Nguyễn Thành Nhân: Làm bảo vệ, dịch sách và viết văn
1. NXB Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành tập tản văn Vũ điệu buồn của chữ hơn 200 trang của Nguyễn Thành Nhân. Cuốn sách không dày không mỏng này được tác giả viết trong hơn 10 năm.
Ai cũng băn khoăn: nếu người sống bằng nghề văn chuyên nghiệp, viết với tốc độ như thế lấy gì mà sống? Nhưng nếu biết tính Nhân, câu hỏi ấy có thể sẽ được bỏ qua.
Cũng cần kể lại một câu chuyện nhỏ: Năm 2015, NXB Trẻ tái bản tiểu thuyết Mùa xa nhà nhưng cần “biên tập” một vài từ trước khi in so với bản in năm 2004.
Giám đốc NXB Trẻ Nguyễn Minh Nhựt đã gọi điện trực tiếp cho tác giả, thuyết phục để thêm bớt vài chữ cần thiết. Vốn “kỹ tính” với câu chữ, nhưng vì tấm tình của nơi xuất bản, Nguyễn Thành Nhân đã đồng ý. Sự đồng ý của anh là cả một quá trình dài, xin được kể tiếp ở phần sau của bài.
Với giới dịch thuật, Nguyễn Thành Nhân không phải là bút danh xa lạ, khi anh có hơn 10 đầu sách dịch đã ấn hành. Trong đó, anh dịch khá nhiều sách của tiểu thuyết gia kiêm nhà phê bình văn học người Anh Virginia Woolf.
Chính nhà văn Virginia Woolf từng tâm sự: “Một người phụ nữ phải có tiền và một căn phòng riêng nếu muốn viết văn. Và điều đó, như bạn sẽ thấy, khiến cho vấn đề lớn lao về bản chất đích thực của phụ nữ và bản chất đích thực của văn chương còn bỏ ngỏ chưa giải quyết”. Những điều căn bản mà Virginia Woolf nêu ra cũng là vấn đề mà Nguyễn Thành Nhân tìm cách lý giải cho số phận của anh sau một cuộc chiến tranh.
Nhà văn Nguyễn Thành Nhân sinh năm 1964 tại Sài Gòn, tháng 3.1984 anh nhập ngũ làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia. Năm 1987, anh xuất ngũ về làm bảo vệ tại sân vận động Thống Nhất. Tiếp đó, anh đi học ĐH Luật và tốt nghiệp năm 1994. Năm 2005, khi đang làm ở Văn phòng Liên đoàn Bóng đá TP.HCM, anh nghỉ việc để chuyên lo dịch và viết.
Dù đi lính hay đi làm bảo vệ sau này, Nguyễn Thành Nhân luôn tìm kiếm để hiểu được “về bản chất đích thực của phụ nữ và bản chất đích thực của văn chương”. Bởi văn chương cũng phức tạp như phụ nữ nếu muốn hiểu đến tận cùng. Nguyễn Thành Nhân đến lúc này đang và sẽ sống đến tận cùng với văn chương, dù anh biết văn chương luôn phức tạp như… phụ nữ.
2. Trở lại câu chuyện Mùa xa nhà, cuốn sách viết về những người con đất Việt trên chiến trường Campuchia. Nhà văn Nguyễn Đông Thức, cho biết khi cuốn sách này in năm 2004: “Cầm bút viết về cuộc sống của lính tráng như là một thôi thúc tự bên trong của Nhân. Mùa xa nhà được âm thầm viết trong hai năm, hoàn thành năm 1999, và nhân cuộc thi Văn học tuổi 20 lúc ấy vừa phát động, Nhân đã gửi tham dự. Được cả hai ban sơ khảo và chung khảo đánh giá rất cao, hoàn toàn có thể được giải cao nếu tác giả chịu chỉnh sửa đôi chút cho… bớt căng, nhưng lúc đó Nhân vẫn cương quyết giữ nguyên bản thảo”.
Cuộc thi Văn học tuổi 20 mà nhà văn Nguyễn Đông Thức nói đến diễn ra vào năm 2000, năm mà “phát hiện” ra Nguyễn Ngọc Tư đoạt giải Nhất với tập truyện ngắn Ngọn đèn không tắt. Nếu năm đó, trong cuộc thi đó, Nguyễn Thành Nhân “chịu chỉnh sửa đôi chút cho… bớt căng” thì có lẽ, Mùa xa nhà không có số phận “ẩn mình” dù giới viết lách từng đánh giá “đây là một Nỗi buồn chiến tranh khác”.
Mỗi cuốn sách đều có số phận như mỗi con người, phải chăng là đây?
Như Nguyễn Thành Nhân tự bạch trong Nỗi buồn của chữ: “Muốn làm thơ ngây thơ hồn hậu như hồi mới lớn, mới biết yêu, cứ nghĩ thế nào thì tuôn ra thế ấy cũng không thể nào được nữa. Thơ chẳng còn bao dung dễ dãi với tôi. Làm thơ không tiến bộ nổi, tôi chuyển sang viết… văn xuôi. Nhưng những gì tôi viết chẳng làm tôi hài lòng”.
Nếu văn xuôi hiện tại chưa làm hài lòng Nguyễn Thành Nhân, thì thơ như thời anh đi lính ở chiến trường: xa lạ nhưng mãi luôn ám ảnh anh về tuổi hai mươi sáng trong. Để mãi đến tận bây giờ, hàng năm, anh đều tìm cách trở về thăm chiến trường xưa, như tiểu thuyết Mùa xa nhà anh đề từ “Kính tặng những đồng đội Trung đoàn BB4, Sư đoàn 5, mặt trận 479 của tôi”.
Theo Hoàng Nhân/ TTVH