Ơn và sự đền ơn - những quan niệm truyền thống Nhật Bản nhìn từ truyện cổ tích

28/11/2016

Tiếp xúc với kho tàng truyện cổ tích Nhật Bản, điều mà độc giả nào cũng dễ nhận thấy là sự xuất hiện trở đi trở lại của motif trả ơn... Đã có một số nghiên cứu đề xuất đến vấn đề này[2], mặc dầu vậy chưa có ai quan tâm đến việc lý giải chúng. Ai được nhận ơn? Ai là kẻ ra ơn? Việc “cố sức trả ơn” nói lên điều gì trong văn hóa ứng xử của người Nhật? Mục tiêu của bài viết này là hướng tới trả lời những câu hỏi đó.

ƠN VÀ SỰ ĐỀN ƠN – NHỮNG QUAN NIỆM TRUYỀN THỐNG NHẬT BẢN NHÌN TỪ TRUYỆN CỔ TÍCH

 

Nguyễn Thị Mai Quyên[1]

 

Tiếp xúc với kho tàng truyện cổ tích Nhật Bản, điều mà độc giả nào cũng dễ nhận thấy là sự xuất hiện trở đi trở lại của motif trả ơn. Một con cáo trả ơn người đã cứu nó, một con hạc trả ơn người cho nó trú mưa, con ma trả ơn người giúp đỡ đứa con nó mới sinh, con quỷ nước trả ơn chiếc bánh bột gạo bằng cả mạng sống… Tuy nhiên, bên cạnh sự phong phú ấy, điều làm người đọc ngạc nhiên hơn là sau mỗi hành động ra ơn, kẻ nhận ơn đều tìm cách đền đáp một cách tận lực, thậm chí cách hy sinh tính mạng dường như là sự lựa chọn thường xuyên hơn cả (trong khi nếu tình huống tương tự xảy ra ở những nền văn hóa khác, nhân vật có thể lựa chọn những cách thức đền ơn ít quyết liệt hơn). Đã có một số nghiên cứu đề xuất đến vấn đề này[2], mặc dầu vậy chưa có ai quan tâm đến việc lý giải chúng. Ai được nhận ơn? Ai là kẻ ra ơn? Việc “cố sức trả ơn” nói lên điều gì trong văn hóa ứng xử của người Nhật? Mục tiêu của bài viết này là hướng tới trả lời những câu hỏi đó.

Trong giới hạn bài viết, chúng tôi chọn phạm vi khảo sát là cuốn Tuyển tập truyện cổ tích Nhật Bản[3]. Sở dĩ cuốn này được lựa chọn bởi trong quá trình tập hợp, biên soạn và dịch thuật, dịch giả đã dựa trên hai tiêu chí bao gồm nguồn tư liệu tương đối bao quát[4] và tiêu chí phân bố, theo đó các truyện được chọn trong tuyển tập có vùng phân bố trải hầu khắp các vùng trên đất nước Nhật Bản. Điều này giúp cho mẫu kể mang được tính phổ quát, đặc biệt trong bối cảnh Nhật Bản không phải là quốc gia đa tộc người[5].

Quá trình khảo sát Tuyển tập truyện cổ tích Nhật Bản cho thấy sự xuất hiện của motif trả ơn trong 14 truyện kể. Để thuận tiện cho quá trình khảo sát, bảng thống kê dưới đây là sự hệ thống hóa các yếu tố xung quanh motif này.

 

Bảng thống kê motif trả ơn trong truyện cổ tích Nhật Bản

 

Stt

Tên truyện

Kẻ nhận ơn

Ơn

Kẻ ban ơn

Sự đền ơn

1

Chàng câu cá Ichiemon

Con quỷ nước

Cho rượu

Chàng câu cá

Câu được nhiều cá

2

Con ma của đền Kogenji

con ma đền Kogenji

Cho kẹo bột

Người bán hàng

Giếng nước ngọt

3

Định mệnh cuộc sống

Con quỷ nước

Cho bánh gạo

Đứa trẻ

Tha mạng cho đứa trẻ

4

Những con cua của đền Kanimanji

Những con cua

Cứu mạng

Cô gái

Hy sinh mạng sống để cứu cô gái

 

