Sự du hành của lý thuyết: (tiếp nhận) lý thuyết phương Tây hiện đại ở Việt Nam đương đại

Share Button

Lý thuyết phương Tây hiện đại là vấn đề gây được nhiều hứng thú đối với khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam. Sự tiếp nhận ấy diễn ra như thế nào? Những dự án nào khởi hoạt cho sự tiếp nhận ấy? Những lý thuyết được tiếp nhận và căn nguyên của việc tiếp nhận này? Quan trọng hơn, khi lý thuyết ngoại lai được tiếp nhận ở môi trường khoa học văn học Việt Nam, nó có những biến chuyển gì: người ta nghĩ gì về nó, người ta làm gì với nó? Phải đặt lại vấn đề này, vì như sẽ được chúng tôi trình bày ở dưới đây, về con đường quanh co của việc tiếp nhận, cái nghĩ và cái làm với/về lý thuyết phương Tây như một biểu hiện riêng biệt của việc tiếp nhận khi nó du hành vào Việt Nam, bộc lộ những vấn đề đòi hỏi suy nghĩ và tái nhìn nhận. Tiểu luận này, vì vậy, đặt mục tiêu tìm hiểu (1/) quan niệm về lý thuyết văn học trong đời sống văn học Việt Nam hiện nay trên cơ sở (2/) lược thuật vấn đề tiếp nhận lý thuyết phương Tây hiện đại. Từ đó, (3/) đưa ra một vài kiểm thảo về vấn đề nhận thức lý thuyết văn học, những suy nghĩ có thể được gợi lên khi tiến hành những kiểm thảo ấy.

Tiểu luận được gợi cảm hứng từ tham luận của các giáo sư đến từ Đại học Harvard (Hoa Kỳ) trong Hội thảo quốc tế do Viện Văn học tổ chức tại Hà Nội, với sự giúp đỡ của Viện Harvard-Yenching và Quỹ Japan Foudation, ngày 14-15.03.2011: Tiếp cận văn học châu Á từ lý thuyết phương Tây hiện đại: vận dụng, tương thích, thách thức và cơ hội(1). Trong cách thức trình bày, để phù hợp với logic của việc thảo luận về lý thuyết văn học (ở) Việt Nam, đáng lẽ việc trước nhất phải trả lời các câu hỏi về lý thuyết, đưa ra quan niệm của các nhà nghiên cứu Việt Nam về lý thuyết rồi sau đó mới trình bày sự tiếp nhận và những hệ quả từ đó, như thứ tự được đặt ra ở trên. Nhưng có một thực tế, sự nhập nhằng trong cách hiểu và những quan niệm khác nhau về lý thuyết văn học cùng một loạt các vấn đề hữu quan (như quan niệm về tiểu luận, phê bình, điểm sách, các cách hình dung về thể loại) trong đời sống khoa học văn học ở Việt Nam, điều mà chúng tôi thực sự quan tâm ở đây, dẫn tới việc phải tính đếm đến một hình thức triển khai khác: thứ tự của tiểu luận sẽ theo hướng (2/) à(1/) à (3/), chủ yếu chỉ để cho tiện thao tác. Vì khi đã phân định được cách hiểu và quan niệm về lý thuyết, dù sự khác biệt là rất mơ hồ, nhất là giữa lý luận văn học và lý thuyết văn học như là vấn đề trọng tâm mà tiểu luận sẽ phân tích, thì việc hệ thống hóa sự tiếp nhận lý thuyết, từ trên dữ liệu nguồn đã có sự đồng nhất giữa chúng sẽ khiến sự miêu thuật hạn chế hơn rất nhiều so với thực tế của quá trình tiếp nhận. Cũng xin ghi chú thêm rằng, việc dùng thuật ngữ lý thuyết (văn học) trong phần lược thuật dưới đây được hiểu như là như là lý thuyết (văn học) và lý luận (văn học), tức trong bối cảnh chưa có sự phân định một cách có ý thức và nghiêm cẩn của các nhà khoa học văn học Việt Nam thời gian qua. Câu chuyện sẽ rẽ quành sang ngả khác khi chúng tôi trở lại với vấn đề này sau khi hệ thống hóa quá trình các lý thuyết phương Tây du hành đến Việt Nam và để lại dấu vết của nó từ sự du hành ấy.

  1. Lược thuật sự tiếp nhận lý thuyết ở Việt Nam đương đại

Việc tiếp nhận lý thuyết (ở đây là lý thuyết văn học phương Tây hiện đại) đã diễn ra khá sớm ở Việt Nam, gần như cùng lúc với sự hình thành văn học hiện đại(2), và hầu như mô hình phương Tây trong khoa học văn học đã được định hình từ trước 1945. Sau đó, trong 20 năm đất nước chia cắt, miền Bắc tiếp nhận lý thuyết văn học của Nga – Xô viết và Trung Quốc xã hội chủ nghĩa, miền Nam tiếp nhận khá nhanh nhạy với lý thuyết phương Tây hiện đại. Từ sau 1975, thực chất là phải sau 1986, sau hàng loạt những chất vấn về các “nguyên lý lý luận văn học” một thời, như: văn học phản ánh hiện thực, văn học tòng thuộc chính trị, phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa…(3), việc tiếp nhận lý thuyết phương Tây ở Việt Nam mới có những chuyển động đáng kể. Tất nhiên, việc tiếp nhận lý thuyết phương Tây hiện đại giai đoạn này có cả việc tiếp nhận mới và tiếp nhận lại những lý thuyết đã được biết đến trong nghiên cứu văn học Việt Nam trước đó. Có thể nhắc đến các lý thuyết lấy xuất phát điểm ở chủ thể (sáng tạo và tiếp nhận), văn bản (vật liệu và hình thức) và môi trường tạo sinh hoạt động văn học (xã hội và văn hóa), như một quy ước của riêng quá trình miêu thuật này.

1.1. Các nghiên cứu chủ thể với tâm lý học sáng tạo, tâm lý học tiếp nhận, phân tâm học,…

Các phương pháp nghiên cứu văn học từ nền tảng tâm lý học được biết đến ở Việt Nam tương đối sớm. Nói tâm lý ở đây là muốn nói đến việc tiếp cận văn học như là biểu hiện của tâm hồn, của đời sống tinh thần con người. Trong những năm bản lề của Đổi mới, hấp thụ khoa học văn học Nga theo chiều hướng này, phải kể đến việc dịch thuật hai công trình nổi tiếng của Mihail Arnaudov và Lev Vygotsky(4). Nhưng sự tiếp nhận có quá trình, tương đối sâu rộng hơn lại là phê bình tiểu sử và phân tâm học. Khoa tâm lý học phương Tây hiện đại khởi từ truyền thống Sigmund Freud đã được biết đến ở Việt Nam từ trước 1945(5). Sau đó, các môn đệ khác nhau của phân tâm học từ truyền thống Freud, những Carl Gustave Jung, Alfred Adler, Eric Fromm, Gaston Bachelard,… được tiếp nhận khá phổ biến ở đô thị miền Nam, thông qua cả con đường dịch thuật và thực hành phê bình(6). Hầu hết các công trình dịch thuật, bằng con đường này hay khác, đều đã trở lại trong đời sống phê bình văn học Việt Nam đương đại. Những giới thiệu tham góp đáng kể, là việc tiếp tục chuyển dịch Freud(7), bộ sách chuyên đề Phân tâm học và… do Đỗ Lai Thúy biên soạn(8). Bản thân ông cũng là nhà phê bình có nhiều thành công nhất với phương pháp này, với một chuyên luận và một tập tiểu luận chuyên đề(9). Tất nhiên, một bộ phận phê bình phân tâm của Đỗ Lai Thúy, do tiếp nhận quan điểm của Jung và Jacques Lacan, vấn đề cổ mẫu và vô thức được cấu tạo như một văn bản, nên cũng không đơn thuần là tiếp cận chủ thể nữa. Cùng với Đỗ Lai Thúy, Liễu Trương cũng là người có công giới thiệu một cách hệ thống về phân tâm học(10). Khi đã có được một bệ đỡ lý thuyết sâu rộng, đã có những thể nghiệm phê bình thành công, thì diện ảnh hưởng của các thực hành phân tâm học trong văn học càng được mở rộng, trở thành một hướng đi được nhiều người chú ý.

