THẾ GỚI PHI LÝ TRONG TIỂU THUYẾT ĐÔ THỊ MIỀN NAM 1954-1975
Đã một thời gian dài, nói đến văn học đô thị miền Nam giai đoạn này, nhiều người nghĩ ngay đến những “đặc trưng cơ bản” của nó là văn học nô dịch phản động, văn học đồi truỵ khiêu dâm và xếp nó vào loại văn học thực hiện âm mưu nô dịch của kẻ thù.Tuy vậy, các nhà nghiên cứu vẫn khẳng định bên cạnh những tác phẩm “văn học thực dân mới”, văn học đô thị miền Nam còn có các tác phẩm văn học yêu nước tiến bộ, và chỉ văn học yêu nước tiến bộ được đánh giá cao. Như vậy, văn học đô thị miền Nam gần như bị gạt khỏi văn học dân tộc và đã có những giai đoạn gần như bị lãng quên trong khi các bộ phận khác của văn học dân tộc được quan tâm nghiên cứu hết sức tỉ mỉ và sâu sắc.
Đô thị miền Nam giai đoạn này có sự du nhập của nhiều nền văn hoá, chủ yếu nhất là văn hoá phương Tây và văn hoá Mỹ. Nhiều trường phái triết học, mỹ học, lý luận phê bình văn học... nhiều tác phẩm văn học nước ngoài được giới thiệu đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống văn học nói chung và sáng tác văn học nói riêng.
Ảnh hưởng sâu đậm và rõ rệt nhất là tư tưởng triết học hiện sinh. Đây là trường phái triết học nhân bản phi duy lý xuất hiện đầu thế kỷ XIX, người sáng lập là Kierkeaard ở Đan Mạch, được tiếp tục phát triển bởi Nietzsche (Đức)... Sang đầu thế kỷ XX, triết học hiện sinh trở thành trào lưu tư tưởng phát triển rộng khắp châu Âu. Là trào lưu triết học khá phức tạp ở nội dung lý thuyết cũng như những biến thể của chúng, nhưng đều thống nhất ở chỗ dành mọi ưu tiên cho việc nghiên cứu con người. Các nhà triết học hiện sinh cho rằng việc nghiên cứu con người trong những trào lưu triết học trước đây chưa đi vào thực chất của vấn đề con người. Chủ nghĩa hiện sinh đưa ra cách tiếp cận mới: coi sự hiện sinh cá nhân là nội dung cơ bản trong triết học. Hiện sinh là sự cảm thụ chủ quan, sự thể nghiệm tâm lý có tính chất phi lý tính của cá nhân con người.
Sáng tác văn học đô thị miền Nam giai đoạn 1954 - 1975 khá đa dạng về thể loại và có sự phát triển tương đối đồng đều. Thơ ca nở rộ, tiểu thuyết được mùa, truyện ngắn và kịch phát triển mạnh... Tuy nhiên, trên mặt bằng chung ấy, tiểu thuyết và thơ vẫn là hai thể loại trội hơn cả, nhất là tiểu thuyết. Có thể nói, trong văn học miền Nam, chưa bao giờ tiểu thuyết lại "lên ngôi" đến vậy. Trong khoảng thời gian từ 1954 đến 1975, số tiểu thuyết được xuất bản ở đô thị miền Nam đến hàng nghìn cuốn với nhiều khuynh hướng khác nhau. Tùy từng giai đoạn mà khuynh hướng này hay khuynh hướng kia đóng vai trò chính yếu. Có lúc, tiểu thuyết trinh thám, gián điệp làm mưa làm gió trên thị trường sách vở. Có khi, truyện tình cảm lâm ly, sướt mướt xuất hiện nhiều và bán rất chạy. Lại có năm, tiểu thuyết khiêu dâm, khai thác khía cạnh dục tính của con người tràn lan trong các hiệu sách... Thế nhưng, dần dần những loại tiểu thuyết trinh thám, khiêu dâm, gián điệp, tình cảm dễ dãi... ấy không còn đất sống. Chúng bị lên án, bị tẩy chay nhiều. Được thừa nhận có giá trị nhất là khuynh hướng tiểu thuyết viết về thân phận con người. Gặt hái được nhiều thành tựu nhất trong giai đoạn 1966 - 1975. Đây cũng là quãng thời gian khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh. Thân phận, tính mạng con người trở nên vô cùng mong manh trước bom đạn. Tâm lý của họ hoặc hoang mang, sợ hãi, hoặc chán nản, bất cần. Trong nơm nớp lo âu và chất chồng đau khổ đó, triết học hiện sinh - triết học về thân phận con người du nhập vào và nhanh chóng được ưa chuộng. Tiểu thuyết đã cất lên tiếng nói thấm thía về thân phận con người trong chiến tranh. Đó là thân phận cô độc trong một thế giới phi lý. Sự cô độc như một thứ định mệnh mà con người dẫu có cố gắng vẫy vùng đến đâu cũng không thể thoát ra. Thế giới phi lý nhiều đảo lộn ấy đã tàn nhẫn tước của con người mọi thứ, chỉ còn lại nỗi đau thương, trống vắng. Con người, dẫu có nỗ lực phản kháng lại, cải hóa định mệnh thì cũng chỉ là sự cải hóa, phá phách trong tuyệt vọng. Nhân vật của tiểu thuyết luôn là những con người ngơ ngác, đáng thương giữa cuộc đời đổi thay chóng mặt. Họ bị chối bỏ, bị hất ra lề cuộc sống. Họ bị dập vùi khốn khổ trong biết bao thảm kịch. Và cuối cùng, cái chết đến với những con người ấy như một điều tất yếu. Cái nhìn buồn nản và đau khổ về cuộc sống trong tiểu thuyết giai đoạn này mang màu sắc hiện sinh rõ rệt.
Hình ảnh thế giới phi lý thù nghịch với con người được tô rất đậm trong các sáng tác văn học phi lý, hiện sinh phương Tây, điển hình là tác phẩm của hai tác giả F. Kafka và A.Camus. Trong tác phẩm của Kafka, con người phải sống giữa một thế giới đầy rẫy biến dạng, méo mó, và đến lượt mình, nó cũng biến dạng, méo mó theo. Dẫu nỗ lực đến đâu đi chăng nữa, con người cũng không thể nào cắt nghĩa hay biến cải được sự phi lý ấy. Đến Camus, vẫn là thế giới phi lý, xa lạ bao quanh cuộc sống con người. Để chống đối lại cái phi lý ấy, nhân vật của Camus không phản kháng mà thuận theo nó, sống dửng dưng, lạnh lùng, tự mình không giữ bất cứ sợi dây ràng buộc nào với cuộc sống, tự mình góp thêm vào cái “gia tài phi lý” khổng lồ của cuộc đời.
Trong đời sống văn học đô thị miền Nam 1954 – 1975, tác phẩm của A.Camus được giới thiệu nhiều. A.Camus là một trong những nhà văn phương Tây hiện đại được yêu thích nhất giai đoạn này. Tư tưởng của triết học hiện sinh, văn học hiện sinh về cuộc đời phi lý đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiểu thuyết đô thị miền Nam 1954 – 1975. Con người trong tiểu thuyết đô thị miền Nam 1954 – 1975 mang thân phận thật đáng thương giữa một thế giới phi lý đầy thù nghịch.
2. Thế giới xa lạ
Không tìm thấy trong tiểu thuyết đô thị miền Nam 1945 – 1975 mẫu nhân vật có cuộc sống gia đình êm ấm, đủ đầy. Không có sợi dây tình cảm gắn kết con người lại với nhau, khiến cho mỗi cá nhân đều bơ vơ giữa cuộc đời. Những nhân vật đủ mọi lứa tuổi, từ trẻ tới già; đủ mọi thành phần trong xã hội đều lạc lõng ngay dưới mái nhà mình.
Trong hàng loạt tiểu thuyết của Duyên Anh – một cây bút được mệnh danh là “viết cho giới trẻ”, những nhân vật trẻ tuổi trước khi bị đẩy ra hè phố, trước khi phải lê la gầm cầu, xó chợ hay trở thành du đãng khét tiếng đều đã trải qua tuổi thơ đau khổ và bị bỏ rơi. Đó là Trần Đại (Điệu ru nước mắt), một tay anh chị mà bất cứ tên du đãng nào trong giới giang hồ nghe tên cũng phải khiếp sợ. Trước khi trở thành du đãng, Trần Đại cũng có một gia đình giàu có với cha mẹ và hai cô em gái. Trần Đại sống một tuổi thơ nhung lụa mà lạc lõng trong cái gia đình bố mẹ chỉ mê mải làm giàu và chạy theo lạc thú của mình. Cho đến ngày kia, hắn phát hiện ra bí mật động trời: cha mê mải bạc bài, mang tiền bao bồ nhí, từng sử dụng mẹ làm nấc thang để tiến thân. Mẹ có bồ trẻ hơn hàng chục tuổi… Trần Đại uất ức, chán chường, bỏ học, đi rình mẹ, gây lộn với tên bồ trẻ của bà. Sau khi mẹ tự vẫn vì đau khổ và xấu hổ, hắn gây sự với cha rồi bỏ nhà ra đi. Không riêng Trần Đại, hầu hết các nhân vật của “Điệu ru nước mắt” đều chịu sự ghẻ lạnh của gia đình. Tường Vi – người yêu Trần Đại là một cô gái đẹp, ngoan hiền, con ông chủ quán cà phê, từng bị bố ruột và mẹ kế ép duyên đến mức phải tìm cái chết. Sống giữa gia đình mà cô như sống trong địa ngục trần gian. James Dean Hùng, đàn em Trần Đại cũng có một gia đình giàu có, được bố mẹ đặt nhiều kỳ vọng. Nhưng rồi sau những lần thi trượt liên tiếp, gia đình trở nên hờ hững với cậu. “Cha nó tỏ ý thất vọng. Mẹ nó mỉa mai nó. James Dean Hùng cảm thấy, nó khó vượt qua được cái kiến thức của mẹ nó, lại còn bị mắng mỏ cái tội lười biếng, dốt nát (…) James Dean Hùng cảm thấy mất mát quá nhiều tình cảm. Cha nó tự nhiên rất ít lời với nó. Mẹ nó cũng không mắng mỏ nó nữa. Chị nó, em nó xa lạ nó” (128). Chính sự xa lạ ngay giữa những kẻ ruột thịt này đã đẩy James Dean Hùng đến bước giang hồ. Hàng loạt các tác phẩm tiểu thuyết khác của Duyên Anh như “Luật hè phố”, “Thằng Vũ”, “Ảo vọng tuổi trẻ”, “Ngựa chứng sân trường”… đều có những nhân vật mang kí ức tuổi thơ buồn giữa bầu không khí lạnh lẽo của gia đình. Những đứa bé ấy bơ vơ ngay khi sống cạnh người thân. Thế giới xa lạ ngay từ khi chúng bắt đầu có những nhận thức đầu tiên về cuộc đời.
Ngay cả những nhân vật người lớn cũng mang những hồi ức đau buồn về tuổi thơ bất hạnh. Họ đa phần đều lớn lên trong những gia đình không hoàn thiện, thiếu vắng tình yêu. Tuổi thơ của họ luôn chứa đựng những tủi buồn, cô độc, bơ vơ. Con bé Phấn trong tiểu thuyết “Cho mượn cuộc đời” của Thanh Nam tận khi dấn sâu vào con đường làm điếm, vẫn không thể quên ký ức kinh hoàng về tuổi thơ phải sống bên người mẹ giang hồ. Mang trong mình nỗi hận cuộc đời đen bạc, nên mỗi lần bực tức, mụ ta thường đánh con để trút những hận thù: “Mỗi lần con Phấn phạm tội gì, má nó không cần hỏi han đầu đuôi và cũng không cần nghe lời phân giải của nó, cứ cái chổi lông gà mà quất liên hồi xuống người nó bất kể mặt mũi chân tay. Nếu Phấn biết điều, đứng yên chịu đòn thì trận đánh còn sớm chấm dứt chứ nếu nó mở miệng kêu khóc thì còn nguy cho nó hơn nữa. Má Tư sẽ trói Phấn lại và tiếp tục trận đòn cho tới chừng nào má mệt, không thể nào đánh được nữa” (3). Thiếu cha, người mẹ lại trở thành “hung thần”, đối xử với con mình như kẻ thù khiến Phấn sống hoàn toàn theo bản năng. Cô bé không có khái niệm gì về yêu thương, về tình mẫu tử, để rồi cuộc đời cứ thế dần dần, tự nhiên bị nhấn xuống bùn đen. Trong tiểu thuyết “Con đường” của Nguyễn Đình Toàn, nhân vật chính là một cô gái (tác giả không đặt tên cho cô) cũng lớn lên trong sự bất hạnh. Cha chết sớm, mẹ bỏ đi lấy chồng, cô gái phải về ở với ông nội. Dưới mái nhà của ông nội là cả một đại gia đình đông đúc với những người cô, người cháu, người thím, những anh em họ hàng gần. Thế nhưng, tất cả đều nhìn cô gái bất hạnh đó bằng cặp mắt ghẻ lạnh. Gia đình chỉ là một thế giới tàn nhẫn và hèn mọn, hoặc giết dần giết mòn con người, hoặc đẩy con người ra ngoài xã hội – một thế giới tàn nhẫn hèn mọn khác. Khi cô gái đến thăm mẹ, tưởng đâu sẽ gặp được tình mẫu tử thiêng liêng, nào ngờ lại vấp phải sự nhạt nhẽo ở ngay chính người mẹ của mình. Không có gì lạ khi trên đường trở về, cô đã trao thân cho một sĩ quan xa lạ, bởi anh ta là người duy nhất biết chăm sóc cô khi cô bị cảm bất ngờ. Cuộc tình chóng vánh đến phi lý ấy thể hiện sự bơ vơ của cô gái trong cuộc đời chỉ toàn những hững hờ. Chỉ có một người duy nhất trong đại gia đình ấy không nhìn cô bằng cặp mắt lạnh lùng, dửng dưng là ông nội. Nhưng ông nội đã quá già nua, bị lũ con cháu cho là lẩm cẩm, là đồ bỏ đi. Cô bé Kim trong tiểu thuyết “Cô hippy lạc loài” của Nhã Ca cũng mang thân phận đáng thương và cuộc đời bi thảm. Mẹ mất sớm, Kim sống với cha, mẹ kế và hai đứa em cùng cha khác mẹ. Gia đình thực sự là địa ngục với Kim mà hung thần chính là bà mẹ kế. Chứng kiến cảnh vợ kế đánh đập con gái riêng tàn nhẫn, nhưng cha Kim vẫn thờ ơ. Cuối cùng cô gái mười bốn tuổi phải trốn nhà ra đi, dẫu chưa biết đi đâu, về đâu…
Bên cạnh những nhân vật sống giữa người ruột thịt mà xa lạ như sống giữa những người dưng, trong tiểu thuyết đô thị miền Nam còn phổ biến những nhân vật không được sống dưới mái ấm gia đình, những nhân vật mồ côi từ nhỏ. Tiểu thuyết “Chuyện bé Phượng” của Trần Nhật Tiến viết về cuộc sống của những đứa trẻ trong viện mồ côi. Bị chối bỏ từ khi mới sinh ra, những đứa trẻ ấy coi viện mồ côi là gia đình chung của mình. Nhưng trong cái gia đình chung đó, những mảnh đời bé bỏng, tội nghiệp luôn ngập trong nước mắt. Cuộc sống của bé Phượng, của những người bạn bè khác như bé Alice, bé Cúc… là cuộc sống trong u uất kéo dài. Những bà soeur lạnh lùng, nghiêm khắc, những đứa bạn xung quanh lắm khi tai quái và gian xảo... đã biến cuộc sống của các em thành chuỗi ngày buồn thảm, nặng nề. Buồn thảm, nặng nề đến nỗi khi bé Alice bị xe cán chết vì bé chạy băng qua đường lớn trong tâm trạng buồn rầu, thì cái chết của Alice trong mắt bé Phượng như một sự giải thoát. Alice chết có nghĩa là cô bé đã may mắn thoát khỏi cuộc sống tẻ nhạt, khổ đau đằng đẵng trong bốn bức tường cô nhi viện. Bao nhiêu khuôn mặt trẻ thơ hiện lên trong tiểu thuyết của Nhật Tiến là bấy nhiêu những cảnh đời hẩm hiu, bất hạnh. Nếu những đứa trẻ trong tiểu thuyết của Duyên Anh, trước khi bị đẩy ra lề đường làm du đãng đều có một gia đình giàu có, dư thừa tiền bạc nhưng thiếu thốn tình yêu, thì những đứa trẻ trong tiểu thuyết của Nhật Tiến không có lấy một mái ấm gia đình. Chúng lớn lên trong viện mồ côi, lớn lên trong sự ban phát, bố thí về vật chất, còn tình yêu thương thực sự chỉ có trong ao ước.
