Mối quan hệ biện chứng giữa sáng tác và tiếp nhận văn học trong nhãn quan lý thuyết của Manfred Naumann

Share Button

Tiếp nhận văn học trong vòng nửa thế kỷ qua đã trở thành một lĩnh vực, một ngành nghiên cứu, một bộ phận khoa học độc lập(1)có các đối tượng, lý thuyết  và phương pháp nghiên cứu riêng. Thực tế này đã rõ ràng, không còn gì để tranh cãi, khác hẳn với thời gian trước đó khi nó luôn bị hoài nghi, bị xem thường và bị đầy ra bên lề của khoa nghiên cứu văn học bởi các lý thuyết, các quan niệm văn học đang thịnh hành. Hiện tượng này có thể nhận thấy rõ ở Đức. Ngày nay nói rằng tiếp nhận văn học là một lĩnh vực nghiên cứu riêng biệt, độc lập là để nhấn mạnh thêm vị trí và vai trò quan trọng không thể thiếu được của nó trong nghiên cứu văn học chứ hoàn toàn không có nghĩa là nhằm mục đích phủ nhận mối quan hệ hữu cơ hay khẳng định sự cô lập, sự tách biệt có tính chất nguyên tắc của nó với các khâu, các yếu tố khác của tiến trình văn học như có thể thấy đây đó trong một số lý thuyết văn học trước nay. Mặt khác nói tiếp nhận văn học là một lĩnh vực nghiên cứu riêng cũng không có nghĩa cho rằng nó là một bộ môn thống nhất, có phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu chung. Ngược lại đây là một lĩnh vực rất rộng, rất đa dạng về đối tượng nghiên cứu và tiền đề lý thuyết. Để thấy rõ sự khác biệt và sự đa dạng của các khuynh hướng nghiên cứu tiếp nhận văn học xin dẫn ra đây sự phân biệt của Ulrich Klein. Theo ông ít nhất có thể kể ra sáu khuynh hướng khác nhau. Đó là: 1. Khuynh hướng nhận thức luận (hiện tượng học và giải thích học); 2. Khuynh hướng mô tả hay diễn giải tương đương (chủ nghĩa cấu trúc, chủ nghĩa hình thức Nga, các phương thức thao tác theo chủ nghĩa duy vật lịch sử và biện chứng); 3. Khuynh hướng xã hội học văn học lý thuyết và kinh nghiệm (xã hội học công chúng và xã hội học thị hiếu); 4. Khuynh hướng tâm lý học (nghiên cứu các thế hệ đọc – người đọc); 5. Khuynh hướng nghiên cứu theo lý thuyết giao tiếp (hay ký hiệu học); 6. Khuynh hướng nghiên cứu thông tin xã hội (vai trò xã hội của các phương tiện truyền thông đại chúng)(2).

Đó là những khuynh hướng chủ yếu. Đi vào cụ thể của thực tiễn nghiên cứu có rất nhiều lĩnh vực, nhiều vấn đề, nhiều đề tài nhỏ hơn, cụ thể hơn. Nhìn chung sự ẩn dấu đằng sau khái niệm tác động hay tiếp nhận văn học một loạt các khuynh hướng nghiên cứu vừa khác nhau vừa không hiếm khi đối lập nhau, vừa có phần nào đó chồng chéo lên nhau là do hai nguyên nhân chính. Thứ nhất là do ở lĩnh vực đối tượng của chúng. Tiếp nhận và tác động văn học chung qui lại có liên quan đến việc đọc, người đọc và các mối quan hệ của chúng với văn bản, với tác giả và xã hội, một vấn đề thoạt nhìn tưởng như đơn giản, rõ ràng nhưng xem kỹ ra lại không phải như  vậy. Bởi vì chỉ riêng một phạm vi đối tương, khu vực nào đó nói trên đã có không ít những điều phải nghiên cứu, phải lý giải. Thứ hai là do các tiền đề triết học hay lý thuyết khoa học khác nhau làm cơ sở cho phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của mỗi khuynh hướng như tiền đề giải thích học, tiền đề hiện tượng học, tiền đề lý thuyết giao tiếp, lý thuyết thông tin và ký hiệu học, tiền đề chủ nghĩa duy vật lịch sử và biện chứng, v.v… Những tiền đề như vậy quy định một lĩnh vực, một vấn đề nào đó sẽ được nghiên cứu, được lý giải như thế nào, được xem là đối tượng hay không phải là đối tượng nghiên cứu(3). Cùng với các tiền đề trong  văn học, những tiền đề bên ngoài văn học  đã tác động không nhỏ vào sự hình thành và phát triển việc nghiên cứu tiếp nhận và tác động của thời kỳ hiện đại.

Không khó khăn lắm để nhận thấy rằng các tiền đề giải thích học và hiện tượng học có những chỗ nào đó ít nhiều thâm nhập vào nhau thì giữa chúng với một số tiền đề khác hay giữa các tiền đề khác với nhau, và đặc biệt  với tiền đề duy vật lịch sử và biện chứng lại có những điểm khác nhau rõ rệt tạo nên nhiều cuộc đối thoại và tranh luận sôi nổi mà kết quả là đã góp phần nhất địnnh đưa đến những nhận thức đầy đủ hơn, rõ ràng hơn về các vấn đề tiếp nhận và tác động văn học.

Cho đến nay các nhà nghiên cứu và lý luận văn học Việt Nam đã có nhiều bài viết về các lý thuyết tiếp nhận văn học ở phương Tây, đặc biệt về trường phái mỹ học tiếp  nhận Konstanz, về Hans Robert Jauss và phần nào về Wolfgang Iser. Ngược lại khuynh hướng lý thuyết tiếp nhận đã góp phần đáng kể và có hiệu quả vào cuộc đối thoại với các khuynh hướng tiếp nhận phương tây mà chủ yếu là trường phái Konstanz thì mới chỉ được nhắc qua ở một đôi chỗ. Để trình bày hết các ý kiến, các quan niệm của khuynh hướng lý thuyết tiếp nhận này – khuynh hướng duy vật lịch sử và biện chứng –  ắt hẳn phải cần đến sự đóng góp của nhiều người. Bài viết này của chúng tôi, như đã nêu trong đầu đề của nó, chủ yếu chỉ có thể đề cập đến quan điểm lý thuyết tiếp nhận của người lãnh đạo kiêm tổng biên tập công trình tập thể “Xã hội – Văn học- Đọc. Tiếp nhận văn học trong nhãn quan lý thuyết”, quan điểm của Manfred Naumann(4).

Những luận điểm chính về vấn đề này được Naumann trình bày trong chương dẫn luận của công trình nói trên cũng như được nêu lại và triển khai thêm trong một số bài viết đăng trên các tạp chí khoa học hay trong các sách kỷ yếu hội nghị khoa học quốc tế được tổ chức ở Pháp, Mỹ, Áo, Tây Đức… Chúng góp phần đáng kể vào việc hình thành một hệ thống lý thuyết duy vật lịch sử về các vấn đề tác động và tiếp nhận văn học, dù chưa thật bao quát hết toàn bộ hệ vấn đề này. Có lẽ do tính chất hệ thống khá chặt chẽ, do tính chất đối lập về cơ sở lý thuyết và  được trình bày bởi một tập thể các nhà lý luận cùng quan điểm nên đôi khi người ta gọi nó là “trường phái Berlin” để chỉ sự khác biệt với trường phái Konstanz, trường phái chủ yếu mà tập thể các tác giả này tiến hành đối thoại. Ý định đối thoại đó chính là cái lý do khiến Jauss và Iser, hai đại diện hàng đầu của mỹ học tiếp nhận  Konstanz, trong hai bài viết riêng biệt “Để tiếp tục cuộc đối thoại giữa mỹ học tiếp nhận “tư sản” và mỹ học tiếp nhận “macxit” ”(Jauss) và “Trong ánh sáng của phê bình” (Iser) đã có tiếng nói phản hồi không lâu sau khi công trình của tập thể  Naumann được công bố. Cả hai bài viết đều được đăng trong tập sách “Mỹ học tiếp nhận – Lý thuyết và thực tiễn” do Rainer Warning, một trong năm thành viên chủ chốt của nhóm Konstanz chủ biên. Trong bài viết của mình dù chủ yếu nhằm bênh vực cho nhóm Konstanz và phê phán lại nhóm Naumann, Jauss vẫn công nhận rằng đây là “công trình quan trọng đầu tiên của lý thuyết  tiếp nhận duy vật  từ phía Đức”(5):