5

Con cáo và ông lão

Con cáo

Tha mạng

Ông lão

Chết để trả ơn

6

Truyện cổ về cây long não

Quỷ nước

cho bánh gạo

Đứa trẻ

Tha mạng cho đứa trẻ

7

Con yêu tinh mũi dài thích rượu

Tengu

Cho rượu

Jiubei

Cứu mạng Jiubei và cho vàng

8

Con chim sẻ bị cắt lưỡi

Con chim sẻ

Cứu mạng

Ông lão

Cho vàng

9

Urashima Taro

Con rùa

Cứu mạng

Chàng đánh cá

Làm chồng công chúa dưới thủy cung

10

Những chiếc nón lá tặng cho Jizo

Jizo

Tặng nón, khăn

Ông lão nghèo

Sự no đủ mãi mãi

11

Ông lão hoa anh đào

Con chó trắng Shiro

Cứu mạng

Vợ chồng ông lão nghèo

Vàng; cái cối giã bánh thành vàng; hạt tro có phép lạ

12

Cái khăn thần kỳ

Con cáo con

Lấy hộ chùm nho

Ông lão

Cái khăn nghe được tiếng loài vật

13

Con cáo trắng Hachisuke

Con cáo trắng

Cứu mạng

Lãnh chúa

Đưa thư, hy sinh mạng sống bảo vệ lá thư

14

Sự đền ơn của con hạc

Con hạc

Cứu mạng

Chàng trai nghèo

Tự vặt lông làm thảm

 

1. Ơn

 

“Ơn” – người Việt định nghĩa là “điều làm cho người nào đó, mang lại lợi ích, sự tốt đẹp, được bản thân người ấy nhận thức như là cần phải đền đáp”[6]. Dưới thời phong kiến, quan lại “ăn bồng lộc” của vua, họ có nghĩa vụ trung quân để “báo đền ơn vua nợ nước”. Còn đối với mỗi cá nhân, xưa hay nay, nghĩa vụ trực tiếp nhất là làm tròn chữ hiếu để đền ơn cha mẹ có công sinh thành, dưỡng dục. Tuy nói như vậy nhưng có lẽ trên thực tế, từ góc độ của người “nhận ơn”, việc “đền ơn”, “trả ơn” chưa bao giờ được đặt ra một cách rốt ráo như là những chế định xã hội bắt buộc con người phải tuân theo. Về phía người “ra ơn”, bản thân họ có khi chỉ hành động vì “nghĩa hiệp”, xã hội không có quy định nào rằng hành vi đó sẽ được báo đền tương ứng. Truyện Lục Vân Tiên kể chuyện chàng trai họ Lục cứu Kiều Nguyệt Nga khỏi tay bọn cướp, khi nàng bày tỏ lòng mong muốn được trả ơn thì “Vân Tiên nghe nói liền cười/ “Làm ơn há dễ trông người trả ơn/Nay đà rõ đặng nguồn cơn/ Nào ai tính thiệt so hơn làm gì”[7].

Đứng từ góc độ này nhìn sang quan niệm của Nhật Bản có thể thấy tuy cùng nằm trong khu vực Đông Á và chịu ảnh hưởng của Nho giáo Trung Quốc nhưng quan niệm về “ơn” của người Nhật là một hệ thống chằng chéo, phức tạp và nghiêm nhặt hơn rất nhiều. Từ điển mở Wikipedia định nghĩa: “ơn” (恩) là ân điển ban ra từ người khác, việc yêu thương[8]. Giữa thế kỷ XX, khi nghiên cứu về những mẫu hình văn hóa Nhật Bản, Ruth Benedict đã có những khái quát thời bấy giờ được đánh giá là “kinh điển”, và mặc dù trong cách nhìn nhận của bà nhiều điều tỏ ra chưa thực sự hợp lý, song cách nhìn nhận về phạm trù “ơn” vẫn được chấp nhận như là một phất hiện tinh tế từ người “ngoài cuộc: Theo đó “On (恩-おん- on): là những nghĩa vụ phát sinh một cách bị động. Người ta “nhận on” hoặc “mang on”, có nghĩa, “on” là những nghĩa vụ phát sinh từ người nhận bị động”[9]. Như vậy trái với khái niệm “ơn” mang tính chủ động của người Việt, người Nhật luôn phải bị động mang ơn một ai đó, hơn thế nữa, họ bị chế định bởi hai dạng đáp trả là “nghĩa vụ” (義務ーぎむ- gimu)và “tình nghĩa” ( 義理ーぎり-giri[10].

 

2. Sự đền ơn

 

Khi mang ơn một ai, dù ơn đơn giản chỉ là bữa bánh bột gạo (trong truyện Định mệnh cuộc sống hay Truyện cổ về cây long não), một ít rượu sake (Chàng câu cá Ichemon) hay được lấy giúp một chùm nho, thì kẻ mang ơn cũng nhất định phải trả. Đọc truyện Định mệnh cuộc sốngTruyện cổ về cây long não, thoạt tiên người đọc sẽ thấy con quỷ nước – kẻ đáng sợ chuyên dìm chết trẻ con – lại tha mạng cho đứa bé chỉ vì đã trót ăn bánh gạo đến no kềnh bụng dường như là một kết cục khá “buồn cười”, vì thông thường họ sẽ mong chờ một cuộc chiến đấu dành giật sự sống giữa người với quỷ, một mưu mẹo thông minh hay một người anh hùng (hay ít nhất là bố mẹ của đứa trẻ) xuất hiện để cứu chúng. Mở rộng quan sát, câu chuyện tar ơn được lồng trong một truyện khác. Người ăn mày trong Định mệnh cuộc sống tình cờ nghe được cuộc trò chuyện giữa thần Mojin và thần Núi, ông ta biết định mệnh của đứa trẻ con trưởng làng là sẽ chết trong nước, ở con sông gần nhà nó vào ngày 11 tháng 11. Ông ta lặng lẽ rời đi, đến ngày các vị thần đã nói, ông đến gặp cha mẹ đứa trẻ, thuyết phục họ hành động để cứu đứa bé. Truyện kế thúc khi mọi người chạy ra sông và nghe chú bé kể lại sự việc trong sợ hãi, rằng mình đã thoát chết như thế nào. Trong câu chuyện đó, cái “định mệnh” mà ông lão ăn mày nghĩ rằng “không thể cưỡng được” đã “cưỡng được”. Cái gì đã giúp cậu bé chiến thắng định mệnh? Đó là “ơn”. Con quỷ không cưỡng lại được sức hấp dẫn của cái bánh, thằng bé kể: “con quỷ đểu cáng cũng sán đến và lấy một chiếc ăn thử. Nó ăn ngon lành đến nỗi tranh hết cả chỗ bánh còn lại” (Định mệnh cuộc sống). Bằng hành động đó, nó đã nhận một ơn, và nó phải trả. Quy tắc này dường như mọi người Nhật đều thuộc nằm lòng, bởi thế trong Truyện kể về cây long não, người cha của cậu bé tình cờ biết được số mệnh của con trai. Khi đến ngày định mệnh, anh đã cho con mang nhiều thức ăn ngon, đi theo đúng cung đường đã định, đến nơi có quỷ. Bị người cha am tường “giri” đánh bẫy -  con quỷ không cưỡng nổi sự thèm khát trước những thứ thức ăn ngon lành trong hộp đồ ăn của thằng bé. Nó trở thành kẻ bị động mang ơn, và vì đã trót mang ơn, nó phải trả, nhờ vậy thằng bé thoát chết. Cả hai câu chuyện đều có chi tiết con quỷ “phân bua”: “hôm nay mày đã cho tao ăn những chiếc bánh ngọt rất ngon, vì vậy tao nghĩ là tao sẽ tha cho mạng sống của mày” (Định mệnh cuộc sống) hay “Đúng vậy, vì mày dã mang đến cho tao những món ăn ngon lành này, tao sẽ ra hạn cho mày sống đến năm thứ tám mươi tám” (Truyện cổ về cây long não). “Ăn bánh” và “tha mạng”, hai hành động cho và nhận tưởng như không cân xứng nhưng lại rất hợp với logic và truyền thống cư xử của người Nhật. Đặt vào môi trường diễn xướng, khi câu chuyện được kể cho trẻ nhỏ, nó như những bài học khai tâm giúp chúng hiểu về ơn và nghĩa vụ tất yếu khi mang ơn một ai đó.

Trong quan niệm truyền thống Nhật bản, việc trả ơn không chỉ là bắt buộc mà còn phải đúng mức. Ở nhiều câu chuyện, khi “ơn” ở cấp độ cao hơn, liên quan đến mạng sống, thì kẻ trả ơn phải thể hiện sự cố gắng tuyệt đối trong việc báo đền, mà cao nhất và xứng đáng nhất là dùng chính tính mạng mà mình được cứu để đền đáp. Truyện Những con cua của đền Kanimanji, Con cáo và ông lão hay Con cáo trắng Hachisuke kể về kiểu mang ơn này. Cả cua và cáo – những kẻ mang ơn - đều nhận ơn một cách thụ động (khi chúng không hề cầu xin), bởi thế để đáp lại sự giúp đỡ vô tư và to lớn ấy chúng không có cách nào khác là phải tận lực. Người đọc Nhật Bản hẳn vừa lòng với sự trả ơn (bắt buộc và tất yếu) của những con cua. Tuy nhiên nếu điều đó là tất yếu thì vì sao ngôi đền Cua (Kanimanji) lại được xây dựng? Trong trường hợp này, có lẽ cần hiểu ý nghĩa của ngôi đền nằm ở chỗ người Nhật muốn ca ngợi những con cua - kẻ giữ đạo nghĩa - chúng đã nêu tấm gương về kẻ biết giữ đúng “giri”, tương tự như những samurai sẵn sàng làm mọi việc (kể cả từ bỏ hạnh phúc gia đình, dùng khổ nhục kế, tự mổ bụng…)[11] để giữ đúng bổn phận. Kết thúc hai câu chuyện kể xung quanh nhân vật trả ơn là con cáo, người đọc đều thấy hình ảnh cái chết thảm thương. Cái xác của con cáo trắng Hachisuke “bất động, thảm hại (…) nằm vắt ngang trên cái thùng thư như để bảo vệ nó” (Con cáo trắng Hachisuke). Trong truyện Con cáo và ông lão, sau khi trả ơn hết lần này đến lần khác, cuối cùng “trước mặt mọi người là con cáo tội nghiệp mình sũng nước nằm chết nhe răng”. Sau những miêu tả, câu chuyện kết thúc bình thản bằng câu “câu chuyện kết thúc như vậy đấy”, như thể là một tất yếu. Người đọc Nhật bình thản chấp nhận kết thúc, bởi để đền đáp ơn cứu mạng thì hẳn hy sinh mạng sống là việc cần làm. Trong truyện cổ tích Nhật Bản, đối với số phận của kẻ chịu ơn, hẳn sẽ rất khó khăn (nếu như không muốn nói là không thể) tìm thấy một kết thúc có hậu. Con hạc vặt đến trụi cả lông đến rớm máu, những con cua, con cáo chết thảm, bởi đó mới chính là kết cục đáng ca ngợi, đáng ước mơ của những kẻ mang ơn.

 

3. Kẻ đền ơn

 