Thế giới phi lý không chỉ đóng khung trong gia đình mà còn mở rộng ra môi trường học đường, quê hương, xã hội. Các thầy cô giáo, những người đáng lẽ là tấm gương cho học trò lại hiện lên với đầy sự đồi bại, nhỏ nhen. Ngôi trường Cao Tiểu trong tiểu thuyết “Thú hoang” của Nguyễn Thị Thụy Vũ có biết bao chuyện phi lý diễn ra; các thầy cô yêu đương, ghen tuông, hành hạ, trả thù nhau... Những mối tình khuất tất bị học trò phát giác rất nhiều. Dường như không còn tồn tại đạo lý trong môi trường học đường nữa. Giữa lời dạy của thầy cô với sự thật cuộc đời, sự thật về nhân cách của họ có một khoảng cách ghê gớm. Điều ấy khiến lũ học trò mất niềm tin, chán ngán và tuyệt vọng.
Trong tiểu thuyết “Ngựa chứng sân trường” của Duyên Anh, thầy là giáo sư Trần Minh Định, vừa tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm đi dạy được hai năm còn nguyên lòng yêu nghề và nhiệt tình tuổi trẻ. Trò là những nam sinh trung học ngổ ngáo, bất cần. Đi dạy, giáo sư Định thấm thía những điều quái gở của cuộc đời. Lẽ ra, môi trường giáo dục phải là nơi cho con người trau dồi nhân cách thì anh gặp ở đó toàn sự đồi bại, toàn những nhố nhăng. Khi được cử làm chánh chủ khảo kì thi vào đệ thất, Định bị hiệu trưởng ép phải làm ngơ cho ba chục thí sinh học dốt trúng tuyển. Bởi không đồng ý, nên Định bị hiệu trưởng thù, vận động các quan chức trên Bộ Giáo dục đuổi đi nơi khác. Quá chán chường, Định không chống lại lệnh ấy mà còn chọn một trường xa nhất ở miền Tây, một ngôi trường vốn nổi tiếng vì có nhiều học trò hư đốn nhất. Anh tình nguyện đến đó với ý nghĩ ngạo nghễ: xem mọi việc ra sao. Cuộc sống vốn đã quá phi lý rồi, con người không thể chống lại những điều phi lý nên cứ thuận theo nó xem sao. Hành động và ý nghĩ của Định có phần giống nhân vật Meur Sault trong tiểu thuyết “Kẻ xa lạ” của A. Camus. Nhận thấy cuộc đời vô nghĩa lý, Meur Sault cũng mang thái độ sống thản nhiên, dửng dưng thuận theo những phi lý ấy. Có điều, nếu từ đầu đến cuối, đến cả khi đứng trước máy chém để đón nhận cái chết, Meur Sault đều hoàn toàn dửng dưng như một “kẻ xa lạ” với chính cuộc sống của mình thì giáo sư Định, sau những phút giây thuận theo sự phi lý của cuộc đời bởi đã quá chán chường, mỏi mệt lại không ngừng nỗ lực cải tạo cuộc đời, “tuyên chiến” với những điều phi lý ấy.
Ở một không gian rộng lớn hơn, sự xa lạ bao trùm lên cả quê hương, xã hội. Tiểu thuyết đô thị miền Nam 19545 – 1975 có nhiều mẫu nhân vật vừa “không gia đình” vừa “thiếu quê hương”. Vì một lý do bất khả kháng nào đấy, con người trôi dạt khỏi nơi chôn nhau cắt rốn. Chốn quê người, dẫu có sống cả cuộc đời, cũng vẫn là xa lạ. Những nhân vật luôn bị đặt trong những cuộc hành trình triền miên. Họ đi tìm lý tưởng sống, tìm lối thoát cho cuộc đời, đi để thực hiện khát vọng cá nhân. Nhưng rốt cuộc, những chuyến đi ấy chỉ mang lại cảm giác trôi dạt, cô độc. Mẫu nhân vật ly hương có mặt trong hầu khắp tiểu thuyết đô thị miền Nam 1954 – 1975, xuyên suốt từ chặng đầu tiên cho tới chặng cuối cùng. Trong tiểu thuyết “Đò dọc” của Bình Nguyên Lộc, gia đình ông Nam Thành gồm hai vợ chồng và bốn cô con gái đã suýt soát lỡ thì từ Sài Gòn phải trôi dạt về Biên Hòa, lập Thái Huyên trang sinh sống. Tại nơi ở mới này, bốn cô con gái không ngớt muộn phiền. Họ nhớ Sài Gòn, ước ao được sống ở Sài Gòn, vì tại nơi thân thuộc và đông đúc ấy, họ mới có cơ may kiếm được tấm chồng. Sài Gòn không đơn thuần là nơi ở cũ mà còn là môi trường sống lý tưởng, là kỷ niệm cuộc đời của họ. Hai ông bà già Nam Thành tuy không bộc lộ nỗi buồn ra mặt như bốn cô con gái nhưng cũng mang cảm giác xa lạ khi chuyển về Thái Huyên trang. Dường như cuộc sống ở đây chỉ là tạm bợ. Ngần ấy con người sống nơi thôn dã nhưng tâm tư cứ ngóng về phía Sài Gòn. Tiểu thuyết “Siu cô nương” của Mặc Đỗ kể lại sinh hoạt của một nhóm trí thức trong những ngày “kẻ ở người đi” khi Hiệp định Geneve được ký kết, đất nước chia làm hai miền Nam – Bắc. Cốt truyện lan man với rất nhiều nhân vật, nhưng tựu trung lại các nhân vật ấy nếu không di cư thì cũng bơ vơ đi lại trên cái sân khấu cuộc đời rộng lớn, chẳng biết mình phải làm gì. Những cuộc đi lại, phiêu lưu của họ chỉ mang lại cảm giác lẻ loi vì bị hất ra khỏi cuộc đời. Mộ vào Sài Gòn, sang Pháp, rồi trở về Hà Nội để làm những gì không ai hay. Hiểu chạy ngược chạy xuôi, cuối cùng mắc bệnh lao và thất tình, phải trốn về một làng quê hẻo lánh để chết cho đỡ phiền bè bạn. Loan hết về vùng Việt Minh lại tìm cách ra Hà Nội để gặp Thái – người cô yêu, nhưng Thái đã có vợ con, cô đành đứng ngoài cuộc sống của anh, dù yêu anh tha thiết. Siu cô nương – nhân vật chính của chuyện, một chiêu đãi viên của sàn nhảy có nguồn gốc mẹ Việt, cha Tàu, vì tình duyên ép uổng phải bỏ nhà ra đi. Và cuộc đời cô sau khi bứt ra khỏi gia đình cũng vô phương hướng. Siu cô nương lấy một đại úy Pháp trong quân đội viễn chinh, nhưng lại yêu Mộ... Cuối tác phẩm là ba nhân vật Mộ, Lũy, Phái trên con đường di cư vào Nam. Con người cứ liên miên trong những cuộc hành trình như thế, không gia đình, không cả quê hương. Họ loay hoay, không biết phải làm gì. Những cuộc hành trình liên miên là những cuộc chạy theo ảo ảnh nhà văn tạo ra mẫu nhân vật trôi dạt đáng thương giữa cuộc đời rộng lớn và xa lạ. Trong thế giới xa lạ ấy, con người không định đoạt được số phận của mình.
