Trang chủ

HÌNH TƯỢNG “THẦN” TRONG THƠ HAIKU NHẬT BẢN

Đăng ngày: 1-10-2014, 04:54 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2010 » Số 9

Thơ haiku là thể thơ của Nhật Bản và là thể thơ ngắn nhất thế giới chỉ vỏn vẹn 17 âm tiết theo cấu trúc 3 câu 5 – 7 – 5 âm tiết. Cho đến nay nói đến thơ haiku, ngoài sự ngắn gọn, người ta thường đề cập nhiều về sự u hoài, cô tịch, trầm lắng của tính thẩm mỹ Thiền tông được thể hiện qua lòng yêu thiên nhiên của con người Nhật Bản. Người Nhật tin rằng những năng lực huyền bí tuyệt diệu vận chuyển trong thiên nhiên cũng chuyển động trong chính họ và chính nhờ đó họ đã tìm thấy cảm hứng và nhạy cảm với cái đẹp của vạn vật xung quanh.

 

 

草霞み

Kusa kasumi

Cỏ mờ sương

水に声なき

Mizu ni koe naki

Nước tĩnh lặng

日暮れかな

Higure kana

Ánh chiều tà

 

(Buson)

 

Bài thơ như một bức tranh thủy mặc với không gian và thời gian thiên nhiên rộng mở tràn ngập sắc thái: vẻ đẹp màu xanh của cỏ, tinh khôi của hạt sương, không khí tĩnh lặng không gợn một tiếng sóng của một chiều thu buồn. Hình tượng thể hiện trong thơ mang đầy tính huyễn hoặc bởi sự ngắn gọn hết sức cô đọng nhưng chứa đựng một thế giới bao la bên trong các tầng nghĩa của nó. Che lấp phía sau những quy định tưởng chừng đơn giản như cô đọng, quý ngữ (kigo) giàu tính gợi về thiên nhiên… là tầng tầng lớp lớp các ngữ nghĩa của vạn vật xung quanh để lại cho người đọc thả hồn khám phá. Hình ảnh núi non, sông nước, bầu trời, hoa cỏ cho đến các sinh linh nhỏ bé… trở thành chủ đạo tràn ngập trong không gian và thời gian của thơ haiku, tất cả đều trở thành biểu tượng cho sự gần gũi với vạn vật xung quanh. Tại đây, ta lại bắt gặp nét lung linh huyền ảo linh thiêng và thanh khiết của cảm thức thiên nhiên rất Nhật Bản được ẩn chứa sau những dòng thơ cực kỳ ngắn gọn.

Tính chất sâu sắc của thơ ca khiến huyền thoại cổ đại, bao gồm các câu chuyện thần thoại, trở thành chất liệu quý giá cho văn học, nghệ thuật. Đó là sản phẩm dựa trên sự tưởng tượng, trong sự sinh sôi huyền bí, ban sơ, thần thánh, mơ hồ về nguồn gốc của thế giới, các hiện tượng thiên nhiên là yếu tố cấu thành‎ ‎các ‎‎‎quan niệm nhận thức của con người trong xã hội đó. Và dân tộc nào trên thế giới, ít hoặc nhiều, đều có kho thần thoại riêng của mình về sự hình thành ban đầu của vũ trụ. Mỗi một chi tiết trong tác phẩm, trong mối quan hệ giữa cái biểu đạt trong câu chuyện và cái được biểu đạt có thể khơi gợi các câu chuyện khác nhau. Và huyền thoại đã ra đời trong một quá trình sáng tạo từ sự cảm quan siêu tự nhiên của loài người như thế.

Thần thoại diễn ra trong quá khứ không có thời gian xác định, chứa đựng những yếu tố siêu nhiên và tìm cách kịch hóa hoặc giải thích những vấn đề như sự tạo thành thế giới và con người, những thể chế của quyền lực chính trị, vòng quay của các mùa, sinh tử và số phận. Phần lớn các thần thoại có một thần điện cố định hoặc một trật tự của những thần linh, ít nhiều mang tính nhân thần”(1).

Với thơ haiku, yếu tố huyền thoại không chỉ là những mô-típ “vật hóa” mà phần lớn là “thần hóa”. Với sức mạnh của cú pháp tư duy ẩn dụ, haiku đã chuyển tải huyền thoại Nhật Bản lên mức độ “thần thánh” với những câu chuyện về các vị thần, phủ lên nó không khí thần linh – tôn giáo đậm chất Thiền tông Nhật Bản. Huyền thoại về thần của Nhật Bản có thể còn là những yếu tố có trong tự nhiên và trong con người. Chúng quẩn quanh với những câu chuyện thần thoại được lấy từ Thần đạo và sau này từ đạo Phật. Đó là những câu chuyện giải thích, lý luận về sự xuất hiện của các hiện tượng thiên nhiên và lý giải cho tình yêu và sự sùng bái  thiên nhiên vô bờ bến của người Nhật Bản.

Cổ sự ký (Kojiki), một tác phẩm được viết vào khoảng đầu thế kỷ thứ VIII dựa trên các truyền thuyết dân gian có kể lại rằng:

Ngày xưa, Trời và Đất còn chưa phân chia, Âm Dương chưa khác biệt; tất cả đã tạo thành một cõi hỗn mang giống như quả trứng, ranh giới mơ hồ và bao chứa những mầm mống. Phần trong sáng trải ra thành Trời, còn phần thô nặng thì chìm xuống thành Đất. Phần tinh tuý dễ dàng thành một cơ thể thống nhất, còn sự mạnh mẽ của các yếu tố nặng và thô thì hoàn thành một cách khó khăn hơn. Do vậy mà Trời được hình thành trước, Đất hình thành sau. Sau đó, các kami (thần) được sinh ra giữa Trời và Đất. Đó là vô số các vị thần sống trên Cao Thiên Nguyên (Takanoamahara) như Thần Gió, Thần Cây, Thần Đồng,... và nhất là Nữ Thần Mặt Trời, vị thần có vị trí trung tâm và được coi là tổ tiên của hoàng tộc Nhật Bản. Đối với người Nhật, thần (kami) được xem như cái gì đó thể hiện uy lực của thiên nhiên, là cái vượt lên giới hạn của con người. Kami có khả năng che chở, ban phúc lộc cho con người, nhưng chính kami cũng có thể là những thế lực gieo tai giáng họa. Chính vì vậy mà con người luôn tỏ lòng tôn kính kami và cầu mong được ban cho những điều tốt đẹp.

 

 

挿し木すや

Sashi ki suya

Vừa cắm cây linh thiêng

八百万神

Yaoyorozu kami

tám trăm vạn thần

見そなはす

Misonahasu

Giáng thế

 

Maeda Fura

 

 

(1)Bài thơ đã gói gọn các nguyên tắc cơ bản của haiku là ngắn gọn với quý ngữ “sashiki” ẩn ý về mùa: Giữa Xuân – giữa tháng hai âm lịch. Cây sashiki là loại cây thân mềm, có thể trồng trong nước, chỉ cần dâm cành chiết nhánh. Vì không trồng bằng rễ nên khả năng hấp thụ nước rất kém, thời tiết hanh khô dễ làm cây khô héo vì thiếu nước. Thuận lợi nhất cho cây phát triển khi chiết cành là vào mùa mưa, khí hậu ẩm ướt, độ ẩm không quá cao mà cũng không quá ướt – vốn là điều kiện thiên nhiên ưu đãi để cây cỏ đâm chồi nảy lộc. Một nhánh cây bé nhỏ được cắm xuống sẽ phát triển ra nhiều cành khác, nghĩa là đem đến sự sinh sôi nảy nở của vũ trụ, sự luân hồi của sự sống tái sinh. Nhưng ‎tầng nghĩa của bài thơ không chỉ lắng đọng ở đó, mà trên đó còn là câu chuyện huyền thoại về tín ngưỡng dân gian, và triết lý tôn trọng sức mạnh huyền bí của thiên nhiên. Theo huyền thoại, vào giữa mùa Xuân, nếu chiết cành cây sashiki thì tám triệu vị thần sẽ giáng trần để phù hộ, diệt trừ kẻ ác. Vì thế từ “ki” có nghĩa là “cây”, và “sashi” có nghĩa là “cắm” không chỉ còn đơn thuần là “cắm cây” hay “chiết cành”, mà đã được thần hóa và mang tên một loài cây “sashiki” (tạm dịch là cây linh thiêng). Theo huyền thoại cây sashiki là nơi trú ngụ của vị thần, lá cây xanh mướt, có hương ngây ngất quyến rũ. Vừa cắm cây vừa niệm thần thì các vị thần sẽ xuất hiện dưới gốc cây và phù hộ cho một cuộc sống an lành. Những ảo tưởng và báu vật này (cây sashiki) dùng để nhắc nhở về quyền lực thiêng liêng của thiên nhiên. Sự sáng tạo của câu chuyện huyền thoại đã phản ánh mối liên quan gắn kết chặt chẽ giữa huyền thoại (cây sashiki và các vị thần) và một thế giới hiện thực (tôn trọng thiên nhiên của con người).

Nhưng không phải tất cả các hiện tượng trong tự nhiên đều được gọi là kami, chỉ có những hiện tượng có sức ảnh hưởng lớn đến con người mới có thể là kami như thần mưa, thần gió, thần biển, thần sông, thần sấm… Vì thế niềm tin vào thần thánh cũng như hình ảnh các vị thần luôn tỏa sáng trong văn hóa dân gian và tín ngưỡng Nhật Bản.

Với thế giới vũ trụ, ta gọi là kami ( thần), với sự ảnh hưởng qua lại giữa thiên nhiên ta gọi là rei (linh); trong con người, ta gọi là kokoro (tâm hồn). Vì thế kami là nguồn gốc của vũ trụ, tạo nên mọi sự vật mang cốt lõi của tinh thần. Kami là kokoro (tâm hồn) và tâm hồn là kami (thần). Tất cả những sự biến đổi của tự nhiên, tất cả sự hiện hữu và sự kiện của vũ trụ là nguồn gốc trong hoạt động của kami. Tất cả quy luật tự nhiên đều được thực hiện trong một hoạt động của kami”(2).

 

 

なほ見たし

Naho mitashi

Hừng đông hoa nở

花に明けゆく

hana ni akeyuku

ồ thấy rồi

神の顔

kami no kao

gương mặt Kami (Thần)

 

(Basho)

 

 

(2)Ngày nay nếu người Nhật nghe ai nói “Tôi nhìn thấy Thần” thì đều cho là chuyện ngu xuẩn, vì đó là chuyện của các vị thần linh. Bài thơ trên với quý ngữ akeyuku báo hiệu mùa Xuân – là giai đoạn bình minh, là chu kỳ phục sinh của một chu kỳ, là thời điểm khai hoa nở nhụy. Hình ảnh mà Basho nhìn thấy Thần được biểu đạt như thấy bằng mắt trần nhưng cổ mẫu Thần trong bài thơ được tượng trưng cho vạn vật thiên nhiên mỗi khi Xuân về. Một chớp lóe cảm xúc khi xuân về của Basho: Hoa là cái đẹp – hay Hoa chính là Thần – bởi trong hoa có sự hiện hữu yếu tố của thần linh. Bài thơ đã đi từ nghĩa trực tiếp đến ẩn nghĩa, từ cụ thể đến trừu tượng, xâu chuỗi các ngữ nghĩa lại với nhau sẽ mở ra tầng lớp nghĩa mới. Ý nghĩa trực tiếp của “Thần” được đẩy lùi về phía sau, nhường chỗ cho ẩn ý thâm sâu thu hút sự chú ý của người đọc. “Thần” không hữu hình trong thế giới thực của vườn hoa mà hình tượng ảo về “Thần” đã khơi gợi lại sự sùng bái tôn kính đối với Thần hay đối với thiên nhiên. Có lẽ vì thế mà người Nhật luôn trân trọng và yêu quý thiên nhiên bởi đó là món quà mà thần linh đã ban tặng, là cái mà con người cần phải hết sức tiếp tục vun trồng chăm sóc. Rõ ràng Basho đã thần thánh hóa thiên nhiên, thể hiện sự sùng bái tôn kính đối với “vị thần thiên nhiên”.

Thói quen tôn thờ cái đẹp đưa người Nhật đến với những sáng tạo đôi khi lạ lùng các hoạt động trong cuộc sống như để cảm ơn thiên nhiên, cảm ơn vạn vật. Vào mùa xuân khi cây hoa anh đào nở, người người rủ nhau tụ tập dưới bóng cây để thưởng ngoạn vẻ đẹp vô hồn của những cánh hoa nhỏ bé với giá trị vô giá mà thiên nhiên ban tặng. Hay vào một buổi tối yên tĩnh của tuần đầu mùa thu, Thiên hoàng và hàng ngàn thần dân yên lặng áp tai xuống đất chỉ để lắng nghe tiếng gọi của côn trùng. Thật lạ lùng biết bao! Những tình cảm đó thường được thổi hồn vào haiku tuy vô cùng ngắn gọn nhưng cũng đủ để cho người sáng tác ghi lại một khoảnh khắc quý giá khi con người giao hòa với thiên nhiên huyền bí, và để lại cánh cửa mở cho người đọc bước vào khám phá thi phẩm.

Người Nhật tôn thờ các vị thần thánh tự nhiên như thần mặt trời (vị thần được cho là tổ tiên của Hoàng tộc và các vị thánh khác) để cầu được mùa, xua tan bệnh tật. Những hành động mang tính nghi lễ lúc đầu là những ca khúc, điệu múa, điệu nhảy được người dân múa hát trước thần linh bày tỏ sự cầu nguyện, lòng biết ơn. Khi thơ haiku phát triển, những buổi họp bình thơ được tổ chức định kỳ hàng tháng để chọn các bài thơ hay dâng cúng Thần. Giữa con người và thần linh, giữa thiên nhiên và thánh thần không có sự phân biệt rõ ràng. Hình ảnh của thần linh mà theo tiếng Nhật gọi là kami, sức mạnh của lực lượng siêu nhiên, và tình người vì thế luôn là những đề tài không thể thiếu vắng trong văn hóa nghệ thuật Nhật Bản. Từ các truyền thuyết xa xưa, kami bao gồm cả những vật thể vô tri như con chim, thú vật, cây cối, đại dương, núi non. Bất cứ những gì khác thưởng, được sở hữu bởi lực lượng siêu nhiên, hay những gì gây khiếp sợ đều có thể được gọi là kami. Hoặc đơn giản hơn, người Nhật quan niệm kami là một nơi linh thiêng, huyền bí, kỳ diệu, đầy quyền lực nằm ngoài sự hiểu biết của con người. Người Nhật có cảm quan cá nhân và trực giác về kami như “cái rốn của vũ trụ”, là trung tâm của cõi sinh tồn, mà không cố làm cho rõ rệt kami là cái gì.

 

 

神集ど

Kamitsudo

Các vị thần quy tụ

乗り捨てましし

norisutemashishi

Giáng trần

雲泊まる

Kumo tomaru

Mây ngừng trôi

 

(Takada Choi)

 

 

Kamitsudo” là những lời nguyện cầu hay dùng trong nghi lễ Lễ Rửa tội hoặc viết trong Cổ sự ký, kêu gọi sự hiện diện của các vị thần. Theo truyền thuyết, vào ngày 1 tháng 10 âm lịch hàng năm các vị thần sẽ khởi hành để tập trung tại các đền Izumo – Taisha và nghi lễ này được gọi là kamitsudo (thần tập hợp lại). Bài thơ đã hiện thực hóa truyền thuyết kamitsudo: vần mây là bánh xe chuyên chở các vị thần và dừng lại tại đền Izumo để các vị thần đáp xuống. Lễ hội này đến nay vẫn được tổ chức hàng năm vào đầu tháng 10 âm lịch. Đền Izumo nay được coi là đền thiêng nhất nước Nhật về tình yêu bởi theo truyền thuyết chỉ có nơi đây mới có thần tình yêu(3). Từ xa xưa, người Nhật Bản cổ còn tin vào việc tẩy uế thân xác rất quan trọng đối với các vị thần. Sau này, người Nhật Bản nghĩ rằng thần cũng muốn sự thanh khiết về đạo đức và Đại lễ Rửa tội (Ouharai) tượng trưng cho cả hai. Từ truyền thuyết đó, từ thế kỷ 7 tập tục Lễ Rửa tội được tổ chức vào đêm cuối của tháng 6 và tháng 12 để xua đuổi tà ma, những gì xui xẻo của năm cũ và kamitsudo được biểu trưng để khơi gợi về tập tục này. Nghi lễ này khởi phát từ tập tục từ xa xưa khi chưa có thói quen tắm rửa hàng ngày và không có nước. Vì thế Lễ Rửa tội mang ý nghĩa gột rửa dơ bẩn, phòng ngừa bệnh tật, thay một “áo” mới sạch sẽ trước khi bước vào mùa hè – mùa vi khuẩn sinh sôi. Những tập tục, nghi lễ này xuất hiện nhiều và tồn tại cho đến ngày nay ở Nhật Bản, và thơ haiku cũng không quên khắc họa những khoảnh khắc thiêng liêng đó.

 

 

日の光

Hi no hikari

Ban sáng

今朝や鰯の

kesa ya iwashi no

ánh mặt trời

頭より

kashira yori

rọi đầu cá khô

 

(Buson)

 

(2)Bài thơ mô tả một tập tục khi mùa xuân về. Vào thời điểm này nhiều lễ hội được tổ chức, trong đó có lễ hội Setsubun của mùa xuân (節分: “tiết phân” - sự phân chia giữa các mùa) là ngày trước khi bắt đầu một mùa, hoặc gọi chính xác hơn là ngày Risshun (立春 – lập xuân) được tổ chức vào 3/2 hàng năm. Setsubun không phải là ngày quốc lễ, nhưng được tổ chức trong các đền chùa trên khắp cả nước. Vào ngày này, người Nhật thường tổ chức ném những hạt đậu và gọi là  “Oni-Yari” hoặc “Tsuna” để xua đuổi yêu quái trừ tà. Để chuẩn bị cho ngày ném hạt đậu này, vào đêm hôm trước người Nhật chuẩn bị khay đậu, lá bùa trừ tà “mayoke” và tượng đầu cá iwashi (cá mòi khô) với hai sừng. Vào buổi sáng ngày tiết xuân, người dân vừa ném hạt đậu khắp bốn phương vừa hô to: “Xua tan yêu quái, may mắn bước vào”. Và đầu cá mòi “iwashi no kashira” trở thành qu‎ý ngữ cho các bài thơ haiku báo hiệu mùa xuân đang đến, và tục ném hạt đậu vẫn còn được duy trì cho đến ngày nay.

Những tập tục, lễ hội báo hiệu chuyển mùa như thế là đề tài vô bờ bến của thơ haiku bởi văn hóa truyền thống của Nhật Bản là bức tranh sắc màu về lễ hội. Những câu chuyện huyền thoại về các tập tục lễ hội như lễ hội bé gái hina-matsuri (ngày 3 tháng 3), lễ hội O-Bon (Lễ tảo mộ vào mùa hè), những huyền thoại về biển, về các dòng sông, về Thần và Phật… đã được haiku chuyển hóa một cách tài tình, khéo léo dưới sức mạnh của tư duy ẩn dụ vì vốn haiku phải kiệm lời nhưng biểu đạt được nhiều ‎‎ý. Mối quan hệ không dễ gì nhận ra giữa cái huyền thoại (cái biểu đạt) và cái được biểu đạt (tầng nghĩa) này đã đem lại cho haiku sự lung linh đa nghĩa và một vẻ đẹp cao nhã và tinh tế: “Haiku như một tảng băng trôi, cái đẹp nhất là cái đang nằm bên dưới lớp băng chứ không chỉ là cái đang nổi phía trên mặt nước mà ai cũng thấy”.

 

 

里神楽

Sato kagura

“Thần Nhạc” ở quê

面が笑顔で

men ga egao de

mặt thì cuời

泣けばかなし

nakeba kanashi

vậy mà khóc mới lạ

 

(Ikeda)

 

細き灯に

Hosoki hini

Trong đêm

夜がら雛の

yorugara hinano

ngọn nến nhỏ

光かな

hikari kana

lung linh bé gái hina

 

(Buson)

 

四五人に

Shigo nin ni

Ngày hội O-Bon

月落ちかかる

tsuki ochikakaru

bốn năm người

踊りかな

odori kana

hứng trăng

 

(Buson)

 

象潟や

Kisakata ya

Ở Kisakata

料理何くふ

ryori nani kuu

vào ngày tế lễ

神祭

kami matsuri

chẳng biết có gì ăn

 

(Basho)

 

 

Sự chuyển hóa của huyền thoại đi vào tác phẩm văn học đã đem đến các giá trị nhất định trong sáng tác văn học nhất là khi người sáng tác tiếp cận được với các yếu tố truyền thống văn hóa của một cộng đồng xã hội. Với ý nghĩa đó, phê bình huyền thoại vẫn đáng cần phải được lưu tâm. Các tác phẩm càng sâu sắc, đạt trình độ nghệ thuật cao về chỉnh thể sẽ càng có nhiều tầng lớp ý nghĩa khác nhau từ thấp lên cao, từ cụ thể đến trừu tượng trên nhiều bình diện xã hội, tâm lý, triết học, chính trị, đạo đức, mỹ học... Bóc tách các tầng lớp ý nghĩa từ dễ nhận biết đến các tầng ý nghĩa ẩn giấu bên trong phải chăng là cần phải đi sâu vào ý nghĩa huyền thoại của tác phẩm?

 

NGUYỄN QUỲNH NHƯ

(ThS, Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Aristote (2007), Nghệ thuật thơ ca, Nxb. Lao Động.
  2. Đại học Quốc gia TP.HCM - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Khoa Ngữ văn Báo chí (2007), Huyền thoại và Văn học, Đại học Quốc gia TP.HCM.
  3. Đào Ngọc Chương (2008), Phê bình Huyền thoại, Đại học Quốc gia TP.HCM.
  4. E.M.Meletinsky (2004) (Người dịch : Nho Thìn, Song Mộc), Thi pháp của Huyền thoại,  Đại học Quốc gia Hà Nội.
  5. Nguyễn Phan Cảnh (2006), Ngôn ngữ thơ, Văn học.
  6. Nhật Chiêu (2007),  3000 thế giới thơm, Văn nghệ.
  7. Robert Aitken (1978), A Zen Wave: Basho's Haiku and Zen (Dòng chảy Zen (Thiền): Thơ haiku của Basho và Thiền), Shoemaker & Hoard Washington D.C,  United States of America.
  8. Ueda Kenj (2001), Shinto (Thần Đạo). Jinja-honcho, Japan.
  9. Wm. Theodore de Bary (2001). Sources of Japanese Tradition, Vol.1: From Earliest Times to 1600 (Những nguồn gốc của truyền thống Nhật Bản, Cuốn 1 : Từ những thời kỳ đầu đến năm 1600), Columbia University Press, New York.
  10. Yuki Sawa & Edith Marcombe Shiffert (2007), Haiku Master Buson, White Pine Press, Puffalo, New York.
  11. Konishi Jinichi (2002), 発生から現代まで 俳句の世界 (Thế giới của haiku – từ khởi sinh đến hiện đại ), Kodansha, Japan.
  12. Nami Shibata (1994), 俳句表現の研究 (Nghiên cứu diễn đạt haiku), Daigaku Kyoiku Shuppan, Japan.


(1) Đào Ngọc Chương (2008), Phê bình huyền thoại, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, tr.15.

(2) Wm. Theodore de Bary, 2001:341

(3) Đền thờ Izumo – nơi hai vị thần nam và nữ đã gặp nhau và tạo ra tám hòn đảo chính của Nhật, sinh sản ra hàng triệu vị thần khác.

 

0thảo luận