Lễ hội đền Kỳ Cùng – đặc điểm và sự biến đổi của nó trong cuộc sống đương đại

Share Button

Đền Kỳ Cùng là một trong những ngôi đền có từ lâu đời và được Ngô Thì Sỹ (1779) xem là một trong Trấn danh bát cảnh của xứ Lạng. Lễ hội đền Kỳ Cùng là một lễ hội cộng đồng có sức ảnh hưởng lớn trong đời sống văn hóa của người dân Lạng Sơn nói chung. Bài viết của chúng tôi nghiên cứu lễ hội đền Kỳ Cùng trong mối quan hệ với tín ngưỡng – tục thờ, qua đó thấy được các đặc điểm của lễ hội; sự hỗn dung giữa tín ngưỡng – tôn giáo; các lớp văn hóa được bồi đắp trong quá trình lịch sử cũng như xu hướng biến đổi của nó trong đời sống hiện nay.

Đền Kỳ Cùng nằm ở phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn là một di tích có từ lâu đời và mang nhiều dấn ấn văn hóa, tín ngưỡng của dân bản địa. Cho đến nay, chưa thể xác định một cách chính xác đền Kỳ Cùng có từ năm nào. Tư liệu ghi chép sớm nhất về đền Kỳ Cùng mà chúng tôi có thể tìm hiểu được là một bài thơ của danh nhân Ngô Thì Sỹ (1779), bài Trấn danh bát cảnh, khẳng định đây là một trong tám cảnh đẹp của xứ Lạng[1]. Lễ hội đền Kỳ Cùng diễn ra vào ngày 22 đến ngày 27 tháng giêng hàng năm là lễ hội lớn nhất không chỉ của Thành phố Lạng Sơn mà còn là của toàn tỉnh, thu hút đông đảo du khách thập phương về hành hương. Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển về kinh tế, xã hội của tỉnh Lạng Sơn nói chung đã có những tác động không nhỏ, làm biến đổi về cả quy mô và lễ thức của lễ hội này. Đền Kỳ Cùng hiện nay thờ Quan lớn Tuần Tranh (một nhân vật lịch sử), tuy nhiên nếu căn cứ theo tên gọi của di tích là “Kỳ Cùng đại vương từ” và tấm đại tự do triều Cảnh Hưng năm thứ 44 (1783) ban tặng thì đền là nơi thờ Ông Cộc, Ông Dài – hai vị thần sông của sông Kỳ Cùng. Ngoài ra, đền còn phối thờ một số nhân vật khác (chúng tôi sẽ nói đến ở phần sau). Điều này đặt ra một vấn đề là mối quan hệ giữa Ông Dài, ông Cộc và Quan lớn Tuần Tranh.

  1. Từ huyền thoại ông Dài, ông Cộc đến truyền thuyết Quan lớn Tuần Tranh  

1.1. Huyền thoại và tục thờ Ông Dài, Ông Cộc

Trong truyện kể dân gian Việt Nam, truyện về Ông Cộc, Ông Dài phổ biến ở nhiều địa phương, từ vùng núi Tây Bắc đến vùng châu thổ sông Hồng và vào đến miền Trung. Trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, nhà nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi đã sưu tầm được 8 dị bản của truyện này. Theo Nguyễn Từ Chi, nội dung quan trọng nhất của truyền thuyết này là “hai anh em rắn được vợ chồng một lão nông nuôi từ tấm bé, lớn lên, chiếm lĩnh một bến đò hay một khúc sông và trả nghĩa cho bố mẹ nuôi. Cặp thần rắn này được thờ hoặc tại đình, với tư cách là những thần phụ, cạnh Thành hoàng làng, hoặc tại đền riêng” [3, tr 540]. Theo thống kê bước đầu của chúng tôi, ở Lạng Sơn hiện nay có khoảng 10 bản kể và 6 điểm thờ Ông Dài, Ông Cộc. Ngoài truyện Ông Dài, Ông Cộc hay sự tích sông Kỳ Cùng với điểm thờ là đền Kỳ Cùng, có thể kể đến một số bản kể và điểm thờ tiêu biểu như: Tại Đền Khắc Uyên ở xã Vân Mộng, huyện Lộc Bình một di tích ở bên cạnh dòng sông Kỳ Cùng, đền được xây dựng từ thời Lê, thờ ông Cộc và được ban tặng 6 đạo sắc phong có niên đại từ triều Lê đến Nguyễn (đạo sắc có niên đại cổ nhất là vào năm Cảnh Hưng thứ 28 – 1767). Theo tiếng địa phương (Nùng), đền này được nhân dân gọi là Vằng Khắc (có nghĩa là Thằng Cụt) chỉ con rắn thần bị một ông già ở địa phương chém đứt khúc đuôi. Theo Trung Bắc tân văn (1924), một dị bản khác lưu hành ở bản Moòng thì rắn không phải nở từ một quả trứng lạ do ông lão bắt được mà do bà lão chiêm bao thấy một đứa bé có một con rắn cuốn quanh người rồi biến vào bụng bà. Từ đó bà có mang sinh một trai và một con rắn. Rắn sau đó cũng thả ra sông, lớn lên nó cũng cướp chị dâu làm vợ, cũng bị ông lão chém đứt khúc đuôi.

