Cuộc thi luận văn nghiên cứu văn học Nhật Bản – Giải thưởng Inoue Yasushi: Nguyễn Anh Tuấn giành Giải Nhất

Share Button

(HNMO) – Sáng 5.4.2016, tại Hà Nội, đã diễn ra Lễ trao giải Cuộc thi luận văn nghiên cứu văn học Nhật Bản – Giải thưởng Inoue Yasushi. Chương trình do Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam (The Japan Foundation) và Quỹ tưởng nhớ Inoue Yasushi (Inoue Yasushi Memorial Foundation) phối hợp tổ chức.

 Trao Giai Inoue Yasushi
Lễ trao giải Cuộc thi luận văn nghiên cứu văn học Nhật Bản – Giải thưởng Inoue Yasushi.

Cuộc thi đã được phát động từ đầu tháng 11/2015 và đến 31/12/2015, BTC đã nhận được 31 bài luận văn đăng ký tham gia. Các tác giả tham gia cuộc thi không chỉ đang sống tại Việt Nam mà còn có sự tham gia của một số nhà nghiên cứu đang sống tại Nhật Bản đã cho thấy sự quan tâm của đông đảo các nhà nghiên cứu đối với văn học Nhật Bản. Các tác phẩm tham gia cuộc thi là những luận văn, bài nghiên cứu đã được công bố trong vòng 5 năm trở lại đây và cả những luận văn mới chưa được công bố.

Từ các bài luận văn đăng ký tham gia, Ban giám khảo đã chọn ra năm bài luận văn xuất sắc. Kết quả: Giải nhất cuộc thi thuộc về Nguyễn Anh Tuấn với đề tài “Thơ ca của các nữ tác gia trong Manyoshu”; Giải nhì thuộc về Trần Thị Hải Yến với đề tài “Chân tủy của tiểu thuyết” và “Bàn về tiểu thuyết” – Cuộc kiếm tìm bản chất và đường đi cho tiểu thuyết Đông Á thời cận hiện đại”; Giải ba thuộc về Ngô Trà Mi với đề tài “Chẩm thảo tử” của Sei Shonagon trong thể loại tùy bút Nhật Bản”; và hai Giải tư thuộc về Phan Thu Vân với đề tài “Lang tai ký” của Inoue Yasushi: Giấc mộng Tây vực từ văn học đến điện ảnh” và Nguyễn Bích Nhã Trúc với đề tài “Nghệ thuật tự sự tiểu thuyết Murakami Haruki”.

 Giai Nhat
Giải Nhất cuộc thi thuộc về Nguyễn Anh Tuấn với đề tài “Thơ ca của các nữ tác gia trong Manyoshu”

Phát biểu tại Lễ trao giải, nhà nghiên cứu Phan Nhật Chiêu, thành viên Ban giám khảo của cuộc thi nhận xét: “Đây là lần đầu tiên cuộc thi nghiên cứu về Văn học Nhật Bản được tổ chức tại Việt Nam. Cuộc thi có ý nghĩa quan trọng, nhằm quảng bá rộng rãi về nghiên cứu văn học Nhật Bản tại Việt Nam, khích lệ nghiên cứu văn học Nhật Bản, bổ sung nhiều tài liệu tham khảo có chất lượng cho các cơ quan nghiên cứu, đào tạo, gợi lên những vấn đề nghiên cứu văn học Nhật Bản tại Việt Nam. Thông qua đó, cuộc thi đã đóng góp một cách hiệu quả vào việc phát triển quan hệ hợp tác bền vững giữa hai nước. Có thể xem, cuộc thi là một thể nghiệm thành công về nghiên cứu văn học Nhật Bản tại Việt Nam, bước đầu khả quan này sẽ thúc đẩy những cuộc thi kế tiếp và khơi gợi công cuộc khảo cứu văn học Nhật Nản toàn diện hơn, sâu rộng hơn”.

Quỹ Tưởng nhớ Inoue Yasushi (Inoue Yasushi Memorial Foundation) được thành lập vào năm 1992 để tưởng nhớ đến các tác phẩm và theo nguyện vọng của tiểu thuyết gia quá cố người Nhật Bản là Inoue Yasushi. Các hoạt động chính của tổ chức này bao gồm: trao giải thưởng Inoue Yasushi cho cá nhân hoặc tổ chức có đóng góp cho sự phát triển và quảng bá văn hóa Nhật Bản, thực hiện công tác thu thập tài liệu và nghiên cứu chuyên sâu về văn học Nhật Bản và tổ chức các hội thảo giảng dạy về văn học cận đại Nhật Bản.

 Giai Nhi
Giải Nhì thuộc về Trần Thị Hải Yến với đề tài “Chân tủy của tiểu thuyết” và “Bàn về tiểu thuyết” – Cuộc kiếm tìm bản chất và đường đi cho tiểu thuyết Đông Á thời cận hiện đại”

Để khuyến khích nghiên cứu Nhật Bản tại Australia, Giải thưởng Inoue Yasushi đã thành lập Quỹ tiền thưởng tại trưởng đại học Sydney vào năm 2006 và mở rộng đối tượng dành cho các nhà nghiên cứu tại New Zealand từ năm 2008. Cho đến nay, đã có 8 nhà nghiên cứu văn học Nhật Bản được trao giải thưởng Inoue Yasushi.

Về Tiểu thuyết gia Inoue Yasushi người Nhật Bản sinh năm 1907. Ông là một cây viết về rất nhiều thể loại như: tiểu thuyết, tiểu thuyết lịch sử, tùy bút, thơ ca…Đặc biệt, về thể loại tiểu thuyết lịch sử, ông còn khai thác đề tài về lịch sử và văn hóa Trung Quốc qua các tác phẩm như “Đôn Hoàng” (Tun-Huang) và “Mái ngói Tempyo” (The roof tile of Tempy)… Nhiều tác phẩm của ông đã được xây dựng thành phim truyền hình hay phim điện ảnh. Năm 1976, Ông được trao huy chương vì những cống hiến về Văn hóa của Nhật Bản. Từ năm 1981 đến năm 1985, ông là hội trưởng của Hiệp hội tác gia Nhật Bản (Pen Club).

 

 

 

Share Button