Sách hay của nhà giáo
60 năm trước, cùng với sự hình thành ĐH Tổng hợp Hà Nội, Khoa Ngữ văn – về sau chia thành hai khoa Văn học và Ngôn ngữ học – ra đời và từng bước khẳng định vị thế của mình trong đào tạo và nghiên cứu ở miền Bắc, rồi sau 1975, trên phạm vi cả nước.
Trong dịp kỷ niệm này, các nhà giáo ở Khoa Văn học cho xuất bản một loạt giáo trình, chuyên khảo, trong đó 3 cuốn sách đang được dư luận chú ý là Toàn cảnh thơ Việt Nam 1945 – 1975 của Nguyễn Bá Thành, Văn học Nga hải ngoại: quá trình – đặc điểm – tiếp nhận của Phạm Gia Lâm, Tiểu thuyết phương Tây thế kỷ XX: khuynh hướng – tác giả – tác phẩm của Trần Hinh. Cả 3 cuốn sách này đều do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội đầu tư, in khổ lớn và trình bày trang nhã.
Kết quả một quá trình chuẩn bị dài lâu
Nguyễn Bá Thành là chuyên gia về thơ VN hiện đại. Cuốn sách dày 520 trang của ông là kết quả một quá trình chuẩn bị dài lâu: tích lũy tư liệu, suy ngẫm, đối chứng, phân tích và khái quát.
Qua những dẫn chứng sinh động và những phân tích sâu sắc, Nguyễn Bá Thành đi đến khám phá về sự vận động và phát triển của thơ trong những điều kiện lịch sử khác nhau. Phần viết về “Mạch ngầm thơ siêu thực ở miền Bắc những năm 1955 – 1975” (chương 2); “Hình tượng Tổ quốc đau thương và người lính sầu hận”, “Biểu hiện tính dục trong thơ đô thị miền Nam” (chương 3) có những trang tinh tế, cho thấy tinh thần khách quan của người nghiên cứu. Bạn đọc có thể thảo luận với tác giả về việc phân định vị trí và tầm ảnh hưởng của các khuynh hướng, nhưng chắc dễ chia sẻ ý tưởng về sự gặp gỡ của thơ VN thời kỳ này ở khát vọng độc lập, hòa bình và thống nhất, ở nỗ lực tìm tòi không mệt mỏi trên con đường hiện đại hóa văn học.
Một khảo sát công phu
Cuốn sách 444 trang về văn học Nga hải ngoại của Phạm Gia Lâm đề cập đến một hiện tượng hết sức phức tạp và có thể xem là công trình đầu tiên ở nước ta về đề tài này. Qua khảo sát công phu một khối lượng tư liệu lớn bằng tiếng Nga và tiếng Anh, tác giả đã trình bày mạch lạc bối cảnh hình thành văn học Nga hải ngoại, những đặc điểm, những mối quan hệ và số phận lịch sử của nó trong thế kỷ 20 đầy biến động. Từ trường hợp sáng tác của Ivan Bunin và Vladimir Nabokov, Phạm Gia Lâm nói đến những “cách thế hồi hương” của văn học Nga hải ngoại, mà sự kế tục truyền thống văn học cổ điển và sự đối thoại văn hóa là những nhịp cầu nối liền hiện tại với quá khứ và tương lai. Xem văn học Nga hải ngoại như một bộ phận không thể tách rời với tiến trình văn học dân tộc thống nhất trong đa dạng, cuốn sách này có những gợi ý bổ ích cho chúng ta tham khảo khi ứng xử với văn học VN ở hải ngoại.
Thành tựu tâm đắc
Ra đời cùng lúc, cuốn sách 352 trang của Trần Hinh dành cho thành tựu văn học đỉnh cao ở một chân trời khác: tiểu thuyết phương Tây thế kỷ 20. Sau khi giới thiệu tổng quan về khuynh hướng, trào lưu, trường phái trong tiểu thuyết, Trần Hinh đi sâu phân tích nghệ thuật tiểu thuyết qua những hiện tượng độc đáo: F.Kafka và khuynh hướng sáng tác huyền thoại, A.Camus và tiểu thuyết hiện sinh, E.M.Remarque và khuynh hướng kể chuyện nhiều điểm nhìn, E.Hemingway và khuynh hướng “mạch ngầm”, M.Duras với thể loại tự truyện và khuynh hướng tiểu thuyết – điện ảnh, Le Clézio và khuynh hướng tiểu thuyết – thơ. Trước đây, Trần Hinh đã công bố nhiều công trình nghiên cứu về văn học phương Tây, cuốn sách này có thể xem là thành tựu tâm đắc nhất của ông. Cuốn sách góp phần khẳng định một sự thật có sức thuyết phục: tiểu thuyết không chết, tương lai của nó còn rất nhiều hứa hẹn.
Những năm gần đây, Khoa Văn học còn công bố nhiều công trình nghiên cứu giá trị khác của các nhà giáo đương nhiệm: Phạm Quang Long, Trần Nho Thìn, Trần Ngọc Vương, Bùi Việt Thắng, Lý Hoài Thu, Đào Duy Hiệp, Phạm Thành Hưng, Hà Văn Đức, Đoàn Đức Phương, Phạm Văn Khoái, Trần Khánh Thành… đặc biệt là của thế hệ giảng viên ở độ tuổi trên dưới 40: Phạm Xuân Thạch, Hoàng Cẩm Giang, Phạm Văn Hưng, Nguyễn Thùy Linh, Nguyễn Thị Như Trang… Những công trình đó khẳng định năng lực của một đơn vị nghiên cứu và đào tạo mà sự tiếp nối của các thế hệ đã tạo nên tầm vóc 60 năm của khoa.
Nguồn: http://thanhnien.vn/giao-duc/sach-hay-cua-nha-giao-765145.html