Thụy Khuê

Phê bình văn học thế kỷ XX

Chương 8

Những nhà cấu trúc Nga

 

I- Vladimir Propp (1895-1970)

 

Chữ thuyết cấu trúc (stucturalisme) được dùng để chỉ lý thuyết ngữ học coi tiếng nói như một tổ chức tự trị có cấu trúc riêng, trong đó những liên hệ được xác định trên ba tầng: âm tố (phonème), từ tố (morphème) và câu (phrase).

Roman Jakobson (1896-1982) coi Charles Sanders Pierce (1839-1914) là một trong những người tiên phong trong sự phân tích cấu trúc ngôn ngữ. Tuy nhiên, đối với đa số giới nghiên cứu, hai người khai sinh ra cấu trúc học là Lévi-Strauss và Jakobson.

Claude Lévi-Strauss (1908-2009), cha đẻ nhân chủng học cấu trúc, đã liên kết cấu trúc ngôn ngữ với cấu trúc gia đìnhcấu trúc xã hội, trong toàn bộ xã hội loài người. Và Roman Jakobson, cha đẻ ngôn ngữ học cấu trúc, đã dùng ngôn ngữ học để phân tích toàn bộ cấu trúc thi ca. Nhất là từ khi hai ông cộng tác với nhau để giải quyết những tương quan giữa nhân chủng học và ngôn ngữ học và mổ xẻ cấu trúc bài thơ Mèo (Les chats) của Baudelaire. Jakobson viết: "Những nhà nhân chủng học, không ngừng xác định, chứng minh rằng ngôn ngữ và văn hoá liên hệ với nhau, và ngôn ngữ phải được coi như một phần tất yếu của đời sống xã hội; rằng ngữ học liên quan chặt chẽ với nhân chủng học văn hoá. Tôi không cần nhấn mạnh điểm này vì Lévi-Strauss đã nói kỹ rồi"[1].

Những lời trên đây chứng tỏ mối liên hệ chặt chẽ giữa hai nhà bác học này và chữ cấu trúc là cầu nối tư tưởng của họ và của hai ngành nghiên cứu.

Tuy nhiên, khái niệm cấu trúc là một khái niệm mở, định nghiã truyền thống của thuyết cấu trúc như ta vừa thấy, rất rộng. Ngoài ra, cũng không có một trường phái nào gọi là trường phái Cấu trúc giống như trường phái Hình thức. Jakobson, thường được xếp vào trường phái Hình thức, vì ông xuất thân từ nhóm này. Nhưng đối với chúng tôi, chính những công trình nghiên cứu của một học giả đã xác định vị trí của họ trong phái này hay phái kia.

Chúng tôi cho rằng Saussure là cha đẻ ngôn ngữ học cơ bản, còn Jakobson với những khám phá mới lạ và độc đáo về cấu trúc thơ và Propp với sự mổ xẻ giải phẫu cấu trúc cổ tích, xứng đáng vị trí tiên phong trong điạ hạt cấu trúc ngôn ngữ. Vì thế chúng tôi xếp Jakobson và Propp trong số những nhà cấu trúc đầu tiên, tương đương với Lévi-Strauss, trong địa hạt nhân chủng học cấu trúc. Bài này được chia làm hai phần: phần I viết về Propp và phần II, về Jakobson.

 

*

Vladimir Propp người Nga, gốc Đức, ban đầu ông theo ngành ngôn ngữ học, sau chuyển sang phong tục học, chuyên nghiên cứu về các phong tục cổ truyền của nước Nga. Ông làm việc tại đại học Léningrad từ năm 1932, trở thành giáo sư năm 1938 và tiếp tục dạy học cho tới sau đại chiến thứ II. Được xem là gần gũi với trường phái Hình thức, vì nhóm Jakobson dịch Propp sang tiếng Anh lần đầu.

Có thể xếp Vladimir Propp vào phái Cấu trúc, phái Ký hiệu, hay phái Hình thức đều được cả. Tác phẩm đầu tiên và tiêu biểu của Propp là cuốn Hình thái học cổ tích (Morphologie du conte) in năm 1928, tại Léningrade. Với tác phẩm này, Propp được Lévi-Strauss coi là người khai trương Cấu trúc luận (Structuralisme). Tuy đến năm 1960, Lévi-Strauss có viết bài phê bình Hình thái học cổ tích và Propp có trả lời, nội dung sự bất đồng phát xuất từ việc Propp nghiên cứu cổ tích còn Lévi-Strauss nghiên cứu thần thoại, hai loại hình khác nhau, nhưng có nhiều điểm gần cận.

Propp cho biết, sự nghiên cứu hình thái học cổ tích của ông chỉ là bước đầu, để tiến đến sự nghiên cứu nguồn gốc lịch sử truyện cổ tích, mới là mục đích chính. Tính cách giống nhau của những truyện cổ tích trên thế giới là hiển nhiên. Còn về nguồn cội của cổ tích, trong bước sơ khởi, Propp cho rằng bắt nguồn từ tôn giáo. Nếu sau này người ta tìm ra được nguồn cội đích thực của cổ tích, thì có thể giải đáp được câu hỏi: tại sao nhân loại có chung một số ý nghĩ? Như ta đã thấy trong chương 5, phần II: Jung lập luận rằng "vô thức tập thể" và những "nguyên mẫu" (archétypes) là nguyên nhân và kết quả của sự nhân loại "có chung một ý nghĩ". Vì "nguyên mẫu" được Jung định nghĩa rất mơ hồ, cho nên chúng tôi tin rằng, nếu có cái gì có thể gọi là "nguyên mẫu" thì đó chính là sự tập hợp những "mô-típ" trong cổ tích.

 

Trở lại với Propp và hình thái học, Propp là người đầu tiên dùng chữ cấu trúc một cách hệ thống và chỉ định công trình khoa học của mình là sự nghiên cứu cấu trúc cổ tích thần kỳ. Propp định nghiã hình thái học (morphologie), như sau:

"Chữ hình thái học có nghiã là khảo sát những hình thức. Trong thực vật học, hình thái học bao gồm sự khảo sát những bộ phận hình thành một cây và sự liên hệ bộ phận này bộ phận kia và với toàn thể, nói khác đi, là sự khảo sát cấu trúc của một cây.

Chưa ai nghĩ đến khái niệm hình thái học cổ tích. Trong phạm vi cổ tích bình dân, phong tục, ta có thể nghiên cứu những hình thức và sự thiết lập những quy luật tạo nên cấu trúc với độ chính xác ngang bằng khi ta khảo sát hình thái trong cơ thể học."[2]

Và ông tuyên bố mục đích: "Chúng tôi trình bày, không chỉ sự kháo sát cấu trúc hình thái học cổ tích, mà cả sự khảo sát cấu trúc hợp lý tuyệt đối đặc thù, dẫn đến những nền móng của sự khảo sát lịch sử truyện cổ tích"[3].

 

 

Quá trình khảo sát truyện cổ tích

Trong chương đầu Lịch sử của vấn đề (Histoire du problème)[4], Propp nhìn lại quá trình nghiên cứu cổ tích, mà theo ông, cho đến khoảng 1930, vẫn còn phôi thai.

Tác phẩm chủ yếu đầu tiên là Chú giải về những truyện cổ tích của anh em Grimm (Notes sur les contes des frères Grimm), của Bolte và Polivka, ba tập, Leipzig, 1913, 1915,1918. Đây là tuyển tập những truyện cổ tích, mỗi truyện có kèm theo những dị bản khác trên thế giới. Riêng tập ba, có danh sách tất cả những cổ tích thu thập được, khoảng 1200 truyện, trong đó có Nghìn lẻ một đêm (Mille et Une Nuits). Tuy nhiên những truyện cổ tích lớn, nhỏ, này, chưa bao giờ được in trọn bộ.

Theo Propp, trước khi tìm nguồn gốc truyện cổ tích, là mục tiêu sau cùng, thì phải hiểu cổ tích là gì đã. Nhưng vì cổ tích vô cùng đa dạng, nên việc đầu tiên là phải xếp loại. Thông thường, người ta chia cổ tích làm ba loại: cổ tích thần kỳ (contes merveilleux), cổ tích phong tục (contes de mœurs) và cổ tích loài vật (contes sur les animaux), đó là cách xếp của trường phái thần thoại học (école mythologique) và tác giả V.F. Miller cũng xếp theo loại này. Tuy nhiên lối này, dù hợp lý, cũng chỉ có giá trị tương đối, vì trong một truyện thần kỳ, có thể pha phong tục và loài vật. Sự phân chia này, vô tình đã dựng trên cấu trúc cổ tích, mà lúc đó người ta chưa khảo sát.

Propp không phê phán sự phân chia trên đây, nhưng ông nhận xét: Nếu chúng tôi ngần ngại, không phải là vì trong truyện cổ tích thần kỳ có hay không có các yếu tố phong tục hay loài vật, mà là vì cổ tích thần kỳ có một cấu trúc đặc biệt, và chính cấu trúc này đã quy định thể loại cổ tích thần kỳ, mặc dù ở thời đó, ta chỉ mới cảm thấy chứ chưa chứng minh rõ ràng. Mỗi nhà nghiên cứu đưa ra một bảng xếp loại, họ đã làm việc theo các cách khác nhau, mâu thuẫn với nhau và đưa ra những kết quả không chính xác. Vì vậy, Propp viết: "Sự thể như thế, bởi vì họ vô tình đã xây dựng trên cấu trúc cổ tích, lúc đó chưa được nghiên cứu, chưa được định nghiã. Sự xếp loại cổ tích, vì vậy, phải được duyệt lại toàn bộ. Nó phải diễn tả một hệ thống ký hiệu minh bạch, có cấu trúc, như trường hợp những ngành khoa học khác. Và để làm việc đó, ta phải nghiên cứu những ký hiệu này"[5].

 

Tiếp đó, Propp kể đến đề nghị của W. Wundt. Wundt chia cổ tích làm bảy thành phần, rõ ràng và đầy đủ hơn:

1- Cổ tích-ngụ ngôn thần thoại (Contes-fables mythologiques)

2- Cổ tích thuần tuý thần kỳ (Contes merveilleux purs)

3- Cổ tích-ngụ ngôn sinh vật (Contes et fables biologiques)

4- Ngụ ngôn thuần túy loài vật (Contes pures sur les animaux)

5- Cổ tích về "nguồn gốc" (Contes "sur l'origine")

6- Cổ tích ngụ ngôn trào phúng (Contes et fables humoristiques)

7- Ngụ ngôn luân lý (Fables morales)

Wundt đã chia cổ tích theo thể loại.

Cổ tích có một đặc điểm: Những phần chính của một truyện có thể đem sang truyện khác mà không cần thay đổi. Quy luật hoán vị này rất đặc biệt, và là một tính chất riêng của cổ tích.

 

Một lối xếp loại nữa là phân chia theo chủ đề. R.M. Volkov, 1924[6], cho rằng cổ tích thần kỳ có thể có 15 chủ đề, như sau:

1-Kẻ vô tội bị đuổi bắt. 2-Truyện thằng khờ. 3-Truyện ba anh em. 4-Anh hùng đánh nhau với rồng. 5-Tìm ý trung nhân. 6-Gái trinh hiền hậu. 7-Nạn nhân sự mê hoặc hay sự trù yểm. 8-Kẻ có bùa. 9-Kẻ có phù phép. 10-Người đàn bà ngoại tình. v.v.

Chủ đề 1, xác định theo tình tiết câu chuyện. Chủ đề 2, theo tính khí của nhân vật chính. Thứ 3, theo con số nhân vật. Thứ 4, theo một màn hành động, v.v. Vì thế sự phân chia theo chủ đề của Volkov không có tính thống nhất, và không giúp gì thêm cho việc nghiên cứu cổ tích.

 

Propp kể đến một cách khác, là sự mô tả cổ tích. A.N. Veselovski, 1913, đưa ra hai vấn đề:

- Đằng sau mỗi chủ đề là một tổ chức mô-típ (motif) phức tạp.

- Một mô-típ có thể đưa vào nhiều chủ đề khác nhau.

Mô-típ, theo Veselovski, là yếu tố đơn giản nhất trong truyện, ví dụ: "người cha có ba con trai" là một mô-típ, "cô gái đẹp ra khỏi nhà" là một mô-típ, "Ivan đánh nhau với rồng" là một mô-típ. Nếu những mô-típ này không thể phân chia được nữa thì ta có thể làm bảng liệt kê các mô-típ, nhưng lại có những trường hợp mô-típ phức tạp hơn, tỷ dụ: "Con rồng bắt con gái của vua". Mô-típ này có thể chia làm bốn và mỗi phần lại có thể thay đổi: Con rồng có thể thay bằng ngọn gió, con quỷ, con đại bàng, hay tay phù thuỷ. Bắt có thể thay thế bằng ma cà rồng hút máu hay các kiểu mất tích xẩy ra trong các truyện cổ tích. Con gái có thể thay thế bằng em gái, ý trung nhân, vợ, mẹ. Vua có thể thay thế bằng hoàng tử, người nông dân, hay vị trưởng giáo.

Vì vậy, phương pháp của Veselovski, cũng có cái khó khăn riêng. Nhưng Propp sẽ sử dụng khái niệm mô-típ của Veselovski trong phần nghiên cứu của mình.

 

J. Bédier, 1893, tìm cách diễn tả bằng cách giản lược. Theo Propp, Bédier là người đầu tiên nhận thấy ở truyện cổ tích, có một mối liên hệ nào đó giữa những giá trị bất biếngiá trị thay đổi. Bédier gọi những giá trị cốt yếu và bất biến là yếu tố (éléments), và chỉ định bằng chữ Hy Lạp oméga (ω). Còn những giá trị thay đổi, được ông chỉ định bằng những chữ la tinh khác. Ví dụ, một truyện cổ tích được Bédier viết giản lược thành công thức như sau: ω+a+b+c. Một truyện khác: ω+a+b+c+n, hay một truyện khác nữa: ω+l+m+n, v.v.

Nhưng ý tưởng cơ bản và đúng đắn này của Bédier lại vấp phải khó khăn là không xác định được một cách chính xác oméga (ω).

Propp sẽ giữ lại và mở rộng hai điểm chính trong phương pháp của Bédier là:

- Nguyên tắc biệt lập các yếu tố

- Và sự phân biệt các giá trị bất biến và các giá trị thay đổi.

Theo Propp, trước đây, người ta không chú ý lắm đến việc mô tả cổ tích, coi như việc này là xong rồi. Phải đến khoảng 1920-1930, thì ý niệm cần có sự mô tả chính xác cổ tích mới lan rộng. Còn vấn đề hình thức truyện cổ tích, đã được các học giả Bédier, Veselovski đề ra, nhưng không ai bổ sung và đào sâu.

Vì vậy, đối với Propp, trước khi nghiên cứu lịch sử cổ tích, thì phải nghiên cứu cấu trúc của tất cả các bình diện cổ tích trước tiên. Và sự nghiên cứu quy pháp hình thức (légalités formelles) xác định trước sự nghiên cứu quy pháp lịch sử. Tóm lại, sự nghiên cứu các quy luật cấu trúc cổ tích là quan trọng hơn cả.

 

Về sự mô tả cổ tích, Propp nhắc đến những tìm kiếm của Volkov năm 1924, trong cuốn sách Cổ tích đã kể ở trên, Volkov đề nghị một phương pháp mô tả như sau:

Chia truyện cổ tích thành những mô-típ. Những yếu tố sau đây được gọi là mô-típ: tính khí nhân vật (tỷ dụ: hai người con rể khôn ngoan, người thứ ba khờ); số lượng nhân vật (ba anh em); hành động của nhân vật (đánh rồng); đồ vật có tác dụng (bùa, ngải), v.v.

Mỗi mô-típ sẽ được chỉ định bằng một ký hiệu, gồm một chữ và một con số (thí dụ C1; B7), hay một chữ và 2 con số. Những mô-típ giống nhau có cùng một chữ nhưng mang số khác nhau. Theo Volkov, mỗi truyện cổ tích có độ 250 mô-típ. Sau khi đã tách biệt những mô-típ, Volkov chép lại cổ tích dưới công thức theo ký hiệu ở trên và so sánh những công thức này với nhau. Sự ghi chép này chiếm trọn quyển sách, mà chỉ tìm ra một kết luận duy nhất là xác định những truyện cổ tích tương tự giống nhau, điều này hầu như mọi người đều đã biết rồi.

 

Vì vậy, theo Propp, vấn đề truy tìm nguồn gốc cổ tích từ đâu đến vẫn chưa giải quyết, mặc dù chắc chắn có những quy luật về sự ra đời, sự hình thành và sự mở rộng địa bàn cổ tích trên thế giới. Một điều ông chắc chắn và quả quyết là khi chúng ta không biết rõ hình thái học về truyện cổ tích thì mọi cố gắng đi xa hơn nữa để tìm đến nguồn gốc cổ tích là vô ích. Bởi vì khi ta không biết rõ cách phân tích một cổ tích theo những thành phần xây dựng, ta không thể so sánh cổ tích nước này với nước kia, và không thể hiểu tại sao chúng lại giống nhau, ví dụ, mối liên hệ giữa cổ tích Ấn Độ và Ai Cập, giữa truyện ngụ ngôn Hy Lạp và ngụ ngôn Ấn Độ. Tiếc rằng khi viết bộ sưu tập truyện cổ tích Việt Nam, Nguyễn Đổng Chi đã không có điều kiện đọc Propp, cho nên việc làm của ông chỉ có tính cách kê khai, mà không có tính cách nghiên cứu khoa học.

 

 

Hình thái học của Propp

Công việc của Propp đối với cổ tích cũng tương tự như công việc của Lévi-Strauss đối với thần thoại và của Jakobson đối với thơ.

Hướng đầu tiên của Propp là tìm hiểu cấu trúc hình thức các truyện cổ tích thần kỳ (contes merveilleux) để sẽ dùng chúng trong bối cảnh khảo sát lịch sử, đi từ sự khảo sát cổ tích Nga.

Trước hết, Propp xác định và tách biệt những yếu tố bất biến, và những yếu tố thay đổi, trong cấu trúc cổ tích: Những yếu tố thay đổi trong cổ tích là tên nhân vật (ông hoàng, ông vua; bà tiên, bà mụ, phật bà; mụ phù thuỷ, con quỷ, v.v.) còn hành động của các nhân vật lại bất biến (người anh hùng cứu khốn phò nguy, phù thuỷ bắt cóc, bà tiên cứu độ...).

Hành động của nhân vật sẽ được Propp gọi là chức năng (fonction) của nhân vật.

chức năng là yếu tố quan trọng nhất trong cổ tích.

Các nhân vật (trong các cổ tích khác nhau) thường có hành động hay chức năng giống nhau. Vì vậy, khảo sát cổ tích là khảo sát chức năng của các nhân vật.

Chính chức năng của nhân vật xây dựng nên cổ tích.

Những chức năng được lập đi lập lại một cách bất thường.

Chức năng của Propp, tương đồng với mô-típ của Veselovski và yếu tố của Bédier.

Điểm chính trong khảo sát là để biết nhân vật làm gì, còn làm như thế nào là việc phụ.

 

Hành động hay chức năng của nhân vật xác định nhân vật: Người ác làm việc ác. Người thiện làm việc thiện. Chức năng của Lục Vân Tiên là cứu người, vì Vân Tiên là người hùng nên mới có hành động cứu Kiều Nguyệt Nga. Và hành động cứu người của Vân Tiên trong truyện Lục Vân Tiên là yếu tố xây dựng nên tác phẩm Lục Vân Tiên.

 

 Propp xác định 4 nguyên tắc xây dựng truyện cổ tích:

1- Những yếu tố thường trực, không thay đổi, của cổ tích là những chức năng (fonctions) hay hành động của các nhân vật. Những chức năng này xây dựng nên tác phẩm.

2- Mỗi truyện cổ tích đều có một số chức năng nhất định.

3- Trong truyện cổ tích, các chức năng của nhân vật luôn luôn tiếp nối theo một trình tự duy nhất đã vạch sẵn.

4- Tất cả các truyện cổ tích thần kỳ đều có chung một cấu trúc.

 

Sau khi đã xác định bốn nguyên tắc xây dựng cổ tích. Propp khảo sát chức năng, tức là yếu tố chính của cổ tích và ông tìm thấy tất cả 31 chức năng trong cổ tích của nhân loại.

 

Đầu tiên hết, vào truyện, bao giờ cũng có phần giáo đầu, mô tả hoàn cảnh, gia thế, nhưng phần này chưa được gọi là chức năng. Chưa được đánh số. Thí dụ:

Có người ở quận Đông Thành

Tu nhân tích đức sớm sinh con hiền

Đặt tên là Lục Vân Tiên

Tuổi vừa hai tám nghề chuyên học hành (Lục Vân Tiên)

Hoặc:

Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh

Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng

Có nhà viên ngoại họ Vương

Gia tư nghỉ cũng thường thường bậc trung (Kiều)

 

Nhờ những khám phá của Propp, khi khảo sát KiềuLục Vân Tiên, chúng ta sẽ thấy cả hai tác phẩm này đều có cấu trúc cổ tích. Điều này dẫn đến kết luận: Truyện Kiều, nguyên bản chữ Hán đầu tiên, đã được tác giả viết lại một chuyện có thực theo nguyên tắc cổ tích. Và giải thích hiện tượng tại sao toàn thể quần chúng bình dân lại yêu chuộng Kiểu và Lục Vân Tiên mặc dù Kiều là một áng văn chương bác học.

Điểm này rất quan trọng cho việc nghiên cứu những hành động, những tình tiết, những nhân vật trong Kiều, và có thể nói, ngoài giá trị văn chương trác tuyệt, tác phẩm của Nguyễn Du còn là một truyện "cổ tích" phổ quát lớn lao của nhân loại, vì nó bao trùm lên mọi hoàn cảnh, mọi động tác của con người. Chúng tôi sẽ đào sâu vấn đề này, trong dịp nghiên cứu truyện Kiều.

Trở về sự nghiên cứu của Propp, sau phần giáo đầu, đến phần nghiên cứu các chức năng của cổ tích. Propp khai phá và xếp loại 31 chức năng trong toàn bộ cổ tích của loài người như sau:

 

1- Cách ly: Có nhiều lý do gây cách ly: ví dụ như một người trong gia đình phải đi xa, hoặc chết, hay người chủ gia đình phải về quê chịu tang bố, hoặc người mẹ sai đứa con vào rừng kiếm củi v.v.

2- Cấm kỵ (hay dặn dò): Sự cấm kỵ ở đây phải hiểu theo hai chiều: có thể là nhân vật bị cấm làm một điều gì đó hoặc bị bắt buộc phải làm một việc gì đó. Ví dụ trước khi đi đốn củi những chú lùn dặn Bạch Tuyết không được mở cửa cho ai vào nhà. Hoặc một nhiệm vụ gì đó như người mẹ dặn con phải vào rừng kiếm củi, hoặc người mẹ trước khi đi vắng, ra điều kiện: đi chơi phải về đúng giờ v.v. Hầu như truyện cổ tích nào cũng đi theo tiến trình như vậy: tức là cách ly trước rồi mới tới dặn dò cấm kỵ sau.

3- Vượt cấm kỵ (hay là không vâng lời): Dặn cấm mở cửa cho người lạ, nhưng cứ mở. Bảo phải về đúng giờ thì lại đi chơi về muộn, v.v. Vì sự không vâng lời này mới sinh ra cơ sự.

4- Dò la: Kẻ gian lén dò hỏi để tìm một số thông tin. Ví dụ: người mẹ đi vắng, kẻ gian đến hỏi đứa nhỏ: mẹ cháu đi đâu? v.v.

5- Tin tức: Kẻ gian nắm được một số thông tin. Ví dụ: hắn biết con gà nhà này đẻ ra trứng vàng, v.v.

6- Lường gạt: kẻ gian tìm cách đánh lừa để chiếm hữu vật báu.

7- Đồng loã: nạn nhân bị lừa và đôi khi chính mình là đồng loã giúp cho kẻ gian lừa mình mà không biết.

8- Tai họa: Kẻ gian làm hại hoặc vu oan gieo họa. (Ở đây Propp liệt kê và phân tích 19 hình thức gieo họa cho người).

9 Toan tính: Tai họa đến, phải cầu cứu. Và lúc đó nhân vật chính, tức người hùng xuất hiện (Propp đưa ra 8 tình thế khác nhau). Nên phân biệt hai thứ nhân vật chính: nhân vật chính-nạn nhân như người đẹp, công chúa, Kiều, Kiều Nguyệt Nga... và nhân vật chính-anh hùng như hoàng tử, tráng sĩ, Từ Hải, Lục Vân Tiên...

10- Phản hồi: Người hùng chấp nhận ra tay.

11- Khởi hành: Người hùng lên đường (đồng thời ân nhân xuất hiện).

12- Chức năng thứ nhất của ân nhân: thử thách khí phách của người hùng trước khi trao vật báu (Propp đưa ra và phân tích10 trường hợp thử thách).

13- Phản ứng: của người hùng trước thử thách của ân nhân (10 trường hợp phản ứng).

14- Người hùng nhận báu vật (Propp trình bày 10 tình thế với những kết hợp khác nhau của các tình thế).

15- Di chuyển: Người hùng được dẫn đến nơi hành sự. Có thể di chuyển trong không gian (như bay) từ nước này sang nước khác.

16- Giao tranh: Người hùng chiến đấu với kẻ gian (có thể là quái vật, rồng rắn, mãng xà).

17- Dấu ấn. Dấu ấn ở đây có thể là thương tích hay là phù hiệu công chúa ban cho trước khi lâm trận.

18- Chiến thắng: kẻ gian bị thanh trừng.

19- Phục hồi: Tai họa được đền bồi (11 hình thức đền bồi).

20- Trở về: Người hùng trên đường về.

21- Đuổi theo hãm hại: Kẻ gian đuổi theo để báo thù.

22- Thoát nạn: Người hùng được cứu thoát hoặc tự thoát (10 trường hợp giải thoát).

23- Ẩn danh trở về: Người hùng lần này muốn tránh tai vạ, dấu tên để trở về nhà hoặc chạy sang một nước khác.

24- Mạo danh: Người hùng giả mạo xuất hiện, muốn cướp công.

25- Nhiệm vụ khó khăn: Để phân biệt giả thiệt, người ta đề nghị người hùng làm một nhiệm vụ khó khăn.

26- Hoàn thành nhiệm vụ.

27- Thừa nhận: Người hùng được nhận diện một lần nữa.

28- Phát giác: Kẻ giả mạo, hoặc kẻ gian ác, bị vạch mặt chỉ tên.

29- Thay đổi diện mạo: Nhân vật chính (người hùng hoặc nạn nhân) đổi lốt: hiện nguyên hình hoàng tử đẹp trai hoặc công chúa sắc nước hương trời.

30- Đền tội: Kẻ mạo danh hay kẻ gian ác phải đền tội.

31- Đám cưới: Người hùng cưới công chúa và lên làm vua.

 

Một truyện cổ tích hoàn chỉnh có thể có đầy đủ cả 31 yếu tố chức năng liệt kê trên đây. Nhưng không phải truyện cổ tích nào cũng như thế. Có truyện chỉ dùng đến một số chức năng trong số 31 mà thôi: hoặc lập lại, hoặc bỏ đi một số chức năng khác. Nhưng các chức năng luôn luôn, được sắp xếp theo trình tự kể trên.

Kiều tập hợp nhiều "chức năng" hay "mô-típ" cổ tích, trong những chương đoạn khác nhau, người đọc tinh ý có thể nhận ra rất nhiều yếu tố, trong số 31, được kê khai trên đây, trong toàn cảnh truyện, từ đầu đến cuối: Cảnh gia biến. Cảnh dò la. Cảnh chia lià. Cảnh bị lừa... cho đến khi Từ Hải, người hùng xuất hiện và cuối cùng Giác Duyên cứu độ... Nhân vật chính nạn nhân là Kiều, nhân vật chính người hùng là Từ Hải.

 

Mỗi nhân vật trong cổ tích bị khoanh tròn trong một số chức năng: kẻ ác làm việc ác, dò la, vu oan giéo họa, rình mò hãm hại (Khuyển, Ưng, Tú Bà, Mã Giám Sinh...) Ân nhân thường là các bà tiên, bà sư (Giác Duyên), thử thách và ban báu vật. Người đẹp (Kiều) thường là nạn nhân, bị bắt, bị lừa, mà người anh hùng (Từ Hải) có bổn phận phải giải cứu.

Truyện cổ tích là một thực thể bao gồm những chu kỳ của một số chức năng, diễn đi diễn lại. Phân tích những cách kết hợp khác nhau giữa các yếu tố thay đổi và bất biến trong truyện, người ta có thể phân biệt được các nhóm khác nhau trong các thể loại cổ tích. Đồng thời các sự thay đổi trong cổ tích luôn luôn có nguyên do đi đôi với một biến cố trong đời sống xã hội, tôn giáo, chính trị. Vì vậy khi nghiên cứu và đào sâu một vấn đề trong cổ tích, tìm được nguyên nhân, người ta có thể vẽ lại diện mạo xã hội trong thời điểm mà cổ tích ra đời hoặc cổ tích đổi dạng. Những nước như nước ta, rất yếu kém về việc viết sử và sự nghiên cứu lịch sử, nhất là thời kỳ phôi thai lập quốc, có thể dựa vào sự nghiên cứu những truyện cổ tích trong Lĩnh Nam Chích Quái, Việt Điện U Linh, để tìm hiểu sâu hơn về xã hội và con người chúng ta thời cổ.

Vadimir Propp đã đưa ra một phương pháp khảo sát truyện cổ tích bằng cách mổ xẻ thân xác của cổ tích để nhìn rõ từ bên trong, trình bày cho chúng ta biết cấu trúc cổ tích như thế nào. Vì thế, Lévi-Strauss, cha đẻ nhân chủng học cấu trúc, đã coi Propp như người mở đường cho khuynh hướng cấu trúc. Ký hiệu học cũng coi Propp là một trong những nhà ký hiệu tiên phong, bởi vì Propp đã khảo cứu cổ tích như một hệ thống ký hiệu riêng, trong lòng hệ thống ký hiệu chung của ngôn ngữ. Sau cùng, Propp đã nhiên cứu hình thức cổ tích bằng phương pháp giải phẫu hình thái học, vì vậy cũng có thể coi ông là một nhà hình thức.

 

Thụy Khuê


 

[1] Roman Jakobson, Luận về ngôn ngữ học đại cương (Essais de linguistique générale) tập I, Minuit, 1963, t. 27.

[2] Vladimir Propp, Hình thái học cổ tích (Morphologie du conte), bản dịch sang tiếng Pháp của Marguerite Derrida, Tzvetan Todorov và Claude Kahn, Seuil, 1965, 1970, t. 6.

[3] Morphologie du conte, t. 7.

[4] Morphologie du conte, t. 9-27.

[5] Morphologie du conte, t. 13.

[6] Volkov, Cổ tích, nghiên cứu về sự thành lập chủ đề trong cổ tích bình dân, (Le conte, Recherches sur la formation du sujet dans le conte populaire), Odessa, 1924.

 

 


© 1984-2016 Thụy Khuê