Song đề của “mỹ học tiếp nhận”

Share Button

     Cách đây hai trăm, vào năm 1776, Sébastien Mercier, một nhà lý luận kịch và sân khấu hết sức quen biết đối với giới trí thức Đức lúc bấy giờ, cho xuất bản tập Luận về việc đọc sách. Trong đó ông ta nói rằng “quần chúng độc giả” vừa mới đây đã tuyên chiến với “các tác giả.”1

Hai mươi năm sau, giữa Weimar và Jena thường xuyên có những cuộc trao đổi thư từ qua lại. Người viết những bức thư ấy là Goethe và Schlller. Khi Brecht đọc những bức thư này, ông liền quả quyết rằng có một “âm mưu cao quý nhằm chống lại công chúng.”2

      Hậu quả của sự câu kết bí mật ấy để chống lại những người đọc xâm lấn kia mọi người đều đã biết. Người ta đẩy lên hàng đầu những người như Kotzebue và August Lafontaine, và trong thời kỳ đó, quần chúng độc giả bị đặt đối lập với một người đọc lý tưởng, kẻ biết kính trọng cái giá trị tự thân của những sản phẩm nghệ thuật. Những sản phẩm mà người ta cũng đồng thời hy vọng rằng từ bản thân chúng có lúc chúng sinh ra được người đọc lý tưởng kia với tư cách là một sinh vật thực sự.

Như vậy là những thế lực cho đến ngày hôm nay vẫn đối đầu nhau trên bãi chiến trường văn học, mà khi thì thế lực này khi thì thế lực kia giành được chiến thắng, đã hoàn toàn được tập hợp lại: một bên là tác giả với tư cách là kẻ sáng tạo đang trên đường tìm kiếm một người đọc tương đắc; một bên là tác giả với tư cách là người viết văn đang thỏa mãn những nhu cầu thấp kém của những người đọc hiện thực; một bên là tác phẩm có nguồn gốc cao quý tự xem mình là một cá tính toàn vẹn; một bên là tác phẩm có nguồn gốc thấp hèn mang hình dáng của một kẻ tôi đòi và đang cố gắng làm vừa lòng ông hoàng khách hàng người đọc; và cuối cùng là mỹ học văn học, mà rõ ràng là do tính tình xốc nổi hoặc không cưỡng được sự ham muốn tạp hôn, nên khi thì ngã vào vòng tay của kẻ sáng tạo, khi khác lại ngã vào vòng tay của người viết văn, ở nơi này thì hiến thân cho những tác phẩm quý tộc, ở nơi kia lại dâng mình cho những tác phẩm dân chủ và không biết kiềm chế để chẳng những khi thì ngoặc với người đọc tinh thần mà còn khi khác lại ngoặc với người đọc hiện thực.

Dù cho tình trạng chiến tranh ấy cho đến ngày hôm nay vẫn chưa chấm dứt thì giữa lúc đó chúng ta vẫn luôn luôn biết được rằng do đâu mà chiến cuộc lúc lúc lại bùng lên và những nguyên nhân nào quy định sự may mắn trong chiến cuộc luôn luôn sang tay của các bên quần nhau trong ấy, hay nói đúng hơn: chúng ta có thể biết được.

Những nguyên nhân ấy có gốc rễ trong tiến trình xã hội hóa các mối quan hệ văn học. Tiến trình này nảy nở trong sự tách rời nhau của lĩnh vực sản xuất+) văn họcvà lĩnh vực tiếp

+)Nguyên văn Produktion. Từ này có thể dịch là sáng tác.Ở đây chúng tôi vẫn dịch thẳng là sản xuất vì: a)để giữ nguyên cái dãy các thuật ngữ: sản xuất, lưu thông phân phối, trao đổi, tiếp nhận (tiêu dùng);b)ở đâ y, về mặt phương pháp luận, tác giả dựa vào sự phân tích của Mác về mối quan hệ biện chứng giữa sản xuất và tiêu dùng (nói chung) cũng như dựa vào những ý kiến của Mác và Ănghen nói về “sự sản xuất những tư tưởng, biểu tượng và ý thức”, “sự sản xuất tinh thần, như vẫn thấy thể hiện trong ngôn ngữ chính trị, luật pháp, đạo đức, tôn giáo, siêu hình học”,v.v.(ND).  

nhận văn học, những lĩnh vực mà trong những cộng đồng thi ca được tổ chức theo lối cung đình và đẳng cấp vẫn còn tiếp cận với nhau trong việc nhìn nhận chính những quy tắc thẩm mỹ và những quy luật phong cách ấy. Giữa hai lĩnh vực này đã chen vào một lĩnh vực ngày càng bành trướng, lĩnh vực lưu thông văn học, lĩnh vực trao đổi và buôn bán hàng hóa văn học mà sự tồn tại của nó, nói chung, mới làm cho sự nhận thức mối quan hệ qua lại giữa sản xuất và tiếp nhận trở thành có vấn đề và do đó cũng đồng thời tạo tiền đề cho việc dành ưu tiên hoặc cho tác giả, những người giờ đây bi bắt buộc phải viết cho một công chúng vô danh mà mình chỉ có thể với tới được thông qua thị trường; hoặc cho độc giả, những người trong tính cách vô danh của mình bị buộc phải che đậy nhu cầu đọc của mình bằng một con đường vòng đi qua cùng một chỗ ấy; hoặc cho tac phẩm, những tác phẩm mà trong lĩnh vực lưu thông đã bị tách ra khỏi những tiến trình sản xuất và tiếp nhận chúng, dường như có một    đời sống độc lập.

Người ta có thể đọc thấy được ở thời kỳ Khai sáng sự tác động có tính chất giải phóng nào đối với văn học đã xuất phát từ những thể chế ngoài văn học, những thể chế đã làm nổ tung những mối quan hệ thông tin văn học có tầm quan trọng hạn hẹp, đã xóa bỏ những mối quan hệ phụ thuộc về cá nhân và mỹ học văn học có tính chất tiêu biểu đối với chế độ Mạnh Thường Quân văn nghệ +) và những mỹ học về các quy tắc của văn học nhân đạo chủ nghĩa và đã tạo ra nhà văn tự do, tác phẩm tự do và người đọc tự do. Nhưng trên chóp đỉnh của sự phát triển sức mạnh của nó, nó cũng đã ý thức được những quy luật dị biệt mới lạ mà nhờ vào đó nó mới vươn lên được. Thay vào chỗ những mối quan hệ phụ thuộc trực tiếp và do đó có thể thấy rõ được giữa sản xuất và tiếp nhận là những mối quan hệ phụ thuộc gián tiếp biểu hiện ra trước hết trong cái số phận không thể nào biết trước được đã đến với tác phẩm trong cai khoảng độ++)  mà nói chung nhờ có nó mới tạo được điều kiện cho một sự thông tin văn học mở rộng. Những quan điểm về sự tự trị hình thành ra trước hết ở nước Đức trong những điều kiện mà ở đây không bàn đến, chỉ trở nên dễ hiểu trên cái nền của những quy luật dị biệt này, được xây dựng trong lĩnh vực lưu thông. Chúng có thể có giá trị như là sự biểu lộ về mặt lý luận một thực tế mà trong đó việc tạo ra tác phẩm cho một thị trường văn học vô danh đã trở thành một trường hợp bình thường của sự sản xuất nghệ thuật, hay nói theo lời của Các Mác, mà trong đó “sản xuất nghệ thuật”đã được xác lập “như chính bản thân nó”3. Những sự phỉnh nịnh mà mối liên hệ giữa những quy luật dị biệt và sự tự trị đã phải gánh chịu trên con đường đi đến tìm hiểu nó về mặt lý luận đã trở nên rõ ràng trong việc cụ thể hóa về mặt thẩm mỹ tác giả thành kẻ sáng tạo, việc tạo ra tác phẩm thành hành động sáng tạo, tác phẩm thành một giá trị nội tại và người đọc thành một người nhận lý tưởng có tính chất hư tưởng. Như Martin Fontius đã chỉ ra, những tiến trình này có thể chứng minh được một cách chính xác, chẳng hạn như trong mỹ học của Karl Philipp Moritz. Về nhiều mặt, mỹ học này có tính chất cơ bản đối với thời kỳ văn học cổ điển-lãng mạn4. Việc tách rời cái có tính chất xã hội với cái có tính chất thẩm mỹ, cái hữu ích với cái đẹp, giá trị sử dụng với giá trị riêng, chức năng xã hội với chức năng thẩm mỹ của văn học, lối quan sát theo xã hội học với lối quan sát

+) Nguyên văn: Maezenatentum: Chế độ đỡ đầu văn nghệ, theo tên của nhà chính trị La Mã rất ủng hộ văn học nghệ thuật là Mécène (ND).

++) Đây là cái khoảng cách mà tác phẩm trải qua sau khi đã được sáng tác xong nhưng chưa đượcngười đọc hiện thực tiếp nhận (ND).

theo mỹ học văn học – những mâu thuẩn này và cả những mâu thuẩn khác  mà ngày hôm nay ngự trị một cách sâu rộng các cuộc tranh luận về lý luận văn học, có thể hiểu được ở đây ngay tận nguồn cội của nó.

Nếu như việc viết lịch sử văn học và lý luận văn học về sau này cùng với những động cơ tư tưởng phụ thêm đã hùa với âm mưu chống lại công chúng, thì điều đó cũng chỉ đươc xem như là một sự “áp bức” người đọc trong nghĩa bóng5. Đúng hơn, chúng ta nên nói đến một sự lấn áp: Sức mạnh thực tiễn của lĩnh vực lưu thông ngoài văn học, tức là được cấu tạo theo kinh tế, có thể nhận thấy rõ rệt trong mối liên hệ với lĩnh vực tiếp nhận hơn là trong mối liên hệ với lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực mà sức kháng cự của nó chống lại việc thị trường hóa văn học dù sao cũng đã đươc thể hiện qua việc tạo ra ngày càng nhiều những tác phẩm không phải được viết cho công chúng người đọc hiện thực mà nhằm chống lại công chúng ấy. Những mưu toan nhằm bảo vệ cái giá trị tự thân của văn học chống lại các yếu tố chịu sự quy định của những quy luật dị biệt, do đó đã đươc đặt thành vấn đề ở lĩnh vực sản xuất. Trong khi đó phía bên kia lại bị biến thành một thứ cấm kỵ coi như là đối tượng của sự phản tư minh bạch. Đương nhiên không phải là tuyệt đối như trương hợp của Scherer và sau này của Schuecking và sau này nữa của Auerbach ở nước Đức đã cho thấy. Song cũng thật triệt để đến nỗi những khuynh hướng ngược lại không thể ảnh hưởng được đến cái chiều hương chung6. Trươc bức rào chắn mà các trường phái khoa học tinh thần thiên về lịch sử đã dựng lên giữa lịch sử văn học và giá trị hiện thời của nó, vấn đề tiếp nhận đã teo lại thành một thứ ngôn ngữ đối thoại có tính cách luận chứng của nhà giải thích tác phẩm chuyên nghiệp với một quy tắc chọn lựa tác phẩm nhằm vào mục đích này.

Tuy nhiên không nên từ sự thu hẹp ấy mà kết luận rằng cái cực đã bị bỏ trống trong lý luận không còn là một điểm tựa bí mật của sự cụ thể hóa mỹ học sản xuất và mỹ học về tác phẩm. Lotman đã cho thấy rằng cả những mối liên hệ không được vật chất hóa cũng thuộc vào bản văn, nếu như những mối liên hệ đã đươc thực hiện được phát họa trên cái nền của một bản văn, nó làm cho ngươi ta nhận thấy được sự kiếm khuyết của chúng và do đó có thể đọc ra được những mối liên hệ không được vật chất hóa trong một hệ thống “phương pháp trừ”7

     Những công trình đã giúp cho khoa nghiên cứu văn học tái phát hiện ra người đọc chỉ được chính khoa nghiên cứu văn học tạo ra một phần rất nhỏ. Những công trình ấy đã được ngôn ngữ học, xã hội học, lý thuyết ký hiệu, lý thuyết thông tin và một phần cũng được cả triết học, nếu người ta nghĩ đến Sartre, Ingarden và Gadamer, cung cấp cho nó.

Một cách khá chắc chắn người ta cũng có thể cho rằng cả phong trào làm gián đoạn mô hình chủ nghĩa lịch sử của Ranke bắt đầu vào những năm sáu mươi trong khoa viết lịch sử ở Tây Đức cũng có vai trò của nó trong việc dựng lên cái sườn liên hệ. Nó tạo điều kiện cho lý luận văn học và lịch sử văn học đọc lại với tính cách tự phê bình những công trình như vậy của mình, vốn xem người đọc như một khoảng trống.

Giữa lúc đó thì từ cái lực lượng bí mật kia, cái lực lượng vẫn luôn luôn chứa đựng trong nó người đọc như là một điểm tựa của sự hình thành lý luận, đã trở thành một lực lượng công khai. Nếu chúng ta đảo ngược hệ thống phương pháp – đọc – trừ, thì từ cái thế trội giờ đây đã xuất hiện của việc nghiên cứu tiếp nhãn, chúng ta có thể kết luận rằng trong mối quan hệ hiện thời giữa tác giả hiện thực và người đọc hiện thực, vị trí của các tác giả đã trở thành có vấn đề đến mức làm nổi lên những ý hướng lấn áp, nhưng giờ đây không phải là lấn áp cực tiếp nhận thẩm mỹ mà là cực sản xuất thẩm mỹ. Chẳng phải là vấn đề “viết”, mà hiện nay đang được thảo luận khá sôi nổi ở Pháp và xoay quanh vị trí của người sản xuất văn học trong “thế giới cuộc sống” ngày nay, hình như được xem hơi quá vội vã như một thứ thuần túy siêu hình đó sao8.

Khối lượng những công trình nghiên cứu lịch sử tiếp nhậnvà lịch sử tác động chứng tỏ rằng nhiều nhà ngữ văn đã xem sự xuất hiện của người đọc, dù cho đó là người đọc “tiềm ẩn” hay người đọc “hiển hiện”, và sự xuất hiện của tiếp nhận – với tư cách là những đối tượng nghiên cứu, như là một sự giải thoát ra khỏi cái tình trạng hảo huyền của những tập quán giải thích theo chủ nghĩa lịch sử, chủ nghĩa thực chứng hay chủ nghĩa hình thức. Song bảo rằng điều đó báo hiệu một buổi bình minh của một sự “thay đổi hệ hình” khoa học như vừa mới đây người ta dự đoán và cũng hết sức hy vọng, thì tôi dám nghi ngờ.

Tôi chẳng nhìn thấy rõ lắm một sự thay đổi hệ hình khoa học hơn là sự dao động của một con lắc. Thay vào chỗ nghiên cứu lịch sử hình thành, giờ đây người ta nhiên cứu lịch sử tác động hay lịch sử tiếp nhận, thay vào chỗ nghiên cứu tác giả, người ta nghiên cứu người đọc, thay vào chỗ phân tích tác phẩm là phân tích công chúng, thay vào chỗ mỹ học biểu hiện là mỹ học ấn tượng và thay vào chỗ mỹ học sản xuất là mỹ học tiếp nhận: hệ hình vẫn chỉ là cái hệ hình ấy, duy chỉ có chỗ đứng để quan sát là đã đảo ngược; và người ta đã có thể tính đến cái thời điểm mà nhiều người rồi sẽ mong muốn là cuối cùng sẽ lại được giải thoát ra khỏi cái tình trạng hão huyền,

Nói rằng từ sự thay đổi hệ hình mà người ta hy vọng chỉ là sự dao động của con lắc, điều đó chắc chắn có nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân đó, theo tôi, là ở chỗ mỹ học tiếp nhận, một mỹ học đã đóng một vai trò khá quan trọng trong việc giải phóng người đọc, đã tự mình cho đến giờ vẫn bỏ rơi việc định nghĩa mối liên hệ qua lại giữa các vấn đề mà nó chú trọng một cách đúng đắn với những vấn đề của mỹ học sản xuất và mỹ học thể hiện. Hay nói rõ hơn: thực tế là mỹ học tiếp nhận phải đặt cơ sở ở mỹ học sản xuất nếu về phía mình nó muốn làm cơ sở cho mỹ học sản xuất, thực tế đó đương nhiên mới chỉ được suy nghĩ đến một cách kín đáo và ở những chỗ mà mỹ học tiếp nhận xây dựng ý thức về “tính chất bộ phận” của mình, nó cũng chỉ được trình bày một cách kín đáo mà chưa được nâng lên thành một vấn đề lý luận một cách rõ rệt10.

Trước khi đi sâu hơn vào vấn đề này, tôi muốn bàn đến những vấn đề đang đặt ra trước lý luận văn học mácxit có liên quan đếnnhững điều nói đến ở đây.

Đối với lý luận văn học mácxit thì những điểm tranh luận giữa sản xuất và tiếp nhận văn học đã trở thành quan trong về mặt lý luận khi mà từ trong tiến trình hình thành phong trào văn học mácxít nổi lên hai vấn đề có tính chất thực tiễn. Hai vấn đềnày quả thật tiếp cận với nhau và ở vào một điểm trong sự phát triển của chúng, chúng cũng thâm nhập vào nhau, song phải được phân loại tách biệt với nhau một cách thích hợp, bởi vì chúng nằm trên hai bình diện khác nhau.

Vấn đề thứ nhất là ở chỗ từ cơ sở của tiến trình hình thành này chúng ta phải tạo ra một quan hệ như thế nào đối với nền văn học nằm ngoài tiến trình ấy. Trong nghĩa rộng đó là vận đề về một quan niệm văn học duy vật lịch sử và việc viết lịch sử văn học theo quan niệm văn học duy vật lịch sử và trong nghĩa hẹp nó bao hàm vấn đề về di sản văn học. Những mâu thuẩn gắn liền với những vấn đề ấy mọi người đều đã biết. Chúng ta có thể tóm tắt nó lại trong mối quan hệ biện chứng giữa tính thời sự và tính lịch sử đã được Robert Weimann giải thích tường tận11. Mối quan hệ biện chứng này bao hàm trong nó sự phê phán đối với sự tan vỡ có thể có và cũng đã có của mối quan hệ này, sự tan vỡ ra thành một thứ chủ nghĩa hiện tại không có sự phân biệt về lịch sử, thực dụng và thường do những vấn đề thời sự chính trị có tính chất sách lược điều khiển hoặc thành một thứ chủ nghĩa mà đáng lẽ phải gắn chặt văn học vào cái nền của tinh thần thời đại hay những tinh thần khác thì lại rào chắn nó trong các hoàn cảnh kinh tế, tư tưởng hoặc những hoàn cảnh xã hội khác của sự hình thành của nó. Không có căn cứ gì để lo lắng về tính chất chính thống của những kẻ muấn cứu văn học ra khỏi những sự nhấn chìm nó như vậy, bởi vì những vấn đề nổi lên ở đây quả là khó giải quyết, dù cho sự phân biệt căn bản giữa một thứ chủ nghĩa kinh tế duy vật tầm thường với phép biện chứng duy vật về lịch sử mọi người đều đã biết và đương nhiên cũng không cần phải quay trở lại với “những tiền đề duy tâm”12. Rõ ràng điều kiện để giải quyết là một khái niệm về văn học có cơ sở khoa học mà trong đó những nhận thức mới của các công trình lý luận sẽ được vận dụng, dù cho những nhận thức ấy đã đạt được mà không cần đến các “tiền đề duy tâm”.

Tính thời sự của lịch sử văn học có được vóc dáng của nó trước hết là trong vấn đề di sản văn học, dù cho về mặt lý luận nó vẫn chưa được đi sâu nghiên cứu bao nhiêu. Về phương diện lý luận tiếp nhận người ta có thể xem nó là vấn đề thực hiện, vấn đề biến thành hiện thực, vấn đề cụ thể hóa hay cũng gọi là vấn đề chuyễn hóa ngữ nghĩa tiềm năng ý nghĩa của một bộ phận tác phẩm văn học. Ở đây, để nói theo hệ thống thuật ngữ của Gadamer13, cái “cơ cấu định kiến” và sự “vận dụng” được thể hiện qua các giai đoạn của tiến trình hình thành lịch sử này và sự quan tâm của những người giải thích là lý giải cái nghĩa cần phải hiểu dựa vào những hoàn cảnh của tiến trình này.

My hoc tiep nhan

Điểm tiếp cận của những vấn đề lịch sử và những vấn đề giải thích cũng đồng thời biểu thị sự liên quan đến vấn đề thứ hai. Từ đó cho thấy rằng tiến trình xã hội hóa những mối quan hệ văn học, cái tiến trình mang tính chất hiện thực và không thể đảo ngược trở lại mà tôi đã khắc họa một cách đại thể, cái tiến trình đã nảy nở trong những mối mâu thuẩn và liên hệ qua lại giữa sản xuất, phân phối và tiếp nhận, cũng đồng thời là cái sườn của những điều kiện hiện thực và khách quan của sự hình thành một phong trào văn học mácxit. Song trong những mối quan hệ văn học đang tồn rại ấy thì giai cấp mà xuất phát từ chúc năng của nó trong tiến trình phát triển xã hội, lý luận văn học mácxit rút ra những tiền đề ngoài văn học của mình, đã từng hiện diện với tư cách không phải là tác giả, không phải là người phân phối và không phải là người đọc, hoặc cùng lắm cũng chỉ là một bộ phận của cái khối quần chúng độc giả hiện thực kia, cái quần chúng độc giả mà hoặc là nô lệ cho cái thú thưởng thức những tác phẩm thấp kém hoặc là cũng đã có đọc những tác phẩm cao quý. Nhưng việc đọc ấy rõ ràng cũng bị Karlheinz Stierler xếp vào loại “hầu như thực dụng”, có nghĩa là ít có giá trị về mặt thẩm mỹ14. Theo tôi, những vấn đề đã và đang còn đặt ra trước lý luận văn học mácxit đó cần phải được phát triển không phải từ một hệ thống khái niệm được bản thể hóa mà là từ những điều kiện thực tiễn mà phong trào văn học mácxit phải đi vào nếu nó muốn đưa các mối quan hệ xã hội của văn học vượt thoát khỏi những cơ cấu mà trong đó nó hiện diện chủ yếu cũng chỉ như là một trong những khoảng trống đã được nói đến. Nơi đây theo tôi chính là mảnh đất liên hệ xã hội học của những vấn đề về sự sản xuật thẩm mỹ, sự thể hiện thẩm mỹ, sự tác động thẩm mỹ và sự tiếp nhận thẩm mỹ mà từ khoảng những năm chín mươi của thế kỷ trước vẫn là những điểm tranh luận chính của lý luận văn học mácxit và vẫn không ngừng đề ra  một cách mới mẻ như là kết quả của những mâu thuẩn mà trong đó, cả trong xã hội xã hội chủ nghĩa, các lĩnh vực sản xuất, phân phối tiếp nhận liên hệ với nhau.

Qua sự đối lập giữa Lukács và Brecht, chúng ta có thể thấy được một cách rõ rệt nhất những quan niệm khác nhau nào đã có thể hình thành được trên cơ sở của những tiền đề mácxit15. Mặc dù công cuộc nghiên cứu về Brecht đã bành trướng đến không cùng, mãi cho đến thời gian gần đây, và chắc chắn không phải không chịu ảnh hưởng của mối quan hệ biện chứng giữa sản xuất và tiếp nhận đã được soi sáng bằng lý luận, chúng ta mới được lưu ý rằng Brecht vào đầu những năm ba mươi đã xây dựng một cương lĩnh mỹ học nhằm cất bỏ mối mâu thuẩn giữa hai lĩnh vực này. Cương lĩnh đó là kết quả của công cuộc tìm hiểu tập thể trong phạm vi giới nghệ sĩ mácxit bao gồm ngoài Brecht, có Hanns Eisler, Erwin Piscator, John Heartfield và nhà lý luận Walter Benjamin. Thông qua Tretjakow, những kinh nghiệm mà Meyerhold, Eisenstein, Majakowski và những nghệ sĩ cách mạng khác đã thu hái được bằng những cuộc thí nghiệm tương tự đã ảnh hưởng vào.

Việc tìm hiểu và đề ra những mục tiêu thẩm mỹ có tính chất nội bộ này đương nhiên không nhằm một mục đích tự thân. Chúng nằm trong ý đồ nhằm thay đổi chức năng của nghệ thuật bằng cách xác định lại mục đích xã hội của nó. Người ta xem là tiền đề để thực hiện điều đó là sự hình thành một phương thức tiếp nhận không còn đặt người đọc hay người xem vào cảnh ngộ của kẻ tiêu thụ chỉ biết độc một việc là tiếp nhận, hoặc vào vị trí của một đối tượng  cho  phép người ta muốn làm gì với nó thì làm, mà đó là một phương thức tiếp nhận tích cực theo đúng nghĩa của từ ấy, nếu nó tạo điều kiện cho người tiếp nhận rời khỏi lĩnh vực của mình và can thiệp vào lĩnh vực sản xuất thẩm mỹ. Tất nhiên không phải để dừng lại ở thế giới “thứ hai”, thế giới thẩm mỹ, mà là để, sau khi rời khỏi nó, xây dựng một thực tiễn mới trong thế giới “thứ nhất”, thế giới hiện thực. Trong các vở kịch giáo huấn của mình, Brecht đã thí nghiệm xem bằng cách nào có thể làm cho sản xuất và tiếp nhận xích gần lại với nhau: “Kịch giáo huấn giáo dục người ta ở chỗ là nó được diễn, chú không phải nó được xem. Về nguyên tắc mà nói thì kịch giáo huấn không cần có khán giả, tuy vậy đương nhiên là vẫn có thể sử dụng nó”16.

Ở đây theo khuynh hướng, sự mâu thuẩn giữa sản xuất và tiêp nhận đã được xóa bỏ bằng cách thủ tiêu lĩnh vực phân phối. Nhờ vậy mới có thể tạo được một unio mystica [một liên minh thần bí] của những lĩnh vực bị lĩnh vực này tách rời ra. Đương nhiên người ta không thể nói xấu Brecht rằng ông đã từng có ý hướng thiên về sự thần bí. Và tôi không tin rằng bằng cách giải quyết triệt để vấn đề này, như chẳng hạn nhà viết kịch và diễn viên có thể bỏ chuyện chửi rủa công chúng, và đã có thể làm cho công chúng không thể nào còn có thái độ đối với nhà hát như đối với một đối tượng tiêu dùng, Brecht đã cung cấp một mô hình về sân khấu xã hội chủ nghĩa tương lai như đôi khi người ta phỏng đoán17. Điều thú vị trong thí dụ này là ở chỗ, dưới lớp màng ảo tưởng ở đây đã nêu lên những phương thức mới của của sản xuất, phân phối và tiếp nhận văn học để đối lập lại với những sự lủng củng của những mội quan hệ văn học thống trị. Trên bình diện của cái thẩm mỹ, những phương thức này sẽ có tác dụng chống lại sự cô lập hóa lẫn nhau của các nhân tố thuộc về sản xuất thẩm mỹ, về biểu hiện thẩm mỹ, về tác động thẩm mỹ và tiếp nhận thẩm mỹ. Đặt vào lịch sử mà trong đó những nhân tố này đã được phát triển thì một quan niệm như vậy đã hoàn toàn cắt đứt với những quy cách lý luận của mỹ học về sự tự trị. Điều này đặc biệt thể hiện rõ trong quan niệm về khái niệm tác phẩm. Đối với Brecht khái niệm tác phẩm có một ý nghĩa hoàn toàn phụ. Với ông, tác phẩm – tác phẩm của chính ông cũng như tác phẩm của những người khác không có một giá trị tự thân mà chỉ có một giá trị sử dụng, một giá trị “tài liệu”, như ông thường nói. Việc cốt làm cho tác phẩm thành một thực thể, vẫn thường gắn rất chặt với tư tưởng về sự tư hữu những sản phẩm này, đã bị xóa bỏ. Bàn về hiện tượng đạo văn Brecht bảo: “Vay mượn đôi chút ở người này hay người kia, chứng tỏ khiêm tốn; thật là không có tinh thần đồng đội nếu chỉ muốn riêng mình tiến lên phía trước!”18.Brecht chẳng những thường xuyên làm mất tính hoàn chỉnh của những tác phẩm của người khác bằng việc rút tỉa, vay mượn ở những tác phẩm ấy, mà cũng còn không bao giờ xem những tác phẩm của chính ông là hoàn tất, hơn thế lại còn gọi chúng là “Stuecke”+). Hans Robert Jauss đã cho chúng ta nhớ lại rằng về cơ bản vào thời kỳ tiền nhân đạo chủ nghĩa vẫn còn chưa có một khái niệm về tác phẩm với ý nghĩa là một tổng thể hoàn chỉnh19. Ở đây hình thành một mối quan hệ mới với truyền thống của Brecht.

Trái với ý kiến vẫn thường phát biểu, cả G. Lukács cũng không chỉ rút thẳng những quan điểm mỹ học của mình từ thời đại văn học cổ điển và triết học Heghen mà cũng còn còn từ việc xác định lại chức năng xã hội của văn học. Song, ngược với Brecht và những người bạn chiến đấu của ông, những người vẫn cho rằng thực tế lúc bấy giờ đã có hoặc không còn lâu nữa sẽ có một tình thế cách mạng, thì trước nguy cơ đang đe dọa của chủ nghĩa phát xít, vào đầu những năm ba mươi Lukács lại hướng vào một thời kỳ quá độ lâu dài, trong đó khối liên minh của những lực lượng chống phát xít được dành cho vị trí ưu tiên hàng đầu so với hoạt động của giai cấp vô sản. Vì vậy Lukács cho rằng quan niệm của mỹ học do những nhà văn xã hội chủ nghĩa ở trên đề ra, một mỹ học đã cố gắng tiến tới cắt đứt với những tư tưởng nghệ thuật được truyền lại và với khẩu vị của công chúng vẫn được hướng theo những tư tưởng nghệ thuật ấy, về mặt chính trị cũng như về mặt mỹ học là có tính chất bè phái và do đó là có hại. Bởi vì ông nghĩ rằng trên cơ sở đó người ta không thể xây dựng một chiến lược có khả năng tạo ra một khối liên minh giữa chủ nghĩa nhân đạo tư sản và chủ nghĩa Mác. Sự liên minh đó được xem như là có vị trí then chốt về mặt thế giới quan-đạo đức nhằm chống lại sự man rợ của chủ nghĩa phát xít. Về phía nó, quan niệm được diễn đạt lại một cách giản lược này cũng đưa đến một sự cắt đứt: sự cắt đứt với đội tiền phong nghệ thuật chống tư sản mà với tư cách là đội tiền phong của cuộc cách mạng mỹ học, nó cũng tự xem mình, chí ít là trong nhiều trường hợp và tửng lúc, là bạn đồng minh đương nhiên của đội tiền phong của cuộc cách mạng chính trị. Hậu quả của quan niệm ấy [của Lukács] đã quá rõ nên ở đây không cần thiết phải đi sâu hơn. Trong văn cảnh này, điều quan trong cần phải ghi nhận là cùng với việc đó, Lukács đã đặt cơ sở cho việc xây dưng một mỹ học không quan tâm tới cái cơ chế

+)Brecht dùng chữ Stuecke để gọi các vở kịch của mình thay cho các chữ Dramen hay Schauspiele. Trong tiếng Đức, Stueck có nghĩa là mảng, miếng, mảnh, mẩu, khúc, đoạn…{ND).

chức năng và hiệu quả lịch sử-cụ thể của sự thông tin nghệ thuật, mà là nhằm xác định chức năng của nghệ thuật một cách rộng lớn trên phạm vi thời đại. Điều đó đã gây ra những hậu quả của mỹ học thể hiện và tất yếu dẫn đến một sự đối lập không thể khắc phục được với Brecht. Cơ sơ triết học có tính chất bao quát mà Lukács nêu ra cho nhưng quan điểm của mình về ”Tính đặt thù của cái thẩm mỹ”20 đã dẫn đến kết quả là đề ra cho nghệ thuật chức năng xóa bỏ sự tha hóa. Xuất phát từ đó, Lukács xây dưng khái niệm của ông ta về hình thức phản ảnh riêng biệt của nghệ thuật. Hình thức đó nếu nó hoạt động đúng thì trong quá trình xây dựng tác phẩm nghệ thuật sẽ biến cái “tổng thể rộng lớn”của tồn tại thành một “tổng thể sâu đậm”, trong đó cái đặc thù sẽ tạo một trung tâm tổ chức giữa tính cụ thể cảm tính của cái riêng với tính trừu tượng của cái chung. Bằng cách đó, trong một tác phẩm nghệ thuật “đích thực” bản chất của hiện tượng sẽ biểu hiện ra trong hiện tương của bản chất. Một tác phẩm như thế là đã khép kín, đã kết thúc và hoàn tất, vì nó chứa đựng trong nó cái tổng thể của thế giới rộng lớn trong một hình tượng sâu đậm. Nó là, nói theo Lukács, một “cá tính tác phẩm” tự dựa vào chính mình. Là một cá tính như thế, tác phẩm đương nhiên không có tính chất tự trị, bởi vì chỉ có mối liên hệ gián tiếp của nó “đối với cái đối tượng cuối cùng của nó, sự phát triển của loài người” mới thiết lập đươc sử tồn tại của nó. Nhưng nếu may mắn đưa được mối liên hệ này vào trong tác phẩm với phương pháp của mỹ học thể hiện đã đươc Lukács giải thích, thì nó có tính chất một giá trị riêng. Tác phẩm không cần có sự thêm thắt nào về phía ngươi tiếp nhận để chứng tỏ là một giá trị. Sưc mạnh của tác phẩm là sức mạnh khơi gợi. Thái độ của người tiếp nhận đối với tác phẩm hoàn toàn không có một ảnh hưởng trở lại nào đối với bản chất của nó. Trong sự vận động này không phải tác phẩm biến đổi đi mà luôn luôn chỉ có người tiếp nhận bị biến đổi.

Xét về phương diện mỹ học tiếp nhận và lịch sử tiếp nhận, chúng ta thấy rằng lý luận tiếp nhận của Lukács không mang lại gì nhiều. Tác phẩm không cần nhờ đến người tiếp nhận biến nó thành hiện thực để trở thành một tác phẩm “thực sự”. Tất nhiên, Lukács biết rằng  những điều kiện của sự tiếp nhận có ảnh hưởng đến mức độ thanh lọc do tác phẩm gợi ra.Nhưng vì chính tác phẩm trong khi đó vẫn nguyên vẹn và trong cơ cấu của nó, nếu đó là một tác phẩm “đích thực”, không có một điều gì phải chịu trách nhiệm về sự khơi gợi không thành kia, cho nên Lukács lúc nào cũng có thể quan niệm lịch sử tiếp nhận chỉ như là một sự vươn lên của con ngươi tới chỗ thấu hiểu hoặc như là một sự sa sút của con người khỏi sự hiểu biết “tác phẩm nghệ thuật  đích thực”  ấy. Tức là xem nó như là một tiến trình mà xét cho cùng chẳng quan trọng gì về mặt mỹ học. Tiến trình ấy không mang lại cho người ta một sự hiểu biết nào về tác phẩm mà chỉ cho người ta biết về cái cơ cấu ý thức của người tiếp nhận. Vì vậy nó không có ý nghĩa gì về mặt lịch sử văn học mà nhiều lắm cũng chỉ có ý nghĩa về mặt lịch sử văn hóa.

Người ta có thể hình dung được rằng sự ảnh hưởng của Lukács từ sau năm 1945, mà chủ yếu ở cả CHDC Đức, chính là đã không thúc đẩy việc gợi lại vấn đề mỹ học tiếp nhận. Về thực tiễn vấn đề ấy chỉ tồn tại trong mỹ học đồng cảm và đồng nhất có thể hợp pháp hóa được với Lukács. Trong khi mỹ học lạ hóa, mà giữa lúc đó đã được Brecht phát triển lên từ lý luận nghệ thuật của mình, một lý luận hướng vào sự hoạt động tích cực của người tiếp nhận, chỉ dần dần mới có thể tự khẳng định được như là một khả năng khác đối với việc xây dựng phương hướng của mỹ học tác động. Trong khi ấy thì từ lâu người ta không còn bàn gì đến việc giành ưu tiên có tính chất nguyên tắc cho một trong hai khuynh hướng này. Song thực tế thì những tác động khơi gợi để nắm bắt trở lại vấn đề tiếp nhận không phải xuất phát từ mỹ học của Lukács mà là từ lý luận và thực tiễn nghệ thuật của Brecht.

Đương nhiên nhóm nghiên cứu vừa hoàn thành công trình Xã hội-Văn học-Đọc21 không lấy đó làm cơ sở để chỉ xây dựng lý luận tiếp nhận dựa trên mỹ học của Brecht. Chúng tôi xuất phát từ chỗ cho rằng nhu cầu của người đọc hiện thực về những tác phẩm có thể đem lại cho họ những khả năng đồng cảm và đồng nhất và có thể có những chức năng thanh lọc là hoàn toàn chính đáng. Tuy vậy những cuộc điều tra xã hội học đã cho thấy rằng hoàn toàn không nhất thiết lúc nào cũng phải là những tác phẩm phù hợp với sự mong đợi về tác phẩm nghệ thuật của Lukács. Trái với những quan niệm vẫn được phổ biến công khai, đối với chúng tôi vấn đề quan trọng không phải ở chỗ xây cựng một “mỹ học tiếp nhận” mà là ở chỗ tìm hiểu vấn đề là sản xuất, phân hối và tiếp nhận phụ thuộc vào nhau như thế nào. Đương nhiên là như thế sẽ làm rơi rụng mất một số vấn đề nào đó nảy sinh từ phía tiếp nhận trong mối quan hệ này. Theo lôgic thì một cuốn sách bàn về một đối tượng như vậy là có thể chấp nhận được, chỉ cần phải phân biệt là trong cuốn sách đó khía cạnh sản xuất sẽ quyết định cái lăng kính dùng để quan sát những mâu thuẩn tự thân của mối quan hệ này.

Dưới góc độ đã được lựa chọn ấy thì cái hiện tượng là sự thanh lọc cũng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình tiếp nhận, không hề đặt chúng tôi trước những khó khăn về lý luận không thể vượt qua được. Đối với một “mỹ học tiếp nhận” có tính chất quả quyết thì những khó khăn ấy là rất lớn, nếu nó dám xem yếu tố thanh lọc là đang tồn tại. Sự thanh lọc, dù cho những kết quả đáng mong muốn của nó được cắt nghĩa khác với Lukács, vẫn là một phạm trù mỹ học chịu sự quy định của sức mạnh khơi gợi của tac phẩm. Nó không dựa trên hiệu quả mà người tiếp nhận tự mình rút ra được từ tác phẩm trong khi đọc tác phẩm, nhưng là dựa trên sự tác động mà tác phẩm gây ra ở người tiếp nhận mặc cả sự kháng cự của người tiếp nhận. Nếu như không còn gì phải tranh luận là tác động là “yếu tố bị quy định bởi văn bản và tiếp nhận là yếu tố bị quy định bởi người nhận của sự cụ thể hóa này”22 thì thanh lọc không phải là một phạm trù của mỹ học tiếp nhận mà là một phạm trù của mỹ học tác động, tức là một phạm trù luôn luôn dựa trên cái nền của mỹ học sản xuất, mỹ học thể hiện, mỹ học tác phẩm.

Vì thế có lẽ không phải ngẫu nhiên là “mỹ học tiếp nhận”đã không hề chú ý đến vấn đề thanh lọc chừng nào nó còn bị ràng buộc với mỹ học sản xuất , mỹ học thể hiện, một mỹ học mà tất nhiên được xây dựng hoàn toàn khác với mỹ học của Brecht, mỹ học chống lại yếu tố thanh lọc. Mọi người đều biết là từ đầu “mỹ học tiếp nhận” đã cố phấn đấu để làm cơ sở cho mỹ học sản xuất và mỹ học thể hiện, cũng như ngược lại nó đã từng dựa trên cơ sở một mỹ học sản xuất và mỹ học thể hiện, mỹ học này đã kiên quyết tiếp thu cái định đề do Adorno đề xuất. Theo định đề đó thì chỉ tác phẩm nghệ thuật nào có tính cách tân vô điều kiện mới được xem là có chức năng giải phóng. Bởi vì như vậy thì nó mới khước từ được một sự thông tin có tầm rộng lớn và thoái thác không trao mình cho lĩnh vực lưu thông và tiêu dùng do thị trường  và những thúc ép của sự khẳng định thống trị. Sự mâu thuẩn sinh ra do việc noi theo mỹ học sản xuất ấy là ở chổ quan niệm của Adorno đã dựa trên cơ sở một khái niệm về tác phẩm thiên về mặt xác định tính chất tự trị của tác phẩm nghệ thuật chống lại các quá trình tác động và tiếp nhận, tức là thiên về một khái niệm tác phẩm mà sự phủ định nó lại ở trong những tiền đề của mỹ học tiếp nhận. Vì vậy, người đọc mà mỹ học tiếp nhận đã tái phát hiện ra không thể là cái “quần chúng độc giả” thấp kém vẫn thích thưởng thức thứ văn học được xây dựng theo nguyên tắc truyền cảm và vẫn liên hệ với nhưng tác phẩm thấp kém ấy theo một phương thức rất là thực dụng và hầu như không có tính chất thẩm mỹ, mà phải là một người đọc có một năng lực cao hơn. Chẳng hạn đó là một người đọc có thể đóng được cái vai mà người ta đã ghi ra cho anh ta trong bản văn, hoặc là việc đọc của anh ta đã được chuẩn bị đầy đủ để anh ta phát hiện ra được tính nghệ thuật của tác phẩm bằng cái thước đo mức độ cách tân của nó.

Trong một bước chuyển biến23  hết sức thú vị của chính người sáng lập ra “mỹ học tiếp nhận”, Hanx Robert Jaux, và là sự phản ứng có tính chất cảm tính đối với sự thiếu vắng tính thực tại trong quan niệm của Adorno vào những năm sáu mươi, giờ đây người ta thấy có một cuộc thí nghiệm nhằm xóa bỏ, đúng như nguyên văn, “thói rỡm mỹ học” và nhằm tìm ra cho văn học một chức năng xã hội bao quát hơn bằng cách hợp pháp hóa về mặt mỹ học những nhu cầu mà người tiêu dùng chưa hề  “được khai hóa trong sự giao tiếp với nghệ thuật”mang lại cho sản xuất văn học24.

Để thấy rõ mức độ rộng lớn của bước chuyển biến này, chúng ta cần nhớ lại rằng  “mỹ học của tính phủ định” đã từng kiên quyết biết chừng nào và đã vận dụng biết bao nhiêu lý luận để vứt trả lại cho địa ngục những ý tưởng mà giờ đây, chẳng cần phải được tẩy rửa gì lâu trong luyện ngục của phê bình, đã lại có thể rực sáng nhu những vì sao trên nền trời mỹ học: Người đọc giờ đây đã lại được phép “thán phục hoặc tỏ thiện cảm với nhân vật chính”25, đã lại được phép để cho tác phẩm tác động vào tình cảm, tư tưởng của mình làm cho mình xúc động và khiến mình thành kẻ cùng vui, cùng buồn với nhân vật. Nghệ thuật đã lại được phép giải quyết nhiệm vụ tạo nên sự giao cảm, tuân theo và góp phần xây dựng các quy tắc, và sự cảm thụ thẩm mỹ giản đơn, do yếu tố thanh lọc mang lại, đã lại được phép đảm nhiệm chức năng nhận thức. Nếu như có lúc nào đó trong thời gian vừa qua đã thực sự có một sự “thay đổi hệ hình” trong mỹ học thì đó sẽ là ở chỗ này: “Mỹ học tiếp nhận” đã phát hiện ra ở đây không phải cái gì khác hơn là người đọc hiện thực mà cho đến giờ vẫn bị nó đẩy ra khỏi biên giới của cái thẩm mỹ để thành một thứ tầm thường hèn kém, do hậu quả của cái ảnh hưởng gây rối loạn và bị buộc phải chiu đựng một cách không tự nguyện của cuộc “âm mưu cổ điển  chống lại công nhúng”. Ở cái quần chúng độc giả này rõ ràng là đang có những tình trạng tồi tệ về mặt thẩm mỹ, tồi tệ hơn người ta có thể tưởng tượng được rất nhiều nếu nhìn từ cái viễn cảnh của một trình độ đã được nâng cao của người đọc. Chính vì thế mà hiện thời người ta vẫn còn ngờ vực26 ở sức thuyết phục của những cuộc điều tra nghiên cứu về phương diện kinh nghiệm tình trạng này, như đã được Heinz Hillmann tiến hành27

Người ta có thể giải thích sự thay đổi về phương diện yếu tố thanh lọc của “mỹ học tiếp nhận” như là hành động tự xóa bỏ nó hay như là hậu quả đương nhiên của một bước khởi đầu không thể tiến triển được do bị đè nặng bởi các ”tiền đề duy tâm”. Dù sao thì vẫn có vẻ như là “mỹ học tiếp nhận” hiện thời ít quan tâm đến việc xây dựng một kiểu mỹ học sản xuất, mỹ học thể hiện nhất định dựa trên những đề án của nó. Hơn thế người ta có thể phỏng đoán rằng, ngược lại mỹ học tiếp nhận đang trên đường tìm kiếm một mỹ học sản xuất , mỹ học thể hiện đáp ứng được những nhu cầu về thanh lọc của người đọc hiện thực. Trong trường hợp ấy thì việc khu biệt nó về mặt lý luận với cái mà dưới cái tên “mỹ học tác động” vẫn chỉ tồn tại như một bóng ma hình như đã trở thành một vấn đề thời sự. Ở đây tôi không định nói đến một thực tế là mỗi một quá trình sản xuất thẩm mỹ đều hàm chứa một nhân tố tác động thẩm mỹ. Có thể nói rằng về mặt khoa học trục người gửi-ngừi nhận đã hoàn toàn được chứng minh là một quan hệ tạo ra cơ cấu của quá trình sáng tác văn học và sản phẩm của nó. Song, so với những mội quan hệ khác của sự sản xuất văn học và của tác phẩm, thì mối quan hệ này có thể tự cô lập để trở thành thống trị. Trong trường hợp ấy thì, theo khuynh hướng, sản xuất văn học bị hướng vào mục tiêu rút những nguyên tắc thể hiện và tiếp nhận thẩm mỹ của nó từ những cơ cấu tác động và chức năng chịu sự quy định của các quy luật di biệt, thì loại “mỹ học tác động” đã trở thành thống trị theo cách ấy là một thứ mỹ học kinh nghiệm chủ nghĩa, thực dụng chủ nghĩa; đôi khi nó cũng khoác cái vỏ quần chúng, bình dân hay hoa mỹ hùng biện. Mối mâu thuẩn tích cực giữa sản xuất và tiếp nhận văn học, giữa những nhu cầu tiếp nhận của những người đọc hiện thực và những nhu cầu sản xuất của tác giả hiện thực đã bị thủ tiêu do việc biến người đọc và tác giả thành phương tiện để đạt mục đích. Bây giờ, người ta không còn thấy có “những cuộc chiến tranh của quần chúng độc giả chống lại các tác giả” cũng như “những vụ âm mưu của các tác giả chống lại công chúng” nữa. Song chỉ là vì thiếu các chủ thể mà thôi. Bởi vì ở “mỹ học tác động” những chủ thể này ở trong trạng thái những đối tượng, cũng như tác phẩm ở trạng thái đồ vật.

Dù cho Brecht vá Lukács chống lại nhau gay gắt đến không thể khoan nhượng thế nào đi nữa thì trong thái độ thù địch của họ đối với một thứ văn học có ý hướng quy phục những quy luật di biệt tác động đến sản xuất và tiếp nhận văn học ở lĩnh vực phân phối, họ vẫn thống nhất với nhau. Về cơ bản chỉ khác nhau ở những  phương pháp mà họ đề nghi để, dù nghe có vẽ nhu nghịch lý, bảo vệ sự tự trị của sản xuất và tiếp nhận văn học chống lại những quy luật dị biệt ấy. Đương nhiên sự tự trị này cũng chỉ là tương đối. Nói như thế cũng có nghĩa là nói rằng văn học tự nó không thể xóa bỏ được những quy luật dị biệt mà nó phải phục tùng, Nhưng nó vẫn có thể tự trị trong chừng mực nó tham gia vào tiến trình xã hội nhằm xóa bỏ những quy luật dị biệt kia, những quy luật không chỉ ảnh hưởng đến riêng nó. Như vậy người ta có thể nói rằng việc nhìn nhận những khả năng tự trị của nó là một phần của chức năng xã hội của nó.

—————————————

Nguồn: Tạp chí Văn học, số 4/1978, các tr. 120-135. Đây là bài thuyết trình của GS.TS.VS. M. Naumann tại Cơ sở nghiên cứu của UB. KHXH Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh vào năm 1978 khi ông sang thăm và công tác tại Viện Văn học)

 (*) Giáo sư. Tiến sĩ. Viện sĩ – Cộng hòa liên bang Đức

(**) Phó Giáo sư. Tiến sĩ 

  1. Sébastien Mercier, Luận về việc đọc sách. In trong : Những bài tán dương và luận văn triết học, Amsterdam 1776, tr. 289.
  2. Bertolt Brecht, Nhật ký công tác, tập 2 : từ 1842-1955, Wernwe Hecht xb. Frankfurt (Main) 1973, tr. 807
  3. Karl Marx, Lời mở đầu [Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị]. Trong : Marx-Engels, Tác phẩm, tập 13, Berlin 1961, tr.640.
  4. Martin Fontius, Sự phát triển của sức sản xuất và sự tự trị của nghệ tuật, Để thay những tiền đề có tính chất đăng cấp trong lý luận văn học ; Bài nghiên cứu này là chương 4 của công trình tập thể: Văn học khai sáng châu Âu trong giai đọan chuyển thời đại.
  5. Như Hans Robert Jauss quan niệm trong : Người đọc với tư cách là cấp phán xét cuả một cuốn sử mới về văn học, trong : Poetica, Tạp chí nghiên cưu ngôn ngữ và văn học, sớ (1975), tr.325.
  6. Xin xem « Lờii mở đầu » có tính chất thông tin của Peter Uwe Hohendahl viết cho cuốn Lịch sử xã hội và mỹ học tác động. Tài liệu để nghiên cứu tiếp nhận kinh nghiệm và Mácxit, Frankfurt (Main) 1974, đặc biệt tr.20-29.    
  7. Jurij M. Lotman, Những bài giảng về thi học cấu trúc. Dẫn luận, lý thuyết về câu thơ. Karl Eimermacher xb.,. Muenchen 1972, tr. 59.
  8. Hans Robert Jauss, Người đọc với tư cách là cấp phán xét của một cuốn sử mới về văn học, tr.320.
  9. Bđd., tr. 327.
  10. Vấn đề cần phải hiểu như thế nào khái niệm « mỹ học sản xuất, mỹ học thể hiện », một mỹ học cần phải đặt cơ sở trong  « mỹ học tiếp nhận”, “mỹ học tác động” {trang 29), vẫn bị Hans Robert Jauss bỏ lửng không bàn đến trong Lịch sử văn học như là một thách thức đối với khoa học văn học, Konstanz 1967. Từ những điều trình bày ở trang 36 và những trang tiếp theo người ta thấy rằng rõ ràng “Mỹ học tiếp nhận” về phía mình đã từng dựa trên một mỹ học sản xuất, mỹ học thể hiện. Tuy vậy nó vẫn không được Jauss giải thích bằng khái niệm mà chỉ được ông xác định một cách lờ mờ với mục đích nhằm tạo ra một “khoảng cách thẩm mỹ”, một sự “thay đổi tầm”, một “cái mới”. Theo khuynh hướng – mà rõ ràng là dựa vào những quan niệm của Adorno, nó đã được hướng vào việc chống lại “lĩnh vực nghệ thuật có tính chất” nấu nướng” hay nghệ thuật giải trí”(tr.36). Những lần xuất bản sau đó tác phẩm này không thấy có thay đổi gì trong mối liên hệ này. Xin xem thêm Hans Robert Jauss: Lịch sử văn học như là sự thách thức,Frankfurt am Main 1970, tr. 171-177 và các trang tiếp theo, và Rainer Warning (chủ biên): Mỹ học tiếp nhận. Lý thuyết và thực tiễn, Muenchen 1975, tr. 128,133 và các trang tiếp theo.
  11. Robert Weimann, Hiện tại và quá khứ trong lịch sử văn học, in trong: Lịch sử văn học và huyền thoại, Berlin và Weimar 1971, tr. 11-46.
  12. Về giai đoạn tiếp nhận chủ nghĩa Mác của Hans Robert Jauss xin xem Manfred Naumann, Văn học và người đọc, đăng trên Weimarer Beitraege, số 5/1970, tr. 111-112. Sự cố gắng của Jauss để hiểu được sự phân biệt giữa chủ nghĩa duy vật dung tục và chủ nghĩa duy vật biện chứng cũng như chủ nghĩa duy vật lịch sử mà người ta có thể nhận thấy được từ lần xuất bản thứ hai, tuy vậy bước đầu cũng chỉ mới đưa lại những kết quả rất khiêm tốn. Bất kỳ ở chỗ nào hễ thấy ở đó chủ nghĩa duy vật trở thành chủ nghĩa duy vật biện chứng, Jauss đều ức đoán rằng có các “tiền đề duy tâm” (Xin xem: H. R. Jauss, Để tiếp tục cuộc đối thoại giữa mỹ học tiếp nhận “tư sản” và mỹ học tiếp nhận “duy vật”, in trong: R. Warning, Mỹ học tiếp nhận, tr. 351). Bởi quá tự phụ-mà có lẽ là do không biết gì về lịch sử tiếp nhận những tác phẩm thời trẻ của Mác, nên rõ ràng H.R.Jauss đã ảo tưởng cho rằng nhờ có ông ta mà giờ đây cuối cùng người ta đã vạch ra được những nét duy tâm của tác phẩm Những bản thảo về các vấn đề kinh tế và triết học. Lối chọn lựa cách thảo luận có tính chất mĩa mai, không từ lối văn luận chiến để tranh luận với Mác quán xuyến cả những điều được trình bày ở đây của Jauss, cộng với một hơi văn làm người ta cảm thấy không thích hợp nếu vận dụng lối phê bình khoa học để chỉ ra những sự ngộ nhận ấy của Jauss. Xin xem thêm bài điểm sách của của Harald Woetzel đăng trong:Lendemains. Tạp chí nghiên cưu về nước Pháp và tiếng Pháp, số 4/1976, tr.138-140 về tập sách “Mỹ học tiếp nhận” do Rainer Waening chủ biên.
  13. Hans-Georg Gadamer, Chân lý và phương pháp, xuất bản lần thứ hai có bổ sung, Tuebingen 1965.
  14. Kerlheinz Stierle, Ở những văn bản hư cấu, tiếp nhận nghĩa là gì? Trong: Poetica. Tạp chí nghiên cứu ngôn ngữ và văn học, sớ (1975), tr. 345-387
  15. Xin xem thêm Đối thoại và tranh luận với Georg Lukács. Cuộc tranh luận về phương pháp của các nhà văn xã hội chủ nghĩa Đức. Werner Mittenzwei (chủ biên) Leipzig 1975.
  16. Bertolt Brecht, Những bài viết về sân khấu, Berlin và Weimar 1964.Tập 4, tr.82.
  17. Reiner Steinweg, Kịch giáo huấn, Stuttgart 1972, tr.210; Hildegard Brenner trong: Alternative (= Lý luận văn học duy vật, phần III),78/79-1971, tr. 101.
  18. Bertolt Brecht, Những bài viết về văn học và nghệ thuật, tập 2, Berlin und Weimar 1966, tr. 181.
  19. Hans Robert Lauss, Người đọc với tư cách là cấp phán xét của một cuốn sử mới về văn học,tr. 342-344
  20. Về điểm này và những điểm tiếp theo xin xem Georg Lukács: Tính đặc thù của cái thẩm mỹ, quyển hạ, Neuwied und Berlin-Spandau 1963, chủ yếu các trang 193-266, 294-324.
  21. Manfred Naumann (chủ biên), Dieter Schlenstedt, Karlheiz Barck, Dieter Kliche, Rosemarie Lenzer :Xã hội-Văn học-Đọc. Tiếp nhận văn học trong nhãn quan lý thuyết, Berlin 1973.
  22. Hans Robert Jauss, Tính chất bộ phận của phương pháp mỹ học tiếp nhận, in trong: Rainer Warning (chủ biên); Mỹ học tiếp nhận, tr.383
  23. Sđd., tr.394.
  24. Hans Robert Jauss, Đôi lời biện hộ cho kinh nghiệm thẩm mỹ. Với những lời chú giải về lịch sử nghệ thuật của Nax Imdahl, Konstanz 1972, tr.38; xem trong đó những ý kiến tranh luận với Adorno, tr.9 và các trang tiếp theo.
  25. Nđd., tr.36. Trong: Hans Robert jauss, Tính phủ định và sự đồng nhất. Thử bàn về lý thuyết về kinh nghiệm thẩm mỹ. In trong: Những lập trường của tính phủ định. Harald Weirich (chủ biên), Muenchen 1957, tr. 263-339, bước chuyển này được trình bày tường tận hơn trong Biện hộ.
  26. H.R. Jauss: Người đọc với tư cách là cấp phán xét của một cuốn sử mới về văn học, tr. 329-334.
  27. Heinz Hillmann: Tiếp nhận – kinh nghiệm, trong: W.Mueller-Seidel (chủ biên): Tính lịch sử trong nghiên cứu ngôn ngữ và văn học, Muenchen, 1975, tr. 433-449.             

 

 

 

 

 

  

 

 

 

 

Share Button