Xem xét một khía cạnh khác của các câu chuyện kể, người đọc sẽ thấy thú vị khi nhận ra tất cả những kẻ mang ơn đều thuộc về một thế giới khác – thế giới phi nhân, còn đối tượng được trả ơn đều là con người (trong đó chủ yếu là những người nghèo khổ và tốt bụng, chỉ có duy nhất một người được kể là lãnh chúa song cũng được nhấn mạnh là “lãnh chúa tốt bụng”). Và nếu hình dung con người – kẻ làm ơn - là một tập thể thì nửa kia là một tập thể khác bao gồm những con vật mang tính biểu trưng cao trong văn hóa Nhật Bản (như cáo trắng, hạc, rùa hay kappa (quỷ nước)…). Giữa hai tập thể này, thứ được trao đổi là “ơn”. Nhật Bản có rất nhiều tôn giáo cùng song song tồn tại nhưng tôn giáo bản địa gắn với quan niệm “vạn vật hữu linh” có lẽ vẫn gần gũi với tầng lớp bình dân hơn cả. Với những người  nông dân nghèo khó canh tác trên những đồng bằng nhỏ hẹp và cằn cỗi này, điều mà họ mong ước không gì hơn là những hạt gạo tuôn ra không ngừng, những bữa ăn no nê, những thứ vật dụng hàng ngày đủ đầy, sung túc. Và cùng với niềm tin vào sự tồn tại của các vị thần bản địa, họ tìm cách “trao đổi” với thần. Cách thức trao đổi là làm việc gì giúp ai đó - ở đây là giúp những đối tượng của thế giới thần linh, bởi họ tin tất yếu ơn huệ đó sẽ được trả lại. Cha con ông lão nghèo trong chuyện Những con cua đền Kanimanji, ngoài việc rất sùng đạo và luôn tôn thờ thần Myso còn là những người thấm nhuần quy tắc của “ơn”. Tất nhiên khi cô gái cứu những con cua, cô ta không mong được trả ơn, nhưng người kể lại câu chuyện thì có. Anh ta biết hành động kia của cô gái theo truyền thống nhất định sẽ được đáp trả, và vì thế câu chuyện về con rắn được kể tiếp ở phần sau, đưa cô gái vào tình huống cần được trả ơn.  Macel Mauss khi viết Luận về biếu tặng đã rất có lý khi cho rằng sự trao đổi nơi các xã hội cổ sơ “hoàn toàn không ở vào trạng thái tự nhiên về mặt luật lệ cũng như về mặt kinh tế”[12] như nhiều nhà nghiên cứu lầm tưởng. Trong các xã hội ấy, “không phải các cá nhân, mà chính là các tập thể bắt buộc lẫn nhau, trao đổi và giao ước”[13]. Người Nhật tin ở thần linh, nhưng họ không chỉ cầu xin “ơn” từ phía thần linh bởi nếu làm điều đó, họ chẳng thể nào báo đáp ơn theo nghĩa vụ (giri) quy định. Vậy cách duy nhất để mong nhận được “quà tặng” từ các vị thần, đó là họ phải hành động, ra ơn. Bằng cách này, hai tập thể/thế giới người – thần đã tiến hành những trao đổi/biếu tặng. Ông lão nghèo tặng cho các Jizo (những pho tượng đá địa tạng được người Nhật thờ ngay bên cạnh lối đi) món quà là những chiếc nón lá và chiếc khăn duy nhất với tất cả sự chân tình trong khi ông và bà vợ chẳng còn gì – cả gạo, củi và áo ấm - trong đêm chờ năm mới. Cũng như cô gái đã cứu những con cua, hẳn ông không mong sự trả ơn, thậm chí khi đã thể hiện sự tận tâm bằng cách trao cho pho tượng nhỏ bé chiếc khăn của mình, “bây giờ ông mới yên tâm và cảm thấy vui hơn. Dường như trên đời chẳng có gì làm cho ông cảm thấy lo lắng cả”. Nhưng những người kể chuyện không nghĩ vậy. Họ - những người nông dân nghèo khổ chẳng hề có chút thức ăn nào trong đêm đợi chờ năm mới – luôn trông mong vào phép màu, có thể cũng đang ngồi bên bếp lửa với cái bụng đói meo, kể câu chuyện và chờ đợi phép màu. Họ tin hành động vô tư của ông lão sẽ được đáp trả, và cái kết của câu chuyện nói lên tất cả niềm tin cùng ước mơ đó.

Với người Nhật, ơn và nghĩa vụ (giri/gimu) là những khái niệm đạo đức nằm trong một hệ thống phức tạp và có liên quan đến nhiều quan hệ xã hội khác, chi phối cách thức hành xử của con người trong mọi hoàn cảnh. Truyện cổ tích Nhật Bản nói như Nguyễn Thị Bích Hà “là bức phác họa chân dung” của dân tộc Nhật. Ở đó, ơn nghĩa (ơn và nghĩa vụ) được đề cao nói lên phần nào vẻ đẹp trong văn hóa ứng xử của người Nhật.

 


[1] Th.s Viện Văn học

[2] Xem  Nguyễn Bích Hà (1999), Truyện Cổ Tích Nhật Bản, NXB Đại Học Quốc Gia; Lưu Thị Hồng Việt, Một số điểm tương đồng về nghệ thuật trong truyện cổ tích Hàn QUốc – Nhật Bản, Tạp chí Khoa học, Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Số 49 năm 2013

[3] Nguyễn Bích Hà, Sđd

[4] Tư liệu được dịch giả lựa chọn từ các cuốn: Japanese fairy tales, do Iwaya Sazanami kể, Hokuseido Press xuất bản tại Nhật Bản, 1994; Japanese  folkltales do N. Muramaru kể, Yohan Publications xuất bản tại Nhật Bản, 1994; One upon a time in Japan, do Sayumi Kawauchi kể, Kodansha Publishers xuất bản tại Nhật Bản, lần thứ 10, năm 1994; Tales of old Japan, do A.B. Mitford (Lord Redesdale) Rutland, Vermont và Tokyo xuất bản tại Nhật Bản, lần thứ hai, 1968. Xem Nguyễn Thị Bích Hà, Tuyển tập truyện cổ tích Nhật Bản, Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội, 1999

[5] Về tính đồng nhất trong cơ cấu tộc người của Nhật Bản xem: Vũ Ninh Giang, So sánh văn hóa Đông Á và Đông Nam Á (trường hợp Nhật Bản và Việt Nam), Văn hóa Nghệ thuật.-2004.-Số 2.-Tr.4-11

[6] Viện khoa học xã hội Việt nam – Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt, Nxb Trung tâm từ điển ngôn ngữ Việt Nam, H, 1992, trang 750

[7] Nguyễn Đình Chiểu, Lục Vân Tiên, B.s: Vũ Đình Liên, Nguyễn Sỹ Lâm, Nxb Văn học, 1997

[8] https://ja.wikipedia.org/wiki/%E6%81%A9: 恩(おん)とは、他の人から与えられた恵み、いつくしみのこと

[9] Ruth Benedict, Hoa cúc và gươm những mẫu hình văn hóa Nhật Bản, Thành Khang- Diễm Quỳnh dịch, Nxb Hồng Đức, 2016, trang 158

[10] “A. Gimu (nghĩa vụ). Dù đền đáp thế nào cũng không bao giờ đền đáp hết và không có giới hạn về thời gian.

chu (trung): nghĩa vụ đối với thiên hoàng, luật pháp, đất nước.

ko (hiếu). Nghĩa vụ đối với cha mẹ và tổ tiên (bao gồm cả đối với con cháu).

nimmu: nghĩa vụ đối với người khác

B. Giri (tình nghĩa). Những món nợ này được xem là phải được trả với sự tương đương về số lượng so với ân huệ được nhận và có giá trị về thời gian

1. giri đối với thế giới

Nghĩa vụ với đại danh

Nghĩa vụ với gia đình thân thuộc

Nghĩa vụ với những người không có mối liên hệ vì on đã nhận, ví dụ, một món quà hay một khoản tiền, một ân huệ, một công việc đã đóng góp (giống như một “nhóm làm việc”

Nghĩa vụ với những người không liên quan mật thiết (cô dì, chú bác, cháu) do on đã nhận không phải từ họ mà là từ tổ tiên chung

[11] Câu chuyện về 47 lãng nhân từ thời Edo ngày nay vẫn được người Nhật yêu thích. Đó là truyện kể về những người hy sinh gia đình, danh dự và tính mạng của mình để giữ đúng giri, đền ơn cho chủ. Rất nhiều bộ phim điện ảnh hiện đại vẫn được xây dựng xung quanh đề tài này. Xem: http://www.holyshare.com.tw/star/index/articleid/21435/

[12], 13 Marcel Mauss Luận về biếu tặng – Hình thức và lý do của sự trao đổi trong các xã hội cổ sơ, Nguyễn Tùng dịch, NXB Tri thức 2011, tr 183

 

Các tin đã đưa ngày: