Giới thiệu sách: Ý niệm đại học

Share Button

sachhay

Ý niệm đại học

Tác giả Karl Jaspers
Ngôn ngữ Tiếng Việt
Lĩnh vực Khoa học – Giáo dục
Dịch giả Hà Vũ Trọng & Mai Sơn
Năm xuất bản 2013
Đơn vị xuất bản Nxb Hồng Đức & ĐH Hoa Sen

 

 

Ý NIỆM ĐẠI HỌC
NHƯ MỘT GIÁ TRỊ CỐT LÕI

I

“Ý niệm đại học” là cách dịch tinh tường và tinh tế nhan đề tác phẩm nổi tiếng của Karl Jaspers[1]. Bởi, “Idee/Idea” ở đây không có nghĩa đơn giản là “ý tưởng”, theo nghĩa là “suy nghĩ” hay “ý kiến” nào đó về đại học. Jaspers, một trong những triết gia hàng đầu của thế kỷ 20, đã cố ý sử dụng thuật ngữ “Ý niệm” tiêu biểu của bậc tiền bối là Immanuel Kant để chỉ Nguyên tắc của lý tính, lý tưởng để vươn tới tuy không bao giờ đạt được trọn vẹn, như ngôi sao Bắc đẩu dẫn đường cho kẻ lữ hành. Vâng, theo Jaspers, quả có một Ý niệm về đại học, và Ý niệm này (xin viết hoa để phân biệt!) là Tinh thần sống động, là Hồn của đại học. Nhưng, một khi phải bàn về “Ý niệm đại học” là mặc nhiên thú nhận rằng Ý niệm ấy đang bị xem nhẹ, ánh sáng dẫn đường ấy đang bị lu mờ, hồn cốt ấy đang phai nhạt và có nguy cơ tan biến. Tương lai cho nền đại học đã bị sa đọa như thế phụ thuộc vào sự khôi phục Tinh thần nguyên thủy. Jaspers thừa biết rằng con đường trở về lại với thời cổ điển là vô vọng, nhưng một sự tái tạo theo tinh thần của Humboldt trong những điều kiện kinh tế-xã hội mới mẻ là cần thiết, và, hơn thế, là có thể làm được. Theo Jaspers, đại học hiện đại đứng trước sự chọn lựa: “hoặc thành công trong việc giữ vững nền đại học (…) bằng sự tái sinh của Ý niệm trong nỗ lực kiên quyết hiện thực hóa một hình thái tổ chức mới, hoặc đại học sẽ cáo chung trong tính chức năng [đơn thuần] của những cơ sở khổng lồ đào tạo những chuyên viên khoa học-kỹ thuật”[2]. Khôi phục nguyên si mô hình đại học cổ điển của Humboldt là bất khả thi, bởi Ý niệm không phải là cái gì tĩnh tại và đã hoàn tất, độc lập với sự phát triển của bản thân Tinh thần và thoát ly khỏi những hoàn cảnh xã hội nhất định. Vì thế, tái sinh Ý niệm phải đi liền với sự đổi mới nó. Có những yêu sách truyền thống vẫn còn giá trị, nhưng, mặt khác, phải phù hợp với những hoàn cảnh mới.

Câu hỏi lập tức đặt ra: “Ý niệm” ấy là gì? Và tại sao nền đại học hiện đại – nói riêng là đại học Đức, đối tượng trực tiếp của Jaspers trong sách này – lại xa rời Ý niệm của nó? Đâu là những nguyên nhân bên trong và bên ngoài? Nếu không giải đúng những câu hỏi này, cương lĩnh “hồi sinh và đổi mới” chỉ là một giấc mơ hão huyền.

Quyển “Ý niệm Đại học” được K. Jaspers biên soạn ở Heidelberg (Đức) ngay sau Thế Chiến II, sau thảm họa kinh hoàng của bạo lực, khủng bố, chiến tranh và tội ác diệt chủng. Ông sử dụng bản sơ thảo cùng tên từ 1923, viết lại và bổ sung nhiều ý tưởng mới trước tình hình nghiêm trọng: sự tàn phá nền học thuật Đức nói chung và nền đại học Đức nói riêng của chủ nghĩa quốc xã[3], cùng với trách nhiệm cá nhân nặng nề của ông trong trọng trách xây dựng lại Đại học Heidelberg với tư cách là một thành viên lãnh đạo đại học.

Bản thân ông là nạn nhân trực tiếp của chế độ phát xít. Là một triết gia hàng đầu, ông bị cấm giảng dạy và công bố khoa học vì có vợ gốc Do Thái. Hai vợ chồng ông may mắn thoát chết vào giờ chót nhờ thành phố Heidelberg được giải phóng kịp thời. Ông viết: “Những người sống sót chúng tôi đã không đi tìm cái chết (…). Chúng tôi cố tìm cách để sống sót. Chính việc chúng tôi sống sót đã là một tội lỗi!”[4].

