Motif trong nghiên cứu truyện kể dân gian: Lý thuyết và ứng dung
Nhiều vấn đề về nguồn gốc, bản chất, đặc điểm thi pháp của thể loại này cũng được giới nghiên cứu folklore đặt ra và cùng tìm câu trả lời. Mục đích chung của các nhà nghiên cứu là nhằm tìm ra được phương pháp tiếp cận đúng đắn và phù hợp nhất với thể loại truyện kể dân gian tiêu biểu và hấp dẫn trong văn học dân gian thế giới này. Bản chất, cấu trúc, cội nguồn lịch sử và tiến trình phát triển của các thể loại truyện kể cũng ngày càng được quan tâm nghiên cứu kỹ lưỡng và thấu đáo hơn. Bằng nhiều phương pháp khác nhau, những người có tâm huyết với việc nghiên cứu văn học dân gian đã cố gắng tìm kiếm kết cấu đích thực bên trong cũng như quá trình phát triển một cách logic nhất trong tư duy nghệ thuật của loài người từ thời cổ đại đến nay.
Việc tìm kiếm phương pháp cho công tác nghiên cứu folklore nói chung và truyện kể dân gian nói riêng đã làm nảy sinh ra nhiều trường phái folklore học khác nhau trên thế giới, như trường phái thần thoại học, trường phái Ấn Độ, trường phái nghi lễ huyền thoại, trường phái Phần Lan, trường phái nhân chủng học, trường phái thi pháp học, trường phái dân tộc học, trường phái phân tâm học… Tuy giữa các trường phái này có những quan niệm học thuật khác nhau, phương pháp nghiên cứu khác nhau và thậm chí đôi khi có những ý kiến cực đoan, những khẳng định thiếu tính thuyết phục và không mấy khoa học cùng với những niềm tin sai lầm về mặt quan điểm nhưng chính sự cố công truy tìm nguồn gốc, bản chất của các thể loại truyện kể dân gian trên thế giới của các trường phái đã khiến cho việc nghiên cứu truyện kể dân gian vượt khỏi phạm vi quốc gia và trở thành một vấn đề mang tầm vóc quốc tế.
Quá trình tìm kiếm nguồn gốc truyện kể dân gian không còn chỉ bó hẹp trong phạm vi của mỗi quốc gia mà đã xuất hiện rất nhiều những giả thuyết về cội nguồn chung, cội nguồn quốc tế của thể loại truyện kể dân gian. Điều này đã chứng minh được rằng, ngay từ thời cổ đại, việc giao lưu và truyền bá văn hóa qua lại lẫn nhau bằng cách này hay cách khác giữa các dân tộc với nhau và sự ảnh hưởng to lớn tích cực của những cái nôi văn hóa vĩ đại như Ai Cập, Hy Lạp, Ấn Độ… trải rộng trên khắp các quốc gia là điều có thực. Từ đó, các tác phẩm truyện kể này bắt đầu được xem như là những di sản tinh thần chung, những luồng tư tưởng văn hóa và là trí tuệ chung của toàn bộ loài người. Tuy nhiên, khi đã tìm kiếm được những quy luật phát triển chung và cội nguồn chung của thể loại truyện kể dân gian, các chuyên gia cũng không dừng lại ở đó. Họ không dựa vào quan niệm đó để chi phối toàn bộ công việc nghiên cứu truyện kể dân gian của mình mà tiếp tục tìm tòi, phân tích để tìm kiếm bản sắc độc đáo, những đặc điểm “dân tộc tính” của các quốc gia thể hiện trong những câu chuyện mà họ tiếp nhận, lưu trữ và thay đổi để biến nó thành tài sản riêng của dân tộc mình, mang bản sắc của đất nước mình.
Trong khi tìm kiếm nguồn gốc, bản chất của các thể loại truyện kể dân gian, các trường phái nêu trên khi tiến hành những khảo sát cụ thể theo các phương pháp nghiên cứu phù hợp với các tiền đề lý thuyết của mình, họ thường gặp nhau ở yêu cầu xác định đơn vị nghiên cứu cho các thể loại truyện kể dân gian. Và hai đơn vị nghiên cứu được sử dụng phổ biến nhất là motif và type. Dù cho đến nay vẫn chưa thể khẳng định được type và motif là hai đơn vị nghiên cứu ưu việt nhất được sử dụng trong quá trình phân tích truyện kể dân gian, và đôi khi sự phân loại có tính chi li về mặt motif phần nhiều mang tính hình thức khiến cho truyện kể bị cắt rời thành nhiều mảnh vụn, nhưng dẫu sao đó cũng là một hướng nghiên cứu tích cực nhất hiện nay. Hướng nghiên cứu này có khả năng giúp cho những nhận định về nguồn gốc nảy sinh của truyện kể dân gian ở khắp các quốc gia không còn mang tính tùy tiện và võ đoán nữa. Đồng thời còn có thể đặt niềm tin vào phương pháp nghiên cứu này để giúp tìm ra được kết cấu thống nhất bên trong của những câu chuyện cổ, cái quy luật phát triển chung nhất trong tư duy hay tâm lý loài người và một quy trình phát triển có tính logic của nền văn hóa nghệ thuật dân gian của nhân loại.
Motif là một trong những thuật ngữ văn học dân gian được sử dụng nhiều nhất hiện nay trong các công trình nghiên cứu về thể loại tự sự dân gian. Những năm gần đây, nhu cầu nghiên cứu truyện kể dân gian theo hướng phân tích kết cấu và nội dung của motif cũng như mối quan hệ giữa motif và cốt truyện ngày càng gia tăng mạnh mẽ – đây thực ra là một công việc liên tục của truyền thống nghiên cứu văn học dân gian bao giờ cũng liên quan mật thiết đến đề tài. Người ta phân tích motif để tìm kiếm tầng nghĩa sâu xa được dấu kín trong đó, những biểu tượng văn hóa, dân tộc của mỗi quốc gia. Phân tích motif để tìm ra sự liên kết giữa các văn bản truyện kể dân gian trên toàn thế giới. Tuy nhiên, có một trở ngại mà ai cũng thấy đó là khó có thể tìm ra một cách tiếp cận duy nhất đúng và thích hợp cho việc khẳng định thành tố nào của truyện kể là motif và không phải là motif, cũng như dung lượng chính xác của mỗi motif vì có khi một motif của truyện kể này có thể chứa đựng cả một nhóm những motif nhỏ hơn thuộc một truyện kể khác. Chính vì những trở ngại này mà vấn đề tổng hợp các quan niệm lý thuyết về motif và các phương pháp nghiên cứu truyện kể dân gian theo motif đã từng xuất hiện trong khoa nghiên cứu fokllore trên thế giới, là một vấn đề cho đến nay vẫn còn có tính thời sự.
Sách do NXB ĐHQG Hà Nội ấn hành tháng 1/2016.
nguon -http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/gioi-thieu-sach-bao/5740-motif-trong-nghien-cu-truyn-k-dan-gian-ly-thuyt-va-ng-dng.html