Tác phẩm và dư luận

12/2
9:25 AM 2017

HIỆN TƯỢNG THƠ BẰNG VIỆT

ANH CHI - Trong các nhà thơ thế hệ kháng chiến chống Mỹ, Bằng Việt là một trong những thi sĩ hàng đầu. Anh viết từ năm 1960, khi 19 tuổi. Năm 1964, đang là sinh viên ngành luật, tại Liên Xô (cũ), anh đã có những bài thơ được độc giả và giới quan tâm rất trọng thị.

                                                           Nhà thơ Bằng Việt

Bài Bêtôven và âm vang hai thế kỷ với cấu tứ bề thế, ngôn ngữ thơ giàu suy tưởng và có vẻ đẹp thật sang trọng; rồi tiếp đó là các bài Từ giã tuổi thơ, Trở lại trái tim mình, Về Nghệ An thăm con, Bếp lửa... giọng thơ tươi tắn hào hoa, tinh tế và đặc biệt có sức liên tưởng thật xa rộng, khiến đông đảo bạn đọc, nhất là giới sinh viên và những người trẻ tuổi rất yêu chuộng. Có thể nói, Bằng Việt vừa gia nhập làng thơ Việt Nam hiện đại đã trình làng một phong cách thơ mới lạ và đẹp đẽ!

 

Thơ Việt Nam ta, sau năm 1945, nhất là sau năm 1954, đã trở nên khá tỉnh táo. Các nhà thơ hầu như đều có thiên hướng làm một thứ thơ khỏe khoắn, dễ hiểu, cốt để thể hiện các đề tài công nông - nông - binh, nên hoàn toàn thiếu vắng xúc cảm bay bổng, say đắm. Do vậy, khi xuất hiện những bài thơ của Bằng Việt (và của Lưu Quang Vũ nữa), lập tức được bạn đọc vồ vập đón nhận. Cuối năm 1968, Bằng Việt có phần Bếp lửa xuất bản cùng Lưu Quang Vũ trong tập Hương cây - Bếp lửa. Tập thơ vừa ra đời đã trở thành hiện tượng văn học có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống văn chương đương thời. Ở đây, chỉ nói riêng về Bằng Việt, giới quan tâm đã coi anh là một nhà thơ có phong cách đặc sắc. Chẳng hạn, giáo sư Văn khoa Lê Đình Kỵ đã nhận định về Bằng Việt “Có một tâm hồn nhiều suy nghĩ và rung động tinh tế, một chủ nghĩa trữ tình xao động, bồi hồi, khi đậm đà duyên dáng, khi âm vang sâu thẳm...”.