Ám ảnh về sự xa lạ của thế giới xung quanh, nhân vật trong tiểu thuyết của Túy Hồng và Nhã Ca (hai nhà văn nữ gốc Huế sinh sống tại Sài Gòn) luôn mang tâm trạng nhớ thương day dứt quê xưa. Nhân vật của Túy Hồng thường là người Huế, do chiến tranh, loạn ly phải rời bỏ quê hương, xứ sở. Và ở một nơi xa lạ nào đó, họ mãi mãi không thể quên nổi những kỷ niệm thân thuộc, những phong tục, tập quán quê mình. Tiểu thuyết “Tôi nhìn tôi trên vách” có những trang đầy xa xót về nỗi nhớ quê ngậm ngùi. Khanh vốn là gái Huế, do loạn ly nên cả gia đình vào Sài Gòn sinh sống. Cô cưới Nghiễm, một anh chàng gốc Bắc. Sau khi cưới, họ ở chung với gia đình Khanh. Cả nhà Khanh nhớ Huế và yêu Huế nên luôn xảy ra “khẩu chiến” giữa “gái Huế” (Khanh cùng các em gái) và “trai Bắc” (chồng Khanh). Giữa đất khách quê người, những cô gái Huế ấy luôn cố níu giữ chút thân thuộc của quê hương trong ngôn ngữ, trong từng món ăn, tà áo... để đỡ cảm thấy bơ vơ. Tiểu thuyết “Một mai khi hòa bình” của Nhã Ca là chuyện xoay quanh một gia đình ông già quê ở Hà Nội. Chiến tranh, ông bà di cư vào Nam mang theo bầy cháu nội là Mai, Đoàn, Phấn và một cô con gái út tên Thoa. Ở Sài Gòn, cả gia đình, đặc biệt là hai ông bà già luôn khắc khoải hướng ra Bắc, chờ ngày hòa bình để được về quê. Ngần ấy con người sống giữa Sài Gòn xa lạ trong tâm trạng thấp thỏm vô cùng. Trong mọi câu chuyện, quê hương xứ Bắc luôn được nhắc đến với niềm mong đợi ngậm ngùi. Với bà nội Mai, dẫu đã sống bao năm tại Sài Gòn thì Sài Gòn vẫn là nơi lạ lẫm. Chốn đô thành ấy không phải là đất sống của bà. Trong so sánh, Sài Gòn thua xa quê nhà ngoài Bắc. Bà nói với lũ cháu nội về Sài Gòn: “Khiếp, cái xứ không có một mảnh đất mà đứng, chả bù ở ngoài, ao nhà mình to to là” (17). Ông nội Mai chỉ ngày đêm ao ước được về quê. Công việc yêu thích nhất của ông là ngồi đếm những toa tàu qua lại trước nhà, mơ đến ngày được lên tàu ra Bắc: “Tao ngồi tao đếm mãi, từ Tết đến giờ có đến mấy trăm toa tầu đi qua đây. Khi hòa bình có nối lại tất cả những toa ấy, cũng chưa đủ cho chở người về Bắc (...). Nó mà yên cho mình về Bắc thì có lèn tao vào cái toa chở súc vật ấy tao cũng chịu nữa” (20). Con người bị bứt lìa khỏi quê hương, bản quán trở nên đáng thương vô cùng. Họ sống ngác ngơ giữa một thế giới lạ lẫm. Trong tiểu thuyết “Quê nhà yêu dấu” của Nhật Tiến, những người nông dân yêu quê hương như máu thịt mà vẫn phải buộc lòng bỏ quê ra đi vì bom đạn chiến tranh đang cày xé nơi chôn nhau cắt rốn thân thuộc của họ. Ra khỏi quê hương, họ như những cái cây bị bứng lìa khỏi đất. Đêm đêm, những con người ấy chỉ còn biết trèo lên một ngọn đồi cao, nhìn về làng cũ qua ánh sáng hỏa châu. Hàng trăm con người cứ đứng lặng đi như hàng trăm cây cột gỗ vô tri trồng tua tủa trên nền đất khô cằn, hướng về phía quê hương đang cháy đỏ. Khác với mẫu nhân vật dửng dưng, thản nhiên giữa cuộc sống phi lý của A.Camus, nhân vật của tiểu thuyết đô thị miền Nam 1954 – 1975 lại luôn tha thiết với cuộc đời, với gia đình, quê hương, xứ sở. Nhưng họ luôn bị dứt khỏi gia đình, quê quán, bị ném vào nơi xa lạ. Phi lý hơn nữa là có những khi con người dẫu yêu quê hương vẫn buộc lòng phải rời bỏ quê hương bởi những gì thân thương nhất lại ngoảnh mặt với con người.
Bên cạnh những con người bị bứt khỏi quê hương vì chiến tranh, loạn lạc – nghĩa là vì nguyên nhân khách quan, không cưỡng nổi, còn có những con người phải trốn chạy khỏi quê hương. Liễu trong tiểu thuyết “Thú hoang” của Nguyễn Thị Thụy Vũ buộc phải tìm mọi cách để thoát khỏi quê hương, dẫu cho bước đường đời trước mặt là vô định. Tỉnh lẻ Vĩnh Long, nơi Liễu sinh sống, tưởng êm đềm mà tù túng, chật hẹp và ngột ngạt. Nơi ấy con người sống với nhau đầy thành kiến và ác độc. Chán chường cuộc sống đơn điệu, mỏi mòn và tù hãm, với biết bao bi kịch của mọi người xung quanh, Liễu quyết định rời quê lên Sài Gòn lập nghiệp. Trong tiểu thuyết “Giấc ngủ chập chờn” của Nhật Tiến, lão Đối là hình ảnh điển hình của con người dân quê yêu mến mảnh đất quê hương xứ sở đến chết không rời, mà phi lý thay, cuối cùng lão cũng cảm thấy xa lạ với quê. Vì cái ấp Vĩnh Hựu của lão đã trở thành bãi chiến trường, và những con người vốn yêu thương, gắn bó với nhau lại trở nên hận thù nhau…
Trong tiểu thuyết đô thị miền Nam 1954 – 1975, thế giới xung quanh con người, dù là môi trường gần gũi yêu thân nhất bao giờ cũng xa lạ và thù nghịch đối với cuộc sống của họ. Hình ảnh thế giới xa lạ xuất hiện nhiều trong tác phẩm của các nhà văn hiện sinh lớn như F.Kafka, A. Camus… Nó thể hiện sự cô độc, khổ đau của thân phận con người - một nội dung lớn của triết học hiện sinh. Chính sự xa lạ của thế giới đã đẩy con người vào những bi kịch triền miên. Và nó cũng là tiền đề cho hành động phản kháng, sự nổi loạn chống lại những điều phi lý ấy của con người.
3. Sự biến động phi lý của cuộc đời
Triết học hiện sinh cho rằng bao quanh cuộc sống con người là hư vô, phi lý. Ngay sự có mặt của con người trong cuộc sống này đã là phi lý, bởi mỗi cá nhân không thể lựa chọn, quyết định sự ra đời của mình. Tại sao người ta lại sinh ra ở trong thời điểm này chứ không phải thời điểm khác? Tại sao lại sinh ra ở đây, ở chỗ này chứ không phải chỗ khác? Sự xuất hiện của mỗi cá nhân giữa cuộc đời là ngẫu nhiên: ngẫu nhiên sinh ra, ngẫu nhiên chết đi. Lý trí không thể lý giải, cắt nghĩa được vận mệnh. Cuộc sống luôn chồng chất khổ đau. Mounier gọi đó là “sự đày ải của cuộc sống”. Trong văn học hiện sinh, tư tưởng về sự phi lý và vô nghĩa của cuộc sống cũng hiện lên thật rõ. Con người không những mang thân phận bé nhỏ giữa thế giới xa lạ mà còn luôn phải đối mặt với những biến động hãi hùng. Những biến cố cuộc đời có thể bất thần xuất hiện bất cứ lúc nào, như căn bệnh “dịch hạch” đột ngột tràn vào thành phố, làm đảo lộn hết thảy cuộc sống của nhân dân. Đến khi người ta đã quen đối phó với nó thì bất ngờ nó lại biến mất như chưa từng có mặt trên đời. Bởi vậy, trước cuộc sống, con người luôn bị động, luôn là nạn nhân đáng thương.