Trực tiếp hay gián tiếp, hiển hiện hay ngầm ẩn tính chất đối thoại, tranh luận xuất hiện ở khá nhiều chỗ trong công trình của nhóm Naumann. Có thể nói nó là sự tiếp nối các cuộc thảo luận trước đó của các nhà lý luận Đông Đức thời bấy giờ với mỹ học tiếp nhận phương tây mà tiêu biểu là các cuộc thảo luận riêng lẻ năm 1970 của Robert Weimann, Manfred Naumann, Claus Traeger, v.v… những cuộc thảo luận, đối thoại mà Jauss không ngần ngại nhìn nhận là đã được tiến hành “trên một cấp độ cao của các luận chứng”(6). So với những ý kiến  phê phán khá gay gắt của một số nhà lý luận văn học khác khi đó đối với mỹ học tiếp nhận(7) thì rõ ràng những nhà lý luận văn học của công trình này lại có vẻ “nhẹ  nhàng” hơn, nhưng không phải  xuê  xoa mà  nhằm đến một cuộc tranh luận dựa trên một cơ sở lý thuyết khoa học, trên những luận chứng khách quan nghiêm túc. Cho nên ngay trong công trình “Xã hội – Văn học – Đọc” các tác giả của nó cũng thừa nhận rằng mỹ học tiếp nhận tư sản bên cạnh “những biểu hiện của một cuộc khủng hoảng chung của cách xem xét văn học duy tâm” vẫn có “những đóng góp có ý nghĩa khoa học thực sự” chứ không nhằm phủ nhận hoàn toàn. Ngay Naumann ở một chỗ khác đã nhìn nhận rằng các lý thuyết nhìn thấy vai trò của tiếp nhận, của người đọc đối với sự phát triển của văn học cũng có “một tầm quan trọng về mặt khoa học đối với sự phân tích theo chủ nghĩa duy vật lịch sử về sự phát triển của lịch sử văn học và có ý nghĩa triển vọng đối với mỹ học văn học macxit” hoặc còn cho rằng “những quan niệm cơ bản nào đó vốn có trong nhận thức mácxit về văn học đã được những bước phát triển mới đây của lý luận văn học tư sản xác nhận và bổ sung cũng như cụ thể hoá một cách quyết định trên nhiều phương diện, dù cho trong đa số trường hợp là không chủ ý”(8). Tuy nhiên như đã nói, họ cũng thẳng thắn trao đổi và đối thoại để chỉ ra những quan điểm không đúng, các cơ sở lý luận không khoa học của các lý thuyết tiếp nhận này, đặc biệt là lý thuyết của H.R. Jauss.

Điều này, như đã nói, được đặt ra ngay từ đầu trong công trình do Naumann lãnh đạo. Nhưng các tác giả của công trình cũng đồng thời nhận thức được rằng họ chỉ có thể tiến hành việc tranh luận và phê bình có hiệu quả nếu việc tranh luận này được đặt trên cơ sở của một hệ thống lý thuyết riêng của họ về các vấn đề tác động và tiếp nhận văn học. Nhiệm vụ quan trọng ấy chủ yếu được đặt lên vai người lãnh đạo công trình, và Naumann đã hoàn thành nó với chương dẫn luận. Trong bài viết này của chúng tôi về quan điểm lý thuyết tiếp nhận của Naumann, ngoài chương sách nói trên chúng tôi còn sử dụng một số bài viết khác của ông được công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành cũng như trong các sách chuyên đề, sách kỷ  yếu hội thảo khoa học quốc tế được tổ chức ở các nước phương Tây về các vấn đề văn học. Trong đó có những hội thảo ông tham gia vào đoàn chủ tọa cũng như đồng chủ biên các công trình kỷ yếu cùng với Jauss và các nhà  lý  luận khác.

Trước hết Naumann cho rằng mối quan hệ tác giả – tác phẩm và mối quan hệ tác phẩm – người đọc xét về từng mặt là nằm trong một cơ cấu quan hệ, nó chi phối mỗi phía trong hai phía và hai phía nói chung. Ông gọi cơ cấu của mối quan hệ thứ nhất bằng khái niệm những điều kiện sản xuất văn học còn cơ cấu của mối quan hệ thứ hai bằng khái niệm những điều kiện tiếp nhận văn học. Ở điều kiện sản xuất văn học thì đóng vai trò quyết định là tác giả sản xuất đề án tiếp nhận nào cho người đọc, ở những điều kiện tiếp nhận điều quyết định là đề án đó sẽ được người đọc hiện thực hoá như thế nào.

Theo Naumann việc xác định mối quan hệ giữa tác giả – người đọc, tác phẩm- người đọc và người đọc – lịch sử văn học với tính cách là đối tượng nghiên cứu thiết yếu của khoa học văn học đã được chứng minh là có “hạt nhân hợp lý”. Vấn đề theo ông chỉ là ở chỗ phương diện tiếp nhận trong một số lý thuyết tiếp nhận ở phương tây đã bị tuyệt đối hóa, điều mà phương diện sản xuất mắc phải với việc tuyệt đối hoá phương diện sản xuất. Hiện tượng tuyệt đối hóa phương diện tiếp nhận này cũng còn có thể nhận thấy ở Đông Đức trước đây khi vào giữa thập niên sáu mươi thế kỷ trước,  một số nhà lý luận và nghiên cứu văn học bắt đầu xem xét đưa phương diện tiếp nhận một cách mạnh mẽ hơn vào trong lý luận và mỹ học văn học macxit. Người ta đọc được trong một số bài viết khi đó những ý kiến khẳng định rằng quan niệm duy vật về nghệ thuật “không phải là sự tái tạo và đánh giá một tác phẩm bằng tư tưởng mà duy nhất chỉ là nhận thức được nghệ thuật là gì trong đời sống xã hội và nó hiện thực hóa trong đó như thế nào”. Tương tự như vậy có người còn quả quyết rằng quá trình tiếp nhận là “hình thức tồn tại có tính chất quyết định đối với nghệ thuật” còn quá trình sản xuất nghệ thuật  “chỉ có ý  nghĩa của nó với tính cách là tiền đề của quá trình tiếp nhận có ý nghĩa quyết định đối với nghệ thuật” hay cho rằng “cái bản chất có tính nguyên tắc của nghệ thuật “ là tính thực tiễn và chức năng của nó”… Những ý kiến như vậy – mà công lao và ý đồ tốt đẹp của những người đi tiên phong tìm tòi này Naumann không hề hoài nghi – khi đó đã vấp phải những lời phê phán khá nặng nề. Chẳng hạn người ta cho rằng đó là “lý thuyết thị trường về sự sáng tạo nghệ thuật”. Thậm chí có người còn khẳng định rằng “việc xem phương diện tiếp nhận như là một đối tượng nghiên cứu khoa học nghiêm túc là vô nghĩa và hơn thế còn phi macxit”(9).

Mặc dù Naumann không tỏ ra không phản đối việc phê phán những ý kiến, những quan điểm của những tìm tòi này, nhưng đối với ông văn học vô sản và sau nó văn học hiện thực chủ nghĩa có một định hướng thi học tác động: “không nghi ngờ gì mối quan hệ tác động thẩm mỹ là một thành tố tiêu biểu của các quá trình sản xuất thẩm mỹ mà trong đó văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa hình thành”(10) (tr.458). Và theo ông thì hầu hết văn học là có tính chất tác động thẩm mỹ. Vấn đề đối với ông trong chương dẫn luận của công trình tập thể được nói đến ở trên cũng như trong một số bài viết trong thời gian đó – đối lập với các khuynh hướng lý thuyết tiếp nhận ở phương Tây cũng như những tìm tòi ban đầu ở Đông Đức lúc đó – “là ở chỗ tìm hiểu vấn đề sản xuất, phân phối và tiếp nhận phụ thuộc vào nhau như thế nào”. Nói một cách khác rõ ràng ở đây Naumann muốn bàn đến mối quan hệ biện chứng giữa sáng tác, phân phối lưu thông và tiếp nhận văn học, hay gọn lại: mối quan hệ biện chứng giữa sáng tác và tiếp nhận văn học. Ông nói rõ đây là mối quan hệ giữa sản xuất và tiếp nhận mà trong đó “khía cạnh sản xuất sẽ quyết định cái lăng kính dùng để quan sát những mâu thuẫn tự thân của mối quan hệ này”(11).

Một cách cụ thể Naumann xây dựng lý thuyết tiếp nhận văn học của ông dựa trên lý thuyết của Marx về phép biện chứng giữa sản xuất và tiêu dùng, được Marx phân tích một cách kỹ lưỡng và logic trong “Lời nói đầu góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị”(12). “Lời nói đầu” này Marx viết năm 1857 – cùng với các bước chuẩn bị cho bộ “Tư bản” – nhưng mãi đến năm 1903 mới được công bố lần đầu tiên trong tạp chí “Die  Neue Zeit” (Thời đại mới). Trong “Lời nói đầu” mà theo Naumann là “kho báu” này Marx đã nêu lên những nhận xét sâu sắc mà không một nhà nghiên cứu và lý luận văn học học nghệ thuật nào không biết. Nhưng với Naumann, “Lời nói đầu” còn cung cấp một cơ sở lý thuyết vững chắc cho việc trình bày quan niệm của ông về mối quan hệ biện chứng giữa sáng tác  và tiếp nhận văn học. Thực ra trước Naumann đã có một số nhà lý luận nghiên cứu văn học chú ý đến trước tác này của Marx, chẳng hạn nhà lý luận văn học ở Tây Đức Bern Juergen Warneken trong bài phê bình công trình “Lịch sử văn học như là sự thách thức khoa học văn học” đã lưu ý Jauss đến lý thuyết này của Marx mà chỉ là nói khái lược(13) và Jauss về sau trong bài “Để tiếp tục cuộc đối thoại…” được dẫn ở trên đã cho rằng đó là “đoạn nổi tiếng của Marx”. Nhưng Naumann mới là người đi sâu tìm hiểu kỹ và tổng hợp lại thành những luận điểm chính. Theo đó sản xuất và tiêu dùng  gắn bó chặt chẽ với nhau trong một mối quan hệ biện chứng. Sản xuất sản xuất ra tiêu dùng và tiêu dùng cũng sản xuất ra sản xuất; sản xuất trực tiếp là tiêu dùng và tiêu dùng cũng trực tiếp là sản xuất. Mỗi cái trực tiếp là mặt đối lập của nó. Sản xuất và tiêu dùng tác động qua lại với nhau, qui định lẫn nhau làm môi giới cho nhau. Marx chỉ ra rằng sản xuất sản xuất ra tiêu dùng ở ba mặt. Thứ nhất nó tạo ra vật liệu, vật phẩm cho tiêu dùng. Thứ hai thông qua vật phẩm mà luôn luôn là một vật phẩm nhất định nó tạo ra phương thức tiêu dùng. Thứ ba sản xuất còn tạo ra nhu cầu tiêu dùng, sự kích thích tiêu dùng, khả năng tiêu dùng, tức tạo ra một chủ thể cho đối tượng, cho vật phẩm. Marx nêu thí dụ: “Một tác phẩm mỹ thuật – cũng như mọi sản phẩm khác – tạo ra một công chúng hiểu nghệ thuật và có khả năng thưởng thức cái đẹp”. Còn tiêu dùng cũng tạo ra sản xuất (điều này theo chúng tôi, trong nền kinh tế bao cấp dường như không được chú ý, ngược lại trong kinh tế thị trường rất được quan tâm) và tạo ra sản xuất ở hai mặt. Thứ nhất nó làm cho sản phẩm thực sự trở thành sản phẩm. Marx nhấn mạnh: “Sản phẩm là sản phẩm không phải với tư cách là hoạt động đã vật hóa mà chỉ với tư cách là một vật thể cho chủ thể đang hoạt động”. Thứ hai tiêu dùng “tạo ra nhu cầu mới, tạo ra động cơ trên ý niệm, thúc đẩy bên trong của sản xuất, động cơ này là tiền đề của nó” và như vậy tạo ra “năng khiếu,khả năng của người sản xuất”. Nói gọn lại: “Không có sản xuất thì không có tiêu dùng, nhưng không có tiêu dùng thì cũng chẳng có sản xuất vì trong trường hợp đó sản xuất sẽ không có mục đích”.

