Tìm kiếm:

Số truy cập: 4323667

 

Trang chủ Diễn đàn Giới thiệu Liên kết

  

CHÚC MỪNG NĂM MỚI

 

 

TIN VẮN

 Toạ đàm thơ Xuân Quỳnh vào hồi 18h00 ngày thứ 2, 28/02/2011 tại hội trường tầng 2, Trung tâm văn hóa Pháp L'espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội.

CÙNG SUY NGẪM

 Thuốc đắng mới mong chữa được bạo bệnh (Văn nghệ Trẻ)

 

 Rào cản, bất cập và… loay hoay!

 

Chỉ nể người dân Việt chúng ta: Xã hội cần phát triển thì gặp... rào cản. Cần rào cản lại... bất cập. Cần khẩn thiết thì... loay hoay. Vậy mà vẫn là một dân tộc có chỉ số lạc quan vào loại nhất nhì thế giới.

 

 "Đừng giết lễ hội bằng cách đổ tiền thiếu văn hóa"!

 Chủ tịch Nước: "Mất lòng tin là mất tất cả" 

 

THƯ VIỆN TÁC GIẢ

Khi người ta còn biết cô đơn , biết sợ cõi hư vô và biết chết , ngày ấy còn thi ca

 

PHONG ĐIỆP -SÁNG TÁC MỚI

"Phan quay cuồng đầu óc. Cô bắt đầy nhìn thấy đám tắc đường phía trước có mầu khê vàng và bốc mùi khét lẹt. Những chóp mũ bảo hiểm nghi ngút khói." (Thời gian tối đa, truyện ngắn của Phong Điệp)

TẠP VĂN

 

GỬI CON CÂU CHUYỆN MÙA ĐÔNG

 

 

 

 

ĐIỂM

BÁO

Văn nghệ,

Văn nghệ Trẻ

& một số

tạp chí

văn học...

 

 

VĂN HỌC THIẾU NHI

 

 

 

CHÂN

DUNG

NHÀ

VĂN

 

 

  ỦNG HỘ SÁCH CHO NÔNG THÔN BẰNG CLICK CHUỘT VÀO ĐÂY.
 

VIỆC TRẢ LỜI CÂU HỎI VÀO LINK TRÊN SẼ TĂNG NGUỒN SÁCH ỦNG HỘ CHO NÔNG THÔN TỪ NHÀ CUNG CẤP DỊCH VỤ INTERNET NÀY.

“Có những phút ngã lòng/ Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy” (Thơ Phùng Quán)
Home >> Tin tức - Sự kiện- Bình luận

THƠ VIỆT ĐƯƠNG ĐẠI, CÁC KHUYNH HƯỚNG SÁNG TÁC

 

 

THƠ  VIỆT ĐƯƠNG ĐẠI, CÁC KHUYNH HƯỚNG SÁNG TÁC

 

Inrasara  
 

      Thời  đại thay đổi, thơ thay đổi đã đành; khoa học kĩ thuật thay đổi, thơ cũng phải thay đổi. Các loại thơ như của Đặng Đình Hưng, Thanh Tâm Tuyền, hay gần hơn - Nguyễn Quang Thiều không thể tồn tại vào thời văn chương truyền khẩu. Các tiểu thuyết sử thi như Chiến tranh và Hòa bình hay Anh em nhà Karamazov sẽ mãi ì ạch, nếu chưa có cuộc cách mạng in ấn.

 

      Cuối thế kỉ XX, văn hóa mạng bùng nổ, kéo theo nó bao nhiêu cuộc thay đổi trên toàn thế giới. Văn học là một trong những. Ở đó, văn học Việt Nam không là ngoại lệ.