Một hướng khác của tiếp cận chủ thể, đúng hơn là thể tính, xuất phát từ hiện tượng học của Edmund Husserl. Phê bình văn học ở đô thị miền Nam, trong sự ảnh hưởng rõ rệt của chủ nghĩa hiện sinh và sự phổ rộng của các trào lưu triết mỹ phương Tây, đã có sự tiếp nhận khá phổ biến phương pháp này, theo hai đường hướng cơ bản mà các môn đệ của Husserl hoạch định: hiện tượng học hiện sinh của Jean Paul Sartre và hiện tượng học thông diễn của Martin Heidegger(11). Sau Đổi mới, bên cạnh sự trở lại của một bộ phận di sản phê bình hiện tượng học ở miền Nam, tiếp nhận hiện tượng học được nhấn mạnh ở thông diễn học và mỹ học tiếp nhận. Sau Heidegger, đến lượt Hans Georg Gadamer, Roman Ingarden, Wolfgang Iser, Han Robert Jauss được giới thiệu. Trương Đăng Dung, và sau một chút, Huỳnh Vân, là người chuyên tâm gây dựng một “khoa học về sự hiểu” với việc chuyển dịch và thực hành nghiên cứu từ quan điểm mỹ học tiếp nhận và thông diễn học(12). Con lắc của sự diễn giải, ở hiện tượng học, đến đây, vẫn giữ sợi dây liên kết với Husserl trong ý hướng truy cầu thể tính, đã làm nên một lộ trình từ chủ thể sáng tạo qua văn bản đến chủ thể tiếp nhận. Tác phẩm chỉ hình thành trong quá trình người đọc đọc nó. Theo đó, phương thức tồn tại của tác phẩm là phương thức mà người đọc cấp nghĩa cho nó. Nghiên cứu nhà văn nhường bước cho nghiên cứu người đọc hình thành và phát triển.

1.2. Các nghiên cứu văn bản với thi pháp học (của Trường phái hình thức Nga và Phê bình Mới Anh-Mỹ), cấu trúc luận, tự sự học,…

Trong tam giác nhà văn – văn bản – người đọc, giống như sự phát hiện ra tính tự trị của văn học trong khoa học văn học phương Tây, ở Việt Nam đương đại, việc tiếp nhận các lý thuyết hướng vào việc phân tích văn bản rất được chú trọng. Một phần do sức hấp dẫn của chính những lý thuyết này. Phần khác, như một phản ứng với những nghiên cứu ngoại tại đã bị dung tục hóa nhiều ít trước đó. Ngoài đại biểu xuất chúng không chỉ của trường phái hình thức Nga, Mikhail Bakhtin, được tiếp nhận khá sâu rộng và độc lập(13), các đại diện khác của trường phái hình thức Nga, những Roman Jakobson, Vladimir Propp, Victor Shklovsky, Iuri Tynianov, Boris Tomasevsky, Boris Eikhenbaum,… cũng được dịch và tiếp nhận hệ thống(14). Riêng Jakobson thì được biết sớm hơn, vừa như một đại diện của thi pháp học và của cấu trúc luận ở nửa sau nghị trình khoa học của ông, từ trong đô thị miền Nam(15). Có thể nói, cấu trúc luận với việc cụ thể hóa ở các ngành học vấn đều có được những thành tựu ở cả hai miền Nam Bắc trước và sau thống nhất. Chẳng hạn, trong dân tộc học, những công trình như Nhân chủng học và lược khảo thân tộc học(16) của Bửu Lịch, Cơ cấu làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ(17) của Từ Chi là một thực hành cấu trúc luận triệt để và xuất sắc. Các công trình của Đỗ Long Vân như đã dẫn và Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều(18) của Phan Ngọc, Ngôn ngữ thơ(19) của Nguyễn Phan Cảnh, cũng có được một vị trí như thế trong lĩnh vực khoa học văn học. Tuy nhiên, không giống như ở đô thị miền Nam trước kia, khi cấu trúc luận có được môi trường tiếp nhận khá rộng mở, những tiếp nhận của các nhà nghiên cứu ở miền Bắc thường mang tính cá nhân, xuất phát từ sở học cũng như cơ hội được tiếp xúc với quan điểm của khoa học xã hội ngoài khối xã hội chủ nghĩa, ấy là không để đến những tiếp nhận phê phán mang màu sắc ý thức hệ giai đoạn trước 1986. Việc giới thiệu cấu trúc luận một cách phổ biến tới công chúng văn học chuyên và không chuyên, chỉ bắt đầu có hệ thống từ những năm 2000(20). Trong số những người quan tâm đến thuyết cấu trúc, Trịnh Bá Đĩnh là người tạo được dấu ấn đáng kể hơn cả.

Tuy nhiên, cuộc cách mạng trong khoa học văn học ở Việt Nam từ Đổi mới in dấu vai trò của thi pháp học và những nỗ lực bền bỉ của Trần Đình Sử. Ông không chỉ là người dụng công với thi pháp học mà còn là người trực tiếp thúc đẩy quá trình chuẩn định hóa lý thuyết này trong khoa học văn học đương đại, thông qua hệ thống các công trình uy tín và thông qua hệ thống giáo dục(21). Chỉ có điều, cần phải nói thêm rằng, việc ứng dụng thi pháp học một cách dung tục trong học giới và học đường hiện nay dẫn tới tình trạng lý thuyết này bị lạm phát, đã nằm ngoài sự kiểm soát của Trần Đình Sử. Những nỗ lực làm tươi mới và mở rộng thi pháp học sang tự sự học và tu từ học của Trần Đình Sử trong thời gian gần đây được xem là những nỗ lực đầy trách nhiệm của người (được/bị/phải) đứng ở cương vị đứng mũi chịu sào.

Từ thi pháp hình thức, thi pháp lịch sử của truyền thống lý thuyết Nga, tiếp cận từ nền tảng văn bản văn học Việt Nam cũng đã biết đến phê bình Mới Anh-Mỹ, chẳng hạn trong các tiểu luận của Đỗ Đức Hiểu(22); và, tự sự học của truyền thống lý thuyết Pháp, vẫn do Trần Đình Sử khởi xướng và được nhiều nhà nghiên cứu hậu thuẫn ở nhánh này(23) và các hoạt động nhóm hay độc lập khác ở nhánh kia hướng vào cả phạm vi rộng lớn của truyền thống Pháp cựu lục địa(24). Thậm chí, bên cạnh đó, sự giới thiệu còn mở theo cả sự lan toản không thời gian của xu hướng cấu trúc – ký hiệu học nữa, dù nó dần xa rời cội nguồn ký hiệu ngôn ngữ, và cũng không mấy được chuyển dịch có hệ thống(25). Tất nhiên, giống như ở môi trường nguồn, sự phân định rạch ròi giữa các cách tiếp cận là không hoàn toàn biện biệt, bởi sự gắn kết với cội nguồn ngôn ngữ học Ferdinand de Saussure với ý thức về hình thức và tinh thần phiêu lưu mà chủ nghĩa cấu trúc, với tất cả dự cảm xã hội, tham vọng triết học và chính trị, đã truyền cảm hứng cho những dấn thân học thuật. Đấy là chưa kể đến môi trường đích, phong thổ Việt Nam mà các lý thuyết du hành tới, rất dễ dàng cho những cắt xén thêm bớt mang màu sắc nguyên hợp tiền hiện đại.