Bằng Việt, tên thật là Nguyễn Việt Bằng, sinh năm 1941 tại Huế, do cha mẹ đã vào làm ăn sinh sống trong đó gần 15 năm, còn quê gốc của anh là Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, nay thuộc Hà Nội. Năm 1961, anh được chọn đi du học tại Liên Xô (cũ), sau khi tốt nghiệp Đại học Pháp lý, về làm việc tại Viện Luật học. Nhưng, chỉ vài ba năm sau, Bằng Việt lại nổi lên như một tài năng thơ trẻ, được chọn in thơ trong Tuyển “Sức mới” cùng nhiều tập tuyển thơ khác của Nhà xuất bản Văn học, và nhất là sau khi xuất bản cùng Lưu Quang Vũ tập “Hương cây - Bếp lửa” (1968), thì gần như năng lực sáng tác của anh đã được khẳng định. Anh cũng như nhiều nhà thơ trẻ thời kỳ đó luôn sống với ý thức thường trực: Bám sát thực tế để sáng tác. Và, Bằng Việt đã quyết tâm dấn thân vào thực tế cuộc sống chiến đấu, lặn lội vào tuyến lửa khu IV, xin gia nhập vào đoàn quân xung kích của tuyến đường 559, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” như những câu thơ thôi thúc một thời. Cũng vì nặng ý thức phục vụ các công tác tuyên truyền trước mắt, văn chương ta những năm này luôn được khuyến khích chỉ viết về biểu dương, ngợi ca. Cái “tạng” nặng về suy ngẫm và giàu liên tưởng như Bằng Việt hẳn là không mấy hữu dụng đối với dòng chủ lưu của văn chương Việt Nam những năm này. Được làm bạn với anh từ năm1971, cũng là người quan tâm nhiều đến Bằng Việt, chúng tôi biết, những năm 70 của thế kỷ trước, sau khi đã từ chiến trường Trường Sơn trở về với mái nhà văn học của Hội Nhà văn và tạp chí “Tác phẩm mới” ở 65 Nguyễn Du, Hà Nội (nay là tạp chí “Nhà văn  và Tác phẩm”), anh rất gắng sức trong sáng tác, nhiều lao tâm khổ tứ trong thể nghiệm, nhưng sau thời kỳ “Hương cây - Bếp lửa”, hiệu quả thơ ca vẫn chưa được như những người yêu quý thơ Bằng Việt mong đợi. Mùa hè năm 1977, anh vào Thanh Hóa chơi với chúng tôi. Một buổi tối, ngồi ở sân nhà tôi, có trăng sáng, anh đọc bài thơ mới viết cho chúng tôi nghe. Bài Chỗ đứng, ý và tứ thật vững vàng, tính bổn phận của nhà thơ công dân thật chắc, nhưng ngôn ngữ thơ không có sức cất cánh như thời anh viết Bếp lửa. Bây giờ, nhớ lại việc này, tôi hiểu, không chỉ riêng Bằng Việt như vậy, mà hầu hết các thi sĩ thời ấy thường gắng phải viết sao cho không xa rời dòng chủ lưu văn chương đương thời mà nhà thơ lớn Xuân Diệu luôn cổ vũ là “chân- chân - chân, thật - thật - thật”... Tôi nghĩ rằng, trên tiến trình thơ ca Việt Nam nửa sau thế kỷ XX, hiện tượng này là một bài học đáng nhớ!

Sau Bếp lửa, Bằng Việt đã xuất bản thêm bốn tập thơ nữa. Thực tế đời sống cho thấy, thơ ca phát triển theo quy luật khách quan của nó. Người đọc thơ cần những bài thơ mới hơn, thứ thơ chứa đựng cái hồn của đời sống thông qua cái tôi trữ tình của tác giả. Đòi hỏi này là chính đáng, và thực sự khắc nghiệt đối với tất cả những nhà thơ quen tay viết theo dòng thơ được coi là “chủ lưu” của một thời. Những năm 80 thế kỷ XX, Bằng Việt có tạt qua địa hạt khác một chút, đi viết một số tập văn xuôi, biên khảo và dịch nhiều thơ của các nhà thơ quốc tế. Và trong địa hạt này anh đã đạt được thành công đáng trân trọng!

Tuy nhiên, Bằng Việt là một tài thơ đích thực, chỉ những ai hiểu anh mới biết, thi sĩ này vẫn đi trên con đường số phận thi ca dành cho mình. Thực tế cho thấy đúng như vậy, sau gần hai mươi năm, đến mùa thu 2000, anh lại cho in chùm thơ 7 bài mới trên tạp chí Nhà văn. Chùm thơ ấy cho thấy vẫn là sự tiếp tiến của hồn thơ Bằng Việt hơn ba mươi năm trước. Chẳng hạn, xưa kia anh viết (bài Bêtôven và âm vang hai thế kỷ):

Em đừng mong khúc nhạc để vui tai

Đây là nhạc của châu Âu gầm thét

Tiếng kèn trận, người đi như nước xiết

Tiếng thác xô tung tóe bọt căm thù

Thơ ấy có sức liên tưởng sâu rộng, sức vang vọng mới lạ hơn người, nhưng có cái gì đó còn chưa chan hòa với đời sống người Việt và cuộc sống Việt Nam gian lao, mồ hôi nước mắt. Và, xưa kia anh viết (bài Trở lại trái tim mình):

Ở đây tôi bắt gặp hôm nay, tôi bắt gặp ngày qua

Tôi bắt gặp cả những ngày chưa tới

Trong những dáng người gặp vội

Đều chín muồi những dự định tương lai...

Thơ như thế có sức rung cảm người đang nhiều mộng ước, nhưng chưa khiến người đọc thương cảm những gì trong thực đời của họ, khiến họ thấm thía yêu thương cuộc đời. Nêu chút nhận xét này, chúng tôi muốn nói, đó là thơ rất hay trong thời của nó, và nó đẹp như là kỷ niệm về cái thời người Việt ta nhiều mộng tưởng nên hay giấu đi những khổ nhọc, buồn đau. Nêu nhận xét trên, chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh hơn rằng, thơ của Bằng Việt công bố năm 2000 đã chứa đựng những giá trị mới hơn, chất chứa những buồn vui, sướng khổ của đời thực sâu hơn: Vết thương cũ dẫu lành/ Lời hát còn đau tiếp.../ Thương sao là người hát/ Già đời còn thương vay... (bài Thương lại một thời). Xưa kia thơ anh hay bởi những xúc cảm to tát, giờ thơ anh thật hay khi viết về những điều sâu kín ngay trong cõi lòng mình, là cái hay tự tâm can, về nỗi buồn trần đời (bài Lặng lẽ):

Lặng lẽ ngồi nghe cây biết nói

Cây thấm hồn đêm, tĩnh lặng buồn

Lặng lẽ chờ tan cơn buốt nhói

Nỗi nhớ dần xa như khói sương...

Sau chùm thơ trên Tạp chí Nhà văn, Bằng Việt cho xuất bản tập thơ Ném câu thơ vào gió, gồm 45 bài, viết trên chặng đường thơ anh vừa đi qua. Một giọng thơ mềm mại, có thể nói là mềm mại hơn thơ anh trước kia nhiều; những tứ thơ sắc sảo và sức suy tưởng thâm trầm hơn xưa. Ném câu thơ vào gió lập tức gây tiếng vang trong đời sống văn chương. Bằng Việt lại được coi là một hiện tượng thơ, đến mức có nhiều người quan tâm đã nói rằng, đó là một dấu mốc Bằng Việt quay lại với thơ. Chúng tôi thì nghĩ, với cách riêng của mình, Bằng Việt vẫn đi trên đường thơ của mình, chứ có bỏ đi đâu, mà quay lại. Hai thập niên cuối thế kỷ XX, cuộc sống xã hội ta va đập vào những thử thách gay gắt. Nhất là đầu những năm 80, ngay ở Hà Nội, cái nghèo khó phơi ra trên phố xá hàng ngày. Những bộ quần áo bạc màu, có cả những miếng vá, những chiếc xe đạp hầu như tróc hết sơn, xích nhão kêu lạch xạch. Cán bộ, công nhân viên Nhà nước xếp hàng dài trước các cửa hàng thực phẩm để mua cho được từng lạng thịt, gói mỳ chính, những bánh đậu phụ rất bã... Do nghèo khó, cuộc sống tinh thần bế tắc, con người bon chen nhau, cốt kiếm lợi cho mình. Vậy nên đời sống tình cảm trở nên ốm yếu, méo mó, cái cao đẹp có nguy cơ bị vùi dập trước những tha hóa đang lan tràn trong xã hội. Đương nhiên, một nhà thơ như Bằng Việt đã phải nghĩ ngợi nhiều về thân phận của những trí thức nói chung và thi nhân nói riêng. Đó là những người vốn được gọi là kẻ sĩ, hiểu biết sự đời hơn người, nên cũng thật dễ bị tổn thương trước nỗi đời. Và Bằng Việt tài hoa, bay bổng xưa, nay lại có những câu thơ thật sự day dứt, buồn thấm thía về nỗi mệt mỏi trong đời sống thường nhật, cứ lặp đi lặp lại mãi ngay trên mặt đất này (bài Sự nhạy cảm không có chỗ):

Những nhà thơ mau chóng già đi

Trước việc kiếm ăn vo tròn đều đặn

Cây xanh hóa thờ ơ giữa mặt trời mọc lặn

Tiếng chim chuyền trên phố cũng thờ ơ…

Vâng, đọc Sự nhạy cảm không có chỗ khiến người ta thấy cần nhận thức thêm, nhận thức lại những giá trị đời sống. Trường hợp bài thơ Tạm bợ, ngôn ngữ thơ tinh giản, ý thơ thẳng thừng, gieo vào vào lòng người những day dứt khó chịu, khiến người ta muốn bứt phá, để vượt ra khỏi sự trì trệ, mòn mỏi tầm thường: Cái bàn gỗ tạp, cái ghế long chân/ ý nghĩ và việc làm đều vá víu.../ Cái tạm bợ nối thành một đời/ Cái tạm bợ đã thành vĩnh cửu!. Bài thơ này phần nào mang một nội dung triết học, viết năm 1985, ngay trước ngưỡng cửa của công cuộc Đổi mới. Nó là sự bổ sung cho thơ Bằng Việt có được tư tưởng, là bước đi thêm, là nấc cao hơn của phẩm chất thơ anh. Chắc hẳn chính anh cũng ý thức rõ điều đó, nên mới nhìn nhận lại một phần thơ thời trước (bài Lại nghĩ về thơ):

Hát suốt ba mươi năm điệu tâm hồn đã cũ

Bất quá chỉ như sự an ủi xuôi chiều

Lời an ủi dông dài cho những ai yếu đuối

Có thực hòa đồng với tuổi trẻ cần yêu?

Những năm Bằng Việt (cùng Lưu Quang Vũ) trở thành hiện tượng đặc sắc, trẻ trung của thơ chống Mỹ, anh từng hay viết về những gì dường như đẹp hơn cuộc sống thực. Chúng tôi xin nhấn mạnh, những câu thơ đẹp như lý tưởng ấy thực sự vẫn là những câu thơ được biết bao người đương thời yêu chuộng. Chẳng hạn: Tôi đi ngang những cuộc đời thường/ Biết ở đó chia nỗi lo nhân loại; hoặc: Anh nắm bàn tay em khi nói đến tương lai/ Thành phố đang cơn mưa ướt đẫm trong tiếng hát… Đó là thơ của người vẫn nghĩ rằng đường đời sẽ phải đầy thuận lợi, ẩn sau ngôn ngữ thơ cất cánh, bay cao đến mê hoặc, là sẽ đến một cái gì xa vời quá trong mộng tưởng. Nhưng đến chặng đường thơ sau này, Bằng Việt tài năng đã dần hạ xuống sát sườn cuộc sống thường tình với mọi buồn vui, sướng khổ thường tình và một hy vọng thật về một thứ hạnh phúc chỉ có thể đạt tới khi phải tự tay mình làm nên. Đó là một sự thay đổi có lý khiến thơ cần thiết hơn cho đời sống thật. Chúng tôi có nhận định rằng, xúc cảm thơ và trí tuệ thơ qua nhiều bài thơ trong tập Ném câu thơ vào gió là thơ của một tài năng đã rất từng trải. Bài Đọc lại Nguyễn Du thể hiện rõ cái tôi trữ tình đã thấm đẫm nỗi đau đời và cũng thật lịch lãm của anh. Đọc Nguyễn Du, là anh phải đọc câu “Nhất sinh từ phú tri vô ích/ Mãn giá cầm thư đồ tự ngu” (Một đời chuyên từ phú, biết rằng vô ích/ Đàn sách đầy giá chỉ tự mình làm ngu mình). Đọc câu ấy, để rồi anh viết về mình: Quá khuya, chợt thấy mình già/ Nhìn ra cửa sổ, mưa sa kín trời. Và đâu phải chỉ viết về cá nhân mình, mà là viết về trường đời, trong đó có số phận thi nhân:

Áo cơm se sắt mái đầu

Thương nhau mà giận, ngó nhau mà buồn,

Rạc dài chút phận văn chương

Cao sang nhòe lẫn tầm thường... ngẩn ngơ...

Những năm cuối thế kỷ XX, trong đời sống thơ Việt Nam hiện đại có nhiều nhà thơ trẻ và cả một số nhà thơ không còn trẻ nữa, bắt đầu làm cuộc đổi mới thơ. Phần lớn trong số họ theo xu hướng săn tìm hình thức mới cho ngôn ngữ thơ. Bằng Việt cũng có sự đổi mới thơ, nhưng là đổi mới nội dung, tư tưởng thơ. Không phải qua những tuyên ngôn, phát biểu về thơ, anh thể hiện điều đó bằng cái tôi trữ tình trong tác phẩm của mình. Bài thơ Tuổi giữa chừng, Bằng Việt trình bày thân phận mình đang bước trên đường đời, đến cái chặng giữa chừng: Mưa phùn... Đường bấm chân trơn/ Đi qua nhìn lại màn sương khuất rồi. Không phải đưa tay khoát rẽ màn sương nữa, nó ở phía sau rồi. Lời thơ không nói quá trình đi lên, nhưng đã ở tư thế trên cao. Và đã Tách mình ra một khung trời/ Nửa quên gánh nặng, nửa vơi nỗi buồn... Đây là xúc cảm có tính đại diện cho thế hệ những người như anh, đường đời, đến quãng giữa chừng rồi, thấy thể chất nửa như thấm mệt, còn phần hồn thì nửa như tiếc nuối, nửa còn đam mê chưa dứt. Thi sĩ còn nặng lòng với đời, đã thốt lên:

Chưa lên chót đỉnh chưa về

Nửa nhìn chưa thỏa, nửa nghe ngậm ngùi...

Hơn hẳn trước kia, bây giờ ngôn ngữ thơ lục bát của Bằng Việt thật dung dị mà khiến người đọc cảm động thấm thía. Và họ thấy, con người đang đi lên dốc đường đời những năm cuối thế kỷ XX, tuy phải nhiều gắng gỏi lắm, nhưng không nên gồng mình lên. Do nhìn rõ mình đang đi trên đường đời như thế nào, nên Bằng Việt tạo được vị thế thơ cho mình. Chính nhờ đạt được vị thế thơ ca của riêng mình, nhà thơ biết nhìn thế giới con người từ nhiều chiều, nhiều bình diện mà xưa trước anh chưa thể nhìn nhận. Vậy nên thơ Bằng Việt giờ đây còn có thêm môt chút Thiền, như trong bài Vườn Nhật Bản; lại có thêm giọng trào lộng bản thân, như những câu thơ trong các bài Ném câu thơ vào gió, Thương lại một đời, và cả bài thơ tình Lục bát cầu may. Bài Vườn Nhật Bản, những câu thơ tinh tế, mô tả một khu vườn đá ở Kyoto - cố đô Nhật; nhà thơ bày tỏ nỗi lòng mình khi đi vào ma trận của đá. Đá thì ngồi thiền, rêu lặng lẽ nhập thế và xuất thế, cuội thì như sóng vô cùng vô tận. Còn lòng người, đã bỏ được hết tham, sân, si ở ngoài cổng vườn hay chưa. Ý thơ thoát, hơi thơ trẫm tĩnh, trong mà sâu:

Cỏ hữu hạn xanh veo cùng bất tử

Lòng hoàn nguyên rửa sạch với thinh không

Sự tự tin đến với cõi lòng mình là nhờ vẻ trầm tĩnh, lắng sâu, có lẽ là do mục đích của người tạo nên vườn đá, và có lẽ cũng là mục đích thơ của Bằng Việt khi viết về khu vườn đẹp lạ thường đó. Còn trường hợp bài thơ Ngày đã đứng trưa, lòng tự tin trước cuộc đời của nhà thơ là do anh biết tự diễu mình qua những câu chữ tưng tửng, mà đau, sơ kết một chặng đời:

Đã đứng rồi ư? Sao ngày ngắn vậy

Nghĩ chưa xong, thời khắc điểm xong rồi!

Đã chín rồi ư? Sao đời ngắn vậy

Quay lại nhìn, bao việc vẫn buông xuôi...

Giữa những khe chữ như đùa diễu ấy, là canh cánh nỗi đời, và cũng là thăm thẳm lòng thương yêu cuộc đời: Trưa đang đứng, còn đời mình đang chín/ Giọt nắng vàng như mật sáng rưng rưng... Bút lực của thi sĩ mạnh hay yếu chính là khả năng truyền cho người đọc nhiều hay ít những tri thức về cuộc sống cùng tình thương yêu con người sâu hay nông. Bút lực của Bằng Việt đang dồi dào lắm. Qua bài Ném câu thơ vào gió, thấy rõ điều đó. Anh mở đầu bài thơ như sự vung bút nhanh và khoáng đạt, rất mới lạ:

Ném một câu thơ vào gió thổi

Lời bay đi, tôi nhớ lại đời mình

Cuộc đời riêng của nhà thơ, nhưng mang cái chung của nhiều người cùng thế hệ, có chút nực cười thời trẻ chưa hết tung tăng đã muốn bạc đầu; lại có cả nỗi đam mê một thời trang trọng/ lo nỗi lo khuôn thước của muôn nhà. Nhìn nhận lại cuộc sống của cả một thời, nó là vậy, Bằng Việt dùng ngôn ngữ thơ nhẹ nhõm, thật phóng túng. Đánh giá cuộc đời riêng mình, thấy nó chứa cái chung của bao cuộc đời cùng trang lứa với những giá trị tự nhiên, đẹp đẽ, những câu thơ thổn thức và trang trọng:

Nay lại ném câu thơ vào gió thổi

Tin, không tin... vẫn còn lại riêng mình,

Còn lại tấm lòng mong manh dễ vỡ

Cát đã ra lò, nay hóa thủy tinh.

Cát đã được tinh luyện, thành thủy tinh rồi, nhưng vẫn còn đó những xúc cảm mong manh, dễ vỡ! Lối vung bút khoáng đạt, xuất thần ấy không chỉ có trong bài Ném câu thơ vào gió, có thể thấy nhiều câu thơ như thế ở các bài Em và tôi, Rồi sẽ tới, Lục bát cầu may... Đọc Lục bát cầu may, ta thấy một hồn thơ phập phồng trong tình ái, có ái ngại và cũng bồn chồn hy vọng: Biết đâu say đắm vẫn còn/ Thoảng cơn gió lạ nắng dồn sang mưa.../ Biết đâu sau lớp tro vùi/ Ngón tay em có phép cời lửa lên. Đằng sau những biết đâu ấy là nỗi lòng yêu đương đến phấp phỏng, lo âu. Đích thực đó là thơ có nhựa sống, có hồn yêu, máu yêu. Nhiều thập kỷ qua, thơ tình của ta ít đi sâu vào nỗi lo sợ thành, bại của người đem lòng yêu khi bước vào cuộc yêu. Bài thơ này của Bằng Việt, âu lo đến mức muốn toại nguyện thì phải cầu may, phải nhờ trời, thậm chí bất chấp mọi rủi ro số phận:

Nếu làm mây, cứ như mây

Một mai tan xuống đất này, được không?

Nếu em là kiếp bềnh bồng

Thì tôi vĩnh viễn phải lòng phù du...

Là một nhà thơ sớm có thành tựu trong thơ tình hơn ba mươi năm trước, thời viết Bếp lửa với những bài như Tình yêu và báo động, Nghĩ lại về Pauxtopxky, Những đoạn thơ tình giữa hai cuộc chiến tranh... Nhưng chúng tôi nghĩ, đến chặng đường thơ này Bằng Việt mới có thơ tình ái đích thực. Mỗi bài thơ tình của anh đều có xúc cảm mạnh và ý tứ sâu lắng. Chẳng hạn bài Em và tôi, là thơ tình của người từng trải lắm rồi, nhưng may sao, sự từng trải lại nhường bước cho niềm say đắm, nên hơi thơ nồng nàn thế này:

Em có nét buồn sâu như ngọn gió

Thổi lang thang qua năm tháng hao gầy,

Tôi có chút buồn xa như vạt cỏ

Khuất chìm trong cát bỏng đến chân mây

Trong xúc cảm đắm say, thơ Bằng Việt tỏ rõ cái mạnh riêng là sức liên tưởng, khiến không gian tình yêu mở ra thật xa rộng mà đầy mỹ cảm. Lúc sáng tác bài thơ này, tài thơ cộng thêm sự thăng hoa vụt đến, nhà thơ đã cảm nhận ái tình dài lâu từ cõi sống thường tình sang cả cõi khác thường và to lớn, nó biến ảo như thiên nhiên:

Khi quay lại nhìn nhau trong khoảnh khắc

Gió qua truông thương cỏ cháy ven trời

Chỉ em biết, cỏ rồi xanh mút mắt

Chỉ một mình em biết - cỏ là tôi!

Chặng đường thơ hai mươi năm cuối thế kỷ XX của Bằng Việt, ta thấy những quan tâm thật sâu của nhà thơ tới cuộc sống với nhiều suy ngẫm, lo âu, và anh cũng yêu cuộc sống không mấy dễ dàng một cách chân thành, tha thiết. Trên chặng đường ấy, có lúc thảng thốt: Đời đột biến mà thơ đi quá chậm. Hoặc đang đi, nhà thơ bỗng giật mình, ngoái lại nhìn quá khứ, rồi thấy: Cây trám của ngày nao, giờ ngỡ cây trám dại, và anh muốn tạ lỗi cùng cây. Có lúc trước dòng đời chảy xiết, thốt lên một lời than và hạ ngay xuống như một tiếng thở dài: Nhanh quá thế, mà cũng buồn quá thế/ Chớp mắt xong, là đã một đời người. Và nhiều khi, một mình giữa rừng già rộng lớn, thấy tự tin, nhận biết được cái đẹp vừa nhẹ nhõm vừa sâu xa về lẽ mất và được, không và có trong cuộc đời này:

Có gì run rẩy tinh sương

Ru ta tới lẽ vô thường nhẹ không...

Những cung bậc cuộc sống, những buồn vui, sướng khổ trên quê hương hơn hai mươi năm qua, lọc qua tâm hồn Bằng Việt, thành thơ. Có thể nói, ngay khi bước vào làng thơ Việt Nam hiện đại, nhà thơ này đã thể hiện một bản lĩnh thơ đằm sâu, một chủ nghĩa trữ tình xao động, bồi hồi, khi đậm đà duyên dáng, khi âm vang sâu thẳm - như cách nói của giáo sư Lê Đình Kỵ. Rồi con đường thơ cuốn hút anh. Bằng Việt dấn thân, và đã tạo cho mình một tư thế thơ thật đẹp trong đời sống thơ ca hiện đại. Anh đang tiếp tục đi trên con đường của số phận mình!

Nguồn Văn nghệ 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *