiệu quả) .
Trong công trình Các lí thuyết về biểu tượng (Theories of Symbol), Todorov đã cố gắng xác lập một một định nghĩa xác đáng nhất về biểu tượng từ tu từ học qua việc khảo sát quan niệm của một loạt các triết gia ngôn ngữ, các nhà văn phạm học vào thời điểm trước khi tu từ học biến mất (thế kỉ XIX). Từ quan điểm của César Chesneau Du Marsais (1676-1756) và Nicolas Beauzée (1717-1789) – hai triết gia, hai nhà văn phạm học thuộc thế hệ thứ nhất nổi tiếng của Pháp, đến thế hệ thứ hai Étienne Bonnot de Condillac (1714-1780)[33], và thế hệ thứ ba Pierre Fontanier (1765-1844)[34], Todorov đã cho thấy rằng, với xuất phát điểm từ tính mục đích của tu từ học gắn với khả năng và nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, việc nghiên cứu biểu tượng được hiểu chính là nghiên cứu các hình thái tu từ ngôn ngữ. Thực tế, vào thời điểm đó, các nhà tu từ học cũng chính là các nhà văn phạm học, và ngữ pháp cũng “mang tính triết học”. Vì thế, các luận thuyết về tu từ học giống như một thứ phổ quát và hợp lí uyên thâm, nghiên cứu tu từ học là nghiên cứu ngôn ngữ. Các triết gia về ngôn ngữ và văn phạm học này dù có lúc ở hai cực đối lập, song đã có những kiến giải khá tương đồng về tính biểu trưng của ngôn ngữ[35].
Như vậy, việc khảo sát ngôn ngữ gắn với chức năng và hiệu lực của nó trong tu từ học chính là nền tảng cho những nghiên cứu về biểu tượng. Hiệu lực và tính biểu trưng của ngôn ngữ như hai mặt của một vấn đề. Nếu quay trở lại với các nhà tu từ học cổ điển từ Cicero và Quitilian, có thể thấy, ngôn ngữ thuyết phục đã được coi là những biểu trưng và ẩn dụ. Quan điểm này dù có những dịch chuyển theo thời gian, song cái gốc ở việc sử dụng ngôn ngữ một cách có hiệu quả thì vẫn được duy trì. Chúng ta có thể nhận thấy điều này khi nhìn vào quan điểm của một số nhà tu từ học Pháp đã kể tên ở trên.
Cụ thể, Du Marsais bắt đầu luận thuyết của mình ở sự phân biệt khái niệm hình thái tu từ ở hai vấn đề: độ lệch (hay sự chệch hướng) và hình thức. Trong trường hợp tất cả ngôn ngữ đều có thể trở thành biểu tượng thì hình thái tu từ chính là phong cách, cách thức diễn đạt riêng biệt được rút ra từ những cách thức đơn giản, phổ quát. Cách hiểu về hình thái tu từ ngôn ngữ không còn quá mơ hồ khi Du Marsais đề cập đến những quy tắc. Ông chỉ ra rằng tính biểu trưng (với các hình thái tu từ) và phi biểu trưng (không có các hình thái tu từ) đều “có uy quyền bởi cách sử dụng”, vì thế sự đối lập này chỉ được nhận ra khi đề cập đến các quy tắc[36].
Đối với Du Marsais, tất cả mọi lời nói đều có thể trở thành những biểu tượng tiềm năng, và đây là khả năng về mặt lí thuyết nhằm nhận thức hình thức của mỗi phát ngôn. Tuy nhiên, khả năng này không tồn tại ở khắp mọi nơi, là thuộc tính không có tính cách đặc biệt về âm vị và chúng ta cũng chỉ có thể nhận thức được hình thức của một phát ngôn nhất định chứ không nhận thức được tất cả. Khái niệm hình thái tu từ không phân biệt ở cấp độ ngôn ngữ học mà đạt được ý nghĩa đầy đủ ở cấp độ nhận thức ngôn ngữ. Một phát ngôn chỉ trở thành biểu tượng (có tính biểu trưng) khi chúng ta nhận thức được nó trong chính bản thân nó.
