Chuyển thể Văn học – Điện ảnh (Nghiên cứu Liên văn bản)

Share Button

Chuyển thể Văn học – Điện ảnh (Nghiên cứu Liên văn bản)

10/11/2016

Chuyển thể Văn học - Điện ảnh (Nghiên cứu Liên văn bản) Nhóm tác giả: Lê Thị Dương
Nơi xuất bản: Nxb Khoa học xã hội
Nhà xuất bản: 2016
Nơi phát hành: Hà Nội
Lần xuất bản: 1
Ngày xuất bản: 04/12/2015
ISBN: 978-604-944-448-7
Kích thước: 13*20.5, 311
DẪN NHẬP

 

Điện ảnh từ lâu là mảnh đất trú ngụ trọn vẹn cho những mơ mộng của tôi. Từ nhỏ, tôi đã luôn đắm chìm trong những giấc mơ phim ảnh – một cách hồn nhiên và mãnh liệt – thậm chí, có những khoảnh khắc hoàn toàn lạc vào những giấc mơ đó. Nhưng dù sao đó cũng chỉ là những đam mê của một khán giả bình thường. May mắn thay sau này đam mê đó giúp rất nhiều cho công việc nghiên cứu của tôi về mối quan hệ giữa văn học và điện ảnh.

Công việc nghiên cứu đã đòi hỏi ở tôi sự thay đổi, từ chỗ ham thích cảm tính đến chỗ ham thích một cách “có ý thức”. Giá trị nhân văn và chiều kích văn hóa sâu xa của mỗi tác phẩm điện ảnh, vì thế, khiến tôi bận tâm nhiều hơn mức bình thường. Với những tác phẩm điện ảnh được chuyển thể từ văn học, mối bận tâm đó lại gấp đôi lên. Không gì có thể phủ nhận được mối quan hệ lâu bền giữa văn học và điện ảnh. Có thể nói, lịch sử quan hệ giữa chúng là “một lịch sử yêu ghét lẫn lộn, đương đầu và phụ thuộc lẫn nhau. Từ cuối thế kỉ XIX cho tới nay, hai cách nhìn và mô tả thế giới này đã không ít lần xem nhẹ nhau, cứu rỗi nhau, học hỏi từ nhau, và làm méo mó bản ngã tự phong của nhau”[1]. Cùng đó, những nghiên cứu về văn học – điện ảnh cũng ngày càng phong phú, với nhiều giác độ: tiếp nhận mĩ học, so sánh, trần thuật học, thông diễn học, văn hóa học…, mang lại cho chúng tôi một cái nhìn tổng quan sinh động, tất nhiên, cũng có khi rối trí. Trong hàng loạt những hướng nghiên cứu đó, chúng tôi lựa chọn hướng nghiên cứu liên văn bản, không phải bởi tính thời thượng của lí thuyết này, mà hơn hết, ở tính khả dụng của nó trong việc xác định bản chất mối quan hệ giữa văn học và điện ảnh. Chúng tôi nhận thấy những sự chia sẻ, đồng thời, cả những thách thức từ lí thuyết liên văn bản trong việc tiếp cận hiện tượng chuyển thể.

Nhìn một cách tổng thể, liên văn bản (intertextuality) được đánh giá là một trong số những khái niệm quan trọng và có ảnh hưởng nhất trong các lí thuyết văn học thế giới nửa sau thế kỉ XX – đầu thế kỉ XXI. Liên văn bản chú trọng các ảnh hưởng giữa văn bản và các văn bản ngoại tại, tất cả các ngữ cảnh, bất luận là chính trị, lịch sử, xã hội, tâm lí, nghệ thuật đều có thể thành quan hệ “liên văn bản” với văn bản văn học. Sự xuất hiện của lí thuyết liên văn bản vào những năm 60 – 70 của thế kỉ XX đã làm thay đổi căn bản cách hiểu về tác phẩm văn học, về mối quan hệ giữa các yếu tố: nhà văn – tác phẩm – người đọc trước đây. Theo các nhà lí thuyết liên văn bản thì bản chất của văn bản văn học không gì khác là sự xếp chồng các văn bản với nhau, và “bất kì văn bản nào cũng là liên văn bản” (Roland Barthes). Mỗi văn bản đều là sự kết nối của các văn bản khác (nội văn học và ngoại văn học), mỗi văn bản đều là sự hấp thu và chuyển đổi với các văn bản khác. Sự tham chiếu lẫn nhau giữa các văn bản đã hình thành nên một kết cấu mạng lưới có tính mở rộng, cấu thành hệ thống cực lớn bao gồm các văn bản quá khứ, hiện tại, tương lai và quá trình diễn biến của kí hiệu học văn học.

Liên văn bản, với những tính chất nêu trên, hoàn toàn phù hợp với điện ảnh – vốn là một loại hình nghệ thuật tổng hợp. Chúng tôi nhận thấy, việc nghiên cứu hiện tượng chuyển thể từ góc độ liên văn bản, tức nghiên cứu tác phẩm văn chương trong mạng tác phẩm nguồn cũng như tác phẩm cải biên (cải tác) là hướng nghiên cứu mới, dù đang tiến hành ở những bước dạo đầu, song đã cho thấy triển vọng rộng mở. Tiếp tục hướng nghiên cứu này và khai triển thêm phạm vi khảo cứu, theo chúng tôi là cần thiết. Bởi liên văn bản không chỉ phản ánh bản chất của các loại văn bản mà còn cho thấy mối tương tác đa dạng, phức tạp giữa chúng, hiển lộ một bối cảnh văn hóa mà ở đó, các văn bản không ngừng cộng hưởng với nhau, đối thoại với nhau ngày càng sống động. Hơn nữa, cả văn học và điện ảnh đều là những loại hình nghệ thuật phổ biến, có ảnh hưởng lớn trong xã hội nên đòi hỏi phải được nghiên cứu một cách đúng đắn dưới ánh sáng của các lí thuyết hiện đại.

Chuyên luận này được phát triển từ Luận án Tiến sĩ dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS. Trịnh Bá Đĩnh. Đây là những nỗ lực ban đầu còn đầy giới hạn của cá nhân tôi, cùng sự hỗ trợ nhiệt tâm và quý báu của các bậc tiền bối. Mọi sự nhầm lẫn, thiếu sót trong cuốn sách này, chắc chắn là do tôi.

Thực tế, với tôi, đây mới chỉ là những bước đi mang tính “dẫn lộ” để chuẩn bị cho những nghiên cứu sâu hơn về một hiện tượng đầy hấp dẫn nhưng cũng không ít phức tạp như chuyển thể.

 

 


[1] Timothy Corrigan (2013), Điện ảnh và văn học (Nguyễn Thu Hà, Trần Phương Hoàng, Huyền Vũ, Trần Lê Minh chuyển ngữ; Minh Lê hiệu đính), Nxb. Thế giới, Hà Nội, tr. 2.

http://vienvanhoc.vass.gov.vn/noidung/anpham/Lists/AnPham/View_Detail.aspx?ItemID=25

 

Share Button