Một đóa thơ nữ: Vẻ đẹp cảm xúc và tượng hình nữ trong thơ Triệu Huệ Quân

Share Button

Ở bài thơ “Người” (tr.16–17), Triệu Huệ Quân đã dựng nên một biểu tượng đa diện về người nữ – người là tất cả: từ vũ trụ bao la đến tâm hồn run rẩy, từ cánh đồng, sông trăng cho đến cơn bão. Đây là một biểu tượng nữ thần đa diện:

“Người là biển trời thênh thang
Người là mặt đất chật chội
Người mộc trần hơi thở
Người hun hút khói mây
Ai chạm đến người, chốn ấy chênh chao”

Câu thơ lặp lại cấu trúc “Người là…” như một bản kinh tụng – nơi thân thể và tâm hồn người nữ không còn bị đóng khung mà trở thành biểu tượng siêu nghiệm. Điều này đặt Triệu Huệ Quân vào dòng thơ nữ quyền tinh tế – nơi không cần lên gân mà vẫn vượt khỏi sự áp đặt giới phái.

Nếu hình tượng “Người” là biểu tượng vũ trụ, thì bài thơ “Hoa trập trội” (tr.18–19) là sự hóa thân cụ thể – trong hình ảnh loài hoa bị bỏ quên:

“Ở đây gọi nàng là hoa Dẻ
Rồi mê muội bỏ quên nàng trên cây
Gán cho nàng cái tên Trập Trội
Nàng nở
và tàn
trên cao…”

Không né tránh, Triệu Huệ Quân sử dụng thi pháp cảm xúc và hình ảnh cơ thể một cách tự nhiên mà thánh thiện. Trong bài “Hoa nở trên đồi” (tr.51), người nữ hiện ra như một cánh đồng sắp vào mùa, vừa gợi cảm vừa mộng mị:

“Uống cả bầu trời
Dậy thì đất rộng
[…] Nắng ngây ngô
Ôm riết thân trần
Gió hôn tóc đầy”

Hành trình thi ca trong thơ Triệu Huệ Quân không dừng lại ở cảm xúc yêu thương hay những biểu hiện trực giác của nữ tính. Thơ chị đi xa hơn – chạm vào bản thể người nữ như một biểu tượng đạo lý: yêu như một cách hành đạo, lặng thinh như một dạng chứng ngộ. Nữ tính trong thơ chị không hiện diện bằng tiếng gọi, mà bằng sự tan ra và lan tỏa như hương.

Trong bài “Bóng mạn châu sa” (tr.59), loài hoa mạn châu – vốn mang truyền tích Phật giáo – xuất hiện như biểu tượng giao thoa giữa dục vọng trần thế và từ bi vĩnh cửu:
“Hoa nở nơi đây đã vạn mùa
Vạn mùa nhân thế một mùa hoa
Màu hoa ngời máu người trinh nữ
Rải xuống ven sông vạn kiếp người…”

Hình ảnh “máu người trinh nữ” không gây sốc, mà gợi tưởng đến sự hy sinh thầm lặng – một nghi lễ tồn sinh của người nữ trong mọi thời đại. Dưới ngòi bút của Triệu Huệ Quân, hoa không còn là trang trí, mà là thân xác hóa của cảm xúc – một tồn tại hữu hình của linh hồn.

Đó là lúc, yêu không còn là sự níu kéo mà trở thành hành động giải phóng. Đó là khi, người nữ không còn cần xác quyết hiện diện, bởi sự hiện diện ấy đã chuyển hóa và tiếp biến thành làn hương lan tỏa vô ngôn.

Còn trong “Gặp nhau trên đường vắng” (tr.56), người nữ trở thành hành giả, không còn mang theo nhu cầu sở hữu:

“Ta gặp ta rồi ta đó sao
Áo tràng nâu chín dòng tu sĩ
[…] Lai quán con ngươi giọt sương lành”
Câu thơ “giọt sương lành” ấy không chỉ là cái nhìn, mà là ánh mắt khai mở tâm linh, nơi nữ thể không còn là hình thể, mà là năng lượng thức tỉnh.

Thơ của Triệu Huệ Quân không mang tuyên ngôn ồn ào, không đặt mình như người khởi xướng một phong cách hay trào lưu, nhưng lại mở ra âm hưởng riêng: một cõi thơ nữ tính sâu lắng, nơi cảm xúc và tư tưởng hòa quyện với tinh thần thiêng liêng như một nghi lễ nội tâm. Không phải kiểu nữ quyền đấu tranh trực diện, cũng không chỉ là giãi bày xúc cảm đơn thuần, mà là thơ viết ra như một hành động hồi hướng – trở về với chính phần hồn nữ trong mỗi con người, không kể giới tính.

Phải chăng đó là thơ của người đi qua đời sống bằng bước chân thiền, nhìn vạn vật bằng con mắt của một kẻ đã sống đủ, trải đủ (ngay cả khi họ còn rất trẻ), và rồi chọn cách cất lời bằng âm lượng của lặng thinh. Giọng thơ ấy có thể chưa vang xa như phong trào, nhưng đọng lại như một tiếng chuông âm ấm ngân dài, lan qua nhiều tầng tâm hồn và lặng lẽ thức tỉnh.

Triệu Huệ Quân có thể còn viết nữa, viết tiếp và không viết để tuyên ngôn điều gì lớn lao. Nhưng khi chỉ mới đọc xong Lục tung cả giấc mơ, ta vẫn không thể không thừa nhận rằng: có một tiếng nói thơ nữ – rất riêng, rất sâu và rất cần cho thơ Việt đương đại – như một đóa sen trắng đang nở ra bằng chính sự giản dị, nội lực, mang hương thơm dịu nhẹ trao đi đến mọi người, đến muôn người…

Share Button