Nếu như Du Marsais không sẵn sàng đối mặt trực tiếp với sự lựa chọn hình thái tu từ thực sự là sự chệch hướng theo một nguyên tắc trừu tượng, hay hình thái tu từ là hình thức (không phải bất kì hình thức nào) được sinh ra bởi các quy ước xã hội, được thể hiện trong sự tồn tại một cái tên và được nhận thức như là hình thức bởi người sử dụng một ngôn ngữ cụ thể; thì Beauzée, mặc dù là người thừa hưởng trực tiếp những thành tựu của Du Marsais, song đã kiên quyết chọn quan niệm thứ nhất và mở rộng nó.
Theo ông, bất cứ sự tạo dựng hoặc cơ cấu ngữ pháp có thể nhìn thấy, được đưa ra bằng hình thái tu từ đều dựa trên cơ sở sự trừu tượng hoặc cú pháp chung. Mỗi câu riêng lẻ chính xác là một biểu tượng trong cái mà nó tồn tại như một cá thể. Và Beauzée đã khẳng định: “Hình thái tu từ ngôn ngữ là sự xác lập cá nhân về một đối tượng (body) bằng cách diễn đạt đặc biệt phân biệt nó với những cách biểu hiện tương tự khác”. Có thể thấy, cách sử dụng ngôn ngữ là chung và thống nhất, song ở mỗi diễn ngôn cụ thể thì thật khác nhau. Tất cả điều đó là do hình thái tu từ. Mỗi biểu hiện của ngôn ngữ đều có diện mạo của chính nó và hình thái tu từ như là đặc điểm tiêu biểu của mỗi cá nhân trong cộng đồng (cũng giống như loài người trên trái đất này, đều có những đặc điểm giống nhau, nhưng khi chúng ta so sánh từng cá nhân thì thật khác nhau và rất phong phú). Đối với Beauzée, hình thức chung và trừu tượng tất yếu phải được biểu hiện trong trạng thái biểu trưng, và ông đã tiến hành xem xét những hình thái tu từ trong sự tồn tại của kho truyền thống tu từ học.
Theo quan niệm của Beauzée, điều cần thiết đối với khái niệm hình thái tu từ là việc mở rộng cái biểu đạt (signifier), mỗi cái biểu đạt là một biểu tượng. Điều này rất khó phân biệt với những biểu đạt phi biểu tượng. Tuy nhiên đến Condilac, ông đã giữ lại quan niệm về sự thích đáng của Qutilian. Ở đây, việc tồn tại của hình thái tu từ dựa trên sự thuyết phục với hai vẻ mặt (hình ảnh hoặc phi hình ảnh) được sắp đặt trong cùng một kho chứa tư tưởng. Và đối với Condilac, điều thu hút sự chú ý của ông không phải là nghĩa đen, đối lập với nghĩa biểu tượng/hàm ẩn, mà đúng hơn là sự thích hợp chứa đựng trong chính biểu tượng. Hình thái tu từ là sự biểu hiện thích đáng (và độc nhất, không thể thay thế được) về một tình cảm hoặc sự việc cụ thể. Đây chính là điểm bản chất nhất để từ đó Condiclac thiết lập một hệ thống thẩm mỹ văn học với quy chuẩn hiển nhiên của tu từ học là “tính thích đáng”.
Fontanier là người sau cùng đề cập đến vấn đề tính biểu trưng của ngôn ngữ, và ông cũng giữ lại hình thái tu từ, miêu tả nó từ hai sự xác định: cấu trúc và chức năng. Ông phát triển xa hơn quan điểm về sự chệch hướng của Du Marsais và cố gắng đem đến một sự xác định chính xác về hình thái tu từ. Ở đây việc đi chệch hướng nhằm mục đích biểu hiện một ý nghĩa sâu sắc, nổi bật và sinh động hơn, mạnh mẽ và cuốn hút hơn. Fontanier chỉ rõ rằng: ‘Các hình thái tu từ của diễn ngôn là các hình thức, hoặc cách thức miêu tả ít nhiều nổi bật, nó tạo ra đặc quyền trong kết quả của chúng, và thông qua cách thức này – trong sự biểu hiện quan điểm, tư tưởng và cảm xúc, diễn ngôn đi chệch khỏi những cái được miêu tả đơn giản và chung chung”[37]. Sự sai lệch hay chệch hướng nhằm biểu hiện một hình thái tư tưởng, chống lại cách biểu hiện đơn giản và trực tiếp. Và khi các hình thái tu từ đi chệch khỏi những quy tắc ngôn ngữ thông thường để diễn tả một hiện tượng cụ thể, nó sẽ đem đến một hình thức biểu trưng.
