Tìm mình trong vô thường: Hành trình hiện sinh trong Lục tung cả giấc mơ của Triệu Huệ Quân

Share Button

Có những giấc mơ không được dệt nên để ru ngủ, mà để lật tung những tầng sâu nhất của tâm thức. Lục tung cả giấc mơ của Triệu Huệ Quân là một cuộc khai quật vào miền tối tăm và ánh sáng của bản thể người. Trong từng câu chữ mềm mại mà cứng cỏi, nữ sĩ như một hành giả thơ, từng bước lần về nguồn cội hiện sinh, nơi mọi khổ đau và niềm tin đều tan ra rồi tái hiện trong tiếng gọi thầm của linh hồn.

Ngay từ nhan đề bài thơ mở đầu “Lục tung cả giấc mơ” (tr.6), Triệu Huệ Quân đã định vị hành trình thơ ca của mình như một nỗ lực giải phẫu tâm linh. Không phải giấc mơ ngọt ngào, mà là giấc mơ bị tháo tung, bị bới móc, truy nguyên tận cùng bản thể:

“Nàng cố tìm đâu đó ở trong thơ
Lục tung cả giấc mơ
Giữa mông lung cảm xúc…”

Đây là sự vận động từ “nàng” – một chủ thể nữ tính đầy nghi vấn – bước ra khỏi trạng thái mơ hồ cảm xúc để đối diện với chính mình. Câu thơ “Giữa mông lung cảm xúc” không chỉ là trạng thái, mà là không gian triết lý, nơi chủ thể thơ sống trong hoang mang nhưng đồng thời cũng là nơi khởi sinh ánh sáng tri nhận.

Tiếp sau đó, các hình ảnh “biển khơi”, “núi biếc”, “sóng vỗ”,… như một cảnh giới bên trong, nơi thi sĩ vượt qua những tầng lớp vô thức:

“Băng qua núi biếc
Giữa bạt ngàn khát khao
Nghìn trùng sóng vỗ…”

Ở bài thơ “Gặp lại mình” (tr.22), Triệu Huệ Quân đã thiết lập một cảnh giới mang tính tâm linh và triết học sâu sắc: một cuộc trở về không gian thơ ấu. Nhưng không phải hoài niệm kiểu cổ điển, mà là tái ngộ linh hồn nguyên sơ đã từng bị đánh mất bởi đời sống hiện đại:

“Người sẽ nghe được cả tiếng gió trên đê
[…] Người có thấy không đứa trẻ rất thơ ngây
[…] Đứa trẻ ấy đâu rồi người đánh mất từ lâu”​

Hình ảnh đứa trẻ ở đây là biểu tượng của “tâm linh vô nhiễm” – thứ Đức Giê-su từng gọi là điều kiện để bước vào Nước Trời, và cũng như Mạnh Tử và Lão Tử gọi là “xích tử chi tâm” – tâm đứa bé.

Đoạn thơ sau đó mở rộng một tầng nghĩa: không chỉ tìm lại tuổi thơ, mà soi chiếu chính mình trong dòng thời gian, trong phản chiếu của gương hồ tâm thức:

“Hãy nhìn vào mặt nước dưới sông sâu
Bóng người và bóng đứa trẻ già đang khóc
Bóng ánh mắt ban sơ của đứa trẻ đang cười…”​

Bài thơ “Chết một lần để sống” (tr.20–21) là một trường hợp điển hình cho kiểu hiện sinh tôn giáo trong thơ Triệu Huệ Quân. Câu thơ dẫn nhập:

“Người đã sống trong muôn trùng sự chết…”
“Trong si mê, trong sân hận ngại ngùng…”​

Chỉ trong vài câu đầu, nhà thơ đã tạo dựng một trường tưởng niệm về đời sống băng hoại. Sống ở đây không còn là phúc lành – mà là một hành trình trượt dài trong vô minh. Giải pháp duy nhất là “chết đi” – không phải thể xác, mà là từ bỏ bản ngã cũ kỹ:

“Hãy múc cạn thứ tâm hồn mục ruỗng
Người sẽ phục sinh dưới ánh sáng tràn trề”

Cái chết này gợi liên tưởng đến cả nghi lễ Phật giáo (đốt bản ngã), lẫn Kitô giáo (chịu đóng đinh để phục sinh). Từ đó, cuộc “sống lại” mà thơ đề cập mang sắc thái tôn giáo rõ ràng:

“Ôi nguồn sống tràn trề không nguồn sống
Người vô vi như con nước vơi đầy”​

“Lòng sông vô ngã” (tr.8) là một tứ thơ giản dị nhưng bao hàm những khái niệm thiền học và hiện sinh sâu sắc. Mở đầu bằng biểu tượng dòng sông:

“Khổ đau là một dòng sông
Trôi giữa hai bờ cảm xúc”​

Ngay sau đó, tác giả thiết lập cấu trúc đối lập – đồng tồn tại: một bờ là hân hoan, một bờ là tuyệt vọng. Nhưng điều cốt lõi không nằm ở hai bờ – mà nằm ở dòng chảy. Và khi “ta hóa thành con nước”, tức là khi chủ thể tan rã vào dòng luân hồi – thì cũng là lúc hạnh phúc và khổ đau không còn đối lập.

“Khi ta hóa thành con nước
Theo dòng vạn kỷ trầm luân”

Với lối viết giàu chất suy tưởng, sử dụng hình tượng đa tầng – từ đứa trẻ, dòng sông, người hành hương đến ánh sáng phục sinh – thơ chị giao thoa giữa triết lý hiện sinh phương Tây và minh triết Á Đông. Đó là thứ thơ giúp người đọc không tìm thấy câu trả lời, nhưng tìm thấy chính mình trong hành trình kiếm tìm.

Share Button