Lương tâm trí thức đã thúc đẩy Jaspers tìm cách cứu vãn những gì đã bị chế độ cực quyền tàn phá hầu như tận gốc rễ: sự độc lập tư duy và sự khách quan khoa học. Đối lập lại với chủ trương chính trị hóa và công cụ hóa đại học của chủ nghĩa quốc xã, Jaspers đề xướng quan niệm của Kant về “Ý niệm” theo nghĩa điều hướng, dẫn đạo (regulativ) như là lý tưởng cần vươn tới. Jaspers định nghĩa Ý niệm này là “lòng hiếu tri nguyên thủy”, và lòng hiếu tri ấy sẽ thể hiện trong việc đi tìm chân lý: trong đại học, thầy và trò cùng chia sẻ một đam mê, một khát vọng, dù biết rằng đó là một công cuộc bất tận, thậm chí bất khả, không khác gì của nhân vật Sysiphus trong thần thoại Hy Lạp. Tác phẩm này, do đó, cần được đọc từ bối cảnh ra đời đầy bi tráng của nó! Theo Jaspers, công cuộc đi tìm chân lý ấy triển khai trong bốn lĩnh vực lớn: 1. trong nghiên cứu và giảng dạy; 2. trong giáo dục và đào luyện (Bildung); 3. trong sự truyền thông và giao lưu; và, sau cùng, 4. trong tính phổ quát[5].

Đi tìm chân lý bằng khoa học, cho nên nghiên cứu là nền tảng và là nhiệm vụ cốt lõi của đại học. Và vì sự hiếu tri luôn mong muốn thông báo đến người khác, nên việc giảng dạy là bộ phận thiết yếu gắn liền với nghiên cứu. Việc nghiên cứu khoa học – như là nỗ lực không mệt mỏi hướng đến chân lý – sẽ hình thành một mẫu người đặc biệt: mẫu người được đào luyện trong “tinh thần khoa học” hay trong “thái độ khoa học” theo cách nói của ông: “giáo dục đại học là năng lực dẹp bỏ những đánh giá riêng tư, tùy tiện, dành chỗ cho tri thức khách quan, dẹp bỏ ý muốn nhất thời, nhường chỗ cho sự phân tích vô tư những sự kiện”. Hướng đến tính “nhân văn” (Humanitas) trong sự thống nhất giữa nghiên cứu và giảng dạy, nền giáo dục đúng nghĩa chỉ có thể hình thành trong sự trao đổi ý kiến “của mọi người với mọi người”, trong sự giao tiếp và truyền thông giữa người dạy và người học, và luôn trong mối quan hệ với cái toàn bộ, tức với tính “phổ quát” (Universalität) của các ngành khoa học. Như thế, theo Jaspers, đại học là sự hợp nhất giữa: “cơ sở nghiên cứu và giảng dạy, thế giới đào luyện, đời sống truyền thông, vũ trụ của các ngành khoa học”. Không một lĩnh vực hay khía cạnh nào được tách rời với các lĩnh vực hay khía cạnh khác, nếu không muốn phá hủy tính toàn bộ của đại học.

Ý niệm dẫn đạo ấy của Jaspers dẫn đến những hệ quả nào cho đại học, xét như một định chế? Ở đây, xin giới hạn vào ba điểm cốt yếu: 1. quan niệm của Jaspers về sự thống nhất mới mẻ của các ngành khoa học; 2. quan hệ giữa nhân cách và định chế (đại học), và 3. quan hệ giữa đại học và nhà nước.

Trước khi đi sâu hơn vào phân tích và nhận định, thử tóm lược những ý tưởng cốt lõi của Jaspers về ba điểm nói trên:

1.   Theo Jaspers, đại học là nơi “thực hiện năng lực hiếu tri trong phạm vi rộng lớn nhất của nó từ sự thống nhất các ngành khoa học như một toàn bộ, do đó, hệ thống phân chia các ngành khoa học cũng như “các phân khoa” phải có mối tương quan chặt chẽ với nhau. Theo ông, chính sự phân hóa “phân khoa triết học” vào thế kỷ 19 thành một bên là phân khoa toán học-khoa học tự nhiên, và bên kia là phân khoa thuộc “khoa học tinh thần” (ngày nay gọi là khoa học nhân văn và xã hội”), thêm vào đó là sự độc lập của các ngành kinh tế học, đã phá vỡ tính thống nhất của đại học. Trước mắt mọi người, đại học thoái hóa thành một “cửa hàng bách hóa”, phục vụ tùy theo ý thích của mỗi khách hàng. Lấy năm 1945 (kết thúc Thế chiến II) làm đường phân thủy, Jaspers nhìn thấy lối thoát cho kịch bản suy đồi ấy không phải trong việc quay trở lại với quá khứ, trái lại, trong việc thực hiện một sự thống nhất mới mẻ của đại học. Cơ hội cho sự thống nhất mới mẻ này là việc tích hợp tri thức và năng lực nghiên cứu hiện đại (nhất là của lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ) trong sự mở rộng đại học như một tiến trình liên tục. Ông tin rằng Ý niệm đại học đòi hỏi sự “tiếp thu linh động” chất liệu mới và năng lực mới từ bên ngoài để tiếp tục phát triển bản thân nền khoa học với sự phân ngành tất yếu của nó.

