tiểu thuyết
truyện ngắn
thơ
lý luận phê bình văn học
những bài báo
điện ảnh, âm nhạc và
hội họa
truyện dân gian Việt Nam
và Thế giới
tư liệu sáng tác
tìm kiếm
Khách thăm: 3075123
Những bài báo
03.01.2009
Nhiều tác giả
Tư liệu văn học: Rượu Làng Vân - Vân Hương Mỹ Tửu

Làng Vân: Từ "quốc lủi" đến thương hiệu nổi danh


Quang Anh


Cái tên làng Vân đã trở thành thương hiệu Làng Vân nổi danh thiên hạ, nơi có thứ rượu đặc biệt không chỉ dân ta ưa xài mà các ông Tây cũng rất khoái.


Làng Vân chính là thôn Yên Vân thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên - Bắc Giang. Một ngôi làng nhỏ vì thiếu gạo, thiếu việc làm nên phải hành nghề nấu rượu sắn để bán cho những ai say chất men nồng của loài ngũ cốc nhưng cùng với thời gian, cái tên làng Vân đã trở thành thương hiệu của một loại rượu nổi tiếng khắp nước: Rượu Làng Vân. Cái thứ nước trong văn vắt và đẹp như nắng hạ được đóng vào chai này chỉ cần lắc nhẹ là thấy sủi tăm: Hàng ngàn tăm rượu xoay tròn như một cột sáng rất lâu sau mới tắt. Những người sành uống chỉ cần nhìn tăm rượu đã biết rượu đạt bao nhiêu độ, uống vào có êm hay không.


Trước thời kỳ đổi mới, không ai dám nấu rượu công khai dù là nấu bằng sắn và có lý do rất hợp lý: Nấu rượu chỉ để lấy bỗng nuôi lợn chứ không phải lấy rượu để đầu độc con người. Cái từ quốc lủi có ý đối lập với quốc doanh, "quốc lủi" là không được phép làm mà ai cũng muốn làm còn quốc doanh là những việc được phép làm nhưng ít ai muốn làm vì hiệu quả kinh tế không cao. Nấu rượu lậu là bị phạt, vận chuyển rượu dù chỉ một vài chai cũng bị phạt nhưng khắp nơi vẫn có rượu quê để uống khi ngày rằm, mồng một hoặc những khi có đình, có đám. Ai cũng uống mà lại gọi là uống lủi (uống vụng, uống lậu, uống giấu uống diếm). Hoá ra, có rất nhiều điều cấm đoán lại rất thú vị, hấp dẫn cứ như người lớn trên khắp hành tinh này trả lời câu hỏi đơn giản của trẻ con: Tại sao mẹ lại sinh được em bé? - Con cò trắng mang em bé đến cho mẹ đấy.


Ai cũng biết người làng Vân nấu rượu bằng sắn, thứ nguyên liệu rẻ hơn gạo rất nhiều, nhưng tại sao các vùng quê khác không học được nghề biến sắn thành rượu? Bí quyết nằm ở khâu ủ men rượu và mỗi lò rượu có bí quyết riêng của mình. Người không quen uống rượu chắc chắn chỉ biết đây là rượu Làng Vân chứ không thể phân biệt được chai này thuộc lò nào. Sự khác biệt tinh tế chỉ là điểm: Độ êm, độ mát khi giọt rượu trôi từ vòm miệng xuống thấm ướt cổ họng. Danh tiếng của mỗi lò rượu được đánh giá chỉnh ở sự khác biệt rất nhỏ này. Anh Nguyễn Đức Hạnh, chủ một lò rượu của làng Vân cho biết cách giữ bí quyết nghề nầu rượu cũng không khác bất cứ một làng quê nào khác: "Khâu ủ men chỉ truyền cho con trai và con dâu chứ không bao giờ truyền cho con gái."


