Đặt vấn đề
Một đặc điểm rất đáng chú ý của nghiên cứu lí thuyết văn học ở Việt Nam trong những năm gần đây là sự cập nhật lí thuyết nghiên cứu văn học phương Tây, chúng ta đã mạnh dạn giới thiệu, dịch, nghiên cứu những lí thuyết mà phương Tây đang nghiên cứu. Động thái tích cực đó được thể hiện khá rõ trong trường hợp Phê bình sinh thái (
ecocriticism). Đối diện với những lí thuyết mang tính thời sự, đặc biệt là những lí thuyết đang trong quá trình điều chỉnh, hoàn thiện, chúng ta cần có một thái độ hoàn toàn khác so với đối diện với những thứ lí thuyết đã tương đối định hình và tương đối hoàn chỉnh về các thao tác vận dụng
[i]. Bởi vì với những lí thuyết đang vận động, sẽ không có sẵn một bộ khung thao tác để chúng ta chỉ việc mang về rồi vận dụng vào nghiên cứu các hiện tượng văn học cụ thể.
Trong bài viết này, người viết bước đầu tìm câu trả lời cho những nghi vấn về cơ sở lí luận cũng như khả năng thao tác hóa của phê bình sinh thái.
- Nội dung
- Phê bình sinh thái hướng tới phạm trù cái hài hòa
Phê bình sinh thái ra đời như một phản ứng tích cực trước tình trạng môi trường toàn cầu đang ngày một xấu đi. Phê bình sinh thái khai thác lợi thế của việc thông qua phê bình văn học nghệ thuật tìm ra căn nguyên sâu xa của nguy cơ sinh thái ẩn tàng trong mô thức văn hóa nhân loại, từ đó tiến tới điều chỉnh quan niệm về quan hệ giữa con người và tự nhiên, xây dựng một phương thức sống đề cao chỉnh thể sinh thái. Thế nhưng, khi mới xuất hiện, Phê bình sinh thái phương Tây chủ trương chỉ có theo đuổi “chủ nghĩa sinh thái trung tâm” mới có thể xây dựng được quan hệ hài hòa giữa con người và tự nhiên, họ cực đoan phê phán “chủ nghĩa nhân loại trung tâm” coi đây là nguồn gốc sâu xa của hiện tượng môi trường ngày một xấu đi, họ “nhấn mạnh tính hoàn chỉnh của hệ thống sinh thái và sinh tồn của nhân loại, chủ trương nhân loại nên từ bỏ tất cả mọi quan niệm giá trị, thể chế xã hội và kĩ thuật can thiệp, phá hoại hệ thống sinh thái, chủ trương chung sống hài hòa, không can thiệp lẫn nhau, đối xử bình đẳng với vật tồn tại khác trong hệ thống sinh thái”
[ii]. Quan điểm này không tránh khỏi phi thực tế và cực đoan, bởi vì, nó đặt lợi ích tự nhiên cao hơn lợi ích nhân loại, lợi ích nhân loại phải phục tùng vô điều kiện lợi ích tự nhiên. Quan điểm này khiến nhiều người nghi ngờ, bởi vì, lẽ nào để giải quyết nguy cơ sinh thái con người phải từ bỏ địa vị chủ thể của mình, con người không làm gì cả, chỉ ngồi đợi ân huệ của tự nhiên, và nếu như vậy, thế giới sẽ quay trở lại thời kì hồng hoang của lịch sử. Trên thực tế, chúng ta bảo vệ môi trường tự nhiên là để lợi dụng môi trường tự nhiên lâu hơn, tốt hơn, phục vụ cho nhu cầu lợi ích của nhân loại, là để nhân loại có một không gian sinh tồn và phát triển tốt hơn. Xét đến cùng, con người không thể hi sinh bản thân để bảo vệ bất kì động vật nào. Bảo vệ sinh mệnh và tự nhiên là lấy bảo vệ lợi ích bản thân nhân loại làm tiền đề. Trong khi đó, “chủ nghĩa nhân