Bộ giáo trình mới về Lịch sử văn học Việt Nam hiện đại

Share Button

BỘ GIÁO TRÌNH MỚI VỀ LỊCH SỬ VĂN HỌC VIỆT NAM HIỆN ĐẠI

Tác giả: Nguyễn Thị Minh Thương – Cập nhật: 29/03/2017

Đây là bộ giáo trình lịch sử văn học Việt Nam đồ sộ, tổng số hơn 1000 trang, khổ giấy 16 x 24 cm, do Nxb Đại học Sư phạm ấn hành. Bộ giáo trình đã kế thừa những thành tựu từ các bộ văn học sử trước đó, đồng thời điều chỉnh bổ sung những nguồn tư liệu và những kiến giải mới về văn học Việt Nam hiện đại.

Năm 2016, Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại, Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội đã cho ra mắt bộ sách Văn học Việt Nam gồm 2 tập: tập 1 do GS Trần Đăng Suyền – PGS Lê Quang Hưng đồng chủ biên, tập 2 do PGS Nguyễn Văn Long chủ biên, cùng sự tham gia của các giảng viên trong và ngoài trường: giảng viên chính Trịnh Thu Tiết, PGS. TS Trần Văn Toàn, PGS. TS Trần Thị Việt Trung, TS. Lê Hải Anh, TS Nguyễn Thị Minh Thương, TS. Lê Hồng My (tập 1) , PGS. TS Nguyễn Thị Bình, TS. Trần Hạnh Mai, TS. Mai Thị Nhung, TS. Chu Văn Sơn (tập 2).

Đây là bộ giáo trình lịch sử văn học Việt Nam đồ sộ, tổng số hơn 1000 trang, khổ giấy 16 x 24 cm, do Nxb Đại học Sư phạm ấn hành. Bộ giáo trình đã kế thừa những thành tựu từ các bộ văn học sử trước đó, đồng thời điều chỉnh bổ sung những nguồn tư liệu và những kiến giải mới về văn học Việt Nam hiện đại.

Công trình này được viết theo cấu trúc sau: mỗi giai đoạn có một phần khái quát chung về tiến trình vận động, phát triển của văn học, tiếp sau đó là những nghiên cứu chuyên sâu vào những tác gia tác phẩm tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại. Điều mới mẻ của phần này là ngoài khái quát về ảnh hưởng của hoàn cảnh lịch sử văn hóa xã hội đến văn học, công trình đã chú ý đến việc nghiên cứu tiến trình văn học theo thể loại, căn cứ trên sự phát triển của từng thể loại. Đặc biệt, ở lần biên soạn này, phê bình văn học đã được các chủ biên đưa thành những đơn vị kiến thức chuyên biệt.

Đằng sau cách biên soạn này là quan niệm về lịch sử văn học như là kết quả tác động của môi trường văn hóa chính trị xã hội và được tạo nên bởi phong cách các tác gia lớn, chính các tác gia văn học là người tạo nên những đỉnh cao trong tiến trình lịch sử văn học của mỗi dân tộc. Khi đưa phần phê bình văn học vào nghiên cứu văn học sử, các tác giả đã cho thấy một quan niệm tương đối hiện đại về lịch sử văn học: lịch sử văn học không phải chỉ là lịch sử của những tác gia, tác phẩm, mà còn là lịch sử của tiếp nhận. Cách kết hợp này cho thấy người biên soạn đã cân đối được các quan niệm về văn học sử và tránh được những cực đoan của mỗi phương pháp biên soạn văn học sử riêng biệt.

Đối tượng mà bộ giáo trình này hướng đến trước hết là phục vụ cho sinh viên khoa Ngữ văn các trường đại học, vì vậy cuối mỗi chương đều có phần hướng dẫn học tập. Phần này đưa ra những tài liệu cần đọc về tác phẩm và tài liệu nghiên cứu, đồng thời có những câu hỏi vừa mang tính chất ôn tập, vừa mang tính chất gợi mở để sinh viên độc lập tư duy.

Cụ thể, tập 1, 611 trang gồm 22 chương, chia thành các phần như sau:

Phần 1: Phần này dành chương 1 để khái quát văn học sử Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến 1945, sau đó giới thiệu các tác giả Phan Bội Châu, Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn, Tản Đà, Trần Tuấn Khải, Hồ Biểu Chánh, Hoàng Ngọc Phách trong 6 chương.

Phần 2: Phần này dành chương 8 để khái quát về trào lưu văn học lãng mạn 1932 – 1945 và dành 5 chương tiếp theo để nghiên cứu các tác gia văn học lãng mạn tiêu biểu: Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Thạch Lam, Nguyễn Tuân.

Phần 3: Phần này dành chương 14 để khái quát về trào lưu văn học hiện thực phê phán, sau đó dành 5 chương để viết về các nhà văn hiện thực phê phán tiêu biểu: Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nam Cao.

Phần 4: Phần này dành chương 20 để khái quát khuynh hướng văn học yêu nước và Cách mạng từ đầu thế kỉ XX đến 1945 và dành 1 chương nghiên cứu về Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh.

Giáo trình tập 1 cũng dành một chương để nói về phê bình văn học. Đây là giai đoạn mà phê bình văn học chuyên nghiệp lần đầu tiên chịu ảnh hưởng của phương Tây với nhiều thể loại, phong cách phê bình, tạo nên vấn đề hết sức thú vị của văn học giai đoạn này.

          Tập 2, 544 trang, chia thành 2 phần:

Phần 1: Tiến trình văn học và các thể loại. Phần này chia thành 2 phần nhỏ.Phần 1 khái quát về văn học Việt Nam từ 1945 đến 1975 (chương 1), sau đó nghiên cứu về thơ ca (chương 2), văn xuôi – truyện và kí (chương 3).Phần 2 khái quát về văn học Việt Nam từ sau 1975 (chương 4), thơ (chương 5), văn xuôi (chương 6).

Phần 2: Các tác giả tiêu biểu. Phần này tập trung nghiên cứu các tác giả tiêu biểu trong 9 chương như: Tố Hữu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Tế Hanh, Tô Hoài, Nguyễn Khải, Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu và 2 nhà thơ trẻ thời kì chống Mĩ cứu nước: Phạm Tiến Duật, Xuân Quỳnh.

Cách tổ chức biên soạn của tập 2 có khác so với tập 1 vì giai đoạn 1945 – 1975 văn học Việt Nam phát triển tương đối thống nhất, không phân chia thành các trào lưu, trường phái phong phú đa dạng như giai đoạn trước 1945.

Với cấu trúc như trên, bộ giáo trình này đã bao quát được cả về diện và điểm, vừa có cái nhìn khái quát, vừa có điểm nhấn cụ thểvề văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến nay. Đây là một tài liệu hết sức quan trọng không chỉ dành cho sinh viên của khoa Ngữ văn của các trường đại học, mà còn trở thành tài liệu tham khảo cho các nhà nghiên cứu và những người quan tâm đến văn học Việt Nam hiện đại.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, bộ giáo trình lịch sử văn học này vẫn chưa có điều kiện quan tâm đến mảng văn học miền Nam, đặc biệt là văn học miền Nam giai đoạn 1954 – 1975 vốn cũng hết sức sinh động và có những đặc trưng riêng so với văn học miền Bắc. Ngoài ra, bộ phận văn học của các tộc người thiểu số, văn học Việt Nam ở nước ngoài sau 1975 và một số những hiện tượng văn học tiêu biểu của cao trào Đổi mới như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, … cũng chưa được đề cập chuyên sâu trong giáo trình này. Việc lấp đầy những khoảng trống này sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của bộ môn Văn học hiện đại trong những năm tới.

Các chủ biên và tác giả của bộ giáo trình mong nhận được sự trao đổi và đóng góp ý kiến của các nhà khoa học và bạn đọc gần xa để hoàn thiện hơn cho bộ sách trong những lần tái bản tiếp theo!

Cập nhật: 29/03/2017 – Lượt xem: 19
http://nguvan.hnue.edu.vn/Nghiencuu/VanhocVietNamhiendai/tabid/103/newstab/2933/Default.aspx
Share Button