(Tham luận Hội thảo khoa học quốc tế “Mã cổ điển Nga. Những vấn đề được phát hiện, điểm nhấn và tính cập nhật” – Samara, 8,9.12.2005)
Julia Podlubnova
Mấy chục năm gần đây người ta thấy xuất hiện ngày càng mạnh mẽ xu hướng nghiên cứu nguồn cội cổ xưa và gốc rễ cổ đại của nghệ thuật hiện đại. Các nhà nghiên cứu khẳng định rằng văn học Nga về mặt loại hình rất gần với thực tiễn và tổ chức của huyền thoại, folklore và nghệ thuật tôn giáo. Hướng tiếp cận này làm nầy sinh cách nhìn văn học xô-viết trong khuôn khổ của một hệ thống tọa độ thể loại mở rộng, cho phép bàn về sự hoạt động ở đó của các thể loại cổ đại, cũng như về sự đổi mới của chúng (E. Dobrenko, K. Klark, A. Glotov[1]). Thể truyện thánh là một trong những thể loại cổ xưa được văn học xô-viết lưu giữ và đổi mới như vậy.
1. Tiền đề xuất hiện
Ta biết, truyện thánh Kito giáo đã cư trú yên ổn và sống khỏe mạnh trên thung thổ Nga cho tới hết thế kỉ XVII. Xu hướng thế tục hóa tăng dần của văn học và sự hình thành diện mạo thế tục của nó từ thế kỉ XVII đến hết thế kỉ XVIII không hề làm suy suyển truyền thống truyện thánh. Vì thế, trong kho tàng văn hóa Kito giáo Nga, nhiều văn bản truyện thánh đích thực vẫn tiếp tục được sáng tác ở cả thế kỉ XIX, lẫn thế kỉ XX. Văn học thế tục thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX cũng thường xuyên khai thác điển phạm của truyện thánh (xem Cha Sergei của L. Tolstoi, chương viết về cha bề trên Zoshim trong tiểu thuyết Anh em nhà Karamazov F. Dostoievski, các truyện vừa viết vào những năm 1860-1870 của N. Leskov, Cuộc đời Vashili Fiveiski của L. Andreiev và Sergei Radonhezski khả kính của B. Zaitsev). Truyện thánh giành một vị trí vững chắc trong kho tàng thể loại cổ điển của văn học Nga. Do bị hệ tư tưởng vô thần thống trị, nghệ thuật xô-viết hậu cách mạng không thể trực tiếp sử dụng thể loại truyện thánh. Nhưng chính trong thời đại ấy, việc tiếp nhận, sử dụng mẫu gốc truyện thánh vẫn diễn ra và, đến lượt nó, thấm vào vô thức tập thể. Ưu thế tôn giáo nguyên thủy trong ý thức dân chúng Nga thời nào cũng có ý nghĩa quan trọng. N.I. Berdijaev viết: “Tâm hồn dân chúng Nga đã được nhà thờ chính thống giáo đào luyện, nó có hình hài tôn giáo thuần khiết. Hình hài ấy được bảo tồn cho tới thời đại chúng ta, trước khi xuất hiện những kẻ hư vô chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa”[2]. Hiện thực ngoài nghệ thuật thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX cung cấp cho văn học nhân vật thánh chiến kiểu mới – các vị thánh chiến này xuất thân từ cách mạng, thành tâm tin vào khả năng xuất hiện công bằng xã hội trên cõi “trần thế” và sẵn sàng hiến dâng hết sức lực của mình để xây dựng lẽ công bằng ấy. Không phải ngẫu nhiên, M. Gorki gọi số phận của N. Chernysevski là số phận của một “vị thánh” và cho rằng có thể viết Thần tích Nicolai Chernysevski khả kính[3]. Ngay từ nửa sau thế kỉ XIX đã xuất hiện hàng loạt văn bản “cách mạng” mà thực chất là những truyện thánh (xem những đoạn tả Rekhmatov trong tiểu thuyết Làm gì? của N. Chernysevski, tiểu thuyết Andrei Kozukhov của S. Stepnhijak-Kravchinski và hàng loạt tiểu sử rất phổ biến của các nhà cách mạng Nga vào những năm 1900). Những văn bản này đã mở đường cho sự xuất hiện truyện thánh cộng sản trong văn học sau này.
Ý nghĩa cấp thiết của mẫu gốc truyện thánh vào những năm 1920 đã tạo điều kiện để chủ nghĩa cộng sản tiến hành thần thánh hóa “hiện thực anh hùng” và các nhân vật của nó. Thực tiễn sáng tạo huyền thoại đáp ứng đòi hỏi của nền văn hóa xô – viết đang hình thành. Những hình ảnh tương đồng với các thánh tuẫn đạo trong Kito giáo được sử dụng rộng rãi để hiện đại hóa hình ảnh thực tại mới và các nhân vật của nó. Chẳng hạn, nghệ thuật từ chương sau cách mạng tô đậm sự tương đồng của Lênin với Đức Kito và vụ mưu sát năm 1918 vô tình buộc người ta “nhìn Lênin như vị thánh “tử vì đạo” tương tự các vị thánh Boris và Gleb, và Quận vương Andrei Bogolyubski[4]. Xin dẫn một đoạn trích rất tiêu biểu từ báo “Sự thật”. Có thể tìm thấy trong bài Đáp lại vụ mưu sát đồng chí Lênin tiếng nói của những người cộng sản Ural: “Kẻ thù của giai cấp công nhân, cặn bã của nhân loại và những tên phản bội cách mạng cấu kết với nhau để làm một công việc đê tiện <…> Chúng đã tạo ra đồi Calvaire cho cách mạng Nga và cách mạng thế giới… Nhưng chúng đã lầm: cách mạng thế giới dưới sự lãnh đạo của người cầm lái vĩ đại, của lãnh tụ Bladimir Ilich Lênin đã vượt qua đồi Calvaire và giai cấp công nhân toàn thế giới đã sáng tạo ra sự Phục sinh của mình”[5]. Những đoạn tương tự như thế trong các câu chuyện về lãnh tụ và anh hùng thời đại ấy có thể tìm thấy rất nhiều. Đồng thời, cần nhấn mạnh rằng, cơ chế thần thánh hóa “thực tại anh hùng” và các nhân vật trực tiếp của nó trong suốt thời kì tồn tại của nền văn hóa xô viết hoạt động theo những cách thức khác nhau. Nếu thời kì 1920-1940, nó thần thánh hóa một cách tích cực các sự kiện lịch sử hiện đại và các nhân vật của thời đại, thì sau 1940, bức tranh của cái thiêng được chuyển dịch sang thời quá khứ: văn hóa xô viết đần dần thôi không cảm thụ đời sống hiện đại và các nhân vật của nó như một cái gì đó thiêng liêng. Cho nên, nguồn gốc và sự tiến hóa của thể loại truyện thánh trong văn học xô viết diễn ra đúng vào giai đoạn 1920 – 1940.
2. Cấu trúc và đặc điểm của cấu trúc
Rõ ràng mẫu gốc truyện thánh đã cung cấp khuôn mẫu cho hàng loạt tác phẩm then chốt của văn học 1920-1940. Chúng tôi chỉ nêu một số tác phẩm tiêu biểu nhất chứa đựng các yếu tố truyện thánh. Đó là trường ca Vladimir Ilich Lênin của V. Maijakovski[6], bút kí V.I. Lênin của M. Gorki, tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy của N. Ostrovski, Trường ca sư phạm của A. Makarenko, Truyện về con người chân chính của B. Polevoi, Aleksandr Matrosov của P. Zyrba, ở một mức độ nào đó, có thể kể thêm Đội thanh niên cận vệ của A. Fadéev, Hải âu của N. Biriukov, trường ca Zoia M. Aligher. Không kể tới lập trường tác giả sẽ kế thừa hay chối bỏ các truyền thống của văn học tôn giáo, các văn bản nói trên thống nhất với nhau ở những dấu hiệu chung như sau:
a. Nhân vật lí tưởng theo quan niệm thời đại (chắc chắn là đã hoặc đang tồn tại trong đời sống hiện thực), người cộng sản kiên trung, toàn tâm toàn ý, hiến dâng đời mình cho lí tưởng cộng sản, một lí tưởng, theo quan niệm của nhân vật, có sức mạnh siêu hình (V.I. Lênin, Ostrovski-Korchaghin, Mareshiev- Mareshiev, Aleksandr Matrosov, Olek Kosheva, Uliana Gromova, Elizaveta Chaikinna, Zoia Kosmodemijanskaia…).
b. Nguyên tắc tiểu sử của tổ chức truyện kể và tầm quan trọng của sơ đồ hình thành nhân cách nhân vật theo giai đoạn. Chẳng hạn, trong trường ca của V. Maijiakovski có tất cả các giai đoạn hình thành nhân cách cần thiết đối với truyện thánh. Mở đầu – truyện kể về sự sinh hạ của nhân vật: “Bóng ma/chủ nghĩa cộng sản/ khắp châu Âu/lang thang, bỏ đi/và rồi lại/ ẩn hiện chốn xa xăm.// Khi đó/ Tại Simbirsk xa xôi hẻo lánh/ Sinh hạ/ một cậu bé bình thường/ Lênin”[7]. Sự sinh hạ của nhân vật mang tính chất thần kì vì nó có cơ sở ở tất yếu lịch sử, ở tình huống chính trị, thậm chí mang tính thần bí của thời đại (Bóng ma của chủ nghĩa cộng sản lang thang khắp châu Âu như người dẫn đường cho cậu bé). Sau đó, ở đây còn có cảnh nói về lễ rửa mình thánh thời trể tuổi để thành nhà cách mạng (sự khời đầu đời sống cách mạng của cậu bé). Vào năm 17 tuổi, chứng kiến người anh Aleksandr bị hành hình, Volodia Ulianov thề sẽ tiếp tục sự nghiệp của anh, đi theo con đường của K. Mác. Từ đó, gánh trên vai “chiến công thường nhật của thợ thuyền lao khổ” chuẩn bị và dẫn dắt cách mạng ở nước Nga, Lênin trở thành hình tượng người đưa đướng dẫn lối cho cuộc sống. Truyện kể này được kết thúc bằng cái chết của vị thánh cộng sản và đoạn mô tả những điều thần kì sau đó. Nhà thơ viết: “Không có điều thần kì, và chẳng có gì phải ước mơ về chúng”[8], với ngụ ý về mặt vật chất, cái chết của lãnh tụ là sự thật bất di bất dịch. Nhưng kết thúc văn bản, điều thần kì nhất đã xẩy ra, và đó là lí do để viết trường ca: Lênin hóa thành bất tử: Lênin/Ngay giờ đây/Vẫn sống hơn một người đang sống”.
c. Kết hợp đồng thời hai chiến lược: lí tưởng hóa nhân vật và tư liệu hóa tiểu sử (dẫn các chứng cớ lịch sử đáng tin cậy, nhập vào mạng lưới tác phẩm nhiều nguồn tài liệu). Các nhà văn trước khi bắt ta sáng tác loại văn bản thường nghiên cứu các tài liệu và các kho lưu trữ rất kĩ.
d. Thái độ sùng kính của tác giả đối với nhân vật (loại tự truyện có thể xem là ngoại lệ), chiến thuật ca tụng, khen ngợi nhân vật kết hợp với chiến thuật tự hạ mình. Chẳng hạn, trong bút kí về Lênin, M. Gorki viết; “… Trên thế giới chỉ có một sức mạnh có khả năng giải phóng bản thân thoát khỏi sự cầm tù của loài ác thú- sức mạnh ấy là sự thật của Lênin”[9], tiếp theo đó là sự thừa nhận về tính thiển cận và sai lầm chính trị.
e. Ý đồ tuyên truyền – với văn bản tự truyện – vừa tuyên truyền vừa xưng tội. Các nhà văn xô viết tin vào “sự đúng đắn của phương pháp và ý nghĩa giáo dục của kinh nghiệm”[10] mà họ chia sẻ với độc giả. Họ thường chọn quan điểm giáo huấn trong quan hệ với người đọc. Nhân vật của họ và cuộc đời các nhân vật trở thành mẫu mực cfaanf bắt chước và thần thánh hóa.
g. Cách luật hóa văn bản và xác lập cho nó vị thế “sách giáo khoa đời sống”.
Những bình diện nói trên chứng minh về mối uan hệ giữa hàng loạt văn bản then chốt của văn hóa xô viết với truyện thánh (trong hàng loạt trường hợp – truyện thánh tự thuật) và cho phép nói rằng, trước mắt chúng ta có một hiện tượng đực biệt – truyện thánh cộng sản. Tức là loại gần như truyện thánh, hoặc là truyện thánh được “biến đổi”. Nó được “biến đổi” theo tuyến nội dung huyền thoại và tư tưởng hệ của thể loại.
Truyện kể về cuộc đời của vô số văn bản quan trọng của văn học xô viết nói lên ý nghĩa văn hóa to lớn của truyện thánh cộng sản, về qui mô của hiện tượng ấy trong thời đại xô viết. Rõ ràng, chúng ta đang có một tảng băng – thể loại mà hiện nay, một phần lớn của nó chưa được đưa ra ánh sáng (đặc biệt là bộ phận ngoài nghệ thuật).
III. Sự tiến hóa của thể loại
Với tư cách một giả thuyết làm việc, chúng tôi nhấn mạnh các cột mốc phát triển sau đây của truyện thánh cộng sản. Có thể giả định nguồn gốc của nói gắn với nguồn gốc của cái gọi là “leninhiana” (thuật ngữ chỉ toàn bộ văn học nghệ thuật về Leenin) ra đời vào những năm 1920: hai văn bản chủ chốt dành cho “leninhiana” – trường ca của Maijiakovski và bút kí của Gorki – tạo cho ta hạt nhân “lênin”của thể loại này. Leninhiana sau này cũng có các yếu tố truyện thánh: đó là nhiều truyện ngắn viết cho thiếu nhi của M. Zoshenko, Tấm vé vào lịch sử của M. Shaghinhijan và cuốn Lênin của chúng ta của B. Polevoi và N. Zukov, các truyện ngắn của Sergei Alecseiev…Ở đây, chưa có thay đổi cấu trúc của truyện thánh. Từ truyện thánh Lênin chuyển qua truyện thánh Stalin chỉ thay đổi đối tượng, Stalin thay cho Lênin, mà không có thay đổi cấu trúc. Nhưng truyện thánh cộng sản vào những năm 1930 chuyển sang một hệ thống nghệ thuật khác. Đó là tiểu thuyết – giáo dục của những năm 1930 (như Thép đã tôi thế đấy của N. Ostrovski, Trường ca sư phạm của A. Makarenko). Nền tảng, sám hối, tự thú mang lại chủ âm truyện thánh cho thể loại. Truyện thánh tự truyện những năm 1930 là đỉnh cao của truyện thánh trong văn học xô viết: vào những năm 1940, sau khi nhập vào loại văn học về nhân vật anh hùng Liên Xô, có hình thức truyện tử vì đạo, truyện thánh cộng sản mất cấu trúc truyện thánh cổ mẫu. Ở đây có thể nhận ra xu hướng xóa bỏ nguyên tắc thiêng hóa “nhân vật tích cực” (nhân vật không xa lạ với thú vui bình dị của con người: chúng cũng yêu đương, vun vén cho cuộc sống riêng tư…), không phải bao giờ cũng vận hành nguyên tắc độc thoại trong trần thuật (tác giả có thể tập trung tiêu điểm trần thuật vào một số nhân vật, ví như trong Đội thanh niên cận vệ của Fadeev), nguyên tắc khoảng cách sùng kính của tác giả thường bị vi phạm (Trong Zoia của M. Aligher); cuối cùng, những văn bản ấy không phải bao giờ cũng là văn bản cách luật. Chúng tôi có cơ sở để nói về sự phân rã của luật lệ truyện thánh cộng sản trong văn học nghệ thuật vào đầu những năm 1940. Mặc dù, tiếng vọng của nó vẫn có thể tìm thấy trong văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa ở giai đoạn sau đó.
Người dịch: Lã Nguyên
Nguồn: http://www.netslova.ru/podlubnova/comm.html
[1] Xem: E. Dobrenko – Ẩn dụ quyền lực: Văn học thời đại Stalin dưới ánh sáng lịch sử. Munchen, 1993; C. Clark – Tiểu thuyết xô viết: lịch sử như là điển lễ (Dịch từ tiếng Anh), Ekaterinburg, 2002.
[2] N.I. Berdjaev- Nguồn gốc và ý nghĩa của chủ nghĩa cộng sản. M., 1990, tr. 8.
[3] Trích theo V.S. Barakhov – Nghệ thuật chân dung văn học. Gorrki về Lênin, L.N. tolstoi, A.P. Chekhov. M., 1976, tr. 52.
[4] N. Tumarkin – Lênin vẫn sống! Sự sùng bái Lênin ở nước Nga xô-viết//S.L. Sukharev dịch từ tiếng Anh. SPb., 1997, tr. 102, 152-154.
[5] Đáp lại vụ mưu sát đồng chí Lênin// “Sự thật”, 1918, ngày 4.9.
[6] Trường ca này của V. Maijiakovski đã được Y. Shatin phân tích từ góc độ diễn ngôn truyện thánh trong bài: Y. Shatin – Mĩ học diễn ngôn truyện thánh trong trường ca Vladimir Ilich Lênin của V.V. Maijiakovski// tạp chí “Diễn ngôn”, 1996, № 2. tr. 24-30.
[7] V.V. Maijiakovski.- Tác phẩm toàn tập. Bộ 13 tập, T.6, M., 1957, tr. 256.
[8] Тlđd.tr.300.
[9] Тlđd. tr. 309
[10] M. Gorki – Tuyển tập. Bộ 30 tập. T.17. M., 1952, tr. 25.