Sau cảnh hạ giới với sự ra đi đột ngột của ông Trương Ba và nỗi bàng hoàng thương tiếc của những người ruột thịt, xóm giềng… lần thứ 2, không gian thiên đình lại hiện hữu để người xem có dịp chứng kiến một sự “sửa sai” ngoài mọi tưởng tượng: ông Trương Ba được sống lại bằng thân xác của anh hàng thịt nhờ cái tâm và phép màu của Đế Thích. Mô hình không gian này không xuất hiện trong câu chuyện cổ tích (chỉ có những khung cảnh quen thuộc ở hạ giới) nhưng đối với Lưu Quang Vũ, sự trở lại không gian này đã tạo một bước ngoặt quan trọng để tạo lực đẩy kịch tính cho cốt truyện. Dòng tự sự dân gian rõ ràng đã lấy việc ông Trương Ba được sống lại trong “lốt” thân thể anh hàng thịt làm sự kiện chính và là “điểm nhấn” trung tâm mang lại tính chất hoang đường cho câu chuyện cổ tích. Chính vì vậy, những diễn biến tiếp theo của câu chuyện như cuộc đấu khẩu, xô xát giành chồng giữa hai người đàn bà và việc quan xử cho bà vợ ông Trương Ba thắng kiện chỉ là những “tình tiết phụ” nhằm bổ sung và hoàn thiện câu chuyện theo hướng kết thúc có hậu (ít ra là từ phía nhân vật chính). Song, qua so sánh, đối chiếu 2 văn bản (kể cả việc vận dụng lý thuyết liên văn bản), chúng ta có thể khẳng định rằng: xung đột kịch của Lưu Quang Vũ chỉ thực sự bắt đầu và thăng hoa khi câu chuyện cổ tích đã kết thúc. Có nghĩa là, bi kịch của nhân vật Trương Ba không đơn giản ở việc bị chết oan mà đau đớn, vật vã hơn bội phần lại là cái sự được sống lại, được hưởng phúc ân chưa từng có ở chốn thế gian này.
Đời sống dị thường của ông Trương Ba sau phép mầu “cải tử hoàn sinh” đã làm nẩy sinh nhiều mâu thuẫn cả “ngoại sinh” lẫn “nội sinh”. Người láng giềng thân thiết, một bạn cờ rất phục tài ông Trương Ba giờ không thể hiểu nổi vì sao “lối đánh cờ của bác khác hẳn ngày xưa. Thoạt trông thì thấy cách vào cờ của bác vẫn như xưa, nhưng sau thì… chẳng còn cái khoáng hoạt, dũng mãnh, thâm sâu ngày trước. Cách tiến, cách thủ của bác bây giờ vụn vặt, tủn mủn, thô phũ. Mà cái nước ăn vừa rồi, nói xin lỗi bác, nó bần tiện làm sao!” và “Người đàng hoàng, không ai đòi ăn nước ấy”… Những người ruột thịt cũng bắt đầu nhận thấy sự bất ổn của việc tâm hồn trong sạch, thẳng thắn, hồn hậu của ông Trương Ba lại trú ngụ trong thân xác cồng kềnh, thô tháp cùng nhiều ham muốn “tầm thường” của anh hàng thịt. Họ, người thì âm thầm chịu đựng (bà vợ), thấu hiểu thương cảm (chị con dâu), người có những dị ứng xa lánh bên ngoài nhưng thâm tâm lại đau xót, lo buồn (anh con trai, đứa cháu nội): Bà vợ vẫn luôn nhớ về hình vóc, dáng dấp nhỏ nhắn, mảnh mai của chồng và cố quen dần với thân hình nặng nề của anh hàng thịt với những bữa cơm phải đầy đủ rượu thịt, tiết canh, lòng lợn… Anh con trai, người gánh vác nỗi lo cơm áo cho cả “đại gia đình”, người nuôi chí làm giàu, tháo vát và thức thời nhất (từ “điểm nhìn” hiện thời) – thì tính toán rành rọt đến tàn nhẫn: “Thử hỏi nhờ ai mà giữa thời buổi này nhà ta còn được đàng hoàng, tươm tất như vậy? Cả thầy nữa, giờ thầy ăn mỗi bữa 8, 9 bát cơm… Tiền làm vườn chỉ đủ nuôi thân ông Trương Ba chứ không đủ nuôi ông hàng thịt… Thầy còn xỉ vả tôi nỗi gì? Đã đến nước này thầy còn cao đạo”! Trước cái tát và cơn giận giữ tột độ của ông Trương Ba, anh ta đã thẳng thừng: “Bố tôi xưa không bao giờ đánh tôi như vậy! Tôi nói thật cho ông biết: Ông không phải là bố tôi, ông không còn là bố tôi nữa!”. Ngay cả đứa cháu nội được cưng chiều, hợp ông nhất cũng không chấp nhận sự có mặt của ông: “Không! Người này không phải là ông nội tôi… Ông nội tôi là người gầy gầy, tóc bạc, trán nhăn mà mắt sáng lắm, hiền lắm cơ mà! Còn người này thì má béo phì, lông mày rậm như chổi xể, trông dữ dữ là… Ông lừa cả nhà, lừa tất cả mọi người nhưng không lừa được tôi đâu! Ông giả vờ làm ông nội, về chiếm chỗ của ông nội trong nhà…”. Nhưng so với tất cả những điều đó thì những gì đang diễn ra trong con người ông Trương Ba mới thực sự là xung đột dữ dội nhất, là đỉnh điểm bi kịch của tác phẩm. Cuộc đối thoại thẳng thắn tới cùng, màn phân thân mang màu sắc hậu hiện đại của thi pháp kịch giữa hồn ông Trương Ba và xác anh hàng thịt đã diễn tả khá sâu sắc nỗi hoang mang, hoài nghi và sự bất lực của con người trong cuộc chiến hiện sinh. Mọi lý lẽ yếu ớt mang “màu xám” của ông Trương Ba đã không thể lung lay thứ lập luận lấm láp bụi trần nhưng cũng có đủ “thực chứng” và hùng hồn hơn của anh hàng thịt bởi vì nó, có thể coi là “một phần tất yếu” của cuộc sống.
Việc ông Trương Ba không thể tự dung hoà được phần “con” và phần “người” trong sinh thể cá nhân, phải cầu xin Đế Thích trả lại thân xác cho anh hàng thịt, còn ông thì xin được chết lần thứ 2, “chết hẳn” là sự thể hiện đầy đủ và sâu sắc nhất cốt lõi tư tưởng, là sự đối thoại chân thành và triết lý nhân sinh giàu tính hướng thượng của Lưu Quang Vũ. Nhà viết kịch không phủ nhận giá trị cao quí của sự sống nhưng nếu sống mà con người dần dần tự đánh mất phần cao quý trong tâm hồn để chấp nhận một sự tồn tại không tư tưởng, không cảm xúc; và đáng sợ hơn nữa là kiểu sống thiếu trung thực, giả tạo theo mô hình “bên trong một đàng, bên ngoài một nẻo”… Tất cả những điều đó là hoàn toàn đối lập với quan niệm sống và khát vọng nghệ sĩ trong anh: “Tôi muốn được là tôi toàn vẹn” (lời ông Trương Ba). Cách đặt vấn đề và giải quyết xung đột của vở kịch cho thấy nhà viết kịch đã có những phản ứng quyết liệt trước sự áp đặt làm mất quyền được lựa chọn của con người. Mọi sự áp đặt dù mang danh nghĩa nhân đạo cao cả nhất theo Lưu Quang Vũ, suy cho cùng vẫn không thể mang lại cho con người cuộc sống đích thực, vẫn dẫn tới bi kịch, vẫn tiềm ẩn khả năng huỷ diệt, vẫn chứa đựng yếu tố phi nhân…. Đó chính là thông điệp mang màu sắc nhân quyền sâu xa mà Lưu Quang Vũ đã gửi gắm vào tác phẩm.
Là một nhà viết kịch nhạy cảm, thông minh và sắc sảo, Lưu Quang Vũ đã rất biết cách khai thác vấn đề từ nhiều tư liệu “nguồn” khác nhau: từ một mẫu tin thời sự trên báo, một vụ án xôn xao dư luận, một hiện tượng xã hội nổi bật, từ kho tàng dồi dào của văn hoá dân gian… Hồn Trương Ba, da hàng thịt là vở kịch hiện đại được vay mượn, gợi “tứ” từ một câu chuyện cổ tích. Các yếu tố tự sự dân gian với độ đậm nhạt khác nhau, như được trình bày ở trên, đã ít nhiều có sự thâm nhập, chuyển hoá vào tác phẩm kịch. Tuy nhiên, phần sáng tạo ngoài văn bản, chính xác hơn là nối tiếp, kéo dài ý tưởng của văn bản khiến vở kịch trở nên một “vĩ thanh” độc đáo, đặc sắc của câu chuyện cổ tích mới thực sự là phần đóng góp nổi bật của Lưu Quang Vũ.
Từ một câu chuyện cổ tích có phần mờ nhạt, bằng khả năng đồng hoá, nhào nặn và tái tạo, Lưu Quang Vũ đã xây dựng được một vở kịch có cấu trúc khá chặt chẽ và ý nghĩa nhân bản đậm đà. Đã hơn 20 năm sau ngày công diễn Hồn Trương Ba, da hàng thịt vẫn đứng ở vị trí hàng đầu trong sự nghiệp cầm bút, là tác phẩm không chỉ gắn liền với tên tuổi nhà viết kịch trẻ tài năng Lưu Quang Vũ mà còn đưa tên tuổi của ông đến với công chúng nhiều nước trên thế giới.
Bài đăng trên Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 3/2010
- 1
- 2