Nhân vật người trí thức trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng

Share Button

Tóm tắt:

Vũ Trọng Phụng là nhà văn hiện thực xuất sắc của văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945. Ông sáng tác nhiều thể loại, nổi bật nhất là thể phóng sự và tiểu thuyết. Tiểu thuyết của nhà văn họ Vũ phán ánh khá rõ hiện thực xã hội Việt Nam thời thực dân pháp đô hộ, thông qua thế giới nhân vật phong phú, đủ các kiểu người trong xã hội. Trong đó, nổi lên một kiểu nhân vật không hề có trong văn xuôi của các nhà văn hiện thực cùng thời: đó là nhân vật người trí thức giữ vai trò là quan chức. Nhân vật quan chức trí thức hội đủ các phẩm chất tốt đẹp như: liêm chính, tôn trọng công lý, bênh vực người yếu thế, sống có nghĩa có tình v.v… Có thể nói, xây dựng kiểu nhân vật này, Vũ Trọng Phụng có tư tưởng tiến bộ trong việc trong việc phản ánh hiện thực không thiên kiến. Nhờ đó, bức tranh hiện thực xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX hiện lên toàn diện hơn.
Từ khóa: Vũ Trọng Phụng, nhân vật trí thức, công lý, nhân nghĩa

1. Đặt vấn đề
Văn tài của Vũ Trọng Phụng được ghi nhận trước hết ở thể loại phóng sự (9 tập), sau đó là tiểu thuyết (9 cuốn). Là một nhà báo, tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng luôn nóng hổi chất “phóng sự”. Khác với tiểu thuyết Tự lực văn đoàn cùng thời đậm chất lãng mạn, tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng đi sâu vào hiện thực trần trụi của con người và xã hội. Cũng khác với dòng hiện thực phê phán của Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng… thường chia thành hai lực lượng thiện ác đối lập; tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng không có sự phân chia này, nhân vật của ông luôn vận động, biến đổi không ngừng tùy theo hoàn cảnh tác động. Nổi lên trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng là hai kiểu nhân vật: nhân vật lưu manh và nhân vật người trí thức. Nếu nhân vật lưu manh thể hiện những mặt tiêu cực, thì nhân vật người trí thức phản ánh những mặt tích cực của xã hội nửa thực dân, nửa phong kiến những năm đầu thế kỷ XX của Việt Nam.

2. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu

Nhà triết học người Pháp Louis de Bonald từng nói: “Văn học là sự biểu hiện xã hội” (R. Wellek và A. Warren (2009, tr. 159). Định đề này tuy còn nhiều vấn đề để bàn, nhưng rõ ràng văn học luôn gắn với hiện thực. Nhà văn, thông qua tác phẩm để khái quát những vấn đề hiện thực xã hội và hiện thực tâm hồn, tư tưởng, nhằm gửi gắm một thông điệp nào đó. Đối với văn xuôi, ngoài nhân vật người kể chuyên- thường là hiện thân của tác giả- thế giới nhân nhân vật trong truyện là phương tiện để nhà văn chuyển tải tư tưởng của mình. Thế giới nhân vật trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng rất đa dạng, đủ mọi tầng lớp xã hội. Nhân vật người trí thức là một trong những yếu tố làm nên nét riêng của tác giả trong dòng văn học hiện thực đương thời.

Để làm nổi lên đặc điểm của nhân vật người trí thức, người viết vận dụng phương pháp xã hội học để soi chiếu tính chân thực của hình tượng cũng như ý nghĩa xã hội của nó. Bên cạnh đó là phương pháp văn hóa học. Bởi sự hỗn dung văn hóa Việt- Pháp đầu thế kỷ XX tác động vừa tích cực, vừa tiêu cực đến lối sống người Việt. Dựa vào cơ sở văn hóa để có cái nhìn đầy đủ hơn về nhân vật. Ngoài ra, người viết còn vận dụng phương pháp phân tích – tổng hợp và so sánh để thấy được tính sâu sắc cũng như nét riêng của nhân vật người trí thức.

3. Kết quả và thảo luận
3.1. Nhân vật tri huyện trẻ Cúc Lâm

Nếu như trong tác phẩn của Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nam Cao, các quan lại thường là những tên cáo già dốt nát, tham lam, độc ác, gian xảo vô độ, thì Vũ Trọng Phụng đã xây dựng thành công một hình tượng nhân vật quan chức trẻ, có học vấn đến tiến sĩ Luật ở một nền giáo dục tiến tiến bậc nhất là nước Pháp.

Với một cái nền tri thức vững vàng cùng với tinh thần phụng sự công lý, viên Tri huyện đã đứng về lẽ phải để bảo vệ cho người dân thấp cổ bé miệng, cụ thể ở đây là gia đình ông đồ Uẩn. Thị Mịch, con gái cụ đồ, bị Nghị Hách hiếp dâm, cụ phát đơn kiện lên Tri huyện. Không như Nghị Lại trong Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan thấy anh Pha vác đơn kiện “như kiến thấy mỡ”, viên Tri huyện trong Giông tố của Vũ Trọng Phụng bình tĩnh nghiên cứu kỹ hồ sơ cũng như thu thập chứng cứ từ báo chí để xử lý một cách công minh. Tuy nhiên, trong một xã hội mà quan chức chủ yếu do chạy chọt, hối lộ quan trên để được bổ nhiệm, thì tinh thần khẳng khái của tri huyện trẻ bị các tên quan hắc ám loại khỏi hệ thống ngay lập tức.

Trước hết, ta thấy đây là vị vị quan chức được bổ nhiệm từ học vị nghiêm túc của mình chứ không phải là chạy chọt. Ông ta tự hào về điều đó, và khẳng khái đáp lại quan Tổng đốc:“Vâng, quả là tôi có nhiều tư tưởng không hợp với chế độ cũ. Bẩm cụ lớn, nhưng mà không phải tự tôi đi chạy chọt cái tri huyện” (Vũ Trọng Phụng, 2016a, tr. 51). Có thể Vũ Trọng Phụng xây dựng nhân vật này trên tình thần lý tưởng hóa, trong niềm mơ ước của ông. Nhưng trên thực tế, từ trước đó, người Pháp đã mở trường dạy học bằng tiếng Pháp ở Việt Nam, đưa nhiều học sinh ưu tú qua Pháp để đào tạo. Những người này khi trở về Việt Nam đã có công rất lớn trong công cuộc hiện đại hóa nước Việt về kinh tế cũng như văn hóa xã hội. Viên Tri huyện là sản phẩm của nền giáo dục hiện đại bậc nhất của phương Tây lúc bấy giờ. Với tấm bằng Tiến sĩ Luật khoa, ông ta có một sự tự tin rất lớn khi được bổ nhiệm, và đương nhiên, ông không việc gì phải “chạy chọt” trong cơ chế tuyển dụng quan chức đương thời. Câu nói: “Bẩm cụ lớn, nhưng mà không phải tự tôi đi chạy chọt cái tri huyện” như một cú tát vào tên quan Tổng đốc mà chắc chắn Tri huyện biết rõ con đường hoạn lộ của ông ta.

Phẩm chất quan trong nhất của của một vị quan chức là sự thanh liêm. Cơ sở của sự thanh liêm có nhiều, nhưng tinh thần cống hiến, phụng sự công lý được coi là cơ sở trực tiếp nhất. Quan chức nhũng nhiễu, hối lộ có thể nói là có tính truyền thống ở nước ta. Từ văn học dân gian đến văn học trung đại đã nói nhiều đến tình trạng này. Sự tham lam vô độ của quan chức trong chế độ thực dân phong kiến được phản ánh khá phong phú trong văn học Hiện thực phê phán 1930-1945. Trong bức tranh tối màu ấy, nổi nên phẩm chất thanh liêm sáng ngời của Tri huyện trẻ Cúc Lâm.

Vốn là tên lưu manh, gian xảo và cáo già trong quan hệ với tầng lớp quan lại, trước nguy cơ phải đền tội, Nghị Hách đã cho một cô gái đẹp, khôn khéo lên “thương lượng” với Tri huyện. Và đây là kết quả: “…Cái đó tôi có biết. Người đàn bà ấy cũng đã khôn khéo lắm lắm, song tôi không thể làm vui lòng ngài được” (Vũ Trọng Phụng, 2016a tr. 48). “Không làm vui lòng ngài (Nghị Hách) được” tức là không nhận sự “điều đình” của “đặc phái viên” của lão Nghị khét tiếng gian manh. Tri huyện rất khác với đa số quan lại thời bấy giờ. Rất nhiều người xác định làm quan là để kiếm chác, chẳng thế mà dân gian có câu: “Quan thấy kiện như kiến thấy mỡ”. Nhưng Tri huyện là một vị quan hiếm hoi ở xứ An Nam làm quan là để cống hiến cho “thần Công lý” chứ không phải làm quan để vơ vét của nhân dân, để vinh thân phì gia: “Nếu tôi định bụng kiếm chác gì ông, thì từ hôm nọ, tôi đã nhận lời với người đàn bà mà ông phái lên điều đình rồi còn gì” (Vũ Trọng Phụng, 2016a, tr. 48). Sự gian manh của Nghị Hách đương nhiên Tri huyện cũng biết, nếu không chiều lòng ông ta, Tri huyện rất dễ bị hắn hãm hại. Biết thế, nhưng với bản lĩnh của người trí thức, ông ta không hề run sợ trước cái ác. Đó là phẩm chất đáng quí thứ hai của Tri huyện Cúc Châu.

Do không có tính nhận hối hộ nên Tri huyện đi công việc bằng xe ngựa: “Rồi ông huyện lảng chuyện bằng cách phán cho tên lính lệ: – Bảo xà ích đánh cái xe ngựa ra để tao lên tỉnh đi mày! Tên lính dạ một cái rồi thụt vào cửa sau” (Vũ Trọng Phụng, 2016a, tr. 48). Điều ấy khiến Nghị Hách ngạc nhiên, nên ông ta nói: “Quan lớn tiết kiệm quá nhỉ? Sao ngài lại chưa tậu ô tô?”. Tậu ô tô là mốt thời thượng của quan chức thời bấy giờ. Làm đến chức Tri huyện, việc ấy không có gì khó, tuy nhiên như ông nói: “Tôi không có nhiều tiền như những ông quan khác”. Không có tiền là bởi ông không kiếm tiền bằng mọi giá, không đổi lấy phẩm giá của mình để có tiền như bao ông quan khác nhan nhản trong xã hội. Thái độ của Tri huyện rất dứt khoát, việc gì ra việc nấy: “Ông huyện đứng nghĩ một lát rồi mỉm cười nói: – Vì việc tôi cần lên tỉnh sớm, nên tôi bằng lòng đi xe hơi của ông, thế thôi. Còn tậu lại thì không, dù là ông chỉ để lại cho tôi bằng một đồng bạc” (Vũ Trọng Phụng, 2016a, tr. 49). Trong phát ngôn này của Tri huyện, ta thấy hai điều. Thứ nhất, nó thể hiện phong thái của một con người văn minh. Đó là việc gì ra việc nấy, không nhập nhằng theo kiểu “Yêu nhau yêu cả đường đi/ Ghét nhau ghét cả tông ti họ hàng” thuộc về phẩm tính truyền thống của người Việt. Tri huyện rất ghét Nghị Hách, nhưng ông cũng không từ chối lời đề nghị đi cùng xe với lão ta. Thứ hai, Tri huyện nói mua lại xe của Nghị Hách dẫu có một đồng cũng không. Thái độ dứt khoát này là rất hiếm trong bối cảnh kim tiền thống soái xã hội thời bấy giờ. Ngày nay chúng ta cũng thấy rất nhiều vị quan chức “mua bán” với cấp dưới, nhưng thực chất đó là đưa và nhận hối lộ. Do vậy, sự từ chối ấy cho thấy bản lĩnh vững vàng “bần tiện bất năng di” của Tri huyện.

Nhìn từ văn hóa từ chức của cán bộ hiện nay, ta thấy thái độ dứt khoát của một vị quan chức từ đầu thế kỷ XX đáng để chúng ta trân trọng. Trước hết, tri huyện mạnh dạn bày tỏ thái độ thất vọng trước vị quan bề trên: “Ông huyện cúi đầu 15 phút rồi ngẩng lên cười nhạt nói: – Bẩm cụ lớn, tôi tưởng tôi ra làm quan được thì tôi làm được một việc ích quốc lợi dân! Bây giờ như thế này, tôi mới biết là tôi đã nhầm…” (Vũ Trọng Phụng, 2016a, tr. 51). Trong cái đầu trong veo của một người trí thức thực thụ, ông Huyện nghĩ rằng làm quan là để phụng sự nhân dân, làm cho đất nước ngày càng tiến bộ. Ống hăm hở ra làm quan để hiện thực hóa ước mơ ấy. Thế nhưng, ông đã hoàn toàn thất vọng. Chính vì biết mình đã nhầm, cộng với sự hăm dạo của quan tổng đốc sẽ đày đi xa nên ông dứt khoát gửi đơn từ chức: “Bẩm cụ lớn, nhà nước không cần phải đổi tôi tôi đi xa! Dù tôi không đi làm thì tôi cũng không chết đói ạ… Thế thì xin cụ lớn biết cho là ngay bây giờ, phải ngay bây giờ, tôi xin có lời trả lại cái tri huyện cho Nhà nước! Ngày mai thì sẽ có đơn từ chức của tôi hẳn hoi” (Vũ Trọng Phụng, 2016a, tr. 51). Từ chức ở đây không phải vì thấy mình không hoàn thành nhiệm vụ được giao, mà là ý thức được sự khốn nạn của chốn quan trường với đầy rẫy tệ nạn hối lộ, tham nhũng thối tha đã biến thần công lý thành một trò hề cho những người có thiên lương dè bỉu. Trong lịch sử nước nhà cũng đã có không ít vị quan sẵn sàng “treo ấn từ quan”, như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến… Họ đã trở thành tấm gương khí tiết lưu danh hậu thế. Khí tiết là điểm tích cực thứ ba của Tri huyện Cúc Châu.

Sự tiết tháo cộng với nền tảng tri thức vững vàng đã giúp cho Tri huyện có một quyết định dứt khoát, nhờ vậy mà ông ta sẵn sàng đáp trả lại thái độ hống hách và lời đe dọa của quan Tổng đốc: “Bẩm cụ lớn, chẳng phải nói khoe gì, quan thầy của tôi trong đảng xã hội, nay mai mà có sang nhận chức toàn quyền, thì lúc ấy tôi lại sẽ làm quan cũng không muộn ạ. Mà nếu có phải làm quan, tôi sẽ cũng không làm quan huyện nữa… tôi xin cam đoan với cụ lớn trước như thế” (Vũ Trọng Phụng, 2016a, tr. 52).. Ở đây không phải là sự dựa dẫm quyền thế để kiêu ngạo, mà là cho đối thủ biết rằng mình có điểm tựa để vươn lên chứ không phải quỵ lụy để tồn tại. Và trước sự kết tội “ương ngạnh” của Tổng đốc, Tri huyện thẳng thắn: “Bẩm, nào có phải ương ngạnh! Chúng tôi hiểu rồi, vì đã làm tri huyện một năm rồi…Thôi được, cụ lớn đã bảo là sai thì nó là sai. Tôi cũng không cần cãi bừa, vì tôi đã xin từ chức rồi. Để tôi mở một phòng luật sư và một cơ quan ngôn luận bằng chữ Tây, lúc ấy rồi tôi xin đáp lại cụ lớn và cái chế độ quan trường hiện nay. Thưa cụ lớn, khi người ta không phải là kẻ vô học thì người ta muốn làm gì cũng được” (Vũ Trọng Phụng, 2016a, tr. 53). Uy vũ bất năng khuất, ta thường thấy thái độ khúm núm của quan bề dưới đối với quan bề trong xã hội phong kiến, và cả trong xã hội hiện nay, nhưng đối với Tri huyện Cúc Châu thì không bao giờ khuất phục trước uy vũ của quan trên. Đó là thái độ của bậc chính nhân quân tử cần có của một vị quan chức trí thức chân chính.

Có thể nhân vật Tri huyện có tính chất lý tưởng của Vũ Trọng Phụng mơ ước một chế độ quan trường tốt đẹp để tạo dựng một xã hội tốt đẹp theo ý nguyện của ông. Nhưng thời nào cũng vậy, chế độ xã hội nào cũng vậy, luôn có người tốt và người xấu, luôn có quan chức tốt bên cạnh nhiều quan chức xấu. Điều đó cho thấy cái nhìn của Vũ Trọng Phụng không thiên kiến, luôn tôn trọng sự thật. Và nhờ vậy mà nó tạo nên giá trị hiện thực của tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng.

3.2 Nhân vật quan Công sứ
Dọ thực dân Pháp xâm lăng nước ta, đặt ách thống trị lên dân tộc ta, vơ vét tài nguyên nước ta… nên trong suy nghĩ của rất nhiều người Việt lúc này, người Pháp là những tên xấu xa, độc ác. Văn học hiện thực phê phán, không hiểu vì sao, rất ít xây dựng nhân vật là người Pháp, có chăng chỉ thoảng qua chứ ít khi khắc họa nó thành hình tượng điển hình. Vũ Trọng Phụng có khác. Ông không những xây dựng những hình ảnh quan Pháp xấu xa như các vị trong tiểu thuyết Số đỏ, mà còn giúp người đọc nhân diện những vị quan luôn thực hiện tốt thiên chức của mình.

Sự thiện cảm của tác giả dành cho viên Công sứ người Pháp thể hiện ngay trong cách miêu tả nhân vật này: “Đêm nay, ngồi làm việc, hai chân quan đi giầy da đen, cổ quan quấn một cái khăn quan dày sụ, lông chiên tua tủa bịt đến cả cằm. Bộ râu bạc ba chòm và cái trán hói đến bóng lộn của quan, khiến ngài có vẻ đường bệ oai nghiêm lắm” (Vũ Trọng Phụng, 2016a tr. 29). Sự uy nghiêm, đường bệ là dáng vẻ cần có của một quan chức. Bởi vì đó là dấu hiệu bên ngoài của một tính cách cương nghị, bản lĩnh bên trong. Thái độ ung dung, tự tại là chỉ dấu của phẩm chất kiên trinh và nội lực tri thức.

Hình thức bên ngoài ấy khá thống nhất với tính cách phẩm chất bên trong. Vũ Trọng Phụng trước khi đi vào khắc họa phẩm cách viên Công sứ, bằng ngôn ngữ người kể chuyện, ông đã giúp người đọc có cái nhìn khái quát về con người này: “Quan là một người đã cao tuổi, ở thuộc địa đã trên ba mươi năm, đã được lòng dân không phải vì một chính sách giả dối, không phải vì những bài diễn văn kêu vang và rỗng tuếch, không phải vì đã đem những giọt nước mắt cá sấu ra huyễn hoặc, lừa dối dân ngu, nhưng chính bởi quan là một bậc hiền nhân quân tử rất ít có ở đời” (Vũ Trọng Phụng, 2016a, tr. 29). Thông tin này cho thấy quan là người gắn bó lâu năm ở xứ An Nam. Sự gắn bó ấy giúp quan hiểu sâu sắc về người Việt, nước Việt, đó là điều kiện quan trọng để ông vạch ra đường lối cai trị của mình. Có điều, sự “cai trị” của ông không vì mục đích vun vén cá nhân hay cho nước Pháp của ông, mà là chủ yếu cho sự bình an của dân chúng. Đó là yếu tố quan trọng để ông “được lòng dân”. “Được lòng dân”, ba chữ ấy đơn giản nhưng đó là một vấn đề vô cùng khó khăn đối với một vị quan chức. Ngay cả quan chức người Việt, để được lòng dân đã khó vì chế độ quan trường thiếu minh bạch, vì quan niệm “một người làm quan, cả họ được nhờ”. Công sứ là người Pháp đến cai trị một dân tộc thuộc địa, nhưng ông không theo thói thường của một quan chức mẫu quốc “đem văn minh khai hóa dân tộc man di” bằng những “một chính sách giả dối, những bài diễn văn kêu vang và rỗng tuếch, những giọt nước mắt cá sấu”. Đó là do ông làm quan bằng cái tâm của một người trí thức ham đọc sách, viết văn. Chính con người nhân văn ấy đã khiến ông không thể sống giả dối, dù là với những người thuộc dân tộc khác. Con người ông đã thoát khỏi tính dân tộc ích kỷ hẹp hòi để vươn lên con người nhân loại, phụng sự Con người.

Thật may mắn cho nhân dân trong tỉnh khi có một vị quan tốt như thế, nhân từ như thế: “Cái lòng nhân từ của quan thì hầu như thành một câu cách ngôn đã truyền tụng. Những người trí thức, cả những nhà viết báo rất hoài nghi, cũng phải nhận ngài là người hiếm có, sống ở thuộc địa đã nửa đời người, mà vẫn giữ được những quan niệm về sự tự do cá nhân rất rộng rãi, vẫn biểu lộ được cái tinh thần đáng trọng của hạng trí thức nước Pháp, chứ không nhiễm phải tính nết của phái thực dân bằng dùi cui” (Vũ Trọng Phụng, 2016a, tr. 30). Tác giả Vũ Trọng Phụng, thông qua nhân vật người kể chuyện, tiếp tục ca ngợi quan Công sứ ở phương diện nhân từ, đặc biệt là “sự tự do cá nhân” mà ông đã thấm nhuần từ ý thức cá nhân hình thành rất sớm ở nền văn minh phương Tây. Tôn trọng sự tự do cá nhân nên dù là một ông quan lớn nhưng ông vẫn có lối hành xử hết sức thân thiện, gần gũi chứ không hề kiêu căng hống hách. Vũ Trọng Phụng kể lại một chi tiết nhỏ nhưng lại làm nổi bật thái độ thân ái, hiền hòa của viên Công sứ: “Một buổi kia, có việc ra nhà giây thép, quan cứ cuốc bộ mà lử khử đi như những người tây thường. Qua một phố nọ, có một trường tư thục, một lũ trẻ em đùa nghịch đá bóng, làm cho quả bóng trúng đánh bốp một cái vào ngực quan. Một vệt bùn to tướng in ngay vào ve áo, chỗ có cái cuống mề đay Bắc đẩu, Quan vào trường. Viên đốc học trường tư sợ tái mặt như mọi người phải lo sợ vào một trường hợp như thế. Nhưng mà quan công sứ cứ khoan thai cầm khăn mặt bông phủi áo, rửa tay vào chậu nước rồi ôn tồn bảo viên đốc: “Ông phải bảo học trò của ông, ra cái bãi cỏ ở cạnh chợ mà đá bóng, chứ thể thao ở giữa phố như thế thì rồi có những tai nạn xe cộ xảy ra”. Thế rồi quan lại ra đi, nét mặt vẫn hiền hậu, như không có việc gì xảy ra cả” (Vũ Trọng Phụng, 2016a, tr. 31]. Một chi tiết nhỏ, nhưng thể hiện “cái lớn” trong cách ứng xử xuất phát từ sự khiêm tốn cũng như lòng nhân ái bao dung của ông.

Làm quan cái khó nhất là giữ cho được cán cân công lý, không để “nén bạc đâm toạc tờ giấy”. Quan công sứ không những có những hành động, cử chỉ hết sức thân thiện với trẻ em, ông còn là người luôn bênh vực những kẻ nghèo hèn trong xã hội. Đây là cách ông đối xử với người đàn bà mò cua bắt ốc: “Một lần khác, xe hơi của quan vừa ở thủ đô về, người tài xế đương lái vòng để vào sân tòa sứ, thì có một mụ nhà quê tay cầm một lá đơn đến quỳ ngay trước xe. Mấy anh lính khố xanh toan giơ cao cái roi mây thì quan công sứ ra hiệu ngăn lại hỏi…“Đơn kêu của bà có rõ ràng không?” người đàn bà kêu lải nhải một hồi thì quan truyền: “Thôi, cứ về rồi quan sẽ xét xử” (Vũ Trọng Phụng, 2016a, tr. 32). Chỉ riêng việc ngăn lính khố xanh đánh người đàn bà quê mùa dám ngăn xe của quan đã cho thấy quan là một người tự thấy mình không phải là kẻ bề trên để có được tinh thần bình đẳng giữa con người với nhau. Điều đó khiến tầm vóc của quan trở nên cao hơn trong mắt mọi người. Thói thường là vậy, khi anh tỏ ra cao lớn trước người khác thì người khác sẽ thấy anh nhỏ bé; và ngược lại, anh càng khiêm tốn, người ta sẽ càng thấy anh vĩ đại.

Người Việt có câu “cá lớn nuốt cá bé”, thường những người thấp cổ bé họng luôn bị những kẻ tai to mặt lớn ức hiếp. Chế độ phong kiến Việt Nam là tác nhân để hình thành thói xấu này. Nói như Nam Cao, các ông Cả, ông Lý, ông Hương… trong làng xã là bầy “quần ngư tranh thực” (Chí Phèo), cắn xé lương dân, khiến cho dân phải thốt lên “cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”. Vị công sứ người Pháp không như vậy, ông sẵn sàng đứng ra bênh vực cho người đàn bà mò cua bắt ốc khỏi sự ức hiếp của bọn bô lão trong làng: “Nguyên do đó là một mụ đi mò cua bắt ốc, bị làng bắt vạ vì chưa hết tang chồng mà đã có mang. Theo như trong đơn, thì mụ đã bị một bọn bô lão trong làng, lôi những hủ tục ra để hành hạ mụ, chứ thật ra, mụ đã hết tang từ vài tháng trước khi có mang” (Vũ Trọng Phụng, 2016a , tr. 32). Xem xét kỹ lưỡng để dưa ra những quyết định đúng nhằm tránh oan sai là thiên chức của người nắm cán cân công lý. Nhờ vậy mà quan công sứ đã cứu được người dân bé mọn: “Ấy thế là quan viết thư trả lời cái mụ mò cua ấy rằng: “Thưa bà, bản chức đã xét đơn của bà rồi. Nếu bà còn có tang ông ấy thì theo luật Gia Long, có chửa như vậy là có lỗi. Còn nếu bà đã đoạn tang rồi thì không ai được phép bắt vạ bà, nếu bà viện được đủ chứng cớ là đã hết tang thì cứ lên tòa mà trình bày, bản chức sẽ trị tội những kẻ nhũng lạm” (Vũ Trọng Phụng, 2016a, tr. 33). Cấp trên nghiêm minh sẽ trị được cấp dưới nhũng loạn. Tất nhiên, để trị được cấp dưới thì cấp trên không nhận hối lộ, vì “thượng bất chính, hạ tất loạn”. Viên quan đầu tỉnh rất liêm chính, công minh nên tổng đốc, bố chánh, tri phủ “nhăn mặt”, còn bọn bô lão thì “sợ đến hết vía”: “Một bức thư của một vị quan đầu tỉnh mà lại có cái luận điệu lễ phép với một mụ mò cua đến bực ấy, đã làm cho các quan tổng đốc, bố chánh, tri phủ phải nhăn mặt lại. Rồi bọn bô lão trong làng sợ hãi đến hết vía mà đền lại cái vạ. Hai chuyện này đủ là chứng cớ rằng quan công sứ tỉnh có nghị Hách hồi ấy, là người dễ dàng biết bao nhiêu” (Vũ Trọng Phụng, 2016a, tr. 34). So sánh với giọng điệu quát tháo của Nghị Quế, Nghị Lại với Chị Dậu, anh Pha; chúng ta càng trân trọng “luận điệu lễ phép” của quan công sứ. Đích thị đây là một vị quan được đào tạo rất bài bản ở xứ Pháp văn minh, và tất nhiên ông không bị nhiễm “thói thực dân dùi cui” của thực tế cai trị ở những nước thuộc địa. Nhún nhường, khiêm tốn, bênh vực cho người dân bé mọn, ông cũng cương quyết, nghiêm khắc trị tội bọn quan hà hiếp dân. Nhờ vậy ông luôn được nhân dân yêu mến.

Một cách cư xử nữa chứng tỏ quan công sứ là người không làm việc một cách máy móc, không chờ người dân sở hở để trừng phạt nhằm kiếm chác, mà ông luôn có cách xử sự uyển chuyển, có lợi cho dân: “Tôi biết! Tôi biết… Đáng lẽ ra thì phải bắt giam ông ngay. Nhưng mà nhà nước cũng sẵn lòng tha thứ cho những người biết nhận lỗi và biết hối hận. Vậy thì nay tôi cứ ký giấy tạm tha cho ông. Ngay từ hôm nay, ông phải đuổi một đứa học trò thừa số đi, rồi liệu nay mai lên hầu tòa. Như thế cũng đủ là một cái đặc ân rồi đó. Nếu tôi là chính phủ thì tôi không truy tố ông. Nhưng mà tôi cũng chỉ là một người thừa hành pháp luật, chứ không thể tự ý làm trái với cả một chế độ được” (Vũ Trọng Phụng, 2016a, tr 67). Nếu so sánh với Nghị Lại của Nguyễn Công Hoan xúi giục anh Pha đi kiện để chiếm tám sào ruộng, đẩy anh vào cảnh tan cửa nát nhà, thì cách giải quyết của quan công sứ thật đáng trân trọng biết bao.

Dưới ngòi bút của Vũ Trong Phụng, quan công sứ hiện lên thật toàn diện. Nếu giới quan chức người Việt, ngoài thời gian công việc, họ dành rất nhiều thời gian cho việc đàn đúm ăn chơi, nhậu nhẹt; thì quan công sứ: “Ngoài những giờ bận việc cai trị, quan thường đọc sách, viết văn. Vì rất giỏi chữ Hán, quan đã xuất bản được một quyển sách khảo cứu về cách dùng binh của Trần Hưng Đạo. Do lẽ đó, quan công sứ nói tiếng An Nam cũng thạo và cũng dễ nghe” (Vũ Trọng Phụng, 2016a, tr. 29). Đọc sách, viết văn là công việc của những tao nhân mặc khách. Dù bận trăm công ngàn việc của một vị quan đầu tỉnh, ông vẫn dành thời gian đọc sách. Cao hơn nữa, ông sáng tác, nghiên cứu để xuất bản được sách. Có thể nói, chi tiết này dã giúp người đọc hình dung cụ thể về một vị quan lý tưởng.

Xây dựng nhân vật viên công sứ tốt đẹp, Vũ Trọng Phụng đã xác định được vị thế riêng của mình, không hòa lẫn vào các nhà văn Hiện thực phê phán cùng thời. Cái nhìn của ông thật sự thể hiện sự tiến bộ về mặt tư tưởng. Không sa vào tư tưởng dân tộc hẹp hòi, không bị sự thiên kiến chi phối, không cứng nhắc trong vấn đề nhân sinh quan, Vũ Trọng Phụng là nhà văn đầu tiên khắc họa thành công một con người đại diện cho thế lực ngoại xâm nhưng lại không xấu xa độc ác như ta vẫn thường thấy trong văn học cùng thời và sau này.

3.3 Nhân vật Tú Anh
Tú Anh có xuất thân khá phức tạp, sống trong gia đình của Nghị Hách, nhưng anh không theo nghề kinh doanh của bố mà làm một thầy giáo, giữ chức vụ “giám đốc Đại Việt học hiệu”. Tú Anh là điểm sáng duy nhất trong gia đình “tối tăm” của Nghị Hách.

Cũng như nhiều nhân vật khác, Vũ Trong Phụng ít chú trong miêu tả hình thức của nhân vật Tú Anh, ông chỉ dùng vài nét ký họa: “Đó là một người nhỏ nhắn, trắng trẻo, rất đẹp giai” (Vũ Trọng Phụng, 2016a, tr. 27). “Ông đồ chạy ra thấy một người trẻ tuổi, mặt mũi, dáng điệu tỏ ra là người lịch sự lắm, thì không hiểu ra làm sao nữa, cứ đứng ngây ra nhìn, ấp úng muốn hỏi mà lưỡi líu lại” (Vũ Trọng Phụng, 2016a, tr. 118). Tác giả chỉ tả “mặt mũi dáng điệu tỏ ra lịch sự lắm”, nhưng người đọc cũng đã có hình dung tốt về nhân vật này.

Tú Anh là thành viên trong gia đình Nghị Hách. Nếu Nghị Hách là hiện thân của ác quỉ, thì Tú Anh là vị “phù thủy” khắc chế sự lộng hành của con ác quỉ ấy. Là một người làm trong lĩnh vực giáo dục, Tú Anh luôn là một chàng trai thâm trầm, sâu sắc và tôn trọng lẽ phải. Khi biết chuyện Nghị Hách hãm hiếp Thị Mịch, Tú Anh tức tốc đến gặp để mắng lão: “Không, thưa ông! Người ta đã nói thật! Là vì ngoài cuộc điều tra của nhà báo, còn có cuộc điều tra của tôi, thằng con ông! Sau cái việc bậy bạ ấy, ông còn phái con đào Lan về, toan hối lộ lão huyện, nhưng mà ông đã thất bại. Ông có biết rằng nhiều người thù oán ông lắm rồi không? Ông muốn từ tôi thì xin cứ từ, nhưng mà để cho tôi nói vài lời đã! Tôi đã đến lúc không nín được rồi” (Vũ Trọng Phụng, 2016a, tr. 28). Tú Anh trước khi lên án cha đã có một cuộc điều tra riêng của mình. Sự cẩn trọng ấy là cơ sở để anh có thể khiến người cha không thể chối cãi. Vừa hiếp dâm, vừa hối lộ quan huyện của lão Nghị khiến Tú Anh “không chịu nổi”. Người Việt có câu “anh em như thể tay chân, rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần” cho nên thường có xu hướng người trong nhà thì lấp liếm, bao che thói xấu cho nhau trong mối quan hệ với người ngoài. Không theo lề thói ấy, Tú Anh không vì tình cha con (lúc này cả Tú Anh lẫn Nghị Hách đều chưa biết sự thật về cha – con) mà dung túng cho người cha bỉ ổi của mình. Điều ấy cho thấy anh vừa là người ngay thẳng, vừa có tư tưởng tiến bộ của một chàng trai có học thức.

Tiến bộ ở chỗ, dù là người chịu ơn cha mình, nhưng không vì thế mà đồng lõa với tội ác của cha, anh thẳng thắn nói: “Thưa ông, ông là cha tôi, điều đó lúc nào tôi cũng nhớ lắm. Tôi chịu ơn ông đã nhiều lắm, nhưng mà ông đã làm nhiều điều bỉ ổi lắm. Ông đẻ ra tôi thì ông có quyền cho tôi sống hoặc bắt tôi chết… Thưa ông, xin ông cho tôi chết. Ông giết tôi đi” (Vũ Trọng Phụng, 2016a, tr. 28). Sự rạch ròi dứt khoát giữa tình và lý, giữa sự hàm ơn và thượng tôn lẽ phải khiến cho Tú Anh phản ứng rất mạnh với Nghị Hách: “Thưa ông, xin ông cho tôi chết. Ông giết tôi đi”. Người cha đã bôi tro trát trấu vào đứa con, cho nên đứa con xấu hổ đến độ sẵn sàng chết. Tất nhiên, đó chỉ là phản ứng mạnh trong cơn nóng giận của Tú Anh, nhưng điều đó có thấy được lương tri tốt đẹp của nhân vật này.

Không chỉ lên án cha mình, Tú Anh ra tay giải quyết hậu quả bằng cách buộc Nghị Hách phải cưới cô Mịch làm vợ lẽ. Anh nói với Long: “Sao tôi lại phản đối? Ấy là chính tôi, tôi bắt ép ông cụ nhà tôi phải xử sự như thế, cho bõ với cái lúc càn bậy, chứ có phải ông cụ tôi muốn thế đâu!” (Vũ Trọng Phụng, 2016a, tr. 54). Tú Anh đã “xử tội” cha một cách rốt ráo vì anh muốn bắt ông phải khắc phục việc làm càn bậy. Và xa hơn, anh quá biết Nghị Hách sẽ dùng tiền để bẻ cong cán cân công lý. Những người dân quê như ông đồ Uẩn khó mà thắng được kẻ lắm tiền như cha mình, nhất là trong bối cảnh công lý trong xã hội hiện tại như một anh hề.

Thái độ của anh rất dứt khoát, rõ ràng. Khi nghe Long bảo ông Nghị không cần phải cưới cô Mịch, chỉ cần đền tiền, Tú Anh nghiêm khắc trả lời: “Thầy đừng nói càn! Cái tân tiết của một người con gái, dù là gái quê ngu đần, thì cũng là đáng quí lắm. Ông cụ ấy đã phá tân người ta, thì ông cụ ấy phải lấy hẳn người ta. Mà lấy làm bà hai hẳn hoi chứ không phải là mua về làm hầu như những người khác. !” (Vũ Trọng Phụng, 2016a, tr. 54). Người Việt vốn đề cao sự trinh tiết, chữ trinh là một vấn đề rất hệ trọng của người con gái, cho nên Nghị Hách “phá tân” cô Mịch là tội ác tày đình. Cô Mịch bị mất tân thì sẽ rất khó lấy chồng, nếu lấy được thì cũng bị chồng coi thường. Hiểu được điều đó nên Tú Anh phải ra tay cứu vớt cô bằng cách buộc cha mình phải cưới, mà cưới làm “bà hai hẳn hoi” chứ không phải mua về làm hầu như người khác. Dù thuộc vào tầng lớp thượng lưu, nhưng anh không hề khinh rẻ người dân quê, mà còn hơn thế nữa, anh rất trân trọng họ. Chứng tỏ, Tú Anh là một chàng trai Tây học nhưng vẫn luôn coi trọng văn hóa, đạo lý truyền thống của dân tộc. Anh cũng luôn có tinh thần bình đẳng, bác ái tiến bộ trong xã hội đầy bất công thời bấy giờ.

Để thực hiện công lý, Tú Anh về tận làng Quỳnh Thôn gặp ông đồ Uẩn để “giải quyết hậu quả”. Dù là về miền quê nghèo nàn, đến nhà một người dân thường, Tú Anh vẫn có thái độ rất khiêm tốn, lễ phép: “- Kính chào cụ. Xin cụ tha lỗi, có phải chính cụ là cụ đồ Uẩn không?- Thưa cụ, xin cụ đừng sợ. Tôi đây không phải là người nhà nước, không phải là người mật thám của ông tuần, cũng không phải mật thám của ông huyện, về dò xét gì cụ, hay làng này đâu… Xin cụ cứ cho tôi vào nhà” (Vũ Trọng Phụng, 2016a, tr. 118). Tú Anh biết tâm lý người nhà quê là thấy ai ăn mặc sang trọng một chút là tỏ ra sợ sệt, nên anh trấn an cụ già để cụ có thể bình tĩnh. Khi cụ già bình tĩnh, Tú Anh mới đem lời từ tốn mà nói: “Vâng, chính tôi là con giai người ấy. Nhưng mà tôi không giống người ấy, tôi không bênh vực người ấy, mặc dầu người ấy là bố tôi. Chứng cớ hiển nhiên là tôi về tận đây để cứu chữa lại một điều lầm lỗi, do bố tôi đã gây ra. Bố tôi đã làm hại cụ, con cụ, cả vật chất, lẫn tinh thần. Tôi không muốn nhắc lại những điều đau khổ của cụ mà đau lòng cụ, đau lòng tôi” (Vũ Trọng Phụng, 2016a, tr.119). Lời nói của Tú Anh đầy thiện chí, anh phân tích điều hơn lẽ thiệt để thuyết phục cha của nạn nhân. Điều đó cho thấy sự thành tâm của anh trong việc đền bù cho cha con ông đồ. Tinh thần trách nhiệm cao cộng với sự khéo léo trong cư xử đã giúp Tú Anh đem lại sự công bằng cho những người thấp cổ bé miệng.

Ngoài là người công dân tốt, Tú Anh cũng là một người anh tốt trong gia đình. Với người em Vạn tóc mai hư hỏng, suốt ngày bàn đèn thuốc phiện, Tú Anh chân thành bảo ban: “Thôi được, nếu chú đã nghi tôi thì từ rày trở đi đừng có nghi nữa, còn nếu không nghi thì thôi. Mà chú cũng nên cải tà qui chính đi thì vừa, đừng nên ăn chơi lêu lổng mãi như thế nữa, đừng nên đi hết tiệm này đến tiệm khác nữa” (Vũ Trọng Phụng, 2016a, tr. 60). Có người cho rằng Tú Anh chẳng qua là muốn Vạn tóc mai đừng bôi bác Nghị Hách, đừng cung cấp thông tin không có lợi của bố cho cánh phóng viên nữa, nên tỏ ra quan tâm lo lắng cho em chứ thật ra chẳng yêu thương gì. Tuy nhiên, một con người mà sẵn lòng làm hết mình để đem lại công bằng cho người dưng thì sao lại không quan tâm đến người thân của mình? Một cách biện chứng rằng, anh không “tề gia” được thì cũng không thể “trị quốc”; anh không yêu thương người trong nhà thì anh cũng không thể yêu thương người ngoài.