1.3. Nghiên cứu từ xã hội và văn hóa với các lý thuyết hậu hiện đại, hậu thực dân, xã hội học, văn hóa học,…

Bước sang nửa sau của thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI, khi lý thuyết châu Âu đã quành sang ngả Mỹ và trở lại thách thức những tư duy cựu lục địa được mấy mươi năm, những lý thuyết mới mẻ này cũng dần được tiếp nhận ở Việt Nam. Giải cấu trúc, hậu hiện đại, hậu thực dân, văn hóa học, xã hội học văn học,… trở thành những từ khóa gần gũi với một thế hệ nghiên cứu mới. Và điều đáng nói là, ngoài việc chuyển dịch lý thuyết đương đại, việc bổ khuyết các lý thuyết kinh điển cũng được chú ý(26). Trên mặt bằng ấy, lý thuyết đương đại trở nên hấp dẫn. Nó khích động suy tư, ở khả năng thao tác, ở việc phản tỉnh để nảy sinh những nghi vấn và ham muốn xóa bỏ các định chế, quy phạm, chân lý cố hữu, vĩnh hằng. Điều này khác hẳn với các nghiên cứu văn học từ nền tảng xã hội và văn hóa trước đó, dạng như phê bình tiểu sử, phê bình văn hóa – lịch sử hay xã hội học marxist, được biết đến từ trước 1945 và có được sự phổ biến đáng kể ở miền Bắc trước ngày thống nhất đất nước, thậm chí còn được duy trì đến mãi sau này(27). Chính vì vậy, việc cập nhật những lý thuyết đương đại này khiến có thể liên tưởng tới ở đây, một bước ngoặt văn hóa hay một cuộc chuyển đổi hệ hình văn hóa, trong khoa học văn học. Ở thời tiền hiện đại, tác phẩm văn học được xem là phương tiện chuyển tải thông điệp của nhà văn, khiến khoa học văn học chú trọng đến tác giả. Đến thời hiện đại, nhờ sự phát hiện ra tính tự trị của văn học, tác phẩm văn học (mà tri giác vật chất là văn bản) lại được khoa học văn học chú trọng. Những phiêu lưu của lý thuyết văn học hầu như cũng chỉ nằm trong quỹ đạo khẳng định quyền tự trị ấy, bồi đắp các phương cách tạo nghĩa cho nó. Từ văn bản đến tác phẩm, người đọc được sinh thành, được chú ý và trở thành mối quan tâm của khoa học văn học. Nhưng mỹ học tiếp nhận và thông diễn học cũng không vượt qua được giới hạn của việc truy cầu thể tính. Dù đã xóa đi niềm tin vào một tác phẩm văn học phổ quát, dành cho tất cả mọi người, để khẳng định sự hiện diện của tác phẩm văn học ở số nhiều, gắn với từng người đọc cụ thể, khoa học về người đọc như vậy vẫn là con đường đi tìm những phương thức tồn tại của tác phẩm. Tức nó vẫn nhấn mạnh vào tính tự trị của tác phẩm văn học, tạo cho văn học cái quyền, cái vị thế độc lập, đơn lẻ trước những quan hệ đan dệt phức tạp của xã hội và văn hóa. Sự phản tư lý thuyết, theo lối nói tu từ của Tzevetan Todorov, là khi lý thuyết bị khô cứng và lạc lối thì “văn chương lâm nguy”, chính ở chỗ lý thuyết duy lý cứng nhắc đã không đưa chúng ta đến phẩm chất nhân văn của văn học(28). Khoa học văn học thời hậu hiện đại, bằng sự phản tư lý thuyết (hiện đại) và tiếp tục những cuộc phiêu lưu mới, đã trả văn học về với đời sống thế tục, với các thiết chế quyền lực, các biểu hiện văn hóa để chỉ ra vị thế và vai trò của nó, làm nên chỗ đứng cho nó.

Như vậy là, với một khái lược mà chắc chắn chúng tôi chưa thể bao quát đủ như trên, dù như đã nói ở trước, rằng chưa tính đếm đến những tiếp nhận nhỏ lẻ (dù nhiều khi là rất quan trọng) trên các diễn đàn báo chí, thì có điều vẫn dễ nhận thấy là chỉ trong mấy chục năm, việc giới thiệu lý thuyết và thực hành phê bình văn học nói riêng và khoa học xã hội nhân văn nói chung đã có những bước tiến vượt bậc(29). Các lý thuyết phi marxist đã hiện diện ở nhiều nơi, dù trên căn bản, đời sống phê bình vẫn vận hành theo quán tính của lối phê bình quen thuộc, không được bồi bổ và cũng không được phản tư. Ở rất nhiều diễn đàn, người ta la lối về chuyện nghiên cứu văn học tụt hậu, rằng cần phải nâng cao chất lượng hiệu quả (công tác) nghiên cứu văn học nghệ thuật. Nhưng trống rong cờ mở là vậy, chỉ một cái ngoái đầu về thực trạng nghiên cứu văn học cũng hiếm hoi lắm mới xuất hiện, nỗ lực đọc hiểu lý thuyết đương đại còn hạn chế hơn nữa. Cánh cửa mở ra thế giới bên ngoài dẫu rộng nhưng gặp không ít hồ nghi, e dè. Ở Việt Nam đương đại, mọi tiếp nhận lý thuyết văn học và lý thuyết văn học hậu hiện đại mới chỉ ở những chập chững bước đầu. Mà để con đường có thể dài rộng hơn, đã đang manh nha, bắt đầu từ những tổng kết về thực tiễn văn học, kiểm thảo về di sản tiếp nhận. Trước nhất, cho một nhận thức đúng đắn, để sau đó, tạo mặt bằng ghép vào sân chơi của thế giới đã nhiều phần “phẳng hóa”, ngõ hầu tạo nên những đột phá của khoa học văn học.

  1. Sự du hành của lý thuyết và những vấn đề đặt ra cho (cộng đồng) khoa học văn học ở Việt Nam đương đại

Trở lại với vấn đề được đặt ra từ đầu, khi lý thuyết phương Tây được tiếp nhận ở Việt Nam đương đại, đã có rất nhiều vấn đề nảy sinh. Trong các vấn đề đó, một nhận thức thấu triệt về các vấn đề lý thuyết để hình thành nền khoa học văn học mới luôn được đặt ra, được tái nhận thức ở một bộ phận các nhà nghiên cứu. Có mấy vấn đề đáng lưu tâm ở chỗ này. Thứ nhất, có lẽ sau nhiều năm khoa học văn học Việt Nam được định hình trong mô hình phản ánh luận marxist, khi lý thuyết văn học được đồng nhất với đường lối văn nghệ, tức đều là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho nhận thức và hành động về văn học, thì các lý thuyết văn học được tiếp nhận đều được đồng nhất là lý luận văn học. Các câu hỏi về lý thuyết thường không được đặt ra, còn các câu hỏi như vậy về lý luận thì dễ dàng tìm được câu trả lời: các nguyên lý văn học. Hệ quả của điều này dẫn đến vấn đề thứ hai, mô hình “lý luận và ứng dụng” được phổ biến. Nó làm cho khoa học văn học ở Việt Nam dễ bị rơi vào hai tình trạng: một, văn học Việt Nam trở thành chất liệu minh họa cho tính đúng đắn của lý thuyết; hai, chỉ hấp thụ một số khía cạnh nào đó của lý thuyết sao cho phù hợp với điều kiện Việt Nam, tức biến hóa thành một thứ lý thuyết mang “màu sắc Việt Nam”. Tức làm thoái hóa nó khi được bứng trồng ở Việt Nam. Chính vì hai vấn đề trên, mà nảy sinh một vấn đề thứ ba, là việc tiếp nhận không đầy đủ và có hệ thống về lý thuyết văn học. Người ta chỉ chọn những lý thuyết này chứ không phải lý thuyết kia, xuất phát từ sức hấp dẫn của lý thuyết, khả năng tương thích với hoàn cảnh Việt Nam, hay đơn giản hơn, như một cơ duyên trong quá trình học tập và nghiên cứu văn học. Điều đó có lẽ cũng sẽ là không sao, nếu không có chuyện rất thường khi người ta vô thức hay hữu thức, cố tô đậm cho vẻ hoàn bị của lý thuyết, từ duy tôn rồi đến độc tôn một lý thuyết được tiếp nhận nào đó. Từ một quan điểm tiếp cận còn nhiều tùy tiện như vậy, thực tế nghiên cứu văn học Việt Nam tiếp tục nảy sinh những bất cập khác, nhất là trong việc phân định các kiểu loại văn bản khoa học văn học, như: phê bình và tiểu luận (trong hàng loạt tên sách), phê bình, điểm sách, tin sách (trên hàng loạt các báo và tạp chí),… Tất cả làm cho khoa học văn học ở Việt Nam kém phát triển, ở cả phương diện tiếp cận với trình độ khoa học thế giới và nghiên cứu thực tiễn văn học Việt Nam.

Câu chuyện gần đây đã bắt đầu có những biến chuyển. Đầu tiên, sự biện biệt giữa lý thuyết văn học và lý luận văn học đã được đề xuất qua công trình dịch thuật Compagnon có tiếng vang của Đặng Anh Đào và Lê Hồng Sâm đã được nhắc tới ở trên: Bản mệnh của lý thuyết. Ở đây, trong một tiểu mục dưới tiêu đề lý luận văn học hay lý thuyết văn chương, các dịch giả đã đề xuất sự phân biệt giữa lý luận văn học (théorie de la litterature) và lý thuyết văn chương (théorie littéraire), mà theo Compagnon, lý luận được hiểu như là “một ngành của văn học tổng quát và so sánh: nó chỉ sự suy ngẫm về các điều kiện của văn chương, của phê bình văn chương và của lịch sử văn chương; đó là phê bình sự phê bình hay siêu phê bình” trong khi “lý thuyết văn chương mang tính đối lập hơn và hiện diện nhiều hơn như một sự phê phán hệ tư tưởng, kể cả hệ tư tưởng của lý luận văn học (…) lý thuyết văn chương trình bày mã và quy ước ở nơi mà sự phi lý thuyết coi là bản chất tự nhiên”. Từ sự phân biệt này, khi đề cập đến các vấn đề của lý thuyết, Compagnon tuyên bố ông “vay mượn từ cả hai truyền thống trên. Từ lý luận văn học: suy ngẫm về các khái niệm chung, các nguyên lý, các tiêu chuẩn; từ lý thuyết văn chương: phê phán sự phải lẽ văn chương và tham chiếu thuyết hình thức”(30). Như vậy, sự phân biệt giữa lý luận và lý thuyết, có thể xuất phát từ cách thức chuyển ngữ, có thể tương đối mờ nhạt ở ngôn ngữ nguồn, nhưng rõ ràng đã đem lại những cách hiểu khác nhau về lý luận và lý thuyết trong thói quen sử dụng Việt ngữ, và rọi một ánh sáng cần thiết vào sự thức nhận những quy chiếu của lý luận và lý thuyết trong nghiên cứu văn học. Trước hết, nó xác nhận rằng trong diễn ngôn nghiên cứu văn học ở Việt Nam, người ta có sử dụng đồng thời cả lý luận và lý thuyết. Chỉ có điều, rất ít khi người ta phân biệt rạch ròi các nội hàm giữa chúng, khiến lý luận và lý thuyết hầu như được đồng nhất. Sự đa dạng và năng động của lý thuyết hầu như đã bị mất đi để chỉ trở thành lý luận quy phạm ít được/chịu phản tư. Nó là cha đẻ của việc hình thành mô hình “lý luận và ứng dụng” đã nhắc đến ở trên. Mô hình này, trên thực tế, là một sách lược hữu ích, nhưng không vì thế mà có thể mòn xáo thành thói quen hay được nâng cấp thành tầm chiến lược học thuật. Bởi nó trượt tiêu ý thức phản tư và tính năng động của lý thuyết, khi hướng việc nghiên cứu vào các trường hợp điển hình chứ không phải các trường hợp đại diện. Mà tính đại diện địa phương dị biệt, chứ không phải điển hình, của nghiên cứu trường hợp, mới tạo ra thế năng để lý thuyết có thể chất vấn tham vọng phổ quát của nó, bổ trợ cho nó, hay hướng quành nó theo ngả khác. Đó là một nhận thức cần thiết nhưng ít thấy và ít được cổ vũ ở Việt Nam, bởi cái cách ru vỗ viện dẫn truyền thống ít trọng lý thuyết của một quá khứ xa, và tiếc nuối phản tư những dấu mốc vận dụng của một quá khứ gần đã tạo nên vị thế của nhà phê bình mà người đọc vẫn còn dễ dàng tìm biết. Trên bình diện quan niệm là như vậy. Ở bình diện thực hành, năm 2009, trong tập chuyên khảo có tính chất thực hành phê bình văn học Việt Nam từ các lý thuyết phương Tây, Nghiên cứu văn học Việt Nam: những khả năng và thách thức, người biên tập đã biện biệt hai cách sử dụng này để ưu thắng cho việc sử dụng cách chuyển ngữ là lý thuyết trong các phương thức tiếp cận văn học khác nhau, còn lý luận chỉ được dùng khi định danh về một bộ môn thuộc nghiên cứu văn học(31).

Tại sao lại phải có sự phân biệt này? Nó mang ý nghĩa gì ngoài việc nhấn vào tính năng động khi được hiểu là lý thuyết? Và có phải toàn bộ những cách sử dụng là lý luận đều hàm nghĩa quy phạm? Câu chuyện không dễ tìm được lời đáp. Bởi có thể trước kia, cái bóng ma trong danh ngôn của J.W.Goethe, lý thuyết chỉ là màu xám, còn cây đời mãi mãi tươi xanh, đã phủ lên “lý thuyết” sắc thái tiêu cực trong sự đối lập với “cây đời” thực tế. Lý thuyết là chuyện viển vông. Lý luận thì khác, nó thể hiện tầm tư duy và bản lĩnh của người sử dụng. Song tới bây giờ, việc sử dụng nhiều lúc chỉ là do thói quen, do muốn thổi nghĩa mới vào một từ quen thuộc, dễ dàng với số đông tiếp nhận(32). Nhưng việc lựa chọn “lý thuyết” lại không đơn thuần như thế. Nó thể hiện một quan niệm có tính chính trị học thuật, khi nó bẻ gãy tương quan quyền lực, nó giải quy phạm để đi tìm tự do, dân chủ trong học thuật. Bởi nó trả cho lý thuyết về dạng số nhiều, được bình đẳng trong các suy tư và thực hành, điều mà lý luận ở dạng số ít không thể sinh tạo. Đây là điểm khá khác biệt với thảng hoặc cách dùng từ “lý thuyết” trong các văn bản thời đầu đổi mới. Bởi với chẳng hạn, Hoàng Ngọc Hiến, thì “lý thuyết” được dùng không tương đồng, và cũng không chia sẻ phạm vi chung với “lý luận”, khi nó được hiểu chỉ như là một quan niệm về tác phẩm văn học, chứ không phải về các nguyên lý phổ quát của văn học. Còn với Lại Nguyên Ân, điều bất ngờ là, “lý thuyết” đã trở thành thuật ngữ được ông dùng thay thế cho “lý luận”, khi bàn về một công trình lý luận (Lý luận và Văn học của Lê Ngọc Trà), để chỉ ra những giới hạn mà khoa học ngữ văn ở Việt Nam khi ấy không thể vượt qua(33).

Tiếp đến, trên lĩnh vực phê bình văn học, diễn đàn sôi động nhất của khoa học văn học, người ta đặt lại vấn đề phê bình lý tính và phê bình cảm tính, phê bình hàn lâm và phê bình báo chí(34). Thực chất của vấn đề này là việc đòi hỏi chất lượng khoa học của các bài phê bình văn học khi trên các báo chí văn học, có sự khuynh loát của phê bình báo chí, chỉ thường đạt ở mức thông tấn, quảng cáo hay hiếu hỉ. Tuy vậy, một đòi hỏi về phê bình như thế vẫn chỉ đặt một góc nhìn đơn lẻ, thiếu tính hệ thống: phê bình mới được đặt trên bình diện chức năng của nó chứ chưa được đặt trên bình diện là một thành tố của hệ thống khoa học văn học. Đó là lý do để gần đây, Cao Việt Dũng lại tiếp tục đặt lại vấn đề “phê bình và điểm sách”(35). Trở lại mươi năm trước, dễ thấy một cách phân biệt “mang màu sắc Việt Nam” ở các loại hình diễn ngôn này, như trên tuần báo Văn nghệ, tạp chí Văn nghệ quân đội,Tạp chí Văn học chẳng hạn: tiểu luận được hiểu là các bài viết dài hơi, thường tìm hiểu vào một vấn đề chung nào đó của văn học, vượt trên việc tìm hiểu từng tác giả, tác phẩm; phê bình cũng là một bài viết dài hơi, nhưng chỉ thao tác trên đối tượng là các đầu sách được xuất bản, thảng hoặc mới thao tác trên tác phẩm riêng lẻ, chưa in thành tập; điểm sách thì ngắn hơi hơn, và tin sách còn ngắn hơi hơn nữa, dù vẫn thao tác trên đối tượng là các đầu sách được xuất bản. Vấn đề này được hậu thuẫn không chỉ bởi cảm nhận của người nghiên cứu, mà là trên các dấu hiệu hình thức: thứ nhất, sẽ là dễ dàng hơn nếu các báo và tạp chí để sẵn những chuyên mục với các tên trên và đặt các bài viết vào từng chuyên mục đó; thứ hai, trường hợp bị mất đi các khung khổ này, thì tên tác giả bài viết được đặt ở ngay dưới tiêu đề bài viết sẽ là tiểu luận hoặc phê bình, được đặt ở cuối bài viết sẽ là điểm sách hoặc tin sách, riêng tin sách có thể đặt chung ở cuối cả loạt bài đồng dạng. Với một “quy ước ngầm” như thế, hầu như ai cũng có thể chấp nhận ở phương diện thông tấn báo chí. Nhưng ở góc độ khoa học văn học, việc nhầm lẫn giữa bài tiểu luận (essay) và bài phê bình (critique), trong tình trạng việc hiểu phê bình văn học (criticism) vẫn là tổng cộng của hoạt động phê bình, thông qua các bài phê bình, thì lại hạn chế sự phát triển của khoa học văn học.

