Tự sự của trinh tiết: Nhân vật liệt nữ trong văn học Việt Nam Trung đại thế kỷ X – XIX

Share Button

Tự sự của trinh tiết: Nhân vật liệt nữ trong văn học Việt Nam Trung đại thế kỷ X – XIX

Ban biên tập website Nhà trường giới thiệu cuốn sách chuyên khảo “Tự sự của trinh tiết: Nhân vật liệt nữ trong văn học Việt Nam Trung đại thế kỉ X – XIX” của tác giả Phạm Văn Hưng, giảng viên bộ môn Văn học Việt Nam Trung đại, khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN.

 

%image_alt% 

Nho giáo là một học thuyết đạo đức – chính trị mang màu sắc tôn giáo, hướng tới xây dựng những mẫu hình nhân cách cho nam giới và nữ giới để phục vụ mục đích giáo hóa.

Nhìn từ truyền thống triết học thực hành đạo đức dung hợp tôn giáo – chính trị – luân lý của Nho giáo,  kiểu nhân cách liệt nữ là một mô hình nhân cách quan trọng trong quan niệm của nhà nho, có ảnh hưởng lớn trong lịch sử khu vực Đông Á thời trung đại, trong đó có Việt Nam (do có những tương đồng mang tính lịch sử về văn hóa, văn tự – đồng văn).

Kiểu nhân cách này không chỉ là một minh chứng cho sự ảnh hưởng của văn hóa, văn học Trung Quốc ở khu vực Đông Á mà còn có ảnh hưởng to lớn và lâu dài lên những vấn đề của xã hội Việt Nam hiện đại.

Trong lịch sử văn học Việt Nam Trung đại, kiểu nhân vật liệt nữ có tiến trình vận động song hành với vận mệnh của văn học nhà nho, thậm chí kéo dài thành vệt sang những năm đầu thế kỷ XX, ám ảnh cả trong văn học Việt Nam hiện đại những năm 1932-1945 khi công cuộc hiện đại hóa văn học đã diễn ra ồ ạt và mạnh mẽ. Ngay trong giai đoạn văn học khẳng định con người ở Việt Nam thế kỉ XVIII – nửa trước thế kỉ XIX, nhân vật liệt nữ (loại hình nhân cách tuân thủ những tín điều khắt khe nhất của đạo đức Nho giáo) lại xuất hiện nhiều hơn bao giờ hết.

Việc nghiên cứu trường hợp nhân vật liệt nữ giúp ta hiểu thêm về tiến trình văn học Việt Nam Trung đại và sự vận động của văn học Việt Nam hiện đại trong những ngày đầu tìm cách thoát khỏi ảnh hưởng của truyền thống văn học nhà nho, cũng như giúp người nghiên cứu có thêm tiêu chí đánh giá quá trình Nho giáo hóa bản thân đời sống văn học, cảm quan nhân đạo của các nhà văn, quá  trình nhân đạo hóa – dân chủ hóa nền văn học Việt Nam.

%image_alt% 

Cuốn sách gồm bốn chương:

Chương 1, Một số vấn đề về phụ nữ dưới ảnh hưởng của đạo đức nho giáo trong lịch sử Trung Quốc và Việt Nam.

Chương 2, Nhân vật liệt nữ trong văn học Việt Nam trung đại thế kỷ X – XV

Chương 3, Nhân vật liệt nữ trong văn học Việt Nam trung đại thế kỷ XVI – XVIII

Chương 4, Nhân vật liệt nữ trong văn học Việt Nam trung đại thế kỷ XIX

Sách do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản và phát hành quý IV năm 2016.

Tác giả: Hoài An

Theo http://www.ussh.vnu.edu.vn/

Share Button