- Kết luận và kiến nghị
Nằm trong tổng thể không gian cụm di tích lịch sử văn hóa Thành cổ, chùa Diên Khánh, đền Kỳ Cùng[7] có giá trị văn hóa, lịch sử đặc biệt. Lễ hội Kỳ Cùng mang đầy đủ những chức năng và đặc trưng cơ bản của một lễ hội truyền thống, trong đó phải kể đến tính cộng đồng và chức năng cố kết cộng đồng của nó. Sự xuất hiện các trò diễn, loại hình dân ca của đồng bào Tày, Nùng trong lễ hội Kỳ Cùng không chỉ phản ánh quy mô không ngừng mở rộng của nó mà còn cho thấy sự dung hợp văn hóa tộc người trong lễ hội. Ở khía cạnh này, chức năng giải trí, giao lưu văn hóa đã được đề cao, qua đó thắt chặt thêm mối quan hệ giao hảo, tình đoàn kết của các dân tộc chung sống trên địa bàn xứ Lạng.
Qua đối tượng thờ cúng, lễ thức và các trò diễn trong phần hội đã phản ánh mối quan hệ giữa truyền thuyết và lễ hội. Có thể nói rằng, truyền thuyết Ông Dài, Ông Cộc và di tích đền Kỳ Cùng là minh chứng cho một tục thờ vào loại phổ biến và lâu đời nhất của người Việt: Tục thờ rắn – thủy thần[8]. Nếu lễ hội là nơi diễn xướng của truyền thuyết thì truyền thuyết lại được ví như bộ khung nhằm cố định hóa các trò diễn và lễ thức của lễ hội. Cùng với việc thâm nhập các yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo khác vào trong điện thờ, các trò diễn và quy mô của lễ hội cũng ngày được mở rộng. Một số lễ thức, trò diễn theo thời gian đã mất đi và xuất hiện những yếu tố mới: dấu vết của tục thờ thủy thần đã phai nhạt, chỉ được gợi nhớ qua các hoạt động múa rồng. Hoạt động hầu đồng[9] rất thu hút được người dân tại đền Kỳ Cùng vừa phản ánh sự thâm nhập của tín ngưỡng thờ Mẫu vào trong thần điện đồng thời chứng tỏ sự phát triển mạnh mẽ của loại hình tín ngưỡng này trong những năm gần đây.
Những giá trị và ý nghĩa to lớn của lễ hội Kỳ Cùng đối với đời sống văn hóa của nhân dân Lạng Sơn là điều không cần phải bàn thêm, song để gìn giữ và trao truyền các giá trị truyền thống này cho thế hệ sau một cách bài bản, khoa học; và để lễ hội Kỳ Cùng thực sự trở thành niềm tự hào của người dân Xứ Lạng, thiết nghĩ rất cần sự chung tay của nhiều người, nhiều ban ngành khác nhau. Chúng tôi xin kiến nghị thêm một số ý kiến như sau:
– Ban tổ chức cần phát huy hơn nữa các hoạt động tham gia lễ hội của tầng lớp học sinh, đặc biệt là học sinh Tiểu học và THCS. Nên chăng, Phòng, Sở Giáo dục cần đưa các hoạt động này trở thành những hoạt động ngoại khóa (Văn học, lịch sử) đối với các trường trong địa bàn, qua đó nâng cao tính giáo dục lòng yêu nước, biết ơn các vị anh hùng có công với nước, với dân cho học sinh.
– Nên nên khôi phục lại hình thức hát giao duyên (Sli, Lượn) của thanh niên nam nữ dân tộc Tày – Nùng trong trang phục truyền thống rất đẹp đi theo từng tốp từ năm đến chục người như trước đây; Cố định hóa một số lễ thức, sao cho tạo được dấu ấn tiếp nối của các lớp văn hóa: từ tục thờ thủy thần, thờ người anh hùng đến những tín ngưỡng và tôn giáo được du nhập về sau; Chính thức hóa hoạt động hầu đồng để dễ quản lý (hoạt động này đã được công khai ở nhiều lễ hội, đền thờ Mẫu); tạo điều kiện cho nhiều du khách (ngoài địa phương) tham gia vào lễ rước.
– Cần chấm dứt hiện tượng để tiền lẻ trên các mâu cỗ và đặc biệt là hành động người dân hai bên đường ném tiền vào các kiệu trong đám rước; cần tuyên truyền, giáo dục để hạn chế tối đa những hành vi uống rượu của một bộ phận thanh niên địa phương. Hàng vi này không phổ biến nhưng rất dễ mất kiểm soát và dẫn đến các hậu quả lớn; cần quản lý tốt hơn việc buôn bán nhỏ lẻ, tự phát của các dịch vụ ăn uống, sinh hoạt trong lễ hội.
– Các ngành chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn để hạn chế đến mức tối đa hoạt động tội phạm như móc túi, trộm cắp; hiện tượng “chặt chém” giá cả các loại dịch vụ, để nhiều du khách và người dân yên tâm hơn khi tham gia lễ hội. Và một điều nữa rất cần được Ban tổ chức khắc phục, ngăn chặn ngay trong trong lễ hội năm tới là “hiện tượng” một số gia đình (giàu có) thuê những thanh niên trẻ, khỏe đi cướp Đầu pháo gây mất trật tự, mất đoàn kết và đặc biệt là làm mất đi nét đẹp văn hóa của tục này.
[1] Trong Lạng Sơn Đoàn thành đồ của Nguyễn Nghiễm (cuối thế kỉ XVIII) cũng ghi chép dưới dạng thống kê di tích chứ không nói rõ lai lịch của di tích này. Trong Hoàng Hoa phả đồ của Ngô Thì Nhậm cũng có đánh dấu di tích này. Trong bức đại tự Long Cung hiển thánh dưới triều Lê Cảnh Hưng 44 (1783) cũng không xác định rõ ràng niên đại lần xây dựng đầu tiên của di tích. Trong Đại Nam thống nhất chí của Quốc sử quán triều Nguyễn chỉ ghi: “đền Kỳ Cùng ở bên tả sông Kỳ Cùng thuộc xã Vĩnh Trại, châu Thoát Lãng có con giao long thành thần đào hang ở đấy”, chứ không xác định rõ thời gian đền này có từ lúc nào.
[2] Khảo sát Thư mục Thần tích Thần sắc của Viện TTKHXH 1996, chúng tôi thống kê được có tất cả 290 thôn, làng của 9 tỉnh (Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Thái Bình, Phúc Yên, Hưng Yên, Sơn Tây, Vĩnh Yên, Hải Dương) thờ Trương Hống Trương Hát. Theo tài liệu của Ban quản lý di tích lịch sử – văn hóa Đền Xà do Ngô Tiến Vỹ biên soạn, cùng với Đền Xà, đền Vân Mẫu, đền Phượng Nhỡn là Trưởng Từ Nguyên Tai, đồng phụng sự có 319 làng. Trong cuốn Trương tôn thần sự tích, Nguyễn Quang Khải đã thống kê và cho biết, vùng Bắc Ninh, Bắc Giang, ngoại thành Hà Nội có đến 308 làng thờ thánh Tam Giang.
[3] Về truyện Ông Dài, Ông Cộc và truyền thuyết Quan lớn Tuần Tranh hiện nay lưu truyền nhiều dị bản ở nhiều địa phương khác nhau, song tiêu biểu là ở Bắc Giang và Lạng Sơn. Tình tiết này chúng tôi căn cứu vào thần tích tại đền Kỳ Cùng.
[4] Đầu pháo được làm bằng vải, có gắn kim loại ở trên đầu. Sau lễ cúng thần, đầu pháo được đem ra đốt. Khi pháo nổ, vòng kim loại bay lên không trung rơi xuống, mọi người cùng tranh nhau cướp đầu pháo với niềm tin có được nhiều may mắn, tạo nên một không khí vui nhộn trong lễ hội.
[5] Theo điều tra dân số vào 01/04/2009, dân số Lạng Sơn khoảng 831.887 người; với thành phần là 7 dân tộc anh em, trong đó người dân tộc Nùng chiếm 42,97%, Tày chiếm 35,92%, Kinh 16,5%, còn lại là các dân tộc Dao, Hoa, Sán Chay, H’Mông… [nguồn: http://vi.wikipedia.org].
[6] Chữ dùng của tác giả Ngô Đức Thịnh.
[7] Cụm di tích này được xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa Quốc gia năm 1993.
[8] Cũng xin nói thêm rằng, rắn không phải là đối tượng duy nhất của tục thờ thủy thần. Người Việt thờ rắn ở hai phương diện chính: Thủy thần và vật tổ. Xem thêm [4]
[9] Rất khó để xác định hoạt động này thuộc về phần lễ hay phần hội, song sự thu hút của nó là rất lớn, đôi khi át cả những hoạt động khác của Ban tổ chức đề ra cùng thời điểm.
Tài liệu tham khảo
- Trần Thị An (2004), “Mối quan hệ tương hỗ giữa truyền thuyết dân gian, tục thờ cúng và thần tích: Nghiên cứu qua trường hợp Trương Hống, Trương Hát”, Thông báo Văn hóa dân gian, Viện Nghiên cứu Văn hóa, H.
- Nguyễn Đổng Chi (2000), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Nxb Giáo dục, H.
- Nguyễn Từ Chi (1996), Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người, Nxb. Văn hóa Thông tin – Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, H, trang 540.
- Trần Minh Hường (2010), “Hình tượng Rắn qua tục thờ và huyền thoại”, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 311 tháng 5 – số 312 tháng 6.
- Trần Minh Hường (2011), Hình tượng Rắn trong truyện cổ dân gian Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Học viện Khoa học Xã hội.
- Trần Xuân Sinh (2003), Thuyết Trần, Nxb Hải Phòng.
- Ngô Đức Thịnh (2007), Về tín ngưỡng và lễ hội cổ truyền, Viện Văn hóa, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.
- Tạ Chí Đại Trường (2006), Thần người và đất Việt, Nxb Văn hóa Thông tin, H.