Gần 1500 năm trước Lưu Hiệp trong thiên “Tri âm” của Văn tâm điêu long nói: “con lân, con phượng, con hoẵng, con gà rừng khác hẳn nhau, châu ngọc và đá sỏi hoàn toàn khác nhau, dưới thanh thiên bạch nhật có đôi mắt sáng mà quan sát thì phải nói là khó bề nhầm lẫn; thế nhưng người nước Lỗ nhìn lân ra hoẵng, người nước Sở lại xem gà rừng là phượng hoàng, người nước Ngụy lại coi ngọc dạ quang là hòn đá kì lạ, còn người nước Tống lại xem hòn đá núi Yến là châu báu! Những vật có hình dáng cụ thể dễ nhận đến thế mà còn nhầm lẫn lung tung thì văn chương vốn khó thẩm định rõ ràng, ai dám bảo là dễ phân biệt? “Từ đó ông đề ra cách thức để đánh giá đúng tác phẩm gồm sáu điều: xem sắp xếp thể loại, xem bố trí ngôn từ, xem kế thừa và cách tân, xem phong cách, xem điển cố, xem thanh luật. Theo ông cứ sáu điểm ấy mà xem thì phân biệt được văn hay dở. Quan điểm ấy dựa trên một tiền đề là xem văn bản ổn định, bất biến, chỉ cần “hư tâm”,để lòng cho sạch, có phương pháp đúng thì rồi sẽ hiểu đúng tác phẩm.
Lí luận tiếp nhận hiện đại không giản đơn qui “lỗi” cho người đọc, mà có nhận thức mới đối với văn bản tác phẩm. Văn bản không phải là một sản phẩm bất biến và đơn nghĩa, mà là có nội dung vô tận, đã nghĩa. Từ đầu thế kỉ nhà nghiên cứu Nga A.Gornơphen đã nói: “Mọi tác phẩm nghệ thuật đều là tượng trưng và việc sử dụng nó thì vô cùng tận, các khái quát nghệ thuật mang tính bóng gió cho nên ý nghĩa cũng vô cùng tận”. Nhà nghiên cứu L.Vưgôcxki cũng nói: “Tác phẩm nghệ thuật… cho phép có nhiều vô tận các cách cắt nghĩa… và đó là điều đảm bảo cho ý nghĩa không tàn phai của nó”. Tác giả M.Epstein trong Giản yếu bách khoa văn học (1978) viết: “Sự cắt nghĩa dựa trên tính “mở”, tính nhiều nghĩa của hình tượng nghệ thuật, là cái đòi hỏi phải có nhiều vô hạn cách cắt nghĩa để bộc lộ bản chất của nó và đảm bảo khả năng về một đời sống lịch sử lâu dài, được phát triển thêm các ý nghĩa mới”. Tính chất này đã được hoàn toàn chứng thực, chẳng hạn qua ví dụ về bài thơ Thề non nước của Tản Đà, Truyện Kiều của Nguyễn Du và vô vàn tác phẩm khác. Tính khái quát tượng trưng cho phép có thể liên hệ với nhiều tình huống khác nhau của đời sống, và do đó mà có các ý nghĩa khác nhau. Sự cảm thụ khác nhau do kinh nghiệm, hứng thú, lập trường, quan điểm của người đọc, khiến cho sự chú ý, rung cảm của người đọc liên hệ với các thuộc tính, chi tiết, bình diện khác nhau của tác phẩm: đạo đức, triết lí, thẩm mĩ, chính trị, nhạc điệu v.v… Các thời kì lịch sử và môi trường xã hội cũng có cách hiểu chung của chúng, khiến cho cách hiểu của các cá nhân bị phụ thuộc vào. Ví như cách hiểu về “thơ mới” qua các thời kì, các môi trường xã hội.
Vậy liệu có thể nói tới cách hiểu đúng và sai đối với tác phẩm hay không?Việc khen chê có còn có tính khách quan khoa học không? Đối với vấn đề này một số nhà lí luận phương Tây hoàn toàn phủ nhận ý nội dung khách quan. Các nhà lí luận Cộng hòa liên bang Đức như Xaoxơ, Yderơ thì không xem văn bản là trung tâm của nghiên cứu văn học, còn nhà lí luận Mĩ S.Feisơ thì coi như văn bản đã biến mất, tác phẩm do người đọc cấu tạo ra. Đó là những quan điểm cực đoan, bởi vì không thể xem văn bản là con số không được. Mọi sự cắt nghĩa đều bị cái được cắt nghĩa qui định: ngôn từ, thể loại, cấu trúc, bộ phận và chỉnh thể… Không thể cảm thụ một bài thơ thành tiểu thuyết, văn xuôi thành văn vần. Rõ ràng văn bản có những ranh giới không cho phép sự cắt nghĩa sáng tạo tùy tiện vượt qua. Một sự cắt nghĩa có cơ sở trong các dữ kiện của tác phẩm, phù hợp với cấu trúc biểu hiện của tác phẩm là cách cắt nghĩa có sức thuyết phục. Nhà lí luận văn học Nga M. Khơrápchencô ví tác phẩm như máy thu thanh có nhiều dải tần, người đọc có thể điều chỉnh để tìm tiếng nói, chương trình thích hợp, và chỉ khi điều chỉnh đúng thì mới nghe được, nếu không chỉ có tạp âm. Như vậy là có nhiều cánh đọc và sẽ không có một người đọc duy nhất đúng. Những cánh đọc tác phẩm bằng cách trích dẫn ý kiến thưởng thức của các tác giả có uy tín đi trước rồi xem là duy nhất đúng chẳng có gì hơn là một sự lặp lại đơn thuần. Người đọc văn học được xem là kẻ đồng sáng tạo ra tác phẩm không phải chỉ với tư cách làm sống dậy tác phẩm trong cảm thụ (như bù đắp, chắp nối, liên tưởng, cụ thể hóa…) mà còn phát hiện ý nghĩa mới và mối liên hệ chỉnh thể tương ứng với nó. Như vậy, chỉ cần có căn cứ đầy đủ thì mọi cách đọc đều là những cách mở ra các cánh cửa chìm của tác phẩm.
Nói về việc tìm ra ý nghĩa tác phẩm, nhiều nhà lý luận tiếp nhận hiện đại cho rằng ý nghĩa không nằm trong văn bản tác phẩm, mà nằm trong tầm đón nhận của người đọc, trong cái khung ý nghĩa mà người đọc đem lồng vào tác phẩm. Đây là điều có một phần sự thực, là điều mà lí luận văn học Trung Quốc xưa nói là kẻ trí giả đọc thì thấy trí, kẻ có lòng nhân đọc thì thấy điều nhân. Thánh Thán nói kẻ biết văn đọc Tây sương thì thấy văn hay, kẻ hiếu dâm đọc nó lại thấy là dâm thư! Nhưng lõi cốt vấn đề là sự gặp gỡ của người đọc và tác phẩm. Nếu tác phẩm không có trí và nhân thì còn nói gặp gỡ thế nào được! Do đó không thể phủ nhận tính khách quan của văn bản.Mặt khác, một khi đã hiểu tác phẩm theo cách này thì không dễ gì hiểu được cách hiểu của người khác. Bởi vì nhiều người đã cho thấy: Cũng giống như trong học tập, cái trở ngại cho sự tiến bộ không phải là điều chưa biết, mà là điều đã biết, “Bình luận một tác phẩm có nghĩa là giăng một lớp màng ngăn cách lên tác phẩm, ngăn trở việc thâm nhập hoặc tiếp cận tác phẩm như nó vốn có hoặc theo cách khác”. Do đó người đọc thiếu bản lĩnh thường không đủ sức vượt qua những màng ngăn của người đi trước để thâm nhập tác phẩm một cách độc lập. Và nhiều nhà bình luận cũng tự xây kén kín mít xung quanh mình đến nỗi mất hẳn năng lực hiểu người khác, và rồi họ cứ dẫm chân tại chỗ!
Do tình trạng như thế mà nhà phê bình Mĩ Harônđơ Blum quả quyết rằng mọi sự đọc đều là xuyên tạc. Cũng giống như người ta thường nói “dịch là phản”, “dịch là diệt”, giải thích tác phẩm là dịch ngôn ngữ nghệ thuật ra ngôn ngữ thông thường, cho nên nó cũng là “phản”. Harônđơ Blum hứng thú với việc xem xét các nhà thơ đã đọc tác phẩm của các tiền bối của họ ra sao. Luận đề của Blum là: mỗi nhà thơ có năng lực đều xuyên tạc các ông thầy (hoặc bà thầy) vĩ đại của họ, và xem đó là lý luận phổ biến về thơ ca. Nhưng luận đề này cũng bao hàm cả mọi nhà phê bình. Theo Blum thì “hiểu lầm” là yếu tố tất yếu nằm trong phê bình và nghiên cứu văn học sử, và “việc các nhà thơ hiểu thơ một cách xuyên tạc thường gặp hơn và cực đoan hơn so với cách hiểu lầm của nhà phê bình” (Lý luận thơ ca: niềm lo lắng của ảnh hưởng, Đại học Oxford, 1973 trích theo bản dịch Trung văn). Bởi vì nhà thơ giàu tưởng tượng dễ dàng biến bài thơ của tiền bối thành một bài văn xuôi giàu ma lực, còn mức độ xuyên tạc thì phụ thuộc vào cá tính của nhà thơ. Lí thuyết của Blum xem ra rất cực đoan, nhưng không phải là không có phân lượng chân lí.
Lý luận tiếp nhận ngày nay chưa thể nói là đã giải quyết ổn thỏa mọi khúc mắc, nhưng rõ ràng đã mở ra một bức tranh phức tạp khiến chúng ta phải suy nghĩ. Phê bình nhầm là chuyện thường, nhưng nhiều khi phê bình lầm mà phương hại một đời văn, đời thơ thì chẳng còn là chuyện thường được nữa. Thói thường nhà phê bình tự tin cứ phăm phăm xông lên phía trước, mối ngôn từ dào dạt tuôn ra, hoặc bắn ra như súng máy cực nhanh, mấy ai bình tâm nghĩ lại xem cách bắn của mình và liệu có bắn oan không?
Lý luận tiếp nhận ngày nay giải phóng cho sức sáng tạo của người đọc, mở cửa cho sự phê bình nhiều phía nhiều chiều, nhưng cũng đòi hỏi hơn bao giờ hết sự cẩn trọng. Nó dập tắt cái tư tưởng chỉ sùng bái một vài cây bút được gọi là quyền uy, mặc dù tài năng không phải là thứ được chia đều cho mọi người.
Nguồn: http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=790%3Aly-thuyt-tip-nhn-va-phe-binh-vn-hc&catid=94%3Aly-lun-va-phe-binh-vn-hc&Itemid=135&lang=vi