Tiểu thuyết của Nguyễn Thị Hoàng thường viết về tuổi trẻ, về tình yêu. Những nhân vật trẻ tuổi ấy yêu hết mình, nhiều lúc tưởng như nắm bắt được hạnh phúc, nhưng thoắt cái, tất cả lại tuột khỏi tầm tay, biến mất, vỡ vụn. Con người dấn thân vào cuộc đời là dấn thân “vào nơi gió cát”. Cô gái – nhân vật chính trong tiểu thuyết “Vào nơi gió cát” cay đắng tổng kết về cuộc đời mình: “Trời sinh ra tôi để yêu và tuyệt vọng. Để gặp gỡ và chia lìa. Để trao đi và bị người hắt hủi” (123). Ying – cô gái Hàn Quốc trong tiểu thuyết “Bóng tối cuối cùng” mang một phận đời đẫm nước mắt với những biến động hãi hùng, sau mỗi biến động là một lần Ying bị vùi sâu dưới vực thẳm cuộc đời. Mồ côi cha mẹ từ thủa nhỏ, cô bé Ying xinh đẹp sống với anh trai và chị gái. Rồi một ngày, Ying khám phá ra một sự thật rằng anh Yang thực chất chỉ là con nuôi của bố mẹ mình. Họ không có bất cứ quan hệ huyết thống nào. Ying yêu Yang bằng tất cả tình cảm mãnh liệt và thanh khiết của một cô bé mới lớn, nhưng Yang lại cần một – người – đàn – bà – thực – thụ, một người đàn bà đã trưởng thành, vì anh là người đàn ông đã trưởng thành. Người đàn bà anh chọn là Song – chị gái Ying, chứ không phải cô bé Ying ngây thơ, bé bỏng. Sấm sét nổ ra trên mái nhà của họ. Ying đau khổ đến tê dại vì chứng kiến cảnh Yang thuộc về Song. Song ghen tuông điên dại vì biết Ying cũng yêu Yang. Trong một cơn ghen mù quáng, Song trói em gái lại, đốt nhà. Ying thoát chết nhưng vĩnh viễn mù lòa. Cô bỏ lên thành phố kiếm sống bằng nghề đấm bóp trong khách sạn, với trái tim đau đớn mỗi khi nhớ về chuyện cũ. Rồi Ying gặp Thịnh, một nhà văn Việt Nam sang Hàn Quốc trong chuyến đi công tác dài ngày. Cô đã tìm được sự đồng cảm, sẻ chia ấm áp nơi Thịnh. Nhưng tình yêu vừa nhen đã lụi. Thịnh về nước. Chị Song chết trong bệnh viện. Yang hiểu lầm Ying. Ying bị hiếp dâm trong khách sạn... Cuộc đời cô vĩnh viễn chìm trong bóng tối – bóng tối của sự mù lòa và bóng tối của những bi kịch.
Cuộc đời trong tiểu thuyết của Nguyễn Thị Hoàng luôn là “bóng tối”. Trong bóng tối ấy, con người gắng sức quờ quạng tìm lối ra, nhưng chỉ là sự quờ quạng vô ích và tuyệt vọng. Những nhân vật của Nguyễn Thị Hoàng gặp nhau, yêu nhau rồi phải chia lìa, mất nhau, thù hận nhau. Tiểu thuyết “Ngày qua bóng tối” tái hiện hành trình đi tìm người yêu đơn độc và hãi hùng của một cô gái. Cô không tìm được người yêu, không tìm được hạnh phúc. Mỗi lần tưởng như số phận mỉm cười lại là một lần thất vọng đắng cay. Đi tìm người yêu, đến được địa chỉ cần tìm, tưởng gặp được chàng thì chàng đã đi từ hôm trước. Cố công tìm đến nơi chàng cắm trại, chàng lại ra đi trước đó một hôm, chỉ còn lại trại trống và những đống tro tàn. Cô gái ngậm ngùi nhận ra cuộc đời chỉ còn dành lại cho mình ngần ấy thôi, chỉ có tro tàn và con đường dằng dặc mà trống không trước mắt: “Tôi quỳ xuống bên đống tro tàn và tự nhủ thôi chàng đã đi thật rồi và tôi còn lại có chừng này để ngậm ngùi tiếp tục con đường trống không trước mặt. Bằng một cành thông khô, tôi khều trong đám tro còn thoi thóp hơi ấm. Tôi cầm thật âu yếm và nâng niu báu vật như một di tích thần thánh đó trong tay” (105). Tình yêu và hạnh phúc trong tiểu thuyết Nguyễn Thị Hoàng chỉ lóe lên như một tia chớp bất ngờ, để rồi suốt quãng đời tăm tối còn lại đó, con người cứ mãi kiếm tìm trong vô vọng. Không một lần ánh sáng huy hoàng đó còn quay trở lại. Con người vừa ở “sườn đồi xanh thắm” thoắt đã rơi xuống vực sâu “đầy nước mắt”. Màu sắc hiện sinh luôn ngập tràn trong tiểu thuyết của Nguyễn Thị Hoàng, từ thân phận bọt bèo của mỗi nhân vật trước sự biến động khôn lường của cuộc đời cho đến cách nhìn và triết lý buồn thảm về cuộc sống. Mỗi nhân vật của Nguyễn Thị Hoàng, trước bi kịch đều thấm thía sự phi lý của cuộc đời và ngậm ngùi, đau xót cho bản thân.
Với Nhã Ca, nhân vật phụ nữ bao giờ cũng gánh chịu nhiều nhất những bất hạnh từ sự biến động của cuộc đời. Cô Kim trong tiểu thuyết “Cô Hippy lạc loài” bị xô ra vỉa hè khi mới mười bốn tuổi bởi người mẹ kế độc ác. Từ một cô bé hiền lành, nhút nhát, Kim nhanh chóng biến thành thủ lĩnh của băng Hippy, sống lì lợm, ngổ ngáo, bất cần. Nhưng thời “hoàng kim” làm thủ lĩnh của băng bụi đời, không kéo dài bao lâu. Ma túy biến Kim thành kẻ mất trí. Con người cũ đã chết hẳn. Kim không nhận ra được mình: “Khi soi mặt nhìn trong gương, Kim lùi người lại. Con Kim đó? Con Kim đâu rồi chứ? Mới con Kim bỏ nhà ra đi ngồi ở dãy hành lang, rồi con Kim sọ dừa, rồi con Kim nữ chúa, con Kim chủ tiệm nhảy, quên, con Kim ca sĩ nữa chớ. Nó đi đâu mà nhanh vậy? Trong gương kia là ai vậy?” (297, 298). Cuối cùng, chỉ còn lại Kim “Hippy lạc loài” ngẩn ngơ, lang thang trên các đường phố Sài Gòn, xin tiền dân ăn chơi, sống mà như đã chết. Không chỉ một mình Kim, quanh cô còn biết bao thân phận thê thảm khác. Thê thảm nhất là những người phụ nữ. Đó là Dân, cô gái cầm đầu băng nhóm giang hồ, đàn chị của Kim, từng yêu, bị phụ bạc, có thai, sinh con ngoài giá thú rồi cho luôn. Trong cuộc sống giang hồ, mỗi khi say, nhớ đến đứa con bị chối bỏ, Dân luôn khóc nức nở. Rồi Dân mất việc ở ban nhạc, không còn ở vị trí cầm đầu băng nhóm nữa, sống tàn tạ, lắt lay. Đó là Linh, kém Kim một tuổi, cũng là đàn em dưới trướng Dân như Kim. Linh yêu, bị phụ tình, sinh con một mình trong bệnh viện rồi chết một mình. Thân phận người phụ nữ đáng thương đến nỗi Dân ngậm ngùi nói với Kim về đứa con gái mới sinh đã mồ côi mẹ của Linh: "Con gái mày ạ. Con gái mới khổ chớ nó đẻ con trai tao dúi nó vào Viện Mồ Côi tao còn hả dạ nữa. Con gái mới khốn nạn chớ" (302). Đó còn là Ánh (“Lăn về phía mặt trời”) yêu tha thiết Khiêm thì Khiêm chết trận, đến khi yêu Đăng lại vấp phải sự ngang trái: Thảo, bạn thân của cô cũng yêu Đăng. Ánh đành nuốt nước mắt trốn chạy tình yêu, về lại Sài Gòn. Đăng ốm, Ánh đi thăm Đăng, xe bị trúng mìn. Đăng chết, không chờ được Ánh lên, còn Ánh chết trong bệnh viện khi cùng lúc nghe tin Đăng chết và tin anh trai mình tử trận. Đó còn là chị Tiên trong “Đoàn nữ binh mùa thu” yêu phải anh chàng đã có vợ, bị đánh ghen ầm ĩ, suýt chết vì băng huyết khi phá thai chui... Không còn đường sống, Tiên đi làm gái bán bar rồi chết vì phá thai lần nữa...
Cuộc sống cứ xoay vần, biến động không ngừng. Qua bi kịch của mỗi con người, mỗi gia đình cụ thể là bóng dáng của cả xã hội đô thị Sài Gòn thời ấy: đảo điên, đổi trắng thay đen. Con người bé nhỏ, mỏng manh giữa thác lũ cuộc đời. Tuy vậy, bên cạnh những ảnh hưởng đậm nét của triết học hiện sinh, văn học hiện sinh về tư tưởng cuộc đời phi lý còn có ảnh hưởng rõ rệt của tư tưởng Phật giáo, coi cuộc đời là bể khổ, trầm luân; thế giới xoay vần, biến chuyển, sắc sắc, không không; có đấy mà như ảo ảnh, phù du; hiện hữu đấy mà rồi tan biến đấy. Con người luôn phải ngụp lặn trong nước mắt. Cái nhìn về cuộc sống hư vô, phi lý, khổ đau là điểm gặp gỡ giữa Phật giáo và triết học hiện sinh.
4. Sự ám ảnh của cái chết
Những cái - chết – đỉnh - cao – bi - kịch xuất hiện nhiều trong các tác phẩm tiểu thuyết giai đoạn 1960 – 1965, khi các tác giả có ý thức chuyển hướng ngòi bút của mình, dần dần đoạn tuyệt với tiểu thuyết tâm lý tình cảm để hướng đến những vấn đề về thân phận con người. Tiểu thuyết của Nhật Tiến giai đoạn này thiên về những cảnh đời hẩm hiu, những kẻ bất hạnh. Cái chết xuất hiện nhiều trong tác phẩm của ông là biểu tượng của bi kịch cuộc đời. Cái chết là sự dập vùi cuối cùng, tàn nhẫn nhất của cuộc đời đối với con người. Các nhân vật của Nhật Tiến, trước khi chết bao giờ cũng đã nếm trải đủ mọi đắng cay, đau khổ. Người mẹ bé Phượng (Chim hót trong lồng) phải dứt ruột gửi đứa con không giá thú của mình vào viện mồ côi để bán thân nuôi miệng. Tuy người mẹ chỉ xuất hiện gián tiếp qua những dòng nhật ký, những lời tâm sự đẫm nước mắt trong lá thư không gửi, nhưng vẫn hiện lên thân phận tội nghiệp, khổ đau của bà. Người mẹ khổ sở ấy chết bởi một tai nạn xe hơi. Trong tiểu thuyết “Thềm hoang”, rất nhiều nhân vật bị đẩy đến cái chết sau khi hứng chịu đủ mọi bi kịch cuộc đời, cái chết nào cũng tột cùng đau đớn. Cô Huệ phải sống kiếp nhục nhã, ê chề, sống trong đói nghèo lay lắt rồi chết sau khi sinh non một đứa con lai vô thừa nhận. U Tám suốt một đời cơ cực, vừa phải chịu đựng nỗi bần hàn, khốn khổ của cuộc sống, vừa phải chịu đựng những trận đòn man rợ của người chồng “rổ rá cạp lại”, chỉ biết đánh bạc và đánh vợ. Đến khi không chịu đựng được thêm thì treo cổ lên xà nhà chết: “Ngoan nom thấy u Tám thắt cổ lên xà nhà. U chết từ đêm nên mình mẩy u đã sưng vù lên và tím ngăn ngắt. Mọi người đổ xô vào. Không ai còn nhận ra được u Tám nữa. Mặt u trương to lên, cặp mắt trợn ngược, cái lưỡi nám đen lại và thè dài thõng xuống cằm. Mái tóc của u cứng khô rũ rã rượi xuống ngang lưng”(163). Những nhân vật còn lại, tuy chưa chết nhưng cũng đang bị đẩy về phía cái chết được báo trước. Bà mẹ Năm Trà điên loạn vì con trai đi lính biệt tích, con dâu bỏ nhà ra đi, các cháu phải vào trại mồ côi. Đến khi Năm Trà về, bà không còn nhận ra con trai mình nữa. Năm Trà cũng điên loạn trước thảm cảnh bất ngờ của gia đình nên nổi lửa đốt trụi xóm Cỏ. Bác Tốn mất cây đàn kiếm cơm, chỉ biết thẫn thờ ngồi ôm thằng con lai mồ côi của cô Huệ… Bao nhiêu con người đói khổ nheo nhóc đã trắng tay bởi ngọn lửa đốt nhà đầy hận thù cuộc đời của Năm Trà: “Căn nhà cuối cùng đang bị kéo xuống gây nên tiếng đổ gẫy răng rắc và sau cùng sập xuống nghe đánh rầm như trời long đất lở. Mọi người ùa ra. Một luồng gió thổi mạnh làm làn than bay vung lên, có những đốm lửa cháy đỏ quay cuồng trong không khí. Toàn xóm Cỏ bây giờ chỉ còn là một khung cảnh hoang tàn đang ngùn ngụt cháy. Khói cuộn lên che kín cả một vùng mây. Cả một khoảng trời đỏ rực lên và đầy khói nóng ” (186).
Cùng nói về nỗi đau khổ của những con người thấp cổ, bé họng, những con người bị bạc đãi trong xã hội, số phận anh Cu Nẫm trong tiểu thuyết “Bát cơm bát máu” của Mặc Thu cũng bi thảm không kém, và những chuỗi ngày bi thảm chỉ chấm dứt bởi cái chết. Anh Cu Nẫm nghèo túng, dốt nát nhưng tốt tính, cần cù, nhẫn nại phải đi ở để nuôi thân. Anh yêu cô Mơ thì cô Mơ bị giáo Tâm phỉnh gạt đến mang thai rồi bỏ trốn. Anh lấy Mơ thì giáo Tâm lại quay về, ba hoa hô hào dân làng đi cướp kho thóc Nhật. Cu Nẫm đang loay hoay lo chuẩn bị hưởng ứng lời hô hào đó thì giáo Tâm lẻn vào buồng Mơ. Cướp được thúng thóc từ kho Nhật, Cu Nẫm bị trúng đạn, chạy được một quãng thì gục chết. Tiểu thuyết “Đêm trăng mùa hạ” của Lưu Nghi rất nhiều cái chết, cái chết nào cũng đánh dấu bi kịch thảm thương của con người. Lệ Thủy yêu Hoàng say đắm, nhưng Hoàng lại là gã đàn ông phóng túng, đểu giả. Thất vọng, cô nhảy lầu tự tử. Mẹ Lệ Thủy đau khổ hóa điên rồi chết. Thiên Nga trong tiểu thuyết cùng tên của Minh Đức Hoài Trinh dường như sinh ra là để nhận về mình hết mọi bất hạnh của cuộc đời: bị cha mẹ bỏ rơi, bị ép duyên, bị đoạn tình và rồi trong tột cùng đau khổ khi cuộc tình tan vỡ, nàng đã bị một chiếc xe hơi nhà binh cán chết giữa đêm khuya. Tác giả Ngô Thế Vinh trong tiểu thuyết “Gió mùa”, khi đề cập đến thân phận đau khổ của người nông dân giữa bối cảnh đất nước có chiến tranh cũng nói nhiều về những cái chết. Giữa bao chết chóc tang thương, con người vật vờ trong sợ hãi: “Cả làng vắng vẻ. Ai cũng lo âu về những chờ đợi bất trắc phía trước mặt. Không có lấy bóng dáng của một người đàn ông... Thấp thoáng trên đường xóm những vành khăn sô trắng, che rủ trên mỗi khuôn mặt cam chịu và thảm buồn” (tr18). Kết thúc tác phẩm cũng là cái chết hãi hùng của cụ Siêu và cảnh hỗn chiến điên loạn, tuyệt vọng giữa lính tráng, sĩ quan và thường dân. Những cái chết tô đậm thêm thảm cảnh của cuộc sống con người.
Nếu giai đoạn 1954 – 1965, tiểu thuyết đô thị miền Nam miêu tả nhiều cái chết thì giai đoạn từ 1960 đến 1975, tiểu thuyết suy ngẫm nhiều về cái chết. Việc miêu tả cái chết không có gì mới mẻ, vẫn nằm trong “quỹ đạo chung” của tiểu thuyết tiền chiến, điển hình là tiểu thuyết hiện thực phê phán. Những cái chết được miêu tả trong thảm cảnh ấy chỉ thể hiện số phận bi thảm của con người. Đến khi các nhà văn suy ngẫm về cái chết, thì cái chết đã mang màu sắc triết học hiện sinh, thể hiện những cảm nhận mới mẻ. Cái chết không đơn thuần là bi kịch cao nhất của con người mà là một phần trong “gia tài phi lý” của cuộc đời. Đối diện với cái chết, con người hiểu hơn về cuộc sống, và vì thế, cũng hoang mang, tuyệt vọng hơn. Giai đoạn 1954 - 1965, trong tiểu thuyết đô thị miền Nam, cái chết chỉ đến với những con người khốn cùng, bị bầm dập qua bao thảm cảnh – nó là những cái chết sinh học, thì ở giai đoạn sau này, cái chết xuất hiện nhiều hơn – là những cái chết được nhìn nhận, suy ngẫm dưới góc độ triết học. Nó có thể đến với bất kỳ ai, vào bất cứ thời điểm nào, kể cả khi con người không ngờ nhất. Những cái chết vì thế cũng muôn hình vạn trạng. Có cái chết vì đạn bom. Có cái chết vì tai nạn. Có cái chết vì bị giết. Có cái chết vì bệnh tật. Có cái chết vì tự vẫn…
Và điều đáng nói hơn cả, cái chết nào cũng hết sức phi lý. Bản thân cái chết theo quy luật sinh, lão, bệnh, tử nghiệt ngã của cuộc đời đã là phi lý, những con người trong tiểu thuyết đô thị miền Nam không chết vì quy luật ấy lại càng phi lý hơn. Những người chết, oái oăm thay, toàn những người trẻ tuổi, đang dạt dào khát vọng sống; đang yêu và được yêu. Cuộc đời đang trải trước mắt họ, đường đời còn rất dài với biết bao dự định, kế hoạch quan trọng và tốt đẹp. Nhưng cái chết bất thần ập xuống, phá tan tất cả, biến những nỗ lực, khát vọng sống của con người thành vô nghĩa. Hầu hết là những cái chết bởi chiến tranh, do con người tự giết mình và giết nhau. Đó là điều phi lý nhất. Chiến tranh hiện lên trong tiểu thuyết đô thị miền Nam 1954 -1975 là những ám ảnh hãi hùng. Trong tiểu thuyết “Một mai khi hòa bình”, ấn tượng ghê rợn về những cái chết do bom đạn cứ trở đi trở lại: “Lúc này, giả dụ linh hồn em Hải có thực, đang đứng lẩn quất ở đâu đây... Không, nếu giả dụ không có, thì trong căn phòng nhà bé này cũng đã quy tụ biết bao oan hồn kẻ Nam người Bắc (...). Cuộc chiến tranh này đã vùi lấp bao tuổi trẻ” (173). “Em biết không, ngoài mặt trận chết như rạ. Nếu phải cúng cầu siêu cho các oan hồn, chắc không còn đủ đất mà đặt bàn thờ. Chỗ nào cũng có người chết” (205). “Đâu phải chỉ có một chiến sĩ chết để mà có một ngày chiến sĩ trận vong, một ngày kinh đô thất thủ. Còn biết bao những mẹ già, những bào thai, những con trẻ chưa kịp nuôi lớn đã chết” (222). Cái chết tràn lan, phổ biến đến nỗi người thân chỉ cần biết người thân còn sống cũng đã là niềm hạnh phúc lớn lao: “Cháu chả tính quái gì cả, chỉ mong hòa bình rồi, báo tin được cho thầy mẹ cháu ngoài ấy biết cháu còn sống là mừng rồi (...) Đó, anh Lý lại lặp lại cái nguyện ước mà lần đầu tiên, khi tâm sự với Mai anh đã nói ra. Câu trả lời giản dị của anh Lý, tuy đã nghe qua một lần những Mai vẫn không khỏi lặng người. Phải rồi, phải làm sao để mọi người thân yêu có thể báo được cho nhau biết là mình còn sống. Làm sao để ông bà nội biết em Hải còn sống, để thầy mẹ ngoài ấy biết Mai với anh Đoàn còn sống” (59). Trong tiểu thuyết “Bầy phượng vĩ khác thường”, cái chết cũng là ám ảnh nặng nề. Lũ học trò trong lớp học của Thạch Trúc đi đến nghĩa trang viếng bố một người bạn chết trận đã bàng hoàng đứng lặng giữa hàng dãy quan tài, hàng dãy xác chết vừa mang từ mặt trận về. Trong mỗi trang sách đều thấy thấp thoáng bóng dáng đáng sợ của tử thần. Cả lớp học hóa điên loạn trước những cái chết được báo trước nằm trong tờ cáo thị đôn quân. Những ngẫm ngợi, cảm nhận về sự phi lý, hãi hùng của cái chết khiến con người thấm thía hơn nỗi hư vô, mong manh của kiếp người.
Các nhà văn đô thị miền Nam 1954 – 1975 lý giải sự biến động kinh hoàng của cuộc đời là do chiến tranh. Chiến tranh đã biến mọi thứ kể cả sinh mạng con người thành phi lý. Chiến tranh chia cắt đất nước, làm người thân lìa người thân. Lẽ ra con người được bên nhau lại phải xa nhau. Lẽ ra yêu thương nhau lại thù nhau. Lẽ ra gia đình toàn vẹn lại thành tan tác. Lẽ ra được sống yên vui lại sinh tử ly biệt...vv. Trong chiến tranh, trường học không còn là trường học nữa. Bóng đen hãi hùng của chết chóc, biệt ly ám ảnh hết thảy thầy và trò. Nỗi sợ hãi biến thành bất mãn, biến lũ học trò lẽ ra phải ngoan hiền, tử tế thành “ngựa chứng trong sân trường”, láo lếu và sống bất cần. Khi đối diện với cái chết, con người ta không còn nỗi sợ nào lớn hơn nữa. Lũ học trò lồng lộn phá phách như một cách phản ứng lại những phi lý của cuộc đời: “Lớp này trước hơn sáu chục mạng. Mỗi ngày một vơi đi, giờ chỉ còn ba chục. Bạn bè tôi lần lượt đi lính. Nhiều đứa đã chết. Tôi cóc muốn học. Tôi khoái nổi loạn, chờ ngày đăng lính” (36, 37); “Trò thì không nhìn rõ tương lai nên chán chường hiện tại, cái hiện tại tối mò, ánh sáng đủ chiếu trên con đường một chiếu dẫn vào quân trường. Đó chính là cái cớ để nổi loạn” (61 – Ngựa chứng trong sân trường – Duyên Anh). Qua mỗi số phận học trò, thấy được cả bóng dáng đau thương của xã hội đang quay cuồng trong chiến tranh. Những Diệp, Cát, Thạch Trúc, Thủy Đông... học cùng một lớp (Bầy phượng vĩ khác thường – Nhã Ca) đều có người thân chết trận. Những tiếng khóc và những vành khăn trắng xuất hiện trong lớp học ngày một nhiều. Ngay trong mỗi gia đình, chiến tranh cũng khiến những bình yên thường ngày không còn nữa. Ở tiểu thuyết “Đoàn nữ binh mùa thu” của Nhã Ca, chiến tranh chia gia đình Tánh làm mấy mảnh. Chiến tranh làm gia đình Mai (Một mai khi hòa bình- Nhã Ca) kẻ Nam người Bắc, đằng đẵng mấy chục năm trời không tin tức, không biết nhau sống chết thế nào, để rồi đến lúc, anh em ruột mà ở hai chiến tuyến; người nọ gục ngã dưới mũi súng của người kia... Chiến tranh cắt đứt bao hạnh phúc và mơ ước. Những cô gái trong tiểu thuyết của Nguyễn Thị Hoàng luôn mất người yêu bởi chiến tranh. Các chàng trai của họ hoặc phải ra trận, hoặc chết trận, hoặc mất tích trong chiến trận. Tiểu thuyết của Nguyên Vũ, Nhã Ca, Văn Quang, Thế Uyên...vv dày đặc những cái chết bởi đạn bom. Con người, nếu chưa chết gục thì cuộc sống cũng chỉ là “thềm địa ngục”, người đang sống chỉ là “một xác chết đội mồ sống dậy”. Chiến tranh đã đẻ ra một thứ nghề quái đản: nghề goá phụ. Những người phụ nữ không thể có được một người đàn ông cho riêng mình bởi vì chiến tranh đã giật mất khỏi tay họ. Nghề goá phụ trong lời kể của cô gái muộn chồng mới xa xót làm sao:
"Chị Tiên hơi chua chát:
- Hồi trước nghèo như vậy, đâu có ai lấy các chị. Tại hoàn cảnh hết. Đáng ra mấy chị phải đi nữ quân nhân, nữ trợ tá, hay cố để lấy đại một anh trung sĩ, binh nhì nào đó. Ít nhất cũng có một nghề là nghề goá phụ. Chị có con bạn làm nghề đó mau giàu ra phết đó em.
Tôi ngơ ngác:
- Goá phụ là một bất hạnh nhất, sao chị gọi là nghề?
- Nghề làm ra tiền chớ. Con bạn chị kể có đứa bằng tuổi chị mà năm lần ở goá rồi. Lần thứ nhất lấy chồng năm mười sáu tuổi, được hai đứa con thì chồng chết. Nó lĩnh tiền tử, ở với một gia đình người bạn trong trại gia binh. Rồi cứ từ trại gia binh này tới trại gia binh khác, chị lấy thêm mấy ông chồng nữa, lĩnh thêm mấy lần tiền tử nữa, sống cũng tạm đủ" (Đoàn nữ binh mùa thu, 213)
Càng về sau, bóng dáng chiến tranh càng đậm nét. Giai đoạn đầu (1954 – 1959) chưa thấy chiến tranh trở thành ám ảnh, tác động khốc liệt đến cuộc sống con người. Xã hội đô thị miền Nam lúc này vẫn tương đối ổn định. Đến giai đoạn sau, từ 1960 – 1965, bóng dáng chiến tranh rõ dần trong tiểu thuyết. Tuy nhiên, nó vẫn chỉ được nhìn ở tầm xa xa, khái quát. Đến giai đoạn 1965 – 1975, ám ảnh ghê rợn của chiến tranh đã thường trực. Những tác động trực tiếp của nó lên mỗi phận người được mô tả tỉ mỉ. Và tác động kinh khủng nhất vẫn là gây ra bao chết chóc. Tiểu thuyết “Đêm nghe tiếng đại bác” của Nhã Ca xuất bản năm 1966 thực sự là một tiếng “đại bác” trên văn đàn. Sự khủng khiếp của chiến tranh hiện diện trần trụi khiến con người bàng hoàng. Bao nhiêu tuổi trẻ ngã xuống. Bao nhiêu lứa đôi phải chia lìa. Bao nhiêu hạnh phúc bị cắt ngang. Niềm mong ước giản dị nhất của con người là có một bữa cơm đầm ấm với đủ mặt người thân vĩnh viễn không thành sự thật. Sau “Đêm nghe tiếng đại bác”, hàng loạt tiểu thuyết khác của Nhã Ca và các nhà văn khác đều xoáy sâu vào thân phận đáng thương của con người trong chiến tranh. Trong tiểu thuyết có bom đạn, có những cái chết, có sự đổ nát tan hoang, có nỗi sợ hãi và tuyệt vọng... Những tiểu thuyết của các nhà văn trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa như Nguyên Vũ, Y Uyên, Văn Quang... hé lộ thân phận, cảm xúc của những con người trực tiếp giáp mặt với bom đạn. Họ bị đẩy ra chiến trường, bị lôi vào quân ngũ, phải hàng ngày hàng giờ sống trong bắn giết, luôn nơm nớp lo âu hay hãi hùng hoảng loạn bởi ám ảnh của cái chết. Trong mỗi cuốn tiểu thuyết đô thi miền Nam giai đoạn 1965 - 1975 những cái chết xuất hiện dày đặc. Một điều tất yếu, khi triết học hiện sinh có chỗ đứng vững chắc và tầm ảnh hưởng lớn trong lòng xã hội đô thị miền Nam 1954 – 1975 cũng là lúc màu sắc hiện sinh đậm dần trong văn học. Điều đó lý giải vì sao tiểu thuyết đô thị miền Nam từ 1965 trở đi không những miêu tả mà còn suy ngẫm nhiều về cái chết, về nguyên nhân nỗi thống khổ của kiếp người. Giọng điệu triết lý vì thế cũng gia tăng. Trong văn học hiện thực phê phán giai đoạn trước đó, cái chết của những con người thấp cố bé họng, đáng thương trong xã hội cũng được các nhà văn tô đậm, nhưng với dụng ý phê phán, tố cáo giai cấp thống trị và xâm lược. Nhân vật trong văn học hiện thực phê phán không suy ngẫm, triết lý về cái chết nên những thảm cảnh cuộc sống không mang màu sắc hư vô, phi lý.
Thư mục tham khảo
3.Duyên Anh (1965), Điệu ru nước mắt (in lần thứ 5), Nxb Đời Mới.
4.Duyên Anh (1970), Gấu rừng, Nxb Tuổi Ngọc.
5.Thanh Nam (1964), Cho mượn cuộc đời, Nxb Tia Sáng xuất bản.
6.Nguyễn Đình Toàn (1967), Con đường, Nxb An Tiêm xuất bản.
7.Nhã Ca (1971), Cô Hippy lạc loài, Nxb Vàng Son xuất bản.
8.Nhật Tiến (1964), Chuyện bé Phượng, Nxb Ngày Nay.
9.Nguyễn Thị Thuỵ Vũ (1968), Thú hoang, Nxb Hồng Đức.
10.Duyên Anh (1971), Ngựa chứng trong sân trường, Nxb Tuổi Ngọc.
11.Nhã Ca (1969), Một mai khi hoà bình, Nxb Thương Yêu.
12.Nguyễn Thị Hoàng (1971), Bóng tối cuối cùng, Nxb Giao Điểm.
13.Nguyễn Thị Hoàng (1971), Ngày qua bóng tối, Nxb Giao Điểm.
14.Nhã Ca (1971), Cô Hippy lạc loài, Nxb Vàng Son.
15.Nhật Tiến (1971), Thềm hoang (giải văn chương toàn quốc- in lần thứ 4), Nxb Huyền Trân xuất bản.
16. Ngô Thế Vinh (1965), Gió mùa, Nxb Sông Mã.
17.Nhã Ca - Một mai khi hoà bình, Thương Yêu xuất bản, Sài Gòn, 1969
18.Nhã Ca - Đoàn nữ binh mùa thu, Thương Yêu xuất bản, Sài Gòn, 1969