 

      Internet và bùng nổ thông tin, ngoại ngữ hết còn là  rào cản, thế hệ nhà thơ mới có cơ hội tiếp cận mọi trào lưu văn học ở bên ngoài mà họ biết rất mù mờ thuở ngồi ghế giảng đường. Không ít người trong số họ nhiều lần được nhìn tận mắt nhân loại phát triển như thế nào, ở bên kia đại dương. Vừa bước sang thế kỉ XXI, hàng loạt website văn chương tiếng Việt ra đời, cấp tập và liên tục. Chúng tạo không gian mênh mông cho các nhà thơ tự do thể nghiệm và thể hiện.

 

      Sau thời Hậu chiến (1976-1985), đất nước mở cửa, đại đa số nhà thơ Đổi mới (thơ của các nhà thơ thời kì đổi mới, 1986-2000) loay hoay tìm cách thoát ra lối viết cũ, và không thể nói họ không có thành tựu nhất định. Sang thời Hậu đổi mới (1996-2005), thơ Việt đã khác đi rất nhiều. Cái khác lớn - khác về hệ mĩ học - sẵn sàng cho cuộc cách mạng thơ.

 

      Mười năm ngoảnh lại, thơ Việt phát triển theo năm dòng chính. 

      - Thơ “cổ truyền”, là thơ hậu Thơ Mới cùng đủ loại biến thái với các cách tân nửa vời, sáng tác quẩn quanh trong hệ mĩ học cũ, cảm thức cũ… Ngoài các loại thơ theo thể thơ truyền thống như lục bát, tám chữ, bảy chữ, thơ mười hai chân… không khó nhận mặt, thuộc trường phái này còn có thơ “cách tân” lạc hậu các loại.

 

      Cách tân, hoặc mang đậm di chứng của thơ Miền Nam nối dài như đa số tác giả có mặt trong Thơ tự do (1999) và không ít nhà thơ cư trú tại nhiều vùng đất nước, hoặc loại thơ viết theo lối thơ Nhân văn - Giai phẩm rơi rớt lại cùng nhiều biến thái. Cạnh đó, không thể không kể đến dạng thơ "cách tân" theo dấu chân Nguyễn Quang Thiều vừa bước qua. 


 

      - Thơ tân hình thức (new formalism poetry), là phong trào thơ do Khế Iêm khai sinh ở Mĩ vào năm 2000 (chủ yếu đăng ở tạp chí Thơ, Hoa Kì), truyền bá sang Việt Nam, được các thi sĩ không chính lưu ở Sài Gòn tích cực hưởng ứng, tạo không khí thơ sôi động một thời.

 

      “Đặc tính của thơ hiện đại được bàn cãi nhiều nhất là tính khó hiểu tối nghĩa của nó” (Delmore Schwartz). Bất kì bài thơ nào, tập thơ nào của tác giả nào, cứ là khó hiểu với tối nghĩa. Vậy, thơ để làm gì? Khế Iêm ý hướng thiết lập lại quan hệ giữa thơ và người đọc, kéo người đọc trở lại với thơ: "Tân hình thức như một thời lãng mạn mới, một trật tự mới hay một nền ca dao mới trong một xã hội bình đẳng và dân chủ, lôi cuốn người đọc, làm phong phú đời sống và ngôn ngữ tự nhiên”. Tân hình thức "kết hợp với một số yếu tố và kĩ thuật của thơ tự do, phá vỡ những âm hưởng Tiền Chiến, chấm dứt nửa thế kỉ dậm chân tại chỗ của thơ Việt".

 

      Là  tham vọng chính đáng của mọi nhà thơ. Nên không lạ, khi Tân hình thức lôi cuốn non trăm người làm thơ đã và chưa thành danh nhập cuộc. Từ Đoàn Minh Hải, Nguyễn Đình Chính, Nguyễn Đạt, Lưu Hy Lạc sang Trần Tiến Dũng, Nguyễn Thị Khánh Minh, Đỗ Minh Tuấn, Đỗ Kh., Nguyễn Thị Ngọc Nhung cho đến Khúc Duy, Nguyễn Quán,…

 

      Vần, lặp lại với vắt dòng, yếu tố tính truyện và  ngôn ngữ đời thường, là các thủ pháp  đã lưu kho, nhà thơ tân hình thức tái chế  lại. Cho dù vần và lặp lại nguy cơ đưa thơ  vào sự quẩn quanh, nhàm chán; yếu tố tính truyện  đã xô rất nhiều bài thơ trở thành lan man và nhảm; ngôn ngữ đời thường khiến không ít người làm thơ lạm dụng ngôn từ dung tục từ đó tầm thường hóa thơ, tân hình thức vẫn hiến cho người đọc không ít bài thơ đặc sắc.

 

      Sau thời gian im ắng, một thế hệ tân hình thức mới xuất hiện: Bỉm, Biển Bắc, Giảng Anh Yên, Thiền Đăng, Nguyễn Tất Độ với tập thơ Bướm sáu cánh (2008), mang sinh khí khác cho tân hình thức. Tân hình thức Việt đang đổi khác. Để tồn tại, nó cần phải đổi khác. 


 

      - Thơ nữ quyền luận, khai mào từ khá sớm với Dư Thị Hoàn, Thảo Phương, Phạm Thị Ngọc Liên, Lê Khánh Mai... Nó vẫn còn khá mờ nhạt và bị lẫn với thơ hậu lãng mạn. Qua sáng tác của họ, người đọc ý thức hơn về sự có mặt của phái nữ, cùng với quyền được biểu lộ tình yêu [nhất là] qua thân xác của họ. Thế thôi. Phải đợi đến nhóm Ngựa Trời xuất hiện tại Sài Gòn bằng tập thơ Dự báo phi thời tiết (2006), vấn đề nữ quyền trong văn chương mới hiển lộ rõ hơn. Nhưng ngay cả vài nhà thơ ý thức nữ quyền mạnh, trong sáng tác, thỉnh thoảng họ cứ giẫm đạp lên dấu vết còn lưa lại của lãng mạn hậu thời. Em so với anh, liễu yếu đào tơ bên cạnh nam nhi phong độ… luôn luôn chịu thế lép; hay “nhà phê bình, anh [ông] phải”… là cách nghĩ truyền đời của chế độ nam quyền và phụ quyền độc đoán áp đặt lên ngôn ngữ, không ít nhà thơ nữ quyền luận Việt Nam vẫn xài. Vô tư! Đây là ngộ nhận rất tai hại – ngộ nhận về ngôn ngữ. Cả Đoàn Minh Châu, tác giả nữ được xem là mang yếu tố nữ quyền nhất trong các khuôn mặt mới, vẫn vậy. Dù trong hành động viết hay thái độ cho ra mắt tác phẩm, thi sĩ này đã rất khác. Khác, nhưng vẫn còn xa vời vợi với một Nguyễn Thị Hoàng Bắc hay Lê Thị Thấm Vân trước đó khá lâu. Văn chương nữ quyền với thế hệ trẻ hôm nay ghi nhận một bước thụt lùi lớn.

 

Nữ quyền luận không phải là làm thơ mang nội dung nữ quyền mà là: ý thức, phản kháng và giải trung tâm. Giải trung tâm ngay tại trung tâm ngôn ngữ sử dụng. Ý thức sáng rỡ và chấp nhận thân phận người nữ như là một đặc thù tâm sinh lí nhưng dũng mãnh phản kháng lại mọi bất công mang tính lịch sử và văn hóa dành cho nữ giới

 

      Nữ quyền luận hậu hiện đại đẩy tư tưởng này dấn thêm một bước quyết liệt hơn. Virginia Woolf: “Thật nguy hiểm cho nhà văn nào khi viết lại nghĩ về giới tính của mình”. Nghĩa là giải trung tâm toàn triệt. Khía cạnh nào đó, Phan Huyền Thư và Đinh Thị Như Thúy đã thể hiện được tinh thần nữ quyền luận hậu hiện đại này trong các sáng tác mới nhất của mình. Hay các nhà thơ nữ làm thơ khách quan: Khánh Phương và Phan Thị Vàng Anh, chẳng hạn. 


 

      - Thơ thị giác (visual poetry) trong đó thơ trình diễn (poetry performance) là một nhánh nổi bật. Năm 2001, tại quán cafe EraWine - TP Hồ Chí Minh, họa sĩ Như Huy là người khơi mào cho thơ trình diễn Việt Nam, bằng một màn trình diễn thơ trước… ít khán giả. Không vấn đề gì cả. Đó là phần số dành cho mọi thử nghiệm. Mãi năm 2005, Hà Nội mới biết đến loại hình nghệ thuật mới này qua chương trình Chiều buông đầy những tiếng thở dài của nhà thơ Dương Tường tại L’Espace (Trung tâm Văn hóa Pháp). Chỉ từ năm 2007, với sự hỗ trợ đắc lực của Hội đồng Anh, Trung tâm văn hóa Pháp, sau đó là Sân Thơ Trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam ở Văn Miếu vào năm 2008 và 2009, với sự góp mặt của Nguyễn Vĩnh Tiến, Dạ Thảo Phương, Vi Thùy Linh, Trương Quế Chi, Ly Hoàng Ly, Nguyệt Phạm, Phương Lan, Thanh Xuân... thơ trình diễn đã tiến những bước đáng kể.

 

      Sân Thơ Trẻ tại Văn miếu - Hà Nội, tháng 2-2010, bên cạnh thơ sắp đặt của Huỳnh Lê Nhật Tấn và Nhã Thuyên, Lê Anh Hoài làm được như thế qua tác phẩm Nhu cầu - với chiếc xe máy được viết, vẽ, dán, sơn, gắn cánh, được treo bằng xích trong chiếc lồng [sơn] vàng óng, được phủ vải đỏ trước khi mở ra cho khán giả xem... tạo được hiệu quả nghệ thuật khác lạ, thú vị.

 

      Nhưng tại sao thơ thị giác nói chung mãi ăn theo các trung tâm hay các dịp lễ hội? Tại quán cà phê, công trường, góc phố… nó hoàn toàn vắng bóng. Tại sao? 


 

      - Và cuối cùng, vào đầu thiên niên kỉ, từ sự chuyển động thơ ca qua những tìm tòi khai phá, với bao hi vọng lẫn hụt hẫng ấy, đột ngột nảy sinh một biến cố, biến cố mang trong mình khả tính cách mạng. Đó là trào lưu thơ hậu hiện đại. Đây chắc chắn là trào lưu khởi phát sớm nhất và được [người đọc cấp tiến] kì vọng hơn cả trong thời kì hậu đổi mới. Nó được khơi mào từ giữa thập niên cuối của thế kỉ XX và nở rộ cùng văn chương mạng tiếng Việt. Hậu hiện đại chủ động tồn tại bên lề sinh hoạt văn học dòng chính qua hình thức mạng internet và cả ở dạng in photocopy. Và chúng đã làm nên cuộc thay đổi lớn.

 

      Toàn cầu hóa, vách ngăn trong ngoài không còn, phương tiện  ấn hành mới mở ra không gian mênh mông cho nhà  thơ nhanh chóng đưa tác phẩm mình đến với người đọc khắp mọi nơi trên thế giới. Thế hệ nhà thơ hậu hiện đại xuất hiện làm cuộc giải trung tâm toàn triệt thơ Việt lâu nay gò mình trong vùng chật hẹp, bó buộc. Đặng Thân, Lê Anh Hoài, Tam Lệ hay Vũ Thành Sơn, Trần Wũ Khang, Như Huy, Lê Hải; Bùi Chát, Lý Đợi, Phan Bá Thọ, Lynh Bacardi hay Lê Vĩnh Tài, Jalau Anưk, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh… Bắc hay Nam, trong hay ngoài nước, nam hay nữ, dân tộc thiểu số/ dân tộc đa số, chính thống/ phi chính thống, tác phẩm in photocopy hay phát hành trên mạng, nhà thơ đã là hay chưa là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, sống ở trung tâm văn hóa lớn hay đang cư trú nơi các vùng sâu vùng xa hẻo lánh… tất tần tật. Tất cả cùng tự thức self consciousness trong chân trời của tự do sáng tạo trong thế giới toàn cầu hóa, ở đó mỗi cá nhân được thể hiện trọn vẹn mọi khả năng của mình.

 

      Nhà thơ hậu hiện đại Việt vận dụng mọi thủ pháp tiếp nhận từ đồng nghiệp trên thế giới để sáng tạo nhiều loại thơ chưa từng có mặt trong truyền thống thơ ca Việt Nam trước đó: Phỏng nhại, siêu hư cấu sử kí, thơ phụ âm, thơ graphic, thơ thực hiện, thơ cụ thể, thơ phân thân, thơ động tác, thơ tịnh tiến, vân vân. Không ít nhà thơ viết truyện rất ngắn mà cứ xếp nó vào mục thơ, có kẻ viết thơ như viết tiểu luận ngôn ngữ. Hậu hiện đại giải khu biệt hóa và phi tâm hóa ngay trong các thể loại.  


 

      Toàn cầu hóa, bao nhiêu trào lưu sáng tác tràn vào Việt Nam. Nhiều cách tiếp cận và thể hiện khác nhau, ở  mỗi nhóm văn chương, mỗi tác giả, mỗi thời đoạn. Năm dòng thơ khác nhau phát triển và cùng tồn tại trong mười lăm năm của một nền thơ, dù chưa phải là nhiều, nhưng chắc chắn không nhà phê bình nào có thể quán xuyến chúng. Nhà phê bình chỉ có thể đi sâu vào các sáng tác của một hệ mĩ học để làm phê bình, không thể khác. Chỉ như vậy, chúng ta mới tránh khỏi nỗi vội vã của khái quát, niềm hời hợt của nhận định lẫn sự bất công của thái độ đối với mọi nỗ lực sáng tạo của nhóm tác giả, tác giả hay tác phẩm văn chương.

 

      Chỉ  khi đó thôi, văn học Việt Nam mới có cơ hội vượt vũ môn để đi ra biển lớn.  

Sài Gòn, mồng ba Tết Tân Mão

 

Bài đã đăng Văn nghệ Trẻ

 

 

Gửi email trang này cho bạn bè Mở cửa sổ in bài viết này


Tin tức - Sự kiện- Bình luận
  •   THƠ VIỆT ĐƯƠNG ĐẠI, CÁC KHUYNH HƯỚNG SÁNG TÁC
  •   Tiểu thuyết lịch sử và người đầu tiên mở hướng cách tân
  •   Một sinh khí tươi trẻ đang “thổi” vào Hội Nhà văn TP.HCM
  •   Sân thơ Hiện đại 2011: Chuyện bây giờ mới kể
  •   Thư xin lỗi của nhà thơ Trần Mạnh Hảo
  •   Hiện tình sáng tác tiểu thuyết, nhìn qua một trường hợp
  •   Nhà văn Nguyễn Văn Thọ yêu cầu nhà thơ Trần Mạnh Hảo không được vu cáo bạn viết
  •   Đổi mới tư duy trong giáo dục và vị thế của giáo dục văn học
  •   Nhà văn viết cho ai?
  •   Thơ ca và nguy cơ một cuộc chiến tranh
  •  Xem tất cả các tin...

     
     

    Bản quyền 2006 (c) thuộc về PHONGDIEP.NET - Email: webmaster@phongdiep.net