TRẦN NGỌC HIẾU
1. Xu hướng trò chơi hóa đời sống
Không khó để thấy rằng “trò chơi” (cùng với những từ cùng trường nghĩa với nó) được sử dụng thường xuyên như một phép tu từ để mô tả đời sống văn hóa xã hội Việt Nam đương đại. Chỉ cần tìm kiếm nhanh trên mạng, dễ dàng thấy dường như hầu hết các hoạt động của xã hội hiện đại cùng các cơ chế vận hành của nó đều có thể đem ví với trò chơi, sân chơi, luật chơi… Thí dụ, trong lĩnh vực kinh tế, chúng ta thường thấy Tổ chức kinh tế giới (WTO) được truyền thông gọi là “sân chơi”. Trong các sự kiện chính trị, ngoại giao gần đây, chúng ta cũng thường bắt gặp các cụm từ liên quan đến trò chơi, ở đây chỉ liệt kê ngẫu nhiên qua nhan đề một số bài báo đăng tải trên các phương tiện truyền thông chính thống: “Các bên chơi trò ‘đố chữ’ trên biển Đông” (Hải Hà - Giáo dục Việt Nam, 24/08/2011), “Ai sẽ chiến thắng trong trò chơi ngoại giao?” (Minh Hiểu - Báo điện tử Đại biểu nhân dân, 16/01/2007), “Cờ tướng, cờ vua, nhà nước và trò chơi chính trị Đông - Tây” (Hà Văn Thịnh - Tạp chí Sông Hương, 07/10/2009)… Trong lĩnh vực giáo dục, Đại học quốc tế Hồng Bàng đã xây dựng chiến lược và mô hình giáo dục của mình từ phương châm “đời là trò chơi lớn của loài người” (dẫn theo lời hiệu trưởng TS. Nguyễn Mạnh Hùng, “Những bước chuyển mình vào thế giới phẳng”, bài viết trên website của trường). Ngay cả những hoạt động tưởng chừng nghiêm trọng nhất cũng cần đến hình thức của trò chơi để biểu hiện và tác động đến xã hội, chẳng hạn nhiều công tác tuyên truyền về lịch sử, về pháp luật, các chính sách hiện nay thường được tổ chức thông qua các hình thức trò chơi tương tác trên các phương tiện truyền thông hay các dạng thức sân khấu hóa.
Sự xuất hiện rộng khắp của khái niệm trò chơi trên các diễn ngôn hiện nay là dấu hiệu của một xã hội đã quay trở lại trạng thái dân sự, không khí sử thi của thời đại trước nay đã phai nhạt. Ý niệm “chơi” từ chỗ được sử dụng một cách hạn chế, thận trọng, thậm chí bị coi là kỵ húy khi nói về các vấn đề nghiêm túc, nay được phát biểu một cách công khai. Hoàn cảnh chiến tranh trước kia buộc con người ta phải dồn hết năng lực, thời gian vào việc chiến đấu cho vận mệnh của cộng đồng cũng như cá nhân. Nay, xã hội thời bình phát triển cho phép con người ta có nhiều thời gian rỗi hơn, nhiều nguồn sinh lực thừa hơn và đấy chính là điều kiện để các hình thức trò chơi nảy nở đa dạng, phong phú. Sự sôi động của các ngành kinh doanh giải trí, game, cùng với mật độ dày đặc của các hoạt động hội hè, festival, gameshow… trong đời sống thường nhật đã cho thấy cần phải nhận thức lại tầm quan trọng của trò chơi trong tư cách một hoạt động đồng thời như là một ý niệm tinh thần trong bối cảnh văn hóa xã hội hiện nay. Dưới sự tác động mạnh mẽ của internet, của công nghệ truyền thông - những nhân tố mới đặc biệt quan trọng dẫn đến sự biến động của môi trường sinh thái văn hóa hiện nay, nhiều lĩnh vực, hoạt động, chương trình mang tính tương tác, tính trình diễn - những biểu hiện của tính trò chơi - rất cao. Chẳng hạn, trong lĩnh vực ngoại giao, chúng ta đang nhắc nhiều đến khái niệm “ngoại giao văn hóa”. “Ngoại giao văn hóa”, theo chúng tôi, là ý niệm mang tính trình diễn rất rõ: nó được thực hiện thông qua các hình thức trình diễn như các cuộc thi đấu thể thao, các liên hoan nghệ thuật, các cuộc thi sắc đẹp… qua đó, hình ảnh của dân tộc, của văn hóa, nhờ sự tái hiện của truyền thông, được khuếch trương, phổ biến.
Song điều đáng nói không phải chỉ là ở tần số cao, mật độ dày của trò chơi trong các diễn ngôn hiện nay mà quan trọng hơn, những tính chất, nét nghĩa trước đó bị kìm nén của nó nay cũng được giải tỏa. Lại khảo sát nhanh trên nhan đề các bài báo chính thống: “Nhạc kịch: cuộc chơi hồn nhiên” (Quỳnh Nguyễn, Báo Tuổi trẻ, 02/04/2011); “Thái Thùy Linh: Chơi rock điên loạn với nhạc đỏ” (Tuấn Nguyễn, Báo 24h.com, 24/11/2010); “Lý Ngọc Minh: Cuộc rong chơi với ngọn lửa hoàn nguyên” (Nguyễn Minh Hiển, Báo Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần Xuân, 11/01/2009), “Ngắm teen trường Ams quậy hết mình” (Phạm Thịnh, VTC online, 19/05/2011), “Lê Anh Hoài nghịch ngợm khi ‘Tẩy sạch vết yêu’” (Hà Linh, Evan, 09/04/2010)… Chúng tôi chủ ý in nghiêng những từ thuộc “họ khái niệm” trò chơi vốn gợi lên những liên tưởng mà các diễn ngôn ở giai đoạn trước cố gắng kìm nén: sự vô tư, buông thả, phá phách, phá cách, hài hước, nổi loạn... để thấy trong nhiều trường hợp, những tính chất này của sự chơi không gắn liền với những định kiến tiêu cực về đạo đức. Ví dụ, trường hợp bài báo về ca sĩ Thái Thùy Linh: cụm từ “chơi điên loạn” ở đây không hàm ý một sự mỉa mai hay phê phán; nó là cách diễn đạt, phần nào có tính cường điệu, về thể nghiệm được xem là phá cách khá cực đoan của Thái Thùy Linh đối với một thứ âm nhạc sử thi vốn yêu cầu cao về sự chuẩn mực, nghiêm trang trong cách thể hiện, khá tương phản với tính chất của nhạc rock theo như suy nghĩ của nhiều người. Và trên thực tế, sự “nổi loạn” của Thái Thùy Linh trong nhạc đỏ đã được ghi nhận một cách tích cực: album của cô được lọt vào danh sách đề cử album hay nhất trong năm của giải thưởng Cống hiến 2010.
Có lẽ không thái quá khi nói rằng nhiều hình thái đời sống trong xã hội Việt Nam đương đại đang ngày càng hiện lộ rõ tính chất trò chơi của mình. Văn học nghệ thuật, thiết nghĩ, là lĩnh vực phản ánh rõ nét nhất xu hướng này. Để ý rằng, trong các dẫn chứng về sự xuất hiện của ý niệm trò chơi trong các diễn ngôn hiện nay phần lớn có liên quan đến văn học nghệ thuật. Xu hướng trò chơi hóa trong văn chương nghệ thuật hiện nay thể hiện trên các diễn ngôn về nó có những khía cạnh tinh vi đòi hỏi một sự quan sát kỹ lưỡng.
Cũng như ở nhiều hình thái ý thức xã hội khác, các diễn ngôn về văn chương nghệ thuật thời kỳ chiến tranh hầu như hạn chế tối đa sự khơi gợi ý niệm về trò chơi và cũng thay vào đó là sự thống trị của hệ từ vựng quân sự. Có lẽ không cần phải trích lục, chúng ta đều nhớ đến những mệnh đề được tôn lên thành kim chỉ nam, thành đường lối văn hóa văn nghệ một thời: văn nghệ là mặt trận, nghệ sĩ là chiến sĩ, chức năng của nghệ thuật là vũ khí, nhiệm vụ của nó là phục vụ chính trị. Hệ từ vựng quân sự từ các nghị quyết, chỉ thị chính trị trở thành các ẩn dụ, hình tượng trong các diễn ngôn sáng tác, rắn lại thành các nguyên lý được đúc kết trong các giáo trình văn học một thời. Văn chương được đưa vào phạm trù cái nghiêm túc, nó được thiêng hóa, được khoác cho những sứ mệnh trọng đại, cao cả, nó làm như xa lạ với chức năng giải trí, mua vui. Tình hình bây giờ diễn ra theo chiều ngược lại. Sự xuất hiện với tần số cao của “họ khái niệm” trò chơi trên các diễn ngôn về văn nghệ hiện nay có liên hệ mật thiết với sự phản tư về chức năng, địa vị, bản chất của văn nghệ. Văn chương vẫn được quan niệm như một hình thái ý thức xã hội, một loại hình nghệ thuật có khả năng tác động lớn đến xã hội, nhân tâm nhưng bên cạnh đó, đã xuất hiện những đề nghị giải thiêng hóa quyền lực của văn chương, coi văn chương chỉ là trò chơi. Trò chơi lúc này được nhấn mạnh ở những đặc điểm được xem như đối lập với sự nghiêm túc: không thiêng liêng, không quan trọng hóa, không vụ lợi hóa - những đặc điểm không hiện diện trong các diễn ngôn ở giai đoạn trước. Đưa văn chương về với trò chơi không phải là chủ trương hướng đến một thứ văn chương vô can, thoái thác những trách nhiệm của nó đối với nhân tâm, cuộc đời mà nên được xem như là sự chuyển động tất yếu của một xã hội trên lộ trình dân sự hóa. Nói như Hoàng Hưng: “Dĩ nhiên sau khi phục vụ hết mình như một vũ khí, giờ đây Thơ phải trở về đúng nó - dù trở về chậm chạp và lừng khừng”1. Và khi thơ được quyền trở lại là chính nó, được quyền “giã từ vũ khí” thì nhà thơ cũng được phép gác lại tư cách chiến sĩ của mình. Để là “người chơi”. Với những cuộc chơi mang tính cá nhân rất cao.
2. Kiểu hình tượng tác giả - người chơi trong thơ đương đại
Khi thơ ca được quyền là cuộc chơi cá nhân, mỗi nhà thơ cũng có thể xây dựng cho mình một hình ảnh người chơi rất khác nhau. Tuy nhiên, trên phương diện loại hình, có thể khái quát ba mẫu hình nhà thơ - người chơi nổi bật hơn cả trong thơ đương đại.
2.1. Nhà thơ - kẻ tài tử
Kẻ tài tử là mẫu hình người chơi độc đáo trong văn hóa truyền thống. Văn chương của nhà nho tài tử ở thời trung đại thấm nhuần tinh thần chơi của những học thuyết tư tưởng lớn của phương Đông. Đó là cảm quan hóa giải sự nghiêm trọng của đời sống, biết bình thản, thậm chí còn có thể bông đùa trước sự vô thường, phi bản chất luận của cuộc đời cũng như tính chất tương đối của chân lý, hay chủ trương rũ bỏ danh lợi, sống thuận theo tự nhiên mà ta có thể đọc được trong triết học Nho giáo, Phật giáo, Lão Trang. Kẻ tài tử, bởi vậy, có một phong thái nhẹ nhõm, khinh khoái, theo đuổi sự tự do nội tâm và dùng tài hoa của mình để chơi đời, ngạo đời. Một mẫu nhân cách khoáng đạt như thế được xem là tiền thân của cái tôi hiện đại.
Mô tip tự họa mình như một người chơi, cảm hứng xưng tụng sự chơi tương ứng với một thứ giọng điệu hài hước, nhẹ nhàng, hoặc bất cần, suồng sã… đối lập với sự trịnh trọng, trang nghiêm vốn là chủ âm của giai đoạn trước là điều không khó để nhận thấy ở nội dung trữ tình của thơ đương đại. Trong thơ Nguyễn Duy, Bùi Chí Vinh, hình ảnh thi sĩ như một người chơi khiến ta có thể liên tưởng đến hình ảnh kẻ tài tử trong truyền thống văn hóa: tài hoa, kiêu hãnh, ngất ngưởng, dẫu diện mạo có xộc xệch, lệch chuẩn thì vẫn ung dung, tự tại, bất cần danh lợi. Sự công nhiên bộc lộ mình trong phong thái ngạo nghễ như trong thơ Bùi Chí Vinh cho thấy ý niệm “chơi” gắn liền với quyền mỗi cá nhân được tự xác lập giá trị của mình, được tách khỏi dàn đồng ca để được nói bằng tiếng nói của mình:
Ta chẻ đầu ta chia hết thảy mọi người
Thế gian này những kẻ bình thiên hạ
Có còn gan, đủ mật để rong chơi
Có giống Quát khắc thơ vào vách đá
Có như Xương nhét chữ xuống mông ngồi
Và có dám như ta, đọc những lời khí phách
Rồi rủ Hồ Xuân Hương chơi cờ tướng tay đôi!
(“Ngó lại tiền nhân” - Bùi Chí Vinh)
Ca ngợi thú chơi là một nội dung bị hạn chế trong thơ văn giai đoạn trước, khi tinh thần khắc kỷ của thời đại nhìn thú chơi như là biểu hiện của chủ nghĩa hưởng lạc, có thể có ảnh hưởng tiêu cực đến đạo đức. Cảm hứng này nay đã được giải phóng: thú chơi không chỉ thể hiện văn hóa cộng đồng; trong thơ đương đại, thú chơi là cách để khẳng định nhân cách văn hóa ở từng cá nhân. Thơ Nguyễn Duy là sự nối tiếp một dòng mạch cảm hứng đã từng có lúc như đứt đoạn: xưng tụng thú giang hồ - một biểu hiện độc đáo của ý niệm “chơi” (du) trong văn hóa phương Đông. Nhà thơ còn nhìn thấy những minh triết của cuộc đời kết tinh trong những thú chơi giản dị của dân gian thể hiện trong một số bài thơ của ông khắc họa mô tip “con người hoan lạc” (chữ mượn từ tên tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Hy Lạp Nikos Kazantzakis):
Sớm mai đánh bệt trước thềm
đứ đừ phun khói thuốc lên tận trời…
Tôi qua lắm núi nhiều sông
khói ngày xưa ám trong lòng còn cay
ngẩng đầu đưa khói vào mây
nghênh ngang hiền triết điếu cày thăng thiên
(“Thuốc lào”)
Xa hơn việc xưng tụng thú chơi là một nhận thức sâu sắc về bản chất trò chơi của cuộc đời và theo đó, chơi chính là hiện sinh. Tính chất ảo ảnh của đời sống - phương diện tương hợp với thế giới trò chơi mà Eugen Fink từng nhấn mạnh - dẫn con người đi đến chỗ lựa chọn một thái độ hiện sinh, một mặt, táo bạo, liều lĩnh, chấp nhận đánh cược. Chế Lan Viên đã thể hiện một nhận thức như thế trong Di cảo thơ: “Cuộc đời là trò chơi - Cuộc sống là trò chơi - Nhưng không chơi khổ đau thì không ù được nụ cười” (“Hai chiều”). Nhưng ở mặt khác, bản chất trò chơi của đời sống cũng cho phép con người hình thành một thế giới quan, một cách ứng xử nhẹ nhõm, vô tư, phi mục đích luận:
Đùa thôi nhé, Thiên Đường mộng ảo
Thế giới vỡ tan ngoài chân mây
Cầm giấc mơ xanh vàng tím đỏ
Ngoảnh lại nhìn - nấm mọc đầy tay.
...
Ta tìm lại trong hình hài hóa bướm
Chút tự do quả thực trên đời
Rũ sạch hết đam mê hoang tưởng
Núi thông nhiều ta hãy rong chơi
(“Bài ngâm đùa chơi” - Hoàng Phủ Ngọc Tường)
Trong thơ của Hoàng Phủ Ngọc Tường, ý niệm “chơi” cũng gắn liền với ý niệm “du”, song cụ thể hơn, chơi, với ông, là sự trở về, về với thiên nhiên, về với bản thể tự nhiên thuần khiết, trong trẻo nhất của con người cùng lúc với sự bừng ngộ về tính chất phù du, hư ảo, vô thường của cõi thế. Con người chơi trong thơ của ông là sự kết hợp nhuần nhị giữa mẫu nhân cách tài tử tiêu dao của văn hóa phương Đông, trong đó ảnh hưởng quan trọng nhất có lẽ là triết học Lão Trang, với mẫu con người cảm giác mà chủ nghĩa hiện sinh đề cao.
2.2. Nhà thơ - trẻ thơ
Ý niệm chơi, bởi có mối liên hệ độc đáo với tiếng gọi trở về với tự nhiên, dẫn đến sự phát triển một mô típ được thơ ca đương đại khai thác mạnh mẽ: ca ngợi tuổi thơ, đặc biệt, ca ngợi trò chơi của trẻ nhỏ. Trên thực tế, Heraclitus, triết gia Hy Lạp cổ đại, người được xem là khởi điểm của lý thuyết trò chơi, đã hình dung: “Tiến trình của thế giới là một đứa trẻ đang chơi thực hiện những nước đi của nó trên bàn chơi - đứa trẻ là người thống trị tuyệt đối của thế giới”2. Sau 25 thế kỷ, Nietzsche, một nhà tư tưởng đặc biệt quan trọng khác của lý thuyết trò chơi, đã phát triển xa hơn luận điểm nền tảng của Heraclitus khi viết: “Tạo sinh và tan rã, dựng xây và phá hủy mà không mang hàm ý luân lý, trong trạng thái ngây thơ vĩnh cửu, động thái ấy chỉ có thể tìm thấy ở sự chơi của nghệ sĩ và trẻ nhỏ trong thế giới này”3. Trẻ thơ và nghệ sĩ, hành động chơi và hành động sáng tạo nghệ thuật, bởi thế, đồng dạng với nhau.
Bùi Chí Vinh nhìn thấy hình ảnh đứa bé đang chơi như là biểu tượng của một thứ quyền năng, một thứ tự do mà người lớn đã không còn:
Con trai ta chịu chơi hơn ta
Nó có vương quốc riêng hết sẩy
Vũ trụ chứa một tỉ người máy
Hành tinh gom một tỉ quân bài
Nó bấm video game bằng một tỉ ngón tay
Ác thú, quái nhân đều nằm chỏng gọng
...
(“Gia huấn ca”)
Cảm xúc trước sự tự do, vô tư, trong sáng của trò chơi trẻ nhỏ đã dẫn đến sự hình thành một kiểu tư duy nghệ thuật đáng chú ý trong thơ đương đại mà Lê Lưu Oanh gọi là “tư duy đồng thoại”. Đó là kiểu tư duy “lấy cái khởi nguyên để làm thước đo vạn vật”4, lấy cái nhìn thuần khiết của trẻ thơ, lấy cách giao tiếp với thế giới của trẻ thơ - giao tiếp ở đây chính là trò chơi giữa trẻ nhỏ với thế giới, cả hai có cùng ngôn ngữ, có thể lắng nghe, nói chuyện với nhau, hoán vai cho nhau... làm nguyên tắc cấu trúc thế giới nghệ thuật. Hình tượng tác giả, bởi thế, mang điểm nhìn của trẻ thơ, nói bằng giọng trẻ thơ, lấy sự ngây thơ làm mỹ cảm. Trong thơ Nguyễn Quyến, sự tưởng tượng về bản thể được khai triển theo tư duy huyền thoại vốn là đặc trưng của tuổi thơ mỗi con người và của tuổi thơ nhân loại:
Nhớ mùa-xuân-chưa-có-mưa-phùn mẹ nói nựng con
“Mẹ nhặt con từ đám lá tre đầu ngõ
Dưới gốc bưởi đào tóc mẹ rụng hoa”
Có phải thế không? Có phải không mẹ!
Con reo lên, con hét ôm chầm lấy gốc bưởi
Đám lá tre ấm nỗi ngẩn ngơ
Hoa bưởi thơm mùi sữa mẹ
Vương đầy mặt con.
Mẹ ơi! Có phải con là một nhị hoa
Đậu vào áo mẹ
Mẹ ơi! Có phải con là một làn phấn rơi
Mẹ nhặt lấy thoa nỗi buồn cô độc
Mẹ ước đàn con, nên con ngồi đợi
Gió thổi về nhặt những đứa em thơ.
Mẹ ơi!
Mẹ là gà mái hoa mơ bới táo tác đống rác để tìm con
Nhưng con không muốn làm bông hoa rụng, không muốn nằm trong đống lá rơi
Mẹ ơi! Không biết bấy giờ mẹ có vứt con đi...
Kiểu tư duy đồng thoại này thể hiện một bước chuyển mình của thơ đương đại: trở về với sự duy cảm, nhạt dần tính chất duy lý, khai thác các yếu tố huyền thoại. Thơ ca, theo đó, khởi phát từ niềm ngạc nhiên của con người, từ mơ ước nhìn lại thế giới như thể lần đầu tiên nó được hiện ra, từ việc gạt bỏ định kiến bởi những cái đã biết. Mượn ý của nhà thơ Ba Lan từng được giải Nobel văn chương năm 1996, Wislawa Szymborska, không phải cái “tôi đã biết” mà chính cái “tôi không biết”, “tôi chưa biết” mới là cội nguồn cảm hứng của thơ ca5. Sự “không biết”, “chưa biết” ấy chính là phẩm chất của trẻ thơ. Nó hàm ẩn một thứ minh triết mà thơ ca nhân loại thường tìm về khi nó đứng trước nguy cơ trở nên già cỗi, xơ cứng.
2.3. Nhà thơ - kẻ luyện chữ và nghịch chữ
Theo Johan Huizinga, “cái chức năng sáng tạo mà ta gọi tên là thơ ca có lẽ bắt nguồn từ một chức năng còn lâu đời hơn cả văn hóa - chức năng chơi”6. Nếu thơ ca là trò chơi thì đó là trò chơi trong ngôn từ, với ngôn từ, bằng ngôn từ và nhà thơ chỉ bộc lộ tư cách nghệ sĩ của mình khi chủ động tham gia cuộc chơi ấy. Trò chơi ngôn từ mang nhiều đặc điểm quan trọng của sự chơi nói chung: nó phá vỡ những trật tự sẵn có của ngôn ngữ vốn mang bản chất thiết chế, nó tạo ra một thế giới ảo, thế giới tưởng tượng bằng ngôn từ với những ước lệ, những quy luật khác, không trùng khít với thực tại, nó tương tác với người đọc - một loại người chơi khác - bằng cách kích thích tưởng tượng, cảm xúc, mời họ tham gia vào lấp những khoảng trắng của văn bản, trao cho người đọc những khoái cảm tinh thần vô tư, nó giải phóng người chơi (cả nhà thơ và người đọc), giải phóng bản thân ngôn từ ra khỏi những giới hạn, những áp đặt, những bổn phận..., từ đó khởi mở những khả năng mới của con người và của ngôn ngữ.
Tư cách nhà thơ như là kẻ chơi ngôn từ, ở thời trung đại, thường được nhấn mạnh ở sự thiện nghệ của người làm thơ. Một nền thi học từ chương đánh giá cao người làm thơ khi anh ta có thể đáp ứng được những yêu cầu khắt khe, chặt chẽ của thể loại theo những cách bất ngờ nhất. Nhà thơ không được đánh giá cao ở việc tạo ra khuôn mẫu mới mà chỉ được ghi nhận khi anh ta thực hiện khuôn mẫu sẵn có một cách hoàn thiện. Thời đại lãng mạn giải phóng thi sĩ ra khỏi lao động lề luật, giải phóng giọng điệu cá nhân nhưng hình tượng tác giả chỉ là kẻ chơi với cảm xúc, với tưởng tượng mà ngôn từ trở thành phương tiện để anh ta theo đuổi cuộc chơi ấy và trình bày chúng ra. Chỉ đến những nỗ lực dấn sang quỹ đạo của chủ nghĩa thơ tượng trưng, tư cách nhà thơ như là kẻ chơi ngôn từ mới bắt đầu được nhấn mạnh. Khác với hình ảnh của nhà thơ như là tay thiện nghệ ở thời trung đại, giỏi thuật tu từ để biểu đạt một thông điệp sẵn có, nhà thơ tượng trưng chơi với ngôn từ để giải phóng thơ khỏi những kinh nghiệm duy lý, đưa ngôn ngữ về với bản chất huyền bí, phi thực dụng, thậm chí phi thông điệp. Những thể nghiệm mang dấu ấn tượng trưng trong thơ Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám của Bích Khê, Xuân Thu Nhã Tập chính là những thể nghiệm tiền phong của một khuynh hướng thơ ngôn ngữ có một vị trí quan trọng trong thơ đương đại được đóng dấu bằng những tên tuổi như Trần Dần, Lê Đạt, Dương Tường, Đặng Đình Hưng...
Những nhà thơ được nhắc đến trên đây dù có thể có những khác biệt trong thi pháp song đều có thể gọi là họ những kẻ “luyện” chữ. Từ quan niệm đến thực hành sáng tạo, nhìn chung, họ đều ý thức chơi với chữ tức là đưa ngôn từ thoát khỏi những thói quen nhưng đồng thời đặt chúng vào những luật lệ mới của cú pháp, ngữ nghĩa, thậm chí cả nhưng sự cưỡng chế. Nghe có vẻ nghịch lý song thực tế, “trò” (game) nào cũng cần có luật, luật càng thách thức, sự thú vị của hành động “chơi” (play) ở cả người viết lẫn người đọc lại càng được gia tăng. Trần Dần liên tục “tự rủ mình vào cửa khó” khi ông thể nghiệm những bài thơ độc vận (mà lại là vần khó), chối từ các phép ký âm thông thường để tạo ra những tổ hợp ngữ âm bất ngờ mà ta có thể thấy qua những tác phẩm theo lối viết đồng dao. Ông còn tối giản hóa bài thơ với hình thức thơ mi-ni chỉ cô đọng lại trên một, hai câu như: “Mưa rơi không cần phiên dịch”, “Gió tha người ở các ngã ba”, “Mất ngủ một hàng đèn/ Trong một thủ đô đen”... Nhưng ở cực khác, thơ, đối với Trần Dần, phải chấp nhận khả năng dung nạp những gì khác với nó nhất: ông đưa thơ xích về hội họa, nơi ngôn từ lẩn vào trong đường nét, bố cục hình họa; ông phá kết cấu một giọng của thơ, tạo ra những “bè đệm” để tạo ra hiệu ứng đa thanh. Trong khi đó, Lê Đạt chủ yếu lao động thơ trên bình diện ngữ pháp. Với Lê Đạt, làm thơ là sự cưỡng chế quán tính của ngôn từ, khi ông chủ động tạo ra sự ly cách, sự gián đoạn giữa các yếu tố ngôn ngữ. Câu thơ, bởi thế, mất đi những mối liên kết bề mặt, theo chiều tuyến tính, nhưng bù lại lại có nhiều hơn những quan hệ bề sâu và do đó, gọi ra nhiều liên tưởng, nhiều khả năng diễn dịch hơn. Hình ảnh nhà thơ “luyện chữ” vì thế là hình ảnh của người chơi nghiêm túc. Nói như Lê Đạt: “...người làm thơ thực hiện một trò chơi chữ nghiêm túc, sử dụng những phép tu từ học (ám dụ, lược tỉnh, ghép âm, nói lái, nói lối...) như một đứa trẻ chơi với những đồ vật chung quanh. Thế nào là chơi nghiêm túc - Chơi nghiêm túc là chơi thật, chơi hết mình, sống trò chơi như một nghiệm sinh thực thụ. Nghiêm túc không mâu thuẫn với trò chơi mà mâu thuẫn với chơi đùa, tài tử. Từ một người chơi tài tử tôi đã nỗ lực nghiêm túc để trở thành một người chơi chuyên nghiệp”7. Dấu ấn của những nhà luyện chữ này để lại chính là các kỹ thuật, các thể thơ ký tên cá nhân của nhà thơ.
Ở cực khác với những nhà luyện chữ là kiểu nhà thơ “nghịch” chữ. Cũng là một cách chơi với ngôn từ nhưng ở những tác giả này làm thơ là đùa với ngôn ngữ, đùa với chuẩn mực thể loại. Cái họ muốn thể hiện trong cách chơi của mình không phải là một kỹ thuật cao, biến bài thơ thành một câu đố cho độc giả. Trái lại, họ đem đến một nhận thức: thơ có thể là mọi thứ, chỉ cần nhìn khác đi, sắp xếp khác đi, một lời nói thường cũng có thể thành thơ. Bài thơ, thay vì, là một câu đố, nó trở thành sự bông đùa, sự giải trí nhẹ nhàng đối với công chúng. Nó gần với dòng mạch của thơ ca folklore đương đại. Bài thơ dưới đây của Nguyễn Thế Hoàng Linh là một ví dụ:
cho em nước mía chị ơi
cho em sấu đá
chị rơi tiền này
cảm ơn chú
thật là may
tí thì lao động một ngày không công
chú thích ăn nhiều sấu không
chị thêm cho chú
(“Chị không tính tiền”)
Có thể dễ nhận thấy cả bài thơ trên dường như được viết theo phong cách sinh hoạt. Thế nhưng từ một cuộc đối thoại thường ngày, Nguyễn Thế Hoàng Linh chỉ đơn giản ngắt dòng tạo nhịp và có ngay một bài lục bát. Một thứ lục bát thuần điệu nói, suồng sã, thân mật và không ngần ngại chêm xen những từ ngữ “sành điệu” của giới trẻ đô thị, thậm chí cả tiếng nước ngoài. Nói một cách hình ảnh thì Nguyễn Thế Hoàng Linh đã điềm nhiên mặc trang phục hip-hop cho thể thơ cổ truyền. Một sự lai ghép không mấy thuận mắt với những ai vốn chủ trương mọi giá trị truyền thống cần phải được gìn giữ như một thứ trong bảo tàng nhưng ít nhất, nó cũng gây bất ngờ với một bộ phận độc giả nhất định khi nhận ra một bài thơ có thể được hình thành như một trò nghịch trẻ con như thế.
Xu hướng “nghịch” chữ đưa thơ hòa vào không gian văn hóa đại chúng đương đại mà một trong những động hướng quan trọng của nó là thẩm mỹ hóa đời sống thường nhật. Có thể quan sát động hướng này trong nhiều thực hành nghệ thuật đương đại, từ những người tiên phong như Vũ Dân Tân với những tác phẩm ý niệm về đàn bà được tạo nên từ những bao thuốc lá hay ở triển lãm nhiếp ảnh Phía sau bức tường của nghệ sĩ người Pháp đang làm việc tại Hà Nội - Lolo Zazar - với những bức ảnh chụp những bức tường loang lổ, nứt rạn rồi dùng kỹ thuật rối bóng biến chúng thành những bức tranh trừu tượng. Nhịp điệu, ngôn ngữ của thơ cũng có nhiều điểm gần gũi với nhịp điệu và ngôn ngữ của nhạc rap, một thứ âm nhạc mang tính chất đường phố thu hút giới trẻ. Khác với lựa chọn của các nhà thơ luyện chữ hướng đến một công chúng đặc tuyển, những tác giả như Nguyễn Thế Hoàng Linh khi nghịch chữ lại kéo thơ về đại chúng, hòa nhập với văn hóa trẻ của xã hội Việt Nam đương đại.
*
Xu hướng trò chơi hóa đời sống, mà văn chương, như đã nói, là lĩnh vực phản ánh rõ nét, một mặt, là sự giải tỏa nguồn năng lượng đã bị kìm nén suốt một thời gian dài. Sự giải tỏa này là cần thiết để tạo ra trạng thái cân bằng xã hội. Nhưng mặt khác, điều này chỉ xét riêng ở lĩnh vực văn chương, xu hướng trò chơi hóa mà ta vừa khảo sát tập trung ở cấp độ nội dung, cảm hứng còn chính là cách phản ứng của văn chương trước xu hướng thực dụng hóa, duy lý hóa, kinh tế hóa đang diễn ra ngày càng mạnh trong môi trường sinh thái văn hóa hiện nay. Xu hướng trò chơi hóa đời sống với những kiểu hình tượng tác giả mà ta vừa mô tả cho thấy tiến trình vận động của thơ đương đại hướng đến cái cá nhân, sự duy cảm, duy mỹ và cả tính giải trí. Văn hóa chơi là môi trường cần thiết cho sự phát triển của thơ ca: thơ chỉ thực sự trở nên sống động, đa dạng khi một thứ văn hóa chơi đúng nghĩa được xây dựng và bảo vệ.
T.N.H
(SH322/12-15)
--------------------
1. Hoàng Hưng, “Thơ mới và thơ hôm nay”, in trong Nhìn lại một cuộc cách mạng trong thi ca, Huy Cận và Hà Minh Đức chủ biên, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1997, trang 50.
2. Dẫn theo Eugen Fink, “Theo Oasis of Happiness: Toward an Ontology of Play”, bản dịch tiếng Anh của Ute Saine và Thomas Siane, Yale French Studies, No.41
3. Dẫn theo Eugen Fink, tlđd
4. Lê Lưu Oanh, Thơ và các hiện tượng thơ Việt Nam đương đại, Báo cáo tổng kết đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 2011, trang 77.
5. Wislawa Szymborska, Thơ, Tạ Minh Châu dịch, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, năm 1997, trang 212.
6. Johan Huizinga, tlđd, trang 132.
7. Lê Đạt, Đường chữ, Bách Việt & Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2009, trang 463.