Trang chủ

CÁC LOẠI KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT TRONG VĂN XUÔI YASUNARI KAWABATA

Đăng ngày: 1-10-2014, 04:47 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2010 » Số 9

Trong văn xuôi của Y.Kawabata, sự biểu hiện của các loại không gian nghệ thuật rất phong phú và đa dạng. Nó luôn gắn liền với nhân vật và các sự kiện nhằm khai thác sâu hơn thế giới nội tâm con người với những biến đổi của tâm lý. Khảo sát văn xuôi của Y.Kawabata, chúng tôi thấy nổi rõ bốn loại không gian nghệ thuật: không gian thiên nhiên vũ trụ; không gian huyền ảo, khúc xạ ảo ảnh; không gian sinh hoạt đời thường và không gian tâm tưởng (tâm trạng hay tâm lý).

1. Không gian thiên nhiên vũ trụ

Không gian thiên nhiên, vũ trụ, nhìn chung là những không gian nhỏ, hẹp được kiến tạo thông qua tầm nhìn của nhân vật. Dường như mọi biểu hiện của không gian ngoại cảnh, chủ yếu được khúc xạ qua lăng kính chủ quan, qua sự cảm nhận của tâm hồn nhân vật và đó cũng chính là cái cớ để tác giả mở rộng những cảm xúc, kích thích những suy nghĩ và diễn biến tâm lý của nhân vật. Không gian thiên nhiên hoà hợp với đời sống nhân vật đồng thời thế giới bên ngoài và thế giới nội tâm nhân vật dường như nhạt nhòa đường ranh. Trong Thuỷ nguyệt, chồng của Kyoko “Không chỉ nhìn thấy mảnh vườn rau bé bỏng trước nhà… mà còn thấy trong gương bầu trời ánh lên sắc bạc, sắc cây in bóng trong gương cũng xanh tươi hơn, còn màu trắng của hoa huệ cũng rực rỡ hơn so với màu thực có”. Một không gian biển vào lúc hoàng hôn qua cảm nhận của bà Muramo thật huyền ảo: “Đến bây giờ tôi vẫn nhớ lại cảnh hoàng hôn đó… Vịnh biển cắt dải núi non thành một hình bán nguyệt… và màu sắc hoàng hôn ở sâu trong vịnh như đậm thêm, rực rỡ hơn. Còn bầu trời mây hôm đó như thấp hơn mọi khi, và đường chân trời gần một cách kỳ lạ, tưởng chừng đàn chim đổi mùa chẳng còn nơi nào mà bay” (Vịnh cánh cung). Không gian thiên nhiên, qua nhân vật “tôi” trong Cánh tay nhằm khơi gợi tâm trạng nhân vật: “Tôi kéo màn nhìn ra. Sương mù hình như đè xuống với một sức mạnh trống rỗng… Sự dày đặc của sương mù có vẻ vô biên, tuy nhiên vượt qua nó có một cái gì đáng sợ đang quằn quại, ngoằn ngoèo… Thỉnh thoảng, tôi có thể nghe tiếng mưa rơi nhẹ, một âm thanh rất êm nhưng không phải sương mù hóa mưa mà chính là sương mù đang nhỏ giọt”. Ở Tiếng gieo xúc xắc ban khuya, một không gian vào mùa anh đào nở thật nên thơ như hoà vào tâm hồn của đôi trai gái đang yêu: “Họ rời cửa hiệu, đi về phía con đê ven sông. Chênh chếch trên triền đê là một lối đi nhỏ trải nhựa trông như là đường đi dạo. Hai bên đường chạy dài hai hàng phong thẳng tắp mới trồng. Trên bờ sông xanh mượt cỏ non, mấy đôi trai gái trẻ măng đang nằm ngả nghiêng”. Trong cảnh sắc của thiên nhiên đất trời, con người cảm nhận được mọi sự luân chuyển và biến đổi của tự nhiên và muốn gửi gắm tâm hồn và những điều tâm sự thầm kín của mình vào cái thế giới bao la đó. Cảnh và người dường như có sự giao hòa. Mỗi biến đổi của cỏ cây, hoa lá cũng để lại những thổn thức trong tâm hồn nhân vật: “Gió thổi suốt đêm làm trụi hết lá cây. Lá rụng xuống gốc cây quây thành một cái vòng tròn trịa… Michiko bỗng nghĩ đến cảnh cô quạnh nhà mình. Đứng trên hành lang nhìn ra xa, quả lựu cũng rất cô đơn, dường như bị người ta quên lãng” (Quả lựu).

Trong tiểu thuyết Xứ tuyết, khung cảnh thiên nhiên vào mùa đông, những đỉnh núi con đường, cây cối và nhà cửa đều được phủ bằng một màu tuyết trắng: “Con đường đóng băng lạnh cứng và thôn xóm đã ngủ yên dưới bầu trời lạnh lẽo. Mặt trăng trông như lưỡi dao đúc trong một khối băng, ánh lên màu xanh thép… Phía xa trên núi, tuyết trắng một màu êm dịu như sữa, trông như phủ một màu khí nhẹ như tơ” (Xứ tuyết). Và vào mùa thu, Shimamura lại lên xứ tuyết lần thứ ba với một tâm trạng thật thoải mái nhưng xen lẫn những nét buồn vì phải xa nơi này. Một không gian thoáng đãng hiện ra theo tầm nhìn của nhân vật như nói hộ tâm trạng của Shimamura: “Rặng núi phô bày những màu sắc phong phú trong ánh nắng đã ngả chiều, chỉ còn là những màu hung đỏ, những màu vàng nhạt… Trước những rặng cây thẳng hàng phía dưới đối diện, từng đám chuồn chuồn nhiều không kể xiết bay lượn trong gió… Chàng ngắm không biết chán bao giờ những thảm hoa màu cánh bạc mà mùa thu đã trải lên các triền núi” (Xứ tuyết).

Qua ký ức của mình về lần cùng người tình đến thành phố Kyoto, hiện lên trước mắt Eguchi là một không gian thật nên thơ tựa như mối tình đẹp đầy lãng mạn của ông. Đó là khao khát của cuộc đời, là sự giao hòa giữa tâm hồn con người với thế giới xung quanh về tình yêu và cái đẹp. Mở ra trong tầm mắt Eguchi “những lá trúc lấp lánh như bạc dưới ánh mặt trời mới mọc và run rẩy trước gió…, những chiếc lá trúc mảnh dẻ, mềm mại giống như dát bạc, cả những đồng trúc cũng như bằng bạc chạm. Ven rừng trúc, những cây gai và cây tóc tiên đang nở hoa…, một dòng suối dưới ánh nắng mặt trời”(1). Nhân vật Eguchi không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp của “những con sóng nhỏ gần bờ lấp lánh phản chiếu ánh mặt trời”, “những bông tuyết rơi lẫn những làn mưa lấp lánh trong luồng ánh sáng” mà cả những “tiếng sấm từ rất xa vọng lại nghe như tiếng bánh xe nghiến trên đường, tiếng sấm họa hoằn mới thấy vào mùa đông” (Người đẹp say ngủ).

Trong Cố đô, bên cạnh những không gian hẹp của “các đường hẻm chật chội có những ngôi nhà đã sạm đen vì cũ kỹ” là không gian những lối mòn, những con đường: “hai bên con đường nhỏ dẫn từ cánh cổng hẹp vào nhà có những bụi hagi trắng đang kỳ nở rộ”. Và mở rộng hơn là không gian của những hồ nước được phủ lên sắc hồng tươi đẹp của hoa anh đào: “Nơi đây, dưới tán lá xanh ngự trị cảnh tranh tối tranh sáng. Mùi lá non và đất ẩm phảng phất… Con đường đã dẫn họ tới một khu vườn rộng có hồ ở giữa. Hồ lớn hơn cái hồ mà họ vừa đi qua. Cảnh vật vụt trở nên sáng sủa nhờ những cây anh đào đầy hoa in bóng trên mặt nước hồ” (Cố đô). Thành phố Kyoto nổi tiếng với những lễ hội bốn mùa, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và những chùa chiền thấp thoáng dưới những tán lá xanh. Ở đây, không gian vũ trụ đã không còn là con đường, góc phố, căn nhà và hồ nước mà vươn ra với chiều rộng của thành phố xinh đẹp, trù phú: “Kyoto là một thành phố lớn với những cây cối đẹp đến sững sờ. Không sao tả được cái tuyệt mỹ nơi khu vườn bao quanh biệt thự hoàng gia cạnh chùa Xingakuin, cánh rừng thông bên hoàng cung, bao nhiêu vạt vườn mênh mang của những ngôi chùa cổ mà ngay cây cối trên các phố xá cũng rất tươi tốt. Những cây liễu rủ ở Kiyamachi và bên bờ sông Takaxe, những con đường trồng liễu dọc các dãy phố Godgio và Horikata thật lạ thường… Cả những cây thông đỏ mọc thành hình bán nguyệt trên Bắc Sơn cũng khiến người ta thán phục”(2). Chính cảnh đẹp tuyệt vời này đã thu hút du khách thập phương tụ họp về đây trong những ngày lễ hội và cũng là nơi hai chị em song sinh Naeko và Chieko tình cờ tìm ra nhau sau mấy chục năm lưu lạc.

Tiếng rền của núi, tâm trạng của nhân vật như hoà nhập vào thiên nhiên đất trời: “Shingo ngước nhìn lên bầu trời. Mặt ông dường như nằm trong một ngọn lửa. Những đám mây hình thù quái dị gợi nghĩ đến những lưỡi lửa mà người ra vẫn dùng để thể hiện thần lửa tự do. Mặt trăng hơi chuyển dịch về phía đông, nơi vừng hồng trên những đám mây, khuôn mặt rực rỡ của chị Hằng bị mây phủ một tấm voan trong suốt. Bầu trời đêm sau cơn bão thăm thẳm như một vực sâu không đáy”. Cảnh vật thiên nhiên cũng giống như Shingo đang ở trong cơn bão lòng với tâm trạng biến động không ngừng. Nó trào lên, cuộn xuống, khoét sâu vào tâm hồn khiến ông quằn quại, day dứt, dằn vặt về quá khứ, nhưng lại mơ hồ về tương lai và lo âu trong hiện tại. Shingo hoang mang về sự tồn tại của mình trong cuộc sống, tâm hồn bị bao phủ bởi một “tấm voan” vô hình và ông cố vùng vẫy nhưng không thoát ra được. Vì thế,  những suy nghĩ của ông trở nên kỳ quặc, biến dị. Sự biến đổi đó thể hiện trong cách nhìn của nhân vật đối với thiên nhiên và không gian bên ngoài và tâm hồn con người với ngoại cảnh hoà nhập đến độ “vô ngôn”.

2. Không gian huyền ảo và khúc xạ ảo ảnh

Trong sáng tác của Y.Kawabata cũng xuất hiện một loại không gian mang tính đặc trưng nữa là không gian huyền ảo và khúc xạ ảo ảnh. Loại không gian này không chỉ thể hiện trong truyện ngắn mà cả trong tiểu thuyết với mức độ ngày càng đậm đặc hơn. Nếu loại không gian thiên nhiên, truyền thống mang tính hướng ngoại thì không gian huyền ảo lại dường như hướng nội. Những không gian huyền ảo của Y.Kawabata là những nơi xa lạ, khó xác định, huyễn hoặc, đầy tính ngẫu hứng, là sa mạc, đảo vắng hay có khi là thiên đường và địa ngục. Những không gian huyễn hoặc xa lạ, không có thực, nhưng xét đến cội nguồn đó là những khát khao, những bí ẩn trong đời thường không đạt được nên nhân vật gửi gắm qua những giấc mơ như một sự giải thoát những uẩn ức tâm lý của mình.

Tiểu thuyết Tiếng rền của núi đưa người đọc vào những không gian xa lạ và những điều huyễn hoặc. Ở chương Giấc mơ về đảo vắng, tác giả đã đưa người  đọc đến một không gian đảo vắng và đại dương bát ngát màu xanh: “Shingo đã nằm mơ thấy Matxusima, vì chưa bao giờ ông tới đó cả. Ông chỉ còn nhớ từng đoạn của giấc mơ, riêng màu xanh của nước biển và những rặng thông trên những hòn đảo ở đó thì đã in sâu vào ký ức ông khiến ông hoàn toàn tin chắc rằng mình đã nằm mơ thấy Matxusima”(3).  Ở Người đẹp say ngủ, không gian huyền ảo hiện ra mà Eguchi như một kẻ mộng du đang lang thang trong không gian tưởng như vô định đó. Eguchi thấy mình đi về nhà sau chuyến du ngoạn trăng mật và thấy ngôi nhà của mình “như bị chìm trong một biển đầy hoa giống như hoa thược dược đang lay động dưới làn gió… Và khi Eguchi ngắm nghía bông to nhất thì một giọt máu rỏ từ cánh hoa xuống”(4). Một giọt máu rơi xuống từ một bông hoa trùng hợp với cô gái đẹp bên ông đã chết là một kết cục về số phận của cái đẹp bị tổn thương. Không gian huyền ảo với những hình ảnh kì quái, đó là không gian của những cảm xúc thực nằm sâu dưới đáy tâm hồn nhân vật chợt bùng lên mãnh liệt. Những bức rèm nhung màu đỏ trong căn phòng người đẹp say ngủ lặp đi lặp lại nhiều lần trong tác phẩm Người đẹp say ngủ tạo nên một không gian ảo ảnh phản chiếu góp phần khai thác sâu hơn những tâm trạng và cảm xúc của nhân vật. Chính những cảm giác phi thực tế vượt lên bản chất vốn có của một thế giới thiên diệu lung linh từ lăng kính khúc xạ, ảo ảnh đã tạo nên kiểu không gian nghệ thuật gương soi. Cái không gian huyền ảo, ma quái đó như kích thích sự tò mò của những người già như Eguchi đến đây thưởng thức cái đẹp. Khi nằm cạnh một cô gái đẹp tuyệt vời với thân hình tròn lẳn, trắng nõn nà đang chìm trong cơn ngủ mê, Eguchi nghĩ đến người đàn bà đầu tiên trong đời ông và bao trùm lên ý nghĩ đó là một không gian phản chiếu màu đỏ hắt ra từ những chiếc rèm nhung. Và “dưới làn ánh sáng mờ ảo, màu đỏ kia bỗng tạo một cảm giác rất mạnh như thể phía trước tấm màn nhung đỏ ấy là một ánh sáng huyền bí, như thể ông lạc vào một thế giới ma quái vậy”(5). Sự phản chiếu của chiếc rèm nhung đỏ tạo ra một không gian huyền ảo của căn phòng, làm cho Eguchi vừa khiếp sợ những hình ảnh ma quái đó nhưng cũng cảm nhận được một vẻ đẹp lung linh, tràn đầy sức sống tươi trẻ toát lên từ thân thể các cô gái.

Ở thể loại truyện ngắn, loại không gian này dường như bàng bạc ở nhiều tác phẩm,  đặc biệt là ở những truyện như Tuyết, Cốt, Bình dễ vỡ, Người đàn bà hóa thân vào lửa, Những quả trứng, Những con rắn, Tình yêu đáng sợ… Trong Tuyết, nhân vật Sankichi có thói quen đến “khách sạn huyền ảo” ở Tokyo từ mồng một đến mồng ba hàng năm và ngủ trong một “căn phòng băng tuyết”. Khi nằm trên giường nhắm mắt lại và chìm vào đáy nỗi khổ đau, thần trí Sankichi tê liệt và sự huyền ảo bắt đầu dâng cao. Anh miên man lạc vào một không gian kỳ thú đẹp lung linh, bao phủ căn phòng là một màu tuyết trắng xóa và ngoài kia cũng bao la một màu tinh khiết của tuyết. Và “một hạt ánh sáng nhỏ như hạt đậu bắt đầu nhảy múa. Những hạt ánh sáng màu vàng nhạt như trong suốt…, và nó biến thành những hạt tuyết… tuyết trở thành bóng của Sankichi rơi mãi xuống tâm hồn Sankichi…, tuyết trở thành những đóa hoa, những bông hoa tuyết cuốn lấy Sankichi”(6). Tuyết trong căn phòng, trên dòng sông, trên dãy núi, ngoài cánh đồng… tất cả tạo thành một không gian tuyết mờ ảo, thanh bạc. Một không gian ảo thoáng qua trong giấc mơ thiêm thiếp của Sankichi đẹp lạ thường, thơ mộng và buồn tẻ. Nhưng rồi nó vụt biến mất bởi “Sankichi trên chiếc giường ấm áp của căn phòng bật máy sưởi 23, 24 độ không cảm thấy sự lạnh giá của cánh đồng tuyết”(7). Trong Người đàn bà hoá thân vào lửa, trên cái nền không gian ở thế giới vô thức: “Phía xa kia, nước hồ toả sáng. Màu sắc như chị ta nhìn vũng nước mưa lâu ngày trên sân chùa xưa vào một đêm trăng. Hàng cây phía bên kia hồ cháy lên trong thinh lặng. Lửa mỗi lúc một rộng ra. Như là có lửa trên núi(8), nhân vật tôi phác họa ra một không gian kỳ thú hơn. Đó là việc cô gái hỏa thiêu trong lửa, hình bóng cô chỉ còn là “một chấm đen trong quầng lửa”. Trong Những quả trứng, không gian con đường, nhà cửa và cả thiên đường hiện lên một cách kỳ ảo: “Con đang mặc một chiếc kimono mỏng, trắng toát… đi xuống một con đường thẳng tắp. Hai bên đường mù sương. Con đường dường như đang trôi và con cũng trôi khi đang đi. Một bà già lạ mặt theo sau con… suốt dọc đường… Những ngôi nhà thắp sáng như doanh trại, tất cả đều màu xám và các cạnh được gọt rũa nhã nhặn… Ngay khi con nghĩ mình đang lên thiên đường thì tỉnh giấc”(9). Căn phòng khách trong Những con rắn lại là một không gian rùng rợn với sự xuất hiện của hai mươi bốn con rắn đủ loại, đủ màu sắc qua giấc mơ của Ineko. Đồng thời với giấc mơ đó, vào chính thời khắc này diễn ra cuộc họp do Kanda chủ trì ở phòng bên cạnh. Thực và mơ, những con rắn và con người…, tất cả tạo nên sự huyền ảo và mang ý nghĩa ám thị.

Như vậy, trong văn xuôi Y.Kawabata, không gian huyền ảo và khúc xạ ảo ảnh trở thành không gian nghệ thuật chủ đạo. Tái hiện lại không gian này trở thành một thủ pháp nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm Y.Kawabata làm cho những câu chuyện thêm ly kỳ, hấp dẫn và lôi cuốn người đọc.

3. Không gian tâm tưởng

Việc nhà văn đào sâu vào tâm hồn nhân vật đến từng ngõ ngách thông qua những biện pháp nghệ thuật đã tạo ra loại không gian tâm tưởng. Nắm bắt được những chuyển động và sắc thái tâm trạng nhân vật, nhà văn tái hiện nó bằng ngòi bút điêu luyện, với cái nhìn tinh tế. Dòng suy tư của nhân vật tuôn chảy suốt chiều dài tác phẩm diễn ra trong tiềm thức tạo nên một mạch ngầm tâm trạng, một không gian tâm tưởng trải dài, rộng mở với hàng loạt những suy tưởng đan cài, chồng chéo phức tạp.

Trò chơi đèn lồng của những đứa trẻ trong đêm cũng kích thích những nghĩ suy của nhân vật về những gì đang diễn ra trong hiện tại: “sẽ tới một ngày, với cậu hình như cả thế giới này tràn ngập loài châu chấu và tôi nghĩ thật đáng tiếc biết bao khi cậu không có cách nào để nhớ được trò đùa giỡn ánh sáng đêm nay, từ cái đèn lồng đẹp lộng lẫy, tên của cậu được viết bằng ánh sáng  xanh là ngực người “bạn gái” (Con châu chấu và con dế đeo chuông). Nhìn bức tranh thiên nhiên với những cảnh đẹp của nước non đất trời đang mở trước mắt, tâm trạng Kyoko diễn biến theo những cung bậc khác nhau: “Kyoko ngước nhìn những ngọn núi chung quanh, lòng dạt dào một cảm xúc khác lạ. Những ngọn núi xanh thẳm cắt hình rõ rệt trên nền trời. Kyoko cảm thấy như được sống lại giữa một thế giới sinh động. Lau khô những giọt nước mắt nóng bỏng giàn giụa trên đôi mắt mình, nàng thong thả tiến về phía ngôi nhà hai vợ chồng nàng cùng chung sống bên nhau. Tiếng dải rừng thưa đã thấm hồng trong bầu trời đỏ rực buổi chiều hôm, tiếng chim sơn tước ríu rít lại vọng đến tai nàng y như chồng nàng còn sống” (Thủy nguyệt). Đất trời nói hộ tâm hồn của Kyoko và không thể tìm lại người xưa đã mất thì những kỷ niệm ngày sống vẫn còn lưu giữ trong trái tim của nàng. Không gian tâm trạng, mạch cảm xúc của nhân vật đi từ chiều hướng ngoại mở ra vùng không gian bao la rồi kết lại theo chiều hướng nội, chiều tâm tưởng với những ý tình man mác, bâng khuâng như gieo vào lòng người một cảm giác êm dịu làm vơi đi nỗi buồn.

Trong tiểu thuyết Cố đô, không gian tâm tưởng thường là không gian hẹp, là những suy tư của nhân vật về triết lí cuộc đời về những đau buồn mất mát của số phận con người. Sự chia lìa tình chị em giữa Chieko và Naeko (hai chị em song sinh) do hoàn cảnh gia đình đã làm cho họ, đặc biệt là Chieko, luôn trăn trở về tình máu mủ và gốc gác của mình. Nỗi niềm day dứt của Chieko thể hiện rất rõ tâm trạng của nàng khi nhìn những sự vật xung quanh mình. Nhìn những bông hoa tím đang nở trên những cành cây phong cao thấp khác nhau, Chieko chạnh lòng “liệu có khi nào hai cây hoa tím trên dưới gặp nhau không? Liệu chúng có biết đến sự tồn tại gặp nhau không? Nhưng với chúng thì các chữ “gặp” và “biết” mang ý nghĩa gì cơ chứ?(10). Ngắm những bông hoa đẹp, Chieko suy tư: “Trong cây phong ẩn giấu nguồn sức mạnh lớn lao biết bao… Than ôi, sức mạnh ở Chieko này thì có hơn gì loài hoa tím nương náu trên thân cây nó. Chao ôi, kìa những đóa hoa tím đã tàn rồi”(11). Tâm trạng của Chieko mở ra cùng với thế giới thiên nhiên tạo ra một không gian tâm trạng có sự giao hòa giữa con người với ngoại cảnh. Những bông hoa tím của cây phong đã trở thành điểm tựa cho những cảm xúc và diễn biến tâm trạng của Chieko. Cũng như những đóa hoa kia, Chieko mong ước được gặp Naeko và những người thân của mình. Nhưng rồi khi đã toại nguyện thì họ không ở bên nhau mà lại xa nhau mỗi người một ngả, trở về cái đích xuất phát ban đầu. Trong Tiếng rền của núi, ở tuổi 62, Shingo cảm nhận một cách rõ ràng về sự già nua của mình. Ông nhìn cuộc sống bằng sự chiêm nghiệm sâu sắc và ý thức được những việc đã và đang xảy ra đối với ông và những người thân. Chính điều đó tạo nên một không gian suy tưởng gắn kết với cuộc đời của Shingo trong dòng chảy của thời gian về cuộc sống, tình yêu, tuổi trẻ và thế giới thiên nhiên đủ sắc màu. Từ những vết thương, mất mát về con cái trong cuộc sống gia đình mà Shingo có những suy tưởng triết lý về cuộc đời: “Cuộc đời của một người cha có được mỹ mãn hay không còn phụ thuộc vào việc con cái ông ta có xây dựng được cuộc sống riêng hạnh phúc hay không nữa. Mà ta thì chưa hãnh diện được về chuyện đó” (Tiếng rền của núi).

Người đẹp say ngủ, không gian hiện thực là một căn phòng ngủ chỉ tám chiếu, nhưng qua những ký ức của tâm hồn Eguchi lần lượt hiện ra những không gian khác nhau, đặc biệt là không gian tâm tưởng của những diễn biến tâm trạng về những kỷ niệm đẹp đã qua. Quá khứ đưa Eguchi về những mối tình thời trai trẻ, nhưng hiện tại lại kéo ông về với tuổi già, mặc dù ông đang nằm cạnh những cô gái trẻ đẹp. Nỗi ám ảnh về tuổi già, lòng tự trọng đã đưa Eguchi về với hiện tại, mọi ham muốn đã tan biến và với ông giờ đây là một khoảng trống của tâm hồn. Một không gian rộng lớn mở ra trong dòng suy nghĩ của nhân vật: “Một cảm giác về khoảng không trống rỗng và tăm tối xâm chiếm tâm hồn ông. Tiếng sóng đập vào vách đá vọng lại từ nơi nào xa lắc. Cũng là do trên bờ không có gió. Ông già Eguchi nghĩ đến những vực thẳm đen ngòm đêm khuya ngoài biển tăm tối” (Người đẹp say ngủ).  Eguchi ý thức được cái giới hạn của cuộc đời, sự bất lực của tuổi già và sức sống của tuổi trẻ. Và qua nhiêu năm từng trải trong cuộc đời, ông mới nghiệm ra đuợc một điều: “Người già đứng trước cái chết. Người trẻ đứng trước tình yêu. Chết thì một lần. Yêu thì không biết bao nhiều bận”. Những suy nghĩ, chiêm nghiệm về cuộc đời, về quy luật của tạo hóa đã tạo nên những dòng suy tưởng mang tính triết lý trong những hồi ức của Eguchi đưa người đọc bước vào một không gian của tâm trạng.

Từ những diễn biến của tâm trạng nhân vật qua những dòng hồi tưởng, không gian tâm tưởng hiện ra dưới những sắc màu khác nhau. Nó góp phần đào sâu thêm thế giới nội tâm nhân vật, mở rộng không gian tác phẩm vào chiều hướng nội và kéo thời gian hành động của nhân vật. Đây cũng là một dạng thức không gian nghệ thuật khá phổ biến trong văn xuôi Y.Kawabata.

4. Không gian sinh hoạt đời thường

Không gian sinh hoạt đời thường và truyền thống Nhật Bản cũng là một loại không gian mà nhà văn Y. Kawabata phản ánh trong những tác phẩm của mình. Nhân vật bao giờ cũng hoạt động trong một thời gian và không gian nhất định. Những không gian sinh hoạt thường gắn với đời sống thường nhật của các nhân vật, mặt khác thể hiện những đặc trưng truyền thống văn hóa của người Nhật Bản. Loại không gian hiện thực này diễn ra hàng ngày đối với những hành động của nhân vật. Đó là những ngôi nhà, khu vườn (Thủy nguyệt); bến tàu, bến cảng (Bến tàu); căn phòng, phòng khách (Người đẹp say ngủ); lữ điếm, lữ quán (Sấm mùa thu); con đê, con đường (Vũ nữ Izu); dòng sông, con suối (Chiếc nhẫn); bầu trời, núi non, biển cả (Miền ánh sáng). Đôi khi không gian sinh hoạt còn là một góc phố, tiệm đồ cổ (Bình dễ vỡ); một vịnh biển hình cánh cung (Vịnh cánh cung); một khu nhà trọ (Tia nắng rạng đông); trên một chiếc xe ngựa (Đôi giày mùa hạ); trên một con tàu (Xứ tuyết); nơi chùa chiền, lễ hội (Cố đô), phòng uống trà đạo (Ngàn cánh hạc)… Tất cả những địa danh, nơi chốn đó là những không gian sinh hoạt luôn gắn với đời sống các nhân vật trong truyện của Kawabata. Nhưng điều nhấn mạnh ở đây là, những không gian (từ nhỏ, hẹp, đến rộng lớn) đều được nhìn qua lăng kính của nhân vật là chủ yếu, một số rất ít không gian do tác giả mô tả ở ngôi thứ ba. Chính điều này làm cho tác phẩm phong phú và đa dạng về nội dung và hình thức thể hiện, tạo nên phong cách đặc sắc của Y.Kawabata. Chúng ta bắt gặp những không gian rất đời thường. Đó là một mảnh vườn nhỏ gắn bó với đôi vợ chồng trẻ: “Kyoko giờ đây ngày ngày vẫn cuốc xới dưới vườn và thích thú đứng ngắm những luống rau này trồng nảy nở tươi tốt, đơm hoa, kết trái… việc chăm sóc mảnh vườn còn gieo vào lòng nàng những niềm hy vọng trong trẻo khả năng chồng nàng sẽ bình phục” (Thủy nguyệt), là biển cả nơi Kasumi gặp một cô gái đẹp: “Hoàng hôn đỏ rực như thể cả thế giới sắp bốc cháy… hoàng hôn đẹp một cách đặc biệt. Vịnh biển cắt dải bờ núi non thành một hình bán nguyệt, giống như cái cung và màu sắc hoàng hôn ở sâu trong vịnh như đậm thêm, rực rỡ hơn” (Vịnh cánh cung), hay “một con sông lớn đổ ra biển...  chảy dọc theo vườn nhà. Nhưng vì có một con đê cao che khuất, nên từ trong nhà không nhìn thấy dòng chảy” (Cao xanh lộng gió), hoặc một buổi trà đạo “tại túp lều dùng cho các buổi trà đạo ở phía trong ngôi đền Engakuji” (Ngàn cánh hạc). Và một không gian sinh hoạt gắn với những lễ hội chùa chiền và những cảnh đẹp thiên nhiên được phản ánh một cách nên thơ trong tiểu thuyết Cố đô. Nếu ở Ngàn cánh hạc, không gian truyền thống Nhật Bản là những quán trà đạo, thì ở Cố đô, không gian này là những sinh hoạt mang tính tâm linh của đời sống văn hoá người Nhật. Những rặng thông ngút ngàn vùng Bắc Sơn trù phú; chùa Yaxaka, chùa Heian Dgingu; lễ hội Ghion… là những biểu hiện của vùng đất cố đô Kyoto còn lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Nhật Bản. Chính “Kyoto là nơi có bao nhiêu chùa cổ Phật giáo và Thần đạo như thế và hầu như không ngày nào là không có hội chùa lớn nhỏ. Cứ trong lịch tháng năm là đủ thấy chả có ngày nào không có ngày lễ”(12). Trong văn hoá đậm đặc màu sắc tâm linh đó,  cố đô Kyoto chính là nơi con người gặp gỡ, chia ly, giao hòa với vạn vật.

Không gian nghệ thuật biểu hiện trong văn xuôi Y.Kawabata rất phong phú và đa dạng. Cùng với những yếu tố khác của thi pháp nghệ thuật, không gian nghệ thuật là một trong những phương tiện quan trọng để tác giả xây dựng nhân vật, cốt truyện… của tác phẩm.

 

HÀ VĂN LƯỠNG

(Đại học Khoa học Huế)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Đào Ngọc Chương (2001), Đọc “Xứ tuyết” nghĩ về cái nhìn huyền ảo của Kawabata Yasunari, Tạp chí Văn, số 15, tháng 6/2001.

2. Đỗ Đức Hiểu (chủ biên - 2004), Từ điển văn học (Bộ mới), NXB Thế giới, Hà Nội.

3. Yasunari Kawabata (1988), Cố đô, NXB Hải Phòng.

4. Yasunari Kawabata (2000), Người đẹp say ngủ và những truyện khác, NXB Hội nhà văn, Hà Nội.

5.Yasunari Kawabata (2005), Tuyển tập tác phẩm, NXB Lao động, Trung tâm văn hóa Đông - Tây, Hà Nội.

6.Yasunari Kawabata (1997), Tiếng rền của núi, NXB Hội nhà văn, Hà Nội.

7.Yasunari Kawabata (1995), Xứ tuyết, NXB Hội nhà văn, Hà Nội.



(1)Yasunari Kawabata (2000), Người đẹp say ngủ và những truyện khác, NXB Hội nhà văn, Hà Nội, tr.345.

(2) Yasunari Kawabata (2005), Tuyển tập tác phẩm, NXB Lao động, Trung tâm văn hóa Đông - Tây, Hà Nội, tr.612.

(3) Yasunari Kawabata (1997), Tiếng rền của núi, NXB Hội nhà văn, Hà Nội, tr.52.

(4) Yasunari Kawabata (2000), Người đẹp say ngủ và những truyện khác, NXB Hội nhà văn, Hà Nội, tr.460-461

(5) Yasunari Kawabata (2000), Người đẹp say ngủ và những truyện khác, NXB Hội nhà văn, Hà Nội, tr.323-324.

(6) Yasunari Kawabata (2005), Tuyển tập tác phẩm, NXB Lao động, Trung tâm văn hóa Đông - Tây, Hà Nội, tr.209.

(7) Yasunari Kawabata (2005), Tuyển tập tác phẩm, NXB Lao động, Trung tâm văn hóa Đông - Tây, Hà Nội, tr.210

(8) Yasunari Kawabata (2005), Tuyển tập tác phẩm, NXB Lao động, Trung tâm văn hóa Đông - Tây, Hà Nội, tr. 119-120.

(9) Yasunari Kawabata (2005), Tuyển tập tác phẩm, NXB Lao động, Trung tâm văn hóa Đông - Tây, Hà Nội, tr. 183-184.

(10) Yasunari Kawabata (2005), Tuyển tập tác phẩm, NXB Lao động, Trung tâm văn hóa Đông - Tây, Hà Nội, tr. 580.

(11) Yasunari Kawabata (2005), Tuyển tập tác phẩm, NXB Lao động, Trung tâm văn hóa Đông - Tây, Hà Nội, tr. 639.

(12) Yasunari Kawabata (2005), Tuyển tập tác phẩm, NXB Lao động, Trung tâm văn hóa Đông - Tây, Hà Nội, tr. 631.

0thảo luận