Tại làng Nà Lình, xã Quốc Việt, huyện Tràng Định, nơi thượng lưu sông Kỳ Cùng chảy sang đất Trung Quốc có miếu thờ Ông Dài với truyền thuyết: có ông họ Hoàng ra sông Thà Bó đánh cá, ông kéo lưới vớt được một quả trứng lạ đem về nhà cho gà ấp sau nở ra một con rắn, ông đặt tên là Củm. Ông cho vào chum nuôi, sau rắn lớn ông cho vào bồ đựng thóc, rắn lớn nhanh như thổi thường bò lên xà nhà khiến cho mọi người sợ hãi, ông bà đem rắn ra sông thả. Khi thấy người qua sông rắn thường nổi lên làm mọi người sợ hãi. Ông già khuyên giải mãi từ đó rắn mới không quấy nhiễu nữa, cho đến bây giờ thỉnh thoảng đoạn sông đó nước đục ngầu, dân làng cho rằng rắn về tắm cho nên nước đục như vậy và con rắn này là con trai của vị thần ở miếu Nà Lình. Về sau đúng ngày 4 tháng 4 âm lịch là ngày cúng lễ của di tích, hôm đó có hội đua thuyền, có trò làm lật thuyền để gọi rắn lên cùng đua thuyền với trai làng.

Đền Cửa Đông (tên chữ Tam Phủ linh từ) ở phường Chi Lăng thành phố Lạng Sơn thờ thần Bạch Đế đã được triều vua Thành Thái năm thứ nhất (1889) ban tặng một đạo sắc phong. Từ xưa, nhân dân Lạng Sơn cho rằng đây là đền thờ con rắn trắng – vị thần ở khúc sông Kỳ Cùng đoạn chảy qua đây. Trong các thần tích, truyền thuyết gia phả ở Lạng Sơn có ghi rất nhiều về truyện rắn thần. Thần tích về Khai Nguyên đại vương ở xã Vân Mộng, huyện Điềm He (nay là huyện Văn Quan) kể truyện một ông lão bắt được một con rắn nuôi làm con, đặt tên là Đinh Khai Nguyên. Rắn cho bố một hạt minh châu có thể đi xuống cõi thủy phủ. Thần tích về Xích Long Vương xã Hoàng Đồng huyện Cao Lộc kể về thần sông lên cướp vợ của người trần, bị kiện và đoạn kết tương tự như truyện con rắn thần ở sách Truyền kì mạn lục.

Người Tày Lạng Sơn ven sông Kỳ Cùng thì kể lại như sau: đời Lý Nhân Tông niên hiệu Long Phù, ở bản Chúng có một thổ ty họ Bế, nhà giàu, có hai đứa con: một trai là Trần Sinh đã có vợ và một gái là Ngọc Quyên xinh đẹp. Một ngày mùa xuân, anh em đi thăm mộ, chiều về họ gặp một chàng trai tuấn tú đến nhà xin với người bố nghỉ trọ một đêm. Hỏi tên họ thì đáp: tôi thuộc họ rồng tên Hải Sinh, định về kinh ứng thí, đầy tớ đã đi trước, còn mình vì đường xa mệt nhọc phải nghỉ lại. Thổ ty bằng lòng cho nghỉ lại. Đêm ấy, Hải Sinh được sự ưng thuận của Ngọc Quyên, lẻn vào buồng ân ái, từ đó cứ gà gáy ra đi nhưng đêm thì lại mò tới. Đến đêm thứ năm Hải Sinh nói mình là con vua Thủy có lệnh phải về, hẹn đến tết đoan ngọ sẽ gọi nàng xuống thủy phủ. Ngọc Quyên từ đấy có mang. Người bố biết rõ chuyện của con, muốn giết, nhưng bị bà mẹ cản lại. Đến lúc nàng sắp sinh bố lại mài dao nhọn chực giết vì không muốn thấy có những đứa cháu thuộc nòi thuồng luồng. Đến ngày đoan ngọ, Ngọc Quyên sinh ra được hai con rắn, một con trườn đi thoát còn một con bị ông chém đứt khúc đuôi (sau này gọi là ông Cộc). Gia nhân đuổi theo thì trời bỗng nổi cơn mưa to gió lớn, đất chuyển ầm ầm, nứt thành lỗ cho hai con chui vào. Ở nhà, Ngọc Quyên cũng tắt thở. Sau đó ông Cộc ngự trị ở chỗ thác nước trước làng, người ta gọi là Khuổi Ngù (thác rắn). Nay còn có đền thờ trên đường từ thành phố Lạng Sơn đi huyện Lộc Bình (bản kể này giống với bản kể của Nguyễn Đổng Chi).