Bí truyền về men rượu làng Vân song hành cùng với tính cạnh tranh thị trường theo cách: Rượu có ngon mới có người mua. Nghĩa là người làng Vân lấy chất lượng làm đầu để phục vụ người uống. Cả làng cùng theo cách này nên lượng rượu của người làng Vân làm ra ngày càng nhiều, chất lượng thì cứ để cho người uống thẩm định. Cả làng có gần 800 hộ thì có đến 95% số hộ hành nghề nấu rượu và chất lượng của các lò rượu thì... một mười một chín. Từ năm 1975, người làng Vân bắt đầu nấu rượu với nguyên liệu sắn và bị coi là rượu quốc lủi. Hơn 10 năm trở lại đây, rượu làng Vân được nấu công khai và được người uống khen lúc họ tỉnh táo nhất. Dân làng Vân đã giàu có. Nhà tầng, sân gạch sạch sẽ phong quang. Đàn lợn được ăn bỗng rượu con nào con ấy căng lông đỏ da lớn nhanh như thổi. Đấy là nguồn cung cấp thịt lợn sạch nổi tiếng cho các vùng lân cận Bắc Ninh, Hải Dương. Cái tên làng Vân đã trở thành thương hiệu Làng Vân nổi danh thiên hạ, nơi có thứ rượu đặc biệt không chỉ dân ta ưa xài mà các ông Tây cũng rất khoái.


 


QA.


 


 


 


Hồn rượu làng Vân


Làng Vân nằm ngay bên sông Cầu. Những hàng tre chạy dọc ven sông phủ lên làng Vân một màu xanh mượt mà. Những vạt ruộng sát chân đê vào mùa khô hanh sau vụ gặt, là vùng thánh địa cho những trẻ chăn trâu nướng khoai, vùi sắn, thả diều, đánh khăng làm đủ mọi trò tinh nghịch của tuổi học trò, là nơi nghỉ chân bàn chuyện mùa màng, làm ăn của những người đàn bà tần tảo quanh nồi rượu, luống rau, là nơi hò hẹn của những trai gái rạo rực với mùa xuân.

Nhiều người đã qua sông Cầu, uống rượu làng Vân, nhưng ít ai biết rằng, rượu làng Vân phải nấu bằng nước sông Cầu mới có thể ngon. Thổ ngơi ở vùng sông nước hữu tình này, gạo nếp cái hoa vàng trồng ở những thửa ruộng đủ nước cho cây lúa từ lúc còn là rảnh mạ, đến khi ngậm đòng, những khối men rượu được nhào nặn bởi những bàn tay phụ nữ khéo léo thành từng bánh nhỏ đều đặn như hình đồng tiền xâu thành chuỗi và nhất là nước sông Cầu, đã làm nên chất rượu độc đáo của làng Vân, làm nên hồn rượu làng Vân. Đã có những người quê ở đây, đem toàn bộ quy trình, kinh nghiệm nấu rượu của làng Vân đến Phú Thọ, Nam Định, Bình Dương, Long Khánh, nhưng vì thiếu nước sông Cầu nên không sao tạo được cái chất rượu, hồn rượu của làng Vân, như nó được nấu ở đây, mặc dầu rằng, vẫn con người ấy, bàn tay ấy, gạo ấy, men ấy. Cái hồn ấy chính là mùi thơm thanh kiết, là hương vị đậm đà, là rượu trong suốt như pha lê. Rượu làng Vân uống vào thấy êm ru như đi vào giấc mộng, say không biết say. Mà say rượu làng Vân là say mơ màng, ngủ xong một giấc ngon lành, là thấy con người thêm sức mạnh, tinh thần sảng khoái, trời đất ung dung. Say rượu làng Vân là say la đà, như men say của quan họ, đằm thắm, thiết tha, tình tứ mà không lơi lả, buông tuồng, cái say của sự nền nã.