loại trung tâm” lại cực đoan vị trí chủ thể của con người, vì thỏa mãn nhu cầu của con người mà bất chấp tự nhiên, khai thác vô độ tài nguyên thiên nhiên dẫn đến hủy hoại môi trường sinh thái. Nếu cứ tiếp tục theo đuổi quan niệm này, nhân loại sẽ đi đến thảm cảnh là tự đào huyệt chôn mình. Chọn “chủ nghĩa sinh thái trung tâm” hay “chủ nghĩa nhân loại trung tâm” đã từng là một vấn đề nan giải khi phê bình sinh thái mới ra đời, đã tạo nên không ít hoài nghi về sự tồn tại của khuynh hướng nghiên cứu này. Vì thế, cần xác định một quan niệm hợp lí, khả thi làm cơ sở cho Phê bình sinh thái, quan niệm đó là: không nên cực đoan đề cao lợi ích sinh thái cũng như không nên cực đoan đề cao lợi ích của con người bất chấp nguy cơ sinh thái, và cần phải chú ý đến lợi ích của con người đồng thời chú ý đến lợi ích của chỉnh thể sinh thái, tiến tới xác lập quan niệm thống nhất hữu cơ giữa lợi ích của nhân loại và lợi ích của chỉnh thể sinh thái. Có như vậy mới khiến cho cơ sở lí luận của phê bình sinh thái tránh rơi vào cực đoan, không tưởng. Mặt khác, khi vận dụng phê bình sinh thái, chúng ta cũng nên chú ý đến sự khác biệt giữa điều kiện lịch sử trong nước và điều kiện lịch sử ra đời Phê bình sinh thái ở phương Tây. Phê bình sinh thái phát triển mạnh mẽ ở Mĩ – một quốc gia phát triển – từ những năm 90 của thế kỉ trước. Trong khi đó, nước ta là nước đang phát triển, chúng ta không thể theo đuổi quan niệm “tự nhiên toàn mĩ’ hay “thẩm mĩ hoang dã”… như các nhà lí luận phương Tây. Nói như một nhà nghiên cứu Trung Quốc khi định hướng nghiên cứu mĩ học sinh thái ở quốc gia này: “Chỉ có sự cộng sinh giữa con người và tự nhiên mới là con đường có thể đi. Chính trong tình huống đó đã xuất hiện “hình thái lí luận sinh thái phù hợp hơn với quy luật phát triển xã hội như “chủ nghĩa nhân văn sinh thái” và “chủ nghĩa chỉnh thể sinh thái”… , trở thành cơ sở lí luận của mĩ học sinh thái đương đại”
[iii].
- Phê bình sinh thái mang bản chất của phê bình văn hóa
Nghiên cứu văn học trên thế giới cho đến nay đã đi qua các hệ hình cơ bản: tác giả trung tâm luận, văn bản trung tâm luận, độc giả trung tâm luận và từ những năm 80 của thế kỉ 20 đã chuyển sang hướng nghiên cứu văn hóa. Chuyển hướng văn hóa trong nghiên cứu văn học đã khiến người nghiên cứu không chỉ tập trung vào phân tích cấu trúc nội tại của văn bản tác phẩm, mà nhiều hơn là chỉ ra sự chi phối của những thiết chế văn hóa, chính trị lên văn bản, nhìn nhận lại những quan niệm giá trị đã định hình, đồng thời nghiên cứu tác động ngược trở lại xã hội ở mức độ nhất định của những văn bản đó. Như vậy, nghiên cứu văn hóa trong văn học sẽ làm tăng tính can dự vào thực tiễn của nghiên cứu văn học, thu hẹp khoảng cách giữa nghiên cứu văn học và hoạt động thực tiễn. Bên cạnh nghiên cứu văn hóa đại chúng, phê bình nữ quyền, phê bình sinh thái là một hướng nghiên cứu thể hiện rõ đặc điểm của hệ hình nghiên cứu văn hóa trong văn học đang phát triển rất sôi nổi hiện nay.
Mang bản chất của phê bình văn hóa, phê bình sinh thái không chỉ quan tâm đến sinh thái vì sinh thái, mà chú trọng hơn đến phê phán văn hóa tư tưởng. Các nhà phê bình sinh thái cho rằng, nguy cơ sinh thái không thực sự đáng sợ, điều đáng sợ nhất là sự tồn tại lâu dài của mô hình văn hóa tư tưởng đã tạo nên nguy cơ sinh thái. Có người cho rằng giải quyết nguy cơ sinh thái chỉ là công việc của các nhà khoa học môi trường, đòi hỏi kiến thức khoa học tự nhiên chuyên sâu, chứ “không phải là công việc ngẫu hứng của các nhà phê bình”. Luận điểm này đã sai lầm trên cả vấn đề thái độ đối với nguy cơ sinh thái lẫn nhận thức về vai trò của ý thức đối với hành vi của con người cũng như vai trò của khoa học nhân văn trong việc tác động đến ý thức con người. Ô nhiễm môi trường là vấn đề toàn cầu, mỗi cá nhân, mỗi ngành nghề, mỗi nhà khoa học đều phải có trách nhiệm góp phần giải quyết, nó không phải là trách nhiệm của riêng ai, nhà phê bình văn học càng không thể coi “đó không phải là trách nhiệm của mình”. Giải quyết nguy cơ sinh thái bằng các biện pháp khoa học công nghệ cố nhiên rất quan trọng, nhưng đó không phải là giải quyết vấn đề từ gốc. Gốc của vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái vẫn là ý thức của mỗi cá nhân trong xã hội, nếu mỗi cá nhân không có ý thức bảo vệ môi trường thì làm sao có cả một xã hội, một thế giới bảo vệ môi trường? Và công việc của nhà khoa học xã hội nói chung, nhà phê bình văn học nói riêng là gì nếu không phải là tác động vào ý thức của con người? Michelle Branch nói “Tất cả các phương diện trong xã hội chúng ta cùng quyết định lên phương thức sinh tồn độc nhất vô nhị của chúng ta trên thế giới này. Không nghiên cứu những điều này, chúng ta không thể nào nhận thức được một cách sâu sắc quan hệ giữa con người và môi trường tự nhiên, mà chỉ có thể biểu đạt được những ưu tư nông cạn. Vì thế, ngoài việc nghiên cứu văn học biểu hiện tự nhiên như thế nào, chúng ta còn phải bỏ nhiều công sức phân tích những nhân tố văn hóa xã hội quyết định thái độ đối với tự nhiên và hành vi sinh tồn trong môi trường tự nhiên, và kết hợp sự phân tích này với nghiên cứu văn học”
[iv]. Chính vì tính phê phán văn hóa và vấn đề sinh thái đã khiến phê bình sinh thái không còn là phê bình thẩm mĩ thuần túy. Phê bình sinh thái thông qua nghiên cứu văn bản văn học nhìn nhận lại quan niệm văn hóa, mô hình phát triển xã hội, phương thức sống của nhân loại đã ảnh hưởng như thế nào đến quan hệ giữa con người và tự nhiên, đã làm cho trái đất đứng trước nguy cơ sinh tồn nghiêm trọng như thế nào, đồng thời hướng tới việc xây dựng một mô hình con người chung sống hài hòa với môi trường tự nhiên. Như vậy, Phê bình sinh thái đã đặt văn học vào vấn đề gốc rễ của tồn tại văn hóa nhân loại, tìm hiểu, đánh giá giá trị của văn học trong cái nhìn nhân văn rộng lớn, tìm kiếm bản chất văn hóa xã hội và nội hàm tâm lí văn hóa dân tộc.
Khi xác định Phê bình sinh thái là một loại phê bình văn hóa, chúng ta sẽ có thể vận dụng phương pháp nghiên cứu của phê bình văn hóa để tiến hành phê bình sinh thái. Tức là sẽ tiến hành phân tích văn hóa đối với các văn bản văn học và hiện tượng văn học, từ đó khám phá, phát hiện văn hóa tinh thần ẩn sâu bên trong. Để đạt được mục tiêu đó, phê bình sinh thái sử dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành. LawrenceBuell khẳng định: “Phê bình sinh thái là khoa học liên ngành, người tuyên truyền chủ nghĩa hình thức trên phương diện mĩ học hoặc tính tự đủ trên phương diện khoa học thì không thể trở thành nhà phê bình sinh thái. Phê bình sinh thái đặc biệt hấp thu các mô hình diễn giải của nghiên cứu khoa học, địa lí nhân văn, tâm lí học phát triển, nhân loại học xã hội, triết học (luân lí học, nhận thức luận, hiện tượng học), sử học, tôn giáo và nghiên cứu giới tính, chủng tộc”
[v].
Thực ra việc vận dụng thành tựu của các ngành khoa học khác vào nghiên cứu văn học không phải là một việc mới lạ, chẳng hạn như Phê bình phân tâm học vận dụng thành tựu của Tâm lí học vào nghiên cứu văn học, chuyển hướng ngôn ngữ học trong nghiên cứu văn học trước hết cũng là vận dụng thành quả của ngôn ngữ học, Phê bình luân lí học văn học là vận dụng luân lí học vào nghiên cứu văn học… Tuy nhiên, các hướng vận dụng đã có thường chỉ là vận dụng thành tựu của khoa học xã hội nhân văn, trong khi Phê bình sinh thái với việc đưa khái niệm sinh thái học vào nghiên cứu văn học đã tạo ra sự kết nối giữa nghiên cứu văn học và khoa học tự nhiên. Bên cạnh sự kết nối với khoa học tự nhiên, thì Phê bình sinh thái còn tìm thấy không gian phát triển của mình khi kết nối với phê bình nữa quyền, tạo nên một khuynh hướng nghiên cứu rất có giá trị – phê bình nữ quyền sinh thái(Eco-feminism) .
Sở dĩ có sự kết hợp giữa Phê bình sinh thái và Phê bình nữ quyền là bởi vì các nhà nghiên cứu phát hiện ra tự nhiên và phụ nữ có một vận mệnh rất giống nhau. Nếu trong thời kì mẫu hệ, phụ nữ có địa vị rất cao, được sùng bái, được kính trọng, thì từ khi xã hội nam quyền thay thế, vị trí đó không còn nữa. Cũng như vậy, trong thời kì khoa học kĩ thuật chưa phát triển, hiểu biết của con người về thế giới tự nhiên còn hạn chế, con người luôn giữ thái độ sùng kính tự nhiên. Nhưng khi khoa học phát triển, đặc biệt là sau cách mạng công nghiệp, con người hô hào “chinh phục tự nhiên”, tiến hành bóc lột tự nhiên phục vụ nhu cầu vật chất của mình. Phê bình nữ quyền sinh thái hướng tới nhiều vấn đề, nhưng nó xoay quanh vấn đề phụ nữ và tự nhiên, kết hợp góc nhìn sinh thái và góc nhìn tự nhiên, tạo ra một không gian nghiên cứu đặc thù. Chính Phê bình nữ quyền đã mang đến góc nhìn giới tính cho Phê bình sinh thái. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra đàn ông nô dịch phụ nữ bắt đầu từ việc nô dịch tự nhiên. Sự nô dịch này được thực hiện toàn diện, triệt để trong xã hội tư bản thời đại công nghiệp hóa. Nhà phê bình sinh thái Mĩ Cheryll Glotfelty đã chỉ ra liên hệ mật thiết giữa thống trị phụ nữ và thống trị tự nhiên trong kết cấu xã hội và trong tư tưởng của nhân loại. Phê bình sinh thái chống lại chủ nghĩa nhân loại trung tâm cực đoan hẹp hòi thì Phê bình nữ quyền chống lại phê phán chủ nghĩa nam quyền trung tâm, giải phóng phụ nữ, xóa bỏ đối lập nhị nguyên nam – nữ. Phê bình nữ quyền sinh thái không chỉ làm rõ quan hệ giữa thống trị tự nhiên và thống trị phụ nữ, mà còn quan tâm đến sự khác biệt trong miêu tả tự nhiên giữa nhà văn nam và nhà văn nữ. Có học giả đã tổng kết sự khác biệt trong miêu tả tự nhiên của nhà văn nam và như văn nữ như sau: phụ nữ thiên sang tham dự (participate), đàn ông thiên sang quan sát (observe); phụ nữ thiên sang trình hiện bản thân tự nhiên (repressentthing itself), đàn ông thiên sang “tưởng tượng tự nhiên”(indealization); phụ nữ thiên sang “vật tự là nó”(things – in – themselves), đàn ông thiên sang “vật vì mình”(things-for-us)
[vi]. Như vậy, khi tiến hành phê bình văn học từ góc độ sinh thái đối với một số tác phẩm có thể kết nối vấn đề sinh thái với vấn đề nữ quyền, từ đó tìm ra những giá trị mới mẻ.
- Phê bình sinh thái không xa rời phân tích văn bản văn học
Một vấn đề quan trọng đặt ra là văn bản nào có thể được sử dụng làm đối tượng nghiên cứu của Phê bình sinh thái. Tất nhiên, đối tượng nghiên cứu lí tưởng của Phê bình sinh thái là những văn bản văn học sinh thái theo đúng nghĩa của nó. Nhưng văn học sinh thái đúng nghĩa chỉ thực sự xuất hiện khi môi trường toàn cầu xấu đi một cách nghiêm trọng trong thời hiện đại. Nếu phê bình sinh thái chỉ chọn tác phẩm văn học sinh thái như vậy làm đối tượng nghiên cứu thì phạm vi vận dụng nghiên cứu của nó rất hạn hẹp. Bởi vì trước thời kì cách mạng công nghiệp, trước thời kì môi trường toàn cầu xấu đi một cách trầm trọng rất khó tìm được tác phẩm văn học viết một cách tự giác về vấn đề bảo vệ môi trường. Hơn nữa, ngay cả từ sau cách mạng công nghiệp, không phải đại bộ phận tác phẩm văn học trên thế giới đều là văn học sinh thái. Ở Việt Nam đến thời điểm hiện nay chưa có một dòng văn học được gọi là văn học sinh thái, văn học bảo vệ môi trường. Vậy liệu có thể ứng dụng phương pháp phê bình này ở Việt Nam không? Chúng ta sẽ ứng xử như thế nào đối với những văn bản tác phẩm văn học trung đại và những văn bản tác phẩm hiện đại không thực sự là văn học sinh thái theo đúng nghĩa của nó?
Để giải quyết vấn đề đó, Phê bình sinh thái trước hết tập trung vào phân tích văn bản văn học, tìm ra những nhân tố thể hiện ý thức sinh thái. Nếu đi theo hướng này, thì phạm vi khảo sát của phê bình sinh thái sẽ mở rộng rất nhiều. Trên thực tế, tư tưởng sinh thái đã manh nha từ lâu, Trung Quốc cổ đại có tư tưởng “thiên nhân hợp nhất”, “đạo pháp tự nhiên”, châu Âu thế kỉ 18-19 có trào lưu triết học trở lại với tự nhiên
[vii] . Những tư tưởng triết học đó hoặc ít hoặc nhiều đều in dấu trong sáng tác văn học cổ kim đông tây, có điều trong nghiên cứu văn học trước kia chưa thực sự chú ý đến hàm ý sinh thái trong đó. Do vậy, đối với những tác phẩm miêu tả phản ánh vẻ đẹp tự nhiên và quan hệ giữa con người và tự nhiên, mặc dù người viết đương thời không chủ đích đứng từ lập trường sinh thái như hiện nay, thì chúng ta vẫn có thể đứng trên lập trường của mình để phát hiện và tìm ra ý nghĩa hiện đại trong những văn bản xa xưa. Cách làm này đã được những đại diện của thông diễn học hiện đại như H. G. Gadamer thừa nhận. Mặc dù phần lớn hình tượng thiên nhiên trong thơ ca trung đại đều được dùng như một ẩn dụ, một phương tiện để kí thác tâm trạng, cái cớ để thể hiện tình cảm chủ quan của nhà thơ, nhưng ý thức sinh thái hàm ẩn trong đó là một thực tế khách quan không thể phủ nhận. Có không ít tác phẩm coi thiên nhiên là đối tượng thẩm mĩ độc lập, nhà thơ chiêm nghiệm vẻ đẹp tự nhiên của nó. Trong những vần thơ của những nhà Nho ở ẩn sống với cảnh điền viên, với chốn lâm tuyền như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm chúng ta dễ dàng tìm thấy tư tưởng ca ngợi quan hệ hài hòa thân thiết giữa con người và tự nhiên. Sự giao cảm giữa con người và vũ trụ trong văn học trung đại Việt Nam và Trung Quốc đã tạo nên cảnh giới tươi đẹp. Như vậy, trong văn học trung đại, tư tưởng sinh thái chưa được hình thành một cách tự giác và có hệ thống, nhưng họ đã thể hiện ra niềm tôn kính, ngưỡng mộ, tình yêu đối với tự nhiên. Ngay thời hiện đại cũng có rất nhiều tác phẩm văn học không phải văn học sinh thái theo đúng nghĩa của nó, nhưng lại bao hàm trong đó ý thức sinh thái rất mạnh mẽ, chẳng hạn như
Ông già và biển cả của Hemingway hay
Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư. Những tác phẩm như vậy hoặc ít hoặc nhiều đều có cống hiến nhất định cho việc thức dậy ý thức sinh thái trong người đọc. Đối với những tác phẩm này, chúng ta có thể tạm thời không sử dụng mô hình đọc truyền thống và những kết luận đã có, mà đọc lại nó từ góc độ sinh thái.