2.   Định chế đại học, theo Jaspers, chỉ là “điều kiện” cho việc phát huy nhân cách của những con người sống và làm việc trong đó. Định chế “được đánh giá tùy theo việc nó có thể đào tạo nên những nhân cách tốt đẹp nhất hay không và liệu nó có khả năng đảm bảo những điều kiện tinh thần cho việc nghiên cứu, truyền thông và giảng dạy”. Tất nhiên, Jaspers không quá “lý tưởng” đến độ có ảo tưởng trước sự hèn kém về nhân cách của biết bao thành viên trong đại học, nhất là của những thế lực muốn khống chế và làm méo mó đại học. Nhưng, với kinh nghiệm xương máu và đầy tủi nhục của thời kỳ quốc xã, Jaspers muốn nhấn mạnh đến nguy cơ sa đọa của đại học, đến yêu cầu khẩn thiết của việc phải nhanh chóng vượt bỏ “sự cuồng tín và mù quáng”, để khôi phục và thúc đẩy “tính nhân văn”, sự khoan dung và tinh thần “cộng đồng” trong lý tính.

3.   Về mối quan hệ giữa đại học và nhà nước, Jaspers nhận ra một sự tương hỗ luôn căng bức và nghịch lý: đại học vừa thuộc nhà nước (staatlich), vừa đồng thời, độc lập và không mang tính nhà nước (staatsfrei). Nó thuộc nhà nước bởi phải phục tùng sự quản lý nhà nước và cần sự tài trợ mạnh mẽ, nhưng đồng thời không mang tính nhà nước bởi sự tự trị, tức tự-chịu trách nhiệm trong nghiên cứu, giảng dạy với đầy đủ các quyền hạn của “hội đoàn” trong việc tổ chức thi cử, cấp bằng và thu dụng nhân sự.

II

Ta thử đi sâu hơn vào các luận điểm nói trên của Jaspers:

1. Bản chất của khoa học

Ý niệm đại học đặt cơ sở trên “bản chất của khoa học”. Vì, theo Jaspers, “nơi đâu có việc tìm tòi chân lý vô-điều kiện, ở đó có yêu sách của con người xét như là con người”. Yêu sách “của con người xét như là con người” khác về chất với những nguyện vọng và nhu cầu nhất thời của mỗi cá nhân. “Ý chí cơ bản của con người là dám đi tìm chân lý vô giới hạn với bất kỳ giá nào”. Bởi, chỉ có như thế mới cho phép con người đạt tới đỉnh cao trong trải nghiệm về Tồn tại. Thế nào là “trải nghiệm về Tồn tại”? Và đâu là đỉnh cao có thể vươn tới? Hai câu hỏi chỉ có thể được trả lời một cách bất tận ngay trong đời sống của đại học! Chính từ việc đi tìm chân lý vô-điều kiện và vô-giới hạn này, Jaspers đề ra cương lĩnh của đại học: “Đại học là nơi hiện thực hóa lòng hiếu tri nguyên thủy. Nó không có mục đích nào khác hơn là trải nghiệm những gì ta có thể biết và những gì ta sẽ trở thành, thông qua tri thức. Nhiệt tình muốn biết này tự biểu hiện qua sự quan sát, qua tư duy có phương pháp, và qua sự tự phê phán như là nỗ lực đào tạo hướng đến tính khách quan. Nhưng đồng thời, cũng là trải nghiệm không chỉ về những ranh giới, về sự không biết mà cả về những rủi ro, căng thẳng vốn có trong bất kỳ cuộc tìm kiếm trí tuệ nào. Tính duy nhất và tính toàn thể là bản chất thực sự của lòng hiếu tri nguyên thủy. Tuy tính duy nhất và tính toàn thể này bao giờ cũng chỉ được hiện thực hóa trong những lĩnh vực chuyên môn, nhưng những lĩnh vực này chỉ có được đời sống tinh thần, khi chúng là những bộ phận của một cái toàn bộ. Sự hội nhập những ngành khác nhau liên kết thành một vũ trụ, đạt tới đỉnh điểm trong viễn quan của khoa học hợp nhất, trong thần học và triết học. Chắc chắn, cái toàn bộ này bao gồm những đối cực nhiều lần phân rã thành những đối nghịch xung đột và loại bỏ lẫn nhau. Tuy thế, tính thống nhất của mọi ngành khoa học vẫn tồn tại. Vì, bất chấp sự đa dạng vô hạn về đối tượng và vấn đề, mọi học giả ít ra đều gắn kết với nhau trong một thái độ cơ bản, đó là “tính khoa học”.

Sau khi giải thích khái niệm “bản chất khoa học”, Jaspers phân biệt giữa “khoa học theo nghĩa hẹp” (chỉ các ngành khoa học riêng lẻ như vật lý, hóa học v.v…) với “khoa học theo nghĩa đích thực hay theo nghĩa rộng”, khi phản tư về điều kiện khả thể của khoa học, tức về vấn đề vốn không được đặt ra trong bản thân các khoa học riêng lẻ. Theo đó, khoa học theo nghĩa hẹp có các hạn chế sau đây:

–     “tri thức khoa học về sự vật không phải là tri thức về Tồn tại”. Các khoa học riêng lẻ cô lập những quan hệ đặc thù khỏi mối quan hệ phổ biến. Ta không nhận thức được “bản thân Tồn tại” nơi những đối tượng nhất định, trái lại, chỉ nhận thức được mặt hiện tượng của chúng, vì những đối tượng của khoa học tự nhiên đều là những hiện tượng trong khuôn khổ không-thời gian. Chính cái biết mở rộng đến vô tận về những mối quan hệ tự nhiên sẽ tạo ra “cái biết chắc chắn nhất về cái không biết”. Do đó, theo Jaspers, sẽ là sai lầm cơ bản khi tin rằng tất cả đều được giải quyết trong các mối quan hệ “tự nhiên”, tức chỉ được tiếp cận bởi khoa học tự nhiên.

–     “tri thức khoa học không thể mang lại cứu cánh nào cho đời sống. Nó không đề ra được những giá trị chung quyết”. Những cứu cánh, nhất là cứu cánh tối hậu như là sự Thiện tối cao, không thuộc về lĩnh vực khoa học, trái lại, cho thấy có nguồn gốc ngoại lý, siêu lý.

–     “khoa học không thể giải đáp cho câu hỏi về ý nghĩa của chính nó”, cũng như không thể phản tỉnh về cơ sở của chính mình.

Vì thế, việc biện minh cho khoa học, theo Jaspers, dễ rơi vào hai thái cực, thoạt nhìn như trái ngược nhau, nhưng cùng dẫn đến hệ quả cực đoan như nhau: công cụ hóa khoa học như một phương tiện đơn thuần hoặc tuyệt đối hóa khoa học như một cứu cánh tự thân. Công cụ hóa hay chức năng hóa khoa học khi người ta chỉ chờ đợi ở khoa học những giá trị sử dụng nào đó cho giới lãnh đạo chính trị, cho những ông chủ tư bản hay kể cả cho “nhân loại” trừu tượng. Đồng thời, Jaspers cảm nhận nguy cơ tiềm ẩn trong lập trường ngược lại, đó là khoa học như cứu cánh tự thân. Với tầm nhìn xa, Jaspers dự báo khả năng hoạt động khoa học sẽ “trượt dài” vào sự vô tận của những khẳng định, vào sự phân tán và tự mãn của kiến thức chuyên môn, chồng chất những kết quả và không còn quan hệ gì với ý nghĩa của khoa học và đời sống. Nhà khoa học đòi hỏi sự tự do, nhưng, theo Jaspers, khi nội hàm của tự do (tức vương quốc của các cứu cánh và sự Thiện tối cao) bị phai mờ, nó sẽ bị chuyển hóa thành sự tùy tiện. Và vì kết quả khoa học có giá trị phổ quát, nó hiện diện như tài sản chung, tha hồ cho các thế lực chính trị và kinh tế khác nhau khai thác. Đó cũng là lý do tại sao quyền lực nhà nước đã “sẵn lòng” dành chút ít tự do cho việc nghiên cứu khoa học. Mô hình đại học Humboldt, theo Jaspers, vô hình trung đã mắc mưu: “khoa học là một cô gái giang hồ!”. Phương cách nào để nhà khoa học không còn “đánh đĩ” chính mình? Theo Jaspers, phương cách cứu chữa không gì khác hơn là xác định trở lại “lòng hiếu tri nguyên thủy”. Khi ta muốn biết một điều gì nhất định, ta đề ra một mục đích, và trong trường hợp ấy, lòng hiếu tri không còn đúng nghĩa là “nguyên thủy” nữa. Cũng không còn là “nguyên thủy” khi nỗ lực hiếu tri được xem như thành tố của lý tưởng giáo dục thuộc về một xã hội hay một giai đoạn lịch sử nhất định. Vậy, “nguyên thủy” ở đây, theo Jaspers, chỉ có thể là sự “tò mò”, là lòng khao khát sơ khai muốn nhận diện được cái xa lạ, cái chưa quen thuộc. Chỉ có sự tò mò không bao giờ thỏa mãn ấy mới khêu gợi một sự nhận thức sâu xa: sự nhận thức trong “tính nguyên thủy của nó”. Chính lòng hiếu tri mang kích thước “hiện sinh” ấy mới có thể làm cơ sở cho khoa học: “không một sự hiểu biết riêng lẻ nào thỏa mãn được tôi; tôi tiến lên phía trước không ngừng nghỉ. Tôi mong muốn mở rộng tri thức thành cái Toàn bộ”. Nhưng, để sự thôi thúc “vô-điều kiện” ấy không trở thành mù mờ, khoa học cần một sự “hướng đạo”. Sự hướng đạo ấy đến từ đâu? Với lòng hiếu tri nguyên thủy, sự hướng đạo đến với ta từ bên trong, nhưng lại thông qua “cái Một của Tồn tại”. Chỉ có “cái Một” này mới mang lại linh hồn cho khoa học. “Linh hồn” này là gì, theo Jaspers, là điều không thể nói rành mạch. Cái cá biệt, trong chừng mực là cái cá biệt, cần được nhận thức và tiếp tục tra hỏi. Nhưng, linh hồn không dừng lại hay tan biến đi trong cái cá biệt, đó chính là định nghĩa “tiêu cực” đầu tiên về linh hồn này: “từ nỗi bàng hoàng trước vẻ đẹp và sự hài hòa trong thế giới, khoa học đẩy tôi vào nỗi sợ hãi trước mọi sự tan vỡ, trước sự vô nghĩa và hủy diệt không thể giải thích được”. Trong nỗi sợ hãi ấy, con người có được “trải nghiệm hiện sinh”, tức trải nghiệm về “sự bất trithực sựCái Một như là sự Siêu việt luôn gián tiếp cho tôi thấy. Sự Siêu việt ấy sẽ là người hướng đạo âm thầm cho mọi sự hiếu tri của tôi”. Trải nghiệm này mang lại linh hồn và ý nghĩa cho lòng hiếu tri, nhưng “ý nghĩa này cũng không thể được xác định một cách thuần lý được”. Nói cách khác, “khoa học không phải là mảnh đất vững chắc cho tôi yên nghỉ, trái lại, là con đường tôi đi để xác tín về sự Siêu việt trong hình thức của sự bất an vốn gắn liền với sự hiếu tri (…) Sự hướng đạo từ cái Một của sự Siêu việt tuyệt nhiên không rõ ràng, rành mạch. Không ai có thể nắm bắt và sở hữu nó trọn vẹn. Trái lại, sự Siêu việt chỉ có thể được hiện thực hóa trong hình thái lịch sử liên tục vươn tới của nhận thức, như một thể nghiệm, một sự dấn mình mạo hiểm”. Nói theo ngôn ngữ triết học của Jaspers, hiện sinh (Existenz) đột phá sự hiện hữu (Dasein), và, khi sự đột phá này được ý thức, Jaspers gọi là sự “soi sáng hiện sinh”, tức cần đến năng lực của lý tính (Vernunft) để giữ khoảng cách phản tỉnh với hiện hữu, trong khi giác tính (Verstand) giúp ta giải quyết những đòi hỏi thực dụng trong đời sống. Giác tính luôn thỏa mãn khi giải quyết thành công những vấn đề của cuộc sống, trong khi lý tính là năng lực và động lực để tiếp tục tra hỏi. Tóm lại, chống lại tư duy “thực chứng” của thời đại và tư duy “vị lợi” trong khoa học, Jaspers muốn mang lại một kích thước mới: lòng hiếu tri nguyên thủy, vô điều kiện, có nền tảng sâu xa trong “hiện sinh” của con người.

2. Nhiệm vụ của đại học: “đào luyện đời sống tinh thần”

Trong phần hai của quyển sách, Jaspers suy ra “những nhiệm vụ của đại học” từ phần trình bày về “bản chất của khọa học”. Trước hết, thử hỏi người sinh viên chờ đợi gì ở đại học? Sinh viên học một chuyên ngành, họ chờ đợi những kiến thức chuyên môn được truyền đạt một cách có hệ thống, được tốt nghiệp để vào đời một cách thuận lợi. Nhưng, theo Jaspers, sinh viên còn chờ đợi hơn thế: “Con đường đến với khoa học phải được mở ra cho họ; thế giới và con người ngày càng sáng tỏ với họ, và cái Toàn bộ phải được trình bày trong một trật tự vô tận như một vũ trụ. Lao động khoa học – theo đúng Ý niệm về nó – là mang tính tinh thần, nghĩa là, có quan hệ với toàn bộ cái khả tri”. Nói khác đi, đại học có ba nhiệm vụ: nghiên cứu, giảng dạy, và quan trọng hơn cả, đào luyện đời sống tinh thần. Sự thống nhất chặt chẽ giữa ba nhiệm vụ tạo nên Tinh thần sống động, mang lại linh hồn và sức sống cho mọi chuyên ngành.

Việc nghiên cứu là sự hợp nhất của ba yếu tố: nắm vững phương pháp, sản sinh ý tưởng và vun bồi lương tâm trí thức. Cả ba gắn liền với chủ thể nghiên cứu. Nếu để cho những yếu tố bên ngoài khoa học (như danh vọng, quyền lực, tiền tài…) chi phối, nhà khoa học sẽ không còn là chủ thể của tiến trình lao động khoa học nữa. Không còn nhịp đập của trí tuệ và con tim, đại học sẽ khô héo, hay, nói một cách hình tượng, “chỉ còn ngữ văn, không còn triết học; chỉ còn thực hành kỹ thuật, không còn lý thuyết, chỉ có dữ kiện vô tận, nhưng không còn Ý niệm nào”. Lao động khoa học cần tránh bị thoái hóa thành những kỹ năng vụn vặt, đó là lý do cần kết hợp giữa nghiên cứu và giảng dạy: “Chỉ ai tự mình nghiên cứu thì mới giảng dạy một cách đích thực. Nếu không, chỉ là sắp xếp cái đã biết một cách giáo khoa mà thôi. Trong khi đó, đại học không phải là trường phổ thông mà là học viện cấp cao (…) Vì thế, đối với nghề nghiệp đặc biệt này, được đào tạo tốt nhất không phải là được học một tri thức đã hoàn tất, mà là được đào tạo và phát huy những quan năng của tư duy khoa học. Giữ vai trò quyết định ở đây không phải là sở hữu điều đã học, mà là năng lực phán đoán và năng lực tra hỏi. Năng lực này chỉ có được bằng cách tiếp xúc với công việc nghiên cứu sống động”.

Đối với người học, có Ý niệm về tính toàn bộ của chuyên ngành đặc thù của mình, rồi, nói chung, có Ý niệm về tính toàn bộ của con người hiếu tri là điều quyết định cho sự nghiệp về sau. Lý do thật dễ hiểu: làm thầy giáo, thầy thuốc hay quan tòa, ta đều phải làm việc với con người toàn bộ và với tổng thể những quan hệ của cuộc sống. “Việc đào tạo các chuyên ngành này sẽ là vô hồn và vô nhân đạo, nếu không hướng đến cái toàn bộ”. Vì thế, theo Jaspers, việc phá vỡ đại học thành những chuyên ngành cô lập với nhau là tiền đề – và cũng là hậu quả – của mưu đồ “thu gom” lao động khoa học để phục vụ cho những mục đích kinh tế-chính trị vụ lợi nhất thời.

Jaspers đặt cơ sở cho lập luận này từ quan niệm của Kant về phẩm giá. Theo ông, lao động khoa học và thành tựu khoa học có một phẩm giá. Phẩm giá là cái gì vượt lên mọi giá cả: “Trong vương quốc của những mục đích, tất cả đều có một giá cả hoặc một phẩm giá. Có giá cả, khi ta có thể thay thế nó bằng cái gì ngang giá, ngược lại, những gì vượt lên trên mọi giá cả, nghĩa là, không có vật ngang giá, cái ấy là phẩm giá”[6]. Theo Kant, chỉ có đạo đức và con người – trong chừng mực có năng lực đạo đức – “là duy nhất có được phẩm giá. Còn tài khéo và sự chăm chỉ trong lao động thì có một giá thị trường”[7]. Sự tự trị, do đó, là cơ sở cho phẩm giá của bản tính con người. Và đại học, theo tên gọi, là universitas, là cái Toàn bộ, là sự Thống nhất hay tính Toàn thể. Đại học bao giờ cũng là universitas generis humani, là nhân loại hiểu như một nhất thể. Tính người là thiêng liêng: chính nó mang lại phẩm giá cho từng mỗi cá nhân. Trong ý nghĩ đó, theo Jaspers, khái niệm “phẩm giá” của Kant hoàn toàn có thể áp dụng vào cho lao động khoa học, hiểu như việc thực hiện tính người ở cấp độ đậm đặc nhất.

Bên cạnh sự thống nhất giữa nghiên cứu và giảng dạy, Jaspers khẳng định nguyên tắc thứ hai của đại học là “sự kết hợp giữa nghiên cứu và giảng dạy với tiến trình đào luyện con người”. “Giáo dục đại học là tiến trình đào luyện sự tự do đầy thực chất, mà cụ thể là bằng việc tham gia vào đời sống tinh thần đang diễn ra ở đó”. Sự đào luyện ở đại học, về bản chất, là tinh thần giáo dục Socrates. Hoạt động khoa học mang những con người ham hiểu biết lại với nhau, tạo nên một cộng đồng, một nền “cộng hòa của những học giả”, trong đó chỉ có luận cứ là được xem trọng, chứ không phải quyền lực hay quyền uy. “Ý nghĩa nguyên thủy của universitas như là cộng đồng của thầy và trò cũng quan trọng như ý nghĩa của sự thống nhất mọi ngành khoa học. Trong Ý niệm đại học có sự đòi hỏi về tính cởi mở toàn diện với nhiệm vụ liên kết không giới hạn, nhằm gián tiếp tiệm cận cái Một-Toàn bộ”. Điều này không gì khác hơn là sự truyền thông và giao tiếp rộng rãi giữa những nhà khoa học, nhất là giữa những nhà khoa học thuộc các chuyên ngành khác nhau. “Ý niệm Đại học không chỉ cho phép mà còn đòi hỏi tiếp nhận những nhân vật bất đồng và mâu thuẫn với nhau vào trong lòng mình”.

III

Người đọc ngày nay đến với Ý niệm đại học – sau ngót 70 năm, với bao nước chảy qua cầu – bằng nhiều cảm xúc pha trộn. Nhiều ý tưởng thâm thúy, sôi nổi của Jaspers vẫn còn sức hấp dẫn và thuyết phục của một cương lĩnh giáo dục nhân bản, đầy tính viễn kiến. Nhưng, đối chiếu với thực tế phàm tục, không ít quan điểm của Jaspers đã tỏ ra quá lạc quan, thậm chí,… viễn mơ và không tưởng. Tiếc thay, ngay ở những quan điểm cốt lõi!