Làng vân và rượu làng Vân có tự bao giờ khó có câu trả lời chính xác, vì thần phả, tộc phả đã bị chiến tranh tiêu hủy cả. Một cán bộ có trình độ của làng này, căn cứ vào sự phát triển văn hóa giáo dục ở trong vùng, ước tính làng Vân có khoảng năm, sáu trăm năm lịch sử, bởi vì, đình Thổ Hà, cạnh làng Vân, được các nhà khoa học xác định từ thời Lê, làng Khúc Toại ở bên kia sông, có một ông tiến sĩ đỗ năm 1469, làm quan dưới thời vua Lê Thánh Tông, có văn bia ở Văn Miếu Quốc Tử Giám và được dân làng thờ riêng một gian ở chùa làng. Sự hình thành của các làng ấy tương tự làng Vân về mặt thời gian. Những làng quê vùng này gần gũi nhau lắm. Vào dịp mùa xuân, chưa ăn tết xong, các làng ở đây nô nức vào hội. Mùng ba hội làng Yên, mùng bốn hội làng Đọ, mùng năm hội làng Chọi, tiếp đến là hội Thổ Hà, làng Vân. Dịp này, những cô gái làng Vân đi bán rượu đậy nắp kín bằng nút lá chuối giữ được chất rượu, mỗi lúc mở ra, hương thơm ngào ngạt. Các làng vùng này quan hệ với nhau mang tính liên hoan. Làng gốm Thổ Hà làm đủ các loại hũ, chum, vại... phục vụ cho các khâu chứa đựng, vận chuyển, đong đếm, bán cho làng Vân. Làng Đại Lâm đi mua gạo ở nơi khác về bán cho làng Vân, từ đó hình thành nghề làm hàng xóm ở Đại Lâm. Dân ở các làng xóm ở Đại Lâm. Dân ở các làng là những người cất giữ rượu của làng Vân đi bán ở tứ phương.

Hơn một thế kỷ nay, rượu làng Vân nổi tiếng, đâu đâu cũng có người biết đến, từ vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ, lan truyền đến Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa vào đến cả miền Nam, ganh đua với rượu đế Gò Đen, Long An của đồng bằng sông Cửu Long. Nghe nói, những năm thời Pháp thuộc, rượu làng Vân đã được hảng rượu Phông - Ten của Pháp dùng làm rượu cốt để pha chế, độc tố gần như bằng không qua nhiều lần kiểm nghiệm bằng những thiết bị tinh vi, đã vài lần đoạt giải trong các kì đấu xảo, giống như hội trợ triển lãm hiện nay, tổ chức tại Hà Nội, Pa-ri và được tiêu thụ mạnh tại Pháp. Rượu làng Vân đã từng theo chân những công nhân hợp tác lao động, những sinh viên, thực tập sinh, những nghiên cứu sang Liên Xô vào những năm tám mươi của thế kỷ trước. Họ đổ rượu Vân vào chai "Lúa Mới" được mệnh danh là "Vót ca" Việt Nga, để nhượng lại cho các bạn Nga tại xứ sở đầy tuyết trắng trong mùa đông lạnh giá. Cách đây vài năm một nhóm chuyên gia người Nhật đến nghiên cứu rượu làng Vân ngay tại nơi sản sinh ra nó, phát hiện rượu sắn có độc tố cao, rượu gạo không có độc tố, đã mua hàng trăm lít mang về nước, ngoài việc để uống, không ai hiểu còn mục tiêu gì khác.

Thời bao cấp, tuy bị cấm, rượu làng Vân vẫn tồn tại phát triển khắp các làng xóm, đô thị đều uống rượu làng Vân, nhưng việc vận chuyển không thể công khai, nên có cái tên là rượu "quốc lủi".

Ngày nay, rượu làng Vân dường như chỉ còn là rượu sắn, rượu nấu từ sắn, giá rất rẻ. Rượu sắn xuất hiện thời bao cấp, hồi đó ga Bắc Ninh đầy sắn khô từ Lạng Sơn và các tỉnh trung du chuyển về, để rồi các xe công nông, xe thồ hối hả chở đến làng Vân.
Không hiểu vì lý do gì, hiện nay, nhiều người thích uống rượu sắn, mà quên đi loại rượu gạo nổi tiếng của làng Vân đã được nhà vua phong tặng "Vân Hương mỹ tửu" từ mấy trăm năm trước. Có phải thời kì kinh tế thị trường, một số người ưa thích sự bỗ bã, giản tiện, giống như trong tình yêu không có nhiều giây phút mộng, hồi hộp, thấp thỏm mong để "say với trăng và vơ vấn cùng mây"?
Thế nhưng, tại làng Vân hôm nay vẫn có một bà cụ vào năm Ngọ nay tám mươi tuổi, không bao giờ nấu rượu sắn, tuy cụ biết cách nấu rượu từ đủ loại nguyên liệu. Cụ chỉ nấu rượu gạo, gạo nếp cái hoa vàng. Phải chăng cụ không muốn để mất đi một loại rượu quý đã được xếp hạng từ ngày xưa. Đó là cụ Tom, gọi theo tên anh con trai cả là Nguyễn Trung Tom, sinh năm 1934. Cụ có bảy người con, Nguyễn Trung Tuấn là con trai thứ hai, quân hàm đại tá, đang công tác tại thành phố Hồ Chí Minh. Hai người con trai tiếp theo và hai cô con gái lấy chầu làng cùng người con trai út chuyên nghề nấu rượu, nhưng không ai có tay nghề như cụ.
Tôi đã có dịp gặp cụ nhiều lần ở khu tập thể của trường cấp III Hàn Thuyên, thị xã Bắc Ninh, nơi người con dâu thứ hai của cụ dạy học nhiều năm, trước khi chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh và gặp cụ ở cả làng Vần. Cụ người mảnh dẻ, khuôn mặt trái xoan hơi tóp lại vì năm thắng, đôi mắt mở to luôn ngước lên nhìn khách. Quanh năm ăn mặc nâu sồng, quần thâm, khăn vấn trùm đầu, dáng đi nhanh nhẹn, hơi có vẻ tất bật, gặp cụ, biết ngay đây là con người của công việc. Từ làng Vân, xuống thăm cháu nội mới sinh, cụ đem cho đủ thứ, chăm sóc con dâu tận tình nhưng cụ chỉ ở một chốc một nhát. Người con trai muốn cụ ở với cháu qua đêm, không chịu đèo cụ về theo dự định, cụ lẳng lặng rời khỏi khu tập thể, ra đường cái lớn, vẫy xe về nhà. Hũ rượu, nong cơm nếp, những sâu men treo lủng lẳng trong bếp, tưởng như vô tri, nhưng đối với cụ chúng hàm chứa bao kỉ niệm, cụ nhớ chúng, có lẽ sợ hỏng mẻ rượu, sợ nhỡ hẹn với bạn hàng.
Cụ Tom học nghề nấu rượu từ năm mới hơn mười tuổi mẹ dạy cho bà cách chọn gạo, nấu cơm rượu, làm men, bắc nồi canh lửa, thử rượu. Muốn biết rượu ngon hay không, ai nếm rượu là loại xoàng, nếm mỗi lần một chút là dễ lẫn lồn rượu thật rượu giả. Thử rượu cụ chỉ cần cầm chai lên lắc; lắc xoa tròn, xem tăm rượu ra sao, tụ tăm đến đau, tăm rượu xoáy thành hình chóp nhọn tư đáy đến cổ trai, như một hình tam giác ngược thì đấy là rượu ngon. Cụ đã học mẹ, ở họ hàng làng xóm những ký năng tinh vi, nhưng vì đức tính riêng có cần thiết của người nấu rượu và bằng sự tinh khôn, khéo léo của bản thân, cụ đã nắm được nhiều bí quyết nấu rượu, sau này khi cụ tịch đi, chắc không còn ai hơn cụ. Nhìn nồi cơm rượu dỡ ra nong, cụ đoán được nồng độ, rượu ngon đến mức nào. Nghề nấu rượu thật kỳ công. Đêm, chợt trời trở lạnh, cụ vội vàng trở dậy, ủ ấm thêm nóng cơm rượu. Một mẻ rượu ủ bao lâu, tùy trời đất nóng, lạnh mưa, bão, có thể du di đôi chút nhưng tuyệt đối cụ không vội vã, để rượu bị nhạt hoặc hoặc quá gắng, khé cổ. Khách ở xa dù có đến giục, đặt thêm tiền, hối cụ nấu mau cho đủ số lượng, khách vội xuống đò, cụ đều lắc đầu, tiếp tục công việc như không nghe thấy gì. Đức độ, lương tâm của người nấu rượu như cụ thuộc loại hiếm. Cả làng bây giờ chỉ còn mình cụ nấu rượu gạo. Có lẽ vì vậy, người ta nói rằng chính cụ là người giữ hồn của làng Vân. Cụ thường nói, giàu cũng giàu rồi, nghèo cũng nghèo rồi, cứ theo tổ nghiệp. Thời Tây đoan cấm, chẳng ai thèm sợ. Thời ta nhiều lúc khó khăn, tưởng phải bỏ nghề, nhưng rồi vẫn cứ qua thì này cứ nấu loại rượu này mãi. Nghề này không sợ ai chết đói.

Có người nói liệu làng Vân có giấu nghề không, cụ cho biết ngày xưa vẫn có lệ mùng bốn Tết, người chủ gia đình, mỗi nhà một người, ra Chùa Rộc uống máu ăn thề, không truyền nghề cho thiên hạ và cho con gái, nữ nhân ngoại tộc. Bây giờ khác rồi. Cách đây mười lăm năm một giáo sư chuẩn bị về hưu, đến xin thuyết, cụ bảo: "Tôi chịu, ông cứ ở đây dăm bữa nửa tháng, thấy tôi làm thể nào, làm theo thế khắc biết làm". Buổi đầu tiên, cụ gọi vào bếp cùng con trai cụ khiêng chiếc nồi ba mươi lăm câm cơm nếp, đổ ụp xuống nong, cơm róc hết không dính. Vị giáo sư hỏi "Thưa cụ, tại sao không có cháy ?" "Có cháy thì lỗ ông ạ!". "Mỗi lít rượu chỉ lãi vài trăm đồng thôi, việc gì cũng phải làm thật khéo". Riêng việc nấu cơm, ông giáo sư cũng thấy mình không đủ tài, bèn xin cáo biệt: "Thôi, con không thể nào học được nghề cụ". Riêng người vợ là dược sĩ cao cấp, quyết xin với cụ cho học nghề làm men. Cụ nhất trí, dạy rất chi tiết cách cầm chầu, rửa cối, lau cối, cách chọn các chất phụ gia, giã phải đều nhịp, ủ chấu phải lựa thời tiết, trời nóng ủ khắc ngày mưa dầm, phải treo lên gác bếp đủ ngày, đủ tháng… Được ba ngày, thấy câu chuyện phức tạp quá, bà dược sĩ cao cấp xin nghỉ, bỏ cả ý định sẽ sản xuất men theo lối công nghiệp.

Không giống nhiều gia đình khác ở Làng Vân, nấu rượu sắn để làm giàu, mua ti vi ăng ten parabôn, tủ lạnh, xây nhà cao tầng. Cụ Tom chỉ nấu rượu gạo. Ngôi nhà cụ vẫn đơn sơ như ba bốn chục năm trước đây. Cụ ăn uống thanh đạm, yêu thương con cháu, quý mến bà con họ hàng. Nấu rượu gạo đối với cụ là một cái nghiệp, phải chăng cụ muốn giữ lấy một loại rượu có cốt cách riêng của làng Vân, muốn giữ tổ nghiệp và đấy là một niềm vui thiêng liêng của cụ. Tám mươi lăm tuổi, nếu tuổi cụ là thiên lộc, thiên phúc trời cho thì cụ Tom xứng đáng được sống thêm vài giáp nữa để bàn dân thiên hạ được tiếp tục thưởng thức những tinh túy của rượu làng Vân.


 


 


 


Rượu làng Vân
Có một trạng thái tâm hồn mà một bộ phận nhân loại cố tránh không đụng đến, đấy là nỗi buồn. Người ta biết nó có nhưng tránh không nói đến vì ngại rằng nỗi buồn sẽ kéo theo nó những sức mạnh tác hại khác của tâm hồn mà người ta không kiểm soát nổi. Giống như trong khoa khảo cổ học ngày nay, có những mục tiêu mà người ta không dám đào bới, vì ngại rằng những phương pháp hiện có sẽ không đủ sức để bảo quản nhiều thứ cổ vật một khi khai quật lên. Thảng hoặc, người ta tin rằng có thể huy động để thay thế vào đó những sức mạnh có phẩm chất khác của tâm hồn, ví dụ như lý trí, khoa học... ấy là thời kỳ cổ điển của lịch sử tư tưởng nhân loại.

Đến một thời kỳ, người ta khước từ những biện pháp phòng ngự nói trên và cố gắng tấn công vào nỗi buồn. Đó chính là chủ nghĩa lãng mạn. Người ta coi nỗi buồn là một thứ thành lũy không phá nổi một đạo quân trùng điệp vây phủ tâm hồn; thậm chí người ta đem nỗi buồn ra làm cái bẫy để đánh đố nhau:


Ở nơi đâu người lữ hành thấy buồn đứt ruột ?
Hoàng hôn trên lầu
Hoàng hôn trên ngựa




Cuối cùng thì người ta cũng tìm ra vũ khí thích hợp để tấn công, ấy là rượu.

Dục phá sầu thành tu dụng tửu, dịch nghĩa là: Muốn phá thần sầu, nên dùng rượu

Còn con người thất bại Cao Bá Quát thì nghe nói đã đề trên bình rượu độc ẩm của ông một câu hỏi : Dữ nhỉ đồng tiêu vạn cổ sầu ? (nghĩa là : cùng với mày, ta tiêu tán nỗi buồn ngàn năm).

Tôi đã tham dự những cuộc rượu bè bạn ở những bản thượng Trường Sơn. ở đó, có lúc cả bốn bàn tay thi nhau nâng lấy bát rượu bị từ chối và tôi tự hỏi : Cuộc giao lưu nào đã đem đến cho họ một cử chỉ đẹp đến như thế ?

Tôi không cổ vũ cho sự uống rượu, nhưng cũng không chủ trương lấy nước lã thay rượu khi có bạn đến chơi nhà. Vấn đề là nhận thức cho đúng cái ngưỡng của sự vật : thái quá hay bất cập đều là phi - văn hóa. Văn hóa, đó chính là cái ngưỡng của sự vật.

Tôi không khuyến khích sự uống rượu, nhưng tôi cũng không muốn bỏ lỡ một cơ hội nào của sự giao lưu. Huống chi lần này có người quen của Thái Bá Vân, bạn thân của tôi lên Hà Nội mời; và mời đến một ngôi làng danh tiếng gọi là làng Vân.

Rượu làng Vân rất nổi tiếng, và hình như bay khắp một dải lãnh thổ Việt Nam. Chúng tôi xuống một chiếc thuyền, và để khỏi bị lầy lội, tôi tháo cả giày ra xách tay. Nào ngờ, khi tôi tháo giày xong vừa ngẩng lên thì con thuyền đã đến chân thềm của một ngôi nhà.

