Lễ hội đền Kỳ Cùng – đặc điểm và sự biến đổi của nó trong cuộc sống đương đại

Share Button
  1. Lễ hội đền Kỳ Cùng

Hội đền Kỳ cùng được xem là lễ hội lớn nhất của tỉnh Lạng Sơn. Trong những năm gần đây, lễ hội đã thu hút một lượng du khách rất lớn về hành hương. Theo ước tính của Ban tổ chức, riêng các năm 2012-2013-2014, mỗi năm ước tính có khoảng hàng trăm ngàn người tham dự lễ hội. Lễ hội diễn ra trong 6 ngày (từ 22-27 tháng giêng) gồm các nội dung cơ bản sau:

Ngày 22 tháng Giêng, khai mạc lễ hội:

Vào lúc 8h00, tại sân đền Kỳ Cùng: CLB Lân, Sư tử, Rồng của võ đường Sơn Đông và đội Sư tử Mèo xã Gia Cát, đội Sư tử Nhí trường tiểu học Kim Đồng phối hợp trình diễn.  9h00 Khai mạc lễ hội: ổn định tổ chức, tuyên bố lý do giới thiệu đại biểu, khai mạc lễ hội. Từ 9h45 đến 11h00, tế dâng hương và đón tiếp đoàn rước kiệu đền Tả Phủ xuống. Từ 11h đến 12h là một số trò chơi dân gian như kéo co, cờ người, đánh vật, thi bày mâm ngũ quả kèm theo tiết mục hát sli, lượn. 12h00 (chính Ngọ) từ đền Kỳ Cùng đền Tả Phủ, thứ tự sắp xếp đội hình rước kiệu: Rồng, Sư tử -> Thanh Đồng Đạo Quan -> Bát Bửu + Chấp Kích -> trống lệnh + chiêng -> Kiệu Bát Cống -> Kiệu Võng Mẫu -> các đội tế + du khách. Đội hình rước kiệu xuất phát từ đền Kỳ Cùng theo đường 17/10 -> đường Nguyễn Tri Phương -> Nguyễn Du -> Phai Vệ -> Bà Triệu -> Lê Lợi -> Bắc Sơn tới Đình Mười -> Lương Văn Chi -> Thân Cảnh Phúc -> Thân Công Tài về đền Tả Phủ. Trong lễ rước này, các nhà mặt phố mang mâm cúng ra để trước cửa (chủ yếu là lợn quay cả con) để đón đoàn rước đi cầu mong cho một năm làm ăn may mắn.

Trong những ngày 23, 24, 25, 26 tháng Giêng, đến dự hội không chỉ có người dân địa phương mà, đông hơn, còn là khách thập phương, họ đến thăm cả hai đền Kỳ Cùng và Tả Phủ, cùng tham gia một số trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, đi cà kheo, cướp Đầu pháo[4]… Điểm mới, rất đáng chú ý trong những năm gần đây là sự phối hợp của ngành Giáo dục địa phương cùng tham gia các hoạt động của lễ hội. Cụ thể là: Việc rước kiệu giữa hai đền Tả Phủ – Kỳ Cùng và vòng qua các khu phố chính của thành phố là phần đảm nhiệm của khoảng gần 100 học sinh trường THPT Việt Bắc cùng với thanh niên xã Gia Cát (huyện Cao Lộc). Các em nam sinh khiêng kiệu Quan lớn Tuần, các em nữ sinh khiêng kiệu Mẫu. Ngoài ra, để giúp cho lễ hội thêm phần đa dạng và náo nhiệt còn có những tiết mục văn nghệ do các em học sinh trường tiểu học Vĩnh Trại cùng đội múa lân sư rồng của câu lạc bộ Võ Đường Sơn Đông cùng phối hợp biểu diễn. Trong thời gian này còn có sự tham gia của đội múa sư tử Mèo xã Gia Cát và đội sư tử nhí trường tiểu học Kim Đồng. Các nhà tổ chức muốn qua những sự phối hợp này để vừa đưa hoạt động của nhà trường vươn ra ngoài phạm vi hạn hẹp của khuôn viên học đường, đã tự lúc nào trở nên chật chội với lứa tuổi trẻ đang lớn, để học sinh của họ có thời cơ tập dượt hoạt động xã hội và, sâu xa hơn nữa, cũng vừa để những lễ hội truyền thống và ẩn sâu trong đó là văn hóa truyền thống của dân gian – dân tộc liên tục trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Ngày 27 tháng Giêng: đây là ngày kết thúc lễ hội Kỳ Cùng, Tả Phủ đồng thời cũng là ngày phiên chợ Kỳ Lừa (phiên chợ là ngày hai và bảy). Đến hẹn lại lên nhân dân các dân tộc Xứ Lạng xa gần lại náo nức quy tụ về thành phố Lạng Sơn để trẩy hội. Ngay từ sáng sớm cả thành phố đã tràn ngập không khí lễ hội, cờ quạt, nghi trượng rợp trời, các kiệu bày ra lộng lẫy, người đến chen chân nhau, hương khói nghi ngút. Với dồng bào các dân tộc ở xa thì họ đến lễ hội với mục đích tham dự vui chơi là chính và đặc biệt lễ hội gắn với yếu tố tín ngưỡng Mẫu đậm nét của đền Kỳ Cùng là một điều mới mẻ thu hút họ. Chương trình quan trọng nhất trong ngày kết thúc lễ hội ở đền Kỳ Cùng là tổ chức đoàn kiệu lên đền Tả Phủ rước bát hương quan Tuần Tranh hồi đền và sau đó làm lễ tế yên vị (tế tạ), trong lễ rước kiệu hồi này, các nhà mặt phố cũng mang mâm cúng ra để trước cửa để đón đoàn rước hồi cầu mong cho một năm làm ăn may mắn. Phần lễ vật dâng lên các bàn thờ cũng phải chuẩn bị thịnh soạn, chỉnh tề: một mâm xôi trắng đầy đặn và một con gà luộc, bánh dầy, khẩu sli, bánh khảo cùng hương hoa quả.

Qua những mô tả khái quát về các hoạt động lễ hội đền Kỳ Cùng như vừa nêu, có thể nhận thấy:

Lễ hội đền Kỳ Cùng là một lễ hội cộng đồng, mang những đặc trưng của lễ hội truyền thống, mang đậm chất văn hóa của cư dân nông nghiệp. Lễ hội được tổ chức vào mùa xuân, lúc nông nhàn, đất trời giao hòa, thiên nhiên tươi tốt, lòng người hân hoan. Lễ hội không chỉ là không gian thiêng, nơi người dân bày tỏ niềm tin, sự ngưỡng vọng đối với thần linh, các bậc anh hùng có công với dân với nước mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa truyền thống, thỏa mãn các nhu cầu giao lưu, giải trí của người dân địa phương. Sự thu hút một lượng lớn du khách hành hương cùng nhiều tầng lớp nhân dân từ trẻ em, học sinh đến người già tham gia là một minh chứng cho tính cộng đồng trong lễ hội.

Căn cứ vào nội dung thờ tự của di tích này và những điều tra dân tộc học bước đầu của chúng tôi, thì di tích và lễ hội Kỳ Cùng là sản phẩm của đồng bào Kinh (có thể là kết quả của quá trình di dân cách đây trên 300 năm). Sự xuất hiện những loại hình nghệ thuật như hát Sli (hát giao duyên) của đồng bào Nùng, hát Lượn (một loại hình dân ca) của người Tày, các vật phẩm cúng tế… đã cho thấy mối quan hệ giao lưu văn hóa và sự cố kết cộng đồng của lễ hội. Đây cũng là đặc điểm mang tính địa phương về sự phân bố dân cư và các dân tộc của Xứ Lạng[5].

Lễ hội đền Kỳ Cùng dã trở thành một nhu cầu sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của các dân tộc ở Lạng Sơn. Thông qua lễ hội, mọi người cùng tôn thờ và cùng hướng tâm hồn đến sự linh thiêng cao đẹp, hướng về niềm tin, niềm vui và hi vọng tương lai tốt đẹp, hướng con người đến cái Chân – Thiện – Mỹ.

Share Button