Tuy nói rằng tiêu dùng cũng có tính chất sản xuất và sản xuất cũng có tính chất tiêu dùng nhưng Marx cũng lại lưu ý rằng không thể từ đó rút ra kết luận rằng hai cái là đồng nhất với nhau. Bởi vì thứ nhất sản xuất là “yếu tố chi phối” đối với tiêu dùng và thứ hai xen giữa sản xuất và tiêu dùng là lĩnh vực trao đổi và phân phối. Song hai cái cũng không tách rời nhau. “Mỗi cái trong hai cái đó không chỉ trực tiếp là cái kia, và không chỉ là môi giới cho cái kia, mà khi thực hiện mỗi cái lại tạo ra cái kia, tạo ra bản thân với tư cách là cái kia” (tr.19).

Sau phần viết có tựa đề “Sản xuất và tiêu dùng” trong chương dẫn luận Naumann tiếp tục chỉ ra rằng chính Marx và Engels đã sử dụng khái niệm sản xuất trong mối quan hệ với nghệ thuật và các hoạt động tinh thần trong một loạt các tác phẩm của các ông. Nhưng Naumann cũng lưu ý rằng việc hai ông ở chỗ này, chỗ kia sử dụng các khái niệm sản xuất và tiêu dùng trong mối liên hệ với các hoạt động tinh thần đương nhiên không phải là sự chuyển dịch có tính chất ẩn  dụ các khái niệm kinh tế sang lĩnh vực tinh thần, v.v… mà chỉ là một sự “trừu tượng dễ hiểu” và đó không phải là sự sản xuất khác mà chỉ là một “phương thức đặc biệt” của sản xuất mà thôi.

Lý thuyết về mối quan hệ biện chứng giữa sản xuất và tiêu dùng của Marx được Naummann trình bày khá kỹ ở phần “sản xuất và tiếp nhận” của  chương dẫn luận trong công trình “Xã hội- Văn học – Đọc” cũng như trong một số bài viết khác, đã trở thành cơ sở phương pháp luận và sự định hướng cho các vấn đề nghiên cứu về lý thuyết tiếp nhận  văn học của ông. Điều này có thể nhận thấy rõ qua lời khẳng định của Naumann về ý tưởng và nội dung nghiên cứu của công trình tập thể nêu trên được đưa ra trong bài viết “Song đề của mỹ học tiếp nhận”. Ở đó Nauman nhấn mạnh  rằng đối với nhóm nghiên cứu của ông đều quan trọng “là ở chỗ tìm hiểu vấn đề sản xuất, phân phối và tiếp nhận phụ thuộc vào nhau như thế nào (…). Theo lôgic thì một cuốn sách bàn về một đối tượng như vậy là có thể chấp nhận được, chỉ cần phải phân biệt là trong cuốn sách đó khía cạnh sản xuất sẽ quyết định cái lăng kính dùng để quan sát những mâu thuẫn tự thân của mối quan hệ này”(14). Với ông “tác giả, tác phẩm và người đọc, quá  trình viết, đọc và lưu thông văn học phụ thuộc lẫn nhau và tạo nên một cấu trúc quan hệ. Cấu trúc quan hệ đó là một chỉnh thể, mà trong từng bộ phận của nó cũng như trong các trung giới, nó được gắn chặt về mặt lịch đại vào trong các mối quan hệ vật chất và tư tưởng đang tồn tại và luôn biến đổi của một hình thái xã hội nào đó” (tr.17). Qua những ý kiến của Naumann ta có thể nhận thấy rõ là ở đây khâu tiếp nhận không những không bị tách ra khỏi khâu tác giả và tác phẩm, không bị tách ra khỏi tiến trình chung bao gồm cả ba khâu sản xuất, phân phối và tiếp nhận, mà hơn thế còn khẳng định mối quan hệ tác động qua lại, mối quan hệ phụ thuộc nhau của tác giả với tác phẩm, với tiếp nhận; của tác giả với tác phẩm và tiếp nhận cũng như tiếp nhận với tác giả và tác phẩm, như ông sẽ phân tích tường tận sau này nữa. Mặt khác qua đây cũng nhận thấy ở lý thuyết của Naumann khâu sản xuất sẽ được xem là yếu tố có tính chất “chi phối”. Và thứ ba là tiếp nhận không bị tách ra khỏi mối quan hệ với lịch sử chung và với các mối quan hệ vật chất và tư tưởng của một hình thái xã hội nhất định.

Nói gọn lại trong lý thuyết tiếp nhận của Naumann vấn đề “lịch sử hình thành có tính chất nguồn gốc lịch sử” không bị đối lập với “lịch sử tác động có tính chất chức năng lịch sử”, tức là ở đây không bỏ qua mối quan hệ giữa “tiền sử” của tác phẩm với “hậu sử” của nó, cũng như giá trị hiện thời nào đấy của nó. Chúng ta có thể gọi quan niệm của Naumann là quan niệm về sự giao tiếp (Kommunikation) văn học: Naumann xem xét vấn đề tiếp nhận văn học trong “chỉnh thể” của mối quan hệ giữa tác giả, tác phẩm và người đọc, tạo nên một cấu trúc quan hệ, mà không xem tiếp nhận văn học chỉ như là một tiến trình có tính chất bộ phận, tách riêng khỏi tiến trình chung. Trong vấn đề này Naumann cũng còn đặt tiến trình giao tiếp văn học với tính cách là một hình thái đặc thù trong tiến trình giao tiếp nghệ thuật và đặt tiến trình giao tiếp nghệ thuật vào tiến trình giao tiếp xã hội. Quan niệm như vậy đã cho thấy tiếp nhận văn học là một bộ phận của mối quan hệ chung, bao trùm, tức là tiến trình lịch sử chung mà như vậy cả sản xuất văn học lẫn tiếp nhận văn học đều phải  được xem xét theo những điều kiện lịch sử cụ thể vào thời điểm xuất hiện cũng như vào thời điểm hoàn tất. Tiếp nhận văn học ở đây được nhìn từ một góc nhìn bao quát mà không được xem xét tập trung nhiều nhất vào tất cả mọi khía cạnh riêng của nó. Naumann đã nhận thấy điều ấy khi trong “Song đề…” ông viết rằng như vậy: “sẽ làm rơi rụng mất một số vấn đề nào đó nảy sinh từ phía tiếp nhận trong mối quan hệ này”(15).

Tầm nhìn bao quát cả cơ cấu quan hệ này cũng như lối xem xét mối quan hệ biện chứng giữa sản xuất và tiếp nhận là điểm mới, điểm khác biệt đặc trưng so với mỹ học tiếp nhận ở phương Tây mà tiêu biểu là mỹ học tiếp nhận của trường phái Konstanz. Tầm nhìn này có thể đọc thấy ngay ở đầu đề cuốn sách “Xã hội – Văn học – Đọc”. Ở đây đọc được đặt trong mối quan hệ với văn học, tức đọc văn học chứ không phải đọc bất kỳ thứ gì khác. Điều đó đòi hỏi khái niệm văn học ở đây phải được xác định rõ. Bởi vì trong tiếng Đức (cũng như trong nhiều ngôn ngữ châu Âu khác) từ Literature, văn học, có nhiều nghĩa mà chung qui là do từ này được dùng để chỉ những gì được ghi bằng “litteris”, bằng các chữ cái. Chẳng hạn người ta có thể nói văn báo chí, văn khoa học, văn chính trị… Ở công trình tập thể này, do vậy các tác giả nói rõ họ chỉ nghiên cứu vấn đề tiếp nhận của văn “nghệ thuật”, của “mỹ văn” (tr.7), như thông thường người ta vẫn gọi. Và như vậy ở đây văn học được phân biệt với các văn bản chữ viết khác ở chỗ ngôn ngữ của nó được sử dụng theo một phương thức đặc biệt, trong chức năng thi ca. Sự lưu ý đó ắt hẳn là do trong thời gian này đã từng có ý kiến muốn mở rộng nghĩa của khái niệm văn học.

Bên cạnh đó khái niệm tiếp nhận cũng được xác định rõ: Tiếp nhận theo Naumann không chỉ có nghĩa là đọc mà còn có nghĩa là nghe và nghe – nhìn. Nghe trực tiếp cũng như nghe gián tiếp thông qua các phương tiện kỹ thuật. Còn nghe nhìn là khi văn bản nhằm để đọc được chuyển thể sang thể loại khác. Trong khi việc nghiên cứu tiếp nhận ở phương diện nghe – nhìn còn tương đối ít, ở phương diện nghe còn ít hơn nữa thì ở phương diện đọc lại khá phổ biến. Và Naumann cũng chỉ bàn đến tiếp nhận văn học ở phương diện đọc, sự đọc, tức là ở phương diện tác phẩm trong hình thức văn bản chữ viết và người tiếp nhận trong hình thức người đọc gặp gỡ nhau, tiếp xúc với nhau. Sự giao lưu giữa người sáng tác, tác phẩm và người tiếp nhận thông qua phương thức đọc không phải tự nhiên có sẵn đấy mà nó chỉ hình thành qua một quá trình lịch sử lâu dài. Điều kiện chung nhất cho sự giao lưu này là chữ viết và khả năng đọc được chữ viết. Sự môi giới lý tưởng nhất cho văn học là việc in chữ viết trong sách, báo, tạp chí… và sự môi giới quan trọng nhất mà thông qua đó tác giả và người đọc giao tiếp với nhau là tác phẩm trong hình thức chữ viết. Ngày nay đó là cơ sở của sự giao tiếp thi ca (tr.9). Và cuối cùng văn học được đặt trong xã hội mà không bị tách rời ra khỏi xã hội ở cả khâu sản xuất cũng như khâu tiếp nhận, ở đầu vào cũng như đầu ra.

Sau khi xác định rõ các khái niệm chính là văn học và sự đọc, Naumann đưa ra một cái nhìn khái quát về những vấn đề mà ông sẽ đề cập đến trong lý thuyết của mình về sự tiếp nhận văn học. Theo đó tiếp nhận văn học là một quá trình, trong đó người đọc thiết lập mối quan hệ với một đối tượng đặc thù (tác phẩm văn học), đã được một tác giả sáng tạo ra trong một tiến trình đặc thù, tiến trình sản xuất văn học và trải qua lĩnh vực lưu thông lịch sử – xã hội trước khi nó đến tay người đọc. Tác giả, tác phẩm và người đọc , tiến trình viết, đọc và lưu thông văn học phụ thuộc lẫn nhau và tạo thành một cơ cấu quan hệ. Từ cái nhìn biện chứng đó Naumann cho rằng tất cả những phương pháp nghiên cứu văn học bị dẫn dắt bởi cách nhìn tách biệt các yếu tố mà theo ông trong thực tế là đan cài vào nhau này chứng tỏ là không hiệu quả trong việc giải quyết các vấn đề về lý thuyết tiếp nhận. Ngược lại Naumann cố gắng đạt được một phương pháp cho phép nắm bắt được “tính phức hợp thật sự của tiến trình diễn ra giữa viết và đọc văn học”(16).

Sự phóng chiếu mối quan hệ giữa tác phẩm và người đọc, giữa viết văn và đọc văn lên cái nền của mối quan hệ biện chứng giữa sản xuất và tiêu dùng trong lý thuyết của Marx có thể giúp chúng ta nhận thức được tính phức hợp của  tiến trình này như thế nào? Theo Naumann trước hết nó giúp chúng ta thấy được rằng các tác giả tạo các tác phẩm. Các tác phẩm này dưới dạng những cuốn sách, trải qua lĩnh vực lưu thông, trao đổi để đến tay người đọc, trở thành đối tượng của sự chiếm hữu cá nhân, của sự thưởng thức của họ. “Sản xuất văn học, tác giả, tác phẩm là xuất phát điểm, tiếp nhận văn học, người đọc là điểm kết thúc của sự giao tiếp văn học” (tr.36). Quả là trình bày như vậy có làm cho người ta nhận ra rằng sản xuất văn học làm cho tiếp nhận văn học vận động, rằng các tác giả tạo ra tác phẩm cho  người đọc và các tác phẩm tác động vào người đọc. Nhưng mối quan hệ được trình bày như trên giữa sáng tác và tiếp nhận văn học chỉ là một chiều. Để thấy rõ thêm một phần tính phức hợp của mối quan hệ cũng phải chỉ ra được chiều còn lại. Đó là “không chỉ sản xuất văn học làm cho tiếp nhận văn học vận động mà tiếp nhận văn học cũng làm cho sản xuất văn học vận động, là người đọc không chỉ đón nhận tác phẩm mà còn đòi hỏi những tác phẩm nhất định, là tác giả không chỉ tạo ra công chúng của mình mà công chúng cũng tạo nên tác giả, là không chỉ tác phẩm tác động vào người đọc mà người đọc cũng tác động vào sản xuất các tác phẩm và như vậy tiếp nhận không chỉ là điểm kết thúc mà còn là điểm xuất phát của sự sản xuất văn học mới” (tr.36-37).

Ý kiến trên của Naumann thể hiện rõ quan niệm về sự tác động qua lại, về mối quan hệ biện chứng giữa sản xuất và tiếp nhận văn học, giữa tác phẩm và người đọc, về sự vận động và tiến triển của văn học và cả lịch sử văn học. Tuy nhiên trong mối quan hệ qua lại này giữa sản xuất và tiếp nhận văn học thì theo Naumann sản xuất có tính chất chi phối, vì không có tác giả sẽ không có tác phẩm, không có đối tượng cho sự tiếp nhận. Từ chỗ này Naumann rút ra kết luận là “một  lý thuyết về tiếp nhận chỉ có thể phát triển từ những đối tượng được tiếp nhận, và vì những đối tượng  này không đơn giản có sẵn đấy mà phải được sản xuất ra, cho nên nó phải được phát triển từ sự sản xuất ra các đối tượng này. Nhưng vì bản thân tiếp nhận là một điều kiện của sản xuất, nên tiền đề này về mặt phương pháp chỉ có hiệu quả nếu sản xuất được nghiên cứu ở phương diện của sự tham dự của tiếp nhận vào sự sản xuất”. Mệnh đề này có thể coi là sự khái quát quan điểm lý thuyết về tiếp nhận của Naumann, nó chỉ rõ tiếp nhận không chỉ thụ động, tiêu cực, là tiêu thụ mà ngược lại, chủ động, tích cực, tác động trở lại sản xuất. Điều mà trong lý thuyết của mình Jauss cũng đã khẳng định. Song cái khác là ở Naumann sự tác động và tiếp nhận không chỉ ở ngoài, ở sau sản xuất mà còn ở trong sản xuất.

Sản xuất văn học còn có tính chất chi phối vì nó không chỉ tạo ra đối tượng cho tiếp nhận mà còn tạo ra cho đối tượng một nhu cầu về sự tiếp nhận nó, ở đó việc thỏa mãn nhu cầu này sẽ tạo ra cho sản xuất văn học mới cái “động cơ thúc đẩy bên trong” và tạo ra một năng lực chủ quan để tiếp nhận nó dưới hình thức “sự hiểu biết nghệ thuật” (der Kunstsinn) và “khả năng thưởng thức cái đẹp” (Die Schoenheitsgenussfaehigkeit), những khái niệm mà Marx đã dùng trong “Lời nói đầu”. Thêm nữa, tác phẩm cũng còn tạo ra cả phương thức tiếp nhận nó. Trong quan niệm của Naumann ở phương diện này tác phẩm thể hiện “một sự bền vững bên trong, một cấu trúc riêng cho nó, một tính cá biệt, một loạt những dấu hiệu, chúng đề ra sẵn (vorgeben) những đường nét nào đó cho phương thức tiếp nhận, cho sự tác động của nó và cho cả sự đánh giá nó” (tr.37-38).

