Nhận xét về tiếp nhận văn học như là sự kiện lịch sử và xã hội

Share Button

 

Trong vòng mười đến mười lăm năm qua người đọc, việc đọc và sự tiếp nhận văn học đã đạt được một vị trí chắc chắn trong các công trình nghiên cứu văn học.

Sự quan tâm mạnh mẽ như vậy đối với người đọc có thể khuyến dụ người ta đi đến kết luận rằng trước đấy người đọc chẳng có vai trò gì. Tuy nhiên đó hẳn là một sự nhầm lẫn. Việc lần tìm lại những văn bản mà ở đó cách nay năm mươi hay một trăm năm người đọc từng được nói đến đã đạt được kết quả mỹ mãn. Từ khi chúng ta học được cách hiểu tiếp nhận như là một vấn đề, và quen với việc đọc các văn bản từ lịch sử của ngành chúng ta trên phương diện là chúng có thể thông báo được gì về người đọc, chúng ta luôn luôn tìm được các tài liệu chứng minh rằng nhiều bậc tiên tổ của chúng ta không hề xem việc đọc là hồn nhiên trong trắng. Chẳng khó khăn gì kéo dài cái danh sách đã biết về các bậc tiền bối thêm một vài tên tuổi nữa: Paul Stapfer trước đây gần trăm năm đã từng nghĩ rằng người đọc hiển nhiên là quyết định về “réputations littéraires” (danh tiếng văn học)1. Ở Đức Julian Hirsch cũng có quan niệm tương tự. Năm 1914 ông đã lần theo nguồn gốc của danh tiếng văn học2. Sau này Paul van Tieghem khuyên nên phân loại các mối quan hệ của các nền văn học, các tác giả hay tác phẩm với nhau nhờ vào sự trợ giúp của một mô hình cho phép phân biệt giữa một “émetteur” (người gửi) và một “récepteur” (người nhận), giữa một “litérature productrice” (văn học sản xuất) và một “litérature réceptrice”  (văn học tiếp nhận), giữa “écrivain ou le pays producteur” (nhà văn hay nước sản

xuất) và “écrivain ou le pays consommateur” (nhà văn hay nước tiếp nhận)3. Để nhận thấy giá trị sử dụng thực tiễn của đề xuất này chỉ cần lưu ý đến khối lượng lớn các công trình nghiên cứu đã ghi chép một cách thành công những “fortunes” (số phận) văn học đã cung cấp những dữ liệu về các mối quan hệ qua lại của văn học. Chúng phổ cập cơ sở tài liệu cho những nhận thức tiếp theo. Người ta không cần nhớ đến xã hội học văn học về người đọc để nhận xét rằng sự quả quyết là người đọc hay sự tiếp nhận mới được phát hiện gần đây là một sự phóng đại.

Tuy nhiên không thể phủ nhận là ngày nay trong nghiên cứu, người đọc xuất hiện khác hơn trước đây mười năm. Sự quan tâm đối với nó trở nên phổ biến, phổ biến đến mức người ta thậm chí còn có thể có khuynh hướng dự đoán rằng trong sự thịnh hành của nó có một trong các chiều hướng thời thượng mà từ chúng cái mà đôi khi chúng ta gọi là khoa học văn học thỉnh thoảng gặp phải điều không may. Trong trường hợp này sớm hay muộn người đọc có thể rơi vào số phận lại bị chìm vào quên lãng. Trong thực tế sự kiện này có thể xuất hiện không tránh được nếu như sự quyến rũ mà hiện nay tiếp nhận đang thể hiện chỉ dẫn đến sự tăng trưởng thuần về mặt số lượng các công trình nghiên cứu mà từ lâu chúng ta đã cống hiến cho tiếp nhận. Tất nhiên trường hợp này sẽ không có. Sự xuất hiện của người đọc trên trường nghiên cứu đã chẳng những làm phong phú thêm nguồn dự trữ cho các đề tài luận án có thể có. Nó cũng còn để lại những dấu vết sâu sắc trong nhận thức lý thuyết của chúng ta về đối tượng, trong những khái niệm mà chúng ta gắn với văn học, và theo đó cũng còn trong phương pháp mà chúng ta sử dụng để nghiên cứu chúng. Do vậy tôi dám tiên đoán rằng sẽ rất khó lại đẩy nó ra khỏi ý thức nghiên cứu.

Constanz

Từ ngôn ngữ học chúng ta nhận được bằng chứng cho rằng sự quyết đoán ấy không phải không có cơ sở. Theo Hans Glinz thì khoảng tám mươi phần trăm tất cả các hành vi hoạt động ngôn ngữ có bản chất tiếp
nhận, tức là cái hành vi diễn ra trong phạm vi nghe và đọc4. Chỉ có hai mươi phần trăm được thực hiện bằng việc nói và viết. Phù hợp với điều đó xét ở phương diện năng lực thì khả năng hiểu sự phát biểu do một người khác nói hay viết, tức là năng lực tiếp nhận, rộng lớn hơn năng lực sản xuất, tức là khả năng tự phát biểu bằng việc nói và viết. Sự phỏng đoán cho rằng trong lĩnh vực văn học mối quan hệ này còn dịch sang có lợi hơn cho những khả năng tiếp nhận có lẽ đúng. Ngay các nhà văn cũng đọc nhiều hơn là viết. Cả những phát biểu của các nhà khoa học văn học cũng thuộc lĩnh vực tiếp nhận. Những dữ kiện về số lượng như vậy có lẽ là tầm thường nhàm chán; tuy nhiên có lẽ chúng làm rõ thêm một lần nữa những sự thu hẹp mà chúng ta đã tiến hành khi chúng ta loại trừ chiều kích tiếp nhận ra khỏi đối tượng của chúng ta.

Vấn đề là chúng ta nên nghiên cứu như thế nào chiều kích này, sau khi chúng ta nhận ra rằng nó còn nêu ra một vài vấn đề khác hơn là những vấn đề cho phép trả lời bằng các thông tin về “succès” (sự thành công), về “durée” (sự trường tồn), về “fortune” (số phận), về “influence” (ảnh hưởng) của tác phẩm và tác giả. Việc trả lời cho các vấn đề đó phần lớn phụ thuộc vào sự quan tâm nhận thức của nhà nghiên cứu, và sự nghiên cứu tiếp nhận mà cho đến giờ tôi đã nói một cách đại thể, thì ngay ở chỗ này bắt đầu phân chia ra thành các khuynh hướng mà giữa chúng, như chúng ta biết, xuất hiện những cuộc thảo luận không hiếm khi dữ dội. Rõ ràng là có những vấn đề nào đó được đề lên hàng đầu tùy vào cơ sở qui chiếu được xây dựng từ ký hiệu học, từ ý thuyết giao tiếp ngôn ngữ, từ phân tích văn bản, từ lý thuyết hiểu, từ tâm lý học hay từ xã hội học. Đặc biệt quan trọng đối với sự khác biệt về quan điểm là sự ảnh hưởng của các tiền đề tư tưởng mà nghiên cứu tiếp nhận nhận được từ triết học và mỹ học cũng như từ lĩnh vực của lý thuyết xã hội, lý thuyết lịch sử và lý thuyết văn hóa. Bức tranh còn sặc sỡ hơn nếu chúng ta nghĩ đến các cách tiếp cận đã được phát triển cho nghiên cứu tiếp nhận theo định hướng kinh nghiệm đã được thực hành đặc biệt trong giảng dạy văn học; để cho hoàn chỉnh chí ít cũng cần kể thêm rằng cả dịch văn học cũng chứng tỏ là trường hợp đặc biệt của tiếp nhận văn học.

Đứng trước sự dồi dào phong phú gần như đáng sợ này của những vấn đề gắn với các hiện tượng tiếp nhận văn học, có lẽ là sai lầm nếu đi tìm các hợp  đề. Nếu như chúng quả đáng mong muốn đạt được thì chúng cũng chỉ có thể là kết quả của một sự hợp tác liên ngành lâu dài mà hiện tại trên lĩnh vực “sciences sociales” và “sciences humaines” vẫn còn thiếu vắng nhiều tiền đề.

Trong hoàn cảnh như vậy tôi xin khuyến nghị kkông nên vội vàng thúc ép đạt được những khái quát hóa mà nên phân tích và phân loại một cách cẩn thận các vấn đề nảy sinh từ các quan điểm xem xét cục bộ tất yếu nào đấy.

Một sự khái quát hóa vội vàng luôn luôn chực sẵn nếu như bằng một cách rõ ràng hay ngầm ẩn chúng ta đồng nhất những vấn đề tiếp nhận văn học với những vấn đề của việc đọc. Mặc dù cả hai phức hợp vấn đề chồng lấn lên nhau, nhưng hoàn toàn không trùng khớp nhau. Ở phía này nghiên cứu tiếp nhận như là một bộ phận của khoa học văn học, phải được khu biệt với lịch sử, xã hội học và tâm lý học tổng quát của việc đọc và của người đọc, tức là khu biệt với các công trình nghiên cứu mà các văn bản được đọc chỉ có ý nghĩa thứ yếu. Ở phía kia thì những vấn đề mà tiếp nhận văn học đặt ra vượt ra khỏi những gì vốn bao hàm cái thực tế là ngày nay trong phần lớn các trường hợp các tác phẩm tồn tại trong các văn bản được tạo lập bằng chữ viết vốn đòi hỏi việc đọc của cá nhân như là hình thức tiếp nhận. Sự hiện diện với số lượng lớn các tác phẩm trong vật thể sách không được làm cho chúng ta bị huyễn hoặc khỏi sự việc là đọc chỉ là một hình thức tiếp nhận văn học trong số các hình thức tiếp nhận văn học khác. Chúng ta không cần phải là đồ đệ của các lý thuyết thông báo về sự tận cùng của thời đại sách mới để ý thấy rằng chính là ngày nay đã gia tăng rất nhiều trường hợp mà ở đó các tác phẩm văn học được lưu giữ trong các vật liệu không đồng nhất với các vật liệu làm nên sách. Các tác phẩm văn học không chỉ được đọc, mà còn được nghe và được nhìn. Ngay như cuốn sách đã có đấy rồi và khả năng đọc không còn là thứ hiếm hoi nữa thì các tác phẩm cũng ít được đọc hơn là được nghe bằng cách chúng được trình đọc. Một thể loại văn học như kịch cũng hoàn toàn nằm ngoài khuôn khổ của việc đọc. Và cả thi ca mãi sau này mới trở thành thể loại đọc. Thực sự việc đọc chỉ trở nên thông dụng và phổ biến bởi tiểu thuyết. Nhờ các công trình của Wolfgang Iser chúng ta mới biết được rằng tiểu thuyết hàm chứa một người đọc tưởng tượng, điều đó cho phép rút ra rằng việc đọc cá nhân đã trở thành một điểm qui chiếu của sản xuất văn học. Tuy nhiên nếu chúng ta xem người đọc hàm ẩn như là một yếu tố cấu trúc của bất kỳ loại văn bản nào thì chúng ta giả định rằng việc đọc cá nhân là hằng lượng xuyên lịch sử của sự tiếp nhận văn học. Nhưng điều đó phải được nghi ngờ. Có thể giả thiết rằng người đọc tiềm ẩn không chỉ nổi rõ lên trong các văn bản kịch bằng sự vắng bóng, mà còn nhiều văn bản văn học khác cũng hàm chứa không hẳn một người đọc cá nhân mà là một tập thể người nghe. Về cơ bản việc đọc cá nhân chỉ là hình thức đặc thù của tiếp nhận văn học, nó khiến cho cả các lý thuyết mà chúng ta tạo ra từ hình thức này không phải là những lý thuyết của tiếp nhận mà có thể được xem là các lý thuyết của một hình thức đặc biệt của tiếp nhận. Nếu như vẫn còn chưa có lịch sử của phương thức tiếp nhận này, tức là của việc đọc cá nhân thì đúng là chưa có lịch sử của các hình thức tiếp nhận văn học.

Nhìn chung với thuật ngữ “lịch sử tiếp nhận” người ta khái quát các công trình nghiên cứu lịch sử tiếp nhận của từng tác phẩm hay tác giả riêng lẻ hoặc toàn bộ những trào lưu hay thời kỳ văn học. Cung cấp chứng cứ cho việc phục dựng những lịch sử tiếp nhận như vậy không chỉ là các tác phẩm, trong chừng mực chúng chỉ ra những dấu vết của sự tiếp nhận các tác phẩm khác. Điều này dẫn đến cái gọi là “sự tiếp nhận sản sinh”; mà còn tất cả các văn bản còn lại có liên hệ với tài liệu văn học mà lịch sử tiếp nhận của chúng được nghiên cứu. Những vấn đề lý thuyết và thực tiễn cho phép hình thành nên các công trình nghiên cứu này đều đã được biết. Những vấn đề mang tính chất thực tiễn hơn có nguyên do bởi phần lớn các kết quả tiếp nhận được xử lý một cách lặng lẽ cho nên các tài liệu nguồn phục vụ cho chúng chỉ hiếm khi mới cho phép rút ra được kết luận về lịch sử tiếp nhận thực sự và còn hiếm khi hơn nữa cho phép có được những kết luận về những tác động được tạo điều kiện bởi các hành động tiếp nhận. Còn quan trọng hơn thế là các vấn đề nảy sinh từ mâu thuẫn của các kết quả tiếp nhận. Đặc biệt đối với các nhà khoa học văn học từ chỗ này luôn luôn dẫn đến sự cám dỗ đi tìm tác phẩm “tự nó” và vượt qua những cụ thể hóa được truyền lại bằng một cách đọc lý tưởng, nghĩa là cách đọc phù hợp. Một cách đọc như thế là ảo tưởng, bởi vì nó mâu thuẫn với tính lịch sử của người giải thích. Sự hội tụ về kết quả của sự phân tích văn bản muộn nhất sẽ kết thúc ở chỗ mà sự phân tích hình thức hợp lưu thành sự giải thích. Tuy nhiên điều ấy không phải là lý do để từ chối cấp nghĩa cho tác phẩm một khi đó chính là những phân tích mà qua chúng các tác phẩm của quá khứ được gia nhập vào văn học hiện tại và cũng qua đó chúng ta có thể nhận được hiệu ứng thẩm mỹ và lịch sử mới. Trên cơ sở này chúng tôi phải thông báo những lo ngại của chúng tôi đối với những công trình nghiên cứu lịch sử tiếp nhận không dựa vào sự giải thích tác phẩm, mà đó chính là đối tượng của việc nghiên cứu này. Trong trường hợp ấy tác phẩm, nơi mà các cứ liệu dựa vào, bị đặt vào trong ngoặc. Ngoài ra như vậy cũng hoàn toàn kết liễu vấn đề giải thích học, bởi vì ở đó nơi mà tác phẩm bị cách ly thì nó cũng không thể và không cần được vận dụng vào những ích lợi hiện tại. Chủ nghĩa lịch sử và chủ nghĩa thực chứng hay ho xưa cũ rõ ràng đã chứng tỏ là đầy sinh lực nên đã đứng vững không hề bị suy suyễn gì trước sự xuất hiện của vấn đề tiếp nhận trên lĩnh vực nghiên cứu. Giống như trước đây tác phẩm bị tan biến trong các tiến trình của sự hình thành của nó thì giờ đây nó cũng biến mất trong các tiến trình của sự tiếp nhận nó. Sự sắp xếp tiếp theo nhau mang tính chất số liệu các nguyên nhân của nó được thay thế bằng sự sắp xếp tiếp theo nhau mang tính cách số lượng các hậu quả của nó.

Sau khi tôi đã chỉ ra một vài vấn đề mà tiếp nhận đặt ra trong chiều lịch đại, bây giờ xin nêu ra một vài vấn đề nảy sinh từ chiều đồng đại của các hoạt động tiếp nhận.

Dù đó là việc đọc cá nhân hay một hình thức khác của tiếp nhận thì điều đặc biệt mà văn học có khả năng đem lại chỉ có thể đạt được qua sự tiếp xúc của các cá nhân cụ thể với những tác phẩm cụ thể. Chúng ta có thể định danh các mối quan hệ được tạo ra bởi hành động tiếp nhận cá nhân là trạng thái tiếp nhận cơ bản. Phù hợp với nó ở phương diện kia là trạng thái sản xuất cơ bản, được biểu thị bằng các mối quan hệ của hành động sản xuất cá nhân. Giống như các tác giả, trước tiên không sản xuất ra văn học mà sản xuất ra các tác phẩm, thì cũng vậy trước tiên người đọc không để ý tới văn học mà để ý đến tác phẩm.

Càng tiếp cận các vấn đề của tính cá biệt của các hoạt động văn học và các sản phẩm của nó thì chúng ta càng cần phải tính đến các yếu tố của sự ngẫu nhiên, của tính tự phát, của tính duy nhất không lặp lại. Hành động sản xuất và tiếp nhận cá nhân nào đó, tác phẩm được tiếp nhận nào đó chỉ ra một lượng gần như vô tận của những quy định, của những đặc điểm và những biến thể. Vì vậy khoa học văn học, nếu nó muốn đạt đến những phát biểu có tính chất khái quát về trạng thái tiếp nhận cơ bản, phải làm việc với những mô hình, thí dụ với một mô hình, trong đó tất cả các đặc điểm của tác phẩm trong phạm trù tác phẩm, tất cả đặc điểm của các tác giả trong phạm trù người gửi, tất cả các đặc điểm của người tiếp nhận trong phạm trù người nhận và tất cả các đặc điểm của mối quan hệ giữa người gửi và người nhận trong phạm trù hành động tiếp nhận hay hành động đọc được trừu tượng hóa.

Một mô hình như vậy có thể đưa lại những kiến thức với điều kiện là đối tượng nghiên cứu chứng tỏ là những hằng lượng lịch sử. Ở phương diện của cách tiếp cận của chúng ta có giới hạn về phạm vi ở chỗ mà nó bị trừu tượng hóa những mối liên hệ về văn học, xã hội và lịch sử, những mối liên hệ chỉ tạo nên hoàn cảnh tiếp nhận cơ bản và độ phương sai của chúng trong thực tế. Những mối liên hệ này có thể khái quát lại trong khái niệm “những điều kiện tiếp nhận” mà có thể hiểu đó là cái phạm vi, trong đó vào một thời điểm lịch sử và trong một không gian xã hội những hành động tiếp nhận cá nhân diễn ra.

Đứng hàng đầu những điều kiện này là các tác phẩm mà tổng thể của chúng sẽ tạo nên một nền văn học nào đó; nó là đối tượng cho sự tiếp nhận trong những giai đoạn lịch sử tương ứng của các hình thái xã hội. Không hề nghi ngờ chút nào về giá trị nhận thức của những công trình nghiên cứu về vị trí của các nhóm tiếp nhận, song tôi cho rằng mối thiện cảm của chúng ta đối với người đọc không nhất thiết đòi hỏi chúng ta từ giờ trở đi thay vì chuyên tâm về khoa học văn học lại chuyên tâm về khoa học người đọc. Và lại càng ít cần thiết hơn khi mà chúng ta xem sự sản xuất văn học như một quá trình mà ở đó những nhu cầu nảy sinh từ lĩnh vực tiếp nhận xuất hiện như là những điểm tham chiếu tích cực hay tiêu cực, như vậy văn học được sản xuất ở một thời điểm nhất định không chỉ làm bằng chứng cho những tố chất của các tác giả mà còn làm bằng chứng cho những nhu cầu, lợi ích và năng lực của người đọc. Cho nên trong các dấu hiệu khác nhau của những tác phẩm và nhóm tác phẩm được sản xuất trong một khoảng thời gian nào đó luôn đã có sẵn những dấu hiệu của người đọc và của các nhóm tiếp nhận. Một sự phân tích chú ý tới những mối tương liên này chắc hẳn sẽ nắm bắt được mối quan hệ đối thoại giữa tác giả và công chúng  như một thành tố đã chuyển dịch được một mối quan hệ xã hội vào tận bên trong các cấu trúc văn học và xuất hiện như là một sức mạnh tác động vào các bước tiến triển của văn học. Tất nhiên một sự phân tích như vậy không được dừng lại ở những phát biểu chung chung về những tương tác giữa sản xuất và công chúng mà phải đặt vấn đề một cách cụ thể – lịch sử về việc là những tương tác này diễn ra như thế nào và có những hệ quả nào. Qua đấy sẽ có thể hé lộ ra là cuộc đối thoại giữa tác giả và người đọc mang tính chất tranh luận gay cấn và đó chính là những mâu thuẫn xuất hiện ra ở đây, chúng thúc đẩy văn học phát triển.

Bảo rằng trong thực tế không thể nói đến một sự hài hòa về thẩm mỹ trong các cuộc đối thoại này, điều đó muộn lắm người ta đã biết ngay từ thời Baudelaire, người đã đánh giá mối quan hệ của sản xuất nghệ thuật và môi trường tiếp nhận nghệ thuật thời đại ông như sau: “Qua ses artistes lui en inoculent le gout, cela est vrai; qu’elle exige d’eux qu’ils satisfassent à ce besoin, cela est non moins vrai; car si l’artiste abêtit le public, celui – ci le lui rend bien. Ils sont deux termes corrélatifs qui agissent l’un sur l’autre avec une égale puissance” (Nói rằng người nghệ sĩ tiêm khẩu vị cho công chúng của mình, thì đó là sự thật; bảo rằng công chúng đòi hỏi nghệ sĩ thỏa mãn nhu cầu của mình, điều đó cũng không kém phần thực hơn; bởi vì nếu người nghệ sĩ làm cho công chúng đần độn thì công chúng cũng làm cho nghệ sĩ đần độn. Họ tạo nên hai tương liên với nhau, tác động vào nhau với cùng một sức mạnh)5.

Lời phê bình mà không phải lần đầu tiên được Baudelaire cất lên đối với sự giao tiếp văn học mà ta có thể nắm bắt như là sự tương tác giữa sản xuất và tiếp nhận, tạo nên một hằng số giữa tất cả các cương lĩnh của các đội tiền phong văn học mà mục đích được họ công bố trong phần lớn các trường hợp là ở chỗ thay những cơ chế giao tiếp mới vào chỗ những cơ chế giao tiếp hiện hữu và đổi loại hình người tiếp nhận đang tồn tại bằng một loại hình người tiếp nhận mà họ hy vọng rằng có thể tạo ra được bằng những tác phẩm của họ. Mọi người đều biết rằng những chiến lược tác động thẩm mỹ thường khi cực đoan vốn gắn với mục đích này. Những chiến lược này thường dẫn đến những đề án tiếp nhận được xây dựng một cách phức tạp với những tính chất giao tiếp bị giản lược. Chủ  yếu  trong văn học Pháp mới đây thịnh hành những nỗ lực chống lại một thực tiễn văn học đang hướng vào giá trị sử dụng có tính chất công cụ và giao tiếp của sản xuất trên thị trường, với sự hỗ trợ của một “lối viết” mà mục tiêu rõ ràng là “production  des textes surcodés” (sản xuất những văn bản siêu mã hóa). Nếu các cương lĩnh này vẫn chưa hợp thức hóa được tham vọng phê phán ý thức hệ mà chúng không hiếm khi tán dương bằng việc lưu ý đến tính chất “opacité” (tính mờ đục) của văn bản của chúng, thì dù vậy chúng cũng làm rõ được hệ vấn đề của các lý thuyết vẫn duy trì một mối quan hệ đầy mâu thuẫn đối với chức năng giao tiếp của các hoạt động và các tác phẩm văn học. Chính những lý thuyết như vậy khó khu biệt được với một thực tiễn văn học mà động cơ thúc đẩy bên trong của sản xuất là sự tái sản xuất giản đơn những đón đợi của người đọc. Đương nhiên trong những trường hợp như vậy về mặt sản xuất những kinh nghiệm thẩm mỹ cũng được huy động, những kinh nghiệm mà về phía tiếp nhận, được môi giới bởi những tác phẩm vốn có những kinh nghiệm ấy, khơi gợi lên những tình cảm, những khoái cảm và những sự thỏa mãn thẩm mỹ dễ chịu nhất. Việc bảo vệ sự giao tiếp văn học đơn giản chống lại những văn bản mà ở đó nguyên tắc “illisibilité” (không thể đọc được) được thực hiện như là mục đích của sản xuất, là cần thiết. Song vẫn chưa sáng tỏ là vấn đề có thể tránh được nó bằng cách nào để cho những mối quan hệ giao tiếp mà hậu quả             là trở thành cái nguyên tắc đã từng bị Baudelaire phàn nàn rất có lý.

Nhóm thứ hai của các yếu tố thiết lập những điều kiện tiếp nhận vốn tồn tại cùng với các mối quan hệ trong lĩnh vực phân phối văn học. Các lý thuyết về giao tiếp thẩm mỹ đôi khi né tránh lĩnh vực này và ám chỉ là trong những khoảng không gian và thời gian ở giữa các hoạt động sản xuất và tiếp nhận duy nhất chỉ những tác phẩm có mặt, qua đó gây ấn tượng là các tác phẩm nhờ những đặc điểm giao tiếp của chúng có thể bằng sức lực riêng khắc phục được những khoảng cách không gian và thời gian ở giữa đoạn cuối của hành động sản xuất và đoạn mở đầu của hành động tiếp nhận. Ngược với ý kiến đó ngay Wolfgang Kayser đã từng biết: “Tất nhiên trong đời sống văn học một thời kỳ có sáng tác, song nếu ta nhìn sang phía kia thì trong đó cũng còn có cả sự tiếp nhận nữa. Giữa hai đầu này là những thiết chế mà thông qua hoạt động của chúng mới tạo nên được sự gắn kết: nhà xuất bản, nơi nhận bản thảo từ tay tác giả, nếu ông ta đồng ý, rồi in và nhân bản, tiếp theo là nhà phát hành, nơi nhà xuất bản đưa sách đến để chuyển nó đến người đọc. Và giữa hai cực đó cuối cùng, ít hay nhiều tách xa và thực ra chưa kết chặt lại thành một thiết chế, là phê bình, nơi giám định cái đã được sáng tạo và như thế bằng một cách thức nào đó ảnh hưởng đến sự tiếp nhận. Sáng tác, phô biến, thẩm định và tiếp nhận – đó chính là những lực lượng mà sự hiệp đồng và phối hợp của chúng tạo nên đời sống văn học”.

Sự mô tả này chưa đầy đủ; đặc biệt nổi bật là còn thiếu trường học, và thiết chế thị trường văn học chỉ được khắc họa một cách kín đáo, dù vậy nó vẫn lưu ý chúng ta rằng chúng ta với việc bỏ ra ngoài sự phân phối thì đã cắt ngắn lịch sử văn học mất một chiều kích cấu thành đối với nó.

Góp phần vào việc sao nhãng những lĩnh vực này có thể là quan niệm cho rằng trong chúng chủ yếu những sự kiện về số lượng mới có một vai trò, những sự kiện mà “sociologie des faits littéraires” (xã hội học về các sự kiện văn học) nghiên cứu. Dù có trường hợp đó đi nữa thì cũng không có lý do để bỏ qua những khu vực phân phối. Những công trình về lịch sử văn học và phân tích văn học chỉ có lợi từ việc tạo dựng luận chứng mang tính sự kiện, nó bao gồm cả mối quan hệ hoàn cảnh có thể nắm bắt được về mặt số lượng. Trong khu vực giữa sản xuất và tiếp nhận, tuy thế không chỉ có những thiết chế quan tâm đến “diffusion” (sự phổ biến) các tác phẩm, mà trong khu vực này cũng lưu hành cả các tư tưởng làm cơ sở cho hoạt động của các thiết chế này, và nhân danh những tư tưởng ấy những quyết định được đưa ra, những quyết định không chỉ có những hệ quả về số lượng mà cả những hệ quả về chất lượng; những quyết định chẳng hạn về việc những tác phẩm nào được phép biến hóa từ bản thảo sang sách, những tác phẩm nào được tạo thuận lợi cho việc tìm đến với người đọc bằng quảng cáo, bằng giải thưởng hay bị cản trở bằng việc cố tình im lặng, những tác phẩm nào được lựa chọn để in lại, những tác phẩm nào được  đưa vào thư viện và nhờ đó được làm cho dễ tiếp cận; và không phải cuối cùng là những quyết định về việc các tác phẩm sẽ được tiếp nhận như thế nào nếu chúng tìm được người đọc. Tổng hợp lại người ta có thể ghi nhận rằng những hoạt động tiếp nhận, được thực hiện trong khoảng cách giữa tác phẩm được sản xuất, tạo lập một hệ thống các hoạt động thực hiện những chức năng siêu giao tiếp đối với những hoạt động giao tiếp bậc một.

Những hoạt động siêu giao tiếp đáng quan tâm nhất đối với khoa học văn học là những hoạt động đưa đến những văn bản bằng miệng hoặc bằng chữ viết mà chức năng của chúng là cùng góp phần tác động vào việc xác lập những đề án thẩm mỹ và tư tưởng đối với sự tiếp nhận cá nhân. Cho đến giờ hầu như chỉ có những tác phẩm tìm được sự chú ý như là những đề án như vậy là những tác phẩm thuộc đối tượng của sự tiếp nhận, hay những tầm đón đợi được thiết lập bởi những tác phẩm đã được tiếp nhận và đôi khi là những thiên hướng bắt nguồn từ thế giới sống của những người tiếp nhận, được chuyển đến cho chúng chủ yếu bởi vị thế xã hội của họ. Những hiểu biết của chúng ta về các mối quan hệ giữa những hành động giao tiếp và các văn bản siêu giao tiếp, ngược lại vẫn còn chưa được đi sâu bao nhiêu. Để làm rõ chức năng mà các văn bản về các tác phẩm đảm nhận như là những đề án tiếp nhận thì có lẽ hợp lý nếu gắn với các cách tiếp cận đã được triển khai trong giới học giả của trường phái Praha về sự nghiên cứu những tiêu chí thẩm mỹ và qua đấy cần phải mở rộng ra các suy nghĩ là những nội dung và lợi ích tư tưởng nào được chuyển tải vào các tiêu chí này. Georg Jaeger đã dựa hẳn vào Mukarovský khi ông trong công trình nghiên cứu về sự tiếp nhận Werther đã tìm cách đưa các cấu trúc ý thức của các nhóm xã hội vào trong các phương thức cụ thể hóa đối tượng thẩm mỹ7. Chủ yếu việc giảng dạy văn học cần phải tham gia vào việc cố định những mô hình tiếp nhận hay những mã đọc. Chức năng của phê bình văn học trong việc thiết lập những quy phạm cho việc tiếp nhận một trào lưu văn học đương thời đã được Manfred Brauneck trình bày trong công trình nghiên cứu của ông về sự tiếp nhận sân khấu của chủ nghĩa tự nhiên ở Đức9. Cuối cùng cũng cần lưu ý đến cuốn sách của Heinz Thoma về sự tiếp nhận văn học khai sáng trong lịch sử văn học Pháp thế kỷ 1910. Công trình nghiên cứu phong phú về tư liệu này chỉ ra rằng mã đọc được thiết lập không chỉ cho những tác phẩm hay trào lưu, trường phái riêng lẻ mà còn toàn bộ những thời kỳ văn học. Ngoài ra nó cũng còn chỉ ra rằng các công trình lịch sử văn học rõ ràng đóng một vai trò đặc biệt cố định các lưới tiếp nhận rộng.

Tuy nhiên chúng ta không được quên rằng những lý giải và những phân tích tác phẩm cũng đã tham gia vào việc phát triển các để xuất cho việc hiểu, cho việc thiết lập nghĩa, cho việc đánh giá các tác phẩm. Thậm chí đó là những chức năng quan trọng nhất của nó. Những đề án tiếp nhận thường bị đặt thành vấn đề bởi những tác phẩm mới mà những mã đọc đã được đề nghị không còn có thể vận dụng được nữa. Chúng cũng còn bị đặt thành vấn đề bởi những người đọc, họ trong phần lớn các trường hợp đem lại cho các tác phẩm một ý nghĩa xuất phát từ kinh nghiệm sống của họ, cái kinh nghiệm mà mặt khác không hình thành lên một cách độc lập đối với những điều kiện và quan hệ xã hội của họ. Thế nhưng có thể chắc chắn rằng phần lớn các người đọc – và chắc chắn cả rất nhiều tác giả hầu như không tham dự vào sự siêu giao tiếp mà khoa học văn học tạo ra. Tuy nhiên điều đó không giải phóng khoa học văn học khỏi cái nhiệm vụ là luôn luôn đưa ra những đề nghị cho việc hiểu và đánh giá các tác phẩm, tức là cho việc cụ thể hóa những tiềm năng nghĩa của chúng. Chúng tôi đồng ý với những người vẫn nhấn mạnh ý nghĩa của giải thích học lịch sử và đề ra cho nó cái nhiệm vụ làm cho văn học quá khứ trở nên có thể tiếp cận được và sát nhập nó vào trong kinh nghiệm hiện tại của chúng ta. Nói rằng những kinh nghiệm này khác biệt nhau và do vậy những kết quả của thực tiễn giải thích học cũng không giống nhau, đó là một vấn đề hoàn toàn khác. Chỉ có điều phải tránh sự nhầm lẫn cho rằng văn học dường như được sản xuất ra để cung cấp cho khoa học đối tượng thảo luận, hay cho rằng ý nghĩa của hoạt động của chúng ta là ở chỗ khóa kín văn học lại bằng việc truyền bá những mã bí hiểm để bảo vệ nó trước sự sử dụng thường nhật của người đọc. Trong một bài dẫn nhập nghiêm túc mở đầu công trình nghiên cứu so sánh vừa mới đây đã nêu ý kiến bảo rằng việc đọc của “người đọc thụ động” là một quá trình “en qui se dégraf l’énergie littéraire don’t l’œvre est chargée” (trong đó năng lượng văn học mà tác phẩm đã được tích vào bị thoái biến đi)11. Nếu thực như vậy thì một cách hợp lý là tiếp đó phải rút ra kết luận rằng sự phung phí năng lượng văn học một cách vô ích gây ra bởi đa số người đọc không viết phải được giới hạn bằng những biện pháp hạn chế mạnh mẽ việc đọc của họ. Nếu quả thực nghiên cứu tiếp nhận đã có thể đạt đến những kiến thức chắc chắn thì nó phải đứng vững trên niềm tin rằng những biện pháp như vậy đối với văn học và tác phẩm là có hại.

(*) Giáo sư. Tiến sĩ. Viện sĩ – Cộng hòa liên bang Đức

(**) Phó Giáo sư. Tiến sĩ 

Từ bài viết “Bemerkungen zur Literaturrezeption als geschichtliches und gesellschaftliches Ereignis” trong cuốn: Manfred Naumann, Blickpunkt Leser – Literaturtheoretische Aufsaetze. NXB Philipp Reclam jun. Leipzig 1984.

(nguồn : Tạp chí khoa học Đại học Văn Hiến – số 5/2014)                                   

  1. Paul Stapfer: Des Réputations littéraires. Essais de morale et d’histoire Premièr série Paris 1893.
  2. Julian Hirsch: Nguồn gốc của danh tiếng. Leipzig 1914.
  3. Paul van Tieghem; La littérature comparé Paris 1951.
  4. Hans Glinz: Phân tích văn bản và lý thuyết hiểu I, Frankfurt (Main), 1973, tr.46
  5. Charles Baudelaire: Salon de 1859. Trong: œvres completes, Plél Tập II, tr. 615.
  6. Wolfgang Kayser: Đời sống văn học hiện thời. Trong: Văn học Đức thời đại chúng ta. Goettingen 1959, tr.5.
  7. Georg Jaeger: Sự tác động của Werther. Một trường hợp điển hình về tiếp nhận. Trong: Tính lịch sử trong ngôn ngữ học và khoa học văn học. Các báo cáo và thuyết trình tại Hội nghị ngữ văn Đức tại Stuttgard 1972, W. Mueller – Seidel cho xuất bản (cùng với H. Fromm và F. Richter), Muenchen 1974 tr. 389 – 409.
  8. Xin xem Roger Fayolle: Sur l’origine de nos opinions littéraires (Problèmes de l’enseignement de la littérature en France). Trong: Pratiqes. Theorie/Pratique/ Pédagogie (1974), 1/2.
  9. Manfred Brauneck: Văn học và công luận cuối thế kỷ 19. Nghiên cứu sự tiếp nhận sân khấu tự nhiên chủ nghĩa ở Đức. Stuttgart 1974.
  10. Heinz Thoma: Văn học khai sáng và giai cấp tư sản sau cách mạng ở Pháp. Về sự tiếp nhận văn học khai sáng trong lịch sử văn học Pháp thế kỷ 19 (1794 – 1914), Heidelberg 1976.
  11. Claude Pichois et André – M. Rousseau: La littératurée compare. Paris 1967, tr.73.

 

 

 

Share Button