–    Dự báo của Jaspers về sự mở rộng của đại học, nhất là đối với các ngành kỹ thuật, đã trở thành hiện thực, nhưng hy vọng của ông về một sự tích hợp các ngành khoa học dường như còn là điều xa vời. Ý niệm về sự thống nhất các ngành khoa học, trong thực tế, ngày càng trở nên khả nghi trong “hoàn cảnh hậu-hiện đại”[8], khi – như chính Jaspers đã tiên liệu – chỉ có sự cùng tồn tại bình đẳng và đồng đẳng của nhiều ngành khoa học cạnh tranh với nhau, từ “thiên văn học và quản trị xí nghiệp, đến triết học và quản lý khách sạn”! Thế giới hậu-công nghiệp còn mang theo mình ý thức tân-nhân bản hay chỉ đơn thuần duy kinh tế và duy kỹ thuật? “Tuyên ngôn các khoa học tinh thần” năm 2005 do hàng loạt giáo sư hàng đầu đề xướng, kêu gọi khôi phục định hướng liên ngành, kết hợp khoa học nhân văn và khoa học tự nhiên vẫn chưa mang lại kết quả gì cụ thể[9].

–    Trong cấu trúc và cơ chế nội bộ của đại học hiện đại, lòng tin của Jaspers rằng: “Vì cùng nhau mưu cầu chân lý, nên những nhà nghiên cứu sẽ không quan hệ với nhau theo kiểu cạnh tranh sinh tồn” phải chăng chỉ là một giấc mơ đẹp, khi “publish or perish”, với sự chi phối mãnh liệt của chức vụ, lương bổng và nguồn tài trợ, trở thành một “luật chơi” ngày càng khắc nghiệt và không kém phần thô bạo? “Đại học không chỉ cho phép mà còn đòi hỏi tiếp nhận những nhân vật bất đồng và mâu thuẫn với nhau vào trong lòng mình” như khẳng định ở trên sẽ trả lời thế nào trước nạn bè phái, “cánh hẩu” tràn lan và khó chối cãi trong đời sống đại học ngày nay? Và, cái gì còn lại là “phẩm giá”, trong khi mọi cái (một bài báo, một quyển sách, một bằng sáng chế…) đều có một “giá cả”?

–    Sau cùng là về mối quan hệ luôn căng bức và tế nhị giữa khoa học và chính trị, giữa đại học và nhà nước. Từ kinh nghiệm xương máu dưới chế độ phát xít cực quyền, Jaspers kiên quyết đòi hỏi sự phi chính trị của đại học: “Chính trị cũng như tính quốc gia, dân tộc – phải là đối tượng của nghiên cứu, chứ không phải là mục tiêu và ý nghĩa của đời sống đại học”, nếu không muốn “phản bội Ý niệm đại học”. Trong đại học “việc gần gũi với thực tế là thông qua nhận thức, chứ không phải thông qua hành động”. Hannah Arendt, nữ triết gia, bạn thân của Jaspers, đồng thời là chiến sĩ chống phát xít và, cùng với Jaspers, là nhân chứng thời đại, lại có cách nhìn khác. Trong thư ngày 9.7.1946, Arendt phê bình thẳng thắn và chi ly “mấy điều thực tế”, trong tác phẩm này của Jaspers. Theo bà, “không có sự an toàn phi chính trị trước chính trị”, và cũng chính vì thế mà đại học “đã đánh mất phẩm giá của mình dưới chế độ cực quyền từ 1933”. Theo Arendt, đại học ngày nay thậm chí “phải là một nhân tố chính trị”, hiểu theo nghĩa là cứ điểm để bảo vệ tự do ngôn luận như là nền tảng của quyền tự do phát biểu chân lý khoa học và, qua đó, của quyền tự do giảng dạy (như sẽ được trịnh trọng ghi vào trong Điều 5 của Hiến Pháp CHLB Đức sau đó ít lâu). Jaspers tán đồng trong thư ngày 19.10.1946 cho Arendt: “Những nhận xét phê bình của bà đối với quyển Ý niệm đại học của tôi đều đúng cả”!

Trong diễn văn nhân kỷ niệm 600 năm Đại học Heidelberg – nơi Jaspers đã tích cực góp phần “tái tạo” từ 1945 -, Jürgen Habermas có những nhận định khá nặng nề. Ông cho rằng “Ý niệm đại học”, với các tiền đề mang tính phi-thời gian của Jaspers, là “kết quả mặc định của nền xã hội học thuộc truyền thống duy tâm Đức”, và không phải không có lý khi chua chát khẳng định rằng: đại học – như là tiểu hệ thống được chuyên môn hóa theo kiểu chức năng của xã hội dân chủ hiện đại nay đã được dị biệt hóa đến cao độ – không còn là chỗ “hiện thân của Ý niệm” nào nữa cả! Thậm chí, những ai còn viện dẫn đến Jaspers thì “đều thuộc về những người đơn thuần mang tinh thần phòng thủ của một nền phê phán văn hóa thù địch với hiện đại hóa”[10]. Phải chăng Ý niệm (đại học) – luôn có mặt và cần khôi phục như là một vận động tinh thần để cải cách đại học theo quan niệm của Jaspers – chỉ là một “niềm tin duy tâm”, thậm chí, một “huyền thoại” như bản thân mô hình đại học Humboldt, là điều không thể bàn sâu ở đây. Đến với công trình tâm huyết này của Jaspers, ta chỉ có thể trân trọng “lòng tin triết học” của ông rằng: đại học hiểu như sự thống nhất của các ngành khoa học không chỉ là một Ý niệm được phát triển từ triết học, dựa trên một tiến trình lịch sử đã qua (các khoa học riêng lẻ ngày càng dị biệt hóa, và đều bắt nguồn từ Một khoa học nguyên thủy v.v…), mà còn là một Ý niệm sẽ điều hướng diễn trình trong tương lai: “Mọi khoa học đều thiết yếu gắn liền với nhau là một Ý niệm triết học. Chỉ từ Ý niệm ấy mới phát sinh sự thống nhất của các khoa học như là một sứ mệnh định hình nên cái toàn bộ của tri thức. Và đó cũng là chỗ bắt đầu sự tương tác của mọi khoa học hướng về một mục tiêu chung”.

