Giới thiệu sách: Tác giả hàm ẩn trong tu từ học tiểu thuyết (Cao Kim Lan)

Share Button

Giới thiệu sách: Tác giả hàm ẩn trong tu từ học tiểu thuyết (Cao Kim Lan)

Nhóm tác giả: Cao Kim Lan
Nơi xuất bản: Hà Nội
Nhà xuất bản: Nxb. Văn học
Nơi phát hành: 
Lần xuất bản: 
Ngày xuất bản: 
ISBN: 978-604-69-3316-8
Kích thước: , 462

Lời giới thiệu công trình Tác giả hàm ẩn trong Tu từ học tiểu thuyết

Công trình Tác giả hàm ẩn trong Tu từ học tiểu thuyết của tiến sĩ Cao Kim Lan có thể coi là quyển sách đánh dấu cho sự khởi đầu của một hướng nghiên cứu văn học mới chưa hề được quan tâm ở Việt Nam: Tu Từ học tiểu thuyết.

Từ trước tới nay phần đông mọi người chỉ biết tu từ như là môn học các phép viết văn biểu cảm (mĩ từ pháp), được gọi là phong cách học, mà ít người nghĩ rằng nó là phương diện hạt nhân của nghệ thuật tiểu thuyết, nghệ thuật thuyết phục người đọc. Quan niệm này đã có từ thời cổ đại Hy Lạp với môn tu từ học (Rhetoric) mà Aristote đã đem đối lập với Thi pháp học. Theo ông, thi pháp học là nghệ thuật mô phỏng, còn tu từ học là nghệ thuật thuyết phục bằng lời nói: diễn thuyết. Ông chia tu từ học thành ba nhóm: nhóm diễn thuyết chính trị thiên về khuyên, ngăn; nhóm diễn thuyết tố tụng, thiên về buộc tội, biện hộ; nhóm diễn thuyết lễ nghi, ca công tụng đức. Cả ba nhóm đều có cái hạt nhân chung, đó là hoạt động thuyết phục giữa người nói và người nghe. Giá trị tối cao của nó là thuyết phục người nghe đồng tình với tư tưởng, chủ trương của người nói. Nghệ thuật tu từ phải coi trọng đồng thời cả hai chủ thể. Sự đối lập thi pháp học như là nghệ thuật mô phỏng với tu từ học  như là nghệ thuật thuyết phục trực tiếp đã hạ thấp vai trò thuyết phục người đọc của nghệ thuật mô phỏng. Với tư cách là nghệ thuật biểu đạt gián tiếp, văn học nói chung cũng như tiểu thuyết nói riêng, tính chất diễn ngôn xã hội của tiểu thuyết bị che mờ, giảm nhẹ vai trò của tác giả trong cuộc giao tiếp với người nhận.

Từ các công trình của M. Bakhtin vạch ra nền tảng thể loại lời nói của thể loại văn học và bản chất ý thức hệ của diễn ngôn, rồi công trình của W. Booth chỉ ra mối quan hệ thuyết phục giữa tác giả hàm ẩn và người đọc hàm ẩn trong tiểu thuyết được phát hiện và nghiên cứu, mở ra một lĩnh vực mới của nghiên cứu văn học là tu từ học tiểu thuyết.

Tu từ học ngày nay bao quát toàn bộ các lĩnh vực của diễn ngôn, trong đó chủ thể của diễn ngôn đóng vai trò chi phối các phát ngôn – văn bản, trong đó có văn học về các mặt tri thức, quyền lực và các chiến lược. Tiểu thuyết là thể loại văn học tiêu biểu của thời hiện đại. Đó là thể loại sáng tác hư cấu, nhà văn không trực tiếp phát ngôn quan điểm của mình, nói như Macherey là tác giả “im lặng” trong tác phẩm. Vậy, nguyên tắc tu từ của thể loại này thể hiện như thế nào? Từ tu từ học người nói đến tu từ học thể loại là một bước phát triển. Khác với tu từ học cổ điển với tác giả trực tiếp, người nghe, người đọc trực tiếp, tiểu thuyết sử dụng tác giả hàm ẩn như là cái mặt nạ hay hình tượng tác giả để thực hiện giao tiếp với người đọc hàm ẩn cùng với các phương thức tu từ đặc thù: khoảng cách, điểm nhìn, giọng điệu… Mặt nạ tác giả phụ thuộc vào thể loại, là tiềm năng sáng tạo của thể loại. Tu từ học tiểu thuyết vì thế không thể không bắt đầu với tác giả hàm ẩn. Trong ngữ cảnh của lí thuyết diễn ngôn, một thứ lí thuyết tu từ học hiện đại, tu từ học tiểu thuyết có một viễn cảnh phát triển rất to lớn. Sức hấp dẫn của tiểu thuyết phải chăng chỉ do cốt truyện gay cấn, do đề tài nhạy cảm, do hành văn đặc biệt, hay chính là do các nguyên tắc tu từ của nó phát huy tác dụng đắc lực? Ở đây hẳn có nhiều điều chưa biết. Phạm vi của tu từ học tiểu thuyết thiết nghĩ cũng không đóng khung trong các vấn đề do W. Booth gợi ra.

Vấn đề tác giả trong tiểu thuyết là một trong những vấn đề khó giải quyết bậc nhất của lí thuyết văn học hiện đại. Tác giả, tác giả hàm ẩn, hình tượng tác giả, mặt nạ tác giả là các khái niệm gần gũi, có mặt đồng nhất, có mặt khác biệt, là một vấn đề còn chưa ngã ngũ trong lí thuyết văn học. Tiến sĩ Cao Kim Lan đã mạnh dạn đi vào một lĩnh vực khó, bắt đầu từ vấn đề khó là tác giả hàm ẩn và một số phương thức biểu hiện của nó.

Chuyên luận đã làm công việc của người đi đầu: giới thiệu gần như toàn bộ lịch sử của tu từ học tiểu thuyết và các vấn đề của nó, bước đầu làm sáng tỏ vấn đề tác giả hàm ẩn, thể nghiệm lí thuyết ấy qua một vài hiện tượng tiểu thuyết.

Với tinh thần làm việc nghiêm túc, khả năng chiếm lĩnh tư liệu phong phú cùng ý thức cầu thị, Cao Kim Lan đã đem đến cho bạn đọc, các nhà nghiên cứu văn học một tài liệu khoa học có giá trị, bổ ích. Mặc dù chắc chắn chuyên luận bước đầu này khó tránh khỏi khiếm khuyết, nhưng những gì làm được là rất đáng quý. Vì thế tôi vui mừng giới thiệu với bạn đọc và đồng nghiệp.

Hà Nội, ngày 21 tháng 6 năm 2014

 GS. TS. Trần Đình Sử

http://khoavan.dhsptn.edu.vn/393_Gioi-thieu-sach-Tac-gia-ham-an-trong-tu-tu-hoc-tieu-thuyet-Cao-Kim-Lan.html

Share Button