Như vậy, khi xem xét lại các quan điểm tu từ học về biểu tượng của các tác giả này, có một thực tế rõ ràng rằng, bên cạnh việc thừa nhận tính biểu trưng của ngôn ngữ qua việc tạo lập các hình thái tu từ, các nhà tu từ học và văn phạm học đã phát triển xa hơn những yếu tố liên quan đến tính biểu trưng – biểu tượng của ngôn ngữ được xác lập dưới các hình thái tu từ. Ở đây, các quan điểm luôn có sự kế thừa, song cũng bộc lộ những khác biệt rõ ràng khi diễn giải chính xác hình thái tu từ là gì. Những tương đồng hoặc đối lập khi đề cập đến hình thái tu từ ngôn ngữ như là sự chệch hướng, là trừu tượng, hay thích đáng chủ yếu khai thác mặt biểu hiện, tức cái biểu đạt của ngôn ngữ. Tuy nhiên, có thể nhận thấy, cả thành tựu cũng như hạn chế của những nghiên cứu biểu tượng tu từ học giai đoạn này là vẫn tập trung vào cấu trúc nội tại của ngôn ngữ.
Toàn bộ tu từ học giai đoạn này rút lại trong lí thuyết về các hình thái tu từ (theory of figures). Ngày nay, khái niệm này được xác định qua hai mặt: bằng sự xem xét mang tính kinh nghiệm – lí thuyết về các hình thái tu từ tương ứng với những thực tế ngôn ngữ có thể quan sát được – và bằng việc xem xét mang tính lí thuyết – nó có thể được chuyển tiếp thành một hệ thống chặt chẽ tiêu biểu cho một thế giới quan cụ thể.
Trước khi tu từ học biến mất vào thế kỉ XIX, một loạt quan điểm của các nhà tu từ học này đã cho thấy những nhận thức dứt khoát, mạnh mẽ về tính biểu trưng của ngôn ngữ, bản chất và cơ chế hoạt động thông qua khái niệm hình thái tu từ. Những quan niệm này tuy không góp phần làm sáng rõ lí do sự biến mất của tu từ học thế kỉ XIX, song những chuyển biến sau này của tu từ học vẫn cho thấy tính biểu trưng luôn là cái đích cho mỗi văn bản mang sức thuyết phục.
- Nghiên cứu biểu tượng theo quan điểm tu từ học tiểu thuyết.
Khi tu từ học được hồi sinh vào thế kỉ XX, việc nghiên cứu biểu tượng tiếp tục được khai thác ở một chiều kích khác theo lí thuyết tu từ học tiểu thuyết mà W. Booth[38] là người khởi xướng.
Lấy nền tảng là sự thuyết phục của tu từ học cổ điển, tu từ học tiểu thuyết của Booth một mặt kế thừa phương pháp tiếp cận đòi hỏi những tính toán mang tính định lượng của chủ nghĩa cấu trúc, kí hiệu học, tự sự học, phong cách học; mặt khác nó đặt ra vấn đề về biểu hiện cảm xúc, tức chức năng, hay các giá trị biểu cảm mà những thủ pháp, kĩ thuật có thể đem đến cho người đọc. W. Booth đã cho thấy rằng: tất cả những gì mà người viết tạo ra đều hướng tới người đọc và thuyết phục người đọc về tính có căn cứ vững chắc của nó. Đối với Booth, nhà văn không thể từ bỏ “tu từ học”, nghĩa là không thể từ bỏ các phương thức, các thủ pháp, biện pháp…nhằm thuyết phục, lôi cuốn độc giả. Anh ta chỉ có thể lựa chọn một loại “tu từ học” nào đó để sử dụng mà thôi.
Nhấn mạnh vào sự thuyết phục, tức tính mục đích của tác giả, khái niệm then chốt trong lí thuyết của Booth chính là tác giả hàm ẩn. Tác giả hàm ẩn là một “chiến lược” quan trọng trong nghiên cứu của Booth về tu từ học truyện kể, đồng thời cũng là một khái niệm không ngừng được nghiên cứu trong suốt hơn bốn thập kỉ của thế kỉ XX. Đối với ông, tác giả hàm ẩn là cái gốc để nhận ra những dấu hiệu tu từ học và cơ sở để xác lập các nguyên tắc xây dựng truyện kể. Theo Booth, tác giả hàm ẩn không có thật, nó tồn tại trong sự suy đoán của chúng ta, nhưng lại là hình ảnh toàn vẹn nhất về giọng của tác giả, với một thái độ, ý thức, tư tưởng biểu hiện trong tác phẩm. Dấu vết của tác giả hàm ẩn in đậm trong hệ thống các nguyên tắc xây dựng truyện kể và giọng của anh ta sẽ lộ rõ ở tất cả những thủ pháp kỹ thuật, những phương thức, cách thức kể trong truyện[39].
Như thế, khi mọi nhân tố trong tác phẩm đều chịu sự chi phối, điều khiển và kiểm soát bởi tác giả hàm ẩn, thì cơ chế thiết lập và giải mã biểu tượng theo lí thuyết tu từ học tiểu thuyết nằm trong chính mối quan hệ giữa tác giả hàm ẩn và biểu tượng.
Theo tu từ học tiểu thuyết, mọi yếu tố nhỏ nhất trong truyện kể đều chịu sự chi phối của tác giả hàm ẩn, bàn tay của anh ta chạm tới mọi ngõ ngách trong tác phẩm, và từng nhân tố thuộc cấu trúc hay ở cấp độ ngôn từ đều có thể trở thành đối tượng nghiên cứu của tu từ học. Nhìn một cách tổng quát, tu từ học truyện kể hư cấu được chia thành hai phương diện: tu từ học cấu trúc truyện kể và tu từ học diễn ngôn. Như thế, biểu tượng sẽ là một trong những nhân tố nằm trong phạm vi của tu từ học diễn ngôn truyện kể, gắn chặt với những biểu hiện về ngôn ngữ.
Cơ chế thiết lập và giải mã biểu tượng theo tu từ học tiểu thuyết gắn liền với nhân tố tác giả hàm ẩn. Ở đây, trước hết bởi tác giả hàm ẩn chính là người lựa chọn, sắp đặt và tạo nên hình hài tác phẩm. Việc điều chỉnh và sử dụng bất kì yếu tố nào trong truyện kể đều phải tùy thuộc vào tác giả hàm ẩn khiến cho mối quan hệ này tưởng chừng khá bị động và một chiều. Tuy nhiên, thực tế lại không đơn giản như vậy. Bản chất khó xác định và sống động của một loại kí hiệu đặc biệt – biểu tượng với hàng loạt các đặc tính biểu trưng, mơ hồ, đa nghĩa và cả việc dung chứa các chiều kích văn hóa, đã tạo nên mối quan hệ đa chiều, phong phú và đầy ý nghĩa khi đề cập đến mối quan hệ tác giả và biểu tượng.
Để tránh rơi vào tình trạng rối rắm, phức tạp, trước hết xin được tách bạch một cách khá cơ học quy trình và cơ chế thiết lập biểu tượng trong tác phẩm văn học.
Đặt mục tiêu thuyết phục lên hàng đầu, tác giả sẽ hướng tới việc sử dụng các biểu tượng ngôn ngữ trước hết như những ẩn dụ làm gia tăng các lớp nghĩa hàm ẩn cho mỗi diễn ngôn. Những ẩn dụ này sẽ phải tuân thủ theo những quy tắc, quy phạm của một ngôn ngữ nhất định. Và như thế, tính biểu trưng, ý nghĩa hay giá trị hàm ẩn của mỗi kí hiệu biểu tượng bị kiểm soát và quy định bởi những định chế hiển nhiên của mỗi ngôn ngữ (âm, từ, kết cấu cú pháp…). Việc thiết lập biểu tượng trong tác phẩm trước hết tuân theo các quy luật cấu trúc nội tại của ngôn ngữ. Tuy nhiên, đây chỉ bộc lộ quan hệ bề mặt, mục đích của tác giả sẽ quy định việc anh ta lựa chọn cái gì và chọn như thế nào. Chính mục đích này sẽ điều khiển việc tác giả hàm ẩn sáng tạo ra một thế giới nghệ thuật mà ở đó biểu tượng “sống”. Lớp nghĩa hàm ngôn của biểu tượng sẽ chỉ thực sự hé lộ trong từng văn cảnh nhất định, và ý nghĩa thực sự của biểu tượng sẽ được nhận thức khi chúng ta dựa vào ngữ cảnh, ngôn cảnh, vào các quy tắc điều khiển hành vi ngôn ngữ, điều khiển lập luận và điều khiển hội thoại…vv. Có thể nói, cơ chế thiết lập này đòi hỏi mọi lựa chọn của tác giả vừa phải tuân theo những quy luật cấu trúc nội tại của một ngôn ngữ nhất định, vừa phải đáp ứng các yêu cầu ngoại tại như là môi trường sống của mỗi kí hiệu biểu tượng.
Mối quan hệ lưỡng phân nội tại và ngoại tại trong cơ chế thiết lập và giải mã biểu tượng không đơn thuần là hai mặt có thể tách bạch rõ ràng. Ở đây, việc thiên lệch, cụ thể là quá chú trọng đến một nhân tố nào đó cũng đều có thể đem đến nguy cơ tước đi rất nhiều khả năng hiểu và khám phá chính bản thân biểu tượng. Chúng ta luôn phải thừa nhận rằng: “Rất nhiều những cơ chế và quan hệ bên trong của ngôn ngữ sẽ không được phát hiện ra và không miêu tả được, giải thích được nếu không viện đến cái cơ chế bên ngoài, nói đúng hơn là cơ chế hướng ra xã hội của bản thân ngôn ngữ”[40]. Và đây chính là nền tảng thiết yếu để mọi sự lí giải của chúng ta về biểu tượng không trở nên khiên cưỡng và cứng nhắc.
Tính biểu trưng, đa nghĩa và mơ hồ của các kí hiệu biểu tượng trong “bầu sinh quyển” ngược lại đã chi phối sâu sắc đến sự lựa chọn của tác giả. Chúng ta biết rằng, việc tác giả lựa chọn cái gì và lựa chọn như thế nào phụ thuộc vào tri thức, thế giới quan và đặc biệt là quan niệm nghệ thuật của mỗi nhà văn. Đằng sau mỗi tác phẩm là hình bóng thực sự của một con người – tác giả hàm ẩn. Điều này lí giải tại sao tác giả lại lựa chọn chi tiết này, yếu tố kia vào tác phẩm chứ không phải là một kí hiệu hay biểu tượng khác. Như thế, một mặt việc lựa chọn các kí hiệu-biểu tượng phụ thuộc vào tri thức và nhân sinh quan của nhà văn; Nhưng mặt khác, bởi phải sống trong “một thế giới biểu tượng” nên chính thế giới xung quanh nhà văn đã tạo nên Con người và quy định sự lựa chọn của anh ta. Vì thế, đây là mối quan hệ hai chiều, tương tác và phụ thuộc lẫn nhau. Mối quan hệ lưỡng phân này cũng trở thành nền tảng cho nhân tố thứ ba của quy trình tu từ học kí hiệu hiện đại : tác giả hàm ẩn – kí hiệu biểu tượng – người diễn giải.
Biểu tượng với tư cách là những trầm tích văn hóa trong văn bản nghệ thuật
Phần này được coi như lời kết cho những khảo sát đánh giá về biểu tượng từ nhiều góc soi chiếu các lí thuyết khác nhau. Chúng tôi nhận thấy rằng:
Biểu tượng trước hết là một loại kí hiệu đặc biệt trong văn bản nghệ thuật. Tính tượng trưng, đa nghĩa và không thiếu sự mơ hồ, cùng với khả năng hội tụ các giá trị văn hóa trong mỗi kí hiệu tưởng chừng vô cùng đơn giản, biểu tượng tự xác lập một cơ chế hoạt động, có chức năng và bản chất đặc thù. Điều này đã chi phối đến việc xác lập mô hình cấu trúc và giải mã chúng ở mỗi phương pháp, cách thức tiếp cận trong từng lí thuyết khác nhau.
Từ mô hình hai mặt cái biểu đạt và cái được biểu đạt cùng với việc đưa ra một số cặp lưỡng phân ngôn ngữ/lời nói, mặt nội tại/mặt ngoại tại, F. Saussure đã đưa hàng tỉ sự vận hành của ngôn ngữ vào trong một mô hình cực kì đơn giản nhưng chứa đựng tính hệ thống và trở thành nền tảng không chỉ cho ngành ngôn ngữ học hiện đại mà còn là điểm xuất phát của nhiều quan điểm lí thuyết kí hiệu học sau này. Việc nghiên cứu biểu tượng từ kí hiệu học cũng sẽ lấy điểm xuất phát từ mô hình mang tính hai mặt này. Tuy nhiên, “cái hộp” lưỡng phân nội tại của F. Saussure đã bắt đầu rạn nứt khi biểu tượng được đặt trong mô hình tam vị của C. S. Peirce với những đòi hỏi diễn giải (interpretant) và ý nghĩa (significant) của kí hiệu. Và hàng loạt các nhà kí hiệu học sau này từ Louis Hjelmslev, Charles Morris, Roland Barthes, Algirdas J. Greimas, Thomas A. Sebeok, Raymond Firth, đến Juri Lotman, U. Eco, hay J. Culler… đã có những kiến giải sâu sắc về biểu tượng từ nhiều chiều kích kí hiệu học khác nhau. Ở đây, tính đa nghĩa và khả năng hội tụ nhiều lớp ý nghĩa tiềm tàng trong từng văn cảnh cụ thể của biểu tượng được coi như một chất kích thích, một “khối thuốc nổ” chờ được kích hoạt. Biểu tượng không chỉ là sự mặc định, mang tính quy ước mà tính ngẫu nhiên, cơ chế tự sinh biểu tượng như một loại kí hiệu đặc thù cũng là một trong những phương diện được các nhà nghiên cứu chú ý. Quá trình nghiên cứu biểu tượng khởi đầu với những nghiên cứu từ cấu trúc nội tại dần bị rạn nứt và trở nên cực kì phong phú với những mô hình khác nhau trong sự diễn giải của các mối quan hệ ngoại tại. Từ đây, hàng loạt các mối quan hệ lấy xuất phát điểm từ mô hình quan hệ tác giả – kí hiệu biểu tượng – người diễn giải được phát hiện và gợi mở nhiều điều thú vị cũng như nó cho thấy việc giải mã các kí hiệu biểu tượng chưa bao giờ có dấu hiệu đi đến tận cùng.
Nghiên cứu biểu tượng theo quan điểm tu từ học nói chung và tu từ học tiểu thuyết nói riêng là một cách nhìn khác về biểu tượng dựa trên thành quả nghiên cứu không chỉ của kí hiệu học mà còn tiếp cận với thành tựu của nhiều lĩnh vực khác. Tuy nhiên, kí hiệu học vẫn luôn là nền tảng quan trọng khi nghiên cứu biểu tượng theo quan điểm tu từ học. Giới hạn phạm vi biểu tượng trong các tác phẩm hư cấu, tu từ học tiểu thuyết xem xét các khả năng của biểu tượng trong mối quan hệ với tác giả hàm ẩn và người đọc. Ở đây ý nghĩa của biểu tượng cũng như sự lí giải nó không chỉ chịu sự chi phối của tác giả mà các khả năng của mối quan hệ này được đặt trong môi trường rộng lớn hơn, đó chính là văn hóa. Môi trường và hoàn cảnh văn hóa dung dưỡng và chi phối không chỉ khả năng sử dụng của tác giả mà còn chi phối đến cả khả năng kiến tạo biểu tượng của văn bản. Đây là mối quan hệ khá phức tạp và thú vị, chúng tôi sẽ xin được trở lại ở một công trình khác. Tuy nhiên, cũng từ điểm xuất phát này mà nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ tương tác giữa tu từ học và văn hóa[41]. Biểu tượng với tư cách một nhân tố diễn ngôn của tu từ học tiểu thuyết, trở thành trung tâm của mối quan hệ tương tác này. Biểu tượng trong diễn ngôn văn học được xác lập trước hết như một công cụ để chuyển tải thông điệp tư tưởng của nhà văn. Tuy nhiên, những trầm tích văn hóa lắng đọng trong mỗi kí hiệu biểu tượng lại có uy quyền và sức mạnh to lớn chi phối đến sự điều khiển và chọn lựa của nhà văn. Vì vậy, việc nghiên cứu biểu tượng từ tu từ học và tu từ học tiểu thuyết sẽ giúp chúng ta tiếp cận với một chiều kích khác của văn hóa và nhân học.
Nguồn: Tạp chí Lí luận phê bình Văn học nghệ thuật,
Số 24, 8/2014, và số 32, 4/2015
[1] Semiotics và Semiology đều được dịch là kí hiệu học và là khái niệm thuật ngữ của “khoa học về các kí hiệu”. Semiology được những người châu Âu ưa thích, với sự tôn trọng cách gọi của Fedinand de Saussure; Semiotics được người nói tiếng Anh thích sử dụng với sự tôn trọng cách gọi của nhà kí hiệu học người Mỹ Charles Sander Pierce
[2] Biểu tượng:
- Thuật ngữ biểu tượng bắt nguồn từ Hi –Lạp, Symbolon có nghĩa là kí hiệu (sign), dấu hiệu, lời nói, tín hiệu, triệu chứng, hợp đồng…
- Cũng có thuyết cho rằng chữ symbol bắt nguồn từ Hi-lạp “symbollo” có nghĩa là ném vào một vị trí, “liên kết”, “suy nghĩ về”, “thỏa thuận”, “hứa hẹn”…vv
- Trong tiếng Hán: Biểu có nghĩa là “bày ra”, “trình bày”, “dấu hiệu” để người ta dễ nhận biết một điều gì đó. “Tượng” có nghĩa là “hình tượng”. Biểu tượng là một hình tượng nào đó được phô bày để trở thành một dấu hiệu, kí hiệu tượng trưng, nhằm để diễn đạt về một ý nghĩa mang tính trừu tượng.
[3] Theo T. Todorov trong Theories of the Symbols (Các lí thuyết về biểu tượng).
[4] U. Eco cho rằng: việc sử dụng nguyên tắc thẩm mĩ trong ngôn ngữ cái biểu đạt, ở mức độ cao của đa nguyên; đó chính là sự mơ hồ. “Sự mơ hồ phải được xác định giống như một phương thức phá rối các quy tắc mã hóa” . Trích trong Semiotics and the Philosophy of Language, Indianna University Press, Tr. 12
[5] Charles Sander Peirce (1839-1914), nhà triết học, logic học, toán học, phương pháp luận khoa học và nhà kí hiệu học người Mỹ
[6] Theo Terence Hawkes. “Khoa học về các kí hiệu”, Đinh Hồng Hải dịch. Từ Tuyển tập C.S. Peirce, tập 2, mục 228. Nguồn: http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=18502
[7] Theo Andy Blunden. “Charles Sanders Peirce: The Subject as Semiosis”, nguồn: http://home.mira.net/~andy/works/semiosis.htm
[8] Louis Hjelmslev (1899-1965), nhà nghiên cứu ngôn ngữ Ấn-Âu. Những tư tưởng của ông đã hình thành nền tảng cho trường phái ngôn ngữ Copenhagen. Năm 1931 ông sáng lập Cercle Linguistique de Copenhague. Cùng với Hans Jorgen Uldal, ông đã phát triển thuyết cấu trúc về ngôn ngữ được gọi là Ngữ vị học (Glossematics), một vấn đề được phát triển từ lí thuyết kí hiệu học của Ferdinand de Saussure.
[9] Winfried Nöth. Handbook of Semiotics, Indiana Universty Press, 1995, tr. 67
[10] Winfried Nöth. Sđd, Indiana Universty Press, 1995, Tr. 72.
[11] Roland Gérard Barthes (1915-1980), nhà lí thuyết văn học, triết học, ngôn ngữ học, nhà phê bình và nhà kí hiệu học Pháp.
[12] Theo Terence Hawkes. “Khoa học về các kí hiệu”. Sđd.
[13] Xin xem thêm mô hình kí hiệu của R, Barthes trong bài viết của Nguyễn Văn Hậu: “Về tính hình tượng và tính biểu tượng trong tác phẩm văn hóa nghệ thuật”. Nguồn: http://huc.edu.vn/chi-tiet/1463/Ve-tinh-hinh-tuong-va-tinh-bieu-tuong-trong-tac-pham-van-hoa—nghe-thuat.html
[14] Raymond Firth. Symbols: Publics and Private. Cornell University Press, 1973
[15] Dẫn theo Eco, trong Semiotics and the Philosophy of Language, Indianna Universty Press, Tr. 132.
[16] Theo Jean Chevalier. Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới. Nxb. Đà Nẵng, tr. XIX.
[17] Jean Chevalier. Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới. Nxb. Đà Nẵng, tr. XX.
[18] Lévi-Strausss quan niệm: “Văn hóa là toàn bộ “hệ thống biểu tượng” trong đó xếp ở hàng đầu là ngữ ngôn, các quy tắc hôn nhân, các quan hệ kinh tế, nghệ thuật, khoa học, tôn giáo”. Theo U. Eco. Sđd, tr. 134.
[19] Jean Chevalier. Sđd. Nxb. Đà Nẵng, tr. XX.
[20] Theo Eco. sđd
[21] U. Eco, sđd, tr. 135.
[22] U. Eco, sđd, tr. 162 và 143.
[23] U. Eco, sđd, tr. 130
[24] Theo U. Eco, Sđd, tr. 143
[25] 26 27 U. Eco. Sđd. Tr. 144, 145
[28] U. Eco. Sđd. Tr. 145.
[29] U. Eco. Sđd. Tr. 142.
[30] Mô hình tam vị của C.S. Peirce cũng tạo nền tảng cho xu hướng nghiên cứu kí hiệu học ở Mĩ, trong đó C. Morris là một đại diện tiêu biểu. Tuy nhiên, do khuôn khổ và thời gian nên chúng tôi chưa tiến hành khảo sát được những tác phẩm này.
[31] Theo Todorov. Theories of Symbol, Xuất bản lần đầu ở Basil Blackwell Publisher, UK (1982), lần 2 ở USA. Tr. 61
[32] Theo Todorov, Sđd. Tr. 64-65
[33] Étienne Bonnot de Condillac (1714-1780), triết gia và nhà nhận thức luận người Pháp, ông nghiên cứu tâm lí và triết luận về ý thức.
[34] Pierre Fontanier (1765-1844), nhà văn phạm học, tu từ học người Pháp, tác giả của cuốn Các hình thái diễn ngôn (Les Ficgures du Discours).
[35] César Chesneau Du Marsais là người đứng đầu về những nghiên cứu về các thành phần ngữ pháp và tu từ học ở trong Encyclopedia. Nicolas Beauzée (1717-1789), giáo sư của Ecole Militaire, ông đã có đóng góp vào việc hoàn thiện Encyclopedia với những bài viết về văn phạm học. Ông đã xuất bản một cuốn sách tổng hợp về Những vấn đề chung về ngữ pháp (Grammaire générale), đối lập với César Chesneau Du Marsais, ông quan tâm đến văn phạm chứ không phải tu từ học. Tuy nhiên, người ta cũng nhận ra rằng, trong Grammaire, bao gồm cả những trang viết đầy quả quyết chỉ dành để nói về các hình thái tu từ học (theo Todorov trong Theories of Symbol)
[36] Todorov, Sđd. Tr. 92.
[37][37] Theo Todorov, Sđd. Tr. 99
[38] Wayne Booth, đại biểu xuất sắc của trường phái Chicago thế hệ thứ hai. Tu từ học tiểu thuyết (Rhetoric of Fiction) vừa là nhan đề tên công trình nghiên cứu của Booth, đồng thời tư tưởng của công trình này cũng là tư tưởng của một trường phái và trở thành tên gọi chính thức cho trường phái này
[39] Về tác giả hàm ẩn xin xem thêm luận án Tu từ học tiểu thuyết và một số bình diện của tiểu thuyết Việt Nam hiện đại (Cao Kim Lan, 2012)
[40] Đỗ Hữu Châu. Đại cương ngôn ngữ học, Nxb. Giáo dục, tập 2, tr. 9.
[41] Trong công trình Culture and Rhetoric (Văn hóa và tu từ học) do Ivo Strecker và Stephen Tyler chủ biên (Berghahn Book, New York, Oxford) đã tập hợp quan điểm của rất nhiều nhà nghiên cứu hiện này về mối quan hệ giữa văn hóa và tu từ học. Nhà kí hiệu học, nhân học và khảo cổ học Micheal Herzfeld (Harvard University) cũng đã đề cập khá nhiều đến vấn đề này trong bài viết: “Sự thuyết phục: tu từ học tiêu biểu về lòng tin sâu sắc” (“Convictions: Embodied Rhetorics of Earnest Belief”) (chương 11). Ở đây, mối liên hệ giữa tu từ học và văn hóa không chỉ là tiềm năng của phương pháp tiếp cận liên ngành mà còn cho thấy sự tất yếu giữa chúng.