Phong tục ngày tết trong thơ xuân thuở trước

Share Button

Tác giả: Ý THIẾP

PHONG TỤC NGÀY TẾT TRONG THƠ XUÂN THUỞ TRƯỚC
Ý THIẾP-Thơ mới 1932-1945, gần một thế kỉ qua đã trở nên quen thuộc với công chúng văn học. Quen thuộc, nhưng để nói rằng chúng ta đã tường tận mọi diễn biến trong lòng sự kiện này lại dường như là điều không một ai dám đoan quyết. Dù sao, đấy vẫn là cách nói về một câu chuyện quen thuộc của quá khứ. Sự thật là, Thơ mới và câu chuyện văn hóa, văn học, mĩ học thời Thơ mới vẫn chưa bao giờ được nhận diện, mô tả và đánh giá một cách cặn kẽ, triệt để và rốt ráo.

Chính vì thế, sự trở lại bao giờ cũng là cần thiết, nó hàm chứa động cơ “ôn cố tri tân”, với hi vọng làm tròn đầy thêm nhận thức ở thực tại.
Mùa xuân năm 1932, khi bài thơ Tình già của Phan Khôi được công bố trên “Tập văn Mùa xuân” của báo Đông Tây cùng với bài viết Một lối thơ mới trình chánh giữa làng văn, Thơ mới chính thức được khai sinh. Gần 90 năm sau, cũng trong không khí của mùa xuân, khí vị ôn hòa đầu năm gợi cho chúng ta những hương sắc và thanh âm ngày cũ. Hương sắc ấy hiện về từ chính những phong tục ngày xuân mà thi nhân xưa ghi lại trên từng nhịp điệu thi ca.
Tết đến, xuân về, nhịp hân hoan của trời đất và lòng người có lẽ hiện ra một cách cụ thể qua việc chuẩn bị tết của bà của mẹ: Tết đến mẹ tôi vất vả nhiều/ Mẹ tôi lo liệu đủ trăm chiều/ Sân gạch tường hoa người quét lại/ Vẽ cung trừ quỷ, giồng cây nêu /…/ Trữ gạo nếp thơm, mo gói bó/ Dọn nhà, dọn cửa, rửa ban thờ/…/ Sắm sửa đồ lề về việc tết/ Mẹ tôi đi chợ buổi hôm nay (Tết của mẹ tôi – Nguyễn Bính). Những phiên chợ cuối năm đông vui, nhộn nhịp là dịp để người người, nhà nhà sắm sửa việc tết. Dường như, những bận bịu cuối năm khác hẳn với cái bận bịu lo toan thường ngày. Vào thời điểm này, ai cũng muốn sắm sửa cho bản thân và gia đình một cái tết đủ đầy, đầm ấm. Cả năm có thể thiếu thốn, chắt bóp, nhưng tết đến xuân về phải tinh tươm, chu toàn. Quan niệm “tết nhất” hiện hình trong không khí rộn ràng, trong màu sắc hân hoan, vui vẻ của chợ phiên ngày tết: Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi/ Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh/ Trên con đường viền trắng mép đồi xanh/ Người các ấp tưng bừng ra chợ tết (Chợ tết – Đoàn Văn Cừ). Chợ tết trong mô tả của Đoàn Văn Cừ đã hiện lên một cách vui tươi, sinh động. Từ cụ già đến trẻ thơ, các bà các mẹ, nam thanh nữ tú, cụ đồ nho đến ông lí trưởng, con gà trống, mẹt cam đỏ, bức tranh gà, tràng pháo… tất thảy được nhuộm trong không khí tưng bừng ngày tết. Dường như, ai ai cũng hân hoan, ai ai cũng nô nức. Tâm trạng này bắt nguồn từ phong tục “sống tết – chết giỗ” của người Việt Nam. Ngày tết là dịp để con người nghỉ ngơi, đoàn tụ, báo hiếu tổ tiên, mừng tuổi người già, trẻ nhỏ. Bởi thế, dù thiếu thốn lúc này lúc khác, dù thắt lưng buộc bụng quanh năm, thì ngày tết vẫn phải cố gắng vun vén sao cho đủ đầy, với hi vọng mùa xuân mới thật sung túc, trong ấm ngoài êm. Những vật phẩm chuẩn bị cho ngày tết như gạo nếp, thịt lợn, bánh chưng, dưa hành… về căn bản vẫn là nông sản của vườn nhà, quê kiểng. Những thức món chưng biện trên mâm cỗ ngày xuân cho thấy tấm lòng của con người đối với tổ tiên, gia đình và môn khách. Món ăn ngày tết thể hiện mối liên hệ mật thiết của đời sống sinh hoạt, kinh kế xã hội trong truyền thống nông nghiệp của người Việt: Giết lợn, đồ xôi, lại giết gà/ Cỗ bàn xong cả từ hôm qua/ Suốt đêm giao thừa mẹ tôi thức/ Lẩm nhẩm cầu kinh Đức Chúa Ba (Tết của mẹ tôi – Nguyễn Bính). Phong tục chuẩn bị tết cũng được Nguyễn Bính nhắc đến với việc vẽ cung trừ quỷ và trồng cây nêu. Tín ngưỡng dân gian Việt Nam xem việc trồng cây nêu và vẽ cung trừ quỷ như một hoạt động trừ đuổi ma quỷ. Cây nêu bằng tre, cao khoảng năm đến sáu mét, tước hết lá cành, chỉ để lại một túm lá trên ngọn, treo cái khánh đất, chuông con hoặc những con cá nhỏ, bên dưới cái vòng có treo một chiếc mũ thần, lá dứa hoặc cành xương rồng gai… Mục đích của cây nêu là dẫn đường cho tổ tiên về ăn tết, trừ ma tà quỷ dữ. Cung trừ quỷ vẽ bằng vôi trắng ở các góc sân, mặt tường, cổng vào, mũi tên bắn ra các phía nhằm tiễu trừ ma quỷ… (Xem thêm Hội hè lễ tết của người Việt của Nguyễn Văn Huyên, Nxb Thế giới, 2017, tr.17 – 18). Tín ngưỡng này giờ đây không còn phổ biến, nhưng ngày tết đi vào các làng quê, ta vẫn còn bắt gặp. Không khí ngày tết với những hình vẽ đơn sơ trên nền đất, xi măng, trên bức tường loang lổ rêu phong gợi lại bao hoài niệm thiêng liêng của một thời, có lẽ còn hân hoan trong kí ức thơ dại.

Ngày tết, phong tục xin chữ, cho chữ, viết câu đối, khai bút đầu xuân còn đọng lại trong một vài bài Thơ mới, mà mỗi khi đọc lại, đều gợi những nỗi u hoài xen lẫn tiếc nuối. Bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên là một khoảnh khắc như thế: Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua/ Bao nhiêu người thuê viết/ Tấm tắc ngợi khen tài/ Hoa tay thảo những nét/ Như phượng múa rồng bay. Dù có là “di tích tiều tụy và đáng thương của một thời tàn” (Hoài Thanh), hình ảnh ông đồ và tập tục viết câu đối, xin chữ ngày xuân vẫn gợi lên trong chúng ta cảm giác bình an, thanh nhẹ, gieo vào lòng người mối hoài cảm vàng son đã phai nhạt. Không còn bóng dáng ông đồ trên phố, nhưng đó đây tục khai bút đầu xuân – một phong tục đẹp- vẫn được duy trì trong những nếp nhà, nhất là những gia đình trọng chữ nghĩa. Khai bút đầu xuân là gửi gắm cảm xúc, tâm tình, suy tư, hi vọng của mình vào trong câu chữ. Con chữ đầu năm, như đường cày tịch điền của vua, ẩn chứa biết bao ý vị của người cầm bút: Thày tôi lấy một tờ hoa tiên/ Bút lông dầm mực viết lên trên/ Trên những gì gì tôi không biết/ Giữa đề năm tháng, dưới đề tên (Tết của mẹ tôi – Nguyễn Bính).
Tết là một sự kiện trọng đại trong dòng thời gian của cộng đồng, của đời người. Ngoài việc đánh dấu thời khắc năm cũ chuyển sang năm mới trên phương diện thời gian – tiết nhịp, tết còn là dịp để nghỉ ngơi, đoàn tụ, thăm hỏi, chúc mừng, báo hiếu gia tiên, cầu chúc an lành cho một năm mới – một chu trình sống tiếp theo của con người và cộng đồng. Bởi thế, trong Thơ mới thể hiện khá nhiều quan niệm ứng xử, phong tục ngày tết cùng các hoạt động thăm viếng, chúc tụng, chơi tết, du xuân, lễ hội… Thường thì, hi vọng một mùa xuân mới an lành, trọn vẹn, người ta kiêng tránh những cãi cọ, đổ vỡ ngày đầu năm: Mặc quần mặc áo lên trên nhà/ Thắp hương thắp nến lễ ông bà/ Chớ có cãi nhau, chớ có quấy/ Đánh đổ đánh vỡ như người ta (Tết của mẹ tôi – Nguyễn Bính). Sáng mùng một tết, đường sá trong làng, ngoài phố dường như tĩnh lặng. Tín ngưỡng xông đất đầu năm khiến cho việc đến nhà ai đó vào buổi sớm đầu xuân luôn được tính toán, thậm chí là dặn trước. Do đó, cứ phải sau chín, mười giờ, không khí xuân tết mới tràn ngập các con đường (lúc ấy hoạt động xông đất gần như đã hoàn tất, việc đến chúc tết đầu năm diễn ra thông thuận, thoải mái hơn, ít kiêng dè vì tập tục đầu năm): Sáng ngày mồng một sớm tinh sương/ Mẹ tôi cấm chúng tôi ra đường/ Mở hàng mỗi đứa năm xu rưỡi/ Rửa mặt hoa mùi đượm nước hương (Tết của mẹ tôi – Nguyễn Bính). Có thể thấy, ngay tại đây, tục mừng tuổi trẻ nhỏ năm mới cũng được Nguyễn Bính tái hiện một cách rất đáng yêu. Trẻ nhỏ và người già là hai đối tượng được mừng tuổi nhân dịp năm mới. Hoạt động này mang ý nghĩa nhân sinh cao đẹp. Người ta tin tưởng rằng người già để phúc và trẻ thơ là hi vọng của cuộc đời. Chúc tết đầu năm chính là phong tục còn duy trì bền vững nhất đến ngày nay, khi nhiều phong tục khác đã mai một hay bị giản lược đi. Một sáng mùa xuân thuở nọ, niềm hân hoan như tràn ngập cảnh quan và lòng người, niềm thân ái, bao dung, những hi vọng an lành được gửi gắm tất cả vào trong lời chúc đầu năm: Một ông khách trông trời cười hớn hở/ Bước vào nhà mừng rỡ mở phong bao/ Làm cả nhà tập nập chạy xôn xao/ Chúc năm mới ồn ào không ngớt tiếng (Sáng mồng một – Trần Trung Phương).
Ngày tết là dịp để mọi người sum vầy, đoàn tụ. Đây là thời điểm cháu con báo hiếu ông bà cha mẹ, về quê nhận mặt họ hàng, thăm hỏi đôi bên nội ngoại. Hoạt động này đến nay vẫn được lưu truyền bởi ý nghĩa thiết thực và giá trị kết nối con người, họ hàng, huyết thống của tục lệ: Tôi mặc một chiếc quần mới may/ Áo lương, khăn lượt, chân đi giày/ Cho tôi sang lễ bên quê ngoại/ Người dặn con đừng uống rượu say (Tết của mẹ tôi – Nguyễn Bính); U tôi ngày ấy mỗi mùa xuân/ Dặm liễu mây bay sắc trắng ngần/ Lại dẫn chúng tôi về nhận họ/ Bên miền quê ngoại của hai thân (Đường về quê mẹ – Đoàn Văn Cừ). Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy là một phong tục thể hiện rõ đạo lí uống nước nhớ nguồn của người Việt Nam. Tuy không hẳn nhất nhất tuân theo tuần tự ngày mùng như thế, nhưng phong tục này từ xưa đến nay vẫn được duy trì như một nét đẹp ngày xuân.
Phong tục ngày xuân trong Thơ mới thể hiện rõ nhất qua các hoạt động du xuân, chơi tết, thăm viếng họ hàng, lễ chùa… Trong không khí ngày xuân, hoa đào khoe sắc, người người nô nức chơi xuân, áo khăn dập dìu gợi lên nét rộn rã, thanh bình: Ngày xuân trẻ bức tranh gà/ Cụ già quần nhiễu đỏ lòa sang nhau/ Đàn ông khăn nhiễu đội đầu/ Đôi giày da láng, khăn trầu đỏ loe/ Đàn bà yếm đậu vàng hoe/ Hàm răng đen nhức, váy lê thẹn thùng (Chơi xuân – Đoàn Văn Cừ); Trai tỉnh ô đen, quần lụa đũi/ Gái quê khuyên bạc, váy tơ sồi (Chợ làng vào xuân – Đoàn Văn Cừ); Chiều xuân sang chuyến đò đông/ Trai tơ khăn lục, gái hồng thắm môi (Chiều xuân Trung Kì – Hồ Dzếnh)… Như đã nói, đầu năm xuân mới, cảnh và người đều như muốn khoe sắc, bày tỏ sức sống rực rỡ của mình. Trong sắc thắm của hoa đào, trên màu khăn áo tươi tắn, trong nụ cười, câu chúc, trong tiếng pháo nổ vang, trên má hồng thiếu nữ, trong dáng vẻ thành kính của người già, vẻ hoạt bát nhanh nhẹn của trẻ nhỏ… ẩn chứa ý niệm về một mùa xuân sung túc, an vui, tràn đầy hi vọng: Trên đường cát mịn một đôi cô/ Yếm đỏ khăn thâm trẩy hội chùa/ Gậy trúc dắt bà già tóc bạc/ Tay lần tràng hạt miệng nam mô (Xuân về – Nguyễn Bính). Dân gian thường nói, ăn tết và chơi tết. Bên cạnh Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh là những hoạt động du xuân, lễ hội. Phong tục từ xưa xem việc đi lễ chùa đầu năm là nhằm cầu chúc an lành, may mắn cho một năm mới: Ngày xưa còn nhỏ, ngày xưa/ Tôi đeo khánh bạc lên chùa dâng nhang/ Lòng vui quần áo xênh xang/ Tay cầm hương, nến, đinh vàng mới mua (Rằm tháng Giêng – Hồ Dzếnh). Ngày tết, ở làng quê nào cũng mở hội. Lễ hội mùa xuân thường có hai phần: lễ và hội. Phần lễ thể hiện tín ngưỡng dân gian trong việc thờ cúng các vị thần, thành hoàng, cầu mong hay tạ ơn sự phù hộ độ trì của thần thánh cho cuộc sống con người. Tín ngưỡng này phản ánh đời sống tinh thần gắn với cái thiêng của người xưa: Tiếng chiêng trống chen từng hồi lặng lẽ/ Những bóng người trịnh trọng khẽ đi lên/ Những cánh tay áo thụng vái mơ huyền/ Đang diễn lại cả một thời quá khứ/ Mà đất nước non sông cùng cây cỏ/ Còn thuộc quyền sở hữu của Linh Thiêng (Đám hội – Đoàn Văn Cừ). Sau phần lễ là phần hội, ngoài việc mang đến cho con người khoảng thời gian thảnh thơi, nhàn nhã còn là dịp để mọi người gặp gỡ, giao lưu, thăm hỏi lẫn nhau: Mùa xuân ấy, ông tôi lên tận tỉnh/ Đón tôi về xem hội ở làng bên/ Suốt ngày đêm chiêng trống đánh vang rền/ Người lớn bé mê man về hát bội/ Những thằng cu tha hồ khoe áo mới/ Và tha hồ nô nức kéo đi xem (Đám hội – Đoàn Văn Cừ). Mùa xuân là mùa của sự sống, sinh sôi và nảy nở. Có lẽ vì thế, trong Thơ mới, phong tục du xuân, lễ hội cũng là cơ hội để trai gái gặp nhau, tỏ bày tình cảm, giao duyên, hẹn ước: Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm/ Em mải tìm anh chẳng thiết xem (Mưa xuân – Nguyễn Bính); Chiếc ô đen lặng lẽ tiến ra cầu/ Tìm đến chiếc san mầu bay trước gió (Đám hội – Đoàn Văn Cừ). Sau những hẹn hò trong buổi du xuân, đám cưới ngày xuân cũng tưng bừng như góp thêm sắc xuân, tình xuân vào cảnh xuân tươi thắm của đất trời: Người cô dâu hôm nay coi choáng lộng/ Vành khuyên vàng, áo mớ, nón quai thao/ Các bạn cô bằng tuổi cũng xinh sao/ Hai má thắm ngây thơ nhìn trời biếc (Đám cưới mùa xuân – Đoàn Văn Cừ).
Mùa xuân đi trên những sinh hoạt của con người, đọng dấu lại nơi từng phong tục. Sau mấy ngày ăn tết, chơi tết, du xuân, nhà nhà lại tiễn ông vải, tổ tiên về “thế giới bên kia”: Cây nêu – dấu Phật đuổi hung thần/ Cỗ mũ trên bàn cúng Táo quân/ Mùng bốn tết xong làm lễ tiễn/ Giấy tiền ông vải đốt đầy sân (Năm mới – Đoàn Văn Cừ). Tục lệ này đến nay vẫn còn bởi gắn liền với sinh hoạt ngày tết: đón – đưa ông vải. Tết đến, sự sum vầy không chỉ giữa người sống mà còn là sự hiện diện, chứng kiến của tổ tiên trong không gian thờ tự. Bởi thế, ngày tết rất vui tươi, rộn rã nhưng cũng rất thiêng liêng trang trọng: Mẹ tôi thắt lại chiếc khăn sồi/ Rón rén lên bàn thờ ông tôi/ Đôi mắt người trông thành kính quá/ Ngước xem hương cháy đến đâu rồi (Tết của mẹ tôi – Nguyễn Bính).
Xuân, tết là ý niệm của con người về thời gian. Ngày xuân, đọc lại những vần thơ của thi nhân xưa, như một nhịp lắng đọng, chúng ta nhận ra những dáng xuân trong từng lời thơ thuở trước. Thơ mới là một cuộc cách mạng trong thi ca, là một sự kiện có tính bước ngoặt trong việc thay đổi quan niệm của con người về thời gian, thế giới và các giá trị. Nhưng, thật kì lạ, những phong tục tập quán ngày xuân lại phong nguyên những nền nếp xưa cũ đã từng tồn tại trên mảnh đất này. Sắc thái ấy dường như là một lời chiêu tuyết cho các thi nhân khi đứng trước những cáo buộc “thất cước” với truyền thống. Cùng với những biểu hiện khác, dấu vết những phong tục ngày tết trong Thơ mới nói lên sự gắn bó một cách tự nhiên của con người cá nhân với các giá trị truyền thống, hình thành nên văn hóa Việt Nam, chảy tự ngọn nguồn lịch sử
Y.T
NGUỒN: VNQD

http://vanvn.net/thoi-su-van-hoc-nghe-thuat/phong-tuc-ngay-tet-trong-tho-xuan-thuo-truoc/2596

Share Button