Tú Anh cũng rất trọn vẹn trong mối quan hệ bạn bè. Dù là ông chủ, nhưng anh lại đối xử hết sức trân trọng, hòa đồng với người làm công cho mình là Long. Long là người yêu của Mịch. Mịch bị Nghị Hách hãm hiếp, Long rất đau đớn. Anh càng đau đớn hơn khi biết Nghị Hách sẽ cưới Mịch dưới sự sắp xếp của Tú Anh, nên anh chán nản, bèn tìm đến tiệm thuốc phiện. Tú Anh tìm đến tận nơi để tâm sự với Long: “Tôi biết lắm, tôi biết lắm, ông Long ạ. Nếu không, tôi lặn lội đi tìm ông ở một chỗ mà nếu tôi có đến thì có hại cho danh dự của tôi như thế này làm gì? Tôi dám tự phụ rằng ở trên đời nay, tôi hiểu rõ ông hơn hết thảy mọi người khác, và ông cũng nên lấy làm tự kiêu rằng có tôi là người tri kỷ nhất đời của ông, nếu ông cho thế là đáng tự kiêu” (Vũ Trọng Phụng, 2016a, tr. 125). Vì bạn, Tú Anh sẵn sàng đến một nơi mà rất “có hại danh dự” cho những người đàng hoàng. Tú Anh đặt tình bạn lên trên danh dự vì anh nghĩ, không vì danh dự mà không cứu giúp người bạn đang rơi vào tuyệt vọng. Anh đem hết sự chân tình cũng như lời hay ý phải để khuyên nhủ bạn. Sự khuyên nhủ của anh theo đúng logic của tâm lý học. Đầu tiên là khen Long: “Chẳng phải nói nịnh gì ông, xưa nay tôi vẫn có bụng mến ông lắm. Tôi thấy ông, tuy nghèo, nhưng mà có chí, biết tự trọng, nhân cách vào bậc thượng lưu, lại có tư tưởng nữa, nên trong bụng vẫn có muốn rằng từ cái địa vị người chủ với người làm công. Từ cái chỗ cần dùng nhau để làm việc đời, tôi muốn chúng ta sẽ trở nên thân nhau hơn nữa, cũng chỉ để làm việc đời! Ấy bản thân tôi vẫn như thế thì chẳng may lại có những sự không ra gì nó xảy ra…” (Vũ Trọng Phụng, 2016a, tr.125). Khơi được tâm lý tự tin và gần gũi thân tình, Tú Anh mới đem “qui luật cuộc đời” để vỗ về: “Ta giận thân làm gì mà oán đời làm gì? Sự đời là như thế, bao giờ cũng có cái sự gì nó xảy ra, để cho chúng ta đương sướng phải hóa ra khổ, hoặc khổ rồi thì lại phải khổ hơn trước nữa… Ai cũng chịu đựng số phận như thế, chứ chẳng cứ gì một ta đâu, nên tôi muốn khuyên ông can đảm mà chống chọi với đời” (Vũ Trọng Phụng, 2016a, tr. 125). Tú Anh đến đây như một triết gia dùng lý lẽ khá sắc bén và lập luận chắc chắn để thuyết phục bạn. Lời lẽ của anh khuyên bạn đầy tính trí tuệ, khả năng tư duy tốt, nền tảng triết học vững vàng; chứng tỏ anh là một trí thức thực thụ chứ không phải dở hơi như ông Văn Minh hay cậu Tú Tân trong Số đỏ.

Là hiệu trưởng trường tư, lại là con trai của nhà tư bản, nhưng Tú Anh không sa đà vào ăn chơi lêu lổng với nhà thổ và bàn đèn như rất nhiều kẻ lắm tiền ở Hà thành lúc bây giờ. Là bởi anh ý thức được rất rõ tác hại của nó. Anh nói: “… Văn chương sách vở khiêu dâm, phim ảnh khiêu dâm, nhà hát khiêu dâm, tranh ảnh khiêu dâm, phòng khiêu vũ, nhà săm, những quân phu xe bảo ông đi lấy sự trinh tiết của mọi hạng phụ nữ bằng năm đồng, ba đồng, âm nhạc cũng khiêu dâm, những mốt y phục lại càng ngày càng khiêu dâm, nói tóm lại thì bao nhiêu cái xô đẩy người ta vào vòng thương luân bại lý! Ông có thấy rằng chúng ta đang đắm đuối ngập lụt đến cổ vì vũng bùn lầy dâm đãng đó không? ((Vũ Trọng Phụng, 2016a, tr. 126). Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn, có thể nói về Tú Anh như thế. Tránh xa được cám dỗ sắc dục và nàng tiên nâu giúp cho Tú Anh đứng vững trên cương vị của một Giám đốc học hiệu Đại Việt. Có thể nói, nhân vật Tú Anh là hội tụ tất cả những phẩm chất tốt đẹp của một trí thức có lý tưởng đúng đắn, có lối sống nghiêm túc, có ý thức trách nhiệm cao, có lòng nhân ái và ý thức công bằng.

4. Kết luận
Ngòi bút của Vũ Trọng Phụng thiên về châm biếm, phê phán hiện thực xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX với nhiều xấu xa, kệch cỡm nên nhân vật của ông phần lớn mang tính chất tiêu cực. Nhưng một xã hội dù xấu xa đến đâu cũng có điều tích cực. Một chế độ quan trường dù tệ hại đến đâu có có những quan chức tích cực. Vũ Trọng Phụng có đến chín cuốn tiểu thuyết, nhưng chỉ có ba cuốn là có xây dựng nhân vật quan chức xuất thân là những trí thức đúng nghĩa. Chính phẩm chất trí thức ấy là nền tảng cho việc làm quan của mình được “liêm chính, chí công”, luôn đứng về phía lẽ phải, thực hiện công lý một cách nghiêm minh, họ “phú quí bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”, luôn bênh vực cho người dân thấp cổ bé miệng bị bọn cường hào ác bá hà hiếp. Họ sống luôn có nghĩa có tình và cũng đầy khí tiết. Họ chính là những điểm sáng trên bầu trời đầy tăm tối của giới quan lại cũng như xã hội nửa thực dân, nửa phong kiến Việt Nam. Nhân vật người trí thức cũng cho thấy ngòi bút hiện thực rất toàn diện, tiến bộ của Vũ Trọng Phụng trong dòng văn học hiện thực đầu thế kỷ XX.

(*) Tiến sĩ. Trường Đại học Sài Gòn

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Lại Nguyên Ân (1992). Vũ Trọng Phụng – tài năng và sự thật. Nxb Hội Nhà văn.
[2]. Vũ Trọng Phụng (2015). Tuyển tập truyện ngắn. Nxb Văn học.
[3]. Vũ Trọng Phụng (2016a). Giông tố. Vỡ đê, Nxb Văn học.
[4]. Vũ Trọng Phụng (2016b). Số đỏ. Nxb Văn học, Hà Nội.
[5]. Vũ Trọng Phụng (2019). Làm đĩ. Nxb Văn học, Hà Nội.
[6]. Vũ Trọng Phụng. Trúng số độc đắc. Webside: vietmessenger.com
[7]. Phương Lựu (Chủ biên), (2006), Lý luận văn học, Nxb Giáo dục.
[8]. Trần Hữu Tá (1999). Nhà văn Vũ Trọng Phụng với chúng ta. Nxb Tp. Hồ Chí Minh.
[9]. Kiều Thanh Uyên (2018). Chủ nghĩa hiện đại trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
[10]. R. Wellek và A. Warren (2009) (Nguyễn Mạnh Cường dịch). Lý luận văn học. Nxb Văn học.
[11]. Ronathan Culler (2020) (Phạm Phương Chi dịch). Nhập môn Lý luận văn học. NXB Hội Nhà văn.

Share Button