Người khổng lồ đội mồ kể chuyện của Lại Văn Long
Sau nhiều năm “lận đận”, cuối tháng 5-2019, “Người khổng lồ đội mồ kể chuyện” của Lại Văn Long đã được NXB Hội Nhà văn cho “chào đời”. Đây là tiểu thuyết sử thi huyền ảo lấy cảm hứng từ quan tài đá khổng lồ ở di tích cấp quốc gia đặc biệt – Cự mộ Hàng Gòn (xã Hàng Gòn – TX Long Khánh – Đồng Nai). Tác giả đã để ArMy – chiến binh khổng lồ bước ra từ quan tài đá ngoại cỡ đó, kể lại những câu chuyện sống động từ 20 thế kỷ trước. ArMy sinh ra từ lòng yêu nước của dân tộc Ma Y Cổ Tỳ – một dân tộc nhỏ bé hiền hòa, yêu hòa bình. Đất nước của ArMy tuy diện tích không lớn, nhưng có vị trí đắc địa, khống chế con đường thông thương trên “Đông Dương đại hải” nên các đế quốc cổ thời đó như: Thiên Trúc, Srikasetra, Chân Bồ, Hoàn Vương… đều muốn tham vọng xâm lược, đồng hóa Ma Y Cổ Tỳ, cướp hết biển đảo giàu tài nguyên của tiểu quốc này. Do thường xuyên chiến đấu chống ngoại xâm nên từ muôn kiếp trước, mỗi khi có giặc, người Ma Y Cổ Tỳ lấy đất đai quê hương mình đắp thành một người khổng lồ, lấy dòng máu nóng hổi của cả dân tộc rưới lên là ArMy lại tái sinh. Sau đó cho ArMy được uống nước từ con sông quê hương chảy từ Tây sang Đông, từ quá khứ đến hiện tại là ArMy sẽ hùng dũng đứng lên đánh giặc bằng sức mạnh siêu phàm. Hết giặc, ngài lại hóa thân vào máu huyết nhân dân, đất đai, sông nước của quê hương… Cứ như thế ArMy được tái sinh nhiều kiếp theo truyền thống chống ngoại xâm bảo vệ đất nước…
Trong lần cuối cùng tái sinh để chống quân xâm lược Chân Bồ, ArMy chịu ơn của một thầy tu là thượng sư Kiều Chân Như (cùng thời với Đức Phật Thích Ca, từ nước Thiên Trúc xa xôi đến “xâm lược tư tưởng” Ma Y Cổ Tỳ). Kiều buộc ArMy phải thề trung thành với Thánh kinh Vệ Đà, với Thánh giáo Bà La Môn, với đấng “tam vị nhất thể”… vì bị trói buộc với lời thề khắc nghiệt đó, ArMy dù rất yêu nước, rất siêu phàm cũng không thể đòi lại phần biên giới, hải đảo đã bị đế quốc Hoàn Vương ở phía Bắc dùng thủ đoạn “hữu hảo” cướp mất. Câu chuyện bi thảm làm cho cả dân tộc Ma Y Cổ Tỳ uất ức suốt hơn 2.000 năm này càng kịch tính khi ArMy vì một phút nông nổi với tình yêu, buông thả theo dục vọng đã bị teo nhỏ lại như người bình thường. Khi nhận ra sự thật kinh hoàng, Chiến binh khổng lồ vĩ đại đã khóc nức nở: “Làm sao ta đánh giặc cứu nước được nữa!”. Thế rồi khi chứng kiến tội ác của kẻ thù với nhân dân mình, với người vợ yếu đuối đang bị giam cầm, ArMy với lòng yêu nước sôi sục trong tim, cuồn cuộn trong máu, đã hét lên rung chuyển trời đất và cao to trở lại. Quân thù thấy ông kinh hồn bạt vía… Người khổng lồ ArMy từng nói với tướng sĩ của mình: “Ta tái sinh từ máu huyết của nhân dân, từ đất đai sông nước Ma Y Cổ Tỳ chứ không phải từ cuốn Thánh Kinh huyền hồ. Ta quyết bảo vệ nhân dân, đất nước dù có phải chống lại thần linh. Không có lời thề nào thiêng liêng hơn lời thề với Tổ quốc, nhân dân”…
Sau khi cướp đất biên giới của Ma Y Cổ Tỳ, vua nước Hoàn Vương (từng kết nghĩa huynh đệ với ArMy và viện trợ “chí tình chí nghĩa” để Ma Y Cổ Tỳ kháng chiến chống quân xâm lược Chân Bồ) đã dốc 50 vạn quân, 5.000 thuyền chiến tràn xuống “Đông Dương đại hải” để cướp biển đảo của “bằng hữu”. Nhờ nhà thông thái đến từ phương Tây chỉ cho cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào chiến đấu và nhờ nữ ca sĩ – phu nhân của ArMy biết dùng nghệ thuật kêu gọi sức mạnh của tự nhiên nên thủ lĩnh ArMy đã cùng quân dân Ma Y Cổ Tỳ đánh tan hải đoàn xâm lược đông, mạnh gấp trăm lần mình. Cuộc kháng chiến bi hùng của một dân tộc nhỏ bé đã bị các cường quốc lợi dụng để tranh đoạt quyền lợi và ảnh hưởng. Cuối cùng, ArMy dù chiến thắng hai đế quốc giàu mạnh nhất thời đại cũng không thể đòi lại những phần lãnh thổ, lãnh hải bị cưỡng chiếm. ArMy đành tự xây cho mình một nấm mồ vĩ đại và mang theo những dằn vặt, bức bối và lời thề trung thành với “Thánh giáo” hoang tưởng xuống mồ. Nhưng trước lúc “mãn kiếp”, ArMy cố gắng “chống xâm lược tư tưởng” cho dân mình bằng cuộc chiến long trời lở đất với mấy chục con hổ dữ. ArMy muốn thay thế mẫu “anh hùng đả hổ”, du nhập từ phương Bắc bằng “hàng nội” với tính thuyết phục cao hơn.
Cả cuốn tiểu thuyết 380 trang là câu chuyện hư hư thực thực, là những đối thoại mang tính triết học, thời sự giữa tác giả (Lại Văn Long) và nhân vật chính (ArMy) của truyện. ArMy đã phát ngôn thay tác giả nhiều vấn đề về lịch sử, thời cuộc và cả nghệ thuật: “Ta ghét loại nghệ thuật nịnh bợ chính trị và ghét cả nét dâm loạn mạo danh nghệ thuật” hay “Nếu bây giờ ta có tái sinh cũng không thể địch lại máy bay, xe tăng, tên lửa, tàu ngầm…”, “Bây giờ là thời đại kinh doanh, nếu ta không chứng minh được năng lực trên thương trường thì sao dám xưng là “Người khổng lồ…”. Vì lý lẽ như vậy, ArMy ước mong tổ quốc nhỏ bé chịu nhiều đau thương, thua thiệt trong bang giao với nước lớn của mình sẽ có thêm nhiều “người khổng lồ trí tuệ” để bảo vệ và xây dựng Ma Y Cổ Tỳ hùng cường, dân chủ, trường tồn…”.
Đây thực sự là một tác phẩm văn học được viết từ lòng yêu nước và khơi gợi, vun đắp cho lòng yêu nước. Qua câu chuyện dài, lịch sử miền Đông Nam bộ được tái hiện bằng cảm xúc mạnh mẽ, lôi cuốn với những trận đánh chống xâm lược hào hùng, những âm mưu của nước lớn trên bàn cờ khu vực và các thủ đoạn lấn biển, cướp đất “hàng xóm nhỏ”, yếu hơn. Tác phẩm thể hiện khát vọng của người nghệ sĩ được phục vụ Tổ quốc, nhân dân mình qua hình tượng nữ ca sĩ luôn kề vai sát cánh cùng chồng (ArMy) và đồng đội trong gian lao, nguy khó thời chiến. Mối quan hệ vừa tế nhị vừa ngấm ngầm sôi sục giữa nghệ thuật và chính trị, giữa nghệ sĩ và các thầy tu cuồng tín đang khống chế cả vương quyền lẫn thần quyền ở Ma Y Cổ Tỳ.
Cả câu chuyện dài 16 chương được Lại Văn Long viết bằng trí tưởng tượng không giới hạn giữa một người đang sống thời hiện đại với một linh hồn từ 2.000 năm trước hiện về. Siêu nhân của quá khứ cũng mang nỗi niềm bức bối về những phần biên giới, hải đảo bị ngoại bang cưỡng chiếm chưa đòi lại được. Trí tưởng tượng của tác giả còn giải quyết rất nhiều vấn đề khó khăn, để tác phẩm diễn biến một cách hợp lý, như: Chuyện tình yêu, tình dục giữa siêu nhân khổng lồ với một người bình thường làm cách nào để những người yêu nước có thể đánh tan đạo quân xâm lược biển đảo mạnh gấp trăm lần mình; hay giải quyết các vấn đề kỹ thuật cho các loại vũ khí, vật liệu nổ, thiết giáp hạm… trong điều kiện thô sơ của 20 thế kỷ trước…
Từ “Kẻ sát nhân lương thiện” (giải Nhất cuộc thi truyện ngắn 1990 – 1991 của Báo Văn Nghệ – Hội Nhà văn VN) đến “Người khổng lồ đội mồ kể chuyện” (viết xong 2012, hoàn chỉnh 2019) là 30 năm thay đổi cuồn cuộn của xã hội VN. Tác giả “chống chọi” giữa dòng chảy đó với bao nhiêu áp lực về “cơm – áo – gạo – tiền” để được trọn vẹn với đam mê văn chương của mình. Trên chặng đường dài cả nửa đời người như vậy, ngoài hàng chục truyện ngắn đã đăng trên nhiều tờ báo, tuyển tập trong, ngoài nước và các tiểu thuyết luận đề như: “Thạch Đế”, “Đứa con thời hậu chiến”, “Thánh Thi”… Lại Văn Long đã thử sức với truyện trinh thám hình sự. Chỉ trong 3 năm từ 2016 – 2018, anh đã viết xong 5 tập của bộ tiểu thuyết hình sự dày nhất VN ( khoảng 2.500 trang sách in) và đã xuất bản 2 phần đầu “Mật danh Đ9”, “Oán thù trớ trêu” (Mật danh Đ9 được chuyển thể thành phim 38 tập và được giải “Cây bút vàng” Bộ Công an 2018). Khi bạn bè hỏi: “Anh còn tham vọng gì với văn chương?”, Lại Văn Long chỉ cười: “Viết văn như chơi xổ số vậy, hên thì “làm ít ăn nhiều”, xui thì… ngồi đồng chục năm cũng chẳng viết được gì. Tôi từng có hơn 15 năm “tắc tị” (1992 – 2008). Nhưng đến lúc “hên” thì cảm xúc tuôn trào, viết đến rã tay (anh chỉ viết bằng bút giấy, không biết dùng vi tính), chẳng còn thời gian.
Về dự định sáng tác sắp tới, anh cho biết có một số đặt hàng về truyện phim, trước mắt phải cố gắng hoàn thành các hợp đồng đó. Vài năm nữa nghỉ hưu nếu có cảm hứng và sức khỏe sẽ viết truyện dài về thời bao cấp hoặc viết tiếp bộ tiểu thuyết hình sự “Hồ sơ Lửa” phần 6, 7, 8… đã có đề cương sẵn. Còn truyện ngắn thì “rảnh đến đâu viết đến đó” như viết báo vậy. Tôi thường đi ngủ lúc 8 giờ tối và thức dậy khoảng 1 – 2 giờ sáng để viết đến 5 giờ tập thể dục, 6 giờ chuẩn bị cho ngày làm việc ở cơ quan.
Lại Văn Long kể, anh viết “Người khổng lồ đội mồ kể chuyện” và tiểu thuyết “Thánh Thi” trong thời gian điều trị chứng rối loạn lo âu làm tăng huyết áp, tim đập nhanh, tay chân vã mồ hôi, sức khỏe suy yếu. Bác sĩ cho anh thuốc an thần, hạ huyết áp suốt 3 năm và yêu cầu phải nghỉ ngơi, thư giãn không được làm việc, nhất là suy nghĩ căng thẳng. Nhưng do quá đam mê với các nhân vật của mình, anh đã “quên” lời bác sĩ làm việc miệt mài và chăm chỉ thể dục. Đến lúc cả 2 cuốn sách hoàn thành thì tự nhiên… hết bệnh! Khi “Người khổng lồ đội mồ kể chuyện” được xuất bản thì sức khỏe càng tốt lên nhiều. Vì vậy anh nói vui là “hên cả cặp”…
Hương Lan
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 553
http://tuanbaovannghetphcm.vn/nguoi-khong-lo-doi-mo-ke-chuyen-cua-lai-van-long-sieu-nhan-cung-luy-tinh-so-553/