Mảnh vụn văn hóa phương Nam qua những tư liệu gốc
Trước đây cũng đã từng có ý kiến nghi ngờ phương Nam không có văn học. Quan điểm ấy đã từng bị nhiều nhà nghiên cứu nghiêm túc bác bỏ, và bằng nhiều cứ liệu rất thuyết phục, các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng kho tàng văn hóa phương Nam rất phong phú, đặc sắc. Từ bấy đến nay công việc truy tìm văn hóa phương Nam vẫn được nhiều nhà nghiên cứu nối tiếp nhau tiếp tục. “Miền Nam đi trước về sau” – chiến tranh, khí hậu ẩm thấp, lụt lội làm cho kho tàng văn hóa phương Nam vơi đi mau chóng. Vì vậy tôi rất vui mừng khi cầm trên tay tập sách Tìm trong di sản văn hóa phương Nam của hai tác giả Nguyễn Đông Triều và Phan Mạnh Hùng.
Điều đặc biệt trong tập sách này là văn hóa phương Nam đều được kể lại bằng các câu chuyện nhẹ nhàng, mới mẻ với những tư liệu gốc.
Đó là câu chuyện về Văn thánh miếu Vĩnh Long với nhiều tư liệu và ý tưởng mới. Đó là việc phát hiện ra nhiều di tích quan trọng ở Nam Bộ: mộ ông nội của Tả quân Lê Văn Duyệt, đền thờ Châu Văn Tiếp, mộ cổ dòng họ Lâm ở Cái Bè (Tiền Giang), hoành phi câu đối Hán Nôm ở đình Minh Hương Gia Thạnh (Quận 5, TP.HCM), chùa Tiên Châu, đình chùa ở thị xã Gò Công (Tiền Giang). Đó là việc phát hiện ra nhiều tư liệu Hán Nôm rất quý như: bài Tế trận vong bệnh cố tướng sĩ văn của võ tướng Lê Văn Đức, bài văn điếu hai chí sĩ Phan Văn Đạt và Lê Cao Dõng, tập thơ Nôm Lâm Sanh tân thơ, một số bài thơ của Nhiêu Tâm, khúc ngâm viếng bạn của nữ sĩ họ Nguyễn và một số tư liệu Hán Nôm được sưu tầm trong dân gian…
Đó cũng là những câu chuyện văn gần hơn: văn học quốc ngữ ở Nam Kỳ diễn ra từ hơn một thế kỷ nay. Đó là những bài viết với những tư liệu mới và chính xác: từ Huỳnh Tịnh Của, đến Trần Phong Sắc, Phú Đức, Hồ Biểu Chánh, Phi Vân. Người đọc rất thú vị trước hình ảnh Vũng Tàu, Thủ Dầu Một, Tây Ninh hàng trăm năm trước qua du ký của Biến Ngũ Nhi. Người đọc được biết thêm nhiều tác phẩm không thể không biết của văn học Nam Bộ: Hòn máu bỏ rơi của Phan Huấn Chương, Mây ngàn của Vita. Người đọc biết đến những tư liệu quý như bài văn tế của Phan Bội Châu về vụ chìm tàu năm 1933 ở Nam Kỳ mà Phan Bội Châu toàn tập bỏ sót…
Anh Nguyễn Đông Triều là thạc sĩ, giảng viên bộ môn Hán Nôm, anh Phan Mạnh Hùng là tiến sĩ, giảng viên bộ môn Văn học Việt Nam, cả hai bộ môn đều thuộc khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh. Hai anh đang bắt đầu bước vào độ tuổi “chín” của người nghiên cứu. Qua những đợt nghiên cứu điền dã ở đồng bằng sông Cửu Long, qua nhiều tháng ngày lục tìm tư liệu ở các thư viện lớn ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, hai anh đã thu thập được nhiều tư liệu mới, từ đó hình thành nên bài viết của mình. Phong cách viết nghiêm cẩn, trọng tư liệu gốc là điểm chung giữa hai tác giả này, tuy nhiên mỗi người cũng có vẻ riêng: Nguyễn Đông Triều thì uyên thâm mà phóng khoáng; Phan Mạnh Hùng thì quảng bác mà tài hoa.
Khác với những ý kiến nông nổi của một vài người về văn học Nam Bộ, nhà bác học Lê Quý Đôn từ hơn 200 năm trước khi tiếp xúc với kho tư liệu phong phú ở phương Nam đã phải ngạc nhiên mà thốt lên: “văn mạch một phương dằng dặc không dứt” (Lê Quý Đôn toàn tập, tập 1: Phủ biên tạp lục, NXB KHXH, 1977, tr.234). Tập sách Tìm trong di sản văn hóa phương Nam của hai tác giả Nguyễn Đông Triều, Phan Mạnh Hùng góp phần khẳng định ý tưởng đó, đồng thời chính các anh cũng là những người nối dài văn mạch phương Nam này.
TP.Hồ Chí Minh, tháng 5 năm 2016
http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/gioi-thieu-sach-bao/6217-mảnh-vụn-văn-hóa-phương-nam-qua-những-tư-liệu-gốc.html