Thụy Khuê Phê bình văn học thế kỷ XX Phụ Lục Hậu Hiện Đại Thực chất và ảo tượng (Bài 1)
Thuyết hậu hiện đại (postmoderne) của Jean-François Lyotard ra đời cách đây gần bốn mươi năm, nhưng đối với độc giả Việt Nam, dường như vẫn còn là vấn đề thời thượng. Một đề tài dễ gây tranh luận, tuy được nói đến rất nhiều, nhưng thử tìm một chuyên luận giải thích rõ ràng, tường tận không dễ. Có người cho rằng đó là một chủ nghĩa, một trường phái; có người cho đó là một lý thuyết suông. Phần đông những người bênh vực lý thuyết này, thường xem nó như một chủ thuyết văn học mới nhất, vượt xa những trường phái, chủ thuyết văn học cũ như: lãng mạn, siêu thực, hiện sinh, đã lỗi thời. Hậu hiện đại (posmoderne) của Lyotard mặc nhiên biến thành "chủ nghiã hậu hiện đại" (postmodernisme), và thường được coi như một chủ nghiã có khả năng hướng dẫn sáng tạo cho toàn bộ nghệ thuật tân tiến thời này. Đối với người đọc bình thường, một số câu hỏi được đặt ra: có một thứ "chủ nghĩa hậu hiện đại" thực không? Và nếu có, thì đường hướng sáng tác của chủ nghĩa ấy như thế nào? Những chữ hậu hiện đại nghĩa là gì? Có từ bao giờ? Do ai đề xướng?... Tựu trung, những câu hỏi cơ bản về bất cứ một khái niệm văn học hay triết học nào. Để trả lời những câu hỏi này, chúng tôi cho rằng cách đơn giản nhất là trình bầy một chân dung hậu hiện đại từ nguồn xuất phát, tức là từ chính thuyết hậu hiện đại của Jean-François Lyotard và so sánh thuyết này với "chủ nghiã hậu hiện đại" được loan truyền trên khắp thế giới; ta sẽ thấy rằng: "chủ nghiã" này đã hoàn toàn thoát khỏi lý thuyết của Lyotard trong cuốn Điều kiện hậu hiện đại (La condition postmoderne). Đây là một nghiệm chứng xác thực về hiện tượng "tác giả đã chết" sau khi tác phẩm ra đời, mà chúng ta đã biết qua lý thuyết văn chương của Maurice Blanchot, trong chương 12. Trước khi đi vào nội dung hậu hiện đại, có hai vấn đề quan trọng cần giải thích: - Nguồn gốc danh từ hậu hiện đại. - Việc dịch một số danh từ trong sách của Lyotard.
Nguồn gốc danh từ Từ postmoderne xuất hiện trong cuộc tranh luận triết học, năm 1979, cùng với sự ra đời cuốn Điều kiện hậu hiện đại (La condition postmoderne) của Jean-François Lyotard, thật ra, đã được dùng từ trước, trong nhiều lãnh vực khác nhau. Trước hết, năm 1861, nhà khoa học và triết gia Pháp, Antoine-Augustin Cournot, đã dùng khái niệm hậu lịch sử (post-histoire) trong cuốn Chuyên luận về sự liên kết những ý tưởng cơ bản trong khoa học và sử học (Traité de l'enchaînement des idées fondamentales dans la science et dans l'histoire), Cournot nhắc lại giả thuyết của Hegel về sự hoàn tất lịch sử ở thời điểm hiện đại, để chỉ định những gì xẩy ra sau đó, là hậu lịch sử. Khoảng 1934, một số tác giả như Arnold J. Toynbee, Oswald Spengler, Alexandre Kojève, G. Benn, Arnold Gehlen... đã lấy lại khái niệm hậu lịch sử này trong các chuyên luận khảo sát lịch sử, triết học, triết lý lịch sử, nghiên cứu thi học của họ. Một mặt khác, cũng năm 1934, nhà phê bình văn học Tây Ban Nha, F. de Onis trong Tuyển tập thi ca Tây Ban Nha và Châu Mỹ La Tinh (Antologia de la poésia espanola e hispanoaméricana) đã dùng danh từ postmoderne để chỉ định sự vượt qua (dépassement) chủ thuyết hiện đại (modernisme) những năm 1905-1914. Nhưng muốn biết sự "vượt qua" này là gì, chúng ta phải trở lại khái niệm chủ thuyết hiện đại trước đã. Từ hiện đại thường dùng trong nghĩa đối lập với truyền thống, và thuật ngữ Thuyết hiện đại hay Thuyết duy tân (Modernisme) chỉ định ba phong trào hoàn toàn khác nhau: - Về tôn giáo, Modernisme là Phong trào cải cách tôn giáo nhằm mục đích đổi mới đạo thiên chúa, cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, chỉ toàn bộ những lý thuyết và khuynh hướng chủ trương làm mới việc chú giải Thánh kinh, cải tổ học thuyết xã hội và quản trị giáo hội, sao cho phù hợp với nhu cầu khoa học của thế kỷ XX; đặc biệt cuộc khủng hoảng tôn giáo dưới thời Giáo hoàng Pie X (1903-1914) ở Pháp và ở Ý. Những tư tưởng cải cách này, bị nghị định Lamentabili và sắc lệnh Pascendi của giáo hội kết án nghiêm khắc năm 1907. - Về văn học, Modernisme (Modernismo) chỉ Trào lưu đổi mới văn học phát xuất từ Châu Mỹ La Tinh năm 1890, của một số nhà văn, nhà thơ, viết tiếng Tây Ban Nha mà người khai phá là Ruben Dario (Nicaragua), muốn thoát khỏi ảnh hưởng Tây Ban Nha, nhưng lại chịu ảnh hưởng các trào lưu Thi Sơn (Parnasse)[1] và Tượng Trưng (Symbolisme) của Pháp. - Ngoài ra, Modernisme còn chỉ Phong trào đổi mới văn chương nghệ thuật ở Brésil, phát sinh từ São Paulo năm 1922, tìm những chủ đề trong thiên nhiên và văn hóa dân tộc. Như vậy, chữ Modernisme, nếu coi là một chủ thuyết duy tân, thì nó chỉ có ba nghiã chính thức trên đây. Nhưng khi người ta dùng chữ này như một "chủ nghiã" văn học nghệ thuật, thì nó đã bị xé toạc ra thành trăm, nghìn mảnh khác nhau, mỗi người có một "chủ nghiã hiện đại" của riêng mình, như chúng ta thấy hiện nay trên báo chí sách vở, internet. Còn chữ Hậu hiện đại, về văn học, mà chúng ta nói đến ở đây, từ năm 1934, đã được Onis dùng để chỉ phong trào đổi mới văn học Tây Ban Nha-Châu Mỹ La Tinh (1905-1914); chữ này sẽ được Lyotard dùng lại năm 1979, để chỉ lý thuyết Hậu hiện đại của ông, lý thuyết này, như ta sẽ thấy, không có gì liên hệ đến khái niệm Hậu hiện đại tại Mỹ, thập niên 1960.
Hậu hiện đại trong văn học Mỹ Trong những năm 60, thế kỷ XX, một số nhà phê bình và văn học sử Mỹ dùng nhóm từ "Hậu hiện đại" để chỉ những tác gia sinh vào khoảng thập niên 30, thế hệ sau Hemingway, Faulkner, Caldwell... chủ trương cách tân tiểu thuyết với những đặc điểm: phi lý, châm biếm, huyền ảo, truyện không cốt truyện, không tình tiết, giọng văn mới lạ, có chất quái dị, kinh hoàng như John Barth, Donald Berthelme, Robert Coover, William Gass, John Hawkes, Kurt Vonnegut, v.v... Đối với John Hawkes (sinh năm 1925, tại Stanford), kẻ thù đích thực của tiểu thuyết là: tình tiết, nhân vật và đề tài. Để chống lại lối viết hiện thực, ông đưa ra một hình thức tiểu thuyết độc đáo, dựa trên hai yếu tố: châm biếm và kinh hoàng. Trong cuốn Kẻ ăn thịt người (The cannibal), 1949, Hawkes khắc họa hình ảnh một nước Đức quái đản trong tưởng tượng, (trước thế chiến thứ nhất và cuối thế chiến thứ hai) với những nhân vật dị kỳ, phế thải, một thế giới dã man, tàn bạo, "ăn thịt người", thế giới của ác mộng mà hiện thực không còn chỗ đứng. Trong cuốn Nhiếp ảnh gia và người mẫu (Whistlejacket tạm dịch theo tựa tiếng Pháp Le photographe et ses modèles), 1988, ông tả một họa sĩ, muốn vẽ cho thật chính xác, sống động bức tranh ngựa, đã mổ ngựa để giảo nghiệm cơ thể; muốn vẽ chân dung hai mẹ con, bèn tìm cách mổ moi (trộm) xác một người mẹ chết vì sinh nở. Tác phẩm của ông toát ra một thứ ngôn ngữ văn chương lạ kỳ, rùng rợn, mê sảng, một không khí ngụ ngôn thi ca khốc liệt. William Gass (sinh 1924) cho rằng: tiếng nói theo ta khắp nơi, cả trong sinh hoạt thầm kín của nhục dục và giấc ngủ; ngôn ngữ là hồng tâm của tim người, và ông đã sáng tạo những cách viết, những giọng điệu đặc biệt, văn phong huyền ảo, với những truyện ngắn lạ kỳ đầy hoang tưởng. Robert Coover (sinh 1932), dùng thủ pháp xáo trộn lịch sử, kể lại và di chuyển việc xử tử Rosenberg, thời cao điểm chiến tranh lạnh của phong trào Mac Carthy. Phác họa một chân dung Nixon đầy nọc độc. Nghi ngờ tất cả những lập luận chính thống. Coover bẻ tréo thực tại "chính thức" để tạo ra một thực tại khác với cảm quan độc đáo của mình. Kurt Vonnegut (sinh 1922) đặt những câu hỏi hóm hỉnh: Tại sao chúng ta lại ở trên trái đất này? Ta có thể làm gì được ở đây? Ta biết gì về thế giới này? Trinh thám giả tưởng là đất dụng võ của ông, ông thích so sánh trái đất với những hành tinh khác để tìm hiểu cõi "vũ trụ buồn" của chúng ta. Cố tình pha trộn châm biếm với ngây thơ giả vờ, Vonnegut tưởng tượng ra một xã hội mà những người cầm quyền là những nhà bác học và quần chúng trở nên "vô dụng". Ông tạo ra những tình tiết ly kỳ giữa các thiên thể như hành tinh Tralfamadore, dùng những gì mà trái đất gọi là di tích lịch sử như Vạn lý trường thành để gửi thông điệp. Để giễu cợt "tương lai nhân loại", ông đặt những câu hỏi lẩn thẩn như "người để làm gì?", "làm sao yêu được đám người vô dụng?" John Barth (sinh 1930), nhận thấy tất cả đều đã "nói rồi", đều đã múc sạch, để tránh lập lại, ông đề xướng nền "văn chương cạn kiệt", coi sự đạp đổ văn chương như một phương cách sáng tạo tân kỳ và sống động. Đập phá những ngõ cụt của văn chương hiện đại và sự sói mòn của các hình thức kể chuyện, ông đưa ra cách viết mới, chủ yếu dựa trên hai yếu tố: chế giễu và cợt nhả. Cuốn Giles, đứa bé dê (Giles goat boy), 1966, trình bầy một sườn truyện chính (nếu có thể gọi là truyện) nằm ngổn ngang giữa những thư từ, bài tựa, bài viết... Người đọc được biết: sở dĩ có những linh tinh, bừa bãi này là do "lỗi" của tác giả: một cái máy tính "điên"; nhưng rồi độc giả cũng mò mẫm hiểu được "câu chuyện": một vị giáo sư-văn sĩ tên là J.B, giống hệt hai chữ John Barth viết tắt, được giao nhiệm vụ viết lại chuyện đấng cứu thế: George Giles-đứa bé dê, nửa người nửa thú; mẹ người, cha máy tính. Giles, đứa bé dê, dày 700 trang, nhái lại tất cả các giọng điệu ngôn ngữ, tất cả các cách kể chuyện và còn sáng chế ra một cái máy tính khổng lồ "điên", nuốt tất cả các nhân vật.
Tính cách tân kỳ còn phát triển mạnh mẽ trong kiến trúc hậu hiện đại những năm 60-70, tạo ra những công trình lạ lùng như nhà kính lộ thiên giữa sân bảo tàng viện Louvre, đôi khi kỳ cục như trung tâm văn hóa Pompidou ở Paris, vượt ra ngoài tất cả những khuôn khổ trường phái kiến trúc đã có, thời đó. Ngày nay những công trình kiến trúc này đã được chấp nhận, trở thành "cổ điển" không phải vì tính chất "hậu hiện đại" của nó mà vì tính chất thực tiễn, tiện dụng, và người ta nhìn mãi quen mắt, thế thôi. Nếu muốn nói đến một trường phái hậu hiện đại trong văn học, thì phải nói đến những nhà văn Mỹ, có lối viết dị kỳ đã nói đến ở trên. Nhưng Jean-François Lyotard không lấy chữ hậu hiện đại này của Mỹ, tuy nhiên, sự trùng tên là một trong những lý do mà sau này người ta nối liền lý thuyết của Lyotard với một số tác gia hậu hiện đại Mỹ, để lập ra một "trường phái văn học" đầu Ngô mình Sở gọi là "chủ nghĩa hậu hiện đại", và đưa vào "chủ nghĩa" này, tên những nhà văn nổi tiếng thế hệ trước mà tính chất đặc dị trong tác phẩm khá cao, đã xuất hiện từ trước, như: James Joyce (1882-1941), Franz Kafka (1883-1924), Samuel Beckett (1906-1989), Jorge-Luis Borges (1899-1986), Alain Robbe-Grillet (1922-2008), Gabriel Garcia-Marquez (1927-2014), v.v... mà các tác gia hậu hiện đại Mỹ đã chịu ảnh hưởng. Bài này khảo sát lý thuyết Hậu hiện đại của Jean-François Lyotard.
Việc dịch các từ: récit, grand récit, métarécit, petit récit Tác phẩm của Lyotard dựa trên một số danh từ chủ chốt, nếu không nắm vững nội dung sử dụng của tác giả thì khó có thể đi xa hơn trong việc hiểu, đặc biệt những chữ récit, métarécit, grand récit, petit récit. Récit, nghĩa tiếng Pháp là lời kể miệng hoặc viết về những dữ kiện thực hay tưởng tượng (relation écrite ou orale de faits réels ou imaginaires). Như vậy, récit chỉ toàn bộ những điều viết hoặc nói về bất cứ vấn đề gì. Récit bao gồm tất cả mọi thể loại văn bản và phát biểu. Récit có thể là một câu văn, một lời nói, một câu chuyện kể, một câu thơ, một truyện ngắn, một truyện dài, một tiểu luận, một huyền thoại, một cổ tích, một lập thuyết triết học... đó là nghĩa mà Lyotard sử dụng. Một chữ như vậy, không có trong tiếng Việt. Récit thường được dịch sang tiếng Việt là tự sự, và métarécit, grand récit được dịch là đại tự sự, siêu truyện, vv... sự dịch này làm cho độc giả không thể hiểu nổi lý thuyết của Lyotard, bởi vì tự sự, trong tiếng Việt có nghiã hẹp quá, và Lyotard hầu như không dùng đến nghiã đó, còn đại tự sự, siêu truyện thì không có nghiã gì cả. Trước hết, tự sự là gì? Đào Duy Anh ghi: Tự sự là lối văn cốt bầy tỏ sự thực, cũng gọi là văn truyện ký (genre narratif). Nguyễn Văn Khôn ghi: 1/Kể đầu đuôi việc gì. 2/Lối văn thuật sự thật. Vậy tự sự chỉ có nghiã là truyện kể, không thể dùng để chỉ tất cả các nghiã của Lyotard trong các chữ: récit, métarécit, grand récit, petit récit, nhất là nghiã "lý thuyết triết học" là nghĩa mà Lyotard sử dụng nhiều nhất. Chúng tôi đề nghị dịch récit là văn bản, để có thể bao gồm tất cả mọi thể loại, như chữ récit, nhưng dịch như vậy ta đã đánh mất nghĩa nói trong chữ récit: ví dụ văn chương truyền khẩu cũng là récit. Vì vậy, chúng tôi sẽ dùng cả hai chữ: văn bản và récit. Khi văn cảnh cho phép tìm đúng chữ thích hợp để dịch récit, chúng tôi sẽ dịch bằng những chữ này. Lyotard dùng métarécit, để chỉ những lập thuyết lớn, như hệ tư tưởng thời Ánh sáng, hệ thống triết học Hegel, hệ thống triết học Karl Marx. Vì vậy grand récit, métarécit sẽ được dịch là siêu văn bản, hay lý thuyết lớn... nhưng không phải là cách dịch duy nhất, đôi khi Lyotard còn dùng métarécit, métadiscours trong nghĩa mỉa mai, châm biếm, chúng tôi sẽ tìm chữ khác tương ứng, tùy ngữ cảnh. Chữ petit récit, chỉ tất cả những cách lập ngôn ngắn, hoặc cực ngắn như: chữ, câu, lời, đoạn,... chúng tôi tạm dịch là văn bản nhỏ để đối chiếu với văn bản lớn (grand récit) hoặc vi văn bản để đối chiếu với siêu văn bản. Mục đích của Lyotard là trình bầy tính cách áp đặt của các siêu văn bản trên các vi văn bản, các tư tưởng "lớn" trên các tư tưởng "nhỏ", nói nôm na là tình trạng cá lớn nuốt cá bé trong sinh hoạt tri thức của con người. Hậu hiện đại xây dựng trên sự đánh đổ những bất công này. Légitime cũng là chữ hay được dùng trong lập thuyết Lyotard. Ông cho rằng những chế độ văn hóa và tư tưởng từ xưa đến nay, tranh nhau địa vị légitime, tức là tranh nhau cái thẩm quyền, cái địa vị chính đáng, chính thống, chủ yếu. Ví dụ những siêu văn bản như triết thuyết của Hegel hoặc triết học Mác-xít đã từng giữ địa vị chính thống, trong đời sống tư tưởng Tây phương nhiều thế kỷ. Chúng ta có thể kể thêm hệ tư tưởng Nho giáo cũng đã ảnh hưởng đời sống tinh thần Đông phương từ Khổng Tử đến ngày nay. Jeux de langage là thuật ngôn ngữ hay trò ngôn ngữ. Chữ của nhà triết ngữ học Wittgenstein dùng chỉ những quy tắc khác nhau trong cách lập ngôn. Ví dụ những kiểu nói, viết như: hỏi, kêu, tán thán, cầu khẩn, van lậy, xác định, phủ định, v.v... đều có những luật lệ đặt câu khác nhau; y hệt như trò chơi cờ, có các phép: cờ tướng, cờ thí, cờ gánh, cờ hùm, cờ người... khác nhau, mỗi trò bao nhiêu quân cờ, cách di chuyển như thế nào, sắp đặt quân cờ ra sao, v.v... thuật ngôn ngữ hay trò ngôn ngữ cũng vậy.
Hành trình tư tưởng của Jean-François Lyotard (1924-1998) Jean-François Lyotard sinh ngày 10/8/1924 tại Versailles mất ngày 21/4/1998 tại Paris. Đậu thạc sĩ (agrégé) triết học năm 1950, sau đó ông dạy trung học ở Constantine (Algérie) từ 1950 đến 1952. Trở thành trợ giáo tại Sorbonne năm 1959 và giảng viên tại đại học Paris X (Nanterre) năm 1966. Từ 1973, ông làm giáo sư ở Paris VIII và dạy một số đại học ở Mỹ. 1984- 86, Lyotard kế vị Jacques Derrida trong ghế chủ tịch Viện triết học quốc tế (Président du collège international de philosophie) do Derrida sáng lập và làm chủ tịch từ 1983. Ngay từ 1954, Lyotard đã gia nhập nhóm Chủ nghiã Xã hội hay sự dã man (Socialisme ou barbarie) do Lefort và Castoriadis và nhóm Đệ Tứ Quốc Tế thành lập năm 1949. Năm 1964, nhóm này tan rã, Lyotard cùng các chiến hữu xây dựng nhóm Quyền lực thợ thuyền (Pouvoir ouvrier) hoạt động đến 1966. Tại đại học Nanterre, 1968, Lyotard lúc đó là giảng viên, đã thúc đẩy Phong trào "22 Tháng Ba" (Mouvement du 22 Mars), là phong trào sinh viên nổi dạy chống De Gaulle và sự "độc tài" của chính quyền Pháp, khởi đầu cho cuộc "cách mạng văn hóa" mùa xuân năm 1968, tại Pháp, đưa đến sự từ chức của De Gaulle, ngày 28/4/1969. Là tác giả 34 tác phẩm triết học và văn học nhưng Lyotard không có chỗ đứng tương đương như Jurgens Habermas trong triết học hiện thời. Sách triết của ông không được giới hàn lâm chú ý. Điều kiện hậu hiện đại (La condition postmoderne) là cuốn sách đã làm ông nổi tiếng khắp thế giới, nhưng ít được độc giả chuyên môn Pháp quan tâm, sách do nhà Minuit (một nhà xuất bản phát hành số lượng giới hạn) in lần đầu năm 1979, hơn hai mươi năm sau, 2003 mới tái bản. Tác phẩm chính của Lyotard gồm có: Hiện tượng luận (La phénoménologie) (1954), Diễn ngôn, hình tượng (Discours, figure) (1971), Phiêu lưu từ Marx và Freud (Dérive à partir de Marx et Freud) (1973), Điều tiết nhục dục (Economie libidinale) (1974), Điều kiện hậu hiện đại (La condition postmoderne) (1979) và Bất đồng (Le différend) (1983). Thời kỳ đầu, Lyotard chịu ảnh hưởng triết học Husserl và Merleau-Ponty, ông viết Hiện tượng luận (La phénoménologie) 1954. Gần 20 năm sau, trong cuốn Diễn ngôn, Hình tượng (Discours, Figure), 1971, Lyotard muốn vượt qua giới hạn của hiện tượng luận; ông dựa trên lý thuyết của Freud về những ham muốn không ý thức được trong vô thức của con người, để thiết lập một thứ "thẩm mỹ mang tính chất hình tượng" (beauté figurale) với những đặc tính: rời rạc, gián đoạn, không nối kết (non lié), man dại (sauvage) tiềm ẩn trong nghệ thuật hiện đại. Sau đó, ông phê phán triết học mác-xít và phân tâm học trong Lạc hướng từ Marx và Freud (Dérive à partir de Marx et Freud), 1973. Năm sau, trong cuốn Điều tiết nhục dục (Economie libidinale), 1974 ông dựa vào phân tâm của Freud về vấn đề tinh lực nhục dục (énergie libidinale) để đề xướng một thứ "siêu hình học tinh lực" (métaphysique énergétique). Ông đề xướng thuyết Mỹ học hình tượng (Beauté figurale) để phân tích tác phẩm một số họa sĩ hiện đại như Duchamp, Newman, Asami, Monory, v.v... Đó là thời kỳ Lyotard còn gắn bó với triết học truyền thống, dùng cách biện luận trong các "siêu văn bản" của các triết gia mà năm năm sau, trong thuyết Hậu hiện đại, 1979, ông sẽ đả phá hết mực. Từ năm 1975, Lyotard đổi hướng, đột nhiên ông bỏ hẳn triết lý nhục dục, bởi vì, sau này chính ông thổ lộ, nó không cho phép ông đặt vấn đề với sự bất công, không cho phép ông điều tra về thân phận tri thức, chất vấn tính chính đáng của các văn bản lớn (grands récits). Chịu ảnh hưởng nhà triết ngữ học Anh gốc Áo Wittgenstein, Lyotard quay sang nghiên cứu những récits (văn bản) và những jeux de langage (thuật ngôn ngữ, trò ngôn ngữ) -mà số lượng hằng hà, không thể liệt kê, tổng kết được- để có thể kéo chúng vào một đơn vị duy nhất dưới sự "điều khiển" của một thứ siêu ngôn ngữ (métalangue) hoặc siêu văn bản (métarécit) có tính cách toàn diện. Lyotard cho rằng nếu chấp nhận uy quyền của siêu văn bản là chấp nhận "sự khủng bố của tư biện" (la terreur spéculative) của lập luận thuần lý và ông cho đó là sự "bất công tuyệt đối". Hậu hiện đại chống lại những bất công ấy, chống sự "độc tài" của các lý thuyết trong các văn bản lớn (grands récits), siêu văn bản (métarécits), chủ trương bảo tồn và phát huy tính chất đa dạng của các thuật ngôn ngữ trong các văn bản nhỏ (petits récits) hay vi văn bản. Hai cuốn sách tiêu biểu cho lập thuyết này, cũng là hai tác phẩm chính của Lyotard là Điều kiện hậu hiện đại (La condition postmoderne),1979 và Bất đồng (Le différend), 1983. Chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu với độc giả nội dung hai cuốn sách này.
Thuyết hậu hiện đại của Jean-François Lyotard Lý thuyết hậu hiện đại của Lyotard nẩy mầm từ cuộc "cách mạng văn hóa" (phát xuất từ phong trào hippies ở Mỹ) đạt đỉnh cao tại Pháp mùa xuân 1968, mà Lyotard là một trong những người thày đã đóng góp tích cực, với mục đích đánh đổ tất cả những gì gọi là cổ hủ, cũ kỹ, có tính cách áp đặt, trong hệ thống chính trị quan liêu và giáo dục hàn lâm của Pháp dưới thời de Gaulle và Pompidou; khuynh hướng này sẽ mở rộng thành cuộc cách mạng toàn diện xã hội đương thời. Vì vậy, trọng tâm của lý thuyết hậu hiện đại này gắn bó với hoàn cảnh lịch sử Pháp thập niên 1970-1980, tác giả đã dành một phần quan trọng để đả phá nền giáo dục hàn lâm tại Pháp, có mục đích đào tạo ra những thành phần tinh hoa, để quản trị xã hội và phục vụ giai cấp lãnh đạo. Không khí "cách mạng văn hoá" đòi tự do, tiến bộ và cần phải sản xuất ra "cái mới", cho nên người ta tìm cách sáng chế những chủ đề tân kỳ, những chữ tân tạo, để chứng minh tất cả những gì thuộc "chế độ cũ" đều đã quá đát, "phản tiến bộ". Trong bối cảnh ấy, cuốn Điều kiện hậu hiện đại (La condition postmoderne) của Lyotard ra đời, do nhà xuất bản Minuit, in tại Paris, 1979. Đây là một cuốn sách triết học bàn về thân phận tri thức (condition du savoir) thời nay, thời mà khoa học và tin học đã nắm "chủ quyền tuyệt đối" trên mọi lãnh vực thông tin và tri thức (savoir) trở thành một món hàng thương mại. Cuốn Điều kiện hậu hiện đại, dựng trên chủ đích này và mở rộng thành một lý thuyết: - Đả phá sự phát triển của tin học, làm tha hoá số phận của tri thức, đưa đến tình trạng chỉ những gì số hoá được mới sống còn, những gì không số hoá được sẽ bị sa thải. - Đả phá lập luận khoa học, tự coi mình là chính thống, là chủ thể phán xét đúng, sai. - Đả phá triết học Tây phương từ thượng cổ đến ngày nay, chủ yếu là những siêu văn bản (métatrécit), như triết học Platon, triết học Hégel, triết học Descates... đã áp đặt quyền chính thống của tư tưởng lên sinh hoạt tri thức của mọi thế hệ ngay từ trong học đường. - Đòi hỏi sự bình đẳng giữa siêu văn bản (métarécit) và vi văn bản (petit récit) cái lớn cái nhỏ trong văn chương và tư tưởng đều có quyền sống như nhau. - Biện hộ cho mọi quyền phát biểu, kể cả quyền ngộ luận (nói sai). Cuốn Bất đồng, đi sâu vào địa hạt ngôn ngữ, đưa ra một số đề nghị thực sự tân kỳ: - Tìm ra tính chất bất đồng của ngôn ngữ. - Đề xuất những đặc ngôn (idiome) mà nội dung chứa đựng sự bất đồng. Những đặc ngôn này sẽ được người ta đưa vào "chủ nghiã hậu hiện đại", coi như lối sáng tác mẫu mực của hậu hiện đại, được người Việt hiểu là truyện thật ngắn. - Cho rằng cuốn Bất đồng là cuốn sách sau cùng được in ra, và tiên đoán một thứ "sách" mới cho tương lai trong thế kỷ XXI: "sách" sẽ là một cuốn phim, một mảng tin, một cuộc phỏng vấn, trên truyền thanh, truyền hình, màn ảnh... Lý thuyết của Lyotard không phát triển được ở Pháp. Chữ hậu hiện đại rất ít được nói đến, đôi khi được dùng trong ngoặc với nghiã mỉa mai. Ngược lại, thuyết hậu hiện đại của Lyotard, sau khi ra đời khoảng mười năm, được quảng bá ở Mỹ, rồi trở thành hiện tượng phổ biến toàn cầu, nhờ ảnh hưởng của tiếng Mỹ và tin học. Lập luận của Lyotard, thoát thai từ nền tảng triết học của Nietzsche (chống lại những giá trị phổ quát, đòi hỏi sự hiện hữu của những giá trị cá nhân) dựa trên hai bản lề: Một mặt gắn liền với luận cứ của Hegel về sự hoàn tất lịch sử ở thời hiện đại và mặt kia với sự suy tàn của những tư tưởng hướng về một tương lai giải phóng con người; nói cách khác, Lyotard muốn đả phá những ý thức hệ (trong quá khứ và hiện tại) có tham vọng giải phóng con người. Theo Lyotard, chúng ta đang sống trong thời hậu hiện đại, thời mà tất cả những lý thuyết có từ thời Ánh sáng[2] đều đã bị đổ vỡ và xã hội tin học đã biến đổi vận mệnh của tri thức. Cuốn sách của ông có tiểu tựa: Báo cáo về tình hình tri thức (Rapport sur le savoir) tất nhiên là tình hình trí thức trong xã hội hiện hành. Theo ông, tri thức trước đây, ở thế kỷ Ánh sáng cũng như dưới thời Mác-xít, được hiểu như một sứ điệp truyền bá tư tưởng giải phóng con người, hoặc như một lý tưởng bất vụ lợi. Tri thức bây giờ, ở thời đại tin học này, trở thành món hàng tiêu dùng, buôn bán, cung cấp lợi nhuận như những hàng hóa khác, nó đã thoát khỏi bản quyền của con người. Lập luận này gặp sự đồng cảm nơi triết gia Đức Jurgens Habermas trong bài tham luận Hiện đại: một dự trình dang dở (La modernité: Un projet inachevé),1980, sau Habermas mở rộng thành những chuyên luận trong khuôn khổ đọc lại triết học, từ Nietzsche: Trường triết lý về hiện đại (Le discours philosophique de la modernité), 1985 và Tư tưởng hậu siêu hình (La pensée post métaphysique), 1989. Nhìn lại quá trình nguồn gốc danh từ postmoderne như thế, chúng ta cần phải thận trọng hơn khi dùng chữ hậu hiện đại, hoặc khi đem tác giả này, tác giả kia xếp vào "chủ nghĩa hậu hiện đại". Nhất là Lyotard dùng chữ Postmoderne mà không dùng chữ Postmodernisme, bởi vì lập thuyết của ông chống lại các lập thuyết lớn (grands récits, métarécits) tức là các thứ "isme" mà ta thường dịch là "chủ nghĩa". Tóm lại có ba thứ hậu hiện đại: 1- Phong trào đổi mới văn học ở Tây Ban Nha và Châu Mỹ La-Tinh 1905-1914. 2- Phong trào văn chương của nhóm nhà văn sinh khoảng thập niên 1930 ở Mỹ, tác phẩm mang những yếu tố tân kỳ, quái đản, như John Barth, Donald Berthelme, Robert Coover, William Gass, John Hawkes, Kurt Vonnegut... 3- Lý thuyết hậu hiện đại của Jean-François Lyotard. Đó là ba yếu tố hoàn toàn khác nhau. Vậy sự nhầm lẫn vô tình hay cố ý, đã đến từ việc đồng hoá hai khái niệm khác nhau: phong trào văn chương tân kỳ và quái dị ở Mỹ và lý thuyết triết học của Lyotard làm một. Ngoài ra, Lyotard tránh né những định nghĩa và chủ nghĩa, bởi khi nói đến chủ nghĩa là phải xác định một lập thuyết chính xác, với những tuyên ngôn, và đó chính là những cái mà Lyotard gọi là métarécit, grand récit (siêu văn bản, văn bản lớn) mà ông muốn đánh đổ.
Định nghĩa hậu hiện đại Trong cuốn Đúng ra (Au juste) viết cùng với Thébaud, in năm 1979, Lyotard đã trình bày lập thuyết: muốn đánh đổ sự "độc tài" của những siêu văn bản, siêu ngôn ngữ, tượng trưng sự "bất công tuyệt đối" thì phải bảo tồn tính chất đa dạng của các "thuật ngôn ngữ" trong các tiểu văn bản. Cuốn Điều kiện hậu hiện đại (La condition postmoderne) đặt quan điểm này trong bối cảnh lịch sử hiện đại và hậu hiện đại, tiếp tục khai triển lập thuyết này và coi nó như một nền móng, một điều kiện sống còn của tri thức trong xã hội hiện tại. 1- Định nghiã 1: Lyotard tránh định nghiã trực tiếp danh từ hậu hiện đại, ông tìm cách chỉ định nó một cách gián tiếp, trong phần mở đầu, Lyotard xác định mục đích cuốn sách bằng những dòng: "Chuyên luận này có đối tượng là thân phận của tri thức trong những xã hội phát triển nhất. Chúng tôi quyết định gọi nó là "hậu hiện đại" (Cette étude a pour objet la condition du savoir dans les sociétés les plus développées. On a décidé de la nommer "postmoderne")[3]. Đó là "định nghĩa" đầu tiên về postmoderne của Lyotard: postmoderne là thân phận của tri thức trong những xã hội phát triển nhất. Rồi ông giải thích tiếp: Chữ postmoderne này đã được các nhà xã hội học và phê bình văn học sử dụng ở châu Mỹ, nó chỉ định tình trạng của văn hóa sau những biến đổi đã ảnh hưởng đến những quy định khoa học và văn học nghệ thuật từ cuối thế kỷ XIX. [Lyotard muốn nói đến nhà phê bình văn học Tây Ban Nha, F. de Onis, năm 1934, trong Tuyển tập thi ca Tây Ban Nha và Châu Mỹ la tinh đã dùng danh từ postmoderne để chỉ định tình trạng vượt qua chủ thuyết hiện đại (modernisme), thời kỳ (1905-1914). Vậy ông không hề "để ý" đến phong trào Hậu hiện đại của các nhà văn Mỹ, thập niên 60-70]. Nhưng ở đây, chúng tôi [Lyotard] chỉ muốn khoanh tròn vấn đề trong bối cảnh khủng hoảng récits mà thôi, và ông lập luận rằng: Khoa học, tự nguồn, đã xung đột với récits (truyện kể). Nó dùng những chuẩn mực cũ kỹ để xếp các loại truyện kể vào chung một rọ, thoát thai từ những cổ tích hoang đường. 2- Định nghiã 2: Theo Lyotard, khoa học tự định lấy quy luật, tự dựng tiêu chuẩn, tự khoác lên mình lớp áo chính danh (légitime) gọi là triết học, và khi những phát biểu tối cao (métadiscours) này lại dựa vào những đỉnh cao tư tưởng (métarécit) như Biện chứng tinh thần (La dialectique de l'esprit) hay Giải luận giác quan (L'herméneutique du sens) v.v... thì người ta gọi đó là hiện đại (moderne). Người ta đã chính thống hóa tri thức bằng một thứ luận thuyết tối cao (métarécit) được coi như triết lý của lịch sử. Và như thế, công lý đã đồng hóa luận thuyết lớn (grand récit) với chân lý (la vérité). Lyotard viết: "Nói một cách giản dị nhất, chúng tôi coi "hậu hiện đại" là sự không tin vào những luận thuyết lớn" (En simplifiant à l'extrême, on tient pour "postmoderne" l'incrédulité à l'égard des métarécits)[4]. Đó là "định nghĩa" thứ nhì về postmoderne. Tóm lại, Lyotard đưa ra hai "định nghĩa" hay hai tính chất của hậu hiện đại khác nhau: - "Hậu hiện đại là thân phận của tri thức trong những xã hội phát triển nhất". - "Hậu hiện đại là sự hoài nghi các siêu văn bản". Mục đích cuốn Điều kiện hậu hiện đại là trình bầy hai hàm ý này. Tác phẩm đưa ra 4 tiêu đề chính: a/ Trình bầy số phận tri thức trong các xã hội vi tính hóa. b/ Chứng minh tính cách áp đặt của khoa học đối với récit trong quá khứ và hiện đại. c/ Hậu hiện đại là tình trạng truất thẩm quyền các siêu văn bản và sự hiện hữu của các vi văn bản. d/ Khoa học hậu hiện đại dựa trên việc nghiên cứu những bấp bênh, vô thường, để những cái gọi là sai, cũng sẽ được quyền sống như những cái được gọi là đúng. Đây là một tác phẩm triết học mà tác giả trình bày chặt chẽ dòng tư tưởng chủ lưu của mình: Đả phá những hệ thống lập thuyết lớn. Tố cáo tình trạng khoa học -dựa trên những phương pháp luận cứng ngắc- tự xem mình là chính danh, để phán xét đúng, sai một cách máy móc. Phê phán "văn minh vi tính" đã giúp cho đường lối chính thống này phát triển: cái gì được số hóa (numériser, digitaliser) để đưa vào máy tính sẽ được giữ lại, cái gì không số hóa được sẽ bị đào thải. Lyotard biện hộ cho sự bình đẳng giữa những cái "lớn" và cái "nhỏ", giữa những lý thuyết lớn, nhỏ, giữa những truyện lớn, truyện nhỏ, giữa những văn bản lớn, văn bản nhỏ, bằng một lập thuyết đi từ sự khảo sát bản thể của ngôn ngữ. Điều mà ông đòi hỏi là quyền sống của những cái mà ông gọi là văn bản nhỏ. Ở phần mở đầu, Lyotard đã đưa ra hai định nghiã hậu hiện đại đã thấy ở trên; trong chương một, Lyotard khoanh vùng phạm vi khảo sát của ông trong "số phận tri thức trong những xã hội vi tính hóa" và ông xác định "thời điểm" hậu hiện đại: "Giả thiết làm việc của chúng tôi là tri thức đã thay đổi quy chế, từ khi xã hội đi vào thời điểm được gọi là hậu kỹ nghệ và văn hóa đi vào tuổi được gọi là hậu hiện đại. Ở châu Âu, sự chuyển tiếp này, ít ra, đã bắt đầu từ cuối thập niên 50, đó là thời kỳ hoàn tất kiến thiết châu Âu sau thế chiến"[5]. Tới đây, chúng ta thấy Lyotard đã tìm cách xác định thời điểm hậu hiện đại: thời kỳ được ông gọi là hậu hiện đại, bắt đầu từ cuối thập niên 50, ở Âu châu, thời kỳ mà tri thức bắt đầu thay đổi quy chế. Vậy đối với Lyotard: trước thập niên 1950, là thời hiện đại và sau thập niên 1950 là thời hậu hiện đại.
Thụy Khuê [1] Thi Sơn (Parnasse) do Théophile Gautier đề xướng, tập hợp trong một thi tuyển ba tập, tác phẩm của Théophile Gautier, Leconte de Lisle, Baudelaire, Banville, Heredia, Sully Prudhomme, Verlaine, Mallarmé, Coppée,... phong cách thơ rất khác nhau nhưng có cùng một chí hướng: chống lãng mạn, đổi mới hình thức, đề cao vô ngã và nghệ thuật vị nghệ thuật. [2] Thời kỳ Ánh sáng là thời điểm tư tưởng Tây phương phát triển mạnh, đặc biệt ở Pháp, thế kỷ XVIII, với những nhà tư tưởng như Rousseau, Voltaire, Montesquieu, Diderot v.v... [3] La condition postmoderne, Les Editions de Minuit, 1979, tái bản 2002, t. 7. [4] La condition postmoderne, t. 7. [5] La condition postmoderne, t.11.
|