Bài viết bước đầu nhìn lại quá trình giới thiệu, nghiên cứu và vận dụng lý thuyết tiếp nhận tại Việt Nam từ những năm 1970 đến nay. Đưa ra một số nhận xét về việc dịch và vận dụng lý thuyết này vào thực tiễn nghiên cứu văn học Việt Nam.
- ĐẶT VẤN ĐỀ
Hiện nay trong giới nghiên cứu tại Việt Nam vẫn chưa có sự đồng thuận trong việc định danh khâu cuối cùng của tiến trình văn học là người đọc. Các khái niệm mỹ học tiếp nhận, lý thuyết tiếp nhận, tiếp nhận văn học vẫn đang có nội hàm tương đương nhau.
Trong ba khâu của một tiến trình văn học là nhà văn, tác phẩm và người đọc thì khâu cuối chỉ thực sự được lý luận văn học quan tâm vài thập kỷ trở lại đây.
. Ý kiến trên đây của Trần Đình Sử trong một bài viết cách đây hơn hai thập kỷ đã cho thấy được tầm quan trọng của lý thuyết tiếp nhận. Có thể nói rằng có sáng tác là có tiếp nhận, nhưng tiếp nhận với tư cách là một lý thuyết, một phương pháp nghiên cứu, là khâu cuối của một tiến trình văn học thì phải đến nửa sau thế kỷ XX mới được thừa nhận. Nó gắn liền với tên tuổi của hai nhà nghiên cứu người Đức Wolfgang Iser và Hans Robert Jauss. Các công trình lý luận của hai ông và những người kế tục đường hướng nầy đã tạo lập một trường phái mới trong nghiên cứu văn học: trường phái Konstanz (Đức). Sự đóng góp của hai ông và những người kế tục làm cho “… từ ngữ Konstanz đã trở thành một thuật ngữ, một khái niệm trong thế giới hàn lâm học viện nói chung, trở thành một trường phái khoa học, lý luận văn học nổi tiếng” (Nguyễn Thị Thanh Hương, 1993, Tạp chí Văn học, số 6, tr. 56-57). “Ở Việt Nam khoảng hai thập niên gần đây, một số nhà nghiên cứu đã bắt đầu ý thức được tầm quan trọng của việc nghiên cứu văn học theo hướng lịch sử chức năng. Trong nhiều bài viết trên các tạp chí và một số chuyên khảo xuất bản gần đây, lý thuyết tiếp nhận đã bước đầu được giới thiệu tới công chúng Việt Nam” (Nguyễn Văn Hạnh – Huỳnh Như Phương, 1998, trang 140).
- MỘT CÁI NHÌN CHUNG
Người đề cập đến khâu tiếp nhận như là một phương pháp nghiên cứu mới ở Việt Nam là Nguyễn Văn Hạnh trong một bài viết có tên Ý kiến của Lê-nin về mối quan hệ giữa văn học và đời sống. Ông viết “Giá trị của một tác phẩm thật ra không phải chỉ đóng khung lại trong phạm vi sáng tác mà còn lan rộng ra đến phạm vi thưởng thức”. Chính ở khâu thưởng thức tác phẩm mới có ý nghĩa xã hội thực tế của nó. Quan điểm này tất yếu sẽ dẫn đến những tiêu chuẩn mới để đánh giá tác phẩm, đến một phương pháp nghiên cứu mới ”
(Tạp chí Văn học,1971, số 6, tr.96). Ở một đoạn khác ông khẳng định “trong khâu sáng tác giá trị là cố định và ở thế khả năng; ở trong khâu thưởng thức, trong quan hệ với quần chúng giá trị mới là hiện thực và biến đổi ” (Tạp chí Văn học,1971, số 6, tr.96). Ý kiến của ông trong bài viết này đã châm ngòi cho một cuộc tranh luận trên Tạp chí Văn học từ năm 1971 đến cuối năm 1972 với các ý kiến của Nam Mộc, Sơn Tùng, Phùng Văn Tửu, Nghĩa Nguyên, Nguyễn Minh, Văn Khang, Vũ Tuấn Anh…
Bài viết của Nguyễn Văn Hạnh cho thấy sự nhạy cảm và ý nghĩa thời sự của vấn đề do tác giả đã đặt ra, khi lý thuyết tiếp nhận mới thịnh hành ở nhiều nước trên thế giới.
Tại miền Nam, trong giai đoạn 1954-1975, Nguyễn Văn Trung cũng đã đề cập đến vấn đề người đọc, nhưng ông chỉ mới đụng chạm đến chứ chưa giải quyết trực diện và triệt để (xem Lược khảo văn học, tập III).
Sau ngày đất nước thống nhất, giới nghiên cứu Việt Nam có điều kiện hơn trước trong việc tiếp cận những công trình nghiên cứu về mỹ học tiếp nhận của giới nghiên cứu nước ngoài, mà chủ yếu là các nước xã hội chủ nghĩa như Liên Xô, Cộng hòa dân chủ Đức…
Năm 1978, Tạp chí Văn học cho công bố bài của Man-phơ-ret Nao-man Song đề của “Mỹ học tiếp nhận”, do Huỳnh Vân dịch. Bài viết có thể được xem như là một phần tóm tắt sơ lược của công trình tập thể Xã hội văn học đọc do tác giả làm chủ biên. Tác giả của báo cáo này đã phản bác lại quan điểm tư sản của H.R. Jauss về vấn đề tiếp nhận, cũng như về chức năng thanh lọc của tác phẩm đối với người đọc trong quá trình tiếp nhận.
Cũng trong năm này, nhà xuất bản Tác phẩm Mới thuộc Hội Nhà văn Việt Nam cho công bố bản dịch cuốn Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển của văn học của M.B. Khrapchenco. Trong đó chương 5 bàn trực tiếp về tiếp nhận văn học có tên Thời gian và cuộc sống của tác phẩm văn học. Tác giả công trình khẳng định: “… phương pháp nghiên cứu văn học theo chức năng là một trong những khuynh hướng quan trọng và có triển vọng của ngành nghiên cứu văn học mác xít” ( M. B. Khrapchenko,1978, trang 331).
Đến năm 1980, Hoàng Trinh công bố bài Văn học so sánh và vấn đề tiếp nhận văn học, trong bài viết này, tác giả đã nhìn vấn đề tiếp nhận văn học từ góc nhìn của văn học so sánh, tiếp nhận được đề cập ở đây là tiếp nhận trên bình diện sáng tác.
Từ góc nhìn văn học so sánh, Lưu Văn Bổng đã lưu ý đến việc cần phân biệt khái niệm ảnh hưởng và tiếp nhận trong nghiên cứu. Năm 2011, Nguyễn Văn Dân khi đề cập đến Một số phương pháp chủ yếu được vận dụng trong văn học so sánh đã đề cập đến phương pháp xã hội học tiếp nhận cũng như phương pháp tâm lý học tiếp nhận. Điều này cho thấy, tùy đối tượng nghiên cứu, có thể vận dụng nhiều phương pháp tiếp cận khác nhau mà giới nghiên cứu thường gọi là phương pháp tiếp cận liên ngành.
Vương Anh Tuấn đã khẳng định Vị trí và vai trò tích cực của người đọc trong đời sống văn học (1982), người viết nêu lên và phân tích một số hình thái, đặc điểm chung của người đọc, làm tiền đề cho những nghiên cứu sâu và cụ thể hơn. Năm 1990 tác giả trở lại vấn đề người đọc qua bài viết Xung quanh việc tiếp nhận văn học hiện nay nhưng tập trung vào loại người đọc đặc biệt là nhà chuyên môn – nhà phê bình trong việc đánh giá chính xác tác phẩm, tránh sự không hiểu nhau giữa nhà văn, nhà phê bình và công chúng bạn đọc đông đảo.
Năm 1985, mỹ học tiếp nhận của trường phái Konstanz đã được Nguyễn Văn Dân giới thiệu tổng quan trên tạp chí Thông tin khoa học xã hội. Năm 1986, tác giả tiếp tục có một bài viết khác về tiếp nhận văn học, trong đó tác giả đề xuất một khái niệm mới nguỡng tâm lý trong tiếp nhận. Năm 1991, ông biên tập và giới thiệu chuyên đề Văn học nghệ thuật và sự tiếp nhận. Chuyên đề này đề cập đến những vấn đề chung của tiếp nhận văn học cũng như những khái niệm: người đọc, tầm đón nhận, khoảng cách thẩm mỹ, ngưỡng tiếp nhận, phản tiếp nhận… Năm 1999, các bài viết về tiếp nhận văn học cùng với một số bài viết khác trong tập tiểu luận Nghiên cứu văn học lý luận và ứng dụng được xuất bản và đã nhận giải thưởng lý luận phê bình năm 2000 của Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 2004, tác giả Nguyễn Văn Dân tái khẳng định những ý kiến về tiếp nhận văn học trong chuyên luận Phương pháp luận nghiên cứu văn học. Điều đó chứng tỏ đây là một hướng nghiên cứu có nhiều tiềm năng và hứa hẹn.
Cuối năm 1986, Hoàng Trinh đã phân tích chi tiết phạm trù công chúng trong bài Giao tiếp trong văn học.
Cùng năm này, nhà xuất bản Giáo dục cho ra mắt bạn đọc công trình Lý luận văn học tập I. Đây là giáo trình lý luận văn học dùng cho các trường đại học sư phạm. Chương X của giáo trình có tên Bạn đọc và tiếp nhận văn học, phần này khẳng định tiếp nhận văn học là giai đoạn hoàn tất quá trình sáng tác, bên cạnh đó, người đọc như một yếu tố bên trong của sáng tác văn học, vai trò của người đọc đối với lịch sử văn học bước đầu đã được thừa nhận.Chương này do Trần Đình Sử phụ trách, năm 1997, bộ giáo trình này được tái bản và in gộp lại thành 1 tập do Phương Lựu chủ biên.
Năm 2002, bộ giáo trình này được viết lại, gồm 3 tập, phần về tiếp nhận văn học ở tập 1, nằm ở các chương 10, 11 và 12 do Phương Lựu biên soạn. Tập 2 của bộ giáo trình này có tên Tác phẩm và thể loại do Trần Đình Sử chủ biên, chương 1 do người chủ biên phụ trách có giới thiệu qua quan niệm về tác phẩm văn học của mỹ học tiếp nhận (trang 21-24). Quan điểm này được khẳng định lại trong chương 7, tập 2 của bộ sách gồm 2 tập có tên Giáo trình Lý luận văn học – giáo trình cao đẳng sư phạm cũng do Trần Đình Sử chủ biên, nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Hà Nội; riêng chương 5. Tiếp nhận, thưởng thức và phê bình văn học do Phan Huy Dũng chấp bút (trang 159-187).
Có thể nhận thấy rằng tuy là người phụ trách phần tiếp nhận văn học trong giáo trình lý luận văn học ở bậc đại học và cao đẳng sư phạm cũng như sách giáo khoa bậc trung học phổ thông và là người có vai trò đáng kể trong sưu tập chuyên đề Văn học nghệ thuật và sự tiếp nhận, nhưng Trần Đình Sử khẳng định mình và được biết đến với tư cách là một chuyên gia đầu ngành chủ yếu là ở lĩnh vực thi pháp học lịch sử như ông đã từng tự nhận. Trần Đình Sử nhấn mạnh đến phản tiếp nhận như một loại hình tiếp nhận và bên cạnh đó những quan điểm cơ bản về lý thuyết tiếp nhận của thế giới cũng đã được ông đúc kết và giới thiệu trong bài Mấy vấn đề về lý luận tiếp nhận văn học, được in lại trong tập Lý luận và phê bình văn học; và tiếp đó là cuộc tranh luận – trao đổi về vấn đề tiếp nhận văn học năm 1990 và về vấn đề người đọc năm 2010 Bài viết Lý thuyết tiếp nhận và phê bình văn học (I và II) trong tập tiểu luận Văn học và thời gian là sự chắp nối lại bài viết trong cuộc tranh luận năm 1990 và một bài khác trên tạp chí Sông Hương năm 1999. Trong các tập sách sau đó cũng như trong Tuyển tập Trần Đình Sử, được biên soạn cách đây vài năm không thấy hiện diện các bài viết về tiếp nhận văn học, phải chăng vấn đề tiếp nhận văn học không còn là mối quan tâm khoa học thường trực của ông?
Năm 1990, trên Văn nghệ có cuộc tranh luận về tiếp nhận văn học giữa các tác giả Nguyễn Lai, Nguyễn Thanh Hùng, Nguyễn Văn Dân và Trần Đình Sử. Nguyễn Lai nhấn mạnh đến phẩm chất năng động chủ quan của chủ thể tiếp nhận và tiếp đó là luận điểm từ mã ngôn ngữ chuyển sang mã hình tượng, các luận điểm này vẫn được tác giả bảo lưu trong công trình Ngôn ngữ với sáng tạo và tiếp nhận văn học. Nguyễn Thanh Hùng nhấn mạnh đến quá trình biến đổi chủ thể tiếp nhận thành chủ thể văn học. Các bài viết về tiếp nhận văn học của Nguyễn Thanh Hùng được tác giả tập hợp lại thành cuốn Đọc và tiếp nhận văn chương. Nguyễn Thanh Hùng đã lưu ý đến quá trình tự phát và tự giác trong tiếp nhận, cộng đồng lý giải một tham số đáng tin cậy. Tiếp tục phương hướng nghiên cứu này, năm 2008, Nguyễn Thanh Hùng công bố công trình Đọc – hiểu tác phẩm văn chương trong nhà trường. Bên cạnh đó, Từ Sơn lưu ý đến nhu cầu thông tin và nhu cầu giải trí của công chúng trong tiếp nhận văn học từ góc độ của nhà quản lý.
Năm 1990, công trình Văn học và hiện thực của Viện Văn học có bài Quan hệ văn học – hiện thực và vấn đề tác động, tiếp nhận và giao tiếp thẩm mỹ của Huỳnh Vân, tác giả nhấn mạnh đến chức năng giao tiếp của văn học. Ông cho rằng: “… cần thiết phải nghiên cứu trên cả hai mặt lý luận và lịch sử văn học vấn đề tác động và tiếp nhận văn học và nghệ thuật ” (Huỳnh Vân, 1990, tr.221). Ông đề cập đến vấn đề cần quan niệm mối quan hệ văn học – hiện thực ở cả hai chiều: phản ánh và tác động, tiếp nhận, tức chiều từ hiện thực đến tác giả và tác phẩm và chiều từ tác giả, tác phẩm đến hiện thực. Điều đó nhằm nhấn mạnh rằng khâu tác động và tiếp nhận là không thể không được quan tâm trong nghiên cứu văn học. Nhưng hơn một thập kỷ sau đó, vẫn chưa thấy ông cho công bố tiếp những suy nghĩ mới của ông về vấn đề này.
Cùng năm, tác giả tiếp tục cho công bố trên Tạp chí Văn học bài Nhà văn, bạn đọc và hàng hóa sách hay văn học và sự dị trị. Ông cho rằng sách với tư cách là một hình thức hàng hóa nhưng là một loại hàng hóa đặc biệt. Hai giá trị dị biệt nhau cùng tồn tại trong một thực thể là hàng hóa sách. Ở bài viết này ông đề cập đến khâu trung gian giữa sáng tác và tiếp nhận văn học, nơi mà những yếu tố kinh tế – như một sự tất yếu khó tránh khỏi trong cơ chế kinh tế thị trường, kinh tế sản xuất hàng hóa – tác động vào văn học như một yếu tố dị trị. Năm 2009, nhà nghiên cứu này trở lại vấn đề mỹ học tiếp nhận qua bài Vấn đề Tầm đón nhận và xác định tính nghệ thuật trong mỹ học tiếp nhận của Hans Robert Jauss, như tiêu đề bài viết đã cho biết, bài viết lý giải khá sâu về một trong những khái niệm then chốt của mỹ học tiếp nhận: tầm đón đợi. Cũng như phân tích quan niệm của Jauss về việc xác định tính nghệ thuật của tác phẩm văn học, được coi như là một cơ sở để Jauss xác định tính lịch sử của văn học. Huỳnh Vân cũng lưu ý đến một thực tế trong quá trình vận dụng mỹ học tiếp nhận ở Việt Nam trong thời gian qua là “các tác giả đã không đưa ra những định nghĩa rõ ràng về các khái niệm trên, cho nên kết quả nghiên cứu không tránh khỏi chung chung, mơ hồ” (Nghiên cứu Văn học, số 3, tr.69). Một năm sau đó, 3. 2010, tạp chí Nghiên cứu Văn học cho công bố tiếp bài Hans Robert Jauss: lịch sử văn học là lịch sử tiếp nhận, trong bài này, Huỳnh Vân tiếp tục trình bày và lý giải những luận điểm tiếp theo của H.R. Jauss khi đề xuất những vấn đề, những phương thức cụ thể hơn cho lịch sử văn học đổi mới của ông – lịch sử văn học của người đọc. Đây là những kết quả nghiên cứu đáng tin cậy và có sức thuyết phục, vì tác giả của nó – nhà nghiên cứu Huỳnh Vân là ngừơi nghiên cứu chuyên sâu, tiếp cận tư liệu tận nguồn và cũng là những ý kiến, luận điểm mà chúng tôi sẽ còn tiếp tục trình bày, vận dụng trong những bài viết khác.
Năm 1992, lần đầu tiên tiếp nhận văn học được đưa vào giảng dạy ở trường phổ thông, bài Các giá trị văn học và tiếp nhận văn học do Trần Đình Sử chấp bút được đưa vào sách Văn 12, tập 2. Đến năm 2000, khi hợp nhất có chỉnh lý sách giáo khoa, phần này vẫn được duy trì và do Lê Ngọc Trà biên soạn.
Trong năm này Từ điển thuật ngữ văn học được xuất bản lần đầu, các khái niệm thuộc về lý thuyết tiếp nhận hiện diện rất hạn chế như các mục: nghiên cứu lịch sử chức năng, tiếp nhận văn học, ở các lần tái bản sau các khái niệm cơ bản của lĩnh vực này đã được bổ sung dần theo thời gian.
Trong số những người nghiên cứu lý thuyết tiếp nhận, thì Phương Lựu là một nhà nghiên cứu đáng lưu ý. Năm 1997 ông cho xuất bản giáo trình Tiếp nhận văn học và tiếp tục khẳng định nó trong các công trình sau đó như Mười trường phái lý luận phê bình văn học phương Tây đương đại, Lý luận phê bình văn học phương Tây thế kỷ XX, và gần đây là công trình do ông chủ biên Lý luận văn học – văn học – nhà văn – bạn đọc. Có thể thấy rằng với tư cách là một nhà giáo giảng dạy ở bậc đại học, ông đã giới thiệu tổng quan về lý thuyết tiếp nhận qua nguồn tài liệu tiếng Trung và tiếng Pháp, giúp cho người đọc có những khái niệm cơ sở, rất cần thiết cho việc tiếp tục đi sâu tìm hiểu lý thuyết này. Phương Lựu, Trần Đình Sử và một số nhà nghiên cứu lý luận văn học khác, đã có công trong việc du nhập lý thuyết tiếp nhận vào Việt Nam.
Với mong muốn đổi mới nền phê bình văn học Việt Nam, nhanh chóng hòa nhập với thế giới, năm 1993 Đỗ Đức Hiểu đã cho ra mắt bạn đọc công trình Đổi mới phê bình văn học (Nhà xuất bản Khoa học xã hội – Nhà xuất bản Mũi Cà Mau), trong đó vấn đề mỹ học tiếp nhận, cụ thể là bài Đọc văn chương là một trong những nội dung được ông đặc biệt quan tâm. Ông lưu ý đến vấn đề loại hình học người đọc và xã hội học văn chương với những ý kiến gợi mở.
Năm 1995, nhà xuất bản Giáo dục phát hành cuốn Lý luận văn học, vấn đề và suy nghĩ. Đây không phải là cuốn sách giáo khoa mà là tài liệu tham khảo chuyên sâu dành cho sinh viên và học viên các bậc học sau đại học. Công trình này do hai nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hạnh và Huỳnh Như Phương biên soạn. Chương 5 của sách có tên Tác phẩm và người đọc do Huỳnh Như Phương viết. Tác giả trình bày 3 vấn đề chính của lý thuyết tiếp nhận: 1. Người đọc – chủ thể tiếp nhận văn học; 2. Số phận lịch sử của tác phẩm văn học qua lăng kính của sự tiếp nhận; 3. Phê bình văn học trong hoạt động tiếp nhận văn học.Ở phần thứ ba, tác giả cho rằng ở nước ta đã từng xuất hiện 3 loại phê bình chính như phê bình nghệ sĩ, phê bình xã hội học dung tục và phê bình có tính chất học thuật (Huỳnh Như Phương,1998, tr.162). Năm 2010, nhà nghiên cứu này cho công bố công trình Lý luận văn học(nhập môn), chương 6 của công trình này có tiêu đề Người đọc và tiếp nhận văn học. Các vấn đề và luận điểm cơ bản trên đây được tái khẳng định và đào sâu hơn trước, có một sự thay đổi nhỏ là phần phê bình văn học được tách thành một chương riêng và khái niệm tầm đón nhận của H.R. Jauss được dịch là chân trời chờ đợi (trang 195).
Vấn đề tiếp nhận văn chương trong nhà trường đã được tác giả Phan Trọng Luận trình bày trong Văn chương bạn đọc sáng tạo, thực ra công trình này tiền thân là cuốn Cảm thụ văn học và giảng dạy văn học (1983). Phần phụ lục của công trình này có hai bài viết giá trị của W. Iser và của Richard Beach và James Marshall. Tiếp đó, năm 2008, tác giả xuất bản sách Văn học nhà trường: nhận diện, tiếp cận, đổi mới để làm rõ và tiếp tục lý giải về việc tiếp nhận văn học trong nhà trường.
Các bài viết trên Tạp chí Văn học về tiếp nhận văn học trong nhà trường của tác giả Nguyễn Thị Thanh Hương đã được tập hợp lại trong công trình Dạy học văn ở trường phổ thông; theo nhận xét ban đầu của chúng tôi, thì các công trình của tác giả này cũng như Nguyễn Thanh Hùng, Phan Trọng Luận là nhận diện thực trạng và góp phần nâng cao việc tiếp nhận văn chương trong nhà trường phổ thông, lý thuyết tiếp nhận mà các tác giả này đề cập và vận dụng thường nghiêng về tâm lý tiếp nhận.
Ngoài ra, còn có một số tác giả khác như Phùng Văn Nghệ, Nguyễn Đức Ân, Nguyễn Trọng Hoàn cũng đã có bài viết về vấn đề này.
Tiếp tục hướng nghiên cứu tiếp nhận văn học trong nhà trường phổ thông còn có thể kể đến Giáo trình Cảm thụ văn học của Dương Thị Hương, đây là giáo trình dành cho hệ đào tạo cử nhân giáo dục tiểu học, nó được biên soạn nhằm cung cấp những kiến thức nền tảng về tiếp nhận văn học cho người học. Các tác giả như Trần Văn Thịnh, Hoàng Phong Tuấn cũng đã bước đầu vận dụng một số khái niệm của lý thuyết tiếp nhận như: tầm đón đợi, kinh nghiệm thẩm mỹ, công chúng, khoảng cách thẩm mỹ vào việc dạy và học môn văn nhằm góp phần nâng cao chất lượng, đổi mới dạy và học văn ở trường phổ thông.
Theo quan sát của chúng tôi các bài viết, công trình kinh điển của lý thuyết tiếp nhận vẫn chưa được giới thiệu ở Việt Nam; bên cạnh bài của W. Iser vừa dẫn trên đây thì nhà lý luận đương thời với ông H.R. Jauss vẫn không hơn gì, ngoài tiểu luận Lịch sử văn học như là sự khiêu khích đối với khoa học văn học thì H.R. Jauss vẫn chưa được giới thiệu gì khác. Trong khi đó, theo Nguyễn Thị Thanh Hương “tính từ năm 1949 đến 1987 riêng ông đã viết 25 cuốn sách, 78 chuyên luận, 28 bài bình luận” (Nguyễn Thị Thanh Hương, 1993, Tạp chí Văn học, số 6, tr.56).
Trong số những nhà nghiên cứu về lĩnh vực tiếp nhận văn học ở Việt Nam hiện nay thì Trương Đăng Dung là người bền bỉ và chuyên sâu. Năm 1998 ông xuất bản Từ văn bản đến tác phẩm văn học, năm 2004 ông cho công bố quyển Tác phẩm văn học như là quá trình, cuốn này là sự triển khai những luận điểm đề xuất ở Từ văn bản đến tác phẩm văn học. Ông đã khảo sát những vấn đề mà giới nghiên cứu trong nước ít (chưa) đề cập đến như: văn bản văn học và sự cụ thể hóa văn bản, ngôn ngữ và sự bất ổn của nghĩa, sự đọc và quá trình cắt nghĩa văn bản cũng như những giới hạn của lịch sử văn học.Các công trình này xứng đáng được xem là có đóng góp cực lớn trong việc giới thiệu lý thuyết tiếp nhận vào Việt Nam một cách hết sức nghiêm túc và rất đáng tin cậy như có người đã viết. Các bài viết về lý thuyết tiếp nhận của Trương Đăng Dung từ 2004 trở về trước đã được công bố phần lớn trên Tạp chí Văn học – từ 2004 là Nghiên cứu Văn học và đã được in lại trong hai công trình vừa kể; các bài viết từ năm 2005 đến nay về lĩnh vực này là sự đào sâu và mở rộng những thành tựu đã có. Những luận điểm của ông được đánh giá là mang tính hàn lâm, quy phạm, có hàm lượng khoa học và sức thuyết phục cao. Ông cũng là một trong vài người hiếm hoi ở Việt Nam kiên quyết đi theo con đường làm lý luận thuần túy.
Năm 2004 Từ điển văn học đã được tái bản, các khái niệm thuộc lĩnh vực tiếp nhận văn học do Lại Nguyên Ân viết, trước đó, các mục từ này đã xuất hiện trong cuốn 150 thuật ngữ nghiên cứu văn học – 1999.
Sẽ là một thiếu sót nếu không kể đến các khái niệm của mỹ học tiếp nhận như: kinh nghiệm thẩm mỹ, khoảng cách thẩm mỹ, văn cảnh, cụ thể hóa, đồng nhất hóa, hiện thời hóa, tầm chờ đợi, tính bất định, xác định giao tiếp, tính phi tình thế, nghĩa ảo, lập nghĩa, dãy văn học và tự động hóa trong công trình Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa Kỳ thế kỷ XX qua bản dịch của Đào Tuấn Ảnh, Trần Hồng Vân, Lại Nguyên Ân. Trong cuốn này mục từ tổng quan mỹ học tiếp nhận được định nghĩa khá chi tiết và đầy đủ. Trong số những tài liệu tiếng Việt về lý thuyết tiếp nhận mà chúng tôi đọc được, thì cuốn sổ tay này là một tài liệu đáng tin cậy. Cho đến hôm nay, khi mà chúng ta chưa đào tạo được những chuyên gia có thể tiếp cận được với nguyên gốc những công trình của trường phái Konstanz thì hướng tìm hiểu học thuật phương Tây thông qua học thuật Nga là một hướng khả thi, ít ra trong thời gian trước mắt như nhóm dịch giả đã viết ở đầu sách.