Từ chỗ cho rằng tác phẩm đề ra sẵn (vorgeben) những đường nét hướng dẫn cho phương pháp tiếp nhận, Naumann đưa ra khái niệm Đề án tiếp nhận (Vorgabe/ Rezeptionsvorgabe), một khái niệm rõ ràng chủ yếu xuất phát từ phía tác phẩm, từ phía sản xuất văn học. Vấn đề này có thể nhận thấy rõ khi ông viết: “Chúng tôi muốn khái quát tính chất của tác phẩm điều khiển sự tiếp nhận bằng khái niệm đề án tiếp nhận” (tr.35). Như vậy khái niệm đề án tiếp nhận đối lập với khái niệm tầm đón đợi của Jauss, một khái niệm xuất phát chủ yếu từ phía người đọc. Naumann còn xác định thêm rằng ông dùng khái niệm đề án tiếp nhận không nhằm xác định giá trị của tác phẩm vì theo ông bất kỳ tác phẩm nào cũng là một đề án tiếp nhận. Tuy nhiên chất lượng của các đề án không hoàn toàn như nhau mà phụ thuộc vào toàn bộ những tiền đề phát sinh của mỗi tác phẩm như lịch sử xã hội, ngôn ngữ văn chương, tiểu sử cá nhân. Và từ cái nhìn lịch sử phát sinh này, nhưng luôn gắn với ý hướng về tiếp nhận và tác động, tức gắn với cái nhìn lịch sử chức năng, Naumann đã đề cập đến ba mối quan hệ thuộc lịch sử phát sinh của tác phẩm: mối quan hệ với hiện thực, mối quan hệ với người nhận (Adressat), tức tác giả – người nhận và mối quan hệ với tiến trình văn học (tr.38). Ở một chỗ khác ông còn nói đến mối quan hệ tác giả với chính bản thân tác giả. Có thể nói đó là quan niệm khá toàn diện về tác phẩm, về đề án tiếp nhận, và hai phần ba các mối quan hệ đó không phải là mới. Phần nhiều có tính chất mới là mối quan hệ tác giả – người nhận. Đây chính là “chiều kích tác động thẩm mỹ” “vốn có trong các quá trình sản xuất thẩm mỹ”. Nó là một “định thức” trong hành động viết(17), vốn tham gia vào việc xây dựng thế giới thẩm mỹ của tác phẩm. Trong quá trình sản xuất văn học các mối quan hệ  trên không phải  được xây dựng theo thứ tự trước sau mà chúng xoắn xít với nhau. Tuy nhiên, có thể một mối quan hệ  nào đó được nhấn mạnh và nó sẽ tác động đến đề án tiếp nhận. Trong quan niệm về ba mối quan hệ của tác phẩm hay của tác giả có thể nhận thấy được cái nhìn của Naumann về sự gắn bó giữa mỹ học sản xuất với mỹ học tác động và mỹ học tiếp nhận, vì theo ông trong mối quan hệ tác giả – hiện thực chứa đựng cả mối quan hệ tác giả – người nhận và do đó nó tác động đến việc cơ cấu mối quan hệ tác giả – hiện thực và mối quan hệ còn lại (tr.52).

Khái niệm Adressat (người nhận) cũng đã được Jauss sử dụng trong các công trình, bài viết của ông. Khái niệm này được Jauss dùng để nói đến nhà phê bình, nghiên cứu, nhà văn và người đọc, những người tiếp nhận tác phẩm, và vì thế có thể dịch đúng làngười nhận, dù cho người nhận/ người đọc là người đọc chung chung, người đọc trên ý niệm, không được xác định một cách cụ thể lịch sử. Khái niệm Adressat ở Naumann không được sử dụng trong ý nghĩa như vậy. Khái niệm đó không dùng để chỉ người nhận/ người đọc hiện thực. Naumann cho rằng khái niệm người đọc (der Leser) vốn thường được chúng ta dùng để chỉ những nội hàm hoàn toàn khác nhau, như để chỉ người thực sự đọc và ông gọi đó là người đọc hay người tiếp nhận (Leser/ Rezipient), thuộc phạm trù xã hội học, hay để chỉ cái hình ảnh mà tác giả tạo ra về một người đọc có thể có, mà ông gọi là Adressat, tức là người nhận mà tác giả hình dung ra về người đọc, về công chúng của mình, tức là người đọc trong ý thức hay trong tiềm thức của tác giả, nó là một phạm trù tâm lý học, và cuối cùng để chỉ một hình tượng hư cấu mà với cái tên là “người đọc” (“der Leser”) nó là một yếu tố cấu trúc trong nhiều tác phẩm. Người đọc này là một phạm trù thẩm mỹ. Để chỉ loại người đọc thứ hai, der Adressat, có chỗ ông còn sử dụng thuật ngữ người đọc giả định (der hypothetische Leser), một thuật ngữ mà Boris Mejlach, nhà lý luận văn học Nga đã dùng. Người đọc này theo Naumann luôn có mặt và đóng một vai trò trong hành động viết. Nó chỉ tồn tại ở phương thức ý niệm. Nó có thể có những hình dạng hết sức khác nhau trong ý thức hay tiềm thức của tác giả mà ông ta hy vọng là sẽ đọc  tác phẩm của mình. Như đã nói người đọc này không phải là người đọc hiện thực, người thực tế đọc tác phẩm, không đồng nhất với người đọc đó, điều mà có thể nhận thấy rất rõ giữa người nhận của các tác phẩm quá khứ và người đọc những tác phẩm ấy ở các đời sau. Và tác giả không có một ảnh hưởng trực tiếp nào đối với việc ai sẽ đọc tác phẩm của mình, nhưng thông qua người nhận, thì mối quan hệ với người đọc luôn nội tại trong hành động viết (tr.53). Như vậy người nhận hay người đọc giả định ở Naumann, phần nào gần giống với người đọc chủ định, người đọc mang tính ý hướng (der intendierte Leser) và người đọc tiềm ẩn (implizite Leser) cũng như người đọc trừu tượng (der abstrakte Leser). Những thuật ngữ này về người đọc được những nhà lý luận khác nhau đưa ra tùy theo quan niệm của họ và chỉ giống nhau khi xem xét chúng ở một số mặt nào đó. Ở Naumann khái niệm người nhận (Adressat), theo mô hình giao tiếp chung, có ý nghĩa như người nhận chủ định của một thông điệp được nhằm để gửi đến người đó, tức là cái văn bản tác phẩm mà khi sáng tác tác giả chủ định gửi cho một ai đó hoặc những ai đó, tức nó có mối quan hệ nhất định với người đọc hiện thực. Vì vậy khi dịch sang tiếng Việt thành người nhận dễ nhầm lẫn với người nhận thực tế (der wirkliche Empfaenger). Cho nên có lẽ nên dịch là người nhận giả định, tức là sự hình dung về những người hay nhóm người, công chúng mà khi sáng tác tác phẩm tác giả muốn hay dự kiến gửi tác phẩm của mình đến. Bản thân Naumann trong bài viết “Tác giả – người nhận – người đọc” cũng đã dùng từ người đọc được được hình dung, được nghĩ tới (Der gedachte Leser) để nói đến người nhận này(18). Có thể nói đó là một nhân tố tiềm ẩn nội tại trong nhiều khía cạnh cấu thành tác phẩm, tạo nên chiều kích tác động thẩm mỹ của tác phẩm, nằm trong đề án tiếp nhận và thuộc mỹ học sản xuất vì có mặt ở khâu sản xuất tác phẩm. Trong “Tác giả – người nhận – người đọc” Naumann còn khẳng định người nhận giả định này là “yếu tố điều khiển trong quá trình sáng tác” cũng như “không chỉ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa tác phẩm đã hoàn thành và người đọc hiện thực mà còn ảnh hưởng đến phương thức là tác phẩm sẽ được người đọc tiếp nhận như thế nào”(19).

Tuy vậy, theo Naumann, chân lý về vấn đề này vẫn luôn bị tranh cãi bởi các quan niệm cho rằng tác phẩm thuần túy là sự “biểu hiện” của trí tưởng tượng của một thiên tài, là thế giới trải nghiệm bên trong của “người sáng tạo”, không có công chúng, không có người nhận nào tham gia vào đây. Song  người ta vẫn công nhận rằng có những loại văn học nào đấy thích hợp với những lớp người đọc chủ định nhất định như văn học thiếu nhi, văn học thanh niên, văn học giải trí, v.v… Đương nhiên ông cũng biết rằng sẽ không phải lẽ nếu phủ nhận sự tồn tại của một thôi thúc biểu hiện trong hoạt động nghệ thuật. Ông không chấp nhận việc hạ thấp lao động của người nghệ sĩ thành một thứ kinh doanh, thành phương tiện để nhanh chóng đạt đến thành công hay chạy theo mốt thời thượng một cách cơ hội hoặc học đòi, bắt chước theo khuôn mẫu một cách nô lệ. Ông đề cao hoạt động nghệ thuật gắn liền với một sự nhập cuộc, một sự dấn thân bên trong cũng như cho rằng sự thôi thúc biểu hiện luôn hiện diện ở khởi điểm của mọi hoạt động văn chương vốn đòi hỏi phải có chất lượng nghệ thuật. Song xuất phát từ  quan điểm giao tiếp, Naumann cho rằng dù việc sáng tác đối với nhà văn là gì đi nữa – là sự nỗ lực cực nhọc, là trò chơi, sở thích riêng, thú tiêu khiển, là sự tìm lại chính mình, là hoàn thiện bản thân, v.v… – thì đó vẫn là một hoạt động có mục đích tạo ra một cấu trúc hướng vào việc thiết lập một mối quan hệ giao tiếp. Và cái bằng chứng rõ rệt cho việc đó là các tác giả đã tự cho công bố tác phẩm của họ. “Việc công bố tác phẩm thuộc mục đích tự thân của việc viết. Nếu như hành động viết có bản chất độc thoại thì việc công bố kết quả của nó sẽ là một hành vi khó hiểu”. “Trong hành động viết luôn vốn có một công chúng cho nên bản thảo mới có thể tìm được một người nào đó dù cho trong khi viết tác giả không nghĩ đến một công chúng nào” (tr.56, 57). Nhận thức vấn đề như trên không phải chỉ riêng có ở Naumann. Robert Escaript, nhà xã hội học văn học nổi tiếng người Pháp, cũng đã từng cho rằng nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch tạo ra tác phẩm là “mở ra với công chúng của mình, với tư cách là người đối thoại, (ngay dù cho công chúng này là chính bản thân ông ta) một cuộc song thoại không bao giờ là phi mục đích cả”(20). Trong quan niệm của Naumann nội dung của tác phẩm bao hàm cả cái được phản ảnh  lẫn một thông điệp gửi đến cho công chúng. Sự phản ảnh khách thể trong tác phẩm được cấu trúc nhằm vào sự tác động thẩm mỹ. Sự định hướng tác động thẩm mỹ không có tính chất thứ yếu, tùy thuộc mà là yếu tố thiết yếu trong quá trình sáng tác. Xuất phát từ quan niệm cho rằng chức năng nhân đạo hóa là chức năng quan trọng của văn học, ông khẳng định “tác động và giao tiếp phải được xác định về mặt nội dung từ chức năng nhân bản hóa có tính chất khách quan”. Bởi tác động thì bất kỳ thứ văn học nào cũng tạo ra được và giao tiếp mà văn học đem lại có thể phục vụ những mục đích khác nhau. Có thể nhận thấy từ rất sớm các nhà lý luận và triết học đã đề cập đến các vấn đề này. Khẳng định văn học có chức năng tác động và thể hiện sự giao tiếp giữa tác giả và người đọc, nhưng Naumann cũng nhận thấy có những quan điểm không thừa nhận chúng và ông phân tích chỉ ra những nguyên nhân cũng như cơ sở xã hội và tư tưởng của những quan điểm ấy (tr.59-66).

