Theo đuổi tri thức
Tác giả | Deborah L.Rhode |
ngữ | Tiếng Việt |
Lĩnh vực | Khoa học – Giáo dục |
Dịch giả | Bùi Thanh Châu |
GIÁO DỤC MỸ: ĐẰNG SAU MỘT KỲ QUAN
Ai đã có lần đặt chân đến một trường đại học ở Mỹ chắc hẳn sẽ cảm thấy bị chinh phục bởi những tòa thư viện vốn hay được đặt ở vị trí trung tâm nhất của trường. Riêng đối với tôi, ngắm nhìn tòa thư viện gạch đỏ cao chót vót soi mình bên hồ nước mang lại cho tôi một cảm giác kỳ lạ, nó vừa kích thích niềm đam mê sách vở, vừa là một sự sỉ nhục đối với khả năng và thời gian hữu hạn của một đời người. Hàng triệu bản sách được sắp xếp ngăn nắp trong tòa nhà đó, hàng trăm máy tính rải rác khắp nơi để chỉ với vài cái “click” chuột, màn hình đã tràn ngập thông tin về bất kỳ cuốn sách nào trên thế giới bạn muốn. Có thể nói, sự vĩ đại của giáo dục Mỹ trước nhất nằm trong các thư viện đầy vẻ thách thức và nhạo báng đó.
Thật vậy, dường như cả thế giới công nhận nền giáo dục Mỹ. Như một kỳ quan, nó đã thu hút người học khắp nơi, từ những nước phát triển hiện đại ở châu Âu cho đến những quốc gia còn nghèo khó ở châu Phi hay châu Á. Việt Nam là một trong những nước có số lượng sinh viên theo học ở các trường Mỹ đông đảo, và con số này vẫn tăng đều hàng năm. Nhiều người sau một thời gian học tập và làm việc trong môi trường giáo dục tiên tiến hàng đầu thế giới này đã trở về nước với niềm tự hào và lòng tự tin vào những trải nghiệm và tri thức mới của mình. Tiếng nói của những người trở về trong những bàn luận về giáo dục ở Việt Nam ngày càng to hơn và rõ hơn. Họ thường so sánh, đối chiếu để xây dựng, để ta thán, để phẫn nộ về tình hình giáo dục trong nước. Nói chung, đủ mọi cung bậc của cảm xúc được biểu hiện khi những lối nói “ở Mỹ thế này, ở Mỹ thế kia” được cất thành lời trong những hội thảo, những buổi tọa đàm, hay thành văn trên những trang báo chia sẻ kinh nghiệm. Những người trở về ấy dường như đã tạo nên một diễn ngôn, dù còn mơ hồ, hay chính xác hơn là một mường tượng về cái gọi là giáo dục Mỹ. Trong nền giáo dục đó, họ vẫn hay nói, những giá trị cốt lõi cao đẹp luôn được vun đắp, tôn trọng; nơi đó có liêm chính và tự do học thuật, có cơ sở vật chất siêu việt, có đội ngũ giảng sư vừa tài giỏi vừa rộng lượng, có dịch vụ hỗ trợ người học đến tận răng, có một bộ máy tổ chức và quản lý chặt chẽ nhưng đầy nhân bản. Ở đó có tất cả, và tất cả chỉ phục vụ cho một mục đích tối thượng của giáo dục: theo đuổi tri thức.
Họ nói không sai, nhưng chưa đủ, vì họ luôn đắm chìm trong công cuộc “theo đuổi tri thức” gian nan nhưng đầy phấn khích, và vì họ quan sát sự việc dưới nhãn quan của một người ngoài cuộc. Cái nhìn của họ về giáo dục Mỹ là một cái nhìn đầy ngưỡng mộ đã được định trước, xuất phát từ cảm quan của một người lớn lên trong một nền giáo dục non trẻ và bừa bộn của Việt Nam. Tôi vừa nói đến sự non trẻ và bừa bộn! Tưởng chừng phi lý khi nói đến sự non trẻ trong khi Văn Miếu ngàn năm vẫn còn đó để đại diện cho truyền thống giáo dục Việt Nam. Nhưng cũng chẳng kém phi lý nếu ta quan niệm giáo dục Việt Nam là già dặn trong khi một đại bộ phận học giả Việt Nam còn chưa biết cách trích dẫn và làm thư mục tài liệu tham khảo, hay sự thiếu minh bạch và liêm chính trong học thuật của cả giảng viên lẫn sinh viên vẫn đang là một vấn nạn. Còn bừa bộn? Một quan sát về các tiến trình của giáo dục nước ta trong hơn chục năm trở lại đây, cộng với những dư luận xã hội sôi sục trong mấy năm gần đây, cũng đủ cho ta cảm nhận, dù còn rất chủ quan, về sự bừa bộn của nền giáo dục Việt Nam.
Trong sự non trẻ và bừa bộn đó, những nền giáo dục ổn định hơn, tiên tiến hơn vẫn thường được nêu lên như những mô hình đáng học hỏi, trong đó giáo dục Mỹ gần như chiếm lĩnh diễn đàn này. Giáo dục Mỹ đã thành công khi thuyết phục cả thế giới rằng đất nước Mỹ là nơi tốt nhất để theo đuổi tri thức. Với nền kinh tế siêu cường, văn hóa phong phú đa dạng, Mỹ đã xây dựng và phát triển một nền giáo dục luôn kích thích tư duy, phát triển tri thức, và thách thức chính sự hiểu biết của nhân loại.
Song, quá trình theo đuổi tri thức ở Mỹ có thật sự tốt đẹp như những mường tượng phổ biến trong xã hội ta ngày nay? Thậm chí, chúng ta cũng có thể hỏi liệu rằng bản thân người Mỹ có quá ảo tưởng về chính nền giáo dục của mình khi “rao bán” nó khắp nơi trên thế giới? Trong bối cảnh nhà nước và xã hội Việt Nam đang tìm kiếm một mô hình giáo dục tốt hơn thông qua việc học tập kinh nghiệm nước ngoài, việc đặt những câu hỏi như thế này là rất hữu dụng. Hỏi cũng chính là cách chúng ta phản biện lại những ảo tưởng, những nhầm lẫn, những mường tượng mơ hồ, để từ đó có những am hiểu thấu đáo hơn, giúp định hướng cho những lựa chọn và hành động phù hợp, ở cấp độ người học, giảng viên, cho đến những nhà giáo dục học và quản lý giáo dục.
Quyển sách Theo đuổi tri thức của tác giả Deborah Rhode, một giáo sư luật nổi tiếng của Đại học Stanford, là một công trình có thể giúp giải đáp những câu hỏi trên. Có thể nói, bà Rhode đã đưa ra một cái nhìn đầy phê phán, có khi đến mức u tối, về giáo dục Mỹ, đặc biệt là giáo dục đại học. Theo đuổi tri thức là một tác phẩm khá đặc biệt. Dường như Rhode viết quyển sách bằng nhiều con người khác nhau. Trong mỗi trang sách, ta thấy sự tinh tường của một nhà giáo lâu năm ngụp lặn trong giáo dục, với những quan sát và phân tích thấu đáo, đôi khi đến cực đoan, từng ngóc ngách của đời sống “theo đuổi tri thức” của Mỹ. Những gì bà mang đến cho người đọc, đặc biệt là những độc giả Việt Nam còn xa lạ với giáo dục Mỹ, là những sự thật lắm phần chua chát, huyễn hoặc, và đầy kinh ngạc về đời sống học thuật Mỹ mà chỉ có thể có được từ một điểm nhìn ngay trong lòng của nó. Đó là điểm nhìn của một người từng trải ngay trong lòng đối tượng đang bàn đến. Ở góc độ này, văn phong của bà khi châm biếm, khi sắc nhọn gay gắt, khi than phiền mệt mỏi về những sự thật ít người để ý, dễ khiến ta có cảm giác như đang đọc những trang blog cá nhân của một người thích nói thẳng, nói thật và không sợ mất lòng ai.
Ở một góc độ khác, Rhode sắc sảo, tỉ mỉ và nghiêm túc như một nhà khoa học giáo dục thực thụ. Những dẫn chứng, những số liệu, những chú giải, những chú thích của bà dày đặc trên các trang sách, khiến ta không khỏi bị thuyết phục thật nhanh chóng, cho dù nhiều điều bà nói dường như không thể tin được. Bản thân động thái trích dẫn và tham khảo này, dưới hình thức lạm dụng nhằm phô trương sự uyên bác dễ dãi và ngụy khoa học, cũng bị bà đưa ra phê phán trong Chương 2, phần “Sự uyên bác quá đáng”. Song, tôi cho rằng, ở đây bà đã thể hiện một trách nhiệm học thuật đúng nghĩa với cách xử lý tài liệu thật khoa học, dù bà đang viết trong một lĩnh vực có thể nói là ngoài chuyên môn của mình.
Tôi tin rằng đây là một quyển sách gây nhiều tranh cãi ngay trên nước Mỹ. (Nguyên tác: In Pursuit of Knowledge; nhà xuất bản Đại học Stanford, 2006). Nếu xem Theo đuổi tri thức của Rhode là một phía của cuộc tranh luận, thì phía bên kia, như tôi đã nói, chính là cái phần nổi tốt đẹp của giáo dục Mỹ vốn đã được “rao bán” khắp nơi trên thế giới. Ai đúng, ai sai trong cuộc tranh luận này có thể không quan trọng bằng chính những chủ đề, những khái niệm, những hoạt động trong giáo dục đã được Rhode mổ xẻ đến tận cùng. Cho dù phần thắng sẽ vẫn nghiêng về phần nổi dễ nhìn thấy được, dễ chấp nhận được theo quán tính của đa số, thì nó cũng không thể tiếp tục vận hành một cách ngây thơ như chưa từng một lần bị ai “mắng” vào mặt một cách sâu xa như Rhode đã làm. Chính cách đặt vấn đề, những góc nhìn, những “soi mói”, từ chuyện nhỏ như việc tham gia hội nghị khoa học của giáo sư cho đến chuyện lớn như cơ chế vận hành của nền giáo dục, chính sách, giá trị, v.v., sẽ cung cấp cho người đọc ở Việt Nam, nhất là những nhà quản lý giáo dục, một trải nghiệm hiếm có về nền giáo dục nổi tiếng thế giới, để từ đó tự chiêm nghiệm lại giáo dục Việt Nam. Vì vậy, việc dịch quyển sách của Rhode sang tiếng Việt là một việc làm bổ ích mà Ban Tu Thư Đại học Hoa Sen và nhà xuất bản Thời Đại đã thực hiện. Ngoài ra, cũng cần nói thêm rằng những người tham gia vào quá trình dịch tác phẩm này đã hoàn thành rất tốt công việc của mình. Một văn phong dịch khá mượt mà và linh hoạt chắc chắn sẽ khiến người đọc bị cuốn hút vào mặt trái gồ ghề của bức tranh về giáo dục Mỹ.
Hãy đọc quyển sách, vì giáo dục Việt Nam đang cần một sự phản biện toàn diện, khoa học, và đến nơi đến chốn như Deborah L. Rhode đã làm cho giáo dục Mỹ, chứ không phải chỉ là những phát biểu cảm nghĩ manh mún phổ biến trên trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các trang blog cá nhân, các mạng xã hội.
Tiến sĩ Phạm Quốc Lộc
nguon-http://sachhay.org/sach/ChiTietSach/6860/theo-duoi-tri-thuc?BookShelfID=9