Phê bình sinh thái cũng có thể tiến hành phân tích những văn bản tác phẩm thấm đậm tinh thần chủ nghĩa nhân loại trung tâm hẹp hòi, phê phán tinh thần phản sinh thái trong đó. Như vậy, một mặt có thể từ góc độ khác thức dậy ý thức sinh thái, một mặt có thể thúc đẩy giới học thuật đọc lại các văn bản văn học kinh điển từ góc độ sinh thái. Chẳng hạn tác phẩm Robinson phiêu lưu ký của nhà văn Anh Daniel Defoe (1660-1731), nếu từ góc độ sinh thái thì sẽ thấy Robinson là nhân vật tượng trưng cho việc chinh phục, chiếm hữu, chà đạp tự nhiên. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, tiến hành phân tích văn bản văn học kinh điển từ góc độ sinh thái cũng nên có chừng mực, bởi vì những tác phẩm đó là sản phẩm của một thời kì không tự giác về ý thức sinh thái, cho nên chúng ta không nên dùng nguyên lí của văn học sinh thái hiện đại và trào lưu sinh thái đương đại để cho rằng những tác phẩm đó đã coi lợi ích của chỉnh thể sinh thái là giá trị tối cao.
Khi phân tích văn bản văn học, Phê bình sinh thái chú ý đến hai loại cảm hứng: cảm hứng ngợi ca và cảm hứng phê phán. Hiển nhiên văn học sinh thái thường phản ánh mâu thuẫn giữa con người và tự nhiên, và thường là thông qua phản tư và phê phán quan hệ mâu thuẫn này để thức tỉnh ý thức sinh thái, chỉ ra nguy cơ của việc con người chiếm đoạt tự nhiên, khai thác vô độ tự nhiên chính là tự đào huyệt chôn mình. Hành động đó không chỉ làm cho môi trường sinh tồn xấu đi, mà còn tác động xấu đến đời sống tinh thần của con người, đến nhân tính. Nguyễn Huy Thiệp cảnh tỉnh rằng, nếu vô cảm với muôn loài sẽ có thể làm con người vô cảm trước đồng loại (Con thú lớn nhất), còn Nguyễn Bình Phương lại phát hiện ra mối liên hệ giữa việc con người thích tàn sát động vật với hành vi giết người (Thoạt kì thủy). Bên cạnh đó, Phê bình sinh thái cũng chú ý đến cảm hứng ngợi ca vẻ đẹp của tự nhiên, ngợi ca quan hệ hài hòa giữa con người và tự nhiên. Tìm ra những biểu hiện này trong văn học cũng chính là tìm mẫu lí tưởng cho thái độ ứng xử với tự nhiên.
Một vấn đề đặt ra cho chuyển hướng văn hóa trong nghiên cứu văn học là khi tiến hành nghiên cứu văn hóa vẫn phải tôn trọng nguyên tắc thẩm mĩ. Phê bình sinh thái cũng vậy, nếu xa rời nguyên tắc thẩm mĩ thì sẽ đánh mất tính văn học và sẽ không còn là phê bình văn học nữa. Do đó, trong quá trình phân tích văn bản văn học, tìm ra những nhân tố sinh thái, nhân tố thể hiện quan hệ giữa con người và tự nhiên, Phê bình sinh thái có thể vận dụng các phương pháp của nghiên cứu nội tại. Chẳng hạn tìm kiếm những biểu tượng nghệ thuật về sinh thái như biểu tượng sói, biểu tượng thảo nguyên, cánh đồng, sa mạc, biểu tượng nước, biểu tượng thiên tai, nạn dịch… Có thể nói những biểu tượng kiểu như vậy là linh hồn của văn học sinh thái, chúng đóng vai trò quan trọng trong tự sự văn học sinh thái. Phê bình sinh thái cũng chú ý đến phân tích kết cấu mang tính đối thoại giữa con người và tự nhiên trong văn bản văn học; chú ý phân tích nhân vật trần thuật, điểm nhìn trần thuật (điểm nhìn của trẻ thơ, điểm nhìn tương lai); hoặc các cách thức nghệ thuật hóa những tri thức về sinh thái (Khương Nhung, Tô tem sói)…
III. Kết luận
Hiện nay, nghiên cứu nội tại văn bản văn học đã không còn hấp dẫn như xưa nữa, trong bước chuyển hướng văn hóa trong nghiên cứu văn học, phê bình sinh thái đã góp một phần không nhỏ. Có điều, đây là hướng nghiên cứu còn đang trong quá trình điều chỉnh, hoàn thiện, còn nhiều vấn đề tranh cãi chưa ngã ngũ. Bài viết này chỉ là những cố gắng bước đầu của người viết nhằm xác định cơ sở tồn tại của phê bình sinh thái, đồng thời cố gắng thử xác lập hướng thao tác để có thể ứng dụng trong nghiên cứu các hiện tượng văn học Việt Nam. Do là khuynh hướng phê bình còn chưa hoàn thiện, cho nên, khả năng ứng dụng của phê bình sinh thái thực sự đến mức nào thì cần phải trải qua quá trình nghiên cứu, thử nghiệm mới có thể có kết luận chính xác. Tiếp cận vấn đề lí thuyết mang tính thời sự, chúng ta buộc phải chấp nhận hệ quả của thí nghiệm trong nghiên cứu khoa học, tức là có thể đúng, có thể sai, nhưng câu trả lời chỉ có thể có sau khi tiến hành thí nghiệm.
Đỗ Văn Hiểu
(Bài đã đăng trên tạp chí Lí luận phê bình văn học nghệ thuật, số tháng 9 năm 2016
[i] Phê bình mới, Chủ nghĩa hình thức Nga, chủ nghĩa cấu trúc, Tự sự học đều là những khuynh hướng nghiên cứu đã tương đối định hình và có một hệ thống thao tác rõ ràng trước khi được giới thiệu ở Việt Nam
[ii] Thư Thanh Xuân,
Tiến tới chủ nghĩa nhân loại trung tâm chân chính, Tạp chí Đại học Quảng Tây, Trung Quốc, số 2, năm 2002, tr23
[iii] Tăng Phồn Nhân,
Dẫn luận mĩ học sinh thái, Thương vụ ấn thư quán xuất bản, Bắc kinh 2010, tr466
[iv] Theo Hoàng Ứng Toàn, Sự khiêu khích của phê bình sinh thái đối với nghiên cứu văn hóa chủ lưu
[v] LawrenceBuell…,
Mở cánh cửa đối thoại phê bình sinh thái Trung -Mĩ, Tạp chí Nghiên cứu Văn nghệ, Trung Quốc, số 1 năm 2004, tr 65.
[vi] Tạ Bằng,
Bàn về phê bình văn học chủ nghĩa nữ quyền sinh thái, Tạp chí học viện bưu điện Trùng Khánh, số 2, 2006 tr 280.
[vii] Xin xem thêm Đỗ Văn Hiểu,
Phê bình sinh thái – cội nguồn và sự phát triển, Tạp chí Nhà văn, 11-2012