Ý niệm, theo đúng nghĩa, không phải là “sáng kiến” chủ quan, mà là kết quả của lao động trí tuệ, vì thế, không thể tìm thấy nó một cách dễ dàng trong đời thường. Không một cơ quan, tổ chức hay xã hội nào có thể trường tồn mà không tìm ra và bảo vệ những giá trị cốt lõi. Hiểu theo nghĩa ấy, biết đâu Ý niệm có khi mạnh hơn thực tại, vì nó định hình thực tại?[11]

BVNS
Tết Quang Trung, Quý Tỵ, 2013

 


[1] Karl Jaspers (1883-1969) là một trong những triết gia quan trọng nhất của thế kỷ 20. Tuy không chịu nhận danh hiệu, ông thường được xem là triết gia hiện sinh “hữu thần”, trong khi Martin Heidegger và J. P. Sartre… là hiện sinh “vô thần”. Xuất thân là bác sĩ y khoa, ông đi từ tâm bệnh học sang tâm lý học và triết học, với nhiều suy tưởng sâu sắc về ý nghĩa của đời người (qua các thuật ngữ nổi tiếng như: hoàn cảnh ranh giới, thất bại, giao cảm, tự do, siêu việt, lòng tin triết học…). Là nạn nhân của chủ nghĩa phát xít Đức, Jaspers đấu tranh cho nền dân chủ và kêu gọi tái lập nền giáo dục hướng theo những giá trị, mà Ý niệm đại học là tác phẩm tiêu biểu. Từ 1948, ông rời nước Đức, sang Basel (Thụy Sĩ) giảng dạy cho đến khi mất vào năm 1969. Xem thêm: Karl Jaspers, Triết học nhập môn, bản dịch của Lê Tôn Nghiêm, NXB Ca Dao, 1974, tái bản: NXB Thuận Hóa, Huế, 2004.
[2] Những trích dẫn, trừ khi có chú thích khác, đều từ “Ý niệm Đại học” (nguyên bản tiếng Đức).
[3] Không thể kể xiết những truy bức, tổn thất và thoái hóa mà nền đại học Đức thời quốc xã Đức phải gánh chịu khi bị bắt buộc phải phục vụ chế độ cực quyền chuyên chế. Chỉ riêng về số lượng: mất hơn 3000 học giả – tức một phần ba nhân sự -, vô số phải tị nạn ở nước ngoài, một cuộc di tản trí thức lớn nhất chưa từng có thời bấy giờ.
[4] Karl Jaspers, Die Schuldfrage / Câu hỏi về tội lỗi, Heidelberg 1946, tr. 64 và tiếp.
[5] Xem thêm: Hedwig Kopetz, Forschung und Lehre. Die Idee der Universität bei Humboldt, Jaspers, Schelsky und Mittelstraß / Nghiên cứu và giảng dạy. Ý niệm Đại học nơi Humboldt, Jaspers, Schelsky và Mittelstraß; Wien-Köln-Graz 2002, tr. 57 và tiếp.
[6] Immanuel Kant, Grundlegung zur Metaphysik der Sitten / Đặt cơ sở cho Siêu hình học về đức lý, Tác phẩm Kant, Ấn bản Hàn Lâm, Tập IV, Berlin 1968, tr. 434.
[7] Sđd, tr. 435.
[8] J. F. Lyotard, Hoàn cảnh hậu-hiện đại, Một báo cáo về tri thức, Ngân Xuyên dịch, NXB Tri thức, 2007.
[9] “Manifest Geisteswissenschaften”, Tuyên ngôn của năm giáo sư ngày 25.11.2005: http://www.bbaw.de/bbaw/Veranstaltungen/Veranstaltungsseite_ansehen.html?terminid=551
[10] Jürgen Habermas: Die Idee der Universität – Lernprozesse / Ý niệm đại học – những tiến trình học hỏi, trong: Die Idee der Universität – Versuch einer Standortbestimmung / Ý niệm đại học – Thử xác định chỗ đứng; nhiều tác giả, Berlin / Heidelberg 1988, tr. 140 và tiếp.
[11] Bùi Văn Nam Sơn, Platon và việc thực hiện ý tưởng, Trò chuyện triết học, NXB Tri thức 2012, tr. 36 và tiếp.

http://sachhay.org/sach/ChiTietSach/7015/y-niem-dai-hoc?BookShelfID=9

Share Button