Trần Thị Phương Phương Giới thiệu sách báo 09 Tháng 7 2018 Lượt xem: 525
Văn học Nga hiện đại: những vấn đề lý thuyết và lịch sử
1. Văn học Nga hiện đại: những vấn đề lý thuyết và lịch sử là một phác thảo lịch sử văn học được trình bày dưới hình thức ba vấn đề chủ yếu – cũng là ba xu hướng sáng tác, ba thời đại văn học lớn của văn học Nga thế kỷ XX là chủ nghĩa hiện đại, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa hậu hiện đại.
Chủ nghĩa hiện đại đánh dấu giai đoạn chuyển giao giữa hai thế kỷ XIX và XX, là con đẻ của thời đại các cuộc cách mạng Nga – từ cách mạng dân chủ tư sản đến cách mạng vô sản. Các khuynh hướng hiện đại chủ nghĩa của Nga như chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa đỉnh cao và chủ nghĩa vị lai phản ánh cả hai phương diện tiêu cực lẫn tích cực trong cảm quan nghệ thuật thời đại này: một mặt, đó là sự hoài nghi, sợ hãi, bất lực trước hiện thực đầy biến động dữ dội dẫn đến thái độ quay lưng lại với những vấn đề xã hội, rút vào thế giới cá nhân, hoặc tâm linh huyền bí, hoặc phá phách nổi loạn, tạo nên xu hướng văn học suy đồi, phi nhân văn; mặt khác, đó cũng là một hình thức dấn thân, muốn cải tạo, thay đổi thế giới bằng chính bản thân nghệ thuật, vì thế bùng nổ những cách tân táo bạo, hình thành xu hướng văn học tiền phong.
Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa ra đời sau cách mạng vô sản, nhưng cội nguồn của nó có từ cuối thế kỷ XIX, từ những sáng tác lãng mạn của Maxim Gorky, trong đó có vai trò ảnh hưởng của những tư tưởng triết học ngoại lai lẫn những quan niệm nảy sinh trong chính thực tiễn xã hội Nga. Bức tranh sáng tác và phê bình lý luận các thập niên 1920 – 1930 cho thấy văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa là một hiện tượng gắn với sự khẳng định nhà nước chuyên chính vô sản và trở thành dòng chủ đạo của văn học Nga Xô viết, là một giai đoạn phát triển mới hơn, đối lập với chủ nghĩa hiện đại, nhưng đồng thời cũng có sự tiếp biến từ những xu hướng tiền phong của văn học hiện đại chủ nghĩa. Bảy thập niên tồn tại cho thấy đây không phải là một sản phẩm của “chủ nghĩa Stalin”, của một “hệ tư tưởng toàn trị”, mà là một hiện tượng văn học sống động, phát triển, với nhiều thành tựu phản ánh những thăng trầm của đất nước Xô viết trong ba phần tư thế kỷ. Có thể nói, thế kỷ XX là thế kỷ của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, bởi cả chủ nghĩa hiện đại trước nó, cũng như chủ nghĩa hậu hiện đại sau nó không ít thì nhiều đều có liên quan đến nó.
Chủ nghĩa hậu hiện đại là hiện tượng văn học đương đại, nảy sinh từ trong lòng của văn học Xô viết như một phản ứng đối với văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, ban đầu chủ yếu là nghệ thuật chống lại chế độ Xô viết, chống lại tư tưởng cộng sản chủ nghĩa, nhưng vào thời hậu Xô viết, nhất là khi bước sang thập niên đầu thế kỷ XXI, thì tính chất bài Xô chống cộng giảm dần, thay vào đó là những vấn đề xã hội Nga đương đại, trong đó có vấn đề nữ quyền gắn với “văn học nữ”. Đối với một số nhà văn Nga đương đại, nhất là các nhà văn nữ, việc tìm đến chủ nghĩa hậu hiện đại chủ yếu là nhằm đổi mới lối viết, chú trọng hơn phương diện thẩm mỹ của tác phẩm, nhưng tinh thần hiện thực chủ nghĩa cũng vẫn chiếm vị trí quan trọng trong các sáng tác của họ.
2. Từ những vấn đề lớn về lịch sử văn học nói trên, có thể có những liên hệ với một số vấn đề lý luận phê bình văn học Nga (văn học Xô viết). Hai thành tựu tiêu biểu có thể xem là “đặc sản” của phê bình lý luận văn học Nga hiện đại và có những ảnh hưởng mang tính thế giới – đó là chủ nghĩa hình thức và lý thuyết loại hình lịch sử.
Chủ nghĩa hình thức Nga là một trường phái tồn tại trong các thập niên 1910 – 1930, với những đại diện tiêu biểu như Victor Shklovsky, Yuri Tynyanov, Vladimir Propp, Boris Eichenbaum, Roman Jakobson,… đã tạo nên một nền phê bình mang tính cách tân, chú trọng đến những đặc thù và tính chất tự trị của ngôn ngữ nghệ thuật và văn chương, điều ảnh hưởng lớn đến phê bình hiện đại Âu Mỹ, đặc biệt là chủ nghĩa cấu trúc. Chủ nghĩa hình thức Nga nảy sinh từ thực tiễn sáng tác của các nhà văn, nhà thơ hiện đại chủ nghĩa. Quan niệm nghệ thuật vị nghệ thuật, về “thơ ca tự đủ”, “ngôn từ tự thân”, những cách tân táo bạo về hình thức của họ, đặc biệt là của các nhà thơ vị lai đòi hỏi nhà phê bình cũng phải đổi mới cách tiếp cận các tác phẩm. Cũng như các nhà hiện đại chủ nghĩa trong sáng tác thờ ơ với hiện thực xã hội và có xu hướng duy mỹ, thì phê bình hình thức chủ nghĩa không quan tâm đến phương diện nội dung tư tưởng của tác phẩm. Vào thời Xô viết, trường phái phê bình này bị phê phán. Lev Trotsky trong Văn học và cách mạng (1924) đã cho rằng
“Phương pháp phân tích hình thức là cần thiết, nhưng chưa đủ… Hình thức của nghệ thuật độc lập ở một phạm vi đáng kể, nhưng người nghệ sĩ sáng tạo nên hình thức đó, cũng như người khán giả thưởng thức nó, không phải là cỗ máy trống rỗng để tạo ra hình thức hay tiếp nhận hình thức. Họ là những con người đang sống, với một tâm lý được kết tinh… là kết quả của những điều kiện xã hội”.[1]
Cùng với cáo chung của chủ nghĩa hiện đại trong sáng tác, thì chủ nghĩa hình thức như một trường phái phê bình cũng chấm dứt sự tồn tại của mình ở Nga.
Sự phát triển của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa trong sáng tác song hành với phê bình văn học Marxist của Nga. Nếu chủ nghĩa hiện thực nói chung và chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa nói riêng hướng tới “tái tạo chân thực tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình” (F. Engels), thì phê bình Marxist của Nga chú trọng cách tiếp cận loại hình lịch sử đối với sáng tác văn học – cả hai đều thể hiện nguyên tắc cụ thể lịch sử.[2] Lý thuyết loại hình lịch sử dựa trên quan điểm triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, xem xét văn học như một phạm trù lịch sử, cho rằng những quy luật chung của quá trình phát triển lịch sử cho phép nói tới những quy luật phát triển trên bình diện thế giới của văn học, dù rằng các nền văn học dân tộc có thể đi nhanh hay chậm, sớm hay muộn hơn nhau trong tiến trình đó, và có thể phân chia các hiện tượng văn học theo những loại hình lịch sử khác nhau (như truyền thống hay cổ điển, cận đại, hiện đại).
Lý luận phê bình văn học nảy sinh từ thực tiễn sáng tác. Hai xu hướng phê bình xuất hiện trong hai giai đoạn khác nhau, đối lập nhau – một duy mỹ, một duy lịch sử – tùy từng hoàn cảnh lúc được đề cao, lúc bị phê phán, nhưng nhìn lại trong bức tranh toàn cảnh của cả thế kỷ, chúng bổ sung cho nhau, phản ánh hiện thực phát triển đa dạng, phong phú của văn học Nga hiện đại.
3. Văn học Việt Nam hiện đại, nhất là từ sau cách mạng tháng Tám, tiếp nhận nhiều giá trị của văn học Nga hiện đại, cả trên phương diện sáng tác lẫn phương diện phê bình lý luận, đặc biệt là văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa và lý luận phê bình Marxist. Mặc dù khó nói đến những trường hợp ảnh hưởng trực tiếp của các cá nhân cụ thể, nhưng vẫn có thể thấy nhiều dấu ấn của văn học Nga Xô viết trong văn học viết về đề tài chiến tranh, về nông thôn xã hội chủ nghĩa, văn học về công cuộc đổi mới của Việt Nam. Nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu văn học Việt Nam được đào tạo tại Nga và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Tác phẩm văn học, các giáo trình lịch sử, lý luận văn học của Liên Xô trong nhiều thập kỷ là nguồn tài liệu nước ngoài chủ yếu của Việt Nam. Cả những biến đổi các xu hướng trong sáng tác và phê bình, lý luận văn học Xô viết cũng nhanh chóng tìm thấy sự phản ánh trong đời sống văn học Việt Nam.
Ngày nay, trong bối cảnh hội nhập rộng rãi hơn, vai trò của văn học Nga hiện đại đối với Việt Nam không còn ở vị trí hàng đầu, không còn là “thời thượng” trong biển văn học dịch của thế giới Anh Mỹ, của Trung Quốc, Nhật Bản,… Tuy nhiên, có lẽ không có nền văn học nước ngoài nào (kể cả nền văn học lớn của láng giềng Trung Hoa) mà kinh nghiệm hiện đại của nó lại gần gũi đối với Việt Nam như văn học Nga. Việc nhìn lại những vấn đề của văn học Nga hiện đại cũng giúp nhìn lại những vấn đề và xác định những giá trị của văn học Việt Nam trong thế kỷ XX.
Trích từ: Trần Thị Phương Phương (2018), Văn học Nga hiện đại: những vấn đề lý thuyết và lịch sử, Nxb Văn hóa – Văn nghệ, TPHCM.
[1] Trotsky L., “Trường phái hình thức của thơ ca và chủ nghĩa Marx”, Tài liệu đã dẫn. (http://www.opojaz.ru/critique/trotsky.html)[2] Cả hai khái niệm “типичный” (điển hình) và “типологический” (loại hình) đều bắt nguồn từ gốc từ “тип” – kiểu, loại – đơn vị phân chia hiện thực theo loại hình.
http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/gioi-thieu-sach-bao/7075-văn-học-nga-hiện-đại-những-vấn-đề-lý-thuyết-và-lịch-sử.html