Lịch sử văn học là lịch sử tiếp nhận hay rõ hơn, trực tiếp hơn có thể nói theo cách của Haral Weinrich mà Jauss rất tán thành: “Lịch sử văn học của người đọc”(1). Đó là mục đích của những cố gắng lý luận của Jauss được đề ra trong công trình Lịch sử văn học như là sự thách thức khoa học văn học của ông mà chúng tôi trong một bài viết trước đây đã bắt đầu lưu ý đến(2). “Lịch sử văn học của người đọc” là phương thức để Jauss “đổi mới lịch sử văn học” (171)(3) nhằm đối đầu với những thách thức đang hiện diện của khoa học văn học, đối đầu với các lối viết “lịch sử văn học của tác giả”. Những luận điểm đầu của ông với nội dung xác lập những cơ sở chung cho việc xây dựng một mỹ học tiếp nhận hướng vào lịch sử văn học, hay một lịch sử văn học căn cứ trên mỹ học tiếp nhận đã được chúng tôi đề cập trong bài viết vừa được nhắc đến. Trong bài này, chúng tôi tiếp tục trình bày những luận điểm tiếp theo của Jauss, trong đó ông đề xuất những vấn đề, những phương thức cụ thể hơn cho lịch sử văn học “đổi mới” của ông.
Đối với việc hình thành một lịch sử văn học như vậy thì các vấn đề tầm đón đợi và quan hệ đối thoại, như chúng tôi đã có dịp nói đến, luôn có một vai trò quan trọng trong mối quan hệ giữa văn học và người đọc. Tầm đón đợi theo quan niệm của Jauss là yếu tố trung giới không thể thiếu trong việc xác định cả hai giá trị thẩm mỹ và lịch sử của tác phẩm văn học. Vì thế khi nghiên cứu lịch sử văn học theo mỹ học tiếp nhận nhà văn học sử nhất thiết phải tái lập lại tầm đón đợi của tác phẩm quá khứ vào thời điểm lịch sử nó xuất hiện. Jauss cho rằng “việc tái lập tầm đón đợi mà trước cái tầm đó một tác phẩm trong quá khứ được tạo ra và được tiếp nhận mặt khác còn tạo điều kiện nêu lên những câu hỏi mà văn bản đã trả lời và như vậy rút ra kết luận là người đọc trước đây đã có thể xem xét và hiểu tác phẩm như thế nào. Sự tiếp cận này sửa chữa những qui chuẩn phần nhiều không được nhận biết của sự lĩnh hội nghệ thuật mang tính cổ điển hay hiện đại hóa và tránh được sự quy hồi vòng vo vào tinh thần chung của thời đại. Nó làm cho nhận thấy rõ sự khác biệt giải thích học giữa sự hiểu trước đây và sự hiểu ngày nay về một tác phẩm và (…) làm cho ý thức được lịch sử tiếp nhận nó” (183).
Đoạn trích trên đây từ chương IX công trình Lịch sử văn học như là sự thách thức khoa học văn học (dưới đây sẽ được tiếp tục gọi tắt là Lịch sử văn học) cho thấy tầm quan trọng của việc tái lập tầm đón đợi của tác phẩm đối với phương pháp lịch sử văn học theo mỹ học tiếp nhận của Jauss. Vấn đề được nhấn mạnh ở đây là bằng cách dựng lại tầm đón đợi ban đầu của tác phẩm sẽ giúp ta nhận ra lịch sử tiếp nhận của tác phẩm qua sự khác biệt trong các cách hiểu, các cách giải thích tác phẩm, nói gọn lại lịch sử tiếp nhận là lịch sử hiểu, lịch sử giải thích tác phẩm. Và đó là một phương diện trong quan niệm về lịch sử tiếp nhận của Jauss. Cách xem xét này theo Jauss sẽ cho phép làm phát lộ ra sự sai lầm của các quan niệm trước đây – chủ yếu là quan niệm của chủ nghĩa thực thể – vốn cho rằng nghĩa của văn bản tồn tại vô thời hạn và nhà nghiên cứu có thể tiếp cận trực tiếp bất cứ lúc nào cái nghĩa được biểu đạt một cách khách quan, một lần cho mãi mãi ấy. Có thể nói rằng quan niệm siêu hình này bị Jauss phản bác lại một cách đúng đắn, và trong thực tế người ta có thể nhận thấy là quá trình hiểu và giải thích ở không ít tác phẩm thường không thống nhất với nhau – chẳng hạn như trường hợp Truyện Kiều, thơ Hồ Xuân Hương hay thơ, văn của không ít nhà văn nhà thơ khác… trong văn học Việt Nam. Điều ấy rõ ràng là do nhiều nguyên nhân, bao gồm cả nguyên nhân bên trong lẫn nguyên nhân bên ngoài văn bản. Sự lần trở lại cách hiểu trước đây về một tác phẩm theo Jauss cũng sẽ giúp sửa chữa những qui chuẩn của sự nhận hiểu nghệ thuật mang tính cổ điển hay hiện đại hóa. Chẳng hạn như đem những tiêu chí của văn chương lãng mạn để hiểu văn chương thời trung cổ mà không nhận thấy cái “ý đồ ban đầu” của tác phẩm trung cổ như trường hợp Reinecke Fuchs hay đem các tiêu chí của văn học cổ điển để đánh giá nền văn học phi cổ điển như sử thi Pháp thời Bédier. Phương pháp lịch sử tiếp nhận này còn được Jauss xem là cần thiết để biết được một tác phẩm khuyết danh thuộc quá khứ xa xưa với nhiều điều chưa được biết như ý đồ của tác giả, các mẫu mực mà tác giả noi theo… “thực ra”, tức “từ ý đồ và thời đại của nó” cần được hiểu như thế nào? Và ông đã chỉ ra cách thức ấy qua thí dụ về trường hợp Roman de Renart (184).
Về cơ bản có thể nhận thấy “sự thống nhất giữa việc xây dựng cơ sở mỹ học tiếp nhận cho một lịch sử văn học” do Jauss thí nghiệm “với nguyên tắc lịch sử tác động của Hans Georg Gadamer”. Điều này đã được Jauss nhìn nhận (186). Nguyên tắc lịch sử tác động được Gadamer trình bày trong tác phẩm Chân lý và phương pháp của ông. Trong đó, Gadamer tìm cách chỉ ra cái hiện thực lịch sử ngay trong chính sự hiểu. Như vậy sự hiểu tác phẩm được đồng nhất với hiện thực lịch sử của tác phẩm và mặt khác sự hiểu văn bản được trung giới bởi lịch sử tác động của nó. Sự đồng nhất này cũng có thể nhận thấy đây đó ở Jauss và sự chuyển hướng đó của giải thích học trong công trình trên của Gadamer thể hiện sự cố gắng của ông để xây dựng một “giải thích học mới”: “giải thích học triết học”. Đây là một trong hai khuynh hướng tồn tại bên cạnh nhau nhưng đối lập nhau trong nguyên tắc lý giải văn bản của khoa giải thích học. Khuynh hướng thứ nhất đặt trọng tâm ở việc nhận thức đối tượng lịch sử, tức “nghĩa văn bản” (der Textsinn). Khuynh hướng thứ hai cho rằng không cần đi tìm đối tượng lịch sử mà nghĩa của văn bản nên được nhận ra ở sự cập nhật hoá nào đó (hiện tại hoá: Aktualisierung) văn bản cho một hiện tại nhất định và như thế mới đưa đến việc hiểu văn bản. Giải thích học triết học của Gadamer có cơ sở ở chủ nghĩa hiện sinh của Martin Heidegger, cụ thể là ở “giải thích học của sự hiện hữu” của Heidegger mà theo đó “hiểu” được giải thích là “tính chất tồn tại nguyên thuỷ của cuộc sống con người”(4). Gadamer xây dựng giải thích học của ông dựa trên giải thích học hiện sinh của Heidegger như là một phương thức khắc phục vòng tuần hoàn giải thích học luẩn quẩn của giải thích học truyền thống bằng quan niệm “tất cả mọi sự hiểu đều là tự hiểu”(5). Không nghi ngờ gì đó là một quan niệm hoàn toàn chủ quan với mục đích chống lại chủ nghĩa khách quan lịch sử. Và Jauss tán thành sự chống đối ấy của Gadamer. Trên cơ sở đó Jauss tiếp thu nguyên lý lịch sử tác động của Gadamer. Trong nguyên lý lịch sử tác động này Gadamer đã vận dụng lôgic hỏi và đáp của Collingwood vào trong sự lưu truyền lịch sử. Từ luận điểm của Collingwood với ý “người ta chỉ có thể hiểu được một văn bản nếu người ta đã hiểu cái câu hỏi mà văn bản đó là câu trả lời”, Gadamer cho rằng: “câu hỏi được tái lập lại không thể còn nằm trong tầm nguyên thuỷ của nó vì tầm lịch sử này luôn bị bao bọc bởi cái tầm hiện tại của chúng ta” cho nên với Gadamer “hiểu luôn luôn là một quá trình của sự dung hợp các tầm vẫn nhầm tưởng là chỉ tồn tại tự thân như thế” và câu hỏi lịch sử không thể tồn tại cho riêng nó mà phải chuyển thành câu hỏi, “câu hỏi đó là cái được truyền lại cho chúng ta”(6). Theo Gadamer quá khứ chỉ trở thành thực tế với tính cách là cái được truyền lại. Cái được truyền lại làm trung giới giữa cái quá khứ và hiện tại nào đấy và bản thân cái hiện tại này sẽ góp phần vào việc lưu truyền tiếp theo. Như vậy có thể nói mỗi sự hiểu đều có tiền đề là sự hiểu trước đó, cái mà Gadamer gọi là “sự đan cài lịch sử tác động”(7). Cho nên ở ông sự hiểu văn bản được trung giới bởi lịch sử tác động của văn bản. Nói cách khác, với Gadamer “việc dựa vào người đọc đầu tiên cũng như vào cái nghĩa của tác giả chỉ là một nguyên tắc rất thô sơ của giải thích học lịch sử. Nguyên tắc này về thực tế không được phép giới hạn tầm nghĩa của văn bản”(8). Tóm lại, ở đây có thể nói nghĩa, nội dung của văn bản là tổng hợp những sự cấp nghĩa hình thành trong lịch sử và điều đó rõ ràng không tránh khỏi dẫn đến một sự xoá nhoà ranh giới giữa hiểu đúng và hiểu sai, dẫn đến một sự tương đối hoá nghĩa của văn bản, tương đối hoá chân lý của tác phẩm.
Từ nguyên lý lịch sử tác động của Gadamer – mà ở đây chúng tôi chỉ nêu một số điểm cần thiết cho việc tìm hiểu quan điểm của Jauss – Jauss đã tìm thấy chỗ dựa cho việc xây dựng mỹ học tiếp nhận của ông. Căn cứ vào đó ông đưa ra cách tháo gỡ điều nan giải của việc đánh giá văn học mà René Wellek đã nêu ra. Đó là nhà ngữ văn nên đánh giá một tác phẩm theo góc nhìn nào: theo góc nhìn của quá khứ, từ lập trường của hiện tại hay “theo sự đánh giá của các thế kỷ”(9). Điều nan giải ở đây là sự đánh giá theo chuẩn mực nào cũng không thoả đáng. Chuẩn mực của quá khứ hay của hiện tại hoặc hạn hẹp hoặc không công bằng. Còn “sự đánh giá của các thế kỷ”, tức lịch sử tác động của nó thì có thể bị phê phán là một thứ quyền uy giống như quyền uy của những người đương thời của tác giả. Tuy nhiên, giải pháp của Wellek khi cho rằng không thể tránh được sự đánh giá của chính mình nhưng phải cố gắng khách quan như có thể được bằng cách “cô lập đối tượng”(10), đã bị Jauss xem là thoái lui vào chủ nghĩa khách quan. Giải pháp của Jauss khác với giải pháp của Wellek ở chỗ Jauss cho rằng “sự đánh giá của các thế kỷ” về một tác phẩm không phải chỉ là “sự đánh giá đã được sưu tập lại của người đọc, của nhà phê bình, của người xem và thậm chí của các giáo sư nữa”(11) mà nhiều hơn thế: đó là “sự phát triển tuần tự của một tiềm năng nghĩa được xây dựng trong tác phẩm, được cập nhật hoá trong các cấp độ tiếp nhận lịch sử của nó” (186). Sự luận giải của Jauss về điều nan giải trên với quan niệm về “tiềm năng nghĩa được xây dựng trong tác phẩm, được cập nhật hoá trong từng cấp độ tiếp nhận lịch sử”, cũng như với sự lưu ý về một sự “đánh giá có hiểu biết” và sự “thực hiện có kiểm tra sự dung hợp các tầm” cho thấy quan niệm về lịch sử tiếp nhận của Jauss không hoàn toàn thống nhất với lịch sử tác động của Gadamer; nó “dung hợp” trong đó cả phần nào đó lập trường của giải thích học truyền thống lẫn quan điểm của chủ nghĩa cấu trúc Praha trong nghiên cứu văn học. Điều cuối cùng ở trên có thể tìm thấy trong bài nghiên cứu Iphigenie của Racine và của Goethe của Jauss(12).
Sự khác biệt chủ yếu giữa lịch sử tiếp nhận của Jauss và lịch sử tác động của Gadamer theo chính sự nhìn nhận của Jauss là ở chỗ ông không tán thành việc Gadamer nâng khái niệm cái cổ điển lên thành nguyên mẫu của mọi sự trung giới lịch sử giữa quá khứ và hiện tại. Lý do mà Jauss đưa ra là làm như vậy thì không nhất quán trong việc vận dụng lôgic hỏi và đáp, bởi theo Jauss quan hệ hỏi – đáp “có tính chất cấu thành đối với mọi sự lưu truyền lịch sử” cho nên nó cũng phải được vận dụng vào quan niệm về cái cổ điển. Nếu Gadamer cho rằng “những gì là cổ điển thì không đòi hỏi phải cần đến sự khắc phục khoảng cách lịch sử bởi nó thực hiện sự khắc phục này trong sự trung giới thường xuyên”(13) thì ngược lại Jauss quan niệm rằng đối với văn bản cổ điển không phải không cần đi tìm câu hỏi mà nó trả lời cũng như trước một tác phẩm cổ điển ý thức tiếp nhận cũng không được gỡ bỏ khỏi cái nhiệm vụ là phải nhận thức “mối quan hệ độ căng giữa văn bản và hiện tại” mà chính Gadamer đã đề ra cho sự trung giới lịch sử(14). Và nói chung theo Jauss cả truyền thống nghệ thuật cũng đòi hỏi một mối quan hệ đối thoại của hiện tại với quá khứ mà theo đó tác phẩm quá khứ không phải là một sự kiện tự trung giới cho mình, cũng không phải là hiện tượng tự phát tiết hay hữu xạ tự nhiên hương. Truyền thống nghệ thuật chỉ có thể trả lời và “nói với chúng ta điều gì đó” nếu người quan sát hiện tại nêu lên câu hỏi, câu hỏi đó sẽ đưa tác phẩm từ sự tách biệt quá khứ quay trở lại (188).
Về cơ bản có thể cho rằng quan niệm như thế về mối quan hệ giữa hiện tại với di sản quá khứ là không sai. Tuy nhiên nhìn sâu hơn vào sự nhất quán của Jauss trong việc áp dụng lôgic hỏi và đáp vào mối quan hệ giữa hiện tại và quá khứ có liên quan đến một phương diện khác: quan niệm nghệ thuật của ông. Trước tiên là quan niệm về cái mới, cái hiện đại, cái phủ định. Tác phẩm nghệ thuật chỉ có giá trị khi nó xây dựng được một tầm đón đợi mới dẫn đến một sự thay đổi tầm, tức khi nó đưa lại một cái mới, phủ định tác phẩm trước nó qua việc nhận ra vấn đề mà tác phẩm trước để lại. Ngay cả nghệ thuật cổ điển vào thời kỳ nó hình thành cũng chưa xuất hiện là “cổ điển” mà chỉ như một “cách nhìn mới”, cái nhìn khác trước và như thế nó “có thể đã tiền tạo những kinh nghiệm mới” (187,188). Nó chỉ trở thành cổ điển từ cái nhìn của thời sau và do đó đã “che đậy tính phủ định nguyên thuỷ của nó và chúng ta buộc phải lấy lại “tầm câu hỏi đích thực” chống lại tính chất cổ điển đã được chính thức hoá”(187).
Mặt khác việc Jauss bác bỏ sự khẳng định của Gadamer về tính chất “nguyên mẫu” của nghệ thuật cổ điển – một khái niệm được Gadamer tiếp thu từ Hegel – đối với sự trung giới lịch sử còn do trong quan niệm nghệ thuật này hàm chứa khái niệm mô phỏng (tạm dịch từ Mimesis) đã được Gadamer giải thích là sự “tái nhận thức” trong cách trình bày mang tính chất bản thể luận của ông này về kinh nghiệm nghệ thuật khi khẳng định: “điều mà người ta thực sự trải nghiệm và nhắm tới ở một tác phẩm nghệ thuật (…) là nó chân thật như thế nào, nghĩa là người ta nhận thức và tái nhận thức cái gì cũng như chính bản thân mình đến mức độ nào”(15) (187). Rõ ràng Jauss không công nhận khái niệm mô phỏng trong quan niệm nghệ thuật nói chung và nghệ thuật cổ điển nói riêng vì nó nói đến tính chân thật, sự nhận thức và tái nhận thức, không phù hợp với quan niệm nghệ thuật có tính chất tiền phong và hiện đại chủ nghĩa của ông. Đương nhiên phần nào Jauss cũng có lý khi ông cho rằng nó không thích hợp với thời kỳ nghệ thuật trung cổ và càng không phù hợp với thời kỳ hiện đại cũng như cho rằng “tác phẩm nghệ thuật cũng có thể đưa lại sự nhận thức không phù hợp với sơ đồ Platon khi nó tiên đoán những kinh nghiệm tương lai, khi nó suy tưởng ra những mô hình quan niệm và mô hình ứng xử còn chưa được thử thách hay chứa đựng câu trả lời cho những câu hỏi mới đặt ra” (187). Tất cả những điều này không có gì phải nói nữa. Tuy nhiên, thực tiễn nghệ thuật thế giới hiện nay cũng không hề chối bỏ quan niệm nghệ thuật theo mô hình mô phỏng như trong lý thuyết của Jauss vì nó vẫn còn góp phần tạo nên những giá trị nghệ thuật đích thực. Vả chăng hiểu mô phỏng như thế nào vẫn còn là một vấn đề.
Nhìn chung lại quan niệm lịch sử tiếp nhận ở Jauss vừa bao hàm việc phê phán chống lại quan điểm thực thể, chống lại chủ nghĩa khách quan lịch sử vừa tạo điều kiện để ông cắt nghĩa sự giải thích khác nhau về một tác phẩm văn học như là sự cập nhật hóa phụ thuộc vào người đọc và hoàn cảnh bên ngoài đối với tiềm năng nghĩa được cài đặt trong tác phẩm. Đồng thời nó cũng tạo cơ sở giúp ông đưa ra luận điểm về việc “tái lập lại tầm đón đợi” như là một phương thức viết lịch sử văn học. Việc tái lập lại tầm đón đợi là do tác phẩm văn học nhất là tác phẩm thuộc quá khứ xa xưa luôn có một lịch sử tiếp nhận lâu dài hay nhiều vấn đề liên quan đến tác giả và tác phẩm không thể tìm thấy được. Khi ấy để nhận ra câu hỏi mà văn bản đã trả lời, để có thể hiểu được tác phẩm “từ ý đồ và thời đại của nó”, người ta phải dùng phương pháp “phân tích lịch sử tiếp nhận” như chính ông đã vận dụng trong Iphigenie của Racine và của Goethe nhằm “giải thích xem có những sự cắt nghĩa nào đã chồng chất lên cái nghĩa lịch sử ban đầu của Iphigeniecủa Goethe” cũng như “chỉ ra là liệu trong sự tiếp nhận cho đến giờ có khả năng nghĩa nào chưa được khai thác hết hay đã bị dìm đi”, bị che lấp đi(16). Có tìm lại được hay dựng lại được “tầm hỏi và trả lời”, “tầm đón đợi” của tác phẩm mới có thể chỉ ra được “sự thay đổi tầm”, “tính phủ định của tác phẩm”. Điều đó cho phép xác định được giá trị thẩm mỹ và đồng thời giá trị lịch sử của tác phẩm theo Jauss.
Trên cơ sở khẳng định nguyên lý lịch sử tác động của Gadamer cho rằng “yếu tố sáng tạo tồn tại trong sự hiểu”, “hiểu không phải chỉ là hành động tái tạo mà còn là hành động sáng tạo”(17), tức không chỉ là sự tiếp nhận của nhà phê bình mà còn là sự tiếp nhận của nhà văn, Jauss tiếp tục đẩy tới lập luận của ông khi khẳng định “chức năng sáng tạo của sự hiểu liên tục (…) tất yếu bao gồm cả sự phê phán truyền thống và sự lãng quên”. Và chức năng sáng tạo của sự hiểu đó được Jauss lấy làm cơ sở cho “phác thảo một lịch sử văn học theo mỹ học tiếp nhận” trong các phần tiếp theo. Trong phác thảo về lịch sử văn học này Jauss sẽ lưu ý đến “tính lịch sử văn học” ở ba phương diện: lịch đại, đồng đại và mối quan hệ giữa sự phát triển văn học và tiến trình chung của lịch sử (189).
Về phương diện lịch đại, luận điểm vừa được đề cập đến ở trên về sự tái tạo lại tầm đón đợi chỉ là một phần, phần lịch sử của sự hiểu hay tiến trình lịch sử của sự tiếp nhận tái tạo. Như vậy theo Jauss ngoài việc phải nắm bắt nội dung và hình thức của tác phẩm trong sự phát triển của sự hiểu nó, “lý thuyết mỹ học tiếp nhận còn đòi hỏi xếp từng tác phẩm riêng lẻ vào trong dãy văn học của nó để nhận ra vị trí và ý nghĩa lịch sử của nó trong văn cảnh kinh nghiệm văn học”. Ở luận điểm trên, lịch sử tiếp nhận được Jauss trình bày là lịch sử đọc hiểu, thẩm định tác phẩm của người đọc, nhà phê bình, nghiên cứu văn học. Ở luận điểm tiếp theo này lịch sử tiếp nhận được Jauss quan niệm là “lịch sử sự kiện văn học”. Sự tiếp nhận đó theo Jauss là sự tiếp nhận tích cực, sự tiếp nhận của nhà văn, người sáng tác để tạo ra tác phẩm mới. Hiểu theo lôgic hỏi và đáp thì bước chuyển từ sự tiếp nhận tiêu cực, thụ động sang sự tiếp nhận tích cực, chủ động này có thể xem như là một tiến trình kế tục. Theo đó, “tác phẩm tiếp theo giải quyết những vấn đề hình thức và đạo đức mà tác phẩm trước để lại và lại có thể đặt ra những vấn đề mới” (189). Tuy nhiên, với sự giải thích như vậy thì mối quan hệ hay bước chuyển từ sự tiếp nhận tiêu cực sang sự tiếp nhận tích cực vẫn chưa được làm rõ. Chính Jauss ở cuối chương X này đã thừa nhận rằng “những khả năng của sự đan cài vào nhau của sản xuất và tiếp nhận trong sự biến đổi của quan niệm thẩm mỹ hoàn toàn chưa thể hiện hết trong những điều trình bày đó” (194). Ngoài ra vấn đề không phải chỉ là nói đến bước chuyển từ sự tiếp nhận của nhà phê bình đến sự tiếp nhận của nhà văn mà còn cần nói đến cả bước chuyển từ sự tiếp nhận tiêu cực sang sự tiếp nhận tích cực ở chính bản thân nhà văn.
Có thể nói rằng vấn đề tiếp nhận tiêu cực, tiếp nhận tích cực được Jauss nêu ra ở công trình này của ông đây đó trong văn học Đức trước đấy cũng đã từng là những lĩnh vực nghiên cứu với những tên gọi khác nhau như nghiên cứu hay lịch sử danh tiếng, lịch sử hậu danh, lịch sử đánh giá, nghiên cứu hay lịch sử tác động, nghiên cứu ảnh hưởng…; những lĩnh vực nghiên cứu mà ngày nay hầu như đã được gộp lại vào hai khái niệm lịch sử tác động và lịch sử tiếp nhận. Song nội hàm của hai khái niệm này đã và đang còn được hiểu rất khác nhau và ở Jauss chúng cũng chưa được lý giải một cách rạch ròi mà chỉ được ông phân biệt một cách đại thể khi nói rằng tác động xuất phát từ tác phẩm và tiếp nhận xuất phát từ người đọc.