Ngoài ra có thể kể đến một số dị bản và điểm thờ khác ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị (dị bản Ông Dời, Ông Cụt và đền thờ ở làng Nhan Biều, xã Triệu Phong), Tỉnh Thừa Thiên (dị bản với tên gọi Hai đứa cháu của thần gió và đền thờ ở làng Phú Bài, huyện Phú Bài)… Và đặc biệt, có thể kể đến tục thờ Thánh Tam Giang[2] ở đồng bằng Bắc Bộ nói chung.

1.2. Quá trình lịch sử hóa, văn bản hóa truyền thuyết dân gian

Truyện về Ông Cộc Ông Dài ở đền Kỳ Cùng Lạng Sơn gắn với truyền thuyết ông Tuần Tranh là một quan tướng nhà Trần được nhận chức Tuần ở huyện Ninh Giang, tỉnh Hảo Dương sau đó được bổ nhiệm lên Lạng Sơn để trấn yên giặc phương Bắc. Tính tình của ông vui vẻ, cởi mở thường mỗi chiều đánh cờ trước sông Kỳ Cùng. Trong thời gian ở đây, trong một trận đánh do ông chỉ huy, không may bị thua, quân lính thiệt mạng nhiều lại bị vu cáo phạm tội dâm ô. Để giữ thanh danh cho mình, ông đã nhảy xuống bế sông Kỳ Cùng tự vẫn: nay thà thác trong còn hơn sống đục, nước sông Kỳ Cùng tấm ngọc khôn dung… Do tấm lòng trong sạch ông được thần linh hóa thành đôi rắn (Ông Cộc, Ông Dài) làm vị thần ngự tại đền Kỳ Cùng: nỗi oan nay thấu tận trời cao, dây oan kết lại thành đôi long xà. Nỗi oan này về sau được Đô đốc phủ Đô đốc Đồng tri Hán Quận công Thân Công Tài minh oan. Việc này dẫn đến sự liên quan trong lễ hội truyền thống giữa hai di tích đền Kỳ Cùng và đền Tả Phủ[3].

Từ một truyền thuyết và tục thờ thần tự nhiên (thần rắn), trải qua những biến thiên và yêu cầu của lịch sử, những vị nhiên thần như các thần núi thần sông, thần rắn… bắt đầu được “khoác thêm chiếc áo lịch sử” nhằm thể hiện cảm hứng tôn vinh các vị anh hùng trong thời kỳ mới. Về điều này, Tạ Chí Đại Trường đã có nhận định rất thú vị: “Chúng ta không rõ trước khi các thần đó (chỉ thần rắn, thần sông) được Hán hóa dưới các tên: Long Quân, Hà Bá… thì họ được gọi là gì. Có lẽ chỉ giản dị với những tên: thần nước, thần sông, thần đầm lầy… với lờ mờ một bộ mặt người… chứ không đường bệ, oai nghiêm như khi họ hiện ra báo  mộng cho các ông thái thú, ông quan, ông vua” [8, tr.54]. Từ đây thần rắn được cung cấp những lí lịch cụ thể khác nhau mang tên người tên đất khác nhau. Thuồng luồng hồ Tây trở thành Linh Lang Đại Vương (Hoàng tử Linh Lang, con vua Lí Thái Tôn); con Giải thần trở thành Uy Đô Linh Lang; đôi rắn một dài một cộc được lịch sử hóa để trở thành hai vị anh hùng trung nghĩa Trương Hống Trương Hát và tất nhiên là cả Quan lớn Tuần Tranh như chúng tôi vừa nêu. Trần Thị An gọi đây là bước “lịch sử hóa, văn bản hóa, với chủ trương của chính quyền”. Giải thích về điều này, tác giả cho rằng, người ghi chép muốn “dùng tục thờ lâu đời và phổ biến này để đề cao uy thế của vương quyền và khẳng định tính chính thống của triều đại mình” [1]. Bằng cách này, giới cầm quyền đã gắn niềm tin về tính thiêng của thần sông trong đời sống dân dã với niềm tin tưởng vào tính chính thống của vương triều.

Share Button