Ở Naumann ta có thể nhận thấy là tiềm năng tác động thẩm mỹ là thuộc tiềm năng nghĩa của tác phẩm và tiềm năng nghĩa này nằm trong đề án tiếp nhận. Đề án tiếp nhận như bên trên đã đề cập là khái niệm xuất phát từ khâu sản xuất và nằm trong tác phẩm, nhưng nói lên được sự tương tác giữa viết và đọc, giữa tác giả, tác phẩm và người đọc. Nó giúp tránh được hai quan điểm cực đoan đối nghịch nhau của tư duy lý thuyết. Đó là quan điểm của chủ nghĩa thực thể, chẳng hạn như quan điểm về bản chất của văn học xem tác phẩm là một chỉnh thể đóng kín có một nghĩa duy nhất vĩnh viễn không thay đổi và quan điểm cấu trúc luận, như quan điểm của Roland Barthes coi tác phẩm như là một văn bản rỗng chờ đợi người đọc gán nghĩa cho nó, vì cho rằng nó chỉ có một chức năng là khơi gợi lên hành động tạo nghĩa này. Quan điểm trên đặt tác phẩm ở vị trí chi phối tuyệt đối, còn người đọc ở vị trí thụ động, phụ thuộc hoàn toàn do tác phẩm dẫn dắt. Quan điểm dưới, ngược lại, xem người đọc là có toàn quyền định đoạt nghĩa của tác phẩm. Khác với hai quan điểm trên, với khái niệm đề án tiếp nhận Naumann muốn chỉ ra sự giao tiếp giữa tác giả, tác phẩm và người đọc, chỉ ra tính chất bị qui định từ hai phía của nghĩa của tác phẩm, sự phụ thuộc vào nhau của cả hai phía, tức là làm rõ được mối quan hệ biện chứng giữa sản xuất và tiếp nhận mà H.R. Jauss với khái niệm tầm đón đợi chưa làm rõ được, mặc dù ẩn dấu đằng sau đó một cái gì có thể phát triển cụ thể hơn nữa khi có những chỗ ông nói đến tầm đón đợi của tác phẩm với việc bàn đến thi pháp nội tại của thể loại, những mối quan hệ ngầm ẩn đối với những tác phẩm đã quen biết của môi trường lịch sử văn học và sự đối lập giữa hư cấu và hiện thực cũng như chức năng thi ca và chức năng thực tiễn của ngôn ngữ. Ngay nghĩa của chữ Vorgabe mà chúng tôi dịch là đề án(21) cũng bao hàm được ý giao lưu, tương tác. Nó là cái được đưa ra, được đề ra trước cho người đọc như là một đề xuất, một kiến nghị mà không phải là một sự qui định, một sự áp đặt mà người đọc phải tuyệt đối tuân theo một cách nghiêm ngặt. Ý này đã được Naumann gián tiếp giải thích khi trong chú thích 47 (tr.500) ông cho rằng khái niệm mô hình tiếp nhận (Rezeptionsmodell) mà B. Mejlach sử dụng là một lựa chọn chưa xác đáng vì nó làm cho người ta hiểu rằng người đọc chỉ được tuân theo mô hình này.

Như trên đã đề cập, khái niệm đề án tiếp nhận cũng như ý đồ tác động thẩm mỹ mà Naumann đưa ra là thuộc khâu sản xuất thẩm mỹ. Quá trình tạo ra tác phẩm kết thúc với việc hoàn thành đề án tiếp nhận. Lịch sử hình thành của tác phẩm đến đấy đã chấm dứt. Trong quá trình sản xuất tác phẩm này, theo Naumann đã có sự tham gia của người đọc. Trước tiên đó là sự tham gia trực tiếp với tư cách là những “đồng tác giả”, tức những người tác động vào quá trình sáng tác, chẳng hạn như bạn bè, người thân quen gợi ý cho tác giả một đề tài, một vấn đề hoặc những biên tập viên của nhà xuất bản góp ý cho tác giả sửa chữa tác phẩm, v.v… Nhưng chủ yếu đó là sự tham gia gián tiếp thông qua mối quan hệ với người nhận giả định. “Với tính cách là một sản phẩm chứa đựng những đặc điểm cá nhân không thể lặp lại (mối quan hệ tác phẩm-tác giả) từ những điều kiện lịch sử – xã hội, lịch sử văn học (mối quan hệ tác phẩm – hiện thực, tác phẩm – tiến trình văn học), tác phẩm được cấu trúc nhằm tác động thẩm mỹ vào người đọc, vào sự tiếp nhận và tác động, vào sự thụ cảm các chức năng của nó” (tr.83-84).

Tuy vậy, dựa vào lý thuyết về mối quan hệ biện chứng giữa sản xuất và tiêu dùng, Naumann cho rằng chính vì tác phẩm được nhằm đến sự tiếp nhận, nhưng nếu nó đã sáng tác xong mà chưa trở thành đối tượng của sự tiếp nhận nó vẫn chưa thực sự hoàn tất. Nó không chỉ được xác định cho người đọc mà còn cần đến người đọc để trở thành một tác phẩm thực sự. Trong quan niệm của ông lao động tinh thần sinh động tiêu hao trong quá trình sáng tác văn học không kết thúc trong “cái không” càng không kết thúc trong “sự chủ quan hóa tính khách thể” mà hơn thế lao động đó trong hình thức của tác phẩm được tạo ra từ nó lại biến thành vật thể, thành đối tượng. “Từ hình thức của hoạt động nó được cố định thành hình thức của đối tượng, của sự tỉnh tại, được vật hóa”, được vật thể hóa thành một “sự tồn tại” (Marx). Từ hoạt động nó trở thành hoạt động được vật thể hóa. Khác với vật tự nhiên thuần túy, tác phẩm ở trạng thái này cũng phù hợp với những qui định nói chung vốn đúng với những sản phẩm của hoạt động của con người: Nó có thể tồn tại “ở thế khả  năng” và “ở thế hiện thực”. Sau khi tách ra khỏi “chủ thể hoạt động”, người đã tạo ra nó, tác phẩm chỉ trở thành tác phẩm thực sự nếu nó gắn kết trở lại với “chủ thể hoạt động” trong tiếp nhận, tức là nhập vào trong ý thức xã hội và ý thức cá nhân. Như vậy “phù hợp với hoạt động sản xuất thẩm mỹ – mà bao hàm trong đó một yếu tố tác động thẩm mỹ– về phía tác giả là hoạt động tiếp nhận thẩm mỹ về phía người đọc” (tr.85).

Bên trên chúng tôi đã nói đến ý kiến của Naumann cho rằng tác phẩm chứa đựng một tiềm năng nghĩa, nhưng tác phẩm lại không tự hiện thực hóa được tiềm năng nghĩa của nó, những chức năng tiềm tàng trong nó. Tiềm năng nghĩa ấy và chức năng tiềm tàng ấy có được thực hiện hay không và được thực hiện như thế nào là phụ thuộc một cách quyết định vào mối quan hệ tác phẩm – người đọc. Đến dây có thể nói tác phẩm đã khép lại quá trình tạo ra nó và mở ra quá trình mới, quá trình tiếp nhận, quá trình cụ thể hóa nó, quá trình hành chức của nó. Tuy nhiên trong quan niệm của Naumann hai quá trình này, không tách rời nhau mà có quan hệ qua lại với nhau, tác động qua lại với nhau. Cái làm môi giới, cầu nối cho hai quá trình này, cho mối quan hệ giữa chúng có thể nhận thấy qua lý thuyết của Naumann: Đó là đề án tiếp nhận, là người đọc chủ định, dự kiến. Bởi vì trong đề án tiếp nhận của Naumann có sẵn ý đồ tác động thẩm mỹ. Nó là một định thức của quá trình sáng tác và người nhận giả định chứa đựng hình bóng của người nhận hiện thực, của công chúng mà tác giả muốn gửi tác phẩm của mình đến.

Vậy hoạt động tiếp nhận diễn ra như thế nào và vai trò của người đọc ở đây được xác định ra sao? Có thể nói ngay rằng nó hoàn toàn khác với sự xác định về vai trò của người đọc trong lý thuyết tiếp nhận theo cấu trúc luận, đặc biệt lý thuyết đọc của Roland Barthes, mà cũng có phần không giống với sự xác định vai trò của người đọc trong lý thuyết tiếp nhận của Hans Robert Jauss. Biểu hiện rõ rệt nhất có thể nhận ra khi Naumann khẳng định rằng “Sự tự do của  người đọc trong sự tiếp xúc với tác phẩm có giới hạn của nó trong chính những đặc điểm khách thể của tác phẩm”, tức là “người đọc chỉ có thể hiện thực hóa một tác phẩm trong giới hạn của những khả năng mà tác phẩm đã định ranh trên cơ sở của đề án tiếp nhận của nó”.

Tuy nhiên theo Naumann tác phẩm không thể làm được như trên một cách tự động, một cách máy móc mà dù cho tác phẩm có thể có những chất lượng như thế nào đi nữa, nó cũng không thể tự bản thân nó tạo nên những hình ảnh, những sự tác động mà phải thông qua sự trung giới của một “chủ thể hoạt động” tiếp nhận nó và chủ thể này có sự tự do nhất định trong khi tiếp nhận tác phẩm, cho nên “đề án tiếp nhận của cùng một tác phẩm có thể được hiện thực hoá theo những cách hoàn toàn khác nhau”. Từ đó ông rút ra kết luận: “Hoạt động tiếp nhận đồng thời bị qui định bởi tác phẩm và bởi người đọc (H.V nhấn mạnh), trong đó tác phẩm là mặt khách quan và người đọc là mặt chủ quan (mà cuối cùng cũng bị qui định một cách khách quan) của mối quan hệ hình thành nên trong hoạt động này”. Như vậy “mối quan hệ qua lại giữa phương diện bị tác phẩm quy định và phương diện chịu sự qui định của người đọc có thể xác định như là  một trường hợp đặc biệt của phép biện chứng của quá trình hấp thu”. Ở đây người đọc tác động vào tác phẩm và tác phẩm cũng tác động vào người đọc. Hoạt động tiếp nhận thẩm mỹ là một tiến trình diễn ra trong sự thống nhất của hai qui định đối lập này (tr.86). Người đọc trở thành chủ thể của quan hệ tiếp nhận, đồng thời lại trở thành khách thể của quan hệ tác động, và ngược lại, trong khi tác phẩm chế ngự người đọc thì người đọc cũng chế ngự lại tác phẩm. Tác phẩm là đối tượng của hoạt động của người đọc và đồng thời thông qua đề án tiếp nhận, lại hướng dẫn hoạt động này (tr.87).

Giữa hai khâu này theo Naumann có mối quan hệ đánh giá khi người đọc tiếp nhận tác phẩm. Chính tác phẩm cũng đòi hỏi mối quan hệ này, vì hoạt động thẩm mỹ tạo nên tác phẩm đã được cấu trúc thông qua quan hệ đánh giá đối với đối tượng của nó.

Sau khi đề cập đến hai lĩnh vực trên: lĩnh vực sản xuất văn học và lĩnh vực tiếp nhận văn học cùng mối quan hệ qua lại giữa chúng, Naumann tiếp tục bàn đến khâu trung gian giữa sản xuất và tiếp nhận, một khâu mà trong nghiên cứu lý luận và thực tiễn tiếp nhận vẫn còn ít được chú ý đến. Theo đó, tác phẩm sau khi được sản xuất xong nhưng chưa đến tay người đọc đã trải qua những hình thức chiếm hữu xã hội: tác phẩm đã được các thiết chế xã hội lựa chọn, làm cho có thể tiếp cận được đối với sự tiếp nhận và trong nhiều trường hợp đã được đánh giá. Các thiết chế ở khâu trung gian này bao gồm nhà xuất bản, nhà sách, thư viện cũng như phê bình văn học, quảng bá văn học, giảng dạy văn học, nghiên cứu văn học và các thiết chế khác làm trung gian về mặt vật chất hay tư tưởng giữa tác phẩm đã được sáng tác và người đọc. Từ đó Naumann kết luận: “Như vậy không có văn học hay tác phẩm “tự thân” mà người đọc thiếp lập quan hệ trong tiếp nhận. Đúng hơn đó là những tác phẩm đã được các thiết chế xã hội lựa chọn, quảng bá, đánh giá theo các quan điểm tư tưởng, thẩm mỹ, kinh tế hay các các quan điểm khác và thêm nữa còn mở đường cho tác phẩm đến với người đọc bằng các biện pháp thuộc đủ loại hết sức khác nhau (quảng cáo, trình bày sách, điểm sách, bình luận sách, thảo luận về tác phẩm, các giải thưởng văn học, quảng bá các tác giả, v.v…). Và theo ông đóng vai trò quyết định trong việc làm trung gian kết nối giữa tác phẩm đã được sáng tác và người đọc là các phương thức tiếp nhận xã hội. Khái niệm này được đưa ra để nói lên rằng “căn cứ theo những chức năng xã hội khách quan đã được chuyển cho văn học thông qua những mối quan hệ vật chất và tư tưởng trong một hình thái xã hội sẽ hình thành nên những phương thức tư duy, những tiêu chí đánh giá nhất định đối với văn học truyền thống và văn học đương thời. Những phương thức và tiêu chí này cần được hiểu như là sự cụ thể hóa ý thức của xã hội, của giai cấp, của tập đoàn, của tầng lớp của nó trong mối quan hệ với những vấn đề có liên quan với văn học”. Điều này theo Naumann có thể nhận thấy qua các quan niệm chẳng hạn văn học đã, đang và sẽ nên là gì, văn học sẽ phải tác động đến cái gì, cần phải đánh giá, cần phải lý giải, cần phải hiểu các tác giả, các tác phẩm, các trào lưu, các trường phái, toàn bộ một thời kỳ văn học, nói chung cả lịch sử văn học như thế nào, và cả các quan niệm về tiêu chí đối với việc thực hiện những khả năng được đặt cơ sở trong sản xuất và tiếp nhận văn học cho một phương thức đặc thù của sự giao tiếp và hình thành ý thức xã hội (tr.91). Như vậy cùng với đề án tiếp nhận của tác phẩm thì những thiết chế trung gian này cũng cung cấp sự hướng dẫn về việc là những tiến trình tiếp nhận nào diễn ra trong và sau khi hiện thực hóa tác phẩm. Những sự hướng dẫn như thế có thể mạnh đến mức làm cho sự tiếp nhận một tác phẩm nào đó hay cả các tác phẩm của toàn bộ một thời kỳ văn học bị cản trở hoặc bị điều khiển để thực hiện những chức năng ngược với tính chất của đề án tiếp nhận. Nhưng mặt khác cũng cần thấy là các cá nhân cũng không hẳn đã tuân thủ hoàn toàn các chỉ dẫn của các phương thức tiếp nhận xã hội, cũng như không phụ thuộc một cách máy móc vào các quan hệ thống trị của sự giao tiếp văn học. “Mỗi một sự tiếp nhận cá nhân về tác phẩm luôn có những sự tiếp nhận khác đi trước” (tr.93-94). Câu trích cuối cùng ở trên cho thấy có gì đó gần giống với quan niệm của Gadamer và một số nhà lý luận khác. Tuy nhiên cũng không thể không nhận thấy nó lại có chỗ khác biệt cơ bản qua khái niệm những phương thức tiếp nhận xã hội. Và trên cơ sở của những mối quan hệ nhiều tầng bậc  chịu sự qui định về mặt xã hội và cá nhân này hình thành nên trong người đọc những động cơ đọc, những nhu cầu đọc, những sự ham thích văn học nhất định, những đòi hỏi và thái độ nhất định đối với văn học. Những kết quả của sự tiếp nhận sẽ tác động đến cách thụ cảm, cách suy nghĩ, cách ứng xử của người đọc. Đó là quá trình “nội hiện” những kinh nghiệm được văn học làm môi giới. Nhưng quá trình nội hiện không chỉ diễn ra trong nhân cách mà còn qua đó sự tác động thâm nhập vào xã hội; “từ sự tác động cá nhân trở thành sự tác động xã hội, văn học đạt được sức mạnh xây dựng lịch sử”, một vấn đề mà Jauss cũng đã bàn đến trong mỹ học tiếp nhận của ông(22). Những tác động của việc đọc có thể xác minh được khi chúng không diễn ra một cách “im lặng” trong tư tưởng và hành động mà được thể hiện ra trong các văn bản nói hoặc viết và có thể xác định được một cách rõ rệt. Những thông tin về sự tác động, sự đánh giá, sự tiếp nhận văn học hay sự tiếp nhận những tác phẩm được cố định bằng ngôn ngữ chứng minh cho sự tác động xã hội hay cá nhân  của văn học. Khi những văn bản này được kết nối với các tác giả thì hoạt động tiếp nhận đó có thể có chức năng sản xuất văn học như đã được Naumann nói đến trong mối liên hệ với những tiền đề phát sinh của đề án tiếp nhận. Sự kết nối của những kết quả tiếp nhận này cũng có thể làm thay đổi hình ảnh về người nhận giả định ở các tác giả và tác động gián tiếp  như  là “động cơ thúc đẩy bên trong” của sự sản xuất văn học mới. Nó chỉ ra sự phát triển của văn học như là một vòng xoắn tiến hoá liên tục, trong đó các yếu tố xã hội và cá nhân hoà quyện với nhau. Từ đây Naumann rút ra một kết luận quan trọng cho việc nghiên cứu văn học. Đó là việc “nghiên cứu văn học chức năng – lịch sử mà đối tượng đặc trưng của nó là ở việc nghiên cứu sự tiếp nhận và tác động của văn học và nghiên cứu văn học nguồn gốc – lịch sử không thể tiến hành độc lập với nhau. Văn học đã được sáng tác mà phương thức hành chức của nó được sự nghiên cứu chức năng – lịch sử nghiên cứu trở thành yếu tố của những điều kiện hình thành văn học mới” (tr.95-96).

Như vậy mối quan hệ biện chứng giữa sáng tác và tiếp nhận văn học với các khâu sản xuất – tiếp nhận – sản xuất mới đã cho thấy rõ tiến trình văn học diễn ra như một dòng chảy liên tục mà trong đó các khâu vừa là tiền đề, vừa là môi giới, vửa là điều kiện của nhau, vừa qui định lẫn nhau. Tiếp nhận văn học là điểm kết thúc đồng thời là điểm khởi đầu của một dãy những sự kiện và tiến trình lịch sử – xã hội, tiểu sử cá nhân và đặc biệt lịch sử văn học. Tuy vậy vì tập trung vào việc giải quyết vấn đề về các cơ sở, các nguyên lý lý thuyết nên trong lý thuyết tiếp nhận của Naumann có những vấn đề còn để trống. Một số vấn đề trong các vấn đề đó đã được các đồng tác giả của công trình  đề cập đến trong các chương tiếp theo của công trình “Xã hội –Văn học – Đọc” này, chẳng hạn vấn đề  “Tiếp nhận văn học trong lịch sử” hay đặc biệt “Tác phẩm với tính cách là đề án tiếp nhận và các vấn đề lĩnh hội nó” do Dieter Schlenstedt viết, v.v… Song như đã nói tiếp nhận văn học là một lĩnh vực rộng lớn và đa dạng. Một công trình không thể giải quyết hết được mọi khía cạnh, mọi vấn đề như chính Naumann trong bài “Song đề của mỹ học tiếp nhận” đã nhận thấy và như trong “Lời nói đầu” của công trình – qua ý kiến của  nhiều nhà nghiên cứu Nga – cũng đã ghi nhận rằng “một lĩnh vực rộng đến như vậy chỉ có thể tiến hành một cách có kết quả với sự hợp tác lâu dài giữa các nhà mỹ học, nghệ thuật học, ngôn ngữ học, lịch sử học, tâm lý học, xã hội học, sinh lý học và các nhà khoa học tự nhiên khác cũng như các nhà lý thuyết thông tin và giao tiếp, các nhà ký hiệu học và điều khiển học” (tr.10). Riêng Naumann, ngoài việc tập trung nghiên cứu những cơ sở lý thuyết chung về vấn đề tiếp nhận văn học trong mối quan hệ với sản xuất văn học, ông còn đề cập đến các vấn đề khác: “Nhận xét về tiếp nhận văn học với tính cách là sự kiện lịch sử và xã hội”, “Tác phẩm và lịch sử văn học” (đã dịch đăng trên NCVH số 9/2012), “Sự kiện văn học trong lịch sử văn học”, “Về vấn đề “mỹ học tiếp nhận” trong lý luận văn học”, “Những nhận xét ngắn gọn về lịch sử văn học và lý luận văn học”… với các bài này ông đã đi sâu thêm vào các vấn đề của văn học từ góc nhìn tiếp nhận văn học trong tập tiểu luận lý thuyết văn học “Góc nhìn người đọc” nhằm góp phần thảo luận về một số vấn đề cụ thể hơn. Đó là những cố gắng lý thuyết mà chúng tôi cho rằng đáng được quan tâm tìm hiểuq

___________________

(1) Hiện nay tuỳ theo từng nhà nghiên cứu, tiếp nhận văn học khi được gọi là bộ môn, khi được gọi là ngành hay gọi chung chung là lĩnh vực. Tuy tên gọi có sự khác biệt tương đối và cũng không quan trọng lắm, nhưng tất cả đều thống nhất đây là khu vực nghiên cứu riêng, độc lập và rất cần thiết của nghiên cứu văn học.

(2) Ulrich Klein: Mục từ Tiếp nhận trong: Tự điển nghiên cứu văn học, do Krywalski chủ biên, Muenchen 1974, tr.409.

(3) Chẳng hạn sự đối lập giữa quan điểm nghiên cứu theo mỹ học tiếp nhận, tức lấy đối tượng là người đọc tiểm ẩn, người đọc trừu tượng và quan điểm nghiên cứu lịch sử tiếp nhận, nghiên cứu việc đọc của người đọc hiện thực. Ở đây để chống lại quan điểm nghiên cứu người đọc hiện thực, Victor Lange đã quả quyết rằng “quan niệm người đọc với tư cách là người tiêu dùng hàng hoá văn học, được cung cấp bên cạnh  các hàng hoá khác… thậm chí xem người đọc ấy là đại diện của một thiên hướng tập thể sẽ không dẫn đến một nhận thức có ý nghĩa nào” (Victor Lange : Sự quan tâm đến người đọc. Trong “Muller – Seidel, Walter, v.v…: Tính lịch sử trong ngôn ngữ học và khoa học văn học, Muenchen 1974, tr.34. Rainer Warming (Trong: Mỹ học tiếp nhận  – Lý thuyết và thực tiễn. Muenchen 1975, tr.7) cũng cho rằng trong công trình này ông “không quan tâm đến  việc nghiên cứu sự tiếp nhận được coi là kinh nghiệm vì nó không phải là một bộ môn của khoa học văn học mà là một bộ môn xã hội học hay tâm lý học” ngược lại nhiều người khác như G. Jaeger, G. Just, G. Grimm… lại quan tâm đến người đọc hiện thực.

(4) Công trình tập thể này được tổ chức thực hiện tại Viện trung tâm nghiên cứu lịch sử văn học thuộc Viện hàn lâm khoa học CHDC Đức trước đây do Nxb. Xây dựng, Berlin và Weiman xuất bản lần đầu năm 1973. Trong bài viết này những câu và phần trích dẫn từ công trình này được ghi số trang trong ngoặc đơn ngay sau phần trích.

(5) Hans Robert Jauss: Để tiếp tục cuộc đối thoại giữa mỹ học tiếp nhận “tư sản” và mỹ học tiếp nhận “mácxit”. Trong: Rainer  Warning (chủ biên): Mỹ học tiếp nhận – Lý thuyết và thực tiễn. Nxb. Wilhelm Fink, Muechen 1975, tr.344.

(6) Sđd., tr.344.

(7) Thí dụ Walter Hohmann đã nói đến mỹ học tiếp nhận và chủ nghĩa chống cộng trên tờ Người làm thư viện. Tạp chí công tác thư viện, Leipzig 1965, tr.505-515.

(8) M. Naumann: Về vấn đề “mỹ học tiếp nhận” trong lý luận văn học. Trong: Điểm nhìn người đọc. Tiểu luận lý thuyết văn học. Nxb. Philipp Reclam, Leipzig 1984, tr.156.

(9) Sđd., tr.159,162.

(10) Sđd., tr.158.

(11) M. Naumann: Song đề của “mỹ học tiếp nhận”. Tạp chí văn học, số 4-1978, tr.132.

(12) Xin tham khảo bản dịch tiếng Việt trong: Các Mác. Toàn tập. Tập 13. Nxb. Khoa học xã hội, 1958.

(13) B.J. Warneken: Hans Robert Jauss, Lịch sử văn học như là sự thách thức đối với khoa học văn học, Argument 14 (1972) H.3/4, tr.360-366.

(14) Tạp chí văn học, số 4-1984, tr.132.

(15) Nơi đã dẫn, tr.132.

(16) M. Naumann: Văn học và sự tiếp nhận nó. Trong: Điểm nhìn người đọc…, tr.113

(17), (18), (19) M. Naumann: Tác giả – người nhận – người đọc. Báo cáo khoa học đọc tại Hội nghị lần 6 AILC 1970 tại Bordeaux. Công bố lần đầu dưới tiêu đề “Auteur – Destinataire – Lecteur” trong: Actes du Vle Congres de L’Association internationnale de litterature comparée, Stuttgart 1975, tr.225-208. Bản tiếng Đức đăng trong Weimarer Beitraege 11/1971, tr.144, 163-169, 145.

(20) Robert Escarpit: Tác phẩm và công chúng: trích đăng trong: Peter Uwe Hohendahl: Lịch sử xã hội và Mỹ học tác động – Tài liệu về nghiên cứu tiếp nhận kinh nghiệm và macxit, tr.67.

(21) Trong bài lược thuật công trình này cho Viện thông tin KHXH năm 1977 chúng tôi đã dịch khái niệm Rezepyionsvorlage là đề án tiếp nhận và bây giờ cũng tiếp tục dịch là đề án tiếp nhận, nhưng vẫn thấy chưa thật sát nghĩa lắm. Nên chăng cần dịch là phương án hay dự án. Đây là khái niệm khó dịch. Ngay trong mục lục bằng tiếng Anh trong cuốn sách này khái niệm Vorlage được dịch thành Determining Element và trong mục lục tiếng Pháp được dịch thành projet de réception.

(22) Xin tham khảo: Huỳnh Vân: Hans Robert Jauss: Lịch sử văn học là lịch sử tiếp nhận, Tạp chí Nghiên cứu văn học số 03/2010, tr.53.

Nguồn: Nghiên cứu văn học, số 3/2013

Share Button