Làng Vân bị vây bọc quanh bởi nhiều con sông; và tôi nghĩ rằng đấy là một thế đất cần thiết cho sự giữ bí quyết, bởi vì cho đến nay, chưa ai bắt chước được rượu làng Vân cả. Một đoàn những cụ già y phục dáng lễ hội đứng chờ chúng tôi, vẽ thành một hàng dài vui mắt ngay trên nền chiếu hoa trải thành hai hàng trên thềm nhà; trên đó bày đủ các thức ăn để nguội chừng đã lâu do chúng tôi đến trễ. Chúng tôi rủ nhau ngồi xuống chiếu trước những chai rượu Vân trong suốt. Một người nhà bưng ra những chiếc mâm đồng vàng ánh như còn mới, trên đó có chạm hoa văn nhỏ bằng đầu kim găm, lấm chấm phủ kín cả mặt đồng. Trong mỗi mâm có một cụ già bê từng món thức ăn đặt lên mâm đồng và hạ thấp ngọn măng sông xuống (bây giờ tôi mới để ý rằng căn nhà được thắp sáng bằng đèn măng sông). Bóng tối trở nên đậm đặc hơn, và tôi không biết chủ nhà đang bày ra trò vui nào đây. Cụ già quay lại lấy một chai rượu Vân chừng một lít đổ đầy mặt đồng và châm lửa, hóa ra đó là một cách hâm thức ăn. Khoảng một tiếng, ánh lửa bốc thành ngọn đồng loạt trên những chiếc mâm đồng; ngọn lửa len lỏi qua những bát thức ăn vẽ thành những lượn sóng màu xanh biếc trên mặt thực khách. Đã lâu rồi nhưng tôi không thể nào quên bữa tiệc hôm ấy ở làng Vân, với những vết sáng xanh biếc đầy bí ẩn nhảy múa trên gương mặt của những thực khách ngồi chìm trong bóng tối; trông nó giống như một cuộc tiệc của một bộ lạc bán khai nào đó trong ánh lửa rừng trong đêm thẳm của lịch sử nhân loại. Cảm giác đằm thắm ấy kéo dài trong khoảnh khắc. Và trong không gian mà nó tạo dựng lên, tôi nghe tỏa lan một giai điệu quan họ, và "người ở đừng về" đã nói với tôi một điều gì đó, giống như một điều nguồn cội thuộc văn hóa dân tộc. Mãi cho đến lúc ánh đèn bừng sáng lên gương mặt của mọi người. Tôi ngoảnh lại nhìn. Họ đến từ bao giờ mà đông thế, những người lớn tuổi ngồi dựa tường, dựa cột im như tượng, như thể là lần đầu họ được nghe. Được nghe hát quan họ. Và những người trẻ thì hát, như thể là lần đầu tiên họ biết trao duyên với cuộc đời. Tôi tiêm nhiễm "Văn hóa làng Vân" từ dạo ấy. Sao lại có một kiểu dân cư trong sáng và vui đến vậy?! Vâng, tôi đã từng về thăm vùng quê quan họ này, dự lễ hội "đón bạn" của những người quan họ. Cảm giác đầu xuân tràn ngập cả tâm hồn tôi, lúc buổi sáng, tôi từ "nhà khách" mang thau ra giếng rửa mặt. Bỗng nhiên, từ một ngôi nhà hai tầng ở giữa đồng lúa, một đàn con gái cũng thong thả kéo ra giếng. Họ ồn ào, bạo dạn và cô nào cô ấy trông đẹp như tranh tố nữ; nghĩa là họ đẹp theo cách "con mắt lá răm, lông mày lá liễu mũi giọt mật, mặt trái xoan, cằm trái xoan, cổ cao ba ngấn, thắt đáy lưng ong" ...Tôi hỏi :

- Có phải đêm qua các cô vừa hát quan họ đón bạn ngày xuân đó chăng?

- Không

Chúng em là cán bộ trường Công đoàn Hà Bắc đấy chứ ! - Một cô đáp.

Gớm! Con gái vùng Tiên Du, Tiên Sơn này đẹp thực, cán bộ công đoàn mà mình cứ tưởng như đội văn công quan họ! "Người ơi, người ở đừng về..." Vâng, vâng trong bấy nhiêu năm, tôi đã canh cánh bên lòng cảm giác trĩu nặng về cái đêm quan họ ấy : từ một cánh rừng miền Nam tôi đã về đây, và câu hát làm tôi muốn về thêm một lần nữa...

Hà Nội, ngày 5-12-1999
Hoàng Phủ Ngọc Tường


 


Lịch sử làng Vân thông qua những câu chuyện cổ tích của bà vẫn thường kể cho cháu nghe nói rằng, "làng Vân nằm bên sông Cầu quanh năm ăm ắp nước, có nghề truyền thống nấu rượu. Nghề đã có từ lâu, lâu lắm. Ban đầu chỉ là những xóm nhỏ mọc ven bên bãi sông, sau thành làng, thành tổng. Nấu rượu đã trở thành một nghệ thuật cùng với những bí quyết mà ông tổ làng nghề đã từng căn dặn con cháu phải luôn dìn giữ chỉ riêng cho làng Vân. Khi thực dân Pháp đến làng, họ tập trung tất cả dân làng về một nhà máy ở ngay đầu làng bắt mọi người phải nấu rượu. Khi rượu thành phẩm, những con tàu theo dòng sông Cầu cập bến và chở sang nước Pháp. Rượu nếp cái hoa vàng làng Vân theo đó mà đi muôn phương...".


Rượu làng Vân từ xưa đã nổi tiếng là thơm ngon nhờ hương liệu của nếp cái hoa vàng - thứ nếp đặc biệt thơm ngon hòa cùng men rượu bí truyền của làng Vân sau 72 giờ ngâm ủ mới cho ra rượu nếp như một thứ tinh túy nhất của trời đất ban tặng cho con người. Nhưng đó là chuyện của ngày xưa. Nay làng Vân vẫn còn nấu rượu, nhưng đã chuyển sang dùng một loại nguyên liệu khác đó là sắn.


Làng Vân vì thiếu gạo, thiếu việc làm nên phải hành nghề nấu rượu sắn để bán cho những ai say chất men nồng của loài ngũ cốc nhưng cùng với thời gian, cái tên làng Vân đã trở thành thương hiệu của một loại rượu nổi tiếng khắp nước: Rượu Làng Vân. Cái thứ nước trong văn vắt và đẹp như nắng hạ được đóng vào chai này chỉ cần lắc nhẹ là thấy sủi tăm: Hàng ngàn tăm rượu xoay tròn như một cột sáng rất lâu sau mới tắt. Những người sành uống chỉ cần nhìn tăm rượu đã biết rượu đạt bao nhiêu độ, uống vào có êm hay không.


Ở cổng vào làng Vân cho đến nay vẫn còn khắc hai câu đối:


"Vân Hương Mỹ Tửu lừng biển Bắc.
Chiến công Như Nguyệt rạng trời Nam"


Ngày trước vì làng thiếu gạo nên làm rượu sắn, nhưng nay làng đã khôi phục ại nghề nấu rượu bằng gạo nếp. Rượu được nấu bằng gạo nếp thơm ngon trồng trên cánh đồng làng Vân Xá, xã Vân Hà huyện Việt Yên, cộng thêm men gia truyền bằng các vị thuốc bắc quý hiếm và nghệ thuật nấu rượu tài tình của người làng Vân. Cha truyền con nối, rượu làng Vân nhãn hiệu ‘ông tiên' nổi tiến khắp mọi miền đất nướcvà cả ỏ nước ngoài. Từ hàng trục thế kỷ qua hương vị dặc biệt của rượu làng Vân luôn được nhiều du khác chọn mua về làm quà khi lên một vùng Kinh Bắc.


D.Loan (Tổng Hợp)


 

Số lần xem: 473 bản để in
Các tác phẩm đã đăng:Trở lại - Đầu trang
Chuyện phiếm từ tiểu thuyết đến phóng sự - Nguyên Ngọc 22.11.2011
Trùng Khánh, một bài thơ hay! - Vũ Bình Lục 21.11.2011
Vũ Bão và tiếng cười triết luận - Hoài Nam 18.11.2011
Mời gửi bài cho Nguyệt san Văn Chương Ngày Nay số 5, Mừng Xuân Nhâm Thìn 2012 - Triệu Xuân 17.11.2011
Triệu Xuân thay đổi Email Address - Triệu Xuân 17.11.2011
Nguyễn Trọng Tạo và những cái mới không hề gây “sốc” - Tư liệu 15.11.2011
Còn lại những bài thơ - THANH THẢO 09.11.2011
29 hội viên mới được kết nạp HỘI NHÀ VĂN TP HỒ CHÍ MINH NĂM 2011 - PV. 08.11.2011
Nông dân vĩ đại - Vũ Bình Lục 07.11.2011
Thương nhớ nhà văn Nguyễn Khải - Triệu Xuân 06.11.2011
xem thêm »