Tiện ích


Thống kê truy cập

Truyền thuyết và lễ hội hay mối liên hệ linh hồn và thể phách

Tác giả: Nguyễn Thị Hường - Cập nhật: 06/12/2016

TRUYỀN THUYẾT VÀ LỄ HỘI HAY MỐI QUAN HỆ GIỮA LINH HỒN VỚI THỂ PHÁCH

 (NGHIÊN CỨU QUA TRƯỜNG HỢP ĐỀN SÁI- ĐÔNG ANH- HÀ NỘI)

Ths. Nguyễn Thị Hường

Tổ VHVN I- Khoa Ngữ văn- ĐHSP Hà Nội

          1. Mở đầu

          Cha Leopold Cadiere khi nghiên cứu về tín ngưỡng của người Việt đã từng nhận xét: "Người Việt ở các giai tầng xã hội, tâm thức tôn giáo thể hiện một cách mãnh liệt và chế ngự toàn thể cuộc sống (...)Tôn giáo người Việt thế đấy, với những đỉnh cao vừa vượt lên tới được các tôn giáo thượng đẳng nhưng không mang theo toàn bộ nội dung hiện có, vừa gần gũi, thậm chí, qua các thực hành tín ngưỡng, gần như trộn lẫn với những hình thái tôn giáo sơ thủy của các dân tộc sơ khai rừng núi hoang dã, tầng tầng lớp lớp chất chứa lắng đặng qua quá trình lịch sử tháng năm, tình cờ tích lũy theo từng cụm quần cư nòi giống, vay mượn đủ thứ nhiều khi còn chưa thích ứng nhuần nhuyễn" [L.Cadiere. 19-20]. Những quan sát trên đã phần nào nói lên dược sự đa dạng, phức tạp của tín ngưỡng người Việt. Trong hệ thống thờ tự và niềm tin dân gian, dường như ở đâu cũng có thần linh ma quỷ sẵn sàng ban phúc hay giáng họa cho con người. Và để cầu xin những mục đích hết sức thực dụng cho đời sống nhân sinh vốn nhọc nhằn, người ta sẵn sàng suy tôn đủ dạng thần linh ở nhiều vị trí và nguồn gốc khác nhau: thiên thần, nhân thần, anh hùng dân tộc, thần linh có nguồn gốc ngoại lai.  Trường hợp thờ cúng Huyền Thiên Trấn Vũ, một vị thần của Đạo Giáo, xuất hiện từ đời nhà Tùy đã sâu gốc bền rễ trong tín ngưỡng dân gian là một ví dụ sinh động minh chứng cho nhận xét trên. Tuy nhiên, việc một vị thần nào đó khẳng định được vai trò của mình trong niềm tin dân gian cần rất nhiều yếu tố: đền điện thờ, nghi thức tế lễ, lễ hội  và để cho những yếu tố trên đạt được tính thiêng thì chắc chắn không thể thiếu hệ thống truyền thuyết được sàng lọc, sáng tạo thêm theo thời gian. Chính vì vậy, nghiên cứu một hiện tượng tôn giáo- tín ngưỡng nào đó thì không thể quên hai phạm trù này. Nó tồn tại trong mối quan hệ cộng sinh, tương trợ, hay cao hơn, chính là thể xác và linh hồn trong một cơ thể tâm linh trọn vẹn. Nghiên cứu về Đền Sái ở vùng đất Đông Anh sẽ giúp cho chúng ta thấy rõ mối quan hệ này.

           2. Nội dung nghiên cứu

          Huyền Thiên Trấn Vũ là vị thần thuộc Đạo Giáo được thờ ở Trung Quốc và nhiều nước thuộc vùng Đông Nam Á. Tại Hà Nội, theo ghi nhận bước đầu của chúng tôi, vị thần này được thờ ở một số địa điểm như: Đền Quán Thánh, đình Đông Thành phố Hàng Vải, đình Đông Thành- Hàng Nón, chùa Huyền Thiên- Hoàng Khoai, đình Trấn Vũ- Long Biên, Đền Sái- Đông Anh.. Điều đáng nói là hiện nay chỉ còn hai nơi giữ lại được phần lễ hội là đền Trấn Vũ ở Long Biên và Đền Sái ở Đông Anh, tức là vùng ngoại thành Hà Nội. Các địa điểm còn lại trong nội thành đều bị mất phần hội, chỉ có phần lễ là còn nguyên vẹn và tiến hành hàng năm. Lí do được ban quản lí di tích đưa ra là do nhu cầu và điều kiện khách quan của cư dân quanh vùng trong quá trình đô thị hóa đã không còn giữ được mối quan hệ cố kết cộng đồng truyền thống. Việc cầu tài của thị dân đã thay cho mục đích cầu mùa của những người làm nông nghiệp dẫn đến việc thay đổi vị trí và vai trò của một số vị thần được thờ tự. Theo các truyền thuyết, thần Trấn Vũ (Chấn Vũ) là vị thần thuộc Đạo Giáo, gắn với phương Bắc, có chức năng phù trợ cho việc mưa thuận gió hòa, đươc phong là phúc thần trấn cửa Bắc vùng Thăng Long vốn xưa kia là vùng sông nước rừng núi hoang vu với nhiều sông ngòi, hồ đầm không ít lần làm cho dân trong vùng lao đao vì nạn thủy tặc. Theo trí nhớ của người già thì lễ hội đền Quán Thánh xưa có tục rước Ngài quanh hồ Tây với ngụ ý xin Ngài cho phong đăng hòa cốc, bảo vệ cuộc sống của cư dân quanh vùng tránh khỏi mọi thiên tai. Theo thời gian, Thăng Long xưa, Hà Nội nay được mở rộng dần, nhiều hồ đầm và rừng rú biến mất, các phường hội sản xuất kinh doanh lấn át dần nghề nông nghiệp truyền thống. Tình trạng dân tứ chiếng đổ về Thăng Long làm nghề rộ lên vào thời Hậu Lê và đặc biệt ồ ạt từ sau năm 1954 đã khiến cho gương mặt thủ đô mang nhiều nét mới mẻ không chỉ về kinh tế, văn hóa và còn ở phương diện tôn giáo, tín ngưỡng. Tính hỗn dung tôn giáo vốn làm một đặc điểm của việc thờ tự tâm linh Việt, ở mảnh đất này lại diễn ra theo xu thế "vạn năng hóa" các thần từ nhiều nguồn gốc khác nhau mà chức năng chính là phù trợ cho việc buôn may bán đắt chứ không chỉ đơn thuần làm mưa thuận gió hòa nữa  (Chữ dùng của Nguyễn Vinh Phúc- Nguyễn Duy Hinh. Các thành hoàng và tín ngưỡng Thăng Long, Hà Nội. NXB Lao Động. 2009). Điều này cho chúng ta thấy mức độ can thiệp của lòng dân trong sự tồn tại hay không tồn tại của thánh thần. Nói cách khác, mục đích thực dụng cho phép nâng lên hay hạ xuống vị thế của một vị thần nhất định theo thời gian. Điều này chúng ta sẽ còn thấy rõ qua thực tế nhiều đình đền mới được xây cất hay phục dựng ở nhiều địa phương hiện nay. Nếu tín ngưỡng thị dân phát triển mạnh mẽ ở nội thành Hà Nội và càng ngày càng có xu hướng lấn át tín ngưỡng của nông dân thì ở vùng ngoại thành, việc cầu mùa gắn với đời sống sản xuất nông nghiệp và cơ cấu làng xã cố kết cộng đồng vẫn được duy trì một cách mạnh mẽ. Trước sự biến động của cuộc sống hiện đại, việc ghi khắc vào tâm khảm người dân các thế hệ về truyền thống đẹp đẽ (lịch sử, văn hóa, tâm linh) của nơi mình cư ngụ lại càng cần thiết. Nói như nhà nhân học Maurice Godelier, các yếu tố tạo nên một xã hội không phải là quan hệ thân tộc hay quan hệ kinh tế mà "chính là các mối quan hệ chính trị- tôn giáo của họ, các mối quan hệ đã tạo điều kiện cho họ thiết lập một hinh thái chủ quyền lên lãnh thổ, dân cư và các nguồn tài nguyên"[Maurice:163]. Chính những nghi lễ hướng về cõi thiêng đã quy tụ một nhóm người vào trong một cấu trúc quyền lực, một trật tự riêng của xã hội. Nghiên cứu về hiện tượng truyền thuyết và lễ hội đền Sái sẽ giúp chúng ta thấy rõ được các đặc điểm kể trên.

          Đền Sái nằm ở núi Sái- một trong những ngọn núi lớn nhất của dãy Thất Diệu Sơn thuộc thôn Thụy Lôi, Thụy Lâm, Đông Anh, Hà Nội. Đây là ngôi đền cổ nổi tiếng linh thiêng được xây dựng từ lâu đời. Nằm trên mảnh đất thiêng được Thục An Dương Vương chọn làm đất xây dựng Loa thành nên truyền thuyết và lễ hội nơi đây có mối quan hệ gắn bó khăng khít với vị vua này và có thể được xếp vào loại truyền thuyết anh hùng trong kho tàng truyền thuyết Việt Nam.

          Theo các truyền thuyết được ghi chép trong các sách vở và lưu hành trên cửa miệng dân chúng, Trấn Vũ là thiên thần của Bắc thiên môn phủ giáng sinh xuống trần gian tại đất nước Trung Quốc từ rất lâu đời. Trải qua quá trình tu luyện khổ cực, vị thần này đã đắc đạo và có lần đã sang phương Nam, dùng đạo phép diệt trừ yêu quái ở nhiều vùng nên được nhân dân tôn thờ như một phúc thần của người Việt. Ở Đền Sái vẫn lưu hành câu chuyện về ngài. Tương truyền, An Dương Vương xây thành Cổ Loa nhiều lần không xong. Rùa thần đã mách cho Người phải lập đàn cầu Thiên thần xuống giúp thì công việc mới được như ý. Thiên đình phái Đức Thánh Trấn xuống giúp vua chém chết con ma gà nên thành mới xây được kiên cố. Sau khi xây thành, Huyền Thiên Trấn Vũ còn ở lại giúp đất nước ta tiêu diệt giặc ngoại xâm. Khi bờ cõi được yên, ngài lên núi Sái (tên chữ là Vũ Dương) rồi hóa trong đêm. Để tưởng nhớ công ơn của Ngài, dân trong vùng đã lập đền thờ tại đây. Tương truyền, tượng đất hiện còn trong đền chính là thân xác Ngài còn để lại trần gian. Như vậy, theo truyền thuyết, Đền Sái được xây cất ngay chính vị trí Đức Thánh Trấn hóa và lễ hội được tổ chức theo lệ được đặt ra từ thời An Dương Vương để bái yết người anh hùng có công với dân tộc. Hơn nữa, mặc dù đền Quán Thánh hiện nay được nhiều người biết đến hơn đền này nhưng xét theo khía cạnh tâm linh thì đền Sái mới là đền gốc thờ Huyền Thiên Trấn Vũ. Đền Quán Thánh chỉ xuất hiện từ thời Lý sau khi Lý Công Uẩn đến đền Thụy Lôi cầu con, nghe chuyện xưa thấy linh thiêng nên mới rước Ngài ra ngự ở gần Hồ Tây để trấn cửa Bắc cho đô thành.

          Trước hết, nhìn từ tượng thờ chúng ta sẽ thấy ở đây có những điểm khác biệt so với các nơi khác cùng thờ nhân vật này. Điều có thể thấy rõ nhất là ở đền Quán Thánh và đền Trấn Vũ, tượng Huyền Thiên đều được làm bằng đồng với kích thước to lớn. Thần thái Ngài toát lên vẻ uy dũng, mạnh mẽ với đôi mắt mở to, môi dày, tóc để xõa dài, chân trần, tay trái bắt quyết, tay phải cầm đốc kiếm cắm lên lưng rùa, mũi kiếm có rắn quấn quanh. Tuy nhiên, ở Đền Sái, theo lời ban quản lí di tích thì tượng Huyền Thiên được làm bằng đất với kích thước nhỏ được tô sơn, gương mặt hiền hậu, phần đầu phía trước trọc, chỉ có một chút tóc buông xõa phía sau. Tay ngài không bắt quyết và cũng không cầm gươm mà ngồi theo tư thế thiền định. Phía dưới có tượng rùa và rắn. Hình dáng pho tượng này giống với phong thái tượng thờ Ngài ở chùa Huyền Thiên (Hàng Khoai), tức là mang nhiều dấu ấn của tượng thờ Phật giáo. Yếu tố Đạo tuy chưa bị triệt tiêu gần như hoàn toàn như trường hợp Huyền Thiên Cổ Quán biến thành chùa Huyền Thiên (Hàng Khoai) nhưng dấu vết Đạo đã rất mờ nhạt. Có thể nói, pho tượng này không điển hình cho hình tượng về Huyền Thiên Trấn Vũ nhưng lại thể hiện nhiều đặc điểm của tín ngưỡng dân tộc ta. Trong niềm tin của dân gian, đây chính là thân xác Ngài để lại trên núi Sái sau khi hóa về Trời. Dân làng đã xây dựng đền trên chính vị trí Ngài thăng để tỏ lòng tưởng nhớ vị thần có công xây thành và giết giặc. Hiểu được điều này sẽ bắc cho chúng ta một nhịp cầu tâm linh để cảm hiểu những nghi thức trong lễ hội hàng năm mà người dân nơi đây một lòng gìn giữ, tuân thủ.

          Tham dự một lễ hội, nếu không nắm được sự tích thì chúng ta sẽ thấy những hành động được thực hiện thật vô lí, nực cười. Truyền thuyết cung cấp cho các nghi lễ tính lí do, là tấm "hộ chiếu" để tồn tại qua sự băng hoại của thời gian và gìn gữ sự tôn sùng của tất cả mọi người. Tất nhiên, lễ hội sẽ là nơi để truyền thuyết có thể sống mãi trong lòng người từ đời này sang đời khác, từ địa phương này đến địa phương khác. Trước đây, lễ hội đền Sái diễn ra trong nhiều ngày nhưng để giảm bớt gánh nặng cho dân chúng, ngày nay, lễ hội chỉ còn gói gọn vào ngày 11 tháng Giêng. Tương truyền, sau khi thần Trấn Vũ hóa, An Dương Vương đã cho xây dựng đền thờ và đặt lệ cứ nhằm mùa xuân sẽ đích thân Vua và quần thần đến lễ để tỏ lòng ghi nhớ công lao. Nhưng sau này, để tránh tốn kém cho dân, vua để cho dân làng đóng giả Người và quan quân để thực hiện nghi lễ nên mới có tục rước vua giả. Theo lời thuật lại của Ban quản lí đền thì đầu tiên, Vua, Chúa, các quan cùng dân làng sẽ đi lên núi để tế thần. Tuy nhiên, trên dãy Thất Diệu Sơn không chỉ có đền thờ Đức Thánh Trấn mà còn có đền thờ Cao Sơn Đại Vương nên Vua- An Dương Vương sẽ lên thẳng núi này để thể hiện lòng tưởng nhớ, nối chí tổ tiên vì Đại Vương họ Cao thuộc dòng dõi Hùng Vương. Chỉ có Chúa- Người phò tá thân cận của Vua mới thực hiện trách nhiệm tế lễ tại đền thờ Đức Thánh Trấn. Sau khi thực hiện xong các nghi thức, Chúa mới lên đền Thượng đón Vua xuống bái yết Huyền Thiên Trấn Vũ. Điều này gợi cho chúng tôi một số suy nghĩ. Có lẽ, bản chất hành động này đã xác định vị trí của Vua độc lập với Huyền Thiên chứ không bị lụy, không chịu khuất phục, vua cảm tạ chứ không hành lễ tế. Đền thờ Trấn Vũ cũng ở vị trí thấp hơn đề thờ Cao Sơn Đại Vương- một vị thần núi bản địa. Phải chăng đây cũng chính là ngụ ý của dân gian, muốn thể hiện lòng tự tôn cùng vai trò độc lập của mình bởi dẫu sao, Đức Thánh Trấn cũng vẫn là một vị thần gốc gác từ phương Bắc chứ không phải là vị thần nội sinh.

          Trước khi Chúa lên núi Thượng đón Vua xuống đền Sái, Chúa phải thực hiện nghi thức chém thanh kiếm gỗ vào bát tiết đặt ở tảng đá sau đền Thượng tượng trưng hành động Huyền Thiên chém Ma Gà giúp An Dương Vương xây thành thuở trước. Có thể nói, đây là hành động mang tính thiêng, là một trong những hèm kị làm nên nét đặc biệt của hội làng Thụy Lôi.  Nghi thức này được tiến hành trong tiếng hò reo của dân làng mang theo niềm tin thiêng liêng vào việc Đức Huyền Thiên ra tay tiêu diệt Ma Gà cùng những thế lực hắc ám để che chở, phù trợ cho nhân dân quanh năm bình an, mạnh khỏe.

       Được Vua cho đóng giả Người mà tiến hành lễ hội chính là vinh dự của dân làng. Chính vì vậy, từ bao năm nay, người dân nơi đây vẫn duy trì những tục lệ được truyền lại từ xa xưa, trong đó có lệ chọn người đóng Vua, Chúa, các quan. Theo lệ, người muốn được đóng Vua phải từ 70 tuổi trở lên, là người đức độ, kinh tế khá giả, vợ còn sống và có cả gái cả trai. Đấy là chưa kể người này phải có nhiều năm trải qua các vị trí từ quan rồi thăng dần lên đến vị trí là Chúa trước khi đảm nhiệm vai trò cao nhất. Được dân làng giao cho nhiệm vụ này không chỉ là vinh dự của bản thân hay gia đình ông ta mà còn là niềm tự hào của cả họ. Chẳng vậy mà trước đây, gia đình nào được vinh dự đóng vai vua tuy phải bày biện lễ vật và cỗ thiết đãi dân làng tốn kém nhưng mọi người đều rất hoan hỉ. Thêm nữa, trong lễ rước vua giả từ đền về làng, kiệu của Chúa luôn phải đi trước, được các trai đinh thay nhau khiêng và cứ 10 phút một lần lại phải quay tròn trong tiếng hò reo của dân làng. Khi đó, Chúa phải thực hiện động tác múa gươm để xua đuổi tà ma bảo vệ cho Vua được rước ở kiệu sau. Người đóng vai Chúa, do vậy, phải có sức khỏe và không ít lần đã bị những tai nạn bất ngờ trong lúc thực hiện nghi lễ. Tuy vậy, từ khâu chuẩn bị đến lúc tiến hành lễ hội đều nhất nhất được thực hiện với niềm tin thiêng liêng và sự xúc động tự hào vì chính lúc này, họ được  sống trong vị thế của Vua, được Vua trao cho trách nhiệm thay Người mà nối kết với đấng linh thiêng để xin thánh thần tiếp tục phù trợ cho cộng đồng mình.Có lẽ, trong rất nhiều lễ hội truyền thống của Người Việt thì lễ hội nơi đây không những không sợ bị cấm đoán vì cái gọi là mê tín dị đoan mà ngược lại, tồn tại với vị thế "chính đạo", có uy quyền về mặt chính trị nên nó không những không bị mai một mà còn được bảo lưu gần như trọn vẹn.

          Có thể thấy rõ, các hành động lễ hội được tiến hành qua nhiều đời bởi niềm tin vào cội rễ được kể lại trong truyền thuyết và đến lượt mình, các nghi thức đó lại làm nên nét đặc sắc riêng của từng vùng miền, địa phương. Cùng thờ Huyền Thiên Trấn Vũ gắn với câu chuyện vị thần này giúp An Dương Vương tiêu diệt yêu quái để xây thành nhưng hội đền Trấn Vũ ở Long Biên lại tổ chức nhằm ngày sinh của Ngài và không có tục rước vua giả mà chỉ có trò kéo co ngồi gắn với câu chuyện trai gái các làng tranh nhau nước năm hạn hán, không liên quan nhiều đến nhân vật được thờ cúng. Rõ ràng, truyền thuyết cho các hành động một cái lí để tồn tại. Thiếu lời giải thích này, các nghi lễ chỉ như phần xác không có linh hồn, rời rạc, lạc điệu và sớm muộn cũng bị băng hoại theo thời gian. Maurice Godelier từng nói: "Loài người (...) tạo nên những hình thức mới về sự tồn tại xã hội"[Maurice:165] và họ không xác định "bản sắc" cũng như vị trí của mình theo quan hệ thân tộc hay kinh tế mà "theo nơi họ cùng cư trú và cùng kiếm sống hàng ngày" [Maurice;168]. Thành hoàng làng vừa đóng vai trò là người bảo trợ cho sự bình yên, an vui của vùng miền mà thánh thần đó được thờ cúng vừa là sợi dây vô hình thắt chặt tình đoàn kết giữa những cá thể đơn lẻ vào cộng đồng một cách tự nguyện. Chính trong những điều kiêng kị này bản sắc của mỗi cộng đồng sẽ được thể hiện rõ nhất bởi "vấn đề bản sắc là các quan hệ xã hội tồn tại không chỉ ở giữa mà còn trong mỗi cá thể và nhóm liên quan đến các mối quan hệ này. Bộ phận của các mối quan hệ xã hội vốn tồn tại bên trong cá thể là cái mà chúng ta gọi là cấu trúc tinh thần và chủ quan của họ, được tạo thành không phải chỉ bởi những sự đại diện mà còn cả bởi các nguyên tắc hành động và sự cấm kị" [Maurice Godelier:176]. Sự cố kết của mỗi cá nhân, dòng họ ở mảnh đất hiền hòa này phải chăng có từ chính những điều họ thành tâm tin tưởng và thực hiện từ đời này sang đời khác?

          Theo truyền thuyết là lời giải thích của dân trong vùng, lễ hội được tổ chức là theo lệ hội quân bái yết đức Huyền Thiên từ thời vua Thục Phán còn truyền lại. Tuy nhiên, căn cứ theo lịch tiết và một số quy cách tổ chức thì chúng ta có thể thấy ngay đây là một lễ hội cầu mùa của những cư dân làm nông nghiệp lúa nước. Hiện nay, về hội đền, chúng ta có thể thấy, đền nằm ở khu đất cao, gối sau lưng là núi, ba mặt là đồng lúa bát ngát cách hơi xa làng. Chính hội vào ngày 11 tháng Giêng phù hợp với nguyên tắc tổ chức lễ hội theo xuân thu nhị kì của người Việt . Hơn nữa, nhìn vào cách thức tổ chức của đám rước chúng ta thấy tồn tại một nguyên tắc là mọi thứ có cặp có đôi: Đồ dâng cúng nhất thiết phải có bánh chưng- bánh dày; những người đảm nhiệm trọng trách quan trọng trong lễ rước phải có đôi có cặp: Vua- hoàng hậu, quan- phu nhân, đội rước có trai đinh khiêng kiệu, gái khiêng áng thư. Những người đóng vua quan, hoàng hậu, vợ quan phải trải qua chuỗi hành động quy định: tế lễ trên những địa điểm thờ tự- về làng- lễ tại nhà thờ tổ của dòng họ mình- sang lễ nhà vợ- quay về nhà riêng của mình- liên hoan chúc mừng. Những hành động này cũng với cách thức tổ chức lễ hội cho chúng ta thấy truyền thống uống nước nhớ nguồn, kêu gọi sự đoàn kết và dấu ấn của tín ngưỡng cầu mùa tôn trọng nguyên tắc hài hòa về âm- dương, đực- cái.

          3. Kết luận

          Lễ hội đền Sái được biết đến với trò rước vua giả nổi tiếng đã tồn tại qua rất nhiều thăng trầm, biến động của thời gian. Một trong những lí do khiến nó không bị mai một đi chính là niềm tin tâm linh mãnh liệt được trao truyền qua các thế hệ về sự linh thiêng của Đức Thánh Trấn cùng trọng trách đầy vinh dự do Vua Thục Phán ủy thác. Ngay khi lễ hội kết thúc, dân làng Thụy Lôi đã lại chuẩn bị lựa chọn nhân lực cũng như bàn bạc chuẩn bị cho lễ hội sẽ diễn ra vào mùa xuân tới. Cứ như thế, truyện xưa được lưu truyền, nghi lễ thiêng được gìn giữ để sợi dây gắn kết cộng đồng ngày càng thêm bền vững. Dân làng Thụy Lôi hân hoan bước vào năm mới với niềm tin về sự bảo trợ của vị Thành Hoàng làng và niềm tự hào mình là những người được Vua Thục An Dương Vương trao cho vị thế cao quý và sức mạnh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Vinh Phúc, Nguyễn Duy Hinh (2009). Các thành hoàng và tín ngưỡng Thăng Long- Hà Nội. Nxb Lao động. H.

2. Leopold Cadiere (2010). Văn hóa, tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt, tập 1. Nxb Thuận Hóa, Huế.

3. Nhiều tác giả (2014). Một số vấn đề lịch sử và lý thuyết nhân học,H. Nxb Tri thức

4. Tài liệu "Di tích lịch sử đền Sái và lễ hội rước vua giả truyền thống thôn Thụy Lôi". BQL đền Sái cung cấp

5. Tài liệu trên Wikipedia

 

 

 

Cập nhật: 06/12/2016 - Lượt xem: 2

Bài cùng chuyên mục