Tác phẩm và lịch sử văn học

Share Button

Trong tiếng Đức từ “lịch sử văn học” có ít nhất hai nghĩa 1. Một nghĩa chỉ ra rằng văn học vốn có mối quan hệ nội tại. Nó phát triển trong chiều lịch đại. Nghĩa kia của từ lưu ý đến các khái niệm mà chúng ta tạo ra cho mình từ mối quan hệ này và đến các văn bản, trong đó chúng ta nói đến nó. Theo lôgich phải tách biệt hai nghĩa này. Chúng quan hệ với nhau như đối tượng và ngôn ngữ đối tượng. Do đó cần phải phân biệt chúng về mặt thuật ngữ. Có lẽ ta có thể thực hiện bằng cách dùng thuật ngữ “tính lịch sử văn học” khi nói đến đối tượng, ngược lại dùng thuật ngữ “lịch sử văn học” để nói đến các vấn đề nghiên cứu đối tượng đó và sự phản ánh bằng khái niệm. Mặt khác trong việc phân biệt với các thuật ngữ đó, thuật ngữ “biên soạn lịch sử văn học” lại liên hệ đến việc trình bày những kết quả của việc nghiên cứu lịch sử văn học.

Để bằng một thí dụ giải thích rõ ích lợi của việc phân biệt xin dẫn ra bài viết của René Wellek, trong đó vào năm 1970 ông đã ghi nhận “sự suy tàn của lịch sử văn học”2. Thuộc tính của văn học có tính lịch lịch sử đã được Wellek hoàn toàn thừa nhận trong bài viết này, nhưng ông đã không hề nói gì đến việc viết lịch sử văn học. Điều làm ông hoài nghi ở lịch sử văn học là một cái gì khác hẳn, đó là khả năng của nó có thể lý giải được tính độc đáo thẩm mỹ của văn học mà giá trị của tác phẩm không phải có thể nắm bắt được bằng sự phân tích theo lịch sử mà chỉ có thể bằng sự thẩm định thẩm mỹ.

So sánh với tiêu chí này Wellek nhận thấy sự khác biệt giữa các trường phái lịch sử văn học là không đáng kể. Dù xét riêng ra, các trường phái có thể tiến hành như thế nào đi nữa – thì tất cả chúng đều tương đối hóa tính cá biệt của tác phẩm bằng cách đặt tác phẩm vào các mối quan hệ bên trong hay bên ngoài văn học mặc cho được cấu trúc như thế nào, và do đó hạ thấp nó xuống thành một mắt xích trong một chuỗi xích, dẫu rằng bản chất tự nhiên của nó lại ở chỗ là một tổng thể giá trị đòi hỏi một sự thẩm định thẩm mỹ.

Manfred Naumann

Với việc phê phán lịch sử văn học, Wellek đã chạm đến một vấn đề mà hàng chục năm nay đã là tâm điểm của các cuộc tranh luận về lý luận và phương pháp luận. Vấn đề này phát sinh từ mối mâu thuẫn mà đối tượng của nghiên cứu văn học đã trao cho chúng ta: Ở một phương diện chúng ta gặp nó trong hình thức của “tác phẩm”, của cái, nói theo lối ẩn dụ, có đặc điểm là một “cá tính riêng biệt” (Individualitaet); ở phương diện khác chúng ta gặp nó trong hình thức của “văn học”, của cái cũng để nói theo cách ẩn dụ, có quan hệ với “thể loại”, mà tác phẩm dù cho “tính cá biệt” của nó có thể có đặc điểm như thế nào chăng nữa cũng phải thuộc vào. Muộn nhất cũng là từ Croce, nếu không phải là từ Dilthey, lịch sử lý luận của ngành chúng ta vận đông trong mối  mâu thuẫn của các quy định về mặt đối tượng được biểu thị bằng “tác phẩm” và “văn học” mà ớ đó khái niệm tác phẩm chủ yếu thường được liên hệ với các vấn đề của sự giải thích theo lịch sử, theo xã hội, theo lối ghi ý v.v. hay những tiến triển bên trong văn học.

Những cuộc tranh luận luôn luôn nổ ra giữa các nhà phân tích tác phẩm và phân tích văn học chỉ ra rằng những vấn đề cũ vẫn luôn  còn gây tranh cải. Không hiếm khi phân tích tác phẩm và lịch sử văn học vẫn còn mãi nghi kỵ lẫn nhau là đi chệch khỏi đối tượng đích thực của việc nghiên cứu văn học. Sự tương đối hóa tất yếu đối với tác phẩm trong cách nhìn lịch sử văn học và sự tương đối hóa đối với lịch sử văn học trong cách nhìn hướng vào tác phẩm bị tuyệt đối hóa thành một sự đối lập mà hệ quả là luôn xuất hiện những sự biến dạng ta đã từng biết từ lịch sử vấn đề. Nếu ta đưa những cái này về mẫu số chung có tính hệ thống thì kết quả là sẽ tạo nên ở phía này những khái niệm trống rỗng về tác phẩm và ở phía kia là những khái niệm trống rỗng về văn học, mà qua đó ở các thời kỳ cực đoan của sự phát triển vấn đề có tính chất phiến diện, các khuynh hướng trở thành đối đầu nhau. Chủ nghĩa lịch sử và thuyết duy xã hội học đã đặt mối quan hệ bên trong của văn học và như vậy cả đối tượng nhận thức đặc thù của lịch sử văn học thành có vấn đề, và việc sùng bái tác phẩm lại đề cao tính văn của nó và như vậy cũng đề cao đối tượng nhận thức đặc trưng của việc phân tích tác phẩm. Một lối thoát ra khỏi sự khó xử này có lẽ có thể là những tìm tòi nhằm vào việc khơi dẫn ra được từ trong mối quan hệ đối nghịch nhau giữa “tác phẩm” và “văn học” những lĩnh vực bộ phận có thể được làm cho nhận thấy rõ được và nắm bắt được bằng các phương pháp khác nhau của sự phân tích tác phẩm và phân tích văn học từ toàn bộ đối tượng của chúng ta. Trong thực tế thì dường như vào những thập niên cuối vừa qua đã diễn ra những bước phát triển lý thuyết báo hiệu rằng cái chỗ mà ớ đó sự phân tích tác phẩm và lịch sử văn học chỉ đơn giản phủ nhận lẫn nhau, đã được khắc phục. Sự phát triển này có cơ sở là những suy xét có tính chất tự phê phán ở mỗi phía.

Ở một bên thì góp phần quyết định vào việc xét lại những quan điểm cực đoan  là những khó khăn nan giải mà dẫn đến đó là những quan niệm đã trở thành chuẩn mực vào thời hậu chiến trong nội bộ các trường phái lý giải tác phẩm có tính chất nội tại. Tự bản thân nó những đòi hỏi như của Walfgang Kayser, mà cụ thể là “phải xác định các sức mạnh sáng tạo ngôn ngữ, hiểu cho được sự phối hợp hoạt động của chúng và làm thấy rõ tính chỉnh thể của từng tác phẩm ngôn ngữ”3, không chỉ dễ hiểu mà còn là những phản ứng tất yếu đối với một thực tiễn nghiên cứu chỉ nhìn thấy trong tác phẩm sự biểu hiện của những điều kiện phát sinh của nó và do đó không thể có một khái niệm nào về bản thân tác phẩm, về đặc điểm cấu trúc của nó và về các phương thức hành chức lịch sử của nó. Những khó khăn nan giải chỉ trở nên rõ rệt ở chỗ mà việc chuyển hướng sang từng tác phẩm riêng lẻ lại dẫn đến một thực tiễn lý giải mà về phía nó không hề có một khái niệm nào về tính tương đối của chỉnh thể của nó và do vậy cho rằng có thể chiếm lĩnh được ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của nó bằng cách chìm đắm theo trực giác vào sự tồn tại riêng biệt của nó. Những quan niệm như thế quả thực đã đưa chẳng những cái vị thế lịch sử mà, thật là nghịch lý, còn cả vị thế văn học của tác phẩm và do đó đưa cả khái niệm tác phẩm đến chỗ khủng hoảng. Ngay cả khi tác phẩm bị cô lập với các mối quan hệ ngoài văn học của nó, nó cũng luôn luôn chỉ ra một cái gì đó ngoài bản thân nó. Nó có mối quan hệ với văn học, nó có “tính văn”4, như Werner Krauss thường nói. Tính chất văn học của tác phẩm có thể nắm bắt được và kiểm chứng được ở mối quan hệ của nó với các tác phẩm khác, với các thể loại và phong cách văn học, với kho dự trữ các phương tiện, các hình thức, các chất liệu và các phương pháp thể hiện văn học trong toàn bộ tiến trình văn học, với một tập hợp về kinh nghiệm văn học, về sự hiểu biết và năng lực văn học vốn sẵn có cho mỗi một thực tiễn riêng biệt của sự sản xuất và tiếp nhận một tác phẩm. Cả sự thẩm định giá trị mà chúng ta đưa ra về từng tác phẩm riêng rẽ cũng có mối quan hệ với tập hợp văn học này; sự thẩm định về từng tác phẩm luôn có cơ sở là sự so sánh được tiến hành một cách có ý thức hoặc không có ý thức với những tác phẩm khác. Một khi những mối quan hệ này không được suy xét đến và các khái niệm văn học cũng trở nên trống rỗng thì việc đi tìm chính bản thân tác phẩm dễ chuyển thành một sự vận động không phù hợp với các mục tiêu nhận thức của khoa học văn học. Nếu như quả đúng là việc đọc của khoa học văn học có ý hướng nhằm đến việc nắm bắt “tính văn” (Literaritaet) của tác phẩm văn học thì nó phải hướng theo một khái niệm văn học luôn có sẵn một sự tiếp nhận cá nhân. Việc đọc của khoa học văn học tất yếu gắn chặt với một thành tố của tư duy văn học. Nếu thành tố này bị loại bỏ, tác phẩm sẽ mang tính chất một thực thể không tiếp nối với môi trường văn học mà nghĩa của nó có thể được nắm bắt bằng “tình cảm chủ quan nhất” của người giải thích5, thì tính hồn nhiên giải thích học sẽ xuất hiện trong hình dạng kép: Chủ thể giải thích không những không nghĩ gì đến tính qui định lịch sử của bản thân mình, nó cũng còn không quan tâm gì đến tính qui định về văn học của đối tượng giải thích của nó nữa. Điều đó đã phải dẫn đến những sự lý giải tác phẩm không còn có thể kiểm tra được, dẫn đến những ngữ nghĩa hoá (Semantisierungen) và sự thẩm định chủ quan chủ nghĩa mà hậu quả là tác phẩm giờ đây lại hiện ra như là “hình ảnh phản chiếu”, đương nhiên không phải là “hình ảnh phản chiếu” mà Wolfgang Kayser đã từng lo sợ, “hình ảnh phản chiếu” của những “thế lực trần gian” nào đó, mà là của tính chủ quan của người giải thích. Khoa học văn học ở đây đã đụng phải giới hạn của tính khoa học của nó.

Vì vậy chẳng lấy gì làm ngạc nhiên là trong phạm vi của hệ vấn đề xuất hiện bởi lối xem xét từng tác phẩm riêng lẻ sẽ nổi lên đòi hỏi phải đặt khái niệm văn học trên một cơ sở lý thuyết vững chắc hơn. Sự thực hành mà người ta đã tiến hành nhằm mục đích này với khái niệm mang tính chủ quan chủ nghĩa đã rất có kết quả; song không phải không có vấn đề với chính bản thân tác phẩm. Việc khoa học hóa vấn đề với mục đích nhằm đẩy lùi sự cập nhật hóa tiềm năng nghĩa của tác phẩm được bảo đảm một cách không đầy đủ bằng chính bản thân tác phẩm, đã đạt được thông qua một lát cắt cắt rời tác phẩm ra khỏi văn bản của nó, nói chính xác hơn, một lát cắt chỉ còn để sót lại ở văn bản cái cấu trúc ngôn ngữ nằm trên mặt giấy, tức là một thực thể mà đó là tác phẩm trước khi nó đi vào sự giao tiếp, trong đó cấu trúc ngôn ngữ của nó được người đọc hiện thực hóa với tính cách là nghĩa của tác phẩm. Sự nan giải của giải thích học mà tác phẩm bị liên lụy vào đã được giải quyết bằng bước chuyển từ sự giải thích nội tại trong tác phẩm sang sự phân tích nội tại trong văn bản, tất nhiên với cái giá của sự khổ hạnh giải thích học: Sự giải thích, nếu nó muốn mang giá trị khoa học trong sự thẩm định của sự nghiêm ngặt về lý thuyết mà giờ đây đã bắt đầu, thì nó phải kiềm chế việc xác định nghĩa, nó phải tự giới hạn ở cấu trúc ngôn ngữ của văn bản.

Sự vận động của lịch sử vấn đề, được khởi đầu với việc giản lược khái niệm văn học vào tác phẩm và từ đó dẫn đến sự giản lược khái niệm tác phẩm vào văn bản đã đạt đến cái điểm cuối cùng không thể nào lường trước được của nó, và đoạn cuối này không thiếu nghịch lý. Hãy lưu ý trở lại điểm xuất phát mà ở đó sự vận động bắt đầu: cái tác phẩm mà cần phải được bảo toàn trước sự cào bằng nó bởi lịch sử văn học, giờ đây đã bỉ xóa bỏ, đương nhiên với một tinh thần không biện chứng; nó bị phủ định trong khái niệm văn bản, khái niệm này đã giản lược nó vào chức năng là tạo cơ hội cho việc mô tả ngôn ngữ của các yếu tố cấu trúc của nó.

Sự phát triển lý thuyết, được hướng vào hệ vấn đề về tác phẩm, đã đạt được một giai đoạn của sự khuếch trương của nó mà ở đó nó biến thành một khuynh hướng nhằm vào việc chống lại các chủ định riêng ban đầu của nó. Con đường của nó từ đây được xác định bởi mục đích khắc phục sự cô lập khái niệm văn học đã đạt được ở từng tác phẩm riêng lẻ, bằng mối liên hệ của nó với các cấu trúc vĩ mô liên văn bản hoặc lý giải cấu trúc của nó trong sự tương đồng với các mô hình lý thuyết giao tiếp. Các lý thuyết văn bản theo ký hiệu học giờ đây luôn thường xuyên chuyển sang đem các tương quan thực dụng vào các phân tích6.

Manfred-Naumann+Blickpunkt-Leser-Literaturtheoretische-Aufsätze

Những bước phát triển về lịch sử lý thuyết này và những bước phát triển về lịch sử lý thuyết khác trong những năm vừa qua bao hàm một hợp phần tự phê phán khi chúng tước bỏ nền tảng lý thuyết của các tìm tòi nhằm thiết lập một khái niệm tác phẩm chủ quan chủ nghĩa. Trong chừng mực ấy chúng góp phần vào việc phản bác quan điểm cho rằng các khái niệm văn học được xây dựng xuất phát từ các tác phẩm riêng rẽ có thể làm sụp đổ giá trị khoa học của lịch sử văn học.

Tuy nhiên lịch sử văn học sẽ được tư vấn tồi nếu nó từ các nghịch lý của sự phát triển lý thuyết hướng vào tác phẩm rút ra kết luận rằng nó không cần biết đến sự phát triển này. Vì như thế chính nó lại rơi vào sự nghịch lý đối với tác phẩm. Cho nên đã đến lúc xác định một cách chính xác mối quan hệ của nó với tác phẩm, bởi vì việc chèn ép vấn đề nói lên mối quan hệ này đã không phải không góp phần chủ yếu vào việc là ngày nay hơn lúc nào hết nó đang bị ép buộc phải hợp thức hóa.

Đương nhiên cả René Wellek cũng biết rằng sự khác biệt giữa các khuynh hướng và trường phái lịch sử văn học khác nhau phần nào căn bản là ở chỗ các khái niệm về đối tượng của chúng, về phương pháp và chức năng của chúng làm cơ sở cho chúng được tạo nên bởi các tiền đề lý thuyết xã hội, thế giới quan và hệ tư tưởng khác nhau, trong đó có những tiền đề có tầm quan trọng đụng chạm đến những quyết định về nguyên lý lý thuyết lịch sử và lý thuyết văn học. Tuy nhiên trong mối quan hệ với từng tác phẩm riêng lẻ cũng thu được một cái chung nảy sinh từ chính sự việc: Nếu nó muốn vẫn trung thành với tiền đề của nó thì các phương pháp lịch sử văn học sẽ không thể không liên hệ tác phẩm với các cấu trúc và các sự phát triển mà việc xác định chúng một cách chi tiết hơn sẽ lại lập tức làm xuất hiện ngay những khác biệt đã nói đến, nhưng chúng lại có chung một khuynh hướng là ở chúng tác phẩm với tính cách là một tính cá biệt đối với tính chất của nó, đồng thời là yếu tố của một cái chung hơn tồn tại cùng với văn học, sẽ lùi lại phía sau.

Mối quan hệ đã được nói đến của nó đối với tác phẩm một thời gian dài đã không được lịch sử văn học phát hiện là có vấn đề. Nếu như ngày nay nó có được cái ý thức về sự mâu thuẫn mà theo đó tác phẩm xuất hiện trong nó, thì nó phải biết ơn chẳng những lý thuyết hướng vào tác phẩm đã được nói đến mà còn cả việc nhắc nhớ đến các vấn đề mà các bậc tiền bối của tiếp nhận và giao tiếp văn học đã nêu ra. Sự mâu thuẩn là ở chỗ lịch sử văn học bằng các phương pháp của mình chỉ có thể nắm bắt tính lịch sử của tác phẩm qua một trong các phương diện của nó. Người ta có thể gọi phương diện này là phương diện lịch đại. Nó chuyển tác phẩm đến một vị trí thuộc quá khứ của sự phát triển văn học mà ở đó từ tầm nhìn phát sinh thì những điều kiện hình thành của nó, sự phu thuộc của nó vào các trường phái, các khuynh hướng, các thời kỳ văn học v.v. và tứ góc nhìn chức năng thì lịch sử tiếp nhận và lịch sử tác động của nó được tập trung chú ý. Tuy nhiên còn một vị trí khác cũng đem lại tính lịch sử cho tác phẩm. Vị trí đó không đồng nhất với vị trí trong lịch sử hình thành của nó, cũng không đồng nhất với những dữ liệu mà từ đó chúng ta phục dựng lại được lịch sử tiếp nhận và lịch sử tác động của nó. Vị trí này được neo kết ở tính hiện tại, được đem lại cho tác phẩm trong hành động tiếp nhận nó. Nếu ta có thể quyết định gọi phương diện tập trung chú ý vào sự hiện diện của tác phẩm trong hiện tại này của tính lịch sử của nó trong sự phân biệt với phương diện kia, phương diện nhấn mạnh cái vị trí của nó trong quá khứ, là phương diện đồng đại thì có thể nói: sự tiếp nhận nhấc tác phẩm khỏi vị trí lịch sử của nó trên trục lịch đại và như là hệ quả của sự chuyển dịch này mang lại cho nó một vị trí lịch sử mới nằm trên trục đồng đại.

Đã trở nên phổ biến là trong mối quan hệ này người ta nói đến “tính lịch sử” (Historizitaet) và “tính hiện tại” (Aktualitaet). Nếu như cách nói này ám chỉ rằng vị trí hình thành của tác phẩm là cái lịch sử còn vị trí tiếp nhận mà ở đó nó được hiện tại hoá là cái phi lịch sử ở tác phẩm, thì cách nói ấy đã gây nhầm lẫn. Cả vị trí của sự hiện tại hóa tác phẩm cũng hoàn toàn nằm trong lịch sử. Chính là thông qua tính hiện tại, các tác phẩm đạt được tính lịch sử mới. Song chính xác là các thao tác lịch sử văn học không đủ để nắm bắt mối quan hệ vẫn mang lại cho tác phẩm tính lịch sử này. Người ta có thể gọi nó là mối quan hệ “thẩm mỹ”. Nó chỉ hình thành trong sự tiếp xúc mà ở đó cái nổi trội lên là cái tất yếu làm tương đối hóa lịch sử văn học: tính cá biệt, cái – thế – này – mà – không – phải – thế – kia của tác phẩm, như Wellik nói, tác phẩm như là “tolality of  values” (toàn bộ các giá trị), tác phẩm là độc phẩm, là đối tượng của việc đọc trong sự giao tiếp hàng ngày.

Điều này không nên hiểu như thể lịch sử văn học trong mối quan hệ hình thành lên giữa người đọc và tác phẩm trong việc đọc không có tiếng nói nào. Thực ra sự hiểu biết về lịch sử văn học chưa đem lại tiền đề đầy đủ để hình thành mối quan hệ thẩm mỹ; không hiếm khi chính các nhà văn học sử lại cản trở tác phẩm kết nối với họ một mối quan hệ thẩm mỹ. Tuy vậy, gác sang một bên điều đó, người ta có thể xuất phát từ chỗ là ngay cả việc đọc không “khoa học” cũng dựa vào một kiến thức văn học có sẵn, được nội hiện trong người đọc, cũng dựa vào kinh nghiệm văn học đã đạt được thông qua sự tiếp xúc với các tác phẩm, cái kinh nghiệm có thể dẫn đến hình thành sự “tinh thông”. Ngay như sự lựa chọn một tác phẩm từ trong vô số tác phẩm có thề trở thành đối tượng của sự tiếp nhận cũng diễn ra không phải không phụ thuộc vào chất lượng của sự “hiểu biết văn học” hình thành ở người đọc. Dù cho người đọc không phải lúc nào cũng ý thức được thì việc đọc của họ vẫn gắn kết với những hoạt đông lịch sử văn học  thông qua cả  một mạng lưới. Không có các hoạt động siêu giao tiếp của lịch sử văn học thì nhiều tác phẩm sau khi nó đi vào sự giao tiếp đầu tiên ở nơi mà nó xuất hiện sẽ không thể lại đạt đến được sự hiện tại hóa thẩm mỹ ở một nơi chốn và ở một thời điểm khác. Cả việc tái bản và chú giải ngữ văn các tác phẩm từ di sản văn học bên cạnh việc xác định về mặt lý thuyết công việc này trong khuôn khổ của “văn bản học” cũng là một bô môn lịch sử văn học. Việc phục dựng tính lịch sử của chúng không những làm cho các tác phẩm thành xa cách mà nó cũng còn nối liền  khoảng cách ấy của tác phẩm với hiện tại bằng cách nó dõi theo con đường lịch sử tiếp nhận mà trên đó chúng từ địa điểm lịch sử hình thành của chúng đi đến được địa điểm của sự nhắc nhớ lại chúng. Tham dự vào các mối quan hệ giá trị vốn ngự trị mối quan hệ thẩm mỹ vẫn luôn có cả mối quan hệ giá trị sẵn có trong nghiên cứu lịch sử. Quan niệm thực chứng cho rằng lịch sử văn học có thể được nghiên cứu mà không cần có tiền đề, chỉ là dựa vào một ảo tưởng được lý giải  bằng việc tách rời sự nghiên cứu bị quy định bởi lịch sử hiện tại ra khỏi trách nhiệm xã hội. Ngay cả việc xác định lĩnh vực nghiên cứu và việc tách lọc những cái gọi là “sự kiện văn học” từ trong cái khối vô hình của tư liệu được truyền lại luôn có một mối quan hệ đánh giá. Mối quan hệ này còn có  thể nắm bắt dễ hơn trong những ý nghĩa được dành cho các tác phẩm và tác giả, các khuynh hướng, trào lưu, trường phái và thời kỳ văn học mà người ta nâng chúng lên cái địa vị của những sự kiện lịch sử văn học. Ý nghĩa quan trọng được chấp nhận cho chúng thường được thể hiện thông qua vị trí mà chúng chiếm giữ trong các công trình nghiên cứu. Sự phục dựng tính sự kiện ở đây gắn liền với những thẩm định thẩm mỹ được quyết định một cách rõ rệt hay hàm ẩn, những thẩm định thường cũng được gắn đặt vào trong các mối quan hệ tư tưởng. Những câu hỏi được nêu ra cho văn học truyền thống vẫn gắn với những sự quan tâm nhận thức và đánh giá được môi giới một cách khách quan thuộc lịch sử hiện tại, những mối quan hệ mà đồng thời cũng ảnh hưởng tới những câu trả lời được ghi nhận từ lịch sử văn học. Mối quan hệ này định hướng cho cái nhìn vào quá khứ văn học và đồng thời  đặt nó lệ thuộc vào một đòi hỏi được định hướng theo cái quan niệm về một tương lai có thể có. Đây chính là cơ sở cho một thực tế là các công trình biên soạn lịch sử văn học thường trở nên củ kỹ và phải được viết mới lại trong những khoảng cách mà nhịp độ của nó có được chẳng những do sự phát triển bên trong của việc nghiên cứu mà còn do những thay đổi trong tiến trình của lịch sử hiện thực. Như vậy các văn bản lịch sử văn học vốn có một mối quan hệ với tính hiện tại của đời sống văn học, nếu nhà văn học sử không so đo cân nhắc hay từ chối nó. Bằng cách khoa nghiên cứu lịch sử văn học lựa chọn từ vô số tác phẩm đã được sáng tác những tác phẩm nào đó nổi lên như là lịch sử văn học, nó khẳng định những hình thức đã có hoặc xây dựng những hình thức mới cho việc đánh giá văn học mà ta có thể quan niêm như là sự điều tiết được trung giới về mặt xã hội cho sự tiếp nhận cá nhân. Như thế sự trung giới tồn tại giữa mối quan hệ thẩm mỹ trong sự giao tiếp văn học và các văn bản siêu giao tiếp của các nhà văn học sử, mặc dù chúng ta vẫn còn chưa biết chính xác chúng hoạt động như thế nào.

Vậy là, mặc dù lịch sử văn học hoàn toàn có tiếng nói trong thực tiễn giao tiếp văn học nhưng đối với lịch sử văn học tác phẩm vẫn có một sự tự trị tương đối trong việc hiện tại hoá nó trong tiếp nhận. Ở đây nó đối diện với người đọc như một cá tính riêng, tự khẳng định trong giá trị riêng của nó. Sự thất bại của tiếp nhận không thể sửa chữa được bằng việc hồi tưởng lại rằng nó có một “văn tính” không chê vào đâu được, cũng như ngược lại các mối quan hệ chặt chẽ mà Roland Barthes đã mô tả bằng “plaisir du texte” 7, các mối quan hệ có thể có được từ sự tiếp xúc trực tiếp với “Corpus” của nó, cũng lại không giải quyết được bằng việc ai đó lưu ý người đọc  về sự non kém về chất lượng của tác phẩm mà người ấy giao tiếp thẩm mỹ trong khi đọc.

Sự thờ ơ tương đối của đa số người đọc đối với lịch sử văn học có lẽ phần lớn được lý giải từ cái ranh giới được vạch ra cho lịch sử văn học này: Trong tính hiện tại của tác phẩm, đã được đặt làm điều kiện cho sự hình thành kinh nghiệm thẩm mỹ thì tác phẩm đã bị nhấc ra khỏi chiều kích lịch đại của nó, cái chiều kích mà lịch sử văn học đã nhằm để phục dựng lại; sự hiểu biết mà nó đã chuẩn bị sẵn không thể thay thế được kinh nghiệm thẩm mỹ của tác phẩm trong khi đọc.

Những gì có liên can đến sự hoài nghi mà đa số các tác giả của lịch sử văn học vẫn ứng xử với nó, thì cũng còn một nguyên do phụ thêm nữa. Lịch sử văn học bị ép buộc phải tương đối hóa chẳng những tính chất cá biệt của tác phẩm mà còn cả tính chất cá biệt của người tạo nên nó. Ý nghĩ cho rằng trong lịch sử văn học tất cả diễn ra theo hàng theo lối thì đối với người sáng tác đã mang vào trong hành động viết toàn bộ đặc điểm cá nhân của mình và đã điều chỉnh mối quan hệ với truyền thống của ông một cách độc lập nếu có thể, thật dễ hiểu là không thể chịu đựng được. Lại còn thêm một điều nữa, đó là cái số phận phải nổi lên trong một bối cảnh, dù cho đó là cái số phận tốt nhất mà lịch sử văn học dành cho ông ta; nó không chỉ kể ra những tên tuổi mà cũng còn không kể ra những tên tuổi nào đó.

Có thể ghi nhận một cách khái quát là lịch sử văn học sẽ phải nhìn nhận rằng trong các tiến trình đã tạo điều kiện cho kinh nghiệm thẩm mỹ của tác phẩm, nó phải lùi lại phía sau và thực ra là bởi vì trong những tiến trình này, đặc điểm của tác phẩm, của người sản xuất và người tiếp nhận nó là nổi trội, ngược lại trong các tiến trình mà lịch sử văn học nghiên cứu thì đặc điểm này quả thật không bị thủ tiêu, song lại bị tương đối hóa trong một cái chung hơn cùng tồn tại trong một chỉnh thể với sự phát triển văn học và các đặc trưng cấu trúc của nó.

Chính ở nơi mà lịch sử văn học dừng lại thì các phương pháp hướng vào việc nhận thức từng tác phẩm riêng lẻ có được cái quyền của chúng. Đúng là cái số phận xảy ra với tác phẩm trong việc người đọc hiện tại hóa nó không phải là không có vấn đề. Chắc chắn là đối với người đọc việc tiếp nhận “đã đạt được kết quả” nếu như việc đọc thỏa mãn được yêu cầu mà người ấy đề ra với tác phẩm. Tuy nhiên vấn đề là liệu sự tiếp nhận có đạt được kết quả đối với tác phẩm không, tức là có “phù hợp” với nó không, thì vẫn chưa được trả lời8. Một sự tiếp nhận có thể thành công với người đọc, nhưng dẫu vậy lại dựa vào một sự ngộ nhận tác phẩm. Việc mang tính chủ quan vào trong sự tiếp nhận – mà đó lại là tiền đề cho sự thành tựu được một mối quan hệ thẩm mỹ – có thể phá vỡ sự bền vững của tác phẩm và trung lập hóa tiềm năng của nó. Từ lý do này, nếu khoa học văn học không muốn trở thành kẻ biện hộ cho sự giao tiếp bất kỳ nào, thì các phương pháp phải có quyền tồn tại trong nó, những phương pháp đưa tác phẩm ra khỏi thực tiễn sử dụng của nó cũng không đưa nó vào một phương thức nào khác cái phương thức mà ở đó sự đưa ra này được thực hiện trong lịch sử văn học, chẳng hạn trở thành đối tượng của một sự phân tích hoàn toàn tập trung vào việc nhận thức những đặc điểm riêng biệt của nó, phương thức cấu trúc của nó mà để mô tả chúng phải cần đến các phương pháp ngôn ngữ học. Rốt cuộc đó là thực tiễn của chính sự giao tiếp văn học, nó lưu ý chúng ta rằng những phương pháp phân tích tác phẩm không nhất thiết là xa lạ với thực tiễn hay “hình thức chủ nghĩa” nếu chúng có sử dụng các phương pháp hình thức hóa. Trường hợp này theo khuynh hướng chỉ xuất hiện khi nào lý thuyết về tác phẩm không để ý đến giới hạn mà hiện tại lại đặt ra với nó, và thực ra là chẳng những bởi thực tiễn giao tiếp văn học mà còn bởi chính đối tượng của nó, tác phẩm văn học.

Giới hạn này là do các phương pháp hình thức hóa tác phẩm luôn chỉ có thể nắm bắt được cái nó như thế trước khi (cũng có thể do ngộ nhận) nó “có nghĩa là gì”. Nếu ta gọi các tiên thiên ở trước cái có nghĩa này là “văn bản” thì sự mâu thuẫn mà trong đó các phương pháp hình thức hóa bị cuốn váo nếu như nó tự đặt mình vào đó một cách tuyệt đối, là ở chỗ nó chẳng bao giờ đạt đến được tác phẩm mà luôn chỉ đạt đến văn bản của tác phẩm thôi. Con đường từ văn bản đến tác phẩm chính là bao gồm cả việc xác định nghĩa có thể thực hiện được bằng cách tạo cho văn bản đi vào được mối quan hệ không phải là mối quan hệ đồng nhất với cái mà qua đó nó được bảo đảm có sự thống nhất cấu trúc của các yếu tố của nó mà là mối liên hệ được thiết lập bằng việc đọc gắn kết với nó bằng mối quan hệ đánh giá. Trong sự phân tích bị trói buộc vào văn bản của nó thì tác phẩm sẽ bị treo. Cái nhận thức cho rằng chính văn bản lại thúc ép đi đến thành tác phẩm và như vậy đi đến sự giao tiếp, tức là trong nó đã được ghi sẵn chức năng kêu gọi (với các mức độ khác nhau), một “người đọc tiềm ẩn” (Wolfgang Iser)9, chắc chắn là một nhận thức hữu ích nhất của các lý thuyết văn bản hiện đại. Luận điểm về tính chất mở cảu tác phẩm của Umbetto Eco10 cũng đã góp phần quyết định vào nhận thức này, giá như thay vì nói đến tác phẩm mở nên nói đến văn bản mở thì hợp lý hơn; bởi trong việc đọc, văn bản tự đóng lại thành nghĩa của tác phẩm. Tuy nhiên quan trong là cần nhớ rằng một lý thuyết văn bản có định hướng giao tiếp luôn luôn có một tiền đề của sự giao tiếp văn học, song chẳng những chính tiền đề này mà còn cả những tiền đề khác có thể giải thích là nó sẽ thành tựu được.

Nếu như dù cho mối quan hệ không thể tách rời được của chúng thì văn bản cũng không đồng nhất với tác phẩm và tác phẩm cũng không đồng nhất với văn bản, thì khi ấy có thể giải thích được là tại sao các phương pháp nghiên cứu văn học nhằm vào từng tác phẩm riêng lẻ hình thành lên trong sự đối lập giữa việc phân tích văn bản và việc giải thích tác phẩm. Nhưng sự đối lập cũng thiết lập một mối quan hệ. Vì thế mà Michel Foncault có lý khi ông, tất nhiên trong những tương quan hoàn toàn khác, nói rằng các phương pháp giải thích và các kỹ thuật của việc hình thức hóa đối nghịch nhau nhưng đồng thời cũng lại tương liên với nhau11. Các kỹ thuật hình thức hóa mà với danh nghĩa tính khách quan của văn bản có tham vọng làm chức năng kiểm tra đối với các giải thích mà trong đó chủ thể tính tồn tại cùng với người giải thích bị lôi cuốn dính líu vào, luôn luôn dừng lại trước tác phẩm. Các phân tích, dù cho chúng có tuân thủ sự kiểm tra này, điều là bắt buộc đối với việc đọc có tham vọng khoa học, vẫn luôn luôn vượt ra khỏi văn bản. Từ đó thấy rõ rằng vấn đề được thảo luận nhiều là từ “tính khách quan” của tác phẩm sẽ đưa lại cái gì nếu các giải thích lại cho các kết quả khác nhau, trong chừng mực nào đó được nêu ra một cách sai lầm khi nó trong thực tế không phải là số phận của tác phẩm mà là số phận của văn bản của nó. Sự thật ở đây là văn bản này được “chủ quan hóa” nhưng chính qua đó nó mới là tác phẩm, là “khách thể thẩm mỹ”, như Mukărovský từng nói, khách quan không có nghĩa gì khác hơn là: khi đó văn bản được đọc, tức là cái văn bản được giải nghĩa và như vậy được đánh giá sẽ là tác phẩm thực sự. Từ đây cũng sẽ có thể giải thích tại sao các cuộc bàn luận về vấn đề là cần phải hiểu sự tiếp nhận “phù hợp” là gì sẽ tự để cuốn vào mối mâu thuẫn không thể giải quyết nếu như chúng tìm cách giải quyết điều đó bằng cách kéo tác phẩm lùi trở lại văn bản của nó. Nếu không muốn sự phân tích dừng lại ở việc chỉ thuần túy nhân đôi văn bản bằng sự chuyển dịch ngôn ngữ của văn bản sang một ngôn ngữ hình thức hóa, tức là nếu nó muốn sau khi đến với văn bản quay trở lại với tác phẩm, và mối quan hệ của nó với văn bản, nếu như ta đặt vấn đề về sự phù hợp, thường mang tính chất phê phán, thì nó phải lôi cuốn mình vào một hoạt động giải thích, tức là từ bỏ những tiền đề mà từ đó nó đã xuất phát. Mối mâu thuẫn được xác định như thế có thể được xem là có tính chất thiết yếu đối với việc đọc tác phẩm của khoa học văn học. Mâu thuẫn này là ở chỗ sự phân tích văn bản với sự trợ giúp của những phương pháp đặc biệt phục vụ cho nó là tiền đề không thể thiếu cho sự tổng hợp giải thích mà thông qua nó văn bản tự thiết lập thành tác phẩm, nó thủ tiêu văn bản. Thông qua sự phân tích, tác phẩm gia nhập vào hệ quy chiếu vượt lên trên hệ quy chiếu của văn bản của nó hay của khối tất cả các văn bản. Nó chuyển các văn bản đến với mọi người và tự họ đến với các tiến trình, trong đó chúng tạo ra ý nghĩa và sự nhận thức về sư tồn tại riêng biệt và có tính chất xã hội của chúng, về sự hình thành lịch sử của chúng, về mối quan hệ của chúng với nhau, với tự nhiên, với cuộc sống và với thế giới, tức là với các tiến trình hình thành nghĩa tổng quát hơn, mà những kinh nghiệm đặc trưng thu nhận được từ sự sản xuất và tiếp nhận các tác phẩm hội lưu vào đó. Nếu văn học có một nẻo đường có quy luật riêng trong lịch sử, thì chẳng những không phải là độ trệch thuần túy của nó mà cũng chẳng phải là mối quan hệ liên văn bản thuần túy mà là cơ chế tạo lịch sử bằng cách “biểu nghĩa” lịch sử, nó được “cắt nghĩa” trong lịch sử.

Theo đó các hoạt động về lịch sử văn học và các hoạt động định hướng vào tác phẩm có thể quan niệm là các thao tác theo đuổi cùng một mục tiêu bằng những phương pháp khác nhau: Từ các hệ quy chiếu được neo kết một cách khách quan trong các hình thức cấu trúc và hình thức phát triển của ý thức xã hội (và thông qua ý thức này được neo kết trong tồn tại lịch sử của con người) – do vậy lúc nào cũng có động cơ thế giới quan và bởi thế thường xuyên gây tranh cải – nên các văn bản phải được phân tích, phải được giải thích và đánh giá trên phương diện cái “biểu nghĩa” của nó và như vậy phải làm cho nó “có nghĩa” với tính cách là tác phẩm (theo tinh thần tích cự hay tiêu cực), qua đó lịch sử văn học tập trung vào cái ý nghĩa của tác phẩm trên trục lịch đại và sự giải thích với một phương thức chọn lựa bổ sung tuyển ra những tác phẩm mà trên trục đồng đại lại trở lại có được một mối quan hệ thẩm mỹ và như vậy sẽ lại được sát nhập vào lịch sử (chẳng hạn với tính cách là di sản) bằng việc đạt được một ý nghĩa mới. Những văn bản mà cả lịch sử văn học lẫn sự phân tích tác phẩm không giao tiếp được đề nghị xem là ngoại giao tiếp (Exkommunikation).

Nhưng thực ra đó chỉ là những đề nghị. Nhớ đến điều đó luôn luôn là cần thiết, bởi vì chúng ta, những nhà khoa học văn học (dù cho chủ yếu chúng ta nghiên cứu lịch sử văn học, giải thích tác phẩm hay phân tích văn bản) rất khó thoát khỏi cái ảo tưởng là văn học được viết ra cho các mục đích của những hoạt động siêu giao tiếp của chúng ta. Song vạn bất đắc dĩ một tác giả cũng tìm được con đường đến với người đọc, một văn bản cũng tìm được con đường đến tác phẩm và một tác phẩm cũng tìm thấy con đường đi đến văn học mà không cần đến chúng ta. Ngay cả khi khoa học văn học nhìn nhận sự tự trị của nó thì văn học cũng không tự trị, tất nhiên là với khoa học văn học, mà về các đề án của nó, chứa đựng trong các công trình dành cho việc xác định nghĩa, việc đánh giá các tác phẩm, thì những “thủ phạm” của lịch sử văn học – các tác giả, những người vẫn tiếp tục viết, và độc giả, những người vẫn tiếp tục đọc luôn xem thường nếu họ không còn tìm thấy hay chưa tìm thấy trong đó một ý nghĩa nào cho mình.

——————————————————————————————–

(*) Giáo sư. Tiến sĩ. Viện sĩ – Cộng hòa liên bang Đức

(**) Phó Giáo sư. Tiến sĩ 

  1. Chủ đề của bài viết này được gợi ý từ cuộc tọa đàm được Hans – Dietrich Dahnke, John Erepenbeck, Horst Haase, Ingeborg Munz – Koenen, Silvia Schenstedt, Rita Schober, Siegfried Streller, Hans – Gunther Thalheim, Hans – Georg Werner tiến hành vào tháng 3 năm 1980 nhân kỷ niệm 25 năm ngày ra mắt của tạp chí Weimarer Beitraege “Về vấn đề đánh giá trong biên soạn lịch sử văn học” (Weimarer Beitraege, 10/ 1980, các trang từ 91 – 119). Do vậy những ý kiến trình bày này cũng có thể xem là một đóng góp đến muộn cho cuộc thảo luận về một vấn đề của các vấn đề mà Rita Schober nêu ra: “Các ý kiến trình bày lịch sử văn học có thể thỏa đáng đối với từng tác giả, có thể đánh giá được về mặt thẩm mỹ từng tác phẩm đến mức độ nào” (Về vấn đề đánh giá, tr.104). Những suy nghĩ của tôi chịu ơn nhiều gợi ý khác nhau của những câu trả lời đã được đưa ra về vấn đề này trong cuộc tọa đàm mà trong văn bản không thể nêu rõ được.
  2. René Wellik: The Fall of Literary History (Acter di VI e Con – gres de l’Association internationale de littéreture comparée), Stuttgart 1975, tr. 29 – 36.
  3. Wolfgang Kayser: Tác phẩm nghệ thuật ngôn ngữ, xuất bản lần thứ 3, Bern 1954, tr.5.
  4. Thí dụ trong: Werner Krauss: Những vấn đề cơ bản của khoa học văn học, Reinbek bei Hamburg 1968, tr. 7.
  5. Emil Staiger: Nghệ thuật giải thích, Muenchen 1971, tr.10 và trang tiếp theo.
  6. Rainer Warning: Vấn đề tiếp nhận trong lý thuyết, thực tiễn và ký hiệu học. Đăng trong: Proceedings of the IXth Congress of the Intenational Comparative Literature Association, Innsbruck 1979, tập II: Literary communication and reception. Chủ biên: Z. Konstantionovic, M. Naumann, H.R.Jauss, Innsbruck 1980, tr. 110 – 116.
  7. Roland Barthes: Le plaisir du texte, Paris 1973.
  8. Xin xem Jacques Leenhardt : Théorie des processus de réception historiques et sociales, Rapport. In trong : Proceedings of IXth Congress, tr.110 – 116.
  9. Wolfgang Iser: Người đọc tiềm ẩn. Các hình thức giao tiếp của tiểu thuyết từ Bunyan đến Beckett, Muenchen 1972.
  10. Umberto Eco : Loevre ouverte. Paris 1965.
  11. Michel Foucault : Les mots et les choses, Paris 1966, tr. 312.

(Dịch từ bài Werk und Literaturgeschichte trong cuốn Manfred Naumann: Blickpunkt Leser – Literaturtheoretische Aufsaetze,Verlag Philipp Recklam jun. Leipzig 1984,các trang 205-220) 

    (Nguồn : Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 09/2012, tr.64-76)

 

 

Share Button