Ý hướng minh bạch hóa các khái niệm hay các loại hình diễn ngôn khoa học văn học khác cũng đã được đặt ra. Trong Hội thảoTiếp cận văn học Việt Nam bằng lý thuyết phương Tây: vận dụng, tương thích, khả năng và thách thức đã nói đến ở trên, Trần Đình Sử có tham luận đề xuất sự phân biệt giữa thi pháp học (poetic) và lý luận văn học. Đề xuất này là cần thiết bởi trong đời sống học thuật Việt Nam, công trình Poetics của Aristotle, thường được dịch là Thi học, Nghệ thuật thi ca, luôn được hiểu là công trình nền tảng của khoa học văn học phương Tây, như một thi học quy phạm, tức lý luận văn học; trong khi, thi học cũng là một cách dịch khác của thi pháp học, một khoa học nghiên cứu văn học từ bình diện thi pháp, có đời sống lịch sử, phát triển ở nhiều chiều hướng khác nhau, mà ở thời hiện đại, nhất là từ khi xuất hiện trường phái hình thức Nga, một số chiều hướng trong số đó có xu thế tách ra phát triển như một lý thuyết văn học, giới hạn ở tính chất chuyên biệt, như là hình thức suy tư hay cách thức thao tác của quá trình tiếp cận văn học. Cũng từ trong Hội thảo này, ở những tham luận của Stephen Owen, Karen Thonber, trong cách thức mà họ tiếp cận với các văn bản Đông Á, ta có thể dễ dàng nhận thấy giới hạn của lý thuyết và những khả năng bổ khuyết, thậm chí phản biện hay hình thành lý thuyết mới từ những đối tượng tiếp cận mới. Các tham luận, như đã nói, gợi hứng thú cho việc hình thành tiểu luận này, chính ở chỗ đó. Nó bày ra những trường hợp cụ thể về lý thuyết, hỗ trợ việc phân biệt giữa lý thuyết và lý luận, để mở đường cho sự dân chủ và đa dạng hóa các cách thức tiếp cận văn học. Cũng cần nói thêm rằng, trong khuôn khổ của sự hợp tác với Viện Harvard-Yenching, mà các hội thảo là một cụ thể hóa, còn có những bộ sách chuyên khảo về khoa học xã hội(36), cung cấp diễn đàn cho nhiều nhà khoa học Việt Nam, cùng với đó là độc giả khoa học, những hình mẫu của một tiểu luận khoa học. Tiến tới một viễn tượng đối thoại khoa học quốc tế, có lẽ, phải bắt đầu từ những nhận thức và những thao tác nghề nghiệp như thế, trước và cùng lúc với những đề xuất lý thuyết từ thực tế văn hóa văn học Việt Nam như một trường hợp đại diện của nghiên cứu văn học nghệ thuật.

Như vậy, việc kiểm thảo lý thuyết, ở đây trước nhất là việc biện biệt các khái niệm và các loại hình diễn ngôn khoa học văn học, có thể đem lại nhiều lợi ích. Dân chủ hóa và đa dạng hóa các cách thức tiếp cận văn học là một hệ quả. Quan trọng hơn, nó đem đến một cái nhìn mới về khoa học văn học. Mới đây, trong khoa học văn học ở Việt Nam, lý thuyết mới thường chỉ được đồng nhất là phương pháp: lý thuyết như là một đường hướng, một công cụ tiếp cận văn học. Chẳng hạn, một dẫn dụ giản lược như thế, đã từng được Đỗ Lai Thúy chủ trương, như một khởi đầu của việc phổ biến công cụ cho lý thuyết phê bình ở Việt Nam qua hai tập sách: Sự đỏng đảnh của phương pháp, và Theo vết chân những người khổng lồ (Tân Guylivơ phiêu lưu ký về các lý thuyết văn hóa) đã nhắc ở trên. Lý thuyết ít khi được nhắc tới đầy đủ như là một vấn đề quan trọng của truyền thống tri thức châu Âu thế kỷ XX, thể hiện rõ ràng vai trò trong triết học, mỹ học, chính trị học, cũng như trong việc nghiên cứu các ngành nghệ thuật, tư tưởng, lịch sử và văn hóa; hay, như về sau này, còn là minh chứng cho những phiêu lưu trí tuệ mang tính cá nhân của những nhà nghiên cứu ưu tú, mà lý thuyết khi được thành hình, thường gắn liền với danh tính của họ. Vậy là một nửa nội hàm khái niệm lý thuyết đã rất ít được biết đến: lý thuyết không chỉ là phương pháp (tức nhấn mạnh ở khía cạnh thao tác), lý thuyết còn là suy tư (tức nhấn mạnh ở khía cạnh phiêu lưu trí tuệ). Theo đó, đồng nhất lý thuyết là lý luận, hay lý thuyết là phương pháp, đều làm nghèo đi phẩm chất của lý thuyết. Tầm quan trọng của nhận thức này là ở chỗ đó, nó giải thoát cho người nghiên cứu khỏi các định chế và khai phóng những con đường mới mẻ, nhiều tự do phóng túng và những phiêu lưu bất ngờ, lý thú, cho những nghiệm trải mới khi khám phá thế giới không cùng của văn học nghệ thuật.

Với những lý do đó, vì vậy, những chuyển động, những phản tỉnh trong thời gian vừa qua trong đời sống học thuật Việt Nam, nhằm đưa ra những kiểm thảo về lý thuyết và bổ khuyết sự thiếu hụt các lý thuyết đương đại, những hoa tiêu về một bài luận khoa học, những minh định về các kiểu loại, khái niệm, hình thái diễn ngôn khoa học văn học là cần thiết và có ý nghĩa. Sự công kích vào thói quen, vào sự tùy tiện, dễ dãi có thể gặp phải phản ứng của học giới còn mang nặng tính gia trưởng. Song trực diện với quyền uy (đời sống và học thuật) cũng là một con đường lý thuyết du hành, để khẳng định giá trị (đạo đức) học thuật của khoa học văn học.

__________________

([1]) Các tham luận: Những khẳng định của lý thuyết: Nghiên cứu văn chương hàn lâm và văn bản Đông Á của Stephen Owen; Tính hợp thức, cộng đồng và chủ nghĩa hậu thực dân: Nhà văn và văn bản du hành ở Đông Á sau 1945 của Karen Thornber. Văn bản của các tham luận sau đó được công bố trênNghiên cứu văn học, số 5 (471), tháng 5/2011, tr.9-39.

(2) Về lịch sử tiếp nhận lý thuyết ở Việt Nam, xin tham khảo: Trần Đình Sử: “Nghiên cứu văn học Việt Nam: đổi thay như thế nào?”, trong Nghiên cứu văn học Việt Nam: những khả năng và thách thức, tuyển tập chuyên khảo do Viện Harvard-Yenching tài trợ, Lê Hồng Lý, Trần Hải Yến biên tập, Nxb. Thế giới, H., 2009, tr.15-40; Đỗ Lai Thúy: “Phê bình văn học: nhìn nghiêng từ phương pháp”, trong Nghiên cứu văn học Việt Nam: những khả năng và thách thức, Sđd, tr.41-96; sau được triển khai thành chuyên luận Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy, Công ty Nhã Nam & Nxb. Hội Nhà văn, H., 2010; Trịnh Bá Đĩnh: “Chân trời từ nhiều phía”; “Lý luận phê bình, từ phản tư đến hội nhập”, trong Phê bình văn học Việt Nam hiện đại, Công ty Liên Việt & Nxb. Văn học, H., 2011, tr.274-316;…

(3) Trong dăm năm từ Đổi mới, có thể kể đến các kiểm thảo: 1/ bài viết Văn nghệ và chính trị của Lê Ngọc Trà trên Văn nghệ (s.51+52/1987, ra ngày 19/12) kéo theo những ý kiến xung quanh nó; 2/ Viện Văn học tổ chức tọa đàm Văn học và Hiện thực, tháng 7/1988, cũng có xuất phát từ bài viết Về vấn đề văn học phản ánh hiện thực của Lê Ngọc Trà trên Văn nghệ trước đó (s.20/1988, ra ngày 14/5), về sau còn được tiếp nối bằng cả sách chuyên đề về vấn đề này: Văn học và hiện thực (Phong Lê chủ biên, Nxb. Khoa học xã hội, H., 1990 [cùng với một công trình hợp thành bộ đôi rất đáng kể khác: Các vấn đề của khoa học văn học, Trương Đăng Dung, Nguyễn Cương chủ biên, Nxb. Khoa học xã hội, H., 1990]); 3/ Viện Văn học và khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tổ chức hội thảo Những vấn đề thời sự của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, ngày 25/8/1989. Sau đấy, là cuộc tranh luận kéo dài khi Lý luận và văn học (Nxb. Trẻ, Tp.HCM., 1990), tập tiểu luận có tập hợp một số tiểu luận viết trong những năm đầu Đổi mới của Lê Ngọc Trà, được Hội Nhà văn trao giải thưởng năm 1990, đặt vấn đề tái nhận thức hầu hết các “nguyên lý lý luận” kể trên.

(4) M.Arnaudov: Tâm lý học sáng tạo văn học, Hoài Lam, Hoài Ly dịch, Nxb. Văn học, H.,
1978; Lev Vygosky: Tâm lý học nghệ thuật, Hoài Lam dịch, Nxb. Khoa học xã hội, H., 1981, (tái bản có sửa chữa và bổ sung 1995; Hoài Lam, Kiên Giang dịch; Phạm Vĩnh Cư, Hoàng Ngọc Hiến hiệu đính).

(5) Chẳng hạn: Nguyễn Văn Hanh với Hồ Xuân Hương: tác phẩm, thân thế và văn tài (Aspar, S., 1936), Trương Tửu với Kinh thi Việt Nam (Hàn Thuyên, H., 1940), Nguyễn Du và Truyện Kiều (Hàn Thuyên, H., 1942), Kiều Thanh Quế với Học thuyết Freud (ký tên Tô Kiều Phương, Tân Việt, S., 1943),…

(6) Có thể kể đến: về dịch thuật, Trí Hải dịch Tâm phân học và tôn giáo (của Fromm; Viện Đại học Vạn Hạnh, S., 1968); Tuệ Sỹ dịch Tâm thức luyến ái(của Fromm; Ca dao xuất bản, S., 1969); Vũ Đình Lưu dịch: Thăm dò tiềm thức (của Jung; Hoàng Đông Phương xuất bản, S., 1967), Nghiên cứu phân tâm học (của Freud; An Tiêm xuất bản, S., 1969), Tìm hiểu nhân tính (của Adler; Hoàng Đông Phương xuất bản, S., 1969); Nguyễn Xuân Hiếu dịch Nhập môn phân tâm học (của Freud; Khai trí xuất bản, S., 1970); Lê Thanh Hoàng Dân dịch Phân tâm học (của J.P. Charrier; Nxb. Trẻ, S., 1972);… về thực hành nghiên cứu, Lê Tuyên thực hành phê bình từ quan điểm của Bachelard từ những năm 60s của thế kỷ trước, sau được tập hợp và tái bản trong: Thể tánh của thi ca (SEACAEF xuất bản, USA., 2000), và Chinh phụ ngâm và tâm thức lãng mạn của kẻ lưu đày (Nxb. Văn nghệ, USA., 2000); Đàm Quang Thiện:Ý niệm Bạc mệnh trong đời Thúy Kiều (Nam Chi tùng thư xuất bản, S., 1965); Thanh Lãng trong phần viết về Nguyễn Du trong Bảng lược đồ văn học Việt Nam, quyển Thượng: nền văn học cổ điển (thế kỷ XIII-1862), Trình bày xuất bản, S., 1967, và một số bài viết khác; Nguyễn Văn Trung: Lược khảo văn học III (Bộ Quốc gia giáo dục xuất bản, S., 1968), tập hợp các bài phê bình từ quan điểm phân tâm học Freud, đã được công bố trước đó trên các tạp chí:Văn, Văn họcNghiên cứu văn học; Vũ Đình Lưu: Hành trình vào phân tâm học (Hoàng Đông Phương xuất bản, S., 1968); Phân tâm học áp dụng vào việc nghiên cứu các ngành học vấn (Tổ hợp Gió xuất bản, S., 1969);…

(7) Vật tổ và Cấm kỵ (Đoàn Văn Chúc dịch; Trung tâm văn hóa dân tộc Tp.HCM. xuất bản, [1998?]; và Lương Văn Kế dịch [với tên: Nguồn gốc của văn hóa và tôn giáo: Vật tổ và Cấm kỵ], Nxb Đại học Quốc gia, H., 2000); Ba tiểu luận về thuyết tính dục (Nguyễn Hạc Đạm Thư dịch; Nxb. Thế giới, H., 2002); Bệnh lý học tinh thần về sinh hoạt đời thường (Trần Khang dịch; Nxb. Văn hoá thông tin, H., 2002); Các bài viết về giấc mơ và giải thích giấc mơ(Ngụy Hữu Tâm, Nguyễn Hữu Khôi, Phan Bá dịch; Nxb. Thế giới, H., 2005); Luận bàn về văn minh (bộ sách kinh điển về phân tâm học) (Trần Khang dịch; Nxb. Văn hóa thông tin, H., 2005); Phân tích một ca ám sợ ở một bé trai 5 tuổi (Chuyện bé Hans) (Lưu Huy Khánh dịch; Nxb. Thế giới, H., 2007);Cảm giác bất ổn với văn hóa (Lê Thị Kim Tuyến dịch, Đỗ Phương Quỳnh hiệu đính; Nxb Thế giới, H., 2009);… Và vượt ra ngoài phạm vi của Freud, các công trình của học trò ông, nhất là các sách hướng dẫn và những thực hành phê bình phân tâm khác cũng được dần chuyển dịch. Có thể nhắc đến: Freud đã thực sự nói gì? (của David Stafford-Clark; Lê Văn Luyện, Huyền Giang dịch, Nxb. Thế giới, 1998); Jung đã thực sự nói gì? (của Edward Amstrong Bennet; Bùi Lưu Phi Khanh dịch, Trung tâm Văn hóa và Ngôn ngữ Đông Tây & Nxb. Văn hóa thông tin, 2002); Freud cuộc đời và sự nghiệp (của Roland Jaccard; Hoàng Thạch dịch, Nxb Thế giới, H., 2006); Bản đồ tâm hồn con người của Jung (của Murray Stein; Bùi Lưu Phi Khanh dịch, Nxb. Tri thức, H., 2011);… Đấy là còn chưa kể đến rất nhiều các tiểu luận nhỏ lẻ khác được chuyển sang Việt ngữ.

(8) Nhiều tác giả: Phân tâm học và văn hóa nghệ thuật, (Đỗ Lai Thúy biên soạn), Nxb. Văn hóa thông tin, H., 2000, tái bản 2004), Nhiều tác giả: Phân tâm học và văn hóa tâm linh, (Đỗ Lai Thúy biên soạn), Nxb. Văn hóa thông tin, H., 2001, tái bản 2004, Nhiều tác giả: Phân tâm học và tình yêu, (Đỗ Lai Thúy biên soạn), Nxb. Văn hóa thông tin, H., 2003, Nhiều tác giả: Phân tâm học và tính cách dân tộc, (Đỗ Lai Thúy biên soạn), Nxb. Tri thức, H., 2007.

(9) Đỗ Lai Thúy: Hồ Xuân Hương, hoài niệm phồn thực, (chuyên luận), Nxb. Văn hóa thông tin, H., 1999 [Nxb. Văn học (tái bản), H., 2009]; Đỗ Lai Thúy: Bút pháp của ham muốn (phê bình phân tâm học), (tập tiểu luận), Nxb. Tri thức, H., 2009.

(10) Xin xem Liễu Trương: Phân tâm học và phê bình văn học, Nxb. Phụ nữ, H., 2011.

(11) Có thể kể đến các chuyên luận của Trần Thái Đỉnh: Triết học hiện sinh (Thời Mới xuất bản, S., 1967), Hiện tượng học là gì? (Hướng Mới xuất bản, S., 1968), loạt bài về Chủ đề hiện tượng học của Husserl (Tập san Tư tưởng, S., 1969),… cùng nhiều nghiên cứu cũng như các công trình dịch thuật khác. Một miêu thuật ngắn nhưng tương đối đầy đủ về hiện tượng học, xin tham khảo: Trịnh Nữ: Hiện tượng học ở Việt Nam (2 kỳ), Văn nghệ trẻ, (s.52/2011, ra ngày 26/12 và s.1/2012, ra ngày 1/1).

(12) Xin xem Trương Đăng Dung: Từ văn bản đến tác phẩm, (tập tiểu luận), Nxb. Khoa học xã hội, H., 1998; Tác phẩm văn học như là quá trình, (chuyên luận), Nxb. Khoa học xã hội, H., 2004, cùng nhiều tiểu luận cùng chủ đề khác; Huỳnh Vân: Vấn đề “tầm đón đợi” và xác định tính nghệ thuật trong mỹ học tiếp nhận của Hans Robert JaussNghiên cứu văn học, số 3 (445), tháng 3/2009; Hans Robert Jauss: lịch sử văn học là lịch sử tiếp nhận,Nghiên cứu văn học, số 3 (457), tháng 3/2010;…

(13) Với vai trò của Phạm Vĩnh Cư, Hoàng Ngọc Hiến, Trần Đình Sử và các cộng sự. Có thể kể đến các bản dịch: M.Bakhtin: Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, (Phạm Vĩnh Cư tuyển chọn, dịch và giới thiệu), Trường Viết văn Nguyễn Du xuất bản, H., 1992 [Nxb. Hội Nhà văn tái bản, 2004]; M.Bakhtin:Những vấn đề thi pháp Đôxtôiepxki, (Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn dịch), Nxb. Giáo dục, H., 1993, tái bản 1997; M.Bakhtin: Sáng tác của Francois Rabelais và nền văn hóa dân gian Trung cổ và Phục hưng, (Từ Thị Loan dịch, Hoàng Ngọc Hiến hiệu đính), Nxb. Khoa học xã hội, H., 2007;…

(14) Có thể kể đến tuyển tập các tiểu luận của các nhà hình thức Nga: Nhiều tác giả: Nghệ thuật như là thủ pháp, (Đỗ Lai Thúy biên soạn), Nxb. Hội Nhà văn, H., 2001; và một cuốn sách dẫn nhập khác: Huỳnh Như Phương: Trường phái hình thức Nga, Nxb. Đại học Sư phạm Tp.HCM., 2007.

(15) Về khía cạnh thi pháp, Đặng Tiến là nhà phê bình đã thụ hưởng nhiều thành quả từ Jakobson để có được Vũ trụ thơ (Giao điểm xuất bản, S., 1972), và những bài phê bình lẻ khác mà tới mãi sau này mới tái xuất: Thơ – thi pháp và chân dung (Nxb. Phụ nữ, H., 2008). Về khía cạnh cấu trúc luận, ngoài Nguyễn Văn Trung và Trần Thiện Đạo sau này được nhắc tới như những người có ý thức giới thiệu và thực hành phê bình theo quan điểm cơ cấu (/cấu trúc) luận, bộ phận tiếp nhận cấu trúc luận ở đô thị miền Nam ít được nhắc tới, trong đó có một đại biểu xuất sắc là Đỗ Long Vân, với các chuyên luận:Nguồn nước ẩn của Hồ Xuân Hương (Trình bầy xuất bản, S., 1966); Vô Kỵ giữa chúng ta hay là hiện tượng Kim Dung (Trình bầy xuất bản, S., 1967). Một tập hợp những nghiên cứu về cấu trúc luận cũng được tập san Tư tưởng tiến hành, với chủ đề: Những vấn đề cơ cấu luận (tháng 11/1969).

(16) Lửa thiêng xuất bản, S., 1971, thậm chí có thể tính đến cả công trình trước đấy của tác giả: Vấn đề thân tộc, Viện Khảo cổ thuộc Tổng bộ Văn hóa Xã hội xuất bản, S., 1966.

(17) Trần Từ [Nguyễn Từ Chi]: Cơ cấu làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ, Nxb. Khoa học xã hội, H., 1984.

(18) Phan Ngọc: Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, Nxb. Khoa học xã hội, H., 1985.

(19) Nguyễn Phan Cảnh: Ngôn ngữ thơ, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, H., 1987.

(20) Đầu tiên là việc tái công bố những giới thiệu về chủ nghĩa hiện sinh và thuyết cấu trúc của Trần Thiện Đạo: Chủ nghĩa hiện sinh và thuyết cấu trúc, Nxb. Văn học, H., 2001 (Bách Việt & Nxb. Tri thức tái bản, H., 2008); sau đó là công trình nghiên cứu, biên soạn và dịch thuật của Trịnh Bá Đĩnh: Chủ nghĩa cấu trúc và văn học, Trung tâm nghiên cứu Quốc học & Nxb. Văn học, 2002 [Hà Thế & Nxb. Hội Nhà văn tái bản có chỉnh lý, H., 2010]. Một công trình dịch thuật đáng lưu ý khác: Iuri Lotman: Cấu trúc văn bản nghệ thuật, (Trần Ngọc Vương, Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Thu Thủy dịch; Trần Ngọc Vương hiệu đính), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004. Còn về thực hành phê bình, cũng có thể tìm thấy trong tập hợp những công trình trước và sau 1975 của Đặng Tiến, được tập hợp trong: Thơ – thi pháp và chân dung, đã nhắc đến ở trên.

(21) Có thể kể ra ở đây hai công trình tiêu biểu của Trần Đình Sử: Thi pháp thơ Tố Hữu, Nxb. Tác phẩm mới, H., 1987; và, Thi pháp Truyện Kiều, Nxb. Giáo dục, H., 2002, một công trình thể nghiệm và một công trình kết tinh những trải nghiệm lý thuyết. Bên cạnh đó, việc Những vấn đề thi pháp học hiện đại (1993), sau đó là Dẫn luận thi pháp học (1999) được chọn làm giáo trình và tài liệu tham khảo chính thức tại nhiều cơ sở đào tạo đại học và sau đại học trên cả nước; việc trực tiếp hướng dẫn ThS. và NCS. của giáo sư cũng như việc áp dụng phổ biến “mô hình thi pháp Trần Đình Sử” trong các khóa luận, luận văn và luận án văn học chứng tỏ mức độ phổ biến và tầm ảnh hưởng của nó.

(22) Xin xem Đỗ Đức Hiểu: Thi pháp hiện đại, Nxb. Hội Nhà văn, H., 2000.

(23) GS Trần Đình Sử là người đứng ra chịu trách nhiệm tổ chức hai hội thảo chuyên đề về tự sự học, sau các tham luận được tập hợp in thành hai cuốn kỷ yếu có uy tín học thuật: Tự sự học: những vấn đề lý luận và lịch sử, Nxb. Đại học Sư phạm Hà Nội, 2006, 2009. PGS. Lê Phong Tuyết chủ nhiệm đề tài Tự sự học ở Việt Nam: những vấn đề lý luận và ứng dụng, thuộc chương trình nghiên cứu của Viện Văn học trong hai năm 2009-2010, đã bảo vệ thành công và đang trong công đoạn hoàn thiện bản thảo để in ấn.

(24) Chẳng hạn như nỗ lực chuyển dịch của nhóm Lộc Phương Thủy với: Phê bình văn học Pháp thế kỷ XX (Nxb. Văn học, 1995), Quan niệm văn chương Pháp thế kỷ XX (Nxb. Văn học, 2005); Nguyên Ngọc với Độ không của lối viết (của Roland Barthes; Nxb. Hội Nhà văn, 1997), Văn học là gì? (của Jean Paul Sartre; Nxb. Văn học, 1999), loạt các công trình của Milan Kundera: Tiểu luận (Nghệ thuật tiểu thuyết; Những di chúc bị phản bội), Trung tâm Văn hóa và Ngôn ngữ Đông Tây & Nxb. Văn hóa thông tin, H., 2001; Một cuộc gặp gỡ, Nhã Nam & Nxb. Văn học, 2013), hiệu đính bản dịch của Ngô Bình Lâm: Nhiệt đới buồn (của Claude Lévi-Strauss; Nxb. Tri thức, H., 2010); Vũ Hoàng Địch và Trần Ngọc Vương với Logic học về các thể loại văn học (của Kate Humburger; Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004); Đặng Anh Đào và Lê Hồng Sâm với Thi pháp văn xuôi; Dẫn luận văn chương kỳ ảo (của Tzvetan Todorov; Nxb. Đại học Sư phạm Hà Nội, 2004, 2008), Bản mệnh của lý thuyết: văn chương và cảm nghĩ thông thường (của Antoine Compagnon; Nxb. Đại học Sư phạm Hà Nội, 2006); Phùng Văn Tửu với Những huyền thoại (của Roland Barthes; Nxb. Tri thức, 2008);…

(25) Có thể nhắc đến Erika Frischer-Lichte, Iuri Lotman: Ký hiệu học Nghệ thuật [gồm: Ký hiệu học sân khấu (của Erika Frischer-Lichte; Bùi Khởi Giang dịch); Ký hiệu học và mỹ học điện ảnh (của Iuri Lotman; Bạch Bích dịch)], Viện Nghệ thuật và Lưu trữ Điện ảnh Việt Nam xuất bản, H., 1997; Umberto Eco: Đi tìm sự thật biết cười (Vũ Ngọc Thăng dịch), Trung tâm Văn hóa và Ngôn ngữ Đông Tây & Nxb. Hội Nhà văn, H., 2004;…

(26) Công trình nền tảng của chủ thuyết hậu hiện đại đã được chuyển dịch: Jean Francoise Lyotar: Hoàn cảnh hậu hiện đại, Ngân Xuyên dịch, Nxb. Tri thức, H., 2007. Hậu/Giải cấu trúc với những quan niệm của Michel Foucault, Jacques Derrida, Gilles Deleuze,…; Xã hội học văn học với những quan điểm của Pierre Bourdier, David Riesman; Hậu thực dân với những quan điểm của Edward Said;… được biết tới ít nhiều và tạo được sự hồi ứng tri thức đáng kể. Có thể nhắc đến các công trình của Deleuze: Nietzsche và triết học; Kafka: vì một nền văn học thiểu số (viết chung với Félix Guattari), Nguyễn Thị Từ Huy dịch; Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính, Nxb. Tri thức, H., 2010, 2013; Bourdier: Sự thống trị của nam giới, Lê Hồng Sâm dịch, Nxb. Tri thức, H., 2011; Riesman: Đám đông cô đơn (viết chung với Nathan Glazer và Reul Denney), Nhã Nam & Nxb. Tri thức, H., 2012 (và riêng về lĩnh vực xã hội học này, phải kể đến hai công trình kinh điển nữa: Gaston Bouthoul: Các cấu trúc xã hội học, Đoàn Văn Chúc dịch, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật & Nxb. Văn hóa thông tin, 2011; Émile Durkheim: Các quy tắc của phương pháp xã hội học, Đinh Hồng Phúc dịch, Nxb. Tri thức, 2012). Trong văn hóa học, xu hướng giới thiệu đa dạng các thành tựu và phương pháp nghiên cứu cũng được ý thức bởi Tủ sách Văn hóa học của tạp chí Văn hóa nghệ thuật cùng một số nhà nghiên cứu độc lập khác: Văn hóa nguyên thủy (của E.B. Taylor; Huyền Giang dịch, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật xuất bản, H., 2000); Tuyển tập I.A. Propp, 2 tập, (Nhiều người dịch, Nxb. Văn hóa thông tin, H., 2003, 2005); Cành vàng (của J.Frazer; Ngô Bình Lâm dịch, Nxb. Văn hóa thông tin, H., 2007);Không gian văn hóa nguyên thủy (của R.Lowie; Vũ Xuân Ba, Ngô Bình Lâm dịch, Nxb. Thế giới, H., 2008); Kinh nghiệm thần bí và biểu tượng ở người nguyên thủy (của Lévy Bruhl; Ngô Bình Lâm dịch, Nxb. Thế giới, H., 2008); Khảo về quà tặng (của Marcel Mauss; Ngô Bình Lâm, Phùng Kiên dịch, Nxb. Thế giới, H., 2010 [Luận về biếu tặng, Nguyễn Tùng dịch, Nxb. Tri thức, H., 2011]); Xã hội cổ đại (của L.H.Morgan; Nguyễn Hữu Thấu dịch, Nxb. Giáo dục Việt Nam, 2012);… Trong xu thế liên ngành, tất cả những giới thiệu dù mang tính biệt lập, chuyên sâu vào một ngành cụ thể cũng có thể tạo được sự hồi ứng tới các ngành liên quan khác.

(27) Chẳng hạn, phê bình văn hóa – lịch sử của Hyppolyte Taine đã được Trương Tửu vận dụng, của Gustav Lanson thì còn được vận dụng nhiều hơn do được biết đến trong nhà trường; phê bình tiểu sử cũng đã được biết tới với Trần Thanh Mại, Lê Thanh, có lẽ do được tiếp xúc với các phê bình dạng này, nhất là ở Stéphan Zweig, hơn là chính phương pháp phê bình tiểu sử của Sainte-Beuve, thậm chí hàng loạt các phê bình kiểu “văn và người” “thơ và đời” sau này có lẽ cũng chỉ ảnh hưởng ở tinh thần trọng tiểu sử tác giả. Còn phê bình xã hội học marxist thì khởi thủy là khá đa dạng, với các đại biểu như Hải Triều, Trương Tửu, Đặng Thai Mai, về sau trở thành một lý thuyết độc tôn khi nghiên cứu văn học Việt Nam dập khuôn theo mô hình Nga Xôviết đến tận sau Đổi mới.

(28) Xin xem Tzvetan Todorov: Văn chương lâm nguy, Trần Huyền Sâm, Đan Thanh dịch; Trần Thiện Đạo hiệu đính, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học & Nxb. Văn học, H., 2010.

(29) Để góp phần phổ biến lý thuyết phương Tây hiện đại ở Việt Nam, phải kể đến các dự án được khởi động trên Tạp chí Văn học bằng việc hình thành mục “Tài liệu tham khảo” với chuyên đề ‘Khoa học văn chương những xu hướng và phong trào’, dự kiến giới thiệu hệ thống tư liệu về khoa học về văn chương của phương Tây từ thế kỷ XIX, trong khoảng 2-3 năm, do Đỗ Lai Thúy chủ biên, Đỗ Đức Hiểu cố vấn, với sự cộng tác của nhiều dịch giả, khởi hoạt từ số 7 (271), tháng 7/1994, dẫu sau đó không được duy trì đều đặn. Tiếp sau đó là vai trò của tạp chí Văn học nước ngoài, nhất là ở chặng 10 năm đầu (1996-2006), cũng gắn với vai trò tổ chức của Đỗ Lai Thúy và sự đóng góp độc của nhiều dịch giả khác. Về sau, nhiều bản dịch được công bố trên hai tạp chí này đã được xuất bản thành sách riêng, hoặc được hệ thống hóa trong bộ Phân tâm học và… do Đỗ Lai Thúy biên soạn, nhất là trong Sự đỏng đảnh của phương pháp, Đỗ Lai Thúy biên soạn, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật & Nxb. Văn hóa thông tin, H., 2004; Theo vết chân những người khổng lồ (Tân Guylivơ phiêu lưu ký về các lý thuyết văn hóa), Đỗ Lai Thúy biên soạn, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật & Nxb. Văn hóa thông tin, H., 2006. Một tuyển tập đồ sộ và hệ thống khác cũng được xuất bản với vai trò chủ biên của Lộc Phương Thủy: Lý luận phê bình văn học phương Tây thế kỷ XX, 2 tập, Nxb. Giáo dục, H., 2007.

(30) Antoine Compagnon: Bản mệnh của lý thuyết, Sđd, tr.29-30.

(31) Xin xem Nhiều tác giả: Nghiên cứu văn học Việt Nam: những khả năng và thách thức (tập chuyên khảo nghiên cứu văn học), (Lê Hồng Lý, Trần Hải Yến biên tập), Nxb. Thế giới, H., 2009.

(32) Chẳng hạn, tuyển tập dịch mới xuất bản của Lã Nguyên vẫn được đặt là: Lý luận văn học – những vấn đề hiện đại (Nxb. Đại học Sư phạm, H., 2012), dù giải quy phạm luôn là quan điểm phê bình của ông.

(33) Xin xem Hoàng Ngọc Hiến: “Mâu thuẫn của tác phẩm – một vấn đề trung tâm của lý thuyết tác phẩm văn học”, trong Văn học Học văn, Trường Cao đẳng Sư phạm Tp.HCM. & Trường Viết văn Nguyễn Du xuất bản, 1990; Lại Nguyên Ân: “Xung quanh một cuộc luận chiến về lý thuyết văn học” [Vietnam Courrier, 1992], bản tiếng Việt tại: http://lainguyenan.free.fr/SVVHCT/XungQuanhMot.html. Trong khi, cùng thời điểm với bài viết của Lại Nguyên Ân, trong một công trình tổng thuật lý thuyết phương Tây khác, Hoàng Ngọc Hiến vẫn dùng “lý luận” trong Lời giới thiệu, còn dùng “lý thuyết” trong phần trích dịch (Sylvan Barnet, Morton Berman, William Burto: Nhập môn văn học, Hoàng Ngọc Hiến [trích] dịch và giới thiệu, Trường Viết văn Nguyễn Du xuất bản, 1992). Ở đây, nghiên cứu xã hội học về cách thức các tác giả khác nhau lựa chọn sử dụng “lý thuyết” hay “lý luận” từ lý thuyết “trường” của Bourdier, là thú vị và đem lại nhiều ý nghĩa, tiếc rằng ở đây bài viết chưa có điều kiện triển khai. Xin cảm ơn TS. Phùng Ngọc Kiên về gợi ý này.

(34) Cuộc thảo luận do Hội đồng Anh tổ chức, tại Hà Nội, ngày 22/6/2007.

(35) Cao Việt Dũng: “Phê bình và điểm sách”, Văn nghệ trẻ, (s.36+37/2011, ra ngày 2/9).

(36) Đến thời điểm này, bộ sách đã ra được ba cuốn: Sự biến đổi của tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam hiện nay (tập chuyên khảo nghiên cứu văn hóa), (Lê Hồng Lý, Nguyễn Thị Phương Châm biên tập), Nxb. Thế giới, 2008; Nghiên cứu văn học Việt Nam: những khả năng và thách thức (tập chuyên khảo nghiên cứu văn học), Sđd; Di sản lịch sử và cách tiếp cận mới (tập chuyên khảo về Khảo cổ học và Nghiên cứu lịch sử), (Lê Hồng Lý, Lê Thị Liên, Nguyễn Thị Phương Châm biên tập), Nxb. Thế giới, H., 2011.

Nguồn: Nghiên cứu văn học, số 6/2014

Share Button