Với việc xác định lịch sử tiếp nhận là “lịch sử sự kiện văn học” dường như Jauss đã đặt vấn đề về sản xuất văn học khi ông nói đến “sự sản xuất của nhà văn”. Phần nào cũng có thể hiểu như thế vì xét về phương diện nào đó cũng có thể coi đây như là sự tiếp thu “ảnh hưởng” để sáng tác tác phẩm mới, tức thuộc mỹ học sản xuất. Tuy nhiên, sự sản xuất ở quan niệm này có thể nói không phải là ở sự khởi đầu, không phải là xuất phát điểm mà là ở sự kết thúc, ở kết quả của tiến trình. Xuất phát điểm của tiến trình là sự tiếp nhận của người giải thích, là sự nhận hiểu của nhà văn đối với câu hỏi mà tác phẩm trước đã để lại: tác phẩm sau là câu trả lời cho câu hỏi mà tác phẩm trước để lại trong cái logic hỏi và trả lời và bản thân nó cũng sẽ để lại câu hỏi cho tác phẩm sau nó. Nghĩa là nó tạo ra một cái dãy văn học, một cái dãy bên trong văn học. Cái mà tác phẩm trước để lại sẽ là cái phủ định nó bởi từ đó sẽ xuất hiện tác phẩm sau, xuất hiện tầm đón đợi mới, xuất hiện sự thay đổi tầm, đưa đến việc tạo ra giá trị thẩm mỹ mới, giá trị lịch sử của tác phẩm. Một lịch sử văn học theo quan niệm như vậy sẽ là một “lịch sử riêng”, một “lịch sử văn học đặc thù”. Nó gần như không liên quan trực tiếp đến những cái bên ngoài văn học, không trực tiếp xuất phát từ yêu cầu của xã hội, của hiện thực. Cho nên nó không chấp nhận, về phương diện lập trường nghệ thuật, quan niệm mô phỏng hay quan niệm phản ánh văn học.
Trên cơ sở của quan niệm về lịch sử văn học như là sự thay thế, sự kế tục của các tác phẩm văn học, Jauss nhận xét rằng lối viết “lịch sử văn học theo chủ nghĩa thực chứng” đã quyết định đặt từng tác phẩm riêng lẻ “vào trong dãy niên đại và do đó đã hời hợt hóa nó thành một thực tế”(189). Không chỉ chủ nghĩa thực chứng mà theo Jauss cả chủ nghĩa hình thức nữa – mặc dù được ông coi là “ một trong các đề xuất có ý nghĩa nhất đối với sự đổi mới lịch sử văn học” (190) – cũng không hiểu tác phẩm văn học như là “sự kiện” văn học bởi nó cũng không đặt tác phẩm văn học vào mối quan hệ kế tục, “mối quan hệ tiếp nối lịch sử” (geschichtliches Folgeverhaeltnis), tức không xem tác phẩm sau như là hệ quả của tác phẩm trước mà muốn xem xét nó theo “nguyên lý tiến hóa văn học”. Theo đó, tác phẩm mới hình thành trên cái nền của những tác phẩm đi trước hay những tác phẩm cùng cạnh tranh. Nó đạt đến “đỉnh cao” của một thời kỳ văn học với tính cách là một hình thức thành công. Với tính cách là một hình thức như thế nó sẽ được tác giả cũng như những người khác noi theo để sáng tác những tác phẩm mới, tức nó được “tái sản xuất” và “liên tục tự động hóa” như một quá trình “tự sản sinh” của văn học. Quá trình đó sẽ dẫn tới sự “mòn vẹt”, sự nhàm chán của thể loại và khi đó một hình thức mới sẽ ra đời để thay thế nó. Jauss đã giải thích quan niệm về sự “tiến hóa văn học” của chủ nghĩa hình thức như vậy và ông cho rằng cách trình bày như thế của chủ nghĩa hình thức “có lẽ vượt trội hơn lý luận văn học truyền thống trên nhiều lĩnh vực”. Bởi vì nếu như phương pháp biên soạn lịch sử văn học của chủ nghĩa thực chứng theo Jauss chỉ nhằm sắp xếp các dãy văn học đóng kín đứng bên cạnh nhau một cách rời rạc và cùng lắm được tạo cho một khung sườn bằng một sơ đồ lịch sử chung, tức là các dãy tác phẩm của một tác giả, một trường phái hay khuynh hướng phong cách cũng như các dãy của các thể loại khác nhau, thì chủ nghĩa hình thức dường như đã liên kết được chúng lại với nhau và đã “phát hiện ra mối quan hệ tương hỗ có tính chất tiến hóa của các chức năng và hình thức” (190).
Mặc dù đề cao những mặt “vượt trội” của chủ nghĩa hình thức so với các lý thuyết văn học truyền thống, nhưng Jauss cũng công nhận rằng người ta đã “chỉ ra khá đủ những yếu kém của lý thuyết tiến hóa của chủ nghĩa hình thức”. Và từ góc nhìn của mỹ học tiếp nhận ông càng nhận ra những yếu kém đó. Theo ông “việc mô tả sự tiến triển của văn học như là cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ của cái mới với cái cũ hay như là sự thay đổi của sự qui tắc hóa và tự động hóa các hình thức đã rút ngắn tính chất lịch sử của văn học vào sự cập nhật hóa một chiều kích của những thay đổi của nó và giới hạn sự nhận hiểu lịch sử vào sự cảm nhận nó. Những thay đổi của dãy văn học ngược lại chỉ trở thành hệ quả lịch sử nếu sự đối lập giữa hình thức cũ và hình thức mới cũng cho phép nhận ra sự trung giới đặc trưng của chúng”(219). Jauss phê phán quan niệm đồng nhất sự nhận hiểu lịch sử với sự cảm nhận, sự tri giác, sự nhận biết gần như trực tiếp tác phẩm của chủ nghĩa hình thức, tức tác phẩm nghệ thuật sẽ được nhận biết trên cái nền của những tác phẩm khác. Ngược lại, với mỹ học tiếp nhận của Jauss, sự hiểu mang tính lịch sử về tác phẩm phải được trung giới qua tầm đón đợi của kinh nghiệm văn học, và tính chất nghệ thuật của tác phẩm có thể không được nhận biết trong tầm xuất hiện đầu tiên của nó. Hơn thế, không hiếm khi do sự kháng cự lại sự đón đợi của công chúng đầu tiên của nó lớn đến mức làm cho nó phải trải qua một quá trình tiếp nhận lâu dài mới lấy được cái mà trong tầm đầu tiên đã không được đón nhận. Và cũng có khi ý nghĩa tiềm tàng của một tác phẩm chỉ được phát hiện ra nhờ việc cập nhật hóa một hình thức mới hơn của sự “tiến triển văn học” làm đạt được tầm đón đợi cho phép tìm thấy con đường nhận hiểu cái hình thức đã không được hiểu đúng. Đó là khoảng cách khả biến giữa sự nhận biết thực tế đầu tiên và những ý nghĩa tiềm tàng của tác phẩm (193).
Sự trung giới đó theo mỹ học tiếp nhận của Jauss bao quát bước tiến từ hình thức cũ sang hình thức mới trong sự tương tác của tác phẩm và sự tiếp nhận (công chúng, nhà phê bình, người sản xuất mới) cũng như sự kiện quá khứ và sự tiếp nhận liên tiếp. Về mặt phương pháp, nó có thể được nắm bắt trong vấn đề hình thức cũng như nội dung “vấn đề mà mỗi một tác phẩm nghệ thuật đặt ra và để lại cho “những giải pháp” có thể có sau đó với tính cách là tầm đón đợi” (H. Blumenberg). Như vậy, mỗi tác phẩm nghệ thuật chỉ có thể đặt ra và giải quyết những vấn đề nào đó thông qua sự trung giới của nhà phê bình và nhà văn. Cho nên theo Jauss “để nhận biết vấn đề còn để lại sau mà tác phẩm mới trong dãy lịch sử là câu trả lời người giải thích phải đưa kinh nghiệm riêng của mình vào bởi vì tầm quá khứ của hình thức cũ và mới, vấn đề và giải pháp chỉ có thể được nhận biết trở lại trong sự trung giới liên tục ở tầm hiện tại của tác phẩm được tiếp nhận. Lịch sử văn học với tính cách là sự “tiến hóa văn học” phải đặt tiến trình lịch sử của sự tiếp nhận và sản xuất thẩm mỹ cho đến tận thời hiện tại của người quan sát làm điều kiện cho sự trung giới mọi đối lập về hình thức hay chất lượng khác biệt” (192).
Như trên đã lưu ý đến, phương pháp phân tích lịch sử tiếp nhận này – mà nhất thiết đòi hỏi phải xuất phát từ lập trường hiện tại của người quan sát – đã được Jauss vận dụng trong bài nghiên cứu Iphigenie của Racine và của Goethe. Ở đó dựa vào phân tích phê phán đối với lịch sử tiếp nhận Iphigenie của Goethe ở Đức, Jauss muốn tìm xem “có những sự cắt nghĩa nào đã chồng chất lên cái nghĩa ban đầu của Iphigenie của Goethe” và “liệu cái nghĩa “nguyên thủy” – nói chính xác hơn cái nghĩa xuất hiện cùng với sự xuất hiện của tác phẩm của Goethe hay cái nghĩa được những người đương thời với ông tri nhận – có thể còn có hoặc lại có một ý nghĩa nào đó đối với thời đại chúng ta hôm nay”(18). Tất nhiên như vậy ở đây không thể xa rời nguyên tắc đối thoại giữa tác phẩm quá khứ và người tiếp nhận ngày nay, trong đó có cả người sáng tác. Sự đối thoại này theo mỹ học tiếp nhận luôn luôn diễn ra trong lịch sử, tạo nên lịch sử tiếp nhận của tác phẩm, đưa đến sự hội tụ của văn bản và tiếp nhận. Sự tiếp nhận ấy luôn thay đổi do sự thay đổi của kinh nghiệm thẩm mỹ của các thế hệ công chúng khác nhau. Sự quan tâm đặt vấn đề của Jauss đối với tác phẩm của Goethe là nhằm vào một mục đích giải thích học, “đó là tái tạo lại tầm hỏi và đáp từ sự biến đổi của những sự cụ thể hóa Iphigenie. Nó chẳng những qui định quá trình tiếp nhận của việc hiểu luôn luôn thay đổi mà còn về phương diện sản xuất luôn luôn thúc đẩy để biến sự không đầy đủ trong cách giải quyết của những người tiền bối thành một hình dạng văn học mới hay “câu trả lời mới”(19). Sự giải thích trên của Jauss về cách phân tích lịch sử tiếp nhận Iphigenie là biểu hiện cụ thể của phương pháp biên soạn lịch sử văn học theo mỹ học tiếp nhận. Phương pháp này gắn liền với quan niệm của Jauss cho rằng “cái mới không chỉ là một phạm trù thẩm mỹ” mà “cái mới cũng còn trở thành phạm trù lịch sử nếu việc phân tích văn học theo lịch đại được tiếp tục đẩy tới vấn đề là những yếu tố lịch sử nào đích thực là những yếu tố làm cho cái mới của một hiện tượng văn học trở thành mới, ở mức độ nào cái mới này trong giờ phút lịch sử của sự xuất hiện của nó đã có thể được nhận biết, khoảng cách nào, con đường nào hay đường vòng nào của sự nhận hiểu mà sự chuộc lại nội dung của nó đòi hỏi phải có. Và liệu thời điểm của sự cập nhật hóa hoàn toàn của nó có sức mạnh tác động đến mức có thể làm thay đổi tầm nhìn vào cái cũ và như vậy thay đổi sự quy tắc hóa quá khứ văn học” (193-194).
Tuy nhiên lịch sử văn học theo Jauss lại không thể chỉ được xem xét theo lịch đại. Nó còn nên được tìm hiểu cả trên bình diện đồng đại và ngành ngôn ngữ học chính là nơi đã cung cấp một thí dụ về việc “phân biệt và liên kết về mặt phương pháp giữa phân tích lịch đại và phân tích đồng đại”, hay như một số nhà lý luận Việt Nam thường gọi là “tiếp nhận dọc”, “tiếp nhận ngang” để nói đến phương pháp phân tích theo chiều dọc và theo chiều ngang. Vấn đề trong quan niệm của Jauss ở đây là “mối quan hệ chức năng giữa hiểu những tác phẩm mới và ý nghĩa của những tác phẩm cũ”, mà theo đó không phải là nói đến chức năng của di sản đối với văn học đời sau mà chủ yếu là nói đến việc “phát hiện ra hệ quy chiếu bao trùm trong văn học của một thời khắc lịch sử” nhờ vào sự “phân chia sự đa dạng khác loại của những tác phẩm đồng thời thành những cấu trúc tương đương, đối lập và theo thứ bậc” qua một nhát cắt ngang, nhát cắt đồng đại. Cứ tiếp tục những nhát cắt như vậy và xây dựng chúng “sao cho thể hiện được theo lịch sử sự biến đổi cấu trúc văn học trong những thời điểm tạo thời đại của nó” thì từ đó có thể “phát triển nguyên tắc trình bày của một lịch sử văn học mới” (194-195). Không chỉ đề nghị vận dụng những kết quả của ngành ngôn ngữ học hiện đại trong việc phân biệt và liên kết giữa phân tích lịch đại và phân tích đồng đại, Jauss còn gợi ý tiếp thu quan điểm của Siegfried Kracauer trong việc phê phán cách biên soạn lịch sử theo lịch đại cũng như trong việc đề xuất lối xem xét lịch sử theo đồng đại. Theo đó lối viết lịch sử phổ quát đã làm cho người ta có thể nắm bắt các sự kiện của mọi lĩnh vực đời sống trong môi trường thuần nhất của thời kỳ niên đại như là một quá trình thống nhất, bền chắc trong mọi thời khắc lịch sử. Đó là một nhận thức vốn lệ thuộc vào khái niệm tinh thần khách quan của Hegel mà xuất phát điểm là quan niệm cho rằng tất cả những gì xảy ra đồng thời đều có cùng một ý nghĩa của giây phút lịch sử ấy, và vì thế đã không nhận thấy được tính chất không đồng thời thật sự của cái đồng thời. Với các nhà nghiên cứu lịch sử phổ quát thì sự đa dạng của các sự kiện của một thời khắc lịch sử được hiểu là những biểu hiện khác nhau của một nội dung thống nhất. Ngược lại đối với người nghiên cứu quan tâm đến tính lịch sử riêng của văn học như Jauss thì sự đa dạng ấy được giải thích là bắt nguồn từ những thời điểm của những khúc quanh thời đại hoàn toàn khác nhau, bị chi phối bởi tính quy luật riêng của nó cũng như bởi sự giao thoa của các lịch sử riêng khác nhau của nghệ thuật, của lịch sử pháp lý, của lịch sử kinh tế, của lịch sử chính trị, v.v… (195)
Quan niệm trên của Kracauer về “sự cùng tồn tại của cái đồng thời và cái không đồng thời” theo Jauss đã “làm cho có thể nhận thấy rõ sự cần thiết và cả khả năng phát hiện chiều kích lịch sử của các hiện tượng văn học trong các nhát cắt đồng đại”. Jauss nhận xét rằng sự hư cấu theo niên đại học về cái khoảnh khắc in đậm dấu ấn vào tất cả các hiện tượng đồng thời không phù hợp bao nhiêu với tính lịch sử của văn học giống như sự hư cấu theo hình thái học vậy. Jauss nói đến “tính lịch sử của văn học xuất hiện ngay ở điểm cắt của đồng đại và lịch đại” (196). Song nhìn kỹ thêm thì ông vẫn chú ý nhiều hơn đến cái đồng đại, quan tâm hơn đến việc “nắm bắt tầm văn học của một thời khắc lịch sử nhất định như là một hệ thống đồng đại, trên đó văn học xuất hiện đồng thời có thể được tiếp nhận theo lịch đại trong các tương quan của sự không đồng thời”. Tức là khi đó tác phẩm sẽ được tiếp nhận là “cập thời hay không cập thời, là thời thượng, là hôm qua hay lưu niên, là đến sớm hay đến muộn”. Sự phong phú của những hiện tượng văn học xuất hiện đồng thời, nếu xem xét theo mỹ học sản xuất, được phân ra thành sự đa dạng khác chất của sự không đồng thời, tức là những tác phẩm chịu sự ảnh hưởng của những yếu tố khác nhau của thời kỳ hình thành của thể loại của chúng giống như bầu trời sao chúng ta nhận thấy là hiện tại thì đối với nhà thiên văn học lại tách ra thành những điểm sáng của những thời kỳ xa xôi khác nhau. Còn nếu nhìn theo mỹ học tiếp nhận thì – đối với công chúng đang cảm nhận và liên hệ chúng với nhau như là những tác phẩm của thời hiện tại của họ – chúng lại “liên kết lại với nhau thành một thể thống nhất của một tầm chung, có tính chất tạo nghĩa của những đón đợi, hồi tưởng và dự đoán văn học” (187).
Tuy Jauss quan tâm nhiều đến nhát cắt đồng đại trong lịch sử văn học nhưng ông lại quan niệm rằng trong cái đồng đại luôn luôn tồn tại cái lịch đại. Như vậy với Jauss “mỗi một hệ thống đồng đại phải hàm chứa quá khứ của nó và tương lai của nó như là những yếu tố cấu trúc không tách rời ra được”, do đó “mỗi một nhát cắt đồng đại qua sản xuất văn học của một thời điểm lịch sử tất yếu phải kéo theo những nhát cắt tiếp theo trong cái trước đó và cái sau đó của chiều lịch đại” (187).
Có thể nói rằng Jauss quan niệm mỗi một nhát cắt đồng đại là một hệ thống, một cấu trúc văn học của một thời điểm lịch sử, trong đó bao gồm những yếu tố khác chất của quá khứ cũng như của tương lai, nhưng lại tạo nên một tầm chung, một tầm có tính chất tạo nghĩa của những đón đợi văn học sắp tới, của những hồi tưởng về văn học quá khứ và cả dự tưởng tương lai. Vì vậy tất yếu phải tiếp tục những nhát cắt đồng đại qua chiều lịch đại. Mỗi một nhát cắt như vậy cũng sẽ có một tầm chung với những yếu tố cấu trúc không tách rời ra được. Và tương tự như với lịch sử ngôn ngữ ở đây cũng có những yếu tố ổn định và những yếu tố biến dị mà ta có thể định vị như là những chức năng hệ thống. Yếu tố tương đối ổn định cũng giống như ngữ pháp hay cú pháp trong ngôn ngữ. Đó là cơ cấu của những thể loại truyền thống và các thể loại không quy tắc, các cách diễn đạt, các loại phong cách và những hình thái tu từ. Đối lập với nó là một lĩnh vực biến dị mạnh hơn như ngữ nghĩa trong ngôn ngữ học: các đề tài, các cổ mẫu, những biểu tượng và ẩn dụ văn học. Như đã thấy, tất cả ở đây cũng nằm trong lịch sử tiếp nhận: Jauss đã trình bày thêm một phương diện khác nữa của lịch sử tiếp nhận.
Jauss còn cho rằng cũng có thể tạo ra một dạng tương tự như yêu cầu của Hans Blumenberg về lịch sử triết học. Đó là một “hệ thống hình thức về việc giải thích thế giới (…) mà trong cấu trúc của nó có thể định vị những sự thay thế vị trí (Umbesetzungen) tạo nên tính chất tiến trình của lịch sử cho đến tận sự thay đổi triệt để của thời kỳ”(20). Theo đó, Jauss muốn khắc phục quan niệm của thuyết thực thể bằng sự giải thích theo chức năng mối quan hệ có tính chất tiến trình giữa sản xuất và tiếp nhận để “có thể nhận thấy được rằng sau sự biến đổi của các hình thức và nội dung văn học những sự thay thế vị trí” trong một hệ thống văn học của sự nhận thức thế giới làm cho có thể nắm bắt được sự thay đổi tầm trong quá trình của kinh nghiệm thẩm mỹ (198).
Qua những ý kiến trên phần nào ta thấy được quan niệm ở đây của Jauss về lịch sử văn học: Đằng sau sự thay đổi của các hình thức và nội dung văn học của một thời kỳ có một nguyên nhân, đó là sự thay thế vị trí – một sự thay thế làm cho người ta nghĩ tới một sự thay đổi các thế hệ văn học – nó sẽ dẫn tới sự thay đổi tầm, tức là sự đổi mới, cái sẽ tạo nên giá trị nghệ thuật và từ đó giá trị lịch sử của văn học. Điều này có thể nhận ra qua những nhát cắt đồng đại của một thời điểm lịch sử trên trục lịch đại. Chính đấy là cái được Jauss gọi là “những tiền đề” mà từ chúng “có thể phát triển một lịch sử văn học” không theo lối truyền thống. Và “vấn đề lựa chọn cái có ý nghĩa đối với một lịch sử văn học mới có thể giải quyết theo một phương thức chưa hề được thử nghiệm với sự hỗ trợ của cách xem xét đồng đại: một sự thay đổi tầm đón đợi trong tiến trình lịch sử của “sự tiến hóa văn học” không cần phải chỉ theo dõi ở phức hợp của tất cả những dữ liệu và quan hệ nguồn gốc thuộc lịch đại mà cũng còn có thể được xác định ở hiện trạng đã thay đổi của hệ thống văn học đồng đại và có thể được đọc ra ở những phân tích theo nhát cắt ngang tiếp theo” (198).
Có thể nhận ra ở đây một điều là phương thức biên soạn “lịch sử văn học mới” dựa chủ yếu vào các “sự kiện” bên trong văn học và căn bản từ chối lối biên soạn theo lịch đại vốn dựa vào những yếu tố có liên quan đến nguồn gốc, đến sản xuất văn học. Quan tâm tới chiều kích đồng đại thì mới có thể đạt được mục đích trở thành một lịch sử văn học “đặc thù”, một lịch sử văn học “riêng” như Jauss mong muốn. Tuy thế, một lịch sử văn học như vậy cũng chưa thực hoàn thiện với cách thức trình bày chủ yếu theo đồng đại như trên mà theo Jauss nó còn phải được “xem xét trong mối quan hệ riêng của nó với lịch sử chung với tính cách là một lịch sử đặc thù”. Jauss không chấp nhận quan niệm truyền thống về mối quan hệ giữa lịch sử văn học và lịch sử chung, bởi theo ông nó “không thể hiện ra ở chỗ là trong văn học mọi thời đại có thể tìm thấy hình ảnh được điển hình hóa, được lý tưởng hóa, có tính chất châm biếm hay có tính chất không tưởng về đời sống xã hội”. Ở đây một lần nữa Jauss cho rằng lịch sử văn học không thể được trình bày trên cơ sở của mỹ học miêu tả và mỹ học sản xuất. Như vậy, chức năng xã hội của văn học không nên xem xét ở chỗ phản ánh hiện thực, phản ánh xã hội hay miêu tả thực tế cuộc sống vì ở đó không thể có tính lịch sử, mà “chức năng xã hội của văn học trong cái khả năng đích thực của nó chỉ biểu hiện ra ở nơi mà kinh nghiệm văn học của người đọc đi vào trong tầm đón đợi của thực tiễn đời sống của anh ta, tiền tạo sự hiểu biết thế giới của anh ta và như thế cũng tác động trở lại vào thái độ ứng xử xã hội của anh ta” (199). Nhưng ngược lại không thể không nhận thấy một điều là chính kinh nghiệm thực tiễn, kinh nghiệm sống của người đọc cũng đi vào tầm đón đợi văn học của anh ta và “tiền tạo” sự hiểu biết văn học của anh ta.
Trên cơ sở của quan niệm về chức năng văn học đó, Jauss phê phán một loạt các quan niệm khác về chức năng văn học. Với “xã hội học văn học truyền thống”, Jauss nhận xét rằng nó “chỉ thay thế bề ngoài nguyên lý cổ điển về sự mô phỏng tự nhiên (imitatio naturae)(21) bằng sự xác định văn học là sự miêu tả một hiện thực có sẵn”, và do đó phải đề cao “chủ nghĩa hiện thực” của thế kỷ 19 thành phạm trù văn học ở mức cao nhất. Không chỉ với “xã hội học văn học” mà với “chủ nghĩa cấu trúc” văn học Jauss cũng cho là nó “vẫn bị trói buộc hoàn toàn vào mỹ học miêu tả về cơ bản có tính chất cổ điển chủ nghĩa và vào các khuôn mẫu có sẵn của sự “phản ánh” và “điển hình hóa” và do đó đã “đi chệch khỏi chức năng xã hội nổi bật, tức chức năng kiến tạo xã hội của văn học” (200).
Jauss muốn nhấn mạnh rằng những tìm tòi của ông là nhằm xác định sự đóng góp đặc trưng của văn học trong tiến trình chung của sự hình thành kinh nghiệm và để khu biệt với những hình thức khác của sự ứng xử xã hội. Jauss hoàn toàn phủ nhận sự “phản ánh”, sự “miêu tả” hiện thực xã hội là chức năng đích thực của văn học, mà đó có thể gọi là thuộc vào cái tiền sử của tác phẩm văn học, cái góp phần tạo nên tác phẩm. Ông chỉ chú ý duy nhất vào chức năng tác động của văn học, tức là cái hậu sử của nó. Tuy thế ở đây có thể nói rằng ông đã phần nào thoát ra khỏi lối xem xét văn học thuần túy nội tại trong văn học để chạm đến những vấn đề bên ngoài văn bản, những vấn đề của xã hội. Không hoàn toàn đồng tình với lối xem xét bên trong văn học của chủ nghĩa hình thức về giá trị của tác phẩm, Jauss cho rằng “tác phẩm văn học mới chẳng những được tiếp nhận và đánh giá trên cái nền của những hình thức nghệ thuật khác mà còn trên cái nền của kinh nghiệm sống thường nhật. Về phương diện mỹ học tiếp nhận, chức năng xã hội của tác phẩm trong lĩnh vực đạo đức có thể được nắm bắt như nhau trong các dạng thức hỏi và trả lời, vấn đề và giải pháp, thông qua đó nó đi vào trong tầm của sự tác động xã hội của nó” (203). Rất tiếc là ở đây Jauss đã không nói rõ và cụ thể là kinh nghiệm sống thường nhật này gồm có những yếu tố nào, biểu hiện ra ở đâu và tác động như thế nào đến sự tiếp nhận của người đọc.
Nếu như ở cực này Theodor Adorno, người đại diện hàng đầu của trường phái Frankfurt (Frankfurter Schule) tuyên bố rằng “sự nội tại của xã hội trong tác phẩm là mối quan hệ cơ bản của nghệ thuật chứ không phải sự nội tại của nghệ thuật trong xã hội”(22), lịch sử tác động của tác phẩm đối lập với nhận thức về sự biểu lộ xã hội của nghệ thuật thì Hans Robert Jauss, người đại diện tiêu biểu cho trường phái mỹ học tiếp nhận Konstanz (Konstanzer Schule) lại gần như quả quyết điều ngược lại. Cả hai đều là những lập trường cực đoan, điều mà người ta không khó bắt gặp ở nhiều trường phái lý luận văn học phương Tây và dường như điều đó mới tạo được cơ sở cho sự lập thuyết! Tất nhiên cả hai quan niệm đều có hạt nhân hợp lý của nó nếu như không tuyệt đối hóa một cách phiến diện, và Jauss không sai khi khẳng định vai trò, ý nghĩa và sự tác động của văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung trong đời sống xã hội. Ông chỉ không đúng khi dứt khoát quả quyết rằng “năng lực đặc trưng của văn học trong đời sống xã hội phải tìm ở chính cái nơi mà văn học không hòa nhập vào trong chức năng của một nghệ thuật miêu tả”. Jauss cho rằng lịch sử văn học không nên “miêu tả một lần nữa một cách giản đơn tiến trình lịch sử chung trong sự phản chiếu của những tác phẩm của nó mà là phát hiện ra trong tiến trình của sự “tiến hóa văn học” cái chức năng kiến tạo xã hội trong ý nghĩa đích thực của chức năng này, cái chức năng được dành cho văn học đang cạnh tranh với các nghệ thuật và các lực lượng xã hội khác trong cuộc giải phóng con người ra khỏi những trói buộc tự nhiên, tôn giáo và xã hội” (207). Văn học theo đó đã được trao một nhiệm vụ lớn lao mặc dù không được rõ ràng và có phần ảo tưởng bởi vì không phải không có những tác phẩm văn học được coi là có giá trị cách tân trong nghệ thuật nhưng không góp phần gì vào việc giải phóng ấy nếu không muốn nói có khi còn ngược lại, và như thế không thể có ý nghĩa lịch sử.
Không chỉ dựa vào khái niệm “tầm đón đợi” được vay mượn từ Karl Mannheim và được phát triển cho lĩnh vực văn học để giải thích “lịch sử văn học”, Jauss còn dựa vào quan niệm “tầm của những đón đợi” của Karl R. Popper trong bài viết Những quy luật tự nhiên và các hệ thống lý thuyết của ông này để làm cơ sở so sánh cho sự tìm tòi của ông “nhằm xác định sự đóng góp đặc trưng của văn học trong tiến trình chung của sự hình thành kinh nghiệm và để khu biệt với những hình thức khác của thái độ ứng xử xã hội” cũng như nhằm “làm sáng rõ chức năng đặc thù của văn học” (201). Chức năng đặc thù này của văn học được Jauss xác định một cách cụ thể bằng việc cho rằng “kinh nghiệm của người đọc có thể giải thoát anh ta ra khỏi những sự thích ứng, những định kiến và những tình trạng ràng buộc của thực tiễn sống của anh ta bằng cách nó đòi hỏi anh ta phải đi tới sự nhận biết mới các sự việc”. Sự “giải thoát” này nếu có thì chắc cũng chỉ có thể xảy ra trong tư tưởng, trong nhận thức với ý nghĩa như là một sự thắng lợi tinh thần. Nó có thể đưa lại những lợi ích nhất định cho người đọc và làm nên giá trị nào đó cho văn học, đúng như quan niệm của Jauss khi ông cho rằng nó “còn tiên đoán cái khả năng không được thực hiện, mở rộng sân chơi bị giới hạn của thái độ ứng xử xã hội đến những mong ước, những đòi hỏi và mục đích mới và như thế mở ra những con đường cho kinh nghiệm tương lai” (202). Sự giải thoát ấy cũng có thể xảy ra trong thực tế, cũng có thể được thực hiện trong những điều kiện xã hội nhất định, nơi mà những chức năng đích thực, chân chính của văn học được tạo những điều kiện thuận lợi.
Nói chung sự xác định một chức năng văn học theo cách trình bày của Jauss là một cố gắng lý luận của ông. Nó phần nào giúp ông thoát ra khỏi quan niệm văn học tự trị và nội tại. Nó hoàn toàn có thể được chấp nhận nếu như Jauss không đề cao duy nhất chức năng này, không cực đoan và phiến diện để loại bỏ các chức năng khác cũng như loại bỏ lịch sử chung ra khỏi văn học và lịch sử văn học. Và trong chiều hướng ấy, Jauss cũng đã nhầm lẫn trong nhận thức về lý luận văn học mácxit khi cùng nhận định là “chủ nghĩa cấu trúc văn học cũng như trước nó khoa học văn học mácxit và khoa học văn học của chủ nghĩa hình thức không đặt vấn đề là văn học “tự nó ngược lại đã cùng tạo nên quan niệm về xã hội, mà đó là cái tiền đề của nó” (200). Chứng minh điều ngược lại đối với sự quả quyết trên về lý luận văn học mácxit quả không khó. Vì nó quá rõ ràng trong lý luận văn học đó nên ở đây có lẽ không cần thiết trình bày lại những ý kiến của nó có liên quan đến chức năng này. Ngoài ra, Jauss cũng không đúng khi phê phán rằng lý luận văn học mácxit “phủ nhận” là “nghệ thuật cũng như các hình thức ý thức tương ứng như đạo đức, tôn giáo hay siêu hình học có một lịch sử riêng” (155). Cũng không cần phải đi vào nêu các ý kiến cụ thể mà chỉ cần nói chung rằng lý luận này chỉ không cho rằng nghệ thuật có một “lịch sử riêng”, có một sự độc lập tuyệt đối mà chỉ có một “lịch sử riêng” tương đối đối với lịch sử chung, một sự độc lập tương đối đối với tồn tại xã hội và nó luôn tác động trở lại ý thức xã hội.
Bên trên chúng tôi đã cố gắng trình bày tương đối chi tiết về những ý kiến của Jauss trong các luận điểm của ông về một “lịch sử văn học đổi mới”, một lịch sử văn học trên cơ sở lịch sử tiếp nhận, một “lịch sử văn học của người đọc”. So với các phương pháp viết lịch sử văn học trước đó, đây quả là một sự thay đổi triệt để, một sự quay ngược lại với những gì đã có, thay thế nó bằng cách viết lịch sử văn học theo mỹ học tiếp nhận và mỹ học tác động, tức là không bắt đầu ở đoạn đầu mà bắt đầu ở đoạn cuối của tiến trình văn học. Người ta đã nói rất đúng rằng Jauss đã đóng yên cương ngựa cho tiến trình văn học không phải ở đầu mà là ở đuôi ngựa. Sự hy vọng “thay đổi khuôn mẫu” mà Jauss đã rất mong muốn thực hiện trong lịch sử văn học bằng cách dịch chuyển thuật ngữ “sự thay đổi khuôn mẫu” (Paradigmawechsel) mà Thomas Kuhn dùng để nghiên cứu trong khoa học tự nhiên vào khoa học xã hội đã không thành công. Manfred Naumann cho rằng ông “hoài nghi” sự dự đoán về một “buổi bình minh của một sự “thay đổi khuôn mẫu” khoa học như vừa mới đây người ta dự đoán và cũng hết sức hy vọng”. Ông quả quyết rằng “chẳng thấy rõ lắm một sự thay đổi khuôn mẫu hơn là sự dao động của một con lắc”(23). Nhiều nhà nghiên cứu văn học cùng thời với Jauss ở Tây Đức lúc bấy giờ cũng hoài nghi không kém về khả năng của phương pháp viết lịch sử văn học dựa trên lịch sử tiếp nhận mà chủ yếu dựa vào khái niệm tầm đón đợi và việc tái lập tầm đón đợi đó một cách khách quan. Không ít ý kiến tỏ ra quan ngại về đề xuất của Jauss, mà rõ ràng là ở cả hai lĩnh vực lý thuyết và thực tiễn vận dụng. Karl Robert Mandelkow – một chuyên gia nghiên cứu về lịch sử tác động và lịch sử tiếp nhận mà lần trước chúng tôi đã trích dẫn ý kiến của ông, cho rằng lịch sử tiếp nhận không chỉ là lịch sử tiếp nhận của một tác phẩm mà còn đồng thời và luôn luôn là lịch sử của chính nó, tức là “lịch sử tiếp nhận của lịch sử tiếp nhận”, và rằng sự tuyệt đối hóa mô hình mỹ học tiếp nhận sẽ dẫn đến “nguy cơ chạy trốn vào lối xem xét theo lịch sử tác động”, tức là việc thu thập những bằng chứng tiếp nhận lịch sử và sự tác động đã bị tương đối hóa của những đánh giá có thể có “dễ biến thành một thứ không lập trường”(24). Phê bình đề xuất của Jauss về một “Lịch sử văn học như là lịch sử tiếp nhận”, Horst Albert Glaser chỉ ra rằng đề xuất này chỉ tìm cách hiểu văn học từ phương diện tiếp nhận có tính cách phiến diện và việc diễn đạt khác đi khái niệm “văn cảnh lịch sử của văn học” thành khái niệm “tầm đón đợi” của trình độ văn học không đưa lại được kết quả gì. Mỹ học tiếp nhận không dính dáng trở lại với lịch sử văn học bằng việc nhờ vào trình độ văn học của người đọc(25). Đó là trên phương diện lý thuyết. Còn trên phương diện thực tiễn người ta cũng chỉ ra rằng nếu như trên lĩnh vực nghiên cứu tiếp nhận thực nghiệm đã có những kết quả nhất định với việc vận dụng khoa học giao tiếp, xã hội học, điều tra dư luận, v.v… thì ngược lại trên lĩnh vực mỹ học tiếp nhận mới chỉ có một số kết quả riêng lẻ và đặc biệt cho đến nay một bộ lịch sử văn học dựa trên lịch sử tiếp nhận vẫn chưa thấy lộ diện. Những khó khăn về mặt tư liệu tiếp nhận lịch sử cũng là một vấn đề không nhỏ, nếu như phải viết một bộ lịch sử văn học theo mỹ học tiếp nhận, theo lịch sử tiếp nhận.
Cuối cùng lại thì một nhận định bao quát có thể nêu ra là lịch sử văn học không thể chỉ được viết căn cứ vào lịch sử tiếp nhận và lịch sử tác động mà cần bao hàm cả lịch sử sáng tác nữa. Và điều này cũng đã được Jauss phần nào nhận ra khi thừa nhận về “tính chất bộ phận của mỹ học tiếp nhận”(26).
Dù việc phối hợp giữa lịch sử sáng tác và lịch sử tiếp nhận vẫn còn rất khó khăn và phức tạp trong việc viết lịch sử văn học, thì cũng cần nhận thấy rằng lịch sử tiếp nhận vẫn có giá trị nhất định của nó nếu như tiến trình nghiên cứu không thuần túy có tính chất chung chung, nội tại trong văn học, chỉ dựa vào người đọc lý tưởng mà được đặt trên thực tế của người đọc hiện thực, dựa trên công chúng phân biệt về mặt xã hội, văn hóa, tư tưởng, giới tính, v.v… Điều đó nói lên rằng việc nghiên cứu người đọc, nghiên cứu tiếp nhận đã giúp cho nhận thức được yếu tố xã hội thâm nhập sâu vào trong văn học từ một phương diện khác nữa và làm cho mối quan hệ của tác phẩm với xã hội trở nên rõ rệt cũng như lịch sử tiếp nhận cũng có giá trị lịch sử văn học nhất định của nó. Và lịch sử tiếp nhận vẫn có thể và nên được viết về từng tác giả, tác phẩm, từng trào lưu, trường phái hay thể loại và giai đoạn văn học nào đó với một lý luận và một phương pháp khoa học thích hợp. Nó góp phần hiểu rõ hơn về các tác giả, tác phẩm, trào lưu, trường phái và không gian văn học ấy, v.v… Ở đây trên một phương diện nhất định phải ghi nhận có sự đóng góp khơi gợi của Hans Robert Jauss như một cú hích, một đề xuất mạnh bạo tạo điều kiện nhận thấy và nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của lĩnh vực tiếp nhận văn học trong tiến trình văn học và việc nghiên cứu tiếp nhận trong lý luận và thực tiễn nghiên cứu văn học.
Cuối cùng cần nói thêm rằng với mỹ học tiếp nhận của Jauss mà chủ yếu là trong công trình quan trọng Lịch sử văn học của ông, bài viết của chúng tôi cũng chưa nêu được hết những vấn đề cần đề cập. Hy vọng sẽ có những bài viết khác để bổ sung1
———————————————————————————————
(*) Huỳnh Vân: Phó Giáo sư. Tiến sĩ
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học, Số 3 – 2010
(1) Haral Weinrich: Vì một lịch sử văn học của người đọc. Trong H. Weinrich: Văn học cho người đọc. Stuttgart, Berlin, Koeln u. Mainz, 1971, tr.23-34.
(2) Huỳnh Vân: Vấn đề tầm đón đợi và xác định giá trị nghệ thuật trong mỹ học tiếp nhận của Hans Robert Jauss, Tạp chí Nghiên cứu văn học số 3, 2009, tr.55-71.
(3) Trong bài viết này các trích dẫn từ Lịch sử văn học như là sự thách thức khoa học văn học của Hans Roert Jauss (Trong: H.R.J.: Lịch sử văn học như là sự thách thức, Nxb. Suhrkamp Frankfurt a. M. 1970) được ghi số trang trong ngoặc đơn ngay sau phần trích.
(4), (5), (6), (7), (8), (13), (14), (15), (17) Hans Georg Gadamer: Chân lý và phương pháp. Những nguyên lý giải thích học triết học. Xb. lần thứ 2, Tuebingen 1965, các trang 246, 252, 289, 356, 284, 373, 274, 290.
(9), (10), (11) René Wellek: Lý thuyết lịch sử văn học, 1965, tr.20-22.
(12), (16), (18), (19), (26) Hans Robert Jauss: Iphigenic của Racine và của Goethe. Với lời bạt về tính chất bộ phận của mỹ học tiếp nhận. Trong: Rainer Warning: Mỹ học tiếp nhận. Lý thuyết và thực tiễn. Nxb. Wilhelm Fink, Muenchen 1975, tr.353-400. Nhân đây xin bạn đọc sửa lại câu trích bị sai trong bài đăng trên Nghiên cứu văn học, số 3, 2009, tr.70 như sau: “tính chất bộ phận của mỹ học tiếp nhận theo đó không chỉ căn cứ trên mối tương quan giữa sản xuất, miêu tả và tiếp nhận mà còn trên kinh nghiệm là tất cả mọi tái lập lại cái quá khứ trong lĩnh vực nghệ thuật phải chỉ có tính chất bộ phận”. Tức xin bỏ chữ “không” trước cụm từ “phải chỉ có tính chất bộ phận”. Ngoài ra cũng xin bạn đọc sửa dùm chữ “siêu nghiệm” thành chữ “tiên nghiệm” ở dòng 13 từ dưới lên, trang 61 trong bài viết trên.
(20) Hans Blumenberg: Trong: Tính hợp thức của thời hiện đại. Frankfurt 1966, tr.41.
(21) Các khái niệm Mimesis và Imitatio naturae đều được chúng tôi tạm dịch là mô phỏng dù biết chúng có sự khác biệt nhau ít nhiều.
(22) Theodor W. Adorno: Lý thuyết thẩm mỹ, Frankfurt a. M., 1970, tr.345 và 338.
(23) Manfred Naumann: Song đề của mỹ học tiếp nhận, Tạp chí văn học số 4, 1978, tr.124-125.
(24) Karl Robert Mandelkow: Những vấn đề lịch sử tác động. Trong: Niên giám ngành ngữ văn Đức quốc tế II, số 1-1970, tr.84.
(25) Horst Albert Glaser: Những phương pháp viết lịch sử văn học. Trong: Những nguyên lý của khoa học văn học và ngôn ngữ học, do Heinz Ludwig Arnold và Volker Sinemus xuất bản. Tập I: Khoa học văn học. Muenchen 1973, tr.429-431.