Tác giả Lê Thị Hồng Vân cũng đã có các bài viết về vấn đề tiếp nhận văn học đáng chú ý như: Ảnh hưởng của môi trường văn hóa xã hội đối với việc tiếp nhận văn học trong nhà trường hiện nay (2001); Quan niệm về tác phẩm văn học trong lý luận phê bình văn học phương Tây hiện đại (2004); Người đọc như là một nhân tố tất yếu của tác phẩm văn học (2004); Sự tương tác giữa mã của người gởi và mã của người nhận trong tiếp nhận văn học (2010); Sự tương tác giữa người đọc và văn bản trong hoạt động sáng tạo văn học (2010). Đây là những bài viết có liên quan mật thiết đến luận án tiến sĩ của tác giả Tác phẩm văn học nhìn từ mối quan hệ giữa văn bản và người đọc, bảo vệ năm 2007 tại Viện Văn học .
H. R. Jauss và W. Iser hai nhà nghiên cứu tiêu biểu về lý thuyết tiếp nhận của trường phái Konstanz
Sau khi được đưa vào giảng dạy ở bậc đại học từ năm 1986 và ở bậc học phổ thông từ năm 1992, lý thuyết tiếp nhận còn được gọi là phương pháp lịch sử – chức năng đã chứng minh được khả năng và triển vọng của mình qua việc triển khai thành công của các đề tài khoa học cấp bộ về tiếp nhận văn học Mỹ tại Việt Nam của Nguyễn Hữu Hiếu – 2001, về tiếp nhận L.Tolstoi của Nguyễn Văn Kha – 2004; hoặc các luận án tiến sỹ như: Lịch sử tiếp nhận Truyện Kiều của Phan Công Khanh -2001, Vấn đề tiếp nhận Dostoievski tại Việt Nam của Phạm Thị Phương -2002, Thơ Pushkin trong đời sống văn học Việt Nam (từ góc độ dịch nghệ thuật và tiếp nhận văn học), luận văn thạc sỹ Ngữ văn, Đại học KHXH và NV TP.HCM (2000) của Vũ Xuân Hương, Việc tiếp nhận văn xuôi cổ điển Nga thế kỷ XIX ở Việt Nam của Trần Thị Quỳnh Nga – 2005, luận án này in thành sách năm 2010 có tiêu đề Tiếp nhận văn xuôi Nga thế kỷ XIX ở Việt Nam. Bản thân những vấn đề của lý thuyết tiếp nhận như mối quan hệ giữa văn bản và người đọc cũng được bước đầu giải quyết qua luận án Tác phẩm văn học nhìn từ mối quan hệ giữa văn bản và người đọc của Lê Thị Hồng Vân – 2007, Vấn đề chủ thể tiếp nhận qua lịch sử tiếp nhận Thơ mới của Mai Thị Liên Giang – 2008… Gần đây, theo quan sát của người viết thì tạp chí Nghiên cứu Văn học của Viện Văn học khi làm số chuyên đề về các nhà văn cổ điển nước ngoài thì bình diện tiếp nhận tại Việt Nam cũng đã được chú ý, mà các bài viết như Tiếp nhận Gogol ở Việt Nam qua bản dịch Những linh hồn chết của Đào Tuấn Ảnh, số 5/2009, hay L.Tolstoi ở Việt Nam – giai đoạn từ 1954 đến nay của Trần Thị Quỳnh Nga, số 12/2010, … là những ví dụ tiêu biểu.
Sự kiện gần đây nhất có liên quan đến lý thuyết tiếp nhận là cuộc trao đổi giữa Đỗ Lai Thúy và Trần Đình Sử xoay quanh bài viết Khi người đọc xuất hiện, bài này vốn đã được công bố từ năm 2006 và sau cuộc trao đổi trở thành một chương sách trong công trình Phê bình văn học con vật lưỡng thê ấy, cuộc trao đổi xoay quanh vấn đề người đọc cổ điển và người đọc hiện đại với các tiêu chí như: đứng ngoài/ đứng trong, thụ động/ chủ động, tuyến tính/phi tuyến tính, nghĩa tồn tại/ nghĩa kiến tạo.
3. KẾT LUẬN
Với những gì đã trình bày sơ lược trên đây về quá trình tiếp nhận, giới thiệu và vận dụng lý thuyết tiếp nhận trong giới nghiên cứu ở Việt Nam, có thể thấy rằng giới nghiên cứu đã nắm bắt được những vấn đề cốt lõi, dù rằng chưa thật đầy đủ và hệ thống như Nguyễn Văn Dân đã nhận xét. Điều này là hiển nhiên, vì đây là một lý thuyết mới, còn đang trên đường hoàn thiện như những bậc thầy của nó có lần phát biểu. Tuy nhiên, những ý kiến của các nhà nghiên cứu ở nước ta đã góp phần khẳng định vị trí của lý luận tiếp nhận ở Việt Nam.
Việc nó đã được nghiên cứu và giảng dạy từ bậc phổ thông đến sau đại học một lần nữa chứng tỏ sức sống cũng như những tiềm năng và những kết quả – hiệu quả mà nó mang lại cho việc nghiên cứu văn học ở nước ta.
Vận dụng lý thuyết tiếp nhận vào nghiên cứu văn học Việt Nam ở các cấp độ tác phẩm như Truyện Kiều, tác giả như Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu; hay các tác giả thuộc văn chương hiện đại như Vũ Trọng Phụng, Hàn Mạc Tử…; hay trào lưu như phong trào Thơ Mới, hay văn học kháng chiến chống Pháp so với văn học 1932-1945 trước đó về tầm đón đợi sẽ là những tiền đề, bước đầu cho việc bổ xung vào lịch sử văn học Việt Nam một phương diện mới: lịch sử của người đọc, lịch sử tiếp nhận.
————————————————–
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Huỳnh Vân. 1990. Quan hệ văn học hiện thực và vấn đề tác động, tiếp nhận và giao tiếp thẩm mỹ, trong Văn học và hiện thực. Hà Nội: Nxb. Khoa học xã hội.
- Huỳnh Vân. 1990. Nhà văn, bạn đọc và hàng hóa sách hay văn học và sự dị trị. Tạp chí Văn học. Số 6.
- Huỳnh Vân. 2009. Vấn đề tầm đón đợi và xác định tính nghệ thuật trong mỹ học tiếp nhận của Hans Robert Jauss. Nghiên cứu Văn học. Số 3.
- Huỳnh Vân. 2010. Hans Robert Jauss: Lịch sử văn học là lịch sử tiếp nhận. Nghiên cứu Văn học. Số 3.
- M. B. Khrapchenko. 1978. Thời gian và cuộc sống của tác phẩm văn học. Trong Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển văn học, Nhà xuất bản Tác phẩm mới, Hà Nội, trang 289-331. (Người dịch: Lê Sơn – Nguyễn Minh).
- Malfred Nauman. 1978. Song đề của “Mỹ học tiếp nhận”. (Người dịch: Huỳnh Vân). Tạp chí Văn học. Số 4.
- Nguyễn Văn Dân. 1985. Tiếp nhận“mỹ học tiếp nhận” như thế nào? Thông tin Khoa học xã hội, số 11 (89) 1985.
- Nguyễn Văn Dân. 1986. Nghiên cứu sự tiếp nhận văn chương trên quan điểm liên ngành. Tạp chí Văn học. Số 4.
- Nguyễn Văn Dân – Trần Đình Sử và tác giả khác. 1991. Văn học nghệ thuật và sự tiếp nhận. Viện Thông tin Khoa học xã hội, Hà Nội (Nguyễn Văn Dân biên tập và giới thiệu).
- Nguyễn Thị Thanh Hương. 1993. “Hanx Rôbơc Daux (Hans Robert Jauss) người sáng lập trường phái mỹ học Công – xtăng (Konstanz). Tạp chí Văn học. Số 6.
- Nguyễn Văn Hạnh. 1971. Ý kiến của Lê-nin về mối quan hệ giữa văn học và đời sống. Tạp chí Văn học. Số 4.
- Nguyễn Văn Hạnh – Huỳnh Như Phương. 1998. Lý luận văn học, vấn đề và suy nghĩ. Hà Nội: Nxb. Giáo dục.
- Phương Lựu. 1997. Tiếp nhận văn học. Hà Nội: Nxb. Giáo dục.
- Trần Đình Sử. 1986. Bạn đọc và tiếp nhận văn học. Trong Phương Lựu, Trần Đình Sử, Lê Ngọc Trà, Lý luận văn học. Tập I. Hà Nội: Nxb. Giáo dục.
- Trương Đăng Dung.1998. Từ văn bản đến tác phẩm văn học. Hà Nội: Nxb. Khoa học xã hội.
- Trương Đăng Dung. 2004. Tác phẩm văn học là quá trình. Hà Nội: Nxb. Khoa học xã hội.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, số 06 (166) – 2012, trang 29-37