Thứ Ba, ngày 29 tháng 10 năm 2013

TỪ TRIẾT HỌC ĐẾN PHƯƠNG THỨC TỒN TẠI CỦA TÁC PHẨM VĂN HỌC

            Nguyễn Đình Thu


Cùng với Lịch sử văn học và Phê bình văn học, Lý luận văn học là một trong những bộ môn quan trọng góp phần tạo nên khoa học văn học. Mọi khoa học chỉ có hướng nghiên cứu đúng đắn khi chúng ta không còn mơ hồ về đối tượng nghiên cứu của khoa học đó. Cho đến nay, nhiều người vẫn còn nhầm lẫn giữa đối tượng nghiên cứu của lý luận văn học với lịch sử và phê bình văn học. Cần phải hiểu rằng, giống như các khoa học cơ bản, lý luận văn học chỉ nghiên cứu về vấn đề lý thuyết, trừu tượng. Nhà lý luận chỉ làm việc với những khái niệm để tìm ra khái niệm. Còn áp dụng những khái niệm – công cụ đó vào việc lý giải thực tế sáng tác văn học là công việc của nhà phê bình. Như vậy, đối tượng của phê bình là các hiện tượng văn học cụ thể, trong khi đối tượng của lý luận lại chính là phê bình. Nói như Trương Đăng Dung: “Lý luận văn học vừa nghiên cứu các phạm trù và nguyên lý văn chương lại vừa là siêu khoa học của khoa học văn học, lấy khoa học văn học làm đối tượng nghiên cứu”. Nói cách khác, nếu phê bình văn học lấy sự phân tích các tác phẩm văn học cụ thể làm đối tượng nghiên cứu thì lý luận văn học lại nghiên cứu các vấn đề của tác phẩm văn học.


Nhìn từ lịch sử phát triển, lý luận văn học đã trải qua nhiều giai đoạn gắn liền với những khám phá thú vị trước một thực thể đầy phức tạp là tác phẩm văn học. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, triết học là khoa học của mọi khoa học. Bởi vậy, mọi tư duy lý thuyết văn chương đều bắt nguồn từ tư duy triết học. Vì thế, để hiểu sự phát triển của lý luận văn học trước hết phải hiểu sự phát triển của triết học.

Cho đến nay, triết học đã đi một chặng đường dài từ triết học tự nhiên đến triết học nhân sinh. Triết học tự nhiên, mà đại diện là H. Tain nhấn mạnh đến phương pháp thực chứng, đề cao phương pháp nhân quả. Biểu hiện trong lý luận văn học là nghiên cứu văn học trong tương quan với những vấn đề xã hội, môi trường. Phương pháp thực chứng đi tìm nghĩa chủ ý của tác giả qua văn bản chứ không phải đi tìm chính ta. Triết học tự nhiên khám phá được nhiều điều nhưng dần dần khủng hoảng trước đời sống phức tạp của chính bản thân con người. Điều đó dẫn đến sự ra đời của triết học nhân sinh, lấy chính đời sống con người làm đối tượng khám phá. Triết học nhân sinh bắt nguồn từ triết học hiện tượng học, với hai đại diện tiêu biểu là Edmund Husserl và Martin Heidegger. Hiện tượng học lần đầu tiên xem con người là một chủ thể có vai trò xác lập thế giới. Thế giới chưa có sẵn khi chưa xác lập mối quan hệ với con người, khách thể chưa là khách thể khi con người chưa hướng đến nó, cấp cho nó một ý nghĩa (tính ý hướng). Hiện tượng học phủ nhận quan hệ nhân quả mà đề cao sự ngẫu nhiên, xem đời sống là tập hợp của những sự vật, sự việc rơi vãi hỗn loạn một cách ngẫu nhiên. Giữa con người và thế giới tự nhiên không phải được kết quả bằng các mối quan hệ nhân quả mà bằng các quan hệ hiện tượng. Hiện tượng học cho rằng, không phải các sự vật chủ động tác động vào ý thức mà ngược lại ý thức chủ động tạo ra mối quan hệ năng động giữa ý thức với sự vật. Không thể tách biệt giữa ý thức với hiện tượng. Hiện tượng là sự tổng kết giữa tôi với sự vật, hiện tượng là cái được xác định thông qua tôi. Vì thế hiện tượng mang tính chủ quan mạnh mẽ. Như vậy, triết học hiện tượng học đã khẳng định vai trò của ý thức chủ quan trong việc kiến tạo thế giới. Hiện tượng học nhấn mạnh hoạt động chủ quan của chủ thể hướng đến khách thể, đưa chủ thể lên ngang bằng với khách thể trong sự tương tác lẫn nhau, cho rằng thế giới bên ngoài như thế nào là do ta cấp cho nó chứ không phải tự thân nó có. Hiện tượng học của Husserl và Heidegger khẳng định thế giới tồn tại thông qua chủ thể. Trong đôi mắt của các nhà hiện tượng học, khách thể không có nghĩa, và chính chủ thể mới là người cấp nghĩa. Triết học nhân sinh đã cho thấy một thực tế hiển nhiên: thế giới không chỉ được cảm nhận bằng đôi mắt duy lý, khách quan mà còn bằng sự cảm nhận nhiều chiều của chủ thể. Đối tượng cơ bản nhất của triết học nhân sinh chính là con người với toàn bộ sự phức tạp khôn lường của nó. Đây là tư tưởng đã chi phối rất lớn đến lý thuyết tiếp nhận văn học.



Tác phẩm văn học được xây dựng bằng chất liệu ngôn từ, vì thế để hiểu được bản chất của văn học phải đi từ việc tìm hiểu bản chất của ngôn ngữ. Mỹ học macxit chủ yếu quan tâm đến bình diện nội dung tư tưởng mà chưa nói nhiều đến ngôn ngữ, trong khi, lẽ ra phải thấy văn học là nghệ thuật của ngôn từ, chất liệu của văn học là ký hiệu, là ngôn ngữ, và sự sáng tạo trong văn học trước hết là sự sáng tạo về ngôn ngữ, về cách nói của nhà văn. Ngôn ngữ trong văn học không đơn giản là cái vỏ của tư duy mà nó cũng chính là tư duy, là yếu tố có khả năng sinh tạo tư tưởng. Và đến mỹ học phương Tây đã quan tâm khám phá bản chất của ngôn ngữ ở nhiều khía cạnh khác nhau. Bắt đầu là khám phá về ngôn ngữ của nhà ngôn ngữ học F. Sausure. Theo Sausure, ngôn ngữ là một loại ký hiệu. Cũng như các ký hiệu khác, ngôn ngữ có hai mặt liên quan với nhau là cái biểu đạt (chữ viết, lời nói) và cái được biểu đạt (khái niệm). Giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt có quan hệ võ đoán (tự quy ước với nhau). Theo đó, tác phẩm văn học là tập hợp những ký hiệu ngôn ngữ, trong đó, cái biểu đạt là những con chữ còn cái được biểu đạt là quan niệm, tư tưởng nhà văn. Đến Edmund Husserl, người sáng lập triết học hiện tượng học chỉ nhìn thấy vai trò thứ yếu của ngôn ngữ trong hoạt động nắm bắt một hiện tượng nhất định nào đó của con người. Ngôn ngữ, theo Husserl như một thứ vỏ bọc dùng để giữ lại các nghĩa được hình thành độc lập với nó. Nghĩa của tác phẩm văn học do đó chỉ là cái mà tác giả có chủ định từ đầu, nó thuộc về ý thức chủ quan hơn là thuộc về ngôn ngữ. Theo quan niệm này, nghĩa của mootjj tác phẩm văn học chỉ có một lần, nó đồng nhất với cái khách thể ý thức mà trong khi viết, nhà văn có ý hướng tới. Tức là tác phẩm văn học chỉ có một nghĩa mà thôi. Như vậy, do quá đề cao ý thức chủ quan mà Husserl cho ngôn ngữ là thứ yếu, chỉ là vỏ bọc của ý thức chủ quan. Martin Heidegger, học trò của Husserl đã vượt lên được thầy của mình. Trong công trình Trên đường đến với ngôn ngữ (1959), ông gọi ngôn ngữ là ngôi nhà của Hữu thể. Theo ông, ngôn ngữ không chỉ là công cụ giao tiếp, mà cao hơn thế nó còn có khả năng tạo lập đời sống, ngôn ngữ không chỉ là vỏ bọc mà còn có khả năng tạo lập được đời sống riêng với người phát ngôn. Khi ông cho rằng, lời nói không chỉ hoàn toàn là các ký hiệu, lời nói có hai mặt: hướng đến người nào đó và đặt điều kiện cho người nghe phải nỗ lực để hiểu được điều đó, chính là ông đã gợi những ý tưởng quan trọng cho việc nghiên cứu vấn đề nghĩa và sự tạo nghĩa của văn bản thông qua người đọc. Điều đó có nghĩa một phát ngôn khi phát ra có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau không phụ thuộc vào chủ ý của người phát ngôn. Nếu Husserl chỉ xem ngôn ngữ là công cụ thứ yếu dùng để thể hiện các ý tưởng đã có sẵn thì Heidegger xem ngôn ngữ là nơi mà đời sống con người diễn ra, là cái đầu tiên tạo ra thế giới. Như vậy, tất cả các nhà hiện tượng học đều nói khác với Saussure, xem ngôn ngữ là hệ thống những quy tắc ổn định. Đến H.G. Gadamer, học trò của Heidegger, với công trình Chân lý và phương pháp (1964), ông đã có bước đi quan trọng trong việc tạo ra khái niệm ngôn ngữ tường giải học và trong việc phê phán những quan điểm của các lý thuyết ngôn ngữ học hiện đại. Gadamer đã bác bỏ quan niệm công cụ về ngôn ngữ: “Người diễn giải không sử dụng lời nói và các khái niệm như người thợ thủ công sử dụng các công cụ của mình”. Lời nói không thuộc về chúng ta mà thuộc về các tình huống của Hữu thể nơi lời nói hình thành và điều muốn nói được tạo ra. Theo ông, ngôn ngữ không phải là công cụ để chúng ta thể hiện một cái gì đó mà là nơi để chúng ta tồn tại. Nhờ lời nói, chúng ta mới chuyển dịch được vào thế giới, vào các tình huống của tồn tại. Không phải con người tìm ra lời nói mà lời nói tìm thấy chúng ta. Mối quan hệ giữa thế giới và ngôn ngữ là tương hỗ, thế giới là thế giới nhờ ngôn ngữ, còn ngôn ngữ là ngôn ngữ nhờ thế giới thể hiện trong nó. Liên quan đến cái nhìn mới về ngôn ngữ không thể không nói đến trường phái hình thức Nga. Nhóm hình thức Nga đã nghiên cứu đặc thù của ngôn ngữ văn học, đặc biệt là ngôn ngữ thơ so với ngôn ngữ thông thường. Trường phái này đã phát hiện ra tính văn học của ngôn ngữ văn học, nghĩa là nghiên cứu văn học chủ yếu phải nghiên cứu cái gì làm nên văn học chứ không phải nghiên cứu nội dung tư tưởng. Họ đã phát hiện ra tính chất tự động hóa của ngôn từ, và cho rằng hình thức không phải là cái nồi để đổ nước là nội dung vào, mà bản thân hình thức là nội dung và nội dung là hình thức, hai cái này không tách bạch nhau như quan hệ hai mặt của một tờ giấy. Trường phái này cũng đã phát hiện ra chất liệu và thao tác của văn bản văn học khác với các văn bản khác, và sự phát triển của văn học suy cho cùng là sự thay thế các hình thức văn học. Bằng những nỗ lực của trường phái hình thức Nga trong việc nghiên cứu chất liệu văn học, tính văn học, lý luận văn học hiện đại thực sự quan tâm đến văn bản văn học. Từ đây, văn bản và sự tạo nghĩa, ký hiệu và chức năng thẩm mỹ trở thành những đối tượng quan tâm của lý luận văn học hiện đại. Đến Derrida, tư duy lý luận văn học hiện đại đã được tiếp nối ở mức độ cao hơn. Qua công trình Văn phạm học, ông đã cho thấy những vấn đề cần xem xét lại trong quan niệm ngôn ngữ học hiện đại và chủ nghĩa cấu trúc. Ông cho rằng ý thức của tác giả không hề có ưu thế tuyệt đối bên trên nghĩa của ngôn từ. Nhà văn chỉ phát hiện được nghĩa của ngôn từ qua việc viết ra nó. Anh ta đối diện với cái biểu đạt của người đọc độc lập với mình. Như vậy cái biểu đạt tự nó nói nhiều hơn sự sử dụng nào của tác giả, và những cái biểu đạt vĩ đại hơn rất nhiều so với những cái được biểu đạt. Xuất phát từ quan điểm này, Derrida đã xem tác phẩm văn học là không khép kín, nghĩa của nó không tùy thuộc vào tác giả hay mối quan hệ với hiện thực. Việc đọc hết một văn bản văn học cũng tạo nghĩa như là viết ra nó, thậm chí tất cả sự viết thực ra cũng là đọc văn bản. Theo ông, ở nơi sâu lắng của ngôn ngữ có một trò chơi liên tục di chuyển, trong khuôn khổ của sự di chuyển này, các ký hiệu được tạo thành những hệ thống khác biệt, không ổn định; rồi laij có những khác biệt mới xuất hiện, được tổ chức và sau đó tan rã. Các cấu trúc chỉ bề ngoài là có vẻ ổn định, mọi cấu trúc, đằng sau vẻ tin cậy bề ngoài là sự bấp bênh, là giải cấu trúc. Ông phê phán cái vương quốc ký hiệu và nghĩa của chủ nghĩa cấu trúc. Như vậy, đến Derrida, ông đã nâng vấn đề đọc lên tầm triết học khi khẳng định “tác phẩm văn học không phải là hình thức ngôn ngữ đặc trưng mà là hình thức đọc đặc trưng”.



Một vấn đề quan trọng của lý luận văn học là phải chỉ rõ phương thức tồn tại của tác phẩm văn học. Trước khi đi vào tìm hiểu phương thức tồn tại của tác phẩm văn học, chúng ta cần phải phân biệt văn bản và tác phẩm. Theo quan niệm của Trương Đăng Dung:


+ Văn bản là sản phẩm cuối cùng của sự sáng tạo nghệ thuật khi nhà văn đã đặt dấu chấm hết và nhà xuất bản in thành sách.

+ Văn bản là một hệ thống ký hiệu, nhưng chưa phải là tác phẩm mà chỉ là bước đầu tiên không thể thiếu được để trở thành tác phẩm.

+ Văn bản tuy vậy không phải là một ssanr phẩm cố định, chết cứng, bởi vì nó mở và có khả năng tạo nghĩa.

+ Tác phẩm là sự cụ thể hóa văn bản trong người đọc… văn bản chỉ trở thành tác phẩm khi người đọc xuất hiện.

Nếu tư duy lý luận văn học tiền hiện đại chỉ nhấn mạnh đến quan hệ nhân quả, đề cao yếu tố môi trường, tác giả… thì lý luận văn học hiện đại đã nhận ra những yếu tố đặc thù của văn bản văn học và phương thức tồn tại của tác phẩm văn học thông qua người đọc. Trước đây, người ta cứ nghĩ khi nhà văn viết ra một văn bản văn học thì văn bản đó đã là tác phẩm văn học. Tuy nhiên nếu không có người đọc văn bản văn học đó thì nó mãi mãi là một văn bản chết cứng. Hơn nữa giá trị và số phận của tác phẩm văn học đó lại phụ thuộc nhiều vào sự tiếp nhận của độc giả, đôi khi đi ra ngoài ý muốn chủ quan của tác giả. Vậy rõ ràng nếu chưa có độc giả thì không thể gọi văn bản văn học là tác phẩm văn học. Đây cũng chính là những phát hiện của nhiều nhà khoa học đi từ mỹ học sáng tạo đến mỹ học tiếp nhận. R. Ingarden đã nhìn nhận tác phẩm văn học như là khách thể mang tính chủ ý, vì vậy đời sống của tác phẩm văn học cũng phụ thuộc vào những hoạt động cụ thể hóa (đọc) văn bản có chủ ý của người đọc hướng tới nó. Qua công trình Tác phẩm văn học (1930), ông đã chỉ ra phương thức tồn tại của tác phẩm văn học là hoạt động chủ quan của bạn đọc hướng đến tác phẩm văn học. Tác phẩm chỉ là bộ khung xương còn người đọc là người bù đắp da thịt cho tác phẩm, vì đọc là sự cụ thể hóa văn bản, tác phẩm tạo điều kiện cho người đọc được tham gia vào quá trình tái tạo tác phẩm. Vì vậy ông cho rằng tác phẩm văn học là vật hai lần ý thức, lần ý thức thứ nhất là của tác giả, lần ý thức thứ hai là của độc giả. Trong công trình Lịch sử văn học như là sự khiêu khích đối với khoa học văn học (1967), H.R. Rauss cũng khẳng định lịch sử văn học không đơn giản là số cộng các tác phẩm văn học mà còn là lịch sử tiếp nhận các tác phẩm văn học. Tác phẩm văn học là một cấu trúc vẫy gọi người đọc, và tác phẩm văn học như thế nào là nhờ vào tầm đón đợi (tri thức, hiểu biết, vốn sống) của người đọc. Đối với W. Iser, ông còn đề ra có một dạng người đọc tiềm ẩn, luôn dẫn dắt, định hướng cho người đọc cách đọc. Từ đó mà ta tiếp cận đươc thông điệp tác giả muốn gửi gắm. U. Eco, qua công trình Tác phẩm mở, đã chỉ ra phẩm chất quan trọng của văn học là tính chất mở của văn bản. Nhờ tính chất mở của ngôn ngữ mà ta có thể thâm nhập vào văn bản mặc dù có khoảng cách của thời gian. Tiếp nhận văn chương phụ thuộc vào sự thay đổi chuẩn thẩm mỹ. Trong tiếp nhận, yếu tố then chốt là sự thỏa thuận giữa người đọc với tác giả thông qua văn bản. Thông điệp của nhà văn gần với ta bao nhiêu thì tác phẩm hay trong mắt ta bấy nhiêu. Tuy nhiên, khi tiếp nhận, trong thị hiếu, chuẩn thẩm mỹ của chúng ta chịu sự chi phối của cộng đồng diễn giải. Theo Trương Đăng Dung, mỗi một lần đọc văn bản là một lần người đọc lại “vấp ngã”. Tính đa nghĩa và độ mở của văn bản khiến cho những cách lý giải về nó đều có cơ hội tồn tại, và trên thực tế không thể có kết luận cuối cùng về giá trị tác phẩm. Đây là cái nhìn thể hiện cảm quan hậu hiện đại khi nói về đời sống tác phẩm trong tương quan với chủ thể tiếp nhận. Nêu lên phương thức tồn tại của tác phẩm văn học, Trương Đăng Dung đề cập đến hai vấn đề: một là tính chất ngôn ngữ, cái quyết định đặc trưng văn học của văn bản; hai là khả năng tạo lập một đời sống cụ thể của văn bản văn học thông qua người đọc. Đây là những đóng góp đáng quý của ông vào ý thức đổi mới và hiện đại nền lý luận văn học nước nhà. Như vậy không có một tác phẩm duy nhất trong bạn đọc. Người đọc ngây thơ luôn luôn đối chiếu, so sánh cái hiện thực khách quan với cái hiện thực có trong tác phẩm để thẩm định điều họ quan niệm đúng hay sai. Bởi vậy, nhà phê bình, một thứ siêu độc giả, không cung cấp cho người đọc cái nghĩa đúng sai của tác phẩm, mà cung cấp cho họ một cái nhìn riêng, độc đáo, mới mẻ của mình. Kiểu phê bình sự thật đã dần nhường chỗ cho kiểu phê bình giá trị trong thưởng lãm nghệ thuật… có người nói không ngoa rằng lịch sử văn học là lịch sử của những cách đọc. Tiêu chí để đánh giá một tác phẩm nghệ thuật không phụ thuộc vào sự so sánh, đối chiếu tác phẩm với hiện thực khách quan để xem hiện thực phản ánh đã “ngang tầm” với hiện thực bên ngoài chưa, mà chủ yếu là tác phẩm có giúp ta nhận thức về hiện thực, có tạo ra được tư tưởng gì mới mẻ để ta cải tạo hiện thực hay không. Có thể khẳng định rằng, tác phẩm văn học chỉ thực sự tồn tại với đầy đủ ba yếu tố: tác giả, tác phẩm và người tiếp nhận.

Như vậy, khoa học văn chương trong hai thế kỷ gần đây, đã có ba phát hiện quan trọng: thế kỷ XIX phát hiện ra tác giả, nửa đầu XX – tác phẩm và nửa cuối – độc giả. Sự phát hiện này dựa trên sự phát triển của tư duy triết học đi từ triết học tự nhiên đến triết học nhân sinh, cùng với sự phát hiện về bản chất của ngôn ngữ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

1. Trương Đăng Dung (1998), Từ văn bản đến tác phẩm văn học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

2. Trương Đăng Dung (2004), Tác phẩm văn học như là quá trình, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

3. Trương Đăng Dung (2004), “Trên đường đến với tư duy lý luận